Một trong các người viết tiểu sử về Thánh
Ambrôsiô nói rằng: vào ngày Phán Xét Chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những
người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài. Thánh Ambrôsiô nổi
tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng đến đời sống của những
người cùng thời.
Vào năm 33 tuổi, Thánh Ambrôsiô đã có tất
cả mọi sự -- một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong
chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với
hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.
Và rồi vị giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374,
nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội. Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống
lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị -- người
Công Giáo hay người của phe Arian? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh
đường và một cuộc bạo động xảy ra.
Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm
của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên
tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân
chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải
xô xát.
Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người
hô to, "Bầu Ambrôsiô làm giám mục!" Thế là tất cả mọi người đều đồng
thanh, "Ambrôsiô là giám mục!"
Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui
mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này. Nhưng Ambrôsiô không dễ hy
sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy
hiểm -- một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo. Bởi thế
Ambrôsiô bỏ trốn. Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói
trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui
mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục. Ambrôsiô trốn
tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết
quyết định của hoàng đế.
Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô
ra đầu hàng. Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai
ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy
nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình
dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.
Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám
mục "của họ" vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều
người trong chính quyền đều thuộc phe Arian. Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường
của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở
nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc. Tính ngoan cố
của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí
trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh
thiện.
Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt
nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của
mình để chuộc. Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy. Ngay cả
các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc. Ngài nói,
"Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản. Ðức Kitô đã
sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc
để thành lập Giáo Hội của Người. Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích
trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn."
"Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: 'Tại
sao con lại để quá nhiều người nghèo đói? Vì con có vàng bạc, con phải cấp
dưỡng cho họ'& Có thể nào chúng ta trả lời rằng: 'Vì con không muốn để đền
thờ của Chúa không được trang hoàng.' Nhưng những gì không mua được bởi vàng
bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc. Phương cách tốt nhất để sử dụng
vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn."
Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến
người nghèo hơn là quyền lực. Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên
người nghèo: "Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả
những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu
chung của tất cả mọi người. Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối
với thiên nhiên như bạn? Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn,
nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ. Trái đất thuộc về
tất cả mọi người. Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn
huệ."
Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina,
một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi. Maximus,
một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc
nên dự định tấn công. Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này. Mặc dù Justina
là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được
Maxima ngừng xâm lăng.
Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina
lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe
Arian. Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên
Chúa.
Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục
Ambrôsiô. Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina. Nhưng
ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân
chúng.
Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh
mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình
xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy
cảnh máu chảy thịt rơi. Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến
giải thoát cho vị linh mục Arian này.
Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con
mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không
được chống đối người Arian. Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với
một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.
Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức
Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ. Cả giáo đoàn, vì lo sợ
cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục
Ambrôsiô. Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để
dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng. Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả
mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.
Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức
Giám Mục Ambrôsiô nói, "Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ
bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực."
Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức
Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác. Ngài chia cộng
đoàn làm hai bên để đối đáp. Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận
trong lịch sử Giáo Hội.
Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn
bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính. Không bao
lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa. Sự vây hãm chấm dứt.
Vì biết quân triều đình đang tập trung vào
việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công
Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi. Không biết trông vào ai, sau cùng họ
lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa. Họ xin Ðức Giám Mục
Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.
Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ
lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù. Khi Maximus từ
chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị. Justina và hoàng tộc trốn sang
Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ. May mắn thay, vị hoàng
đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus. Tuy nhiên, sau
đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma. Theodosius là
người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục
Ambrôsiô.
Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần năm 397,
khoảng 57 tuổi. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng Mười Hai, là ngày ngài
"bị" tấn phong giám mục.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét