Ảnh minh họa |
Thời gian đang dần trôi về những ngày cuối năm. Đây cũng là khoảng thời gian bận rộn và hạnh phúc của gia đình và các đôi uyên ương. Bận rộn vì lo lắng chuẩn bị cho những công việc trong ngày tân hôn; hạnh phúc vì sau bao ngày tháng tìm hiểu đôi bạn trẻ chính thức, trước mặt Chúa và mọi người, được chung sống với nhau, cùng nhau sẻ chia những quyền lợi và trách nhiệm để từ đó xây dựng một gia đình mới góp phần vào sự phát triển của Giáo hội cũng như xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc của các tân gia đình này vẫn phảng phất một chút ưu tư. Đó là làm sao có thể nuôi dưỡng con cái phát triển cách toàn diện? Làm sao có thể dạy dỗ con cái phù hợp và đáp ứng được với những nhu cầu của Giáo Hội, xã hội ?
Để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình nên trọn, với tâm trạng hòa mình vào niềm vui cũng như những ưu tư của các đôi bạn trẻ, người viết xin chia sẻ một vài suy nghĩ về vấn đề Giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo.
1/ Quan điểm của Giáo Hội về giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo
Giáo dục là một yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Chính vì thế có ý kiến cho rằng muốn biết tương lai của một xã hội thì hãy nhìn vào thực trạng giáo dục hiện có của xã hội ấy. Thông thường khi nói đến giáo dục người ta nghĩ ngay đến nhà trường, các mối quan hệ thầy – trò. Nhưng quá trình giáo dục của một con người không chỉ xảy ra trên ghế nhà trường, trong các mối quan hệ thầy – trò mà còn xảy ra chính ngay trong gia đình người đó nữa. Bởi vậy người thầy đầu tiên của một người không phải là người thầy ở nhà trường mà là chính cha mẹ mình. Đức cố Giáo hoàng PIO XI, trong thông điệp Casti Connubii, đã nói: “Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan vô cùng, đã quan phòng việc sinh sản cho gia đình như thế, cho toàn thể nhân loại, thì đối với cha mẹ là những người mà Ngài đã ban cho quyền và khả năng để sinh sản, không lẽ Ngài lại không ban thêm cho bổn phận và quyền giáo dục con cái”. Thánh công đồng Vaticanô II cũng phán quyết: “Vì là những người truyền thông sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục những người con trong gia đình, và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng”[1].
Qua việc giáo dục, gia đình đào tạo con người đạt tới phẩm giá viên mãn, theo tất cả mọi chiều hướng xã hội[2]. Tức là gia đình là môi trường giáo dục, huấn luyện con người để có tất cả những phẩm giá, đức tính phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Hơn nữa, đối với gia đình Công Giáo thì những điều giáo dục gia đình hướng tới còn phải theo giáo huấn của Giáo Hội. Quả vậy, thánh công đồng đã nói: “Trong gia đình các Ki-tô hữu, với ân sủng dồi dào và trách nhiệm đã lãnh nhận qua bí tích Hôn Nhân, cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay khi chúng còn trong tuổi ấu thơ, hợp với đức tin đã lãnh nhận qua bí tích Thanh Tẩy, để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời yêu thương mọi người xung quanh”.[3]
Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cung cấp một nền giáo dục tôn giáo và một sự đào tạo luân lý cho con cái mình, một quyền Nhà nước không thể hủy bỏ mà phải tôn trọng. Bởi vì quyền và nghĩa vụ này của cha mẹ liên kết với việc lưu truyền sự sống (lưu truyền sự sống và nuôi dạy con cái là hai trục chính của Hôn Nhân), và nó cũng thể hiện mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
Như vậy, giáo dục con cái là hồng ân và cũng là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi người cha, người mẹ trong gia đình Công Giáo. Do đó cần có một nội dung và phương pháp giáo dục con cái hợp lý trong mỗi gia đình Công Giáo.
2/ Nội dung giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo
Nội dung của giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo trước hết là giáo dục để hướng đứa trẻ đến yêu mến, phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân. Cha mẹ phải nói cho đứa con về Thiên Chúa, dạy cho chúng thấu cảm về tình thương của Ngài dành cho nhân loại. Thiên Chúa là một người Cha nhân lành, giàu lòng thương xót chứ không phải là một Thiên Chúa hay nổi nóng, hay xử phạt. Điều đáng buồn là có những bậ cha mẹ không biết dạy con cái cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa, rồi thì nếu con cái không nghe lời thì dọa nạt Chúa sẽ nổi giận, Chúa sẽ xử phạt. Từ đó mà vô tình gieo vào đầu con cái hình ảnh một vị Chúa tàn nhẫn, gian ác.
Bên cạnh giáo dục cho con cái biết kính sợ Thiên Chúa, các bậc cha mẹ còn phải dạy cho chúng biết yêu thương tha nhân. Không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình[4]. Bởi thế, cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục con cái yêu thương, trước hết, các thành viên trong gia đình mình, đặc biệt cần dạy cho trẻ biết thảo kính cha mẹ vì đó là một trong những điều răn của Chúa.
Yêu thương tha nhân không chỉ gói gọn tình thương đó đối với các thành viên trong gia đình mà còn phải hướng tới tình làng nghĩa xóm, tình dân tộc: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thật đáng sợ bởi vì trong xã hội ngày nay người ta sống thờ ơ, lạnh nhạt với nhau. Tính cộng đồng, tình tương thân tương ái bị suy giảm. Con người không còn biết chạnh lòng, thương xót trước những gian truân vất vả của tha nhân nữa. Bởi vậy giáo dục cho con cái biết yêu thương là điều hết sức cần thiết trong môi trường xã hội ngày nay.
Song song với việc giáo dục cho con cái biết mến Chúa, yêu người cũng cần giáo dục cho con cái những nhân đức nhân bản. Đó là những nhân đức cơ bản, nền tảng để con trẻ có thể bước vào xã hội con người.
Vậy những nhân đức nhân bản đó là gì? Có thể liệt kê như sau: Ngũ thường (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín), Tứ đức (Công-Dung-Ngôn-Hạnh), Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Khôn ngoan, Công bình, Can đảm, Tiết độ, Khiêm nhường, Nhẫn nại,… Đây là những nhân đức thiết yếu để một đứa trẻ phát triển toàn diện, biết cách ứng xử phù hợp và lịch sự với mọi người trong cuộc sống hành ngày.
3/ Phương pháp giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo
Nền tảng của mọi phương pháp giáo dục là tình yêu thương bởi vì tình yêu là sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay. Hơn nữa, thánh Âu Tinh đã từng dạy rằng: “Cứ yêu rồi làm điều mình muốn”. Bởi vậy, cho dù có dùng phương pháp giáo dục nào đi chăng nữa mà không xuất phát từ tình yêu thì sẽ không gặt hái được thành công.
Trên nền tảng tình yêu thương, để giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo diễn ra thuận lợi, xin đơn cử một vài phương pháp sau:
Trao đổi, tâm sự với con cái. Từ những trao đổi tâm sự chân tình giữa cha mẹ và con cái sẽ làm cho con cái an tâm, tin cậy vào cha mẹ. Nhờ có sự tin cậy như vậy, đứa trẻ sẽ dễ dàng nói lên những mong muốn, tâm tư của mình và từ đó các bậc cha mẹ sẽ hiểu con cái mình hơn, kịp thời can thiệp khi con cái có những hành vi không đúng mực.
Sửa phạt : Thánh Phao-lô nói về bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái như sau: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”[5]. Ngày nay khi mà vấn đề nhân quyền được đề cao thì việc dùng roi vọt để sửa phạt con cái có vẻ không phù hợp lắm. Mặc dù thế phương pháp này vẫn còn giá trị của nó. Vấn đề là các bậc cha mẹ không nên sửa phạt con cái bằng roi vọt khi đang trong tâm trạng nóng giận kẻo “giận quá mất khôn”. Cũng cần giải thích rõ cho con cái biết tại sao chúng bị hình phạt như vậy. Bên cạnh đó, không nên (đúng hơn là không được) dùng những từ ngữ cay nghiệt để sửa dạy con cái. Phải dùng những lời nói yêu thương giúp con cái nhận ra vấn đề, nhận ra sai lầm của chúng để từ đó cùng giúp chúng sửa chữa lỗi lầm.
Kỷ luật: Cho dù yêu thương con cái đến mấy cũng không được quá dễ dãi với chúng. Cần phải có kỷ luật, khuôn phép. Tuy nhiên, kỷ luật cần phải linh động, phù hợp vì luật tạo ra là vì con người chứ không phải con người làm ra là vì luật. Nếu kỷ luật dễ dàng quá sẽ làm cho con trẻ coi thường khuôn phép, ngược lại sẽ gây nên tình trạng khô cứng, áp đặt.
Gương sáng: Cha mẹ sẽ không thể dạy dỗ con cái sống đúng đắn nếu như cuộc sống của chính bản thân cha mẹ cũng tà tà, lèng phèng. Trong môi trường gia đình con cái sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phong cách, lối sống của cha mẹ. Chính vì vậy, để có một cuộc sống tốt thì chính cha mẹ hãy làm gương cho con cái noi theo như lời dạy của thánh công đồng: “Nhờ có gương sáng của cha mẹ, con cái trong gia đình sẽ dễ dàng thực thi lòng nhân ái, lãnh nhận ơn cứu độ và sống thánh thiện hơn”[6].
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên nêu lên những gương sáng về người thực việc thực trong đời sống để cùng con cái noi theo. Đặc biệt là gương sáng của các bậc thánh nhân trong Giáo Hội.
Tạm kết
Giáo dục con cái trong gia đình là một trong hai trục chính của bí tích Hôn nhân Công giáo. Nếu như truyền sinh có vai trò duy trì nòi giống và đảm bảo sự tồn tại của xã hội thì giáo dục giúp con người thực sự là người hơn trong xã hội mình đang sống. Chính vì vậy giáo dục con cái trong gia đình Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, giúp con người trưởng thành hơn trong việc kính Chúa và yêu người. Bởi thế, chúng ta cần quan tâm thúc đẩy và xây dựng một nền giáo dục gia đình xứng đáng với tầm quan trọng vốn có của nó.
[1] x. Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Ki-tô giáo, số 3.
[2] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 238.
[3] x. Công đồng Vatincanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Ki-tô giáo, số 3.
[4] x. 1Ga. 4, 21.
[5] x. Ep. 6, 4.
[6] x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 48
gxdaminh.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét