HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC MẸ MARIA

Hình minh họa
Ngay từ khởi đầu, Kitô giáo đã có lòng tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Tuy vậy, hình như lòng sùng mộ này không còn được sốt mến nữa: hành hương, đọc kinh Mân Côi và nhiều việc sùng kính Đức Maria khác nữa đôi khi đã phai nhòa đi.
Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI từng nhắc nhở: “lời kinh dâng kính Đức Maria sẽ không bao giờ dư thừa, nếu cẩn trọng coi Đức Maria là mắt xích của “tổng thể mầu nhiệm Kitô giáo”. Việc tôn kính Đức Maria không chỉ dừng nơi Mẹ, nhưng đó là con đường chủ đạo dẫn tới Đức Kitô, và qua Người tới vinh quang Thiên Chúa, tới lòng yêu mến của Hội Thánh.”
Đức Maria đứng trong hàng ngũ những người có niềm tin vĩ đại. Mẹ mở lòng đón nhận những hành động của Thiên Chúa và trở nên khí cụ trong tay Người Con của mình.
Nếu lời kinh dâng lên Mẹ chân thành, thì lời kinh ấy không nhắm cho chúng ta, nhưng là theo gương mẫu của Mẹ mở lòng đón nhận thánh ý của Thiên Chúa, dấn thân phục vụ Thiên Chúa và loài người.
Khi theo Đức Kitô, Đức Maria phải chịu những đau khổ. Mẹ phải đau khổ, vì Mẹ không hiểu hết tất cả, vì Mẹ phải chứng kiến cảnh con mình treo trên thập giá… Đức Maria đã bước theo Con mình cho đến cùng. Lòng sùng kính Đức Maria giúp cho chúng ta biết uốn nắn đời mình theo gương Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình. Cầu nguyện với Đức Maria là cùng lên đường với Mẹ.
Suốt chiều dài lịch sử, Giáo Hội đã có nhìêu hình thức tôn kính thể hiện sự gắn bó của mình với Đức Maria. Văn kiện “Culte Marial” của đức Phaolô VI nhắc nhở cho chúng ta những cột mốc của lòng sùng kính này (Marialis Cultus, số 22).
Từ nhìêu thế kỷ qua, việc đọc kinh Mân Côi tự bản chất đã thể hiện được khía cạnh chiêm ngắm, tôn kính, cầu xin của kẻ làm con đối với Mẹ của mình. 
Mỗi một mầu nhiệm thích ứng với một thời điểm chủ đạo của cuộc đời Đức Kitô: giáng sinh, phục sinh và khổ nạn.
Cùng với Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu… để tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Maria tràn ngập vào lòng chúng ta.
Khi đọc kinh Mân Côi, những lời kinh “Kính Mừng” trở thành chuỗi lời ca tụng dâng lên Đức Kitô. Và trong mỗi lời kinh ấy, Đức Giêsu lần lượt là “Con Thiên Chúa, con Đức Maria, sinh trong hang Bethlem, được dâng trong Đền thờ, lớn lên với lòng nhiệt huyết đối với công việc của Chúa Cha, lo buồn sầu não trong vườn Cây Dầu… phục sinh từ trong cõi chết và về cùng Chúa Cha trong vinh quang!” (Marialis Cultus số 46).[1]
Thánh Don Bosco đã đặt tất cả niềm tin tưởng và dự định của mình trong tay Rất thánh Trinh Nữ Maria. Cùng với Đức Maria, thánh nhân làm việc liên lỉ, chấp nhận mọi vất vả và dám làm mọi việc… Mẹ nâng đỡ thánh nhân hết mọi ngày là một thực tế. Mẹ luôn hiện diện ngay cạnh bên người con bé nhỏ của Mẹ. Mẹ đỡ nâng, khuyến khích đời sống ơn gọi thánh nhân; Mẹ hướng dẫn thánh nhân vượt qua giữa những khó khăn, và Mẹ giúp đỡ người thực hiện những chương trình dành cho thanh thiếu niên.
Trước lúc qua đời, khi chỉ cho anh Don Rua một hình ảnh về Đức Maria bảo trợ, thánh Don Bosco nói rằng: “Hãy nhìn ngắm Mẹ luôn mãi, không có Mẹ, thằng Don Bosco đã chẳng làm được gì. Chính Mẹ làm tất cả.”
Khi thân mẫu của thánh nhân rời Becchi để giúp đỡ con trai mình khôi phục và gầy dựng lại công trình đang rơi vào tình trạng “hấp hối”, Don Bosco đã mất đi một sự giúp đỡ quý báu và nhất là sự hiện diện của một người mẹ. Nhưng một người Mẹ khác đã để mắt tới thánh nhân và đã hỗ trợ thánh nhân thực hiện những phép lạ.
Sau khi cầu cho linh hồn được an nghỉ, thánh nhân đã cầu nguyện cùng Đức Mẹ, Đấng An Ủi của mình:
… “Và giờ đây, xin Mẹ hãy đón nhận lấy một địa vị lớn lao. Mẹ là Mẹ của một đại gia đình, Mẹ rất cần thiết cho chúng con. Tất cả những đứa trẻ của con, con trao phó nơi Mẹ. Xin Mẹ hãy để mắt tới cuộc sống cũng như tâm hồn chúng từ bây giờ và mãi mãi sau này.”…
… “Thiên Quốc không từ bỏ một ai… Dù là con người tự do hành động, nhưng đàng sau họ, trong bóng tối, ở mọi thời điểm hiểm nghèo, trong mọi suy nghĩ, hơi thở của họ đều có một bàn tay nâng đỡ: đó là của Đức Trinh Nữ...”[2]
Ít lâu sau, chỉ với tám xu trong túi, thánh nhân đã xây dựng một đền thờ kính Đức Mẹ Bảo Trợ ở Turin. Danh hiệu Bảo Trợ có ý nghĩa gì? Thưa rằng đó là “Cứu giúp các tín hữu”: Đức Maria Cứu Giúp, Hằng Cứu Giúp, và danh hiệu này với tiếng La-tinh có nghĩa là “Auxilium Christianorum.”
“Hãy tin tưởng vào Đức Maria vì khi ấy chúng ta sẽ thấy mọi sự đều là những phép lạ” (Don Bosco).

[1] Về lời kinh này, xin đọc tác phẩm nổi tiếng của H. Urs von Balthasar, Triple couronne – việc cứu độ thế giới trong lời kinh kính Đức Maria, Paris, Lethelleux, 1978.
[2] A. Auffray, St. Jean Bosco, Vitte, 1929, tr. 135-136.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons