HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II:ĐỨC MARIA DẤU CHỈ CỦA GIÁO HỘI



Chương 25
ĐỨC MARIA NHƯ  LÀ DẤU CHỈ CỦA GIÁO HỘI
Theo cuốn "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle. Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ (NGUỒN: nguoitinhuu.com)

Tôi thường chạy bộ với người bạn. Nhưng khi chạy bộ một mình, tôi lần chuỗi mai khôi.

Kinh mai khôi là một chuỗi kinh mà hầu hết đề cập đến Đức Maria. Theo truyền thống các kinh này được đọc khi vừa đếm chuỗi hạt.

Tôi không mang theo tràng hạt. Tôi dùng các ngón tay vì thuận tiện. Tôi bắt đầu với kinh Tin Kính, sau đó là kinh Lậy Cha và ba kinh Kính Mừng. Và rồi trong mỗi một chục kinh của tràng hạt năm chục tôi đọc một kinh Lậy Cha, mười kinh Kính Mừng, và một kinh Sáng Danh. Trong khi thầm lặng đọc kinh, tôi suy niệm về các mầu nhiệm của chuỗi mai khôi. Có ba bộ khác nhau: Vui, Thương, và Mừng. Mỗi lần chạy tôi chỉ suy niệm về một bộ. Tôi kết thúc với kinh Lậy Nữ Vương.

Tôi học lần chuỗi khi còn nhỏ. Khi ở tuổi thiếu niên, tôi tẩy chay việc lần chuỗi cũng như không còn gắn bó với đức tin. Khi ở lứa tuổi hai mươi, tôi lần chuỗi trở lại và đó cũng là lúc tôi quý mến đức tin của mình. Tôi có những tâm tình nửa chừng về chuỗi mai khôi. Tôi khởi sự lần hạt bởi chú ý đến việc cầu xin Đức Maria giúp đỡ và ban ơn cho tôi. Tôi coi chuỗi mai khôi như thể đó là một công thức có phép thần diệu. Có lúc tràng hạt làm tôi bối rối (dù tôi luôn lần chuỗi thầm lặng khi chạy bộ). Có lần tôi đã giận dữ ném tràng hạt vào ngăn kéo và đóng sầm lại. Cho đến bây giờ, tôi thích đọc kinh mà không có tràng hạt.

Chính lời kinh thì khác. Với tôi, lời kinh ngày càng ít tính cách bùa chú kỳ diệu và tôi ngày càng suy niệm sâu xa hơn về đời sống của tôi trong sự tương giao với Đức Maria và giáo hội. Chuỗi mai khôi làm tôi khuây khỏa vì giúp tôi nhớ lại quá khứ của chính mình. Nó thách đố tôi vì đưa tôi liên hệ với lời kinh đã có truyền thống lâu đời mà tôi chia sẻ với người khác. Khi bắt đầu đọc kinh, tôi tập trung chú ý đến nghĩa của chữ. Nhưng khi bước vào các chục kinh, tôi bắt đầu suy niệm. Những lời kinh âm thầm vang dội trong ý thức tôi như lời tụng niệm. Tôi suy nghĩ về kinh thánh và các biến cố của mỗi một mầu nhiệm, nhưng đồng thời tôi suy nghĩ về những sự việc trong đời sống hàng ngày của tôi trong sự tương giao với các biến cố ấy. Tôi nhìn lại các mối tương giao của tôi, đời sống làm việc, mục tiêu cá nhân, cảm xúc, và những quyết định sắp tới khi tôi khảo sát điều mà tôi nghĩ là "động lực" trong mỗi câu chuyện.

Tỉ như câu chuyện Tìm Thấy Giêsu trong Đền Thánh. "Mầu nhiệm vui" này ám chỉ đến câu chuyện trong phúc âm Luca 3:41-52 mà cha mẹ của Giêsu đã đi tìm cậu ba ngày và sau cùng họ tìm thấy cậu đang giảng dậy trong đền thờ. Tôi có chiều hướng đồng ý với các nhà chú giải kinh thánh khi nghi ngờ tính cách lịch sử của biến cố đặc biệt này. Điều quan trọng đối với tôi là các động lực của câu chuyện. Qua các biến cố quan trọng trong đời, tôi có thể đặt mình vào vị trí của cậu bé Giêsu, là người đã nói rằng phải lo cho công việc của Chúa Cha trước. Tôi biết mình được mời gọi để thi hành những gì phải thi hành, dù đôi khi gây ra đau khổ cho người khác.

Tôi cũng đặt mình vào vị trí của bà Maria và ông Giuse. Khi mất con trong ba ngày thì điều đó như thế nào? Có lần tôi lạc đứa con trai trong một trung tâm thương mãi khoảng hai mươi phút. Tôi thực sự khổ tâm và hoảng sợ. Tôi thấy biết bao điều trong đời sống vượt khỏi tầm kiểm soát của mình. Tôi thấy có nhiều điều, thường là đau khổ, mà mình phải chấp nhận trong đời sống. Tôi nghĩ về niềm vui khi tìm lại được đứa con. Tôi nghĩ về các mục đích, hoàn cảnh, và những tương giao trong cuộc đời mà tôi đã đánh mất và tìm lại được, đó là những gì mà tôi cần phải đau buồn và hân hoan.

Điều tôi viết trên đây chỉ là sơ qua về ý nghĩa của chuỗi mai khôi đối với tôi. Tuy nhiên tôi có thể viết nhiều điều về Đức Maria hơn là viết về chuỗi mai khôi. Đức Maria là một phần quan trọng trong đức tin của tôi khi còn nhỏ. Khi yêu quý đức tin trở lại, tôi quay về với Đức Maria. Lúc đầu tôi liên hệ với Đức Maria trong một phương cách thiếu trưởng thành. Thí dụ, có lần tôi đọc một chuỗi kinh mà một cuốn sách mỏng đảm bảo rằng ai đọc các kinh ấy sẽ được cứu chuộc nhờ Đức Maria và Chúa Giêsu đến với họ mười lăm ngày trước khi chết. Cuốn sách ấy giờ đây nằm tận đáy ngăn kéo, thật xa bên dưới chuỗi mai khôi (mà đúng ra tràng hạt ấy không đáng phải như vậy). Qua nhiều năm, tôi ngày càng quý mến Đức Maria vừa như một nhân vật lịch sử thật truyền cảm mà Kinh Thánh đã làm chứng và vừa như một dấu hiệu của giáo hội.

Giáo hội Công Giáo là một tập thể cùng đồng hành với Đức Maria tương tự như cảm nghiệm của chính tôi. Trước thời Công Đồng Vatican II, thật khó để coi thường tầm quan trọng của Đức Maria trong giáo hội. Đôi khi người Công Giáo chúng ta đã quá chú ý đến Đức Maria hơn cả Thiên Chúa. Không chỉ có chuỗi mai khôi nhưng còn cả các cuộc rước kiệu, ảnh đeo cổ, thánh ca, và nhiều loại cầu nguyện và việc đạo đức để vinh danh Đức Maria.

Tuy nhiên sau công đồng, người Công Giáo dường như đưa Đức Maria vào hộc tủ trong một thời gian. Đối với nhiều người, việc sùng kính Đức Maria dường như là dị đoan và thiếu tính cách đại kết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giáo hội đã coi việc sùng kính Đức Maria như một kho báu được đánh bóng lại như mới. Phương cách đến với Đức Maria được dựa vào kinh thánh và hướng về Chúa Kitô nhiều hơn, chú ý hơn đến các khía cạnh biểu tượng và khả năng đại kết của Đức Maria.

Trong Chương Này

Chương này sẽ khảo sát về cách giải quyết của Lumen Gentium đối với Đức Maria, với một số nhận xét về chức năng của Đức Maria trong sự tương quan với Thiên Chúa và giáo hội. Chương này liên hệ với chương 8 của Lumen Gentium.

Một Chương Cần Thiết

Trong Công Đồng Vatican II có cuộc tranh luận rằng chương nói về Đức Maria phải là một phần của văn kiện Lumen Gentium hoặc đứng riêng. Một số muốn chương này đứng riêng vì họ cảm thấy nó sẽ nêu bật sự quan trọng của Đức Maria. Những người khác muốn chương này ở ngoài văn kiện Lumen Gentium vì họ cảm thấy rằng việc chú ý đến Đức Maria sẽ làm lệch đi chiều hướng đại kết của văn kiện. Phần lớn nghĩ rằng chương nói về Đức Maria phải được bao gồm trong Lumen Gentium vì thật thích hợp để nêu bật vai trò Đức Maria như một phần thiết yếu của giáo hội. Đức Gioan Phaolô II, là một giám mục trong công đồng, lý luận rằng chương về Đức Maria phải ở ngay đầu văn kiện để nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Đức Maria trong giáo hội.

Chương ngắn về Đức Maria được chia làm năm đoạn. Đoạn I nhấn mạnh rằng Đức Maria thì thực sự là Mẹ Thiên Chúa, và vì vậy, tuy ngài là một trong các tạo vật, ngài giữ một vị thế đặc biệt ở thiên đàng và dưới đất. Ngài được vinh dự "với tình con thảo và mến mộ như người mẹ đáng yêu quý nhất" (LG, 53). Ngài góp phần thiết yếu trong mầu nhiệm cứu độ mà được kéo dài giáo hội.

Đoạn II phác họa bản chất đặc biệt của vai trò Đức Maria trong lịch sử cứu độ. Cũng như các đoạn khác trong Lumen Gentium, đoạn này dựa vào nhiều tham khảo Kinh Thánh và thận trọng sử dụng ngôn ngữ biểu tượng. Đoạn này nói về Đức Maria đã được báo trước trong Cựu Ước như thế nào, về sự vô nhiễm nguyên tội, về sự trung thành chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, về sự thụ thai Đức Giêsu cách trinh trắng, về hành trình đức tin, về vai trò của ngài trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, về sự sầu khổ dưới chân thập giá, về sự hiện diện của ngài trong ngày khai sinh giáo hội vào ngày lễ Ngũ Tuần, về việc hồn xác lên trời, và về sự tán dương ngài sau cùng. Trong toàn thể đoạn này, sự tương giao giữa Đức Maria và Đức Giêsu được nêu bật.

Điều được nhấn mạnh đặc biệt trong đoạn II là lời xin vâng của Đức Maria khi ngài trả lời thiên thần trong biến cố Truyền Tin. Sự tự do chấp nhận thánh ý Chúa của Đức Maria thì trái ngược với sự bất tuân phục của Evà. Khi một phụ nữ có liên hệ đến sự Sa Ngã thì một phụ nữ khác lại ở tâm điểm của tiến trình cứu độ. Như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu chấp nhận thánh ý Thiên Chúa hơn là ý riêng mình, Đức Maria cũng để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện. Sự trung tín, can đảm quyết định của Đức Maria là tâm điểm của đức tin Kitô Giáo.

Đoạn III trực tiếp khảo sát sự liên hệ giữa Đức Maria và giáo hội. Tuy nhiên, trước đó, đoạn này dành nhiều thời giờ đề cập đến địa vị tương đối của Chúa Kitô và Đức Maria. Vì mục đích đại kết, đoạn này nhấn mạnh nhiều rằng Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất và Đức Maria lệ thuộc Chúa Kitô. Trong mạch văn này, thật thích hợp để vinh danh Đức Maria như một tạo vật cao hơn tất cả tạo vật khác, với những danh hiệu truyền thống tỉ như "Trạng Sư, Đấng Phù Trợ, Nữ Trợ Tá và Nữ Trung Gian" (LG, 62).

Giáo Hội Giống Đức Maria Thế Nào
Người Mẹ: đưa con cái đến sự sống đời đời
Trinh Nữ: vẫn trung thành với hôn phu trong đức ái.

Những hình ảnh chính mà đoạn này dùng để liên hệ Đức Maria với giáo hội là hình ảnh người mẹ và trinh nữ. Giáo hội là một người mẹ đưa mọi con cái đến với sự sống mới và bất diệt qua bí tích rửa tội và Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, như Đức Maria đem sự sống cho Đức Giêsu, thì mỗi người chúng ta được sinh ra cách mới mẻ qua giáo hội, mẹ của chúng ta. Như Đức Giêsu sống một cuộc đời hoàn toàn ơn sủng, thì giáo hội mở ra cho chúng ta đời sống ơn sủng và con đường cứu độ. Giáo hội là một trinh nữ luôn trung thành với Đức Kitô, hôn phu của giáo hội. Giáo hội "với sự trinh trắng toàn thể đức tin, giữ vững niềm hy vọng và đức ái chân thành"(LG, 64).

Hai hình ảnh về Trinh Nữ và Mẹ được khảo sát sâu rộng hơn trong đoạn này. Khi gọi Đức Maria là dấu hiệu của giáo hội, văn kiện liên kết sự vâng phục, sự chung thủy của Đức Maria với ơn gọi của toàn thể tín hữu Kitô:

Tìm cách vinh danh Chúa Kitô, Giáo Hội ngày càng trở nên Dấu Hiệu được tán dương, và tiếp tục thăng tiến trong đức tin, đức cậy, và đức mến, tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong mọi sự. (LG, 65)

Nói cách khác, khi Kitô Hữu tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa trong đời sống, họ đang noi gương Đức Maria. Sau đó văn kiện rõ ràng mời gọi mọi Kitô Hữu trở nên người mẹ, về phương diện biểu tượng:

Đức Trinh Nữ trong chính đời mình đã sống gương mẫu của tình mẫu tử, qua đó mọi người cần được cổ vũ cộng tác trong sứ vụ tông đồ của Giáo Hội cho sự tái sinh người nam và nữ. (LG, 65)

Tôi thấy điều đó rất có ý nghĩa khi giáo hội kêu gọi tôi, một người nam, được cổ vũ bởi tình mẫu tử. Có chiều kích nữ tính mạnh mẽ trong tình yêu mà nó dẫn dắt hoạt động của Kitô Hữu.

Đoạn IV của Lumen Gentium về Đức Maria đối phó với truyền thống cầu nguyện và sùng kính ngài. Như trong đoạn trước đó, cũng có sự nhấn mạnh đến địa vị thứ yếu của Đức Maria đối với Chúa Kitô. Dựa vào phẩm chất này, văn kiện khích lệ việc sùng kính Đức Maria, nhất là qua phụng vụ. Đồng thời, văn kiện cảnh cáo những lạm dụng:

… huấn quyền của Giáo Hội… hô hào các thần học gia và người rao giảng lời Chúa phải tránh hăng hái thổi phồng quá đáng cũng như nhỏ nhen bần tiện trong khi nghĩ đến phẩm giá độc nhất của Mẹ Thiên Chúa. (LG, 67)

Nói cách khác, tín hữu Kitô được khuyến khích đừng quá mức và cũng đừng vô lý chống đối việc sùng kính Đức Maria. Như với các thánh khác, chúng ta được cổ vũ đặt nền tảng lời cầu nguyện trên sự tương giao đích thật mà nó đưa dẫn chúng ta đến việc noi gương nhân đức của Đức Maria. Chúng ta cần thăng tiến trong sự hiểu biết Đức Maria nếu chúng ta muốn noi gương ngài.

Thật khó để tranh luận về nhận xét rằng việc sùng kính Đức Maria có lúc thật thái quá. Một thí dụ của điều này là công trình nghệ thuật trên bức tường trong cung thánh của Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Hoa Thịnh Đốn, D.C. Đức Maria đứng ở phía trước, với Chúa Giêsu trong ngày Phán Xét ở phía sau. Ý nghĩa tiềm ẩn, như tôi giải thích, là Đức Maria dịu dàng sẽ cứu chúng ta khỏi cơn giận dữ của con ngài. Bức tranh này cho thấy những lệch lạc trong ý thức Công Giáo về Chúa Giêsu và Đức Maria. Chúa Giêsu thì không thể đến được vì người làm chúng ta sợ hãi. Đức Maria thì không giống với người phụ nữ can đảm có lòng tin như được thấy trong Tân Ước.

Tuy nhiên, trong khi phải nhìn nhận là có những lạm dụng, việc quan trọng hóa Đức Maria của người Công Giáo dựa trên nền tảng vững chắc rằng ngài thực sự là Mẹ Thiên Chúa, nói cho cùng, ngài được nhớ đến vì ngài thực sự là ai và vì đời sống của ngài. Trong toàn thể lịch sử, sự tưởng tượng của người Công Giáo đã hình thành một sự phong phú có liên hệ với Đức Maria được diễn tả cách mỹ miều trong lời cầu nguyện, trong giảng dậy và trong nghệ thuật. Như David Macaulay nói trong chương trình video Cathedral:

Hầu hết các thánh đường nổi tiếng của thời trung cổ đều được cung hiến cho Đức Bà. Trong một thời đại của tinh thần thượng võ và đề cao vai trò phụ nữ, toàn thể xã hội như thể rơi vào cuộc tình. Đức Maria được đón nhận như Mẹ Thiên Chúa và như lòng con người mà qua đó Thiên Chúa hóa thành nhục thể. Bởi đó ngài vừa thuộc thiên đàng và vừa thuộc trái đất, cũng giống như thánh đường mang tên ngài.

Thời Trung Cổ yêu mến Đức Maria. Cuộc tình này được tiếp tục trong truyền thống Công Giáo, tuy dưới các hình thức khác nhau.

Đoạn V kết thúc chương này với sự so sánh sau cùng giữa Đức Maria và giáo hội như các hình dáng của đức cậy, và với lời cầu xin Đức Maria cầu bầu để mọi dân tộc sẽ quy tụ trong một đoàn dân của Chúa.

Chương này để lại ấn tượng rằng giáo hội không thể được coi là đã đối xử đúng nếu không để ý đến Đức Maria, và vai trò của Đức Maria không thể được cảm kích sâu xa nếu ở ngoài phạm vi giáo hội.

Điều Được Nói về Đức Maria Cũng Được Áp Dụng Cho Giáo Hội

Trong suốt lịch sử Kitô Giáo, Đức Maria thì quá liên hệ gần gũi với Giáo Hội đến độ nhiều điều được nói trong Kinh Thánh và giáo huấn truyền thống về Đức Maria thì cũng có thể được hiểu là nói về giáo hội. Nhiều người coi Đức Maria như "Kitô Hữu đầu tiên." Ngài sinh hạ Đức Giêsu và nuôi dưỡng người. Ngài ở với người trong thời gian rao giảng công khai, và ngài ở dưới chân thập giá. Đức Maria ở với các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Maria đóng một vai trò quan trọng trong từng giây phút khai sinh giáo hội.

Elizabeth Johnson, một học giả Công Giáo về Đức Maria và thần học gia, đã điều tra bản chất biểu tượng của những bài nói về Đức Maria. Bà bắt đầu với giả thuyết rằng câu Maria ám chỉ Đức Maria và giáo hội. Trong toàn thể truyền thống Kitô Giáo, Đức Maria được dùng như một phương tiện chuyển tải để giáo hội bày tỏ lý tưởng của mình. Điều này thích hợp bởi vì Đức Maria thực sự là mẹ của Chúa Giêsu và vì vai trò thực sự của ngài mà các cộng đồng Kitô Hữu tiên khởi đã tưởng nhớ đến. Vì vậy, trong truyền thống Kitô Giáo, ký ức về Đức Maria và những điều tin tưởng về một cộng đồng Kitô Hữu lý tưởng thì pha trộn với nhau; tuy nhiên, đây không phải là một điều xấu bởi vì điều được nói về Đức Maria thì cũng được áp dụng cho giáo hội.

Nhiều đoạn Kinh Thánh nói về Đức Maria thường được dẫn giải như cũng được áp dụng cho giáo hội. Thí dụ, tôi nghe câu Luca 2:51, "mẹ người luôn nhớ những điều này trong tâm hồn," được dẫn giải như báo trước con đường mà giáo hội phát triển và khuếch trương giáo huấn qua các thế kỷ. Giáo hội trầm ngâm suy nghĩ về điều đã biết trong tâm hồn mình. Mệnh lệnh của Đức Maria cho các người hầu ở Cana trong Gioan 2:5, "Hãy thi hành bất cứ gì người bảo," cũng được dẫn giải như lời khuyên của giáo hội cho mỗi một tín hữu Kitô. Những lời của Chúa Giêsu trên thập giá với Đức Maria và Gioan trong phúc âm Gioan 19:26-27: "Này bà, đây là con bà; [với Gioan] Đây là mẹ của con," được dẫn giải như ám chỉ đến sự tương giao giữa giáo hội và mỗi một môn đệ Kitô. Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria, là ngài được thụ thai trong lòng mẹ mà không vướng tội tổ tông, được giải thích là không những ám chỉ Đức Maria nhưng còn trong ý nghĩa lý tưởng về đời sống ơn sủng được ban cho mọi người. Đức Maria Lên Trời, ngài được lên trời cả hồn lẫn xác vào lúc cuối đời, được giải thích như dấu chỉ trong một phương cách nào đó về định mệnh của tất cả những ai được cứu độ.

Trong truyền thống Công Giáo, người ta phải thận trọng nhớ rằng điều tin tưởng vào sự Vô Nhiễm Nguyên Tội và Lên Trời của Đức Maria là ám chỉ "các đặc quyền" của ngài để công nhận vai trò độc đáo của ngài trong chương trình cứu độ với tư cách là Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, đồng thời, các đặc quyền của Đức Maria không nhằm để cô lập ngài bằng cách tách biệt ngài với nhiệm thể Kitô Hữu; đúng hơn, các đặc quyền này biểu thị những điều mà mọi Kitô Hữu và người thiện tâm có lý do để hy vọng.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa khảo sát về cách giải quyết đối với Đức Maria trong chương 8 của Lumen Gentium. Chúng ta cũng thảo luận về phương cách mà những gì được nói về Đức Maria thì cũng được áp dụng cho giáo hội.

Tôi vui mừng vì dường như việc sùng kính Đức Maria đã sống lại trong giáo hội. Tiếp xúc lại với con người Đức Maria thì giống như đưa hành trình của chúng ta cho ăn khớp với những gì chúng ta tin tưởng về giáo hội—và chính chúng ta.

Câu Hỏi Chia Sẻ Thêm

Tại sao bạn nghĩ Đức Maria đã đóng một vai trò quan trọng như vậy trong truyền thống Công Giáo? Cá nhân bạn có cảm thấy thoải mái với sự quan trọng này không?
Bạn có khuynh hướng cho rằng chuỗi mai khôi là để chiêm niệm hay là một lời kinh có tính cách mê tín?
Tại sao lời xin vâng của Đức Maria lại quan trọng để hiểu về vai trò của ngài trong lịch sử Kitô Giáo? Điều này áp dụng thế nào cho các Kitô Hữu khác?
Những vấn đề đại kết có liên hệ đến Đức Maria là gì?
Tại sao lại quan trọng để coi một số điều nói về Đức Maria là "biểu tượng"?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons