CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM A (29/12/2013)
(Hc 3,2,6.12-14; Cl 3, 12-21; Mt 3, 13-15.19-23)
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có những lời sau đây ở trong số 5:
“Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Ki-tô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận” [HĐGM VN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43].
Vậy thì năm nay chúng ta phải mừng Lễ Thánh Gia Thất một cách thật đặc biệt và lấy đó làm khởi điểm cho Năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình theo Chương Trình Mục Vụ của các giáo phận ở Việt Nam.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Hc 3,2-6.12-14): Ai kính sợ Đức Chúa thì hiếu thảo với cha mẹ
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 3,12-21): Đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 2,13-15.19-23): Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)
Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa là:
- Đấng đã soi sáng hướng dẫn tác giả sách Huấn Ca ghi chép lại những kinh nghiệm nhân sinh quý báu làm nên truyền thống Do-thái giáo là nền tảng cho đời sống luân lý Ki-tô giáo, vì qua những kinh nghiệm sống ấy, dân Ít-ra-en khám phá sự khôn ngoan và mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa.
- Đấng đã dùng lời nói và ngòi bút của Thánh Phao-lô mà giảng dậy cho các Ki-tô hữu nói chung và các Ki-tô hữu làm vợ làm chồng nói riêng, biết cách sống phù hợp với niềm tin Ki-tô giáo của mình.
- Là Chúa Giê-su Hài Nhi bị lùng kiếm như một mối hiểm họa cho sự an toàn của cả một triều vua Hê-rô-đê. Vì vậy mà Người phải chạy trốn sang đất Ai-cập và chỉ trở về quê hương bản quán ở Ga-li-lê khi mối họa đã không còn.
- Là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa trở thành cư dân của làng Na-da-rét, sống ẩn dật và vô danh tiểu tốt. Ở đó Người sống vâng phục Thiên Chúa Cha và cha mẹ trần gian là Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a như một người con hiếu thảo nhất của truyền thống Híp-ri.
3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là: Vì anh (chị) em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, nên hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, trước nhất là trong gia đình, rồi đến ngoài cộng đồng xã hội.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với ThiênChúa là Chúa Cha quyền năng và yêu thương trong kế hoạch quan phòng khôn ngoan của Người; là Đấng mời gọi chúng ta có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau.
Sống với ThiênChúa là Chúa Giê-su Hài Nhi bị lùng bắt và phải chạy trốn ra nước ngoài và là Chúa Giêsu Thiếu Niên và Thanh Niên đã sống ẩn dật và vâng phục cha mẹ nơi làng Na-da-rét xứ Ga-li-lê.
Sống với Thiên Chúa Cha như một người con thảo; Sống với Chúa Giê-su như một người em và một người môn đệ.
4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa là có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ như Chúa Giê-su và Thiên Chúa!
Cụ thể là:
(a) Trong gia đình tôi có cố gắng để có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ với vợ/chồng, cha mẹ/con cái, anh/chị em không?
(b) Trong cộng đồng giáo xứ, trường học, bệnh viện, sở làm…. tôi có cố gắng để có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ đối với những người đồng đạo, đồng nghiệp, học sinh, sinh viên, bệnh nhân không?
(c) Ngoài xã hội tôi có cố gắng để có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ đối với những người mà tôi gặp hay tiếp xúc, nhất là những người cần đến tôi giúp đỡ, chia sẻ, ủi an không?
Mỗi người nhìn lại xem mình đã và đang sống như thế nào với giáo huấn hay thánh ý trên của Thiên Chúa?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.»Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người đang sống trong thời đại này sớm nhìn nhận Đức Giê-su Na-da-rét là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ nhân loại.
Xướng:Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.»Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa cảm nghiệm cách sâu sắc những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho mình mà sống cho tương xứng với tư cách cao trọng của mình.
5.3 «Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.»Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các gia đình thuộc cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết tha thứ cho nhau hầu mọi gia đình được ấm êm hạnh phúc.
5.4 «Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.»Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người làm con trong các gia đình, để họ biết sống thảo hiếu và trọng kính các bậc sinh thành để được Thiên Chúa chúc phúc.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
-----------------------------------
Bản tin đọc thêm:Đức Giáo Hoàng khuyến khích các tín hữu chiêm ngắm Mẹ Maria và Thánh Giuse trong mùa Giáng sinh
Hãng Asianews đưa tin, trong buổi đọc kinh Truyền tin vào Chúa nhật cuối cùng của mùa Vọng, Đức Giáo HoàngPhanxicô đã mời gọi 10 ngàn tín hữu tập trung tại Quảng Trường thánh Phêrô : “cử hành mùa Giáng sinh bằng việc chiêm ngắm Mẹ Maria và Thánh Giuse …. Với họ, chúng ta cùng nhau hướng tới Bêlem”.
Ngay sau khi xướng kinh Truyền tin, Đức Giáo Hoàngđã lưu ý về một biểu ngữ của một nhóm các tín hữu tại quảng trường: “Người nghèo không thể chờ đợi” và ngài chào mừng họ cũng như các thành viên của Hội Giáo Hoàng Thừa Sai (PIME).
Đức Giáo Hoàngnói về Đức Mẹ Maria và thánh Giuse rằng: ”Đức Maria, là [Đấng] đầy ơn phúc, là một người phụ nữ có can đảm để hoàn toàn tin tưởng vào Lời của Chúa. Trong khi thánh Giuse, một kitô hữu công chính, ngài thích tin vào Lời Thiên Chúa hơn là lắng nghe tiếng nói của sự nghi ngờ và niềm kiêu hãnh của con người.”
Tiếp tục hình ảnh về con người của thánh Giuse, hôn phu Đức Maria, Đức Giáo Hoàng nói: “Tin Mừng cho chúng ta thấy sự vĩ đại trong tâm hồn của thánh Giuse. Ngài đang tiến đến một cuộc sống tốt đẹp, ngài đã có kế hoạch cho mình, nhưng Thiên Chúa lại có một kế hoạch khác cho ngài, một nhiệm vụ lớn lao hơn. Thánh Giuse là người luôn luôn lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, với sự nhạy cảm sâu sắc về ý muốn bí mật của người, một người đàn ông luôn chú ý tới các thông điệp đến từ trái tim và từ trên cao.”
“Thánh nhân không chú trọng vào việc theo đuổi dự án của cuộc đời mình, ngài không để cho sự oán giận đầu độc tâm hồn mình, nhưng đặt mình vào vị trí phục vụ mới như đã được [sứ thần] trình bày. Và do đó, ngài trở nên tự do và cao cả hơn. Chấp nhận mọi thứ theo ý của Chúa, thánh Giuse đã tìm thấy mình trọn vẹn, ngài vượt lên trên bản thân mình. Sự tự do để từ bỏ mọi thứ, từ bỏ ngay cả sự tồn tại của chính mình, và một nội tâm hoàn toàn sẵn sàng với ý muốn của Thiên Chúa của thánh Giuse, thách thức chúng ta và cho chúng ta thấy được con đường.”
Sau khi xướng kinh Truyền tin, Đức Giáo Hoàngcòn nhận xét về một biểu ngữ của một nhóm gia đình người Ý và một số chủ doanh nghiệp nhỏ, những người giơ biểu ngữ cho biết về tình hình kinh tế khó khăn hiện tại cũng như việc các chính trị gia chậm trễ trong việc tìm kiếm các giải pháp.
Đức Giáo Hoàngnói: “Tôi đã nhìn thấy một biểu ngữ lớn. ‘Những người nghèo không thể chờ đợi’. Nó gợi cho tôi suy nghĩ về Đức Giêsu, người được sinh ra trong một máng cỏ chứ không phải trong một ngôi nhà. Sau đó, cả gia đình của người phải chạy trốn sang Ai Cập để cứu lấy mạng sống của người. Cuối cùng, người lại trở về quê nhà tại Nazareth. [Biểu ngữ ấy làm] tôi nghĩ nhiều về những gia đình vô gia cư, hoặc vì họ không bao giờ có một căn nhà, hoặc vì họ bị mất nó vì nhiều lý do. Rất khó khăn để thăng tiến một gia đình khi họ không có một ngôi nhà. Trong những ngày này của Giáng sinh, tôi mời gọi tất cả mọi người, các tổ chức và các cơ quan xã hội hãy làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng, mỗi gia đình có thể có một ngôi nhà.”
Sau khi chào hỏi các đoàn khách hành hương và Hội Giáo Hoàng Thừa Sai, Đức Phanxicô nói thêm: “Với những người Ý đã tụ tập để thể hiện quyền lợi xã hội của họ, tôi ước mong các bạn luôn luôn chọn con đường đối thoại, trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi cũng chúc các bạn có một Giáng sinh của hy vọng, công bằng và tình huynh đệ.”
[Nguồn: VRNs (23.12.2013) - Sài Gòn]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét