Người phụ nữ ngồi trên xe lăn cùng với đứa con trai 8 tuổi bị bệnh xương thủy tinh luôn nở nụ cười chào mời khách mua hàng cho mẹ con chị tại lễ hội Giáng sinh cho người kém may mắn. Thỉnh thoảng người dự lễ hội mua bánh, sữa chua và nước sâm khiến chị phấn khởi.
Chị Maria Nguyễn Thị Thanh Nga, 42 tuổi, cho biết hôm đó chị lời được 300.000 đồng từ việc bán hàng trong lễ hội. Chị nói sẽ dùng số tiền này để mua sách vở cho đứa con trai đang học lớp 8.
“Phải chi Giáo hội tổ chức nhiều hội chợ như thế này thì gia đình tôi được nhờ” – chị Nga, cao chưa đầy 1 mét, bày tỏ.
Chị giáo dân giáo xứ Gò Vấp cho biết: “Hội chợ thực sự là cơ hội để người khuyết tật tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, vì người khuyết tật không có đủ tiền để trả cho quảng cáo”.
Chị cùng chồng làm thêm các loại thức uống này để bán kiếm thêm ngoài việc bán vé số hàng ngày nhưng liên tục lỗ vốn vì không mấy người mua.
Tại buổi lễ hội Giáng sinh cho người kém may mắn lần thứ 12 có chủ đề “Phục vụ và yêu thương” được tổ chức bởi Nhóm Đức Tin và Văn Hóa hôm 22-12 tại Trung tâm mục vụ TGP TP.HCM, chỉ có một mình chị Nga bán hàng với tư cách cá nhân, phần lớn người khuyết tật ở các mái ấm bày bán hàng thủ công do chính họ làm ra như giỏ xách, móc khóa, tranh thêu, quần áo thổ cẩm, bình hoa voan, thú ngồi bông…
Khoảng 4.200 người có hoàn cảnh đặc biệt đến từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang và Tây Ninh tham dự lễ hội. Chương trình gồm ẩm thực, bày bán sản phẩm, trò chơi, tặng quà và văn nghệ.
Ông Trần Quang Phụng, bị khiếm thị 25 năm qua, đã bỏ nửa ngày làm việc để đến dự lễ hội cũng đã tìm được niềm vui ở lễ hội này.
Ông Phụng 53 tuổi, nói rằng “lần đầu tiên trong suốt 25 năm qua tôi thấy trong lòng vui vì được đến chốn đông người, nghe người ta cười nói, tiếng trẻ con nô đùa và tiếng nhạc hát mừng Giáng sinh rộn ràng”.
Ông bố của bốn đứa con cho hay hơn 20 năm qua ông sống với nghề bán vé số, mỗi ngày lời khoảng 80.000 đồng, ông ăn uống tằn tiện hết 18.000, số còn lại ông gửi về quê nuôi vợ và 4 đứa con. Căn nhà rộng hơn 20 mét vuông ở Sài Gòn đã phải bán để chạy chữa cho đôi mắt của ông khiến vợ con ông phải trở về quê ẩn náu trong căn nhà tồi tàn, không có ruộng rẫy.
“Tôi đến lễ hội này được người ta cho quà và hỏi thăm sức khỏe, nghe nói ngày này là ngày Chúa sinh ra đời, vậy cũng là ngày những người nghèo khổ tật nguyền như chúng tôi được vui vẻ” - ông Phụng nói thêm.
Chị Anna Trần Thị Thanh Nga, trưởng ban tổ chức, cho biết mục đích của lễ hội nhằm “đem niềm vui Giáng sinh đến cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời đây cũng là dịp để nối kết tình liên đới giữa các nhóm, câu lạc bộ của những người kém may mắn với nhau”.
Chị nói lễ hội là dịp để 68 mái ấm, nhà mở, trung tâm tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật hòa nhập cộng đồng xã hội và đặc biệt là để họ trao đổi học hỏi kinh nghiệm phục vụ, chăm sóc người kém may mắn lẫn nhau.
Cũng theo chị Nga, sự kiện trên có thể tạo động lực thúc đẩy cộng đồng xã hội mở rộng tấm lòng, góp phần vào việc chia sẻ, phục vụ những người kém may mắn hơn mình.
Kinh phí cho lần tổ chức này khoảng hơn 500 triệu đồng do các ân nhân đóng góp.
Đêm 21 -12 trước đó cũng diễn ra buổi thánh ca mừng Giáng sinh thu hút sự 13.000 người tham dự.
Ucanewsvietnam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét