Mới đây trong một buổi hội thảo,
một tham dự viên đã đưa ra một trường hợp, theo đó, bà đã kết hôn với một người
Công Giáo được 40 năm. Trong suốt thời gian đó, bà vẫn đi nhà thờ với chồng,
nhưng bà không bao giờ xưng tội. Không thấy bà nhắc đến việc rước Thánh Thể. Bà
còn thêm rằng, trong nhà ngoài bàn thờ Chúa Mẹ, bà cũng thiết lập một bàn thờ
ông địa và ông thần tài. Trên bàn thờ này bà cũng đặt hoa qủa và cũng thắp
nhang đèn. Về phần sống đạo, bà cho rằng bà là người vợ tốt, người mẹ tử tế biết
hy sinh cho chồng, cho con. Bà không gian lận và cư xử bất công với ai. Bà
không giống như một số người mà bà biết tại sở làm, những người này tuy theo đạo
Công Giáo những vẫn gian lận trợ cấp xã hội, vẫn bê bối, vô trách nhiệm. Và bà
kết luận: Đạo nào cũng là đạo. Miễn sao mình ăn ở tốt là được. Tôi không cấm
con tôi kết hôn với những người theo các tôn giáo khác.
Chia sẻ và ý kiến của bà bỗng
nhiên trở thành một đề tài “nóng” là lu mờ chủ đề mà buổi hội thảo hôm đó nhắm
vào là đời sống hôn nhân: “Hôn nhân thiên đàng hay địa ngục?!”
Lập luận của nữ thính giả này
cũng là lập luận mà nhiều lần chúng ta đã nghe và đã trao đổi. Người đồng ý,
người không đồng ý nhưng phần đông dựa vào cảm tính và những lý luận cá nhân.
Cũng nên nhắc lại rằng, quan niệm đạo nào cũng là đạo không chỉ xảy ra trong tầng
lớp các giáo dân, tín hữu của các tôn giáo khác, mà ngay cả một vài linh mục
cũng chủ trương như vậy. Và quan điểm này hoàn toàn sai lầm nếu như đem ứng dụng
vào niềm tin và đời sống đạo của người Công Giáo, cũng như liên kết những nhân
đức và một vài hành vi đạo đức có tính cách luân lý và xã hội với đức tin của
người Công Giáo.
Đạo nào cũng là đạo, đó là nhận
xét chung. Nhưng không thể đem câu nói ấy, suy nghĩ ấy áp dụng vào đạo Công
Giáo, bởi vì điều mà khiến cho nhiều người, ngay cả những người tự cho mình là
hiểu biết và trí thức cũng không thể dùng sự hiểu biết và lý luận để giải thích
nổi những gì mà người Công Giáo phải tin nhận. Phải sống và thực hành.
Ngày gia nhập đạo, vị linh mục
hay người ban bí tích Thánh Tẩy đã hỏi người gia nhập đạo: “Ông, bà, anh, chị,
em, con muốn xin gì cùng Hội Thánh?”. Và người tân tòng hay người đỡ đầu thưa:
- Con xin đức tin.
- Đức tin làm gì cho con? Vị linh
mục hay người ban bí tích Thánh Tẩy hỏi lại.
- Đức tin ban cho con sự sống đời
đời.
Cái cốt lõi của đạo Công Giáo là ở
chỗ đó. Nếu không tin thì không thể trở thành một Kitô hữu được. Không tin thì
không thể thực hành những gì mà đạo Công Giáo đòi hỏi được.
Đi sâu hơn vào đời sống của người
Công Giáo thì đức tin ấy là gì? Người Công Giáo phải tin nhận những gì? Những
điều cần phải tin căn bản ấy gồm trong cái mà Giáo Hội Công Giáo gọi là Kinh
Tin Kính. Sau đây là những gì mà người Công Giáo phải tin:
“Tôi tin kính một Thiên Chúa, là
Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô,
Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên
Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật.
Được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha, nhờ Người
mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi,
Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể
trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá
vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô. Ngày thứ ba Người
sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Và Người
sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không
bao giờ cùng.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần
là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà
ra. Người cùng được phụng thờ, và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa
Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Tôi tin có Hội Thánh duy nhất,
thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để
tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại,
và sự sống đời sau.”
Đối với những Kitô hữu lơ là,
không hiểu và sống đạo tử tế, hoặc đối với những người không có niềm tin, không
tôn giáo thì những điều mà người Công Giáo tin hay tuyên xưng ở trên rất mơ hồ,
vớ vẩn, và điên rồ. Đó là những tư tưởng không khoa học, hoang đường, không kiểm
chứng được. Nhưng ngược lại, nó đã trở thành một lẽ sống, một thách đố rất lớn
lao cho những ai xưng mình là người theo Kitô Giáo, là người đạo Công Giáo.
Nguyên từ ngữ “Đức Tin” cũng đã là một điều rất khó giải thích. Vì tin khác với
“đức tin”. Đặc biệt khi chúng ta phải dùng đến nhân đức để mà “tin” những gì
con mắt tự nhiên, lý trí tự nhiên không giải thích được. Do đó, khi đề cập đến
đức tin, nhất là đức tin làm nên một người Công Giáo chân chính là một việc mà
tự nhiên con người không làm được, nhưng cần phải có ơn Chúa trợ giúp.
Nhưng cũng chính do chìa khóa đức
tin mà con người có thể mở ra được cánh cửa đời đời. Mở ra được con đường dẫn tới
vĩnh hằng. Mở ra con đường giải cứu và được giải cứu. Ơn cứu độ đến từ Thiên
Chúa, nhưng cũng cần con người tin nhận và đáp trả. Thánh Augustine đã nói:
“Khi Thiên Chúa dựng nên ban, Ngài không cần hỏi ý kiến bạn. Nhưng để cứu rỗi bạn,
Ngài cần sự cộng tác của bạn.” Và đó là điều mà đức tin có thể tác động trong đời
sống người Kitô hữu, cũng như người Kitô hữu sống với tác động ấy.
Để bảo vệ, để chứng tỏ cho mọi
người khác biết thế nào là Đức Tin sống động, Đức Tin thực hành, đạo Công Giáo
đã có cả một kho tàng triết học, thần học, tu đức, Thánh Kinh, và Giáo Luật.
Ngoài ra, đức tin ấy còn được gìn giữ qua kho tàng thánh nhạc, và nghi lễ, phụng
vụ. Đặc biệt, nó đã được chứng minh hùng hồn bằng hằng triệu triệu các chứng
nhân anh dũng trải qua các thời đại. Họ là những người đã bị chết vì niềm tin.
Lịch sử 300 năm cấm đạo ở Việt Nam với hàng trăm ngàn tín hữu đã phải chịu bao
khốn khó, và đổ máu mình ra cho niềm tin của mình, trong đó có 117 vị đã được
tôn phong hiển thánh và 1 vị được tôn phong Chân Phước là một thí dụ. Ngoài ra,
còn có hằng triệu, hàng trăm ngàn các nhà thừa sai, những tu sĩ nam nữ và các
giáo dân nhiệt thành ngày đêm hăng say trên con đường phụ vụ tha nhân. Sống với
những người nghèo, người cùi hủi, bệnh truyền nhiễm, tù tội, và những người lỡ
bước lầm đường. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy, nhìn thấy, và đọc thấy qua
sách vở, truyền thông…
Gần đây trong thời đại của chúng
ta, nhờ đức tin ấy mà Mẹ Têrêsa Calcutta đã ôm lấy những người cùi, đã tự tay
lau sạch các vết thương cho họ, và đã đem lại cho họ những nụ cười cuối đời
trong đau khổ và nước mắt.
Nhờ đức tin ấy mà Đức Chân Phước
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tha cho người ám sát mình. Đã vào tù bắt tay và
nói chuyện với kẻ chủ mưu giết hại mình.
Nhờ đức tin ấy mà Đức Hồng Y Nguyễn
Văn Thuận đã chinh phục được các cai tù đầy mặc cảm, thù hận được chỉ định cai
tù của Ngài trong suốt 13 năm trong lao tù Cộng Sản…
Đức tin như vậy vượt qua tầm hiểu
biết của lý trí và của những nhận định thông thường. Đức tin làm nền cho một đời
sống vươn cao, thanh thoát và thánh thiện hơn cả những truyền thống và phong tục
về lễ giáo. Nhờ đức tin, nó đưa con người vào chiều sâu tâm linh để nhận ra sự
hy sinh, đóng góp, và đời sống thánh thiện của mình mang ý nghĩa cứu độ và là
những tác động đem lại sự sống. Điều này vượt hẳn những suy nghĩ dù là triết
lý, tâm lý hay đạo đức xã hội. Và cũng vì thế, những hành động đạo đức xã hội nếu
không vì niềm tin và xây dựng trên niềm tin, thì đó cũng chỉ mang ý nghĩa luân
lý rất bình thường.
Tóm lại, đạo nào cũng là đạo. Những
hành động luân lý, đạo đức xã hội là những hành động đáng quí, đáng làm. Nhưng
mang nó lồng vào ý nghĩa so sánh với đức tin Công Giáo, với Đạo Công Giáo thì
không tìm được ý nghĩa tương xứng. Bởi vì cái mà người Công Giáo gọi là đạo nó
được xây dựng trên nền tảng đức tin. Mà đức tin là một cái gì mà trí khôn tự
nhiên không giải thích được, cũng như những hành động đạo tức tự nhiên không
vươn tới được.
Trần Mỹ Duyệt : memaria.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét