Trước tin tức một giám mục Công Giáo ở Ấn Độ phục vụ một giáo phận nghèo chủ yếu gồm toàn những người “Dalits”, hay “cùng đinh”, đã bị bắt cóc và đánh đập dã man, hầu hết người Công Giáo Mỹ cảm thấy thật khủng khiếp, nhưng về cơ bản cảm giác đau buồn trước tin này cũng nhanh chóng trôi qua.
Đối với Đức Cha Michael Pfeifer, Giám Mục nghỉ hưu ở San Angelo, Texas, thì không phải như thế bởi vì vị giám mục Ấn Độ ở trung tâm của câu chuyện này là một người bạn thân và đã từng là linh mục của giáo phận.
Đức Giám Mục Prasad Gallela bị bắt cóc vào ngày 25 tháng Tư, cùng với người tài xế của mình, và bị đánh đập dữ dội suốt đêm trước khi được thả ra cách giáo phận Cuddapah của ngài hơn 50 dặm.
Đức Cha Pfeifer nói hôm thứ Sáu 29 tháng Tư rằng nạn nhân trong vụ tấn công này là “một một nhà lãnh đạo Giáo Hội rất ưu tú”, là người xứng đáng với sự quan tâm và hỗ trợ của người Công Giáo Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Crux, Đức Cha Pfeifer cho biết:
“Tôi đã nhận được tin này từ các nguồn khác nhau, và tôi email cho ngài ngay lập tức. Ngài trả lời ngày hôm qua, và tôi rất vui khi được biết ngài vẫn còn có thể gửi email được. Đó là một cái gì đó rất tích cực, xét vì những vết thương trầm trọng trên người của ngài. Tôi đã bị sốc khi thấy một người tốt như vậy, một nhà lãnh đạo Giáo Hội lớn như thế lại bị đánh đập tàn tệ ... thậm chí có thể mất mạng.
Ngài là một người bạn thân của tôi. Tôi biết ngài có lẽ khoảng 12 năm trước đây, khi ngài lần đầu tiên đến Giáo Phận San Angelo. Tôi mời ngài, và ngài đã phục vụ như một linh mục ở đây nhiều năm. Ngài là một trong những linh mục tốt nhất từ bên ngoài đất nước tôi từng nhận được. Ngài rất có khả năng, có một sự nhạy cảm mục vụ rất đặc biệt, và thích nghi rất tốt với nền văn hóa của Tây Texas.
Khi các linh mục quốc tế đến đây, thường có một cuộc xung đột giữa các nền văn hóa, nhưng ngài thích nghi tốt hơn so với bất kỳ linh mục khác từng phục vụ ở đây. Chúng tôi trở thành những người bạn tốt, và tôi nhìn thấy những phẩm chất và khả năng của ngài. Khi ngài được gọi trở lại Ấn Độ để dạy thần học trong các chủng viện, tôi đã thất vọng, nhưng tôi hiểu tại sao, vì ngài rất có năng khiếu về lãnh vực này và một người thích suy tư.
Tôi cũng không ngạc nhiên khi ngài được bổ nhiệm giám mục, vì tôi nhìn thấy những phẩm chất của một giám mục trong linh mục tốt này. Kể từ đó, ngài đến gặp tôi nhiều lần, và tôi đã ủng hộ ngài. Tôi dành sự ngưỡng mộ cao nhất cho ngài.”
2. Đức Thánh Cha gặp vị Giám Mục Ý giáp giới với Áo về tình trạng người tị nạn
Trong một cuộc trò chuyện với một giám mục Ý có giáo phận giáp giới với Áo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ người tị nạn.
Đức Cha Ivo Muser là Giám mục giáo phận Bolzano-Bressanone, trước đó đã chỉ trích quyết liệt một quyết định của Áo muốn xây dựng các rào cản và các cấu trúc khác tại Brenner Pass.
Một thông cáo báo chí từ giáo phận Giám mục Muser cho biết rằng trong cuộc nói chuyện vào ngày 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô “đã nói về tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người tị nạn ... nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giúp đỡ những người đang phải lánh nạn”.
Ngày hôm sau, 28 tháng Tư, Italia, là nước vẫn duy trì lập trường phản đối việc đóng cửa Brenner Pass, và Áo đã đạt được một thỏa thuận hủy bỏ kế hoạch đóng cửa này.
3. Công việc cải tổ các cơ quan truyền thông Vatican cần phải mất 2 năm nữa
Vị lãnh đạo Viện Truyền thông Vatican cho biết việc củng cố các cơ quan truyền thông của Vatican không thể hoàn thành trước năm 2018.
Đức Ông Dario Edoardo Viganò, là người được bổ nhiệm hồi tháng Sáu năm ngoái để lãnh đạo Viện Truyền Thông tân lập, đã mô tả quá trình cải tổ các cơ quan truyền thông của Vatican trong một bài diễn văn tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá. Ngài nói rằng những cải tổ liên quan đến việc tinh giản các văn phòng và thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu của thời đại truyền thông.
Đức Ông Viganò thừa nhận rằng những nỗ lực truyền thông của Vatican đã bị cản trở bởi sự trùng lặp những nỗ lực, trong một hệ thống mà các bộ phận, bao gồm nhiều cơ quan báo chí, đài phát thanh Vatican, trung tâm truyền hình, và nhật báo trên tờ Quan Sát Viên Rôma -- mỗi cơ quan hoạt động độc lập với nhau. Hệ thống đó đưa đến một cách tiếp cận thiếu nhất quán, là “một thảm họa” cho những nỗ lực tiếp cận công chúng của Vatican.
Cho đến thời gian gần đây, cả Radio Vatican lẫn tờ Quan Sát Viên Rôma đều tham gia tường trình các bài giảng của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ sáng tại nhà nguyện Santa Marta với những bài tường trình và cách phiên dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh đôi khi khá khác biệt.
Hiện nay, có 650 nhân viên làm việc toàn thời trong các cơ quan truyền thông của Vatican.
4. Đức Giáo Hoàng lo ngại vì giao tranh bùng nổ dữ dội tại Aleppo, Syria
Sau một thời gian tạm thời yên ắng nhờ thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ có hiệu lực từ hôm 27 tháng Hai, chiến cuộc đã bùng lên dữ dội từ hơn một tuần qua tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.
Đức Tổng Giám Mục Antoine Audo của Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, vẫn còn đang coi sóc tổng giáo phận này, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng người dân trong thành phố kinh hoàng thất đởm trong 10 ngày qua trước những cuộc pháo kích của phiến quân Hồi Giáo do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi và các nước khác yểm trợ; và những trận dội bom từ máy bay của quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Ít nhất 252 người đã chết trong hơn một tuần qua.
“Tình hình của người dân thật là thảm họa”, Đức Cha Antoine Audo nói. “Trước chiến tranh, chúng tôi có hơn 150,000 Kitô hữu của các nghi lễ khác nhau ở Aleppo. Hôm nay, khoảng hai phần ba đã trở thành người tị nạn ngay tại đất nước của họ hoặc đã tìm cách lánh nạn ở các nước khác, chẳng hạn như Li Băng, và cả ở phương Tây.”
Đức Cha Antoine Audo âu lo rằng cuộc chiến kinh hoàng đang diễn ra từ mấy ngày qua có thể là giọt nước làm tràn đầy ly. Những người còn lại có lẽ sẽ ra đi bằng mọi giá.
Theo Đức Cha Audo, quan hệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo Aleppo thường là tốt và thậm chí đã được cải thiện kể từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011.
Đức Cha nhấn mạnh rằng các lực lượng chiến đấu chống lại chế độ Assad tại Aleppo “là những nhóm đang được tài trợ từ bên ngoài của đất nước. Họ không đến từ Syria.”
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 01 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Tôi nhận được một tin hết sức đau buồn đến từ Syria: Các hình thức bạo lực tiếp tục làm trầm trọng thêm những hoàn cảnh nhân đạo đã đến bờ tuyệt vọng của đất nước này, đặc biệt là tại thành phố Aleppo. Họ tiếp tục giết hại các nạn nhân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em, những người đau yếu, bệnh tật và ngay cả những người đã có những hy sinh rất lớn trong việc dấn thân giúp đỡ người khác. Tôi tha thiết kêu gọi các bên xung đột hãy tôn trọng việc đình chiến và tăng cường việc đối thoại đang được diễn ra. Đó là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.
Ngày mai tại Roma, Hội Nghị Quốc Tế với chủ đề ‘Sự phát triển bền vững và những hình thức công việc dễ bị tổn thương nhất’. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể khuấy lên mối bận tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị và kinh tế, cũng như xã hội dân sự, để từ đó chúng ta có thể thúc đẩy một mô hình phát triển nhấn mạnh đến phẩm giá con người, hết sức tôn trọng những tiêu chuẩn về lao động và môi trường sinh thái.”
5. Các tín hữu Chính Thống Giáo và Công Giáo Đông phương mừng Chúa Phục Sinh
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chúc mừng đến các tín hữu Chính Thống Giáo và Công Giáo nghi lễ Đông Phương, nhân dịp Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật mùng một tháng Năm theo lịch Julian.
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha nói:
“Tôi xin gởi những tâm tình chân thành tới những anh chị em của chúng ta thuộc Giáo Hội Đông Phương, ngày hôm nay, đang mừng lễ Phục Sinh. Xin Thiên Chúa Phục Sinh mang đến cho tất cả mọi người những ân sủng của ánh sáng và bình an. Christos anesti! (Đức Kitô đã phục sinh!)”
Trước đó, trong một tweet trên account @Pontifex của mình, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi gởi lời chào thân ái đến các tín hữu của Giáo Hội Đông Phương, đang cử hành Lễ Vượt Qua ngày hôm nay. Χριστὸς ἀνέστη!”
Trong khi đó, một cuộc đàm phán tại Minsk đã dẫn đến một thỏa thuận theo đó các lực lượng chính phủ Ukraine và ly khai do Nga hậu thuẫn thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện ở phía đông nam Ukraine, nơi cả người Chính thống giáo lẫn anh chị em tín hữu Công Giáo Đông phương đang mừng lễ Phục sinh.
Hiệp ước đình chiến có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Bảy 30 tháng Tư, nhưng theo nguồn tin chính phủ Ukraine một người lính đã thiệt mạng và nhiều người bị thương vào ngày Chúa Nhật ở miền Đông Ukraine trong một trường hợp chính phủ Ukraine cáo buộc là các thành phần ly khai đã vi phạm hiệp ước đình chiến.
Trong một thông điệp, Đức Thượng Phụ Đại kết thành Constantinople, là Bácthôlômêô I, kêu gọi các tín hữu làm chứng cho tình yêu với những người láng giềng của họ giữa sự tàn bạo của một thế giới đương đại, đang bị sâu xé bởi chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và đau khổ.
Các giám mục Chính thống Ý, Malta, và Gennasius, cũng đã ban hành những lời kêu gọi “thanh tẩy con tim” để có thể “cảm nhận đầy đủ sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”.
Trong khi đó, Thượng Phụ của Giáo Hội Chính thống Serbia, là Irinej, đã gửi một thông báo yêu cầu các tín hữu hãy tha thứ, “đừng phán xét người khác” và “đừng sợ hãi thế giới bất chấp những hệ tư tưởng thế tục, sự chia rẽ, hận thù và bạo lực.”
6. Hôn nhân là dấu chỉ sự gần gũi của Thiên Chúa trong xã hội cạnh tranh Singapore
“Trong hôn nhân chúng ta có khuynh hướng dựa trên chính sức của mình, nhưng rồi chúng ta trở nên mệt mỏi và bị làm cho mệt mỏi. Điều này xảy ra vì chúng ta quên rằng Thiên Chúa có thể làm tất cả và luôn ở bên cạnh chúng ta.” Đó là lời của bà Ramona Olsen, một bà mẹ của gia đình, đã kể lại các khó khăn bà đã gặp trong cuộc sống với chồng của bà trong một buổi gặp gỡ để giúp các đôi hôn nhân do Ủy ban gia đình của Tổng giáo phận Singapore tổ chức.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ diễn đàn về các thách thức mà các gia đình Singapore gặp phải trong một xã hội cạnh tranh quá mạnh, hầu như người ta chỉ tập trung vào công việc và sản phẩm. Buổi đầu tiên diễn ra vào ngày 19 tháng 3 vừa qua và chương trình sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 5 tới đây. Trong dịp này, nhiều cặp vợ chồng sẽ mừng kỉ niệm hôn phối và một số Linh mục cũng kỉ niệm ngày thụ phong Linh mục.
Cyrine Gregory, điều phối viên của sáng kiến này, giai thích vai trò của các tín hữu Công Giáo đối với người trẻ, những người luôn luôn ít được các bậc cha mẹ hỗ trợ trong việc chọn lựa kết hôn và có con. Bà nói: “chúng tôi được mời gọi là một tiếng nói khác trong xã hội, đi ngược lại với văn hóa. Chúng tôi cần phải mang tình yêu Thiên Chúa, tình yêu chữa lành, đến với tất cả các cuộc hôn nhân và tất cả các gia đình đang đau khổ.”
Buổi họp mặt ngày 16 tháng 4 do cha Terence Pereira, đại diện Giám mục về Loan báo Tin Mừng, hướng dẫn. Cha đã nói về tầm quan trọng của sự gặp gỡ cá nhân của mỗi người với Chúa Ki-tô như là một nền tảng giúp các gia đình đang gặp khó khăn. Cha đã lưu ý đến tình trạng hôn nhân ở Singapore mà từ vài năm nay đã trở nên ngắn ngủi với số vụ ly dị gia tăng. Theo cha, có tới 7000 vụ ly dị trên tổng số khoảng 21 ngàn đám kết hôn hàng năm. Để thay đổi tình trạng này, các Ki-tô hữu phải trở nên giống như “bụi gai trong sách Xuất hành, bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi.”
Có trên 200 ngàn tín hữu Công Giáo ở Singapore, chiếm 5% dân số. Giáo Hội địa phương là một Giáo Hội tăng triển và năng động.
7. Phó tổng thống Mỹ ca ngợi Đức Giáo Hoàng
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì lòng từ bi của ngài trong một bài diễn văn hôm 29 tháng Tư tại một cuộc họp tại Vatican. Ông nói rằng Đức Thánh Cha đã mang lại hy vọng cho nhiều người. Đối với cá nhân ông, ngài đã an ủi ông khi con trai ông là Beau Biden qua đời hôm 30 tháng Năm 2015. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có 3 người con và Beau Biden là người con cả. Ông Beau Biden, từng là Tổng Chưởng Lý của bang Delaware, đã qua đời ở tuổi 46 vì bị ung thư não bộ.
Phát biểu với cử tọa về y học tái tạo, Biden dành nhiều thời gian của mình để trình bày sáng kiến “Moonshot” do ông đưa ra để đánh bại bệnh ung thư, và nói rằng nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào nỗ lực này. Ông nói rằng hối tiếc lớn nhất của ông là quyết định không tranh cử làm tổng thống Hoa Kỳ, như thế ông đánh mất cơ hội có thể thúc đẩy kế hoạch này trong tư cách tổng thống Mỹ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét