HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

CAMPUCHIA ĐIỀU TRA SỐ NGƯỜI NHẬP CƯ GÂY LO SỢ CHO NGƯỜI VIỆT

Ngư dân tại huyện Lvea Em thuộc tỉnh Kandal chuẩn bị thuyền tại bến phà Phnom Penh, nơi một cộng đồng người Việt chiếm làm khu nhà nổi (Ảnh: Abby Seiff)
 Trong các ngôi nhà nổi ở huyện Lvea Em, tin đồn âm thầm lan rộng. Có người nói nhân viên xuất nhập cảnh đến điều tra, có người nói đã có người bị trục xuất, nhưng không phải ở đây, ở Kampong Cham, ở miền xuôi hay ‘tận trên đó’, các ngư dân nói với vẻ thiếu quan tâm. Tin đồn chỉ là tin đồn. Tin đồn có thật. Không ai sợ. Mọi người đều sợ.

Nằm cách Phnom Penh chỉ 10 phút đi phà, khu nhà nổi của xã Preaek Akrei Khsat thuộc tỉnh Kandal là một thế giới riêng biệt. Mọi người đều nói tiếng Việt. Một số người nói tiếng Khmer, nhưng đa số nói kém hay không biết nói. Nhà cửa buộc dính vào nhau, nổi lên vào mùa mưa và hạ xuống vào mùa khô, và có khả năng chuyển đi nếu chính quyền giải tỏa. Hầu như ai cũng có giấy tờ nhập cư nhưng gần như không có người nào có thẻ căn cước hay giấy chứng nhận quyền công dân. Những người Việt này sinh ra và lớn lên ở Campuchia, nhưng bị tước đoạt gần như mọi thứ mà người gốc Khmer được hưởng như đi học, chăm sóc sức khỏe, cơ hội việc làm, đất đai, hội nhập.

“Chúng tôi đang sống trong cùng một đất nước, nhưng chúng tôi bị đối xử tệ hơn. Chúng tôi không thể nói được điều gì cả. Chúng tôi phải sợ họ”, Dy Ya, 31 tuổi, nói với vẻ cam chịu.

Khi Ya nói chuyện, con trai nhỏ của anh bước đi chập chững quanh ngôi nhà thuyền bằng cách vịn vào hàng rào cao bằng đầu gối bao quanh mũi thuyền. Ya ngừng lại để mặc áo phao và rồi nói tiếp.

“Người Việt nào ở đây cũng đều sợ họ cả. Họ luôn luôn lo sợ”, anh khẳng định.

Ít người trong làng này công khai đồng ý. Người hàng xóm của Ya là Sok Kea, nữ trưởng tộc 65 tuổi có con cháu chiếm nhiều ngôi nhà sát nhau thề không có vấn đề gì.

“Người Khmer yêu quí chúng tôi, chúng tôi sống trong một cộng đồng hòa hợp. Thỉnh thoảng mới có vấn đề; có người tốt, có người xấu”.

Quan điểm chống người Việt tại Campuchia không phải là mới, nhưng nó công khai hơn từ cuộc tổng tuyển cử tháng 7-2013. Là kẻ bung xung lâu nay đối với đảng đối lập, người Việt nhận thấy mình ngày càng trở thành mục tiêu bất bình của công chúng trong năm bất ổn sau cuộc tổng tuyển cử. Sau khi các cuộc xung đột giữa công nhân may mặc đình công và lực lượng an ninh hồi tháng Giêng làm ít nhất 5 người thiệt mạng, những người phản đối tức giận đã cướp bóc và san bằng nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt. Tháng sau đó, một người Việt bị giết chết trong một vụ tấn công vì phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, chính sách của chính phủ làm tăng thêm tình trạng bung xung. Ít người trong khoảng 500.000 người gốc Việt có giấy chứng nhận quyền công dân, khiến họ dễ bị buộc tội nhập cư bất hợp pháp và bị tước đoạt các quyền cơ bản. Mặc dù nhiều người gốc Việt xuất thân từ các gia đình đã sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ, họ cảm thấy mình bị tước đoạt các cơ hội dành cho đồng bào của họ. Trên thực tế, đa số sống cách ly trong các cộng đồng nhà nổi nghèo khổ và dơ bẩn vì họ không có quyền sở hữu đất.

Vì áp lực chính trị, hồi tháng 8 chính quyền bắt đầu điều tra số người không phải là công dân, và cam kết trục xuất những người sống bất hợp pháp ở Campuchia. Cho đến nay đã có hơn 500 người, trong đó có 350 người Việt, bị trục xuất.

Ý tưởng là cuộc điều tra cải thiện tình trạng của những người được xem là hợp pháp. Nhưng chính quyền không cho biết khi nào quá trình này kết thúc. Thay vì thế, cuộc điều tra làm cho tình hình của nhiều người không có giấy tờ tùy thân bấp bênh hơn, trong khi tạo ra một nguồn căng thẳng chủng tộc mới.

“Luôn có khả năng thông tin điều tra dân số được dùng để xâm phạm quyền lợi, xúi giục gây chia rẽ hơn hay thậm chí là bạo lực”, Nicole Girard, người điều phối Chương trình châu Á của Nhóm Nhân quyền Thiểu số, phát biểu. “Dựa trên lịch sử chính quyền không đảm bảo quyền công dân cho người gốc Việt, tôi hy vọng cuộc điều tra dân số lần này sẽ thật sự mang lại lợi ích cho các cộng đồng này”.

Tại Lvea Em, một số cư dân được ghi vào sổ điều tra, nhưng chưa có người nào được cho biết tình trạng của mình có thể được nâng lên thành “công dân”. Đa số hoàn toàn không biết cuộc điều tra dân số này có ý nghĩa gì đối với viễn cảnh sau này của họ.

“Tôi đã có giấy tờ, và tôi có thể có thẻ căn cước nhưng lại không có”, Dương, thành viên 32 tuổi trong khu nhà nổi, nói. “Nhưng nếu họ muốn ép chúng tôi đi, thì họ sẽ ép”.

Mặc dù bị hạn chế khả năng hội nhập, các cư dân cho biết tập hợp lại trong các cộng động chỉ có người Việt là biện pháp tốt nhất để chống lại các cuộc tấn công.

“Nếu cộng đồng người Việt sống gần nhau, người Khmer sẽ không quấy rầy chúng tôi. Nhưng khi cộng đồng ít người hơn, họ lại bắt nạt chúng tôi”, vợ của anh Ya là chị Nga nói.

Khi chị Nga ra chợ bán cá, chị đấu tranh với cái kiểu phân biệt chủng tộc nhiều người Việt thường gặp. Một số khách hàng tốt bụng, một số muốn gây sự, gọi chị là yuon, từ tiếng Khmer ám chỉ người Việt, mang ý miệt thị.

“Một số người đối xử với tôi rất tệ, đổi lỗi cho chúng tôi chiếm đất. Nhưng họ không có tiền; họ bán cho Việt Nam vì Việt Nam có tiền. Nhưng người ta lại đổ lỗi cho tôi, thật là kinh tởm”.

Trong những tháng gần đây, trò đổ lỗi gia tăng.

Tuần trước, hàng trăm người ở Phnom Penh tham gia cuộc biểu tình dài 5 ngày phản đối những lời bình luận của một nhà ngoại giao Việt Nam. Hồi tháng 7, người phát ngôn cho tòa đại sứ nói khu vực phía nam của Việt Nam được gọi là Kampuchea Krom thuộc lãnh thổ Việt Nam từ lâu trước khi Pháp nhượng lại năm 1949. Mặc dù đúng về mặt lịch sử, lời tuyên bố này khiến nhiều người tức giận, họ xem lời tuyên bố này có ý thiếu tôn trọng và ám chỉ Hà Nội trên quyền Phnom Penh.

Tại các cuộc biểu tình, người biểu tình đốt cờ Việt Nam và kêu gọi tẩy chay trước khi đe dọa san bằng đại sứ quán, nhiều người nói về kiểu đoạt quyền cách gian trá.

“Có quá nhiều người ở đây vì họ nhập cư vào đây cách bất hợp pháp và chính quyền không có hành động nào cả”, Ly Ma, ước tính có 4 triệu người Việt đang sinh sống tại Campuchia, nói.

“Điều đó rất nguy hiểm cho đất nước chúng tôi … Họ đã bí mật thuộc địa hóa Campuchia. Việt Nam đưa dân qua để bí mật thực dân hóa Campuchia”.

Ông và những người khác khẳng định họ không muốn thấy bạo lực, nhưng thúc giục chính quyền thi hành luật.

Thach Setha, lãnh đạo người Khmer ở Kampuchea Krom tổ chức các cuộc biểu tình này, nhấn mạnh ông “tôn trọng nhân quyền của những người Việt tại Campuchia muốn sống hòa bình”.

“Chính chính phủ Việt Nam muốn đẩy người dân đi đến bạo lực”, ông phát biểu với ucanews.com. “Nhưng chúng tôi không cần bạo lực. Chúng tôi vẫn giữ hòa bình”.

Với quan điểm chống người Việt được công khai như thế, các nhà giám sát nhân quyền và các thành viên cộng đồng đang ngày càng lo ngại.

“Họ chỉ biết cho cuộc sống của họ và nếu có chuyện xảy ra, họ đổ lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi là kẻ thù. Chúng tôi luôn sợ người Khmer”, Ya nói.
ucanews

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons