Thánh Gio-an quê ở Bêt-xai-đa, xứ Ga-li-lê, làm nghề chài lưới. Thánh nhân là một trong 4 môn đệ đầu tiên (Si-mon và người anh là An-rê + Gia-cô-bê và người em là Gio-an) được Chúa gọi “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19). Là một tông đồ trẻ, năng nổ, nhiệt tình được Chúa Giê-su yêu thương đặc biệt, Thánh Gio-an đã để lại cuốn Tin Mừng thứ tư trình thuật về những lời giảng dạy cũng như việc làm của Đức Giê-su trong sứ vụ cứu độ nhân loại, cùng với sách Khải Huyền trình thuật những thị kiến giúp Thánh nhân hiểu rõ và sâu hơn về công trinh cứu độ của Thiên Chúa trải dài từ Cựu Ước tới Tân Ước. Ngoài ra, Thánh Gio-an còn là tác giả của 3 Thư gửi các tìn hữu nhằm nâng cao trình độ, củng cố đức tin cho họ về một Đấng Cứu Thế là Đức Kitô-Thiên-Chúa-làm-người. Tất cả các tác phẩm của Thánh nhân đều toát lên chủ đề chính yếu: Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Cũng vì tính cách trẻ trung, bộc trực, Gio-an cùng với người anh là Gia-cô-bê được Đức Giê-su (khi thành lập nhóm 12 Tông đồ tiên khởi) gọi là “con của Thiên Lôi” (Mc 3, 17). Tính cách “con của Thiên Lôi” sau đó đã biểu hiện và bị quở trách tới 2 lần: Lần thứ nhất, khi xin ngồi bên tả và bên hữu Chúa, bị quở trách “các anh không biết các anh xin gì” (Mc 10, 37); lần thứ hai, khi thấy một làng người Sa-ma-ri không chịu đón tiếp Đức Giê-su, "hai môn đệ là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông." (Lc 9, 54-56).
Tuy bị quở trách như vậy, nhưng Gio-an vẫn được Thầy rất thương mến. Đức Giê-su đã uốn nắn, dạy dỗ, khiến ngài biến đổi hoàn toàn: Thánh nhân đã trở nên một “môn đệ được thương mến”, ngả đầu vào ngực Đức Giê-su trong bữa Tiệc Ly (Ga 13, 23-25) và cũng chỉ có một mình Gio-an (trong số 12 tông đồ) trung thành theo Thầy tới tận chân thánh giá; và được Thầy Chí Thánh trước khi chết trên thập giá, trao phó cho thân mẫu là Đức Maria: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với Gio-an: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19, 26-27). Có thể nói Thánh sử Gio-an là một Tông đồ của Tình Yêu, một tác giả của Tình Yêu như lời khẳng định của ngài: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4, 10).
Trong sách Tin Mừng theo Thánh Gio-an thì câu kết thứ nhất (“Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” – Ga 20, 31) đã nói lên chủ đích của sách Tin Mừng này về phương diện thần học: Công bố Tin Mừng minh chứng ơn cứu độ được thực hiện bởi chính Con Thiên Chúa mặc xác phàm. Một cách cụ thể, đây vẫn còn là một sách Tin Mừng công bố về sứ mệnh “Mê-si-a” và về nguồn gốc Thần Linh của Đức Giê-su, căn cứ vào những dấu chỉ, để tăng thêm niềm tin vào Đức Giê-su Thiên Chúa, hầu được sống. Vì thế, mặc dù có những yếu tố chứng tỏ sách Tin Mừng thứ tư được viết khá muộn, nhưng vẫn phù hợp với lời rao giảng của thời kỳ nguyên thủy Ki-tô giáo.
Hiến chế “Tín Lý về Mạc Khải – Dei Verbum” (số 19) đã chỉ rõ: “Thực vậy sau khi Chúa về trời, những gì Người đã nói, đã làm thì các Tông Ðồ, sau khi đã được hiểu biết cách đầy đủ hơn – sự hiểu biết mà chính các ngài hưởng thụ được nhờ các biến cố vinh hiển của Chúa Ki-tô và ánh sáng của Thần Chân Lý – các ngài đã truyền lại cho những ai nghe các ngài.” Nhận định này quả thật rất chính xác đối với sách Tin Mừng thứ tư của Gio-an Thánh sử. Sách được bố cục theo 5 mục gồm 21 chương:
I. LỜI TỰA (Ch. 1)
II. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Ch. 1-4)
1. Loan báo nhiệm cục mới – A- Tuần lế khai mạc – B- Lễ Vượt Qua thứ nhất
2- Lễ thứ hai tại Giê-ru-sa-lem (Ch. 5)
3- Lễ Vượt Qua – Diễn từ về Bánh Trường Sinh (Ch. 6)
4- Lễ Lều (Ch. 7-9)
5- Cung hiến Đền thờ (Ch. 10)
6- Sứ vụ công khai của Đức Giê-su kết thúc (Ch. 11-12)
III. GIỜ CỦA ĐỨC GIÊ-SU: LỄ VƯỢT QUA CỦA CHIÊN THIÊN CHÚA (Ch. 13-17)
1- Bữa ăn cuối cùng của Đức Giê=su và các môn đệ
2- Cuộc Thương khó (Ch. 18)
3- Ngày Phục sinh (Ch. 20)
IV. ĐOẠN CUỐI – KẾT LUẬN (Ch. 21)
Tác phẩm của thánh Gio-an có những nét riêng – kể cả nội dung lẫn bố cục – khiến tác phẩm ấy khác hẳn so với các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Tuy cũng tập trung trình thuật những biến cố, những dấu chỉ phản ảnh trung thực cuộc sống của Đức Giê-su trong sứ vụ cứu độ nhân loại, sách Tin Mừng thứ tư vẫn mang một dấu ấn phụng tự và bí tích. Đó là những dấu ấn trong khung cảnh của đời sống phụng vụ Do-thái mà cuộc đời của Đức Giê-su đã trải qua. Đó cũng là mối liên hệ với những ngày lễ chính yếu và thường là trong đền thờ mà Đức Ki-tô làm phép lạ, cùng giảng dạy những điều quan trọng. Vả lại, chính Người cũng dạy rằng Người là trung tâm của một tôn giáo được canh tân “theo Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 24). Vì thế, cuộc đời của Đức Giê-su gắn liền với mầu nhiệm Ki-tô giáo, mầu nhiệm mà người tín hữu đang sống trong nghi thức Phụng tự và trong các Bí tích.
Rõ ràng sách Tin Mừng thứ tư là một tác phẩm gần gũi với hình thức rao giảng nguyên sơ của Ki-tô giáo, đồng thời cũng là đỉnh tới của sự cố gắng không ngừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhằm giúp tín hữu hiểu biết sâu xa và rõ ràng hơn về mầu nhiệm Cứu Thế (giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết đời đời). Khi trình thuật Tin Mừng, Thánh Gio-an luôn khẳng đỉnh trước, sau đó mới đem dẫn chứng ra minh họa. Ngay từ câu mở đầu sách Tin Mừng, Thánh nhân đã khẳng định: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” hoặc dọc theo trình tự tường thuật, Thánh nhân thường hay nói “Việc phán xét đã khởi đầu ngay từ bây giờ trong sâu thẳm tâm can”, hoặc “Sự sống đời đời đã đạt được ngay từ bây giờ trong Đức tin”. Kiểu nói đó đã hiện thực hoá và nội tâm hoá mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Thập Giá và mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Đó là kiểu nói mang tính thuyết phục rất cao.
Nhìn vào giá trị tổng hợp của Tin Mừng theo Thánh Gio-an, phải công nhận luồng tư tưởng Gio-an đã gây ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội ở giai đoạn tiên khởi (thế kỷ thứ nhất). Cả tác phẩm Tin Mừng Gio-an có thể tóm lại: Vì Chúa Giê-su chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và nhờ Thánh Linh của Người, chúng ta quyết tâm sống yêu thương giữa anh em với nhau, như Người đã yêu thương tất cả chúng ta. Ngoài ra, Thánh Gio-an còn là tác giả sách “Khải Huyền” (mở sự huyền bí ra) trình thuật về những thị kiến mạc khải mà chính Thánh nhân đã nhận được từ Thiên Chúa. Lời tựa sách Khải Huyền cho biết: “Mạc khải của Đức Giê-su Ki-tô, mạc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gio-an là tôi tớ của Người biết mạc khải đó. Ông Gio-an đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô, về những gì ông đã thấy.” (Kh 1, 1-2). Ngay ở thị kiến đầu tiên, chính Đức Ki-tô Phục Sinh đã chỉ thị cho Gio-an viết cho các Hội Thánh: "Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh: Ê-phê-xô, Xi-miếc-na, Péc-ga-mô, Thy-a-ti-ra, Xác-đê, Phi-la-đen-phi-a và Lao-đi-ki-a." (Kh 1, 11) Những thị kiến tiếp theo mạc khải về Con Chiên (từ mầu nhiệm Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh, đến mầu nhiệm Khải Hoàn trên Thiên Quốc: “Trời mới đất mới – Giê-ru-sa-lem mói”).
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gio-an tông đồ để mạc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Gio-an Tông đồ, tác giả sách Tin Mừng).
JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
daobinhducme.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét