HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II



Theo cuốn "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle. Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ (NGUỒN: nguoitinhuu.com)

Chương 1: Giáo Hội Công Giáo Ngày Nay

Đó là một buổi chiều ẩm thấp của tháng Chín khi Đức Gioan Phaolô II bước ra khỏi chiếc phi cơ vừa đáp xuống phi trường Miami để bắt đầu chuyến tông du Hoa Kỳ. Chuyến tông du năm 1987 này là lần thứ hai ngài đến Hoa Kỳ với tư cách của một giáo hoàng, được thực hiện sau khi Công Đồng Vatican II mở ra một kỷ nguyên mới trong Giáo Hội Công Giáo mới được 22 năm. Khi các thông tín viên vây quanh ngài với các máy thu âm, một câu hỏi đã làm đức giáo hoàng phải chú ý: "Ngài nghĩ thế nào về sự chống đối và những bất đồng quan điểm đang chờ đợi ngài?" Với nụ cười khoan dung, Đức Gioan Phaolô II đáp lời: "Tôi đã quen với điều ấy. Có thể nói thật không bình thường nếu không có chuyện đó--nhất là ở Hoa Kỳ."

Trong toàn thể chuyến tông du, đức giáo hoàng được tiếp đón với một thái độ lẫn lộn của sự tâng bốc, thắc mắc và chống đối. Mặc dù sự tâng bốc dường như nhiều hơn những thắc mắc về lượng cũng như tính cách nhiệt tình, những thách đố đưa ra cũng không kém phần nghiêm trọng.

Thái độ lẫn lộn của sự đón tiếp đức giáo hoàng trong chuyến tông du này tượng trưng cho sự xung đột đang bùng nổ trong Giáo Hội Công Giáo khi giáo hội đang cố gắng tiếp tục thay đổi theo chiều hướng mà Công Đồng Vatican II đã vạch ra. Đức giáo hoàng đã làm gì và Giáo Hội đã làm gì khiến cho một số người Công Giáo thật hăng say, trong khi một số khác lại bực mình, và nhiều người khác lại vừa nhiệt thành vừa khó chịu?

Trong Chương Này

Công Đồng Vatican II là cuộc họp của các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đã xảy ra một cách gián đoạn từ 1962 đến 1965. Công đồng này là một trong những biến cố quan trọng đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Mục đích của công đồng là giúp Giáo Hội cập nhật hóa qua việc đối thoại với thế giới ngày nay. Công đồng cố gắng xác định bản chất và sứ vụ của giáo hội trong thế kỷ hai mươi và về sau.

Mục đích của cuốn sách này là khảo sát các vấn đề mà Giáo Hội Công Giáo ngày nay đang phải đương đầu dựa trên những phát triển của Công Đồng Vatican II. Sách được sơ thảo và kết cấu dựa trên hai văn kiện chính của công đồng: Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes). Các vấn đề hiện đại cũng được khảo sát đối với lập trường hiện thời của Công Đồng Vatican II.

Chương này sẽ đề cập đến tình trạng hiện thời của Giáo Hội Công Giáo. Có phải Giáo Hội đang bị phân hóa giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ? Có ai đứng giữa không? Chúng ta sẽ kết thúc bằng cách tìm hiểu các lý do tại sao việc nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề hiện thời dựa trên nền tảng của Công Đồng Vatican II phải dẫn đến sự hiểu biết sâu đậm hơn về những vấn nạn tôn giáo phức tạp mà người Công Giáo, cũng như các Kitô Hữu khác, đang phải đối diện ngày nay.

Một Quan Điểm của Các Vấn Đề

Đâu là một số vấn đề quan trọng mà Giáo Hội Công Giáo ngày nay đang phải đương đầu? Theo sau những thay đổi phát sinh từ Công Đồng Vatican II, nhiều tổ chức Công Giáo khác nhau đã định nghĩa các vấn đề một cách khác biệt.

Một số tổ chức liệt kê thêm những thay đổi cần phải thực hiện. Những tổ chức này có khuynh hướng cho rằng chiều hướng tổng quát của Công Đồng Vatican II chưa được giới lãnh đạo Giáo Hội xúc tiến mạnh đủ. Tỉ như lập trường của một tổ chức giáo dân, có trụ sở ở Chicago, mà họ tự gọi là "Call to Action." Trong một trang quảng cáo của tờ New York Times vào ngày 28 tháng Hai 1990, tổ chức này kêu gọi các cuộc canh tân ráo riết trong Giáo Hội. Tờ quảng cáo này có mang chữ ký của 4505 người Công Giáo.

Trong những canh tân được họ kêu gọi gồm có các vấn đề:

có thêm sự tham dự của phụ nữ trong mọi tầng lớp sứ vụ và quyền quyết định;
cho phép linh mục lập gia đình;
tham khảo ý kiến giáo dân một cách rộng rãi khi hình thành các giáo huấn liên quan đến vấn đề tình dục;
sự tham dự của giáo dân, tu sĩ nam nữ trong việc tuyển chọn giám mục;
đối thoại cởi mở, tự do học hỏi, và thủ tục thích hợp cho các thần học gia;
hành động cụ thể để giải quyết các khác biệt giữa Kitô Hữu;
tránh kiểu lãnh đạo độc đoán.
Tờ quảng cáo cho rằng nếu không có những canh tân này trong cơ cấu thì Giáo Hội khó có thể đảm trách sứ vụ của mình một cách hữu hiệu đối với thế giới. Vì Giáo Hội thất bại trong việc giải quyết vấn đề công bằng trong nội bộ, Giáo Hội là một trở ngại hơn là một trợ lực.

Một năm sau đó phát biểu này được lập lại qua lời tuyên bố của tổ chức ưu tú Catholic Theological Society of America (Tổ Chức Thần Học Công Giáo Mỹ Châu), là một tổ chức gồm 1,400 thần học gia. Dù rằng lời tuyên bố của tổ chức này ít có ảnh hưởng sâu rộng và mang nhiều sắc thái thần học hơn là tờ quảng cáo trên báo New York Times, một cách tổng quát tổ chức này cho rằng tinh thần Công Đồng Vatican II đã bị lạc hướng bởi thành phần bảo thủ và sự thiếu cởi mở của hàng lãnh đạo giáo hội. Những than phiền của các thần học gia bao gồm việc tập trung quyền lực quá đáng, thiếu tự do cho vấn đề thần học, thái độ nghi ngờ đối với phụ nữ và quyền lợi của phụ nữ, và vai trò tiêu cực của các nhà lãnh đạo Giáo Hội đối với tiến trình đại kết.

Một Quan Điểm Khác của Các Vấn Đề

Các tổ chức Công Giáo khác lại tin rằng đã xảy ra quá nhiều thay đổi, và toàn thể truyền thống sẽ bị hư hao nếu không làm gì để đảo ngược làn sóng thay đổi. Những tổ chức này tin rằng các người cải cách cấp tiến đã hiểu sai những thay đổi của Công Đồng Vatican II. Tỉ như lập trường của một tổ chức bảo thủ tên là The Fellowship of Catholic Scholars với số thành viên khoảng một ngàn học giả Công Giáo từ nhiều lãnh vực khác nhau. Vào tháng Chín 1990, tổ chức này ra một thông tư: "Vatican II: Promise and Reality -- The Catholic Church in the United States Twenty-Five Years After Vatican II" ("Công Đồng Vatican II: Hứa Hẹn và Thực Tế -- Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ 25 Năm Sau Công Đồng Vatican II").

Căn bản lý luận của thông tư này cho rằng nhiều cải cách cấp tiến được thực hiện nhân danh Công Đồng Vatican II đã đem lại kết quả trái ngược cho đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ. Tổ chức Fellowship công khai bất đồng ý với những ai cho rằng vấn đề chính trong Giáo Hội ngày nay là vấn đề quyền lực, đàn áp các thần học gia, thiếu cởi mở đối với việc tấn phong phụ nữ, và từ chối thể hiện kết quả của cuộc đối thoại đại kết. Thay vào đó, tổ chức Fellowship nhìn thấy những loại vấn đề khác:

sự sa sút trầm trọng của người Công Giáo trong việc tham gia hoạt động đoàn thể giáo xứ;
sự ngu dốt rộng lớn của người Công Giáo về giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội;
sự sa đọa của người Công Giáo trong hôn nhân và đời sống gia đình;
tư duy của người Công Giáo ngày càng tục hóa và chịu ảnh hưởng của thuyết tương đối;
người Công Giáo ngày càng bị ảnh hưởng bởi li dị và tái hôn bất hợp pháp;
sự sa sút trầm trọng hệ thống trường trung và tiểu học Công Giáo;
ơn thiên triệu ngày càng suy giảm;
sự bất lực của hệ thống đại học Công Giáo trong việc hỗ trợ đức tin, lòng đạo đức và sự hiểu biết chính thống của các sinh viên nam nữ.
Sau đó bản thông tư kêu gọi một sự tận tụy mới nhằm thúc giục sự nên thánh của mỗi người và hồi phục kỷ luật trong lòng Giáo Hội.

Một Giáo Hội Phân Hóa?

Hình ảnh một Giáo Hội đầy bất hòa và phân hóa có chính xác hay không? Trong chuyến tông du 1987 của đức giáo hoàng, mỗi một hệ thống truyền hình lớn đều phóng đi các hình ảnh đặc biệt về Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Theo xu hướng thông thường, các hãng truyền thông thường chú ý đến các mâu thuẫn và bất hòa. Do đó, người ta có cảm tưởng là Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đang bị phân chia giữa hai phe, một phe bảo thủ cực đoan của giáo hoàng và một phe chống đối dữ dội.

Tuy nhiên, hình ảnh đó có lẽ làm người ta lầm lạc hơn là một khám phá. Một phân tích tỉ mỉ của đài ABC, "The Pope in America" (mà tôi thấy ít chống đối nhất trong ba đài), cho thấy việc sử dụng kỹ thuật thông tin thường gây nên sự mâu thuẫn hơn là đem lại sự chính xác. Thí dụ, trong khi lướt qua những hình ảnh tiêu biểu của xã hội Hoa Kỳ như cảnh phụ nữ ăn mặc hở hang, người đồng tính luyến ái loè loẹt, cảnh hộp đêm đầy tiếng nhạc kích động thì Tòa Thánh Vatican lại được trình bầy qua hình ảnh của các dinh thự đồ sộ, các đại sảnh đường bằng cẩm thạch, các thượng hội đồng, và các nghi lễ long trọng trước một ca đoàn như thiên thần. Lập trường của người Công Giáo cấp tiến được tượng trưng bằng các thiếu niên nam nữ duyên dáng và các linh mục trẻ đầy nhiệt huyết mặc thường phục; lập trường hỗ trợ Vatican được tiêu biểu bằng các linh mục già hơn và tu sĩ nam nữ trong chiếc áo dòng truyền thống với lời nhận xét dí dỏm rằng Giáo Hội không có tự do thay đổi theo thời gian. Cuộc thăm dò ý kiến thường bị giới hạn trong những câu hỏi đầy mâu thuẫn và bởi đó các vấn đề phức tạp nhất cũng chỉ trong hình thức trả lời "đồng ý / không đồng ý." Bởi vậy, người xem chương trình có cảm tưởng rằng toàn thể thực tại của Giáo Hội là hai thái cực này.

Nhiều Người Đứng Giữa

Trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay thật dễ để tìm thấy những nhóm chống đối. Tuy nhiên, đây không phải là toàn thể bức tranh. Tôi là phần tử của một nhóm nghiên cứu về lập trường của các thần học gia Công Giáo trong một tổ chức chuyên gia toàn quốc, và là một giáo dân của giáo xứ ở Dayton, Ohio. Mặc dù thí dụ tiêu biểu của chúng tôi quá nhỏ bé để có thể đi đến kết luận về phương diện thống kê, nhưng chúng tôi thấy chứng cớ hiển nhiên rằng không thể nào vơ đũa cả nắm, dù đó là thần học gia hay giáo dân, khi cho rằng họ thuộc về thái cực này hay thái cực kia. Chúng tôi nhận thấy sự cực kỳ đa dạng trong Giáo Hội, với các giáo dân có khuynh hướng nghiêng về truyền thống nhiều hơn, và các thần học gia lại thường xác nhận lập trường đứng giữa. Chúng tôi kết luận rằng có một số rất đông người Công Giáo không đơn giản thuộc về phe cấp tiến hay bảo thủ. Mặc dù thành phần này rất dễ bị lãng quên, nó bao gồm một số lớn thần học gia và rất đông giáo dân. Nói cách khác, trong khi truyền thông chú ý đến thái cực này hay thái cực kia, phần đông giáo dân thì đứng ở giữa. Họ không hối tiếc về những thay đổi đã được thực hiện và cũng không muốn thay đổi nhanh chóng hơn nữa. Thay vì một giáo hội chia cắt phân rẽ về hai chiều hướng khác nhau, chúng ta có thể vạch ra hình ảnh của một giáo hội đang phát triển để đáp ứng với những tiến bộ hiện nay.

Kết luận trên có thể quá lạc quan, và đã từng bị chỉ trích như vậy. Tôi không muốn chối bỏ tính cách quan trọng của nhiều vấn đề tranh luận trong Giáo Hội ngày nay hoặc về những chia cắt và những oán hờn mà nó đã gây nên. Bất kể những lệch lạc nói chung, truyền thông có thể phục vụ chúng ta bằng cách trưng ra những căng thẳng và những điểm bất đồng, nhưng chúng ta cần nhớ rằng đó không phải là toàn thể bức tranh hoặc ngay cả một phần lớn của toàn thể bức tranh.

Hình Ảnh Rộng Lớn

Một cuộc khảo cứu tỉ mỉ về Giáo Hội Công Giáo thoát thai từ Công Đồng Vatican II có thể rất hữu ích cho tối thiểu một vài lý do quan trọng.

Trước hết, một cuộc khảo cứu như thế có thể duyệt xét một cách có phương pháp về những vấn đề mâu thuẫn ngày nay trong một hoàn cảnh lịch sử nhằm đưa ra một vài tia sáng thay vì chỉ khuấy động thêm sôi nổi. Nó có thể giúp chúng ta tìm hiểu một chuỗi quan điểm đa dạng thay vì chỉ nhìn đến một chia cắt giả tạo về các quan điểm đối nghịch gượng ép. Do đó người dân có thể nắm vững một loạt quan điểm trong Giáo Hội ngày nay mà không bị buộc phải thuộc về phe bên này hay phe bên kia.

Có lẽ quan trọng hơn nữa, một cuộc khảo cứu như thế có thể xuyên qua bề mặt của các vấn đề nóng bỏng để lưu tâm đến những căn bản mà Giáo Hội Công Giáo ngày nay có thể đem lại. Đâu là thông điệp của Công Đồng Vatican II, và nó trình bầy thế nào về truyền thống hai ngàn năm của Kitô Giáo? Giáo Hội Công Giáo nói gì với những người thời nay đang phải phấn đấu trong hành trình tâm linh? Tôi hy vọng rằng cuốn sách này không chỉ hữu ích cho người Công Giáo và các Kitô Hữu khác, nhưng còn cho bất cứ ai thắc mắc về bản chất tôn giáo.

Một số chủ đề sẽ được đề cập đến trong sách này, gồm có:

các lập trường khác nhau trong Công Đồng Vatican II và các phương cách giải thích khác biệt;
lịch sử các chia cắt tôn giáo và tình trạng hiện thời về đối thoại đại kết;
sự thay đổi vai trò của giám mục và linh mục trong Giáo Hội;
sự bất đồng chính đáng hiện nay giữa người Công Giáo và việc nhấn mạnh đến tự do tôn giáo hiện nay;
sự quan trọng của giáo dân và sứ vụ của họ trong thế giới;
các chủ đề hiện thời về linh đạo;
thần học giải phóng;
vấn đề phái tính và việc tấn phong phụ nữ;
chủ thuyết vô thần và tôn giáo đa nguyên;
hướng đi mới về vấn đề xã hội và kinh tế;
tầm quan trọng của hoà bình và sinh thái học về phương diện tôn giáo.
Bất cứ trình bầy nào cũng phản ánh một vài thiên kiến của tác giả. Tôi cố gắng trình bầy một cách thẳng thắn các lập trường của mỗi một vấn đề.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa nêu lên một số thắc mắc căn bản về tình trạng Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ như một phương cách đề nghị cho lý do tại sao một cuộc khảo cứu về các vấn đề hiện thời dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II lại có thể hữu ích. Trong chương kế tiếp chúng ta sẽ tìm hiểu một vài thử thách trong hoàn cảnh lịch sử của nó mà Giáo Hội phải đương đầu khiến dẫn đến việc triệu tập công đồng.

Câu Hỏi Suy Tư

Bạn tự cho mình thuộc về thành phần bảo thủ, cấp tiến, hoặc đứng giữa? Tại sao bạn nghĩ như vậy?
Vấn đề nào bạn cho là quan trọng nhất mà Giáo Hội ngày nay phải đương đầu?
Tại sao giới truyền thông có khuynh hướng đưa ra một hình ảnh sái lệch về Giáo Hội Công Giáo?
Một người Công Giáo hy vọng sẽ được gì khi nghiên cứu về Giáo Hội?
Một người không Công Giáo hy vọng sẽ được gì khi nghiên cứu về Giáo Hội?
Theo cuốn "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"
của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle. Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ

Chương 2: Các Thách Đố của Giáo Hội

Hãy tưởng tượng trong vài giây phút, bạn là vị vua đầy thế lực sống trong một lâu đài đồ sộ, tách biệt với thế giới bên ngoài. Một ngày kia có một mảnh giấy nhét dưới cổng lâu đài, nói rằng quan điểm về thế giới của bạn chưa đầy đủ. Ngày hôm sau lại có mảnh giấy khác nói bạn hoàn toàn thối nát. Ngày hôm sau nữa lại có mẩu giấy nói rằng bạn không còn tối quan trọng nữa. Rồi cứ thế, các mẩu giấy tiếp tục nói rằng bạn thực sự không biết gì cả, bạn là một nhà độc tài tàn nhẫn không biết nghe theo lẽ phải, và bạn là nhà cai trị tồi tệ đứng về phía quyền lực để đàn áp người nghèo. Dưới những hoàn cảnh như thế, có lẽ bạn sẽ trở nên nghi ngờ thế giới bên ngoài và không ít thì nhiều bạn sẽ tìm cách chống lại với những lời buộc tội ấy.

Vị vua trong câu chuyện trên có thể đại diện cho Giáo Hội Công Giáo. Những mẩu giấy tượng trưng cho các thách đố được đặt ra cho Giáo Hội qua sự phát triển của văn minh Tây Phương. Thái độ hồ nghi và tự vệ tượng trưng cho lập trường của Giáo Hội trong giai đoạn ngay trước khi có Công Đồng Vatican II.

Làm thế nào mà Giáo Hội Công Giáo có thể được ví như vị vua nói trên? Những đoạn dẫn giải sau chỉ có tính cách bao quát nhằm giải thích tại sao một giáo hội đã có hàng bao thế kỷ lại bị đe dọa ngày càng chồng chất.

Kitô Giáo khởi sự một cách lén lút, đôi khi bị bách hại. Hầu hết trong ba thế kỷ đầu, việc từ chối thờ cúng các thần La Mã là một hành động trái luật. Vào năm 313, hoàng đế Constantine ban chỉ dụ Milan tuyên bố tự do tôn giáo. Vào năm 380, Kitô Giáo trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc La Mã. Qua nhiều năm, Giáo Hội Công Giáo du nhập nhiều cơ cấu và phẩm phục của đế quốc La Mã cũng như của xã hội phong kiến thời Trung Cổ. Vào thế kỷ mười ba, không những hầu hết thế giới Tây Phương đều là Kitô Giáo mà Giáo Hội Công Giáo còn là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng quan trọng đến nền văn minh Tây Phương. Những quan điểm về vũ trụ, thiên nhiên, đức tin và đời sống hàng ngày trong văn hóa Tây Phương là của Kitô Giáo. Mặc dù có những cuộc tranh luận thần học sôi nổi trong suốt thời Trung Cổ, các cuộc tranh luận ấy xảy ra trong vòng quan điểm của Kitô Giáo với những giả thuyết vững như bàn thạch cho rằng: thế giới này được cứu chuộc qua sự Nhập Thể của Đức Kitô; Đức Kitô sáng lập Giáo Hội; Giáo Hội và các bí tích giúp dân chúng được thừa hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô. Tranh luận thì nhiều nhưng không có nhiều thách đố.

Tuy nhiên, qua các thế kỷ, tổng hợp trung cổ của Giáo Hội Công Giáo phải đối diện với nhiều thử thách khiến nó bắt đầu lung lay. Vào thế kỷ mười bốn, trận dịch hạch Tử Thần Đen tàn phá hầu hết thế giới, quét sạch một phần ba dân số Âu Châu, và đặt ra nhiều vấn đề về Thiên Chúa, về sự đau khổ, và mục đích của đời sống. Trong thế kỷ mười lăm, sự thối nát lan tràn trong Giáo Hội Công Giáo đã khiến nhiều người phải lên tiếng kêu gọi cải tổ. Trong thế kỷ mười sáu, một số phong trào đòi hỏi canh tân đã quy tụ thành một tổ chức là giáo phái Tin Lành. Sự phát triển của các phong trào này lại được tiếp tay bởi nhiều yếu tố, đó là: chủ nghĩa dân tộc được phát sinh cùng lúc, sự hình thành nền kinh tế mới, và sự gia tăng hiểu biết và giáo dục do kỹ nghệ ấn loát mang lại. Những tiến triển này cũng song song với sự phát sinh thế giới "trần tục" mà thế giới ấy không trực tiếp nhờ cậy đến Giáo Hội Công Giáo. Điều này góp phần cho sự thay đổi thế giới trung cổ hoàn toàn lệ thuộc vào Giáo Hội mà trong đó chưa có thế giới "trần tục."

Trong các thế kỷ gần đây, sự phát triển của các khoa học tự nhiên và xã hội đã đề ra nhiều thách đố cho Giáo Hội Công Giáo. Thế kỷ mười bảy chứng kiến các nhà thiên văn như Galileo không chấp nhận quan điểm vũ trụ mà Giáo Hội Công Giáo dạy bảo  theo như Sáng Thế Ký đã viết. Thế kỷ mười tám lại càng nhấn mạnh hơn nữa đến lý lẽ con người, phát sinh những tư duy mới về chính trị cách mạng nhằm đặt quyền lực dân chủ vào tay người dân thay vì các bạo chúa. Vào thế kỷ mười chín, một xã hội kỹ nghệ mới được thành hình, gây nên các hình thức bóc lột mới; nhiều nhà phân tích xã hội và cải cách đã giải thích vai trò của Giáo Hội theo một giới hạn tiêu cực, họ coi Giáo Hội như một cơ chế truyền thống nhằm củng cố sự đàn áp.

Một phần nào giống như ông vua trong câu chuyện ở trên, Giáo Hội nhìn thấy các lời buộc tội dường như ngày càng chồng chất. Vào giai đoạn ngay trước khi Công Đồng Vatican II, Giáo Hội có khuynh hướng trở thành điều mà nhiều người gọi là một "thành trì tinh thần" hay một "nhà tù tinh thần," có phần nào tách biệt với sự phát triển của thế giới hiện đại.

Trong Chương Này

Mục đích của chương này là tỉ mỉ khảo sát trong khung cảnh lịch sử một số thách đố mà Giáo Hội phải đưa ra trong Công Đồng Vatican II. Sau khi đưa Công Đồng Vatican II vào hoàn cảnh lịch sử của các công đồng trước đây, chúng ta sẽ thảo luận về các thách đố mà thế giới hiện đại đã đề ra cho Giáo Hội. Sau đó, chúng ta sẽ ngắn gọn đề cập đến một số phương cách mà Công Đồng Vatican II đã trả lời các thử thách này, những câu trả lời này sẽ được nghiên cứu trong các chương kế tiếp.

Hai Mươi Mốt Công Đồng Được Công Giáo Chấp Nhận

Công Đồng Vatican II là một trong hai mươi mốt công đồng được người Công Giáo coi là đáng tin cậy. Trong các công đồng này, chỉ có bảy công đồng đầu tiên được Chính Thống Giáo Hy Lạp xác nhận,  và sau đó họ có thêm các công đồng khác của chính họ. Mỗi giáo phái Tin Lành lại chấp nhận số công đồng khác nhau.

Mặc dù không được coi là công đồng "chung", công đồng Giêrusalem--được đề cập đến trong sách Tông Đồ Công Vụ 15--bao gồm các vị lãnh đạo Giáo Hội thời tiên khởi để quyết định về một thắc mắc căn bản là vấn đề các người tòng giáo có phải tuân giữ luật Môisen hay không. Một số cho rằng phải như vậy, nhưng quyết định của công đồng lại khác.

Bảy công đồng chung đầu tiên đã thông qua các phán quyết về sách thánh và kinh tin kính và niên lịch phụng vụ, nhưng chính yếu vẫn nhằm làm sáng tỏ những gì Kitô Hữu tin tưởng về Đức Giêsu. Công Đồng Nicêa năm 325 lên án lạc giáo Arian, khi lạc giáo này cho rằng Đức Giêsu tuy cao hơn loài người nhưng vẫn kém Thiên Chúa. Công đồng tuyên xưng rằng Đức Giêsu "đồng bản thể với Thiên Chúa Cha." Công Đồng Chalcedon năm 451 bài bác những ai cho rằng Đức Giêsu chỉ có một bản tính, hoặc là con người hoặc là Thiên Chúa. Công đồng tuyên xưng Đức Giêsu là một con người với hai bản tính, nhân tính và thiên tính.

Tám công đồng kế tới được người Công Giáo xác nhận có tính cách hoàn vũ (công đồng 8 - 15) và liên hệ đến mối tương giao giữa Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Công Giáo La Mã. Thí dụ, Công Đồng Constantinople IV trong năm 869-70 đã truất phế Đức Thượng Phụ của Constantinople và công đồng này góp phần trong cuộc đại ly giáo sau đó giữa Hy Lạp và Roma. Công Đồng Lyons II năm 1274 thiết lập một tái hợp ngắn ngủi giữa hai thành phần này.

Một công đồng trong thời gian đó, Latêranô III vào năm 1179, đã kết án các phong trào Tin Lành ban đầu thường được biết đến là Waldense và Albigense, và công đồng cũng kêu gọi canh tân Giáo Hội. Việc lên án các giáo phái Tin Lành và cố gắng canh tân là các động lực chính của các công đồng 16 đến 19. Công Đồng Constance năm 1414-18 nổi tiếng nhất vì đã ổn định được sự tranh chấp giữa ba người tự xưng là giáo hoàng, công đồng cũng ban bố sắc lệnh chống với những người cải cách tiên khởi là John Hus và Wycliffe. Công Đồng Latêranô V trong năm 1515-17 cố gắng chấn chỉnh các lạm dụng trong Giáo Hội sau khi đã quá nhiều người kêu gọi cải tổ, nhưng vì thiếu hành động quyết liệt nên đã làm phát sinh làn sóng Cải Cách. Công Đồng Trentô (Triđentinô), 1545-63, vừa lên án lập trường của các nhà cải cách Tin Lành vừa có những biện pháp nghiêm khắc nhằm gia tăng phẩm chất của việc chăm sóc mục vụ trong Giáo Hội. Trong các phản ứng quyết liệt chống với bất cứ gì là của Tin Lành, công đồng này đã đưa đến việc quá chú trọng các quy tắc và luật lệ mà thái độ ấy kéo dài trong Giáo Hội mãi cho đến thập niên 1960 và Công Đồng Vatican II.

Công Đồng Vatican I từ 1869-70 có văn kiện về Giáo Hội trong chương trình nghị sự, nhưng văn kiện này không được thông qua vì công đồng phải chấm dứt sớm hơn thường lệ khi cuộc chiến Pháp-Phổ bùng nổ. Tuy nhiên, công đồng này đã xoay sở để thông qua hai văn kiện rất quan trọng: văn kiện về đức tin và lý lẽ đề cập đến sự hài hòa giữa hai yếu tố này, và một văn kiện (nguyên thủy là một phần của văn kiện về giáo hội) xác định tính cách tối cao và bất khả ngộ của đức giáo hoàng.

Công Đồng Vatican II xảy ra trong khoảng 1962 và 1965. Công đồng này không được khai diễn cách liên tục, nhưng mỗi năm công đồng gặp gỡ trong khoảng hai tháng và liên tiếp trong bốn năm. Công Đồng Vatican II là công đồng thứ hai mươi mốt. Nếu không kể Công Đồng Vatican I vì chưa thực sự kết thúc, một công đồng chung đã không được triệu tập trong vòng bốn trăm năm.

Các Thách Đố Hiện Đại

Giáo Hội Công Giáo phải đương đầu với nhiều thử thách ngay trong giai đoạn trước thời Công Đồng Vatican II. Một số học giả ngày nay coi giai đoạn bốn trăm năm trước Công Đồng Vatican II là "Giai Đoạn Phản Cải Cách," với đặc tính là quá nhấn mạnh đến quy tắc và luật lệ được đưa ra bởi Công Đồng Trentô. Để vượt ra khỏi giai đoạn Phản Cải Cách mà đến với Công Đồng Vatican II, Giáo Hội cần đảo ngược thái độ bài bác Tin Lành cách quá đáng và quân bình lại cơ cấu thẩm quyền của hệ thống phẩm trật nặng ở trên đỉnh. Giáo Hội cần hàn gắn lại mối bất hòa với Chính Thống Giáo Hy Lạp. Ngoài ra, Giáo Hội cần phải đạt được sự thoả thuận trong các tương giao với Do Thái Giáo và các tôn giáo khác trên thế giới khi một cộng đồng nhân loại toàn cầu đang phát sinh.

Tuy nhiên, các thử thách nghiêm trọng lại ở ngoài lãnh vực tôn giáo. Giáo Hội phải thiết lập một quan hệ đầy mâu thuẫn với khoa học: Một đàng, Giáo Hội phải công nhận trên lý thuyết giá trị căn bản của lý lẽ con người; đàng khác, Giáo Hội đã từng do dự và ngay cả tẩy chay một số khám phá khoa học khi nhân danh việc bảo vệ đức tin. Vào thập niên 1960, điều mà nhiều người cho rằng cuộc chiến giữa khoa học và tôn giáo thì dường như khoa học đã rõ ràng chiến thắng. Các phát minh khoa học kỹ thuật có thể chữa trị nhiều bệnh tật, việc thám hiểm không gian, việc vận chuyển, các toà nhà chọc trời, và thực phẩm gia tăng. Đó là một thời kỳ lạc quan nhất trong tiến trình nhân loại mà trong đó thẩm quyền của Giáo Hội bắt đầu mất đi sự tin tưởng đối với nhiều người.

Các thách đố gay go nhất được đề ra bởi những người vô thần có thế lực. Karl Marx, triết gia của thế kỷ mười chín là người đã tiên đoán và thúc đẩy các cuộc cách mạng vô sản trên toàn thế giới, ông đã giải thích tôn giáo như những hứa hẹn hão huyền về sự sống đời sau với mục đích kềm hãm dân chúng đừng để họ chống lại sự đàn áp ngay bây giờ. Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, cho rằng Thiên Chúa và tôn giáo là những gì mà người trưởng thành cũng như nền văn minh phải khước từ. Freud cho rằng khoa học là phương cách duy nhất giúp chúng ta biết đến sự vật. Triết gia hiện sinh của Pháp là Albert Camus lý luận rằng tôn giáo thì bất lực khi đề cập đến các thắc mắc căn bản mà nhân loại phải đối diện. Sự đau khổ và sự dữ mà con người phải gánh chịu dường như cho thấy không có một Thiên Chúa đầy nhân từ và đầy quyền năng, nhưng đúng hơn là một vũ trụ vô lý mà trong đó tâm hồn con người kêu gào tìm kiếm ý nghĩa nhưng không thấy câu trả lời.

Ngay cả những người không bị hấp dẫn bởi các hình thức vô thần, những phê bình tôn giáo này thật quan trọng vì nó hùng hồn nói lên những hồ nghi và thắc mắc của một con người bình thường. Nhiều người trong thế giới hiện đại, tuy không phải vô thần, nhưng ngày càng có khuynh hướng theo bất khả tri thuyết, theo chủ nghĩa thế tục, và chủ nghĩa nhân văn. Người theo bất khả tri thuyết chủ trương rằng người ta không thể biết được có Thượng Đế hay không; người theo chủ nghĩa thế tục coi giáo hội như một điều không thích hợp; người theo chủ nghĩa nhân văn tin tưởng vào sự tốt lành của các cố gắng con người mà không nhất thiết phải dính dáng đến mục đích siêu nhiên. Đối với một số người, dường như Giáo Hội Công Giáo đang cố gắng duy trì vị thế trong chiếc thang đi xuống, trong khi toàn thể thế giới đang tiến lên.

Công Đồng Vatican II là Công Đồng Có Tính Cách Mục Vụ

Cũng như hai mươi công đồng trước đây, Công Đồng Vatican II cần đề cập đến nhiều thử thách vừa đối nội vừa đối ngoại. Tuy nhiên, không như các công đồng trước, Công Đồng Vatican II không nhằm lên án các lạc giáo qua việc công bố các giáo điều. Đúng hơn, công đồng được tiến hành trong một phong thái tích cực hơn qua những phát biểu mới nhằm xác định bản chất của mình và qua sự tiến hành việc đối thoại với thế giới hiện đại.

Chính vì lý do này mà Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói rằng mục đích chính của Công Đồng Vatican II là aggiornamento, đó là cập nhật hoá Giáo Hội. Ngài kêu gọi công đồng phải có tính cách "mục vụ" mà không xác định thêm một giáo điều gì mới, nhưng đúng ra là để tìm hiểu xem làm cách nào giáo huấn của Giáo Hội có thể truyền đạt cách trọn vẹn hơn và được sử dụng hữu hiệu hơn.  Nói cách khác, công đồng này được triệu tập để Giáo Hội Công Giáo tự cải tiến để có thể đảm trách sứ vụ của mình một cách hữu hiệu hơn trong thế giới ngày nay.

Tuy nhiên, thật sai sót nếu quên đi phản ứng của công đồng đối với các thách đố. Mặc dù Freud và Marx và Camus không được nêu đích danh trong các văn kiện, rõ ràng là có sự cố gắng đề cập đến các vấn đề mà những nhân vật này cũng như nhiều nhà phê bình khác đã đưa ra. Hơn thế nữa, Công Đồng Vatican II còn thiết lập một hướng đi và một động lực mà qua đó Giáo Hội tiếp tục khảo sát các vấn đề tương tự trong một đường lối liên tục.

Một trong những điều vĩ đại về Công Đồng Vatican II là công đồng không chỉ bác bẻ lại những thách đố đó và quên đi; đúng hơn, công đồng đã để sự chỉ trích của họ có ảnh hưởng tích cực đến sự hiểu biết về chính Giáo Hội. Đó là, trong Công Đồng Vatican II, hiển nhiên là Giáo Hội không chỉ tự bảo vệ chính mình mà còn thăng tiến từ những thách đố đó.

Đây là điểm quan trọng, bởi vì các chỉ trích của Freud, Marx, Camus và những người khác không những tượng trưng cho các lý lẽ có tính cách lịch sử mà còn là những hồ nghi, những lưu tâm mà bất cứ ai, có đức tin hay không, rất có thể phải đối diện. Trong quãng thời gian nào đó của cuộc đời, nhiều người tự hỏi tôn giáo có phải là một sự chống đỡ về phương diện tâm lý, một công cụ để kiểm soát của các nhà lãnh đạo xã hội, hoặc một chuỗi câu trả lời khi chúng ta thực sự có câu hỏi chính đáng.

Giáo Hội thoát thai từ Công Đồng Vatican II với nhiều lưu tâm rõ ràng về quyền tự trị của con người và sự trưởng thành của đức tin, về tiến bộ nhân loại và sự thay đổi cơ cấu xã hội, về sự bí ẩn không thể hiểu của đời sống và nhận ra nhu cầu của Giáo Hội là cần phải tiến hành việc tự-phê-bình. Mặc dù đạo Công Giáo trước thời Công Đồng Vatican II có nhiều khía cạnh tốt đẹp, Giáo Hội thời hậu Công Đồng Vatican II lại càng tốt đẹp hơn khi được trang bị để đối phó với những chỉ trích về tôn giáo, để thực sự lưu tâm đến những vấn đề chính đáng, và để phát triển từ những va chạm đó.

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa nhìn đến cách Giáo Hội phát triển từ "thành trì tinh thần" trước thời Công Đồng Vatican II. Sau đó chúng ta thử nhìn đến Công Đồng Vatican II trong khung cảnh của các công đồng trước và các thách đố của thời đại. Sau cùng chúng ta nhìn đến Công Đồng Vatican II như một công đồng mục vụ cần phải đề cập đến nhiều vấn đề nhằm cập nhật hoá Giáo Hội. Trong chương kế tới, chúng ta sẽ làm quen với mười sáu văn kiện của Công Đồng Vatican II, và đặc biệt lưu tâm đến văn kiện Lumen Gentium (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội) và Gaudium et Spes (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay), hai văn kiện này sẽ làm nền tảng sắp xếp cho các chương còn lại của cuốn sách.

Câu Hỏi Suy Tư

Hình ảnh nào và ý nghĩ nào bạn liên tưởng đến Giáo Hội thời trước Công Đồng Vatican II? Chúng tích cực hay tiêu cực?
Trong các thử thách của Giáo Hội Công Giáo, thử thách nào bạn cho là trầm trọng nhất?
Trong các thử thách của Giáo Hội Công Giáo, thử thách nào tiêu biểu cho các thắc mắc, nghi ngờ, và lưu tâm của chính bạn?
Nếu dân chúng không biết đến các thử thách của Giáo Hội, họ có lợi hơn không?
Làm thế nào mà Giáo Hội được lợi ích khi coi trọng sự chỉ trích của những người vô thần?
Theo cuốn "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"
của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle. Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ

Chương 3: Các Văn Kiện của Công Đồng Vatican II

Không thể nào coi thường ảnh hưởng của các văn kiện Công Đồng Vatican II đối với Giáo Hội Công Giáo. Trong một vài thập niên sau công đồng, câu chuyện công đồng thường được kể lại theo kiểu "trước và sau": Trước Công Đồng Vatican II, mọi sự đều tăm tối, sái quấy và cản trở; sau Công Đồng Vatican II, mọi sự đều sáng tỏ, canh tân và cởi mở. Có lẽ một số người cần được nghe tình tiết này trong một thời gian. Không ai hồ nghi rằng Công Đồng Vatican II đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng và cần thiết. Một cách tự nhiên, có lẽ người ta muốn chú trọng đến những thay đổi này.

Tuy nhiên, cùng lúc ấy cũng có nhiều tiếng nói Công Giáo ngày nay đòi hỏi rằng câu chuyện "trước và sau" của Công Đồng Vatican II vẫn được tiếp tục kể lại trong khung cảnh sâu rộng hơn của lịch sử Giáo Hội. Vì trong tất cả những thay đổi, vẫn còn một tảng đá sâu ngầm, rộng lớn hơn. Những gì kế tiếp là hy vọng rằng người ta sẽ không chỉ hiểu Công Đồng Vatican II về những thay đổi lớn lao mà nó đã đem lại, nhưng còn thấy trong công đồng ấy một phát biểu rõ ràng về đức tin Công Giáo tiếp nối với truyền thống Công Giáo lớn lao hơn.

Trong Chương Này

Chương này nhằm đem lại một cái nhìn tổng quát về mười sáu văn kiện của Công Đồng Vatican II. Chúng ta sẽ liệt kê các văn kiện cùng với phần diễn tả ngắn gọn. Sau đó chúng ta sẽ thảo luận về sự quan trọng của các văn kiện. Sau cùng, chúng ta sẽ đặc biệt lưu ý đến Lumen Gentium và Gaudium et Spes, là hai văn kiện chính về chủ đề giáo hội làm nền tảng cho những phần còn lại trong sách này.

Các Văn Kiện Công Đồng Vatican II

Trong mười sáu văn kiện của Công Đồng Vatican II, nhiều văn kiện có liên hệ đến chủ đề giáo hội. Các dự thảo văn kiện được chuẩn bị bởi nhiều ủy ban gồm các giám mục và thần học gia và được đưa ra biểu quyết trong công đồng. Các ủy ban soạn thảo đầu tiên thì rất nệ cổ; trong các khóa họp đầu tiên của công đồng, một cuộc bỏ phiếu đã được thể hiện để bác bỏ một danh sách các thành viên cũ của ủy ban soạn thảo nhằm tuyển lựa các thành viên mới. Việc biểu quyết này rất quan trọng, vì nó đưa công đồng vào một tiến trình thay đổi và canh tân ngay từ lúc đầu. Hầu hết các dự thảo văn kiện đều được sửa đổi lại và văn kiện sau cùng rất khác với bản soạn thảo đầu tiên. Danh sách sau đây chỉ nhằm đem lại một cái nhìn tổng quát về các văn kiện.

Các văn kiện từ 1963

Hiến Chế Tín Lý Về Phụng Vụ Thánh: đề cập đến các nguyên tắc canh tân phụng vụ làm nền tảng cho nhiều cải tổ phụng vụ sẽ được thể hiện sau công đồng.

Sắc Lệnh về Truyền Thông Xã Hội: thảo luận về sự quan trọng của truyền thông đối với sự tiến bộ liên tục của nhân loại và sự góp phần của người Công Giáo nếu có thể.

Các Văn Kiện từ 1964

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium, "Ánh Sáng Muôn Dân"): đề xướng một sự hiểu biết về giáo hội với các đặc tính: giáo hội là một mầu nhiệm, có tính cách hoàn vũ, chia sẻ thẩm quyền, chú ý đến giáo dân, và cần canh tân và tái cải tổ.

Sắc Lệnh về Giáo Hội Công Giáo Đông Phương: ca ngợi di sản phụng vụ và thần học của các giáo hội này, tuy ở Đông Phương nhưng vẫn giữ sự hiệp thông với Rôma.

Sắc Lệnh về Đại Kết: thú nhận lỗi lầm từ mọi phía vì những tranh chấp gây nên sự chia cắt trong Kitô Giáo; tìm cách đối thoại và hợp nhất với "những anh em đã chia lìa."

Các Văn Kiện từ 1965

Sắc Lệnh về Văn Phòng Mục Vụ của các Giám Mục Trong Giáo Hội: xác định thẩm quyền và nhiệm vụ của các giám mục trong giáo phận của các ngài, trong cuộc họp cấp miền, và trong giáo hội nói chung.

Sắc Lệnh về Canh Tân Cập Nhật Hóa Đời Sống Tu Trì: kêu gọi canh tân trong cơ cấu tổ chức và quy luật, nhưng coi yếu tố then chốt để canh tân là thể hiện các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Sắc Lệnh về Huấn Luyện Linh Mục: kêu gọi việc huấn luyện các linh mục một cách nghiêm chỉnh, kể cả việc chú trọng đến các tiêu chuẩn cao trong việc học, đời sống tâm linh và huấn luyện mục vụ.

Tuyên Bố về Giáo Dục Kitô Hữu: xác nhận sự quan trọng của việc giáo dục Kitô Hữu ở nhà, ở trường, và ở nhà thờ và kêu gọi việc cập nhật hóa các phương pháp giáo dục để phù hợp với các ngành khoa học xã hội.

Tuyên Bố về Sự Tương Giao Giữa Giáo Hội và Các Tôn Giáo Không Phải Kitô Giáo: kêu gọi thái độ cởi mở và cộng tác với các tôn giáo lớn trên thế giới.

Hiến Chế Tín Lý về sự Mặc Khải của Thiên Chúa: xác định phương cách dùng Kinh Thánh và Truyền Thống như các bày tỏ chính yếu của mặc khải Kitô Giáo; điểm đáng chú ý là việc chấp nhận các phương pháp hiện đại trong việc khảo cứu Kinh Thánh và trong thần học.

Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân: khuyến khích giáo dân sống đạo và loan truyền phúc âm trong gia đình, nơi sở làm, và hoạt động xã hội.

Tuyên Bố về Tự Do Tôn Giáo: cho rằng phẩm giá căn bản của loài người đòi hỏi sự tự do không bị ép buộc về vấn đề tôn giáo. Mọi người phải được tự do thờ phượng theo lương tâm của mình.

Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội: nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc truyền giáo bên ngoài Giáo Hội, nhất là qua việc hình thành các cộng đoàn ở giáo hội địa phương.

Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục: làm sáng tỏ nhiệm vụ của linh mục và sự tương giao giữa linh mục với giám mục và giáo dân.

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes, "Vui Mừng và Hy Vọng"): đưa ra hình ảnh của Giáo Hội như để phục vụ thế giới; đặc biệt trình bầy về lập trường của Giáo Hội đối với vấn đề gia đình, văn hóa, kinh tế, chính trị, và hòa bình.

Sự Quan Trọng Cân Xứng của Các Văn Kiện

Danh sách trên chỉ liệt kê thứ tự mà các văn kiện được công bố. Vấn đề văn kiện nào quan trọng hơn hiện đang được bàn cãi.

Nhiều thần học gia coi Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, là văn kiện quan trọng nhất của công đồng. Chính trong văn kiện này mà Giáo Hội Công Giáo nói rõ căn tính của mình trong thế kỷ hai mươi. Nhiều thay đổi quan trọng nhất cũng được tìm thấy trong văn kiện này. Một vài văn kiện khác, tỉ như về vấn đề Đại Kết, các Tôn Giáo Không Phải Kitô Giáo, Giám Mục, Đời Sống Tu Trì, Linh Mục, và Đào Tạo Linh Mục, và Giáo Dân có thể coi như những khai triển thêm những gì đã có trong Lumen Gentium.

Các thần học gia khác nói rằng người ta không thể hiểu biết đầy đủ những gì Công Đồng Vatican II nói về Giáo Hội nếu không nghiên cứu văn kiện Gaudium et Spes, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay. Đây là một văn kiện vĩ đại về công bằng xã hội của công đồng và tượng trưng cho sự thay đổi sâu xa nhất như nhiều người nghĩ đó là, từ một giáo hội mâu thuẫn với thế giới đến một giáo hội góp phần cho thế giới.

Tuy nhiên, nhiều thần học gia khác lại cho rằng văn kiện về Mặc Khải tượng trưng cho sự bày tỏ chân thành nhất của công đồng. Văn kiện này có nhiều liên can đến các phương cách căn bản nhất mà người Công Giáo nghĩ về sứ điệp Kitô Giáo như được truyền đạt qua Kinh Thánh và Truyền Thống. Văn kiện xác nhận rằng phương cách dạy bảo của Giáo Hội phải thay đổi trong các hoàn cảnh biến đổi của lịch sử. Văn kiện xác nhận thái độ cởi mở của Công Giáo đối với các phương pháp nghiên cứu kinh thánh và các phương pháp hiện đại trong thần học.

Dù rằng chỉ một ít người cho rằng văn kiện về Tự Do Tôn Giáo là quan trọng nhất, văn kiện này thay cho nhiều văn kiện khác để trở thành một dấu hiệu rõ ràng nhất về sự thay đổi trong Công Đồng Vatican II. Giáo Hội đã đảo ngược lập trường trước đây về việc khuyến khích các quốc gia theo Công Giáo giới hạn sự thờ phượng của các tôn giáo khác. Khi thú nhận rằng dân chúng phải nghe theo tiếng lương tâm về vấn đề tôn giáo, Giáo Hội đã tiến triển cách đáng kể để phù hợp với các phát triển sau này.

Văn kiện Hoạt Động Truyền Giáo cũng được coi là quan trọng nhất trong sự phát triển của Giáo Hội. Trong những năm gần đây, các lãnh vực canh tân quan trọng nhất được chú trọng đến là vấn đề phúc âm hóa và phát triển các cộng đồng đức tin ở địa phương.

Văn kiện về Phụng Vụ cũng đáng chú ý vì là văn kiện đầu tiên được công bố. Những thay đổi trong sự hiểu biết về bí tích đã đặt ra khuôn mẫu đầu tiên cho những thay đổi về sau. Kết quả hiển nhiên nhất của công đồng trong những năm đầu tiên thì có liên hệ đến sự thay đổi phụng vụ, tỉ như linh mục quay mặt xuống giáo dân khi làm lễ và việc sử dụng tiếng địa phương thay vì tiếng Latinh.

Các văn kiện này tiếp tục có ảnh hưởng sâu xa đến Giáo Hội. Hiển nhiên là mọi văn kiện được công bố gần đây bởi đức giáo hoàng, các giám mục hay hội đồng giám mục đều tìm thấy điểm xuất phát trực tiếp từ Công Đồng Vatican II.

Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân)

Một trong những lý do mà công đồng được triệu tập là để hoàn tất chương trình dở dang của Công Đồng Vatican I (1869-70). Công Đồng Vatican I có đề nghị một văn kiện về giáo hội nhằm xác định nhiệm vụ của đức giáo hoàng và giám mục. Văn kiện này phản ánh nhiều lưu tâm có tính cách pháp lý về việc phân phối thẩm quyền trong giáo hội. Các phần của văn kiện này liên hệ đến quyền tối cao và sự bất khả ngộ của đức giáo hoàng đã được thông qua. Tuy nhiên, trước khi Công Đồng Vatican I có thể chấm dứt các phần về giám mục, công đồng đã phải gián đoạn và đình hoãn vì cuộc chiến giữa Pháp và Phổ. Hậu quả là người ta có khuynh hướng nhấn mạnh đến quyền bính của đức giáo hoàng mà quên đi quyền bính của các giám mục, vì thẩm quyền của các giám mục chưa được xác định.

Hồi tưởng lại, nhiều người Công Giáo cảm thấy nhẹ nhõm khi toàn thể văn kiện về giáo hội đã không được Công Đồng Vatican I thông qua. Vì nếu vậy, giáo huấn chính thức của Công Giáo về giáo hội sẽ vẫn như trước, có nghĩa cực kỳ nệ cổ và bảo thủ. Văn kiện này đưa ra hình ảnh của một giáo hội rất ít cởi mở. Ngôn từ và các khái niệm của văn kiện này phản ánh mục đích tự vệ của một giáo hội đang chiến đấu với phong trào Tin Lành và chủ thuyết thế tục.

Sự tiến triển của văn kiện Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II có thể được nhận thấy qua ba lần soạn thảo. Bản dự thảo đầu tiên của văn kiện này được viết bởi một ủy ban cực kỳ nệ cổ. Nó bao gồm một vài tiến bộ hiển nhiên, nhưng nói chung những điểm thần học của bản dự thảo vẫn giống như văn kiện chưa được thông qua của Công Đồng Vatican I. Ngay cả tựa đề của các chương người ta đã thấy tính cách cổ xưa của ngôn từ và giọng điệu khắc nghiệt của văn kiện:

Dự Thảo Đầu Tiên, 1962

Bản chất của giáo hội chiến đấu.
Các phần tử của giáo hội và sự cần thiết của giáo hội để được cứu độ.
Hàng giám mục là tầng lớp cao nhất của bí tích chức thánh; chức linh mục.
Trú sở của các giám mục.
Các trạng thái tuyệt hảo của phúc âm.
Giáo dân.
Huấn quyền của giáo hội.
Thẩm quyền và sự vâng phục trong giáo hội.
Sự tương giao giữa Giáo Hội và Nhà Nước và sự khoan hồng tôn giáo.
Sự cần thiết loan truyền phúc âm cho mọi dân tộc và trên toàn thế giới.
Vấn đề đại kết.
Phụ lục: "Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Nhân Loại."
Trong phần phát biểu nổi tiếng ở Công Đồng Vatican II, Đức GM Emile De Smedt của giáo phận Bruges đã bác bỏ bản soạn thảo này vì não trạng phò giáo sĩ, nặng nề pháp lý và thái độ huênh hoang của bản soạn thảo. Não trạng phò giáo sĩ là chú trọng quá nhiều đến linh mục, giám mục và các tu sĩ khác; sự nặng nề pháp lý là thái độ chú trọng quá đáng đến luật lệ và tổ chức; huênh hoang là chú trọng một cách thiếu phê bình đến sự thành đạt và khả năng của một tổ chức mà quên đi những vấn đề của chính mình cũng như nhu cầu cần thăng tiến. Một bản dự thảo mới được đặt ra nhằm nhấn mạnh hơn đến lời kêu gọi nên thánh của toàn thể người dân trong Giáo Hội, đến tính cách bí ẩn của Giáo Hội trong chương trình cứu độ, và Giáo Hội cần khởi sự tiến trình cải tổ và canh tân.

Bản dự thảo thứ hai được đưa ra vào năm 1963, bản này được viết bởi một ủy ban mới do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thành lập nhằm trình bầy một cách quân bình các quan điểm nệ cổ và cấp tiến. Bản này bao gồm nhiều thay đổi sâu rộng làm nền tảng cho các bản dự thảo thứ ba và sau cùng. Các chủ đề của các chương 9, 10, và 11 trong bản dự thảo thứ nhất được coi là quan trọng đến độ cần phải được tách rời thành các văn kiện riêng (Tự Do Tôn Giáo, Hoạt Động Truyền Giáo, và Vấn Đề Đại Kết). Nhưng lưu tâm quá nặng về tổ chức của các chương 3, 4, 7 và 8 của dự thảo thứ nhất được gộp chung thành một đoạn và do đó ít được nhấn mạnh trong bản dự thảo thứ hai. Danh từ "Dân Chúa" được dùng như đầu đề của chương đề cập đến giáo dân. Lời kêu gọi nên thánh trong giáo hội được đứng riêng thành một chương. Bản dự thảo thứ hai được sắp xếp như sau:

Dự Thảo Thứ Hai, 1963

Phần 1:

I. Sự huyền nhiệm của Giáo Hội

II. Cơ cấu phẩm trật của giáo hội và nhất là hàng giám mục.

Phần II:

III. Dân Chúa và nhất là giáo dân.

IV. Lời mời gọi nên thánh trong giáo hội.

Bản dự thảo thứ hai được đính kèm bởi một phụ lục đề nghị rằng phần "Dân Chúa" phải đứng riêng một chương. Sự thay đổi này được chấp thuận ngay lập tức, hầu như tuyệt đối. Đây là điều cực kỳ quan trọng vì nó là dấu hiệu của chiều hướng không muốn chú trọng đến bản chất phẩm trật của Giáo Hội mà muốn nhấn mạnh đến một Giáo Hội được hình thành chính yếu bởi các phần tử ở trong đó. Trong bản dự thảo cuối cùng của Lumen Gentium, chương Dân Chúa là chương thứ hai, ngay sau chương mở đầu nhấn mạnh đến bản chất huyền nhiệm (hơn là pháp lý) của giáo hội:

Dự Thảo Sau Cùng, 1964

Sự huyền nhiệm của Giáo Hội.
Dân Chúa.
Cơ Cấu Phẩm Trật của Giáo Hội, với Quan Hệ Đặc Biệt đến Giám Mục
Giáo Dân.
Lời Kêu Gọi Toàn Thể Giáo Hội Nên Thánh.
Tu Sĩ.
Bản Chất Chung Cuộc của Giáo Hội Lữ Hành, và Sự Hiệp Nhất với Giáo Hội Thiên Đàng.
Vai Trò của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong Mầu Nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội.
Bản sau cùng của Lumen Gentium đã giúp vạch ra hướng đi của Giáo Hội khi bước vào thế kỷ hai mươi mốt. Tám chương của văn kiện Lumen Gentium được dùng làm nền tảng căn bản cho hai mươi bốn chương còn lại của cuốn sách này. Vì mỗi một chương của Lumen Gentium đều có ba chương bàn thảo về văn kiện và khảo sát các chủ đề liên hệ.

Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng)

Văn kiện Gaudium et Spes là văn kiện phát sinh trực tiếp từ cuộc thảo luận xảy ra ngay trong Công Đồng Vatican II. Vào ngày 4 tháng Mười Hai 1962, Đức Hồng Y Léon-Joseph Suenens thúc giục công đồng tìm ra một quan điểm chủ yếu để nói lên một cách rành mạch sự quan hệ của Giáo Hội với thế giới ngày nay. Nhận xét của ngài lại được lập lại bởi Đức Giovanni Battista Montini, là người mà trong vòng một năm sau trở thành Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Đức Phaolô VI đã cổ võ chủ đề sự tiến bộ con người trong suốt thời gian làm giáo hoàng.

Tuy nhiên, việc hình thành văn kiện Gaudium et Spes có thể nói phần lớn là nhờ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Quan điểm mà Đức Suenens nói lên thì đã được khơi mào trong bài diễn văn khai mạc công đồng của Đức Gioan XXIII. Nhiều phần của văn kiện Gaudium et Spes được trích từ các thông điệp xã hội của Đức Gioan XXIII, Mater et Magistra (Người Mẹ và Người Thầy, 1961) và Pacem in Terris (Hoà Bình Trên Mặt Đất, 1963). Văn kiện Gaudium et Spes duy trì đặc điểm căn bản liên hệ đến các thông điệp này: Thay vì chỉ tuyên bố về kiểu cách mà thế giới phải vận hành, văn kiện hiến dâng sự phục vụ của Giáo Hội cho thế giới nhằm góp phần cho sự đối thoại và tiến bộ của con người.

Trong một ý nghĩa, Gaudium et Spes là một tổng hợp các học thuyết xã hội truyền thống của giáo hoàng được khởi sự từ Đức Lêô XIII với thông điệp Rerum Novarum (Về Điều Kiện của Nhân Công, 1891). Truyền thống này được tiếp tục trong những năm gần đây với Đức Phaolô VI và thông điệp Populorum Progressio (Về Sự Phát Triển các Dân Tộc, 1967) và Đức Gioan Phaolô II với Laborem Exercens (Về Công Việc Con Người, 1981), Sollicitudo Rei Socialis (Về Những Lưu Tâm Xã Hội, 1987), và Centesimus Annus (Về Ngày Kỷ Niệm 100 Năm [Rerum Novarum], 1991).

Sau đoạn giới thiệu ngắn, có hai phần chính trong Gaudium et Spes. Phần một gồm bốn chương khảo sát các nguyên tắc căn bản làm nền tảng tương giao giữa Giáo Hội và sự tiến bộ của con người. Phần hai gồm năm chương đề cập đến các vấn đề đặc biệt về văn hóa và xã hội:

Lời Mở Đầu

Lời Giới Thiệu

Phần Một: Giáo Hội và Ơn Gọi của Nhân Loại

Phẩm Giá của Con Người
Cộng Đồng Nhân Loại
Hoạt Động Con Người Trên Toàn Thế Giới
Vai Trò của Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.
Phần Hai: Một Số Vấn Đề Đặc Biệt Khẩn Trương

Cổ Võ Sự Cao Quý của Hôn Nhân và Gia Đình
Sự Phát Triển Văn Hóa Cách Thích Hợp
Kinh Tế và Đời Sống Xã Hội
Đời Sống Cộng Đồng Chính Trị
Cổ Võ Hoà Bình và Xúc Tiến Một Cộng Đồng Các Quốc Gia
Gaudium et Spes, văn kiện dài nhất của công đồng, đã chứng thực sự quan trọng của truyền thống giáo huấn xã hội của Công Giáo và đã vạch ra một đường hướng cởi mở và đối thoại nhờ vào giáo huấn ấy. Cách kết cấu của văn kiện đã đem lại hứng khởi cho chín chương trong cuốn sách này, từ chương 28 đến 36.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa mới duyệt qua các văn kiện của Công Đồng Vatican II, đặc biệt chú ý đến hai văn kiện chính của Giáo Hội. Chúng ta cũng đề cập đôi chút đến phương cách mà Công Đồng Vatican II đã đem lại những thay đổi khi công đồng cố gắng bày tỏ truyền thống Công Giáo một cách trung thành. Ba chương kế tới sẽ dùng chương một của văn kiện Lumen Gentium như điểm căn bản để khảo sát các vấn đề hiện nay mà Giáo Hội đang phải đối phó.

Câu Hỏi Suy Tư

Bạn nghĩ Công Đồng Vatican II như một bước ngoặt "trước và sau", hoặc đó là một biến cố quan trọng trong một truyền thống lâu dài và liên tục?
Nếu bạn phải chọn để đọc một trong mười sáu văn kiện của Công Đồng Vatican II, bạn sẽ chọn văn kiện nào?
Tại sao đó là điều quan trọng khi Lumen Gentium nhấn mạnh đến Giáo Hội như một "mầu nhiệm" và là "Dân Chúa" hơn là một tổ chức có cơ cấu?
Trong những phương cách nào bạn nhận thức rằng Giáo Hội đang chú trọng đến các vấn đề xã hội và chính trị?
Đã đến lúc cần có Công Đồng Vatican III chưa?
Theo cuốn "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"
của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle. Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ

Chương 4: Bản Chất và Sứ Vụ của Giáo Hội

Trong những năm đại học tôi trải qua một thời kỳ khô khan khi xa cách Giáo Hội. Có thời gian tôi là người bất-khả-tri; có thời gian là người vô-thần; có thời gian tôi thích thú với triết lý Đông Phương cũng như thuyết tiên nghiệm (transcendentalism) của Hoa Kỳ. Khi mới trở về với Giáo Hội, phần nào tôi cảm thấy bối rối và có thái độ tự vệ. Trong một thời gian, bất cứ nói chuyện với ai tôi cũng thường biến câu chuyện thành cuộc tranh luận về Giáo Hội Công Giáo. Sự hiểu biết về đức tin của tôi chưa sâu rộng, nhưng tôi vẫn cảm thấy phải biện minh cho sự trở lại của tôi bằng cách phản đối những gì không rõ ràng là Công Giáo.

Ngày nay, sau nhiều năm nghiên cứu và cố gắng sống đức tin, tôi ít có thái độ tự vệ hơn. Đức tin vẫn là điều quan trọng duy nhất trong đời tôi. Tuy nhiên, tôi có khuynh hướng cởi mở hơn với các quan điểm của người khác và không coi đó là sự đe dọa đối với quan điểm của tôi về thế giới. Tôi không chỉ là một phần tử của Giáo Hội Công Giáo, nhưng còn là một công dân tích cực góp phần cho xã hội toàn cầu, và tôi coi quan điểm của người khác như để phong phú hóa quan điểm của chính mình. Điều này không có nghĩa tôi chấp nhận đủ mọi thứ một cách không do dự hoặc không khước từ một ý kiến nào. Đơn giản chỉ có nghĩa là thái độ của tôi đã thay đổi từ trạng thái nghi ngờ tẩy chay quan điểm của người khác đến trạng thái cởi mở một cách vui vẻ đối với người khác.

Trong Chương Này

Tôi nghĩ những thay đổi trong cuộc đời tôi là một phản ánh nhỏ bé của sự phát triển trong Giáo Hội Công Giáo mà cao điểm là từ Công Đồng Vatican II. Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, báo hiệu một chuyển biến trong sự hiểu biết của Công Giáo về giáo hội. Chương này sẽ khảo sát, trước hết sự hiểu biết về giáo hội trước thời Công Đồng Vatican II, sau đó là vài mô thức hiện nay của giáo hội.

Chương này có liên can đến Lumen Gentium trong hai phương cách. Thứ nhất, nó là một khảo sát về bản chất và sứ vụ của Giáo Hội như được đề cập trong đoạn đầu của văn kiện. Thứ hai, các mô thức của giáo hội thảo luận ở đây được thấy trong văn kiện Lumen Gentium trong nhiều kiểu cách khác nhau.

Sách Giáo Lý Baltimore

Nhiều người Công Giáo ở Hoa Kỳ được học giáo lý từ sách Giáo Lý Baltimore, là cuốn giáo lý được phát hành đầu tiên năm 1884 và được sử dụng cách rộng rãi từ 1910 đến 1965. Sách này dùng để giải thích các căn bản của đức tin Kitô Giáo theo kiểu hỏi đáp. Thí dụ, "Hỏi: Ai dựng nên chúng ta?" "Thưa: Thiên Chúa dựng nên chúng ta." Câu hỏi kế tiếp: "Thiên Chúa là ai?" thì chúng ta được biết là: "Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, vô cùng tuyệt hảo, Người dựng nên mọi sự và duy trì sự hiện hữu của mọi sự." Sách Giáo Lý Baltimore có các phần chính về đức tin, các điều răn, và các bí tích.

Giai đoạn mà các sách giáo lý Công Giáo đầu tiên xuất hiện là giai đoạn Phản-Cải-Cách. Các văn bản xuất hiện trong giai đoạn này phản ánh sự hoàn toàn chống đối với bất cứ gì là của Tin Lành. Nhiều câu giáo lý Công Giáo nhằm chỉ bảo về sự khác biệt giữa Công Giáo và Tin Lành. Ngược lại, điều này cũng đúng với sách giáo lý của Tin Lành.

Sách Giáo Lý Baltimore là sản phẩm tinh thần trực tiếp của các văn bản thời Phản-Cải-Cách. Một trong những mục đích của sách này là duy trì đức tin Công Giáo ở Hoa Kỳ, là một quốc gia Tin Lành với hệ thống học đường thuần tuý thế tục. Người ta không mấy khó khăn để tìm thấy các giải thích hợp lý về đức tin Kitô Giáo trong sách Giáo Lý Baltimore, nhưng sách thất bại vì thái độ tự vệ và các vấn đề không được đề cập cách cân xứng. Thí dụ, có đến vài trang câu hỏi và trả lời liên can đến vấn đề giáo hội nào là giáo hội đích thực và duy nhất mà nhờ đó người ta được đảm bảo ơn cứu độ đời đời. Tuy nhiên, sách ít đề cập đến cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu. Việc sống lại, mà Thánh Phaolô gọi là nền tảng của đức tin, cũng chỉ được đề cập đến trong một câu mà thôi. Đó là vì vấn đề sống lại không phải vấn đề chính trong cuộc tranh luận thời Phản-Cải-Cách, trong khi vấn đề cứu chuộc và người ta phải thuộc về giáo hội nào thì lại được tranh luận sôi nổi.

Thái độ tự vệ của sách Giáo Lý Baltimore phản ánh phần nào bầu khí thần học và mục vụ của Giáo Hội trước thời Công Đồng Vatican II. Đó là một giáo hội lưu tâm đến việc duy trì sự hợp nhất trong nội bộ và sự toàn vẹn của bí tích, đồng thời tung ra sự nghi ngờ và đôi khi có thái độ thù nghịch đối với những người bên ngoài là những ai không chấp nhận đức tin Công Giáo.

Các Mô Thức của Giáo Hội

Bầu khí cởi mở trong sự tra cứu là đặc điểm của các văn kiện Công Đồng Vatican II. Lumen Gentium khẳng định mục đích của văn kiện này là bộc lộ "bản tính nội tại và sứ vụ hoàn vũ" của giáo hội (LG, 1). Văn kiện không trình bày giáo hội như một tổ chức nguyên khối được Thiên Chúa thành lập cho sự cứu độ của các phần tử, nhưng một vài mô thức và hình ảnh của giáo hội đã được đưa ra. Trong cuốn Models of the Church (Các Mô thức của Giáo Hội), Cha Avery Dulles, thần học gia dòng Tên,  đã khảo sát một vài ý niệm tiềm tàng về giáo hội trong thần học Công Giáo hiện đại. Mỗi một mô thức này được tìm thấy trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II. Cha Dulles đã thảo luận năm mô thức sau đây, mỗi một mô thức có bản chất và sứ vụ riêng biệt.

Bản Chất

Sứ Vụ

Cơ cấu

cung cấp ơn cứu độ cho các phần tử

Sự hiệp thông huyền nhiệm

cung ứng sự hỗ trợ tinh thần

Bí tích

giúp Đức Kitô hiện diện

Sứ giả

rao giảng phúc âm

Tôi tớ

thay đổi xã hội

Mô thức cơ cấu, như cha Dulles diễn tả trong ấn bản đầu tiên, là quan điểm đã quan trọng hóa yếu tố thể chế của giáo hội, tỉ như chức vụ, học thuyết, luật lệ, và các nghi thức. Các vấn đề khác như người dân, sự tương giao với Thiên Chúa, Kinh Thánh, và công bằng trở nên thứ yếu. Do đó, không giống như bốn mô thức kia, theo định nghĩa, mô thức này là một khởi điểm rất hạn hẹp. Cha Dulles khẳng định rằng bất cứ mô thức nào khác cũng có thể là điểm căn bản giúp người ta có ý niệm về giáo hội, ngoại trừ mô thức này. Tuy nhiên, cha nói thêm là bất cứ mô thức nào của giáo hội, người ta cần kết nạp và hiểu rõ giá trị của các yếu tố cơ cấu.

Trong một chương được thêm vào ấn bản phát hành sau này, Cha Dulles thú nhận rằng đã phần nào quá khắt khe khi trình bầy mô thức cơ cấu. Cha vẫn chủ trương rằng các cơ cấu tổ chức không thể coi là chính yếu, nhưng cha nói thêm là một số khó khăn của mô thức cơ cấu có thể vượt qua nếu người ta không suy nghĩ theo nghĩa xã hội học nhưng theo nghĩa "những gì mà Thiên Chúa 'đã thiết lập' trong Đức Kitô" (t. 205). Nói cách khác, có nhiều cách để hiểu giáo hội như một tổ chức về cơ bản mà không phải áp đặt các yếu tố cơ cấu ngược với ý dân và đời sống tâm linh của họ. Sự sáng tỏ này thật quan trọng vì mô thức cơ cấu là mô thức hầu như trực tiếp liên hệ đến quan điểm về giáo hội trước thời Công Đồng Vatican II.

Mô thức hiệp thông huyền nhiệm nhấn mạnh đến người dân là những người đã tạo thành giáo hội và sự quan hệ giữa họ với nhau và với Thiên Chúa. Trong khi không cần thiết phải tẩy chay các yếu tố cơ cấu, mô thức này đã nhấn mạnh hơn đến phần tâm linh, cộng đoàn, và tình bằng hữu. Theo quan điểm này, giáo hội là một loại tổ chức hỗ trợ tinh thần nhằm giúp người dân sống thánh thiện.

Cha Dulles liên kết mô thức này với hai hình ảnh, Thân Thể Đức Kitô và Dân Chúa. Những hình ảnh này, tuy có thể hài hoà nhưng chúng mâu thuẫn nhau trong các cuộc tranh luận thần học hiện nay. Cả hai hình ảnh đều đóng vai trò quan trọng trong Công Đồng Vatican II vì được coi như các hình ảnh canh tân của giáo hội. Ngày nay, hình ảnh Thân Thể Đức Kitô thường được dùng để hỗ trợ cho một vai trò chủ yếu trong phẩm trật mà vai trò ấy được coi như một "phần tử" đặc biệt hành xử thay cho Đức Kitô là "đầu" của thân thể. Hình ảnh Dân Chúa dường như được hưởng ứng bởi những ai muốn đẩy mạnh sự canh tân trong Giáo Hội bằng cách trao ban cho phụ nữ và giáo dân một vai trò rộng lớn hơn trong thừa tác vụ và quyền quyết định.

Mô thức bí tích là quan điểm chú trọng đến giáo hội như sự hiện diện không ngừng của Đức Kitô trong thế giới. Bí tích thường được hiểu như một phương cách nhằm hiện thực hóa và tác động hóa một thực tại thiêng liêng. Như Đức Kitô có thể hiểu là bí tích của Thiên Chúa thì giáo hội cũng có thể hiểu là một bí tích của Đức Kitô.

Cha Dulles coi mô thức bí tích thật hữu ích trong việc hài hòa các yếu tố gây nên căng thẳng trong các mô thức trước. Mô thức cơ cấu nhấn mạnh đến tổ chức hữu hình mà quên đi vấn đề tâm linh; mô thức hiệp thông huyền nhiệm khiến người ta tự hỏi một tổ chức hữu hình có còn cần thiết hay không. Mô thức bí tích giải thích cách hòa hợp giữa các thực thể hữu hình và vô hình. Một vật, một lời hay một cử chỉ có thể giúp hiệu lực hóa một điều gì đó mà nếu không sẽ không hiện diện.

Mô thức bí tích còn cho phép người tín hữu giữ một khoảng cách biệt với chính các dấu chỉ. Giáo Hội là bí tích của Đức Kitô, nhưng giáo hội còn phải được phân biệt rõ ràng với Đức Kitô. Các bí tích giúp hành động cứu chuộc của Đức Kitô trở nên hiện thực, nhưng các hình thức và lời nói không phải là thực thể. Trong các mô thức, mô thức bí tích có tính cách lý thuyết nhiều nhất. Như Cha Dulles đã nói, đó là mô thức hữu ích nhất cho các thần học gia, nhưng khó hiểu nhất cho bất cứ ai khác.

Mô thức sứ giả nhấn mạnh đến tính cách tối thượng của Kinh Thánh. Giáo hội gồm những người nghe lời Chúa và được thay đổi. Sứ vụ của giáo hội là loan truyền lời Chúa cho đến tận cùng trái đất.

Những ai chấp nhận tính cách tối thượng của Kinh Thánh trên các hình thái khác của truyền thống và thẩm quyền thì được coi là Kitô Hữu duy phúc âm (evangelical). Nhiều Kitô Hữu duy phúc âm cũng là người duy văn tự (fundamentalist) họ giải thích Kinh Thánh như một dữ kiện lịch sử không thể sai lầm trong bất cứ phương cách nào. Tuy nhiên, cũng có những người duy phúc âm nhấn mạnh đến tính cách tối thượng của Kinh Thánh trong khi chấp nhận các phương cách tiếp cận phê bình-lịch sử đối với Kinh Thánh. Thí dụ, Rudolf Bultmann là một người Tin Lành cấp tiến mà các phương pháp dẫn giải Kinh Thánh của ông phù hợp với mô thức sứ giả duy phúc âm nhưng không duy văn tự.

Hơn bất cứ mô thức nào khác, mô thức sứ giả có thể trực tiếp liên hệ đến đạo Tin Lành. Karl Barth, nhà thần học duy phúc âm nổi tiếng của thế kỷ hai mươi, đã dùng mô thức sứ giả làm thí dụ khi ông phân biệt giữa thần học vinh quang và thần học khổ giá, lấy từ tư tưởng của Martin Luther. Một giáo hội tuyên xưng vinh quang của mình thì trái ngược với phúc âm; nhiệm vụ của giáo hội là khiêm tốn đừng hướng đến mình nhưng hướng về Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ của giáo hội. Hans Kung, một linh mục thần học gia Công Giáo là người bị Vatican khiển trách, cũng có lập trường tương tự khi cha nhấn mạnh rằng giáo hội không phải là vương quốc của Thiên Chúa nhưng đúng hơn chỉ là người sứ giả hoặc người công bố vương quốc ấy mà thôi. Ngược lại, lập trường của Công Giáo cho rằng giáo hội là hạt giống của vương quốc này nhưng không phải là sự trọn vẹn của vương quốc này.

Khi Cha Dulles viết cuốn Models of the Church năm 1974 ngài có thể nhận định một cách chính xác rằng những ai hỗ trợ một số hình thức của mô thức sứ giả thì không có khuynh hướng dính líu đến vấn đề chính trị. Trong thập niên 1980, ở Hoa Kỳ, lập trường này đã thay đổi một cách đáng kể khi rất đông người duy phúc âm dồn nỗ lực vào việc cải tổ chính trị. Năm 1989, nhà lãnh đạo duy phúc âm Jerry Falwell đã giải tán tổ chức chính trị của ông, The Moral Majority, khi tuyên bố rằng tổ chức này đã hoàn thành mục tiêu của nó sau khi đưa các Kitô Hữu duy phúc âm tham dự vào vấn đề chính trị. Các Kitô Hữu duy phúc âm thường nổi tiếng can dự trong các phong trào xã hội và chính trị nhằm hỗ trợ các tổng thống Reagan và Bush. Dù rằng hầu hết các Kitô Hữu duy phúc âm thường rất bảo thủ, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Tạp chí Sojourners đại diện cho tiếng nói của những Kitô Hữu duy phúc âm là những người tận tụy trong việc thay đổi xã hội cách quyết liệt.

Mô thức tôi tớ nhấn mạnh đến nhu cầu của một giáo hội can dự vào việc biến đổi xã hội. Nếu theo truyền thống, giáo hội được trình bầy như một nơi ẩn náu để lánh khỏi thế giới đồi bại và nhiều cám dỗ, thì mô thức này đưa ra một giáo hội để phục vụ thế giới mà nó tốt lành tự bản chất. Các phần tử của giáo hội được coi như một phần của gia đình nhân loại rộng lớn hơn. Thiên Chúa không chỉ được biết đến qua giáo hội nhưng còn qua cảm nghiệm của con người và những sự vật của thế giới. Văn minh và khoa học được coi như có sự tự trị chính đáng của nó, không chịu sự chi phối của giáo hội.

Cha Dulles liên kết mô thức sau cùng này với Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay và với công trình tiên phong của Cha Pierre Teilhard de Chardin. Cha Chardin là một linh mục dòng Tên và cũng là nhà cổ sinh vật học, ngài nổi tiếng vì những cố gắng thử hài hòa thuyết tiến hóa với Kitô Giáo. Ngài hình dung giáo hội như một xã hội tiến bộ cốt để hoạt động như người dẫn đầu cho cuộc tiến hóa. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay du nhập một số chủ đề căn bản của Cha Chardin bằng cách xác nhận tầm quan trọng của người Công Giáo khi làm việc chung với những người thuộc đủ mọi thành phần khác nhau nhằm thăng tiến cộng đồng nhân loại.

Một thí dụ nổi bật ngày nay về mô thức tôi tớ có thể tìm thấy trong thần học giải phóng đang được phát triển ở Châu Mỹ La Tinh. Ấn bản đầu tiên của cuốn Models of the Church có ám chỉ đôi chút đến phong trào này mà lúc ấy còn non yếu; trong ấn bản sau này có thêm phần phụ trương đề cập đến nhiều hơn. Trong mười ba năm giữa hai lần xuất bản cuốn sách nói trên, thần học giải phóng đã bùng nổ trên toàn thế giới. Cuốn A Theology of Liberation của Gustavo Gutierrez phát hành năm 1971 bằng tiếng Tây Ban Nha trở thành tác phẩm kinh điển. Thần học giải phóng được phát sinh bởi sự chèn ép người dân ở Châu Mỹ La Tinh về phương diện chính trị, xã hội, và kinh tế. Nó là thí dụ điển hình cho mô thức tôi tớ khi nhấn mạnh rằng Giáo Hội cần phải can dự vào việc thay đổi xã hội. Tuy nhiên, nó khác với các mô thức khác ở điểm nó không có cái nhìn lạc quan về sự tốt lành của con người và về sự tiến bộ của nhân loại. Thay vào đó, nó chú trọng đến cơ cấu tội lỗi mà dường như đang thống trị hoạt động của con người.

Năm mô thức này -- cơ cấu, hiệp thông huyền nhiệm, bí tích, sứ giả, tôi tớ -- tạo thành các nền tảng cho bài viết của Cha Dulles. Cuốn Models of the Church thật quan trọng vì nó cho thấy rõ ràng rằng người Công Giáo có những khởi điểm hợp lý khi nghĩ về giáo hội. Trong thập niên đầu tiên sau Công Đồng Vatican II, hầu hết người Công Giáo vẫn còn lẩn quẩn trong vài hình thức của mô thức cơ cấu, họ không biết là còn các mô thức khác mà công đồng mới đưa ra. Những mô thức này còn hữu dụng để làm tiêu đề cho một số vấn đề mà nếu không có các mô thức này các vấn đề ấy sẽ làm phân hóa giáo hội. Thay vì lòng vòng tranh luận các quan niệm về giáo hội mà không có giải pháp nào trước mắt, nhiều người Công Giáo thấy khuây khỏa khi biết có nhiều quan điểm khác được chấp nhận. Ngày nay, các mô thức này vẫn là một dụng cụ quan trọng giúp những người Công Giáo nào muốn duyệt xét lại lập trường của mình.

Cộng Đồng Môn Đệ

Trong phần phụ thêm của cuốn Models of the Church, Cha Dulles có thêm vào một loại mới, mô thức cộng đồng môn đệ. Ngài lấy danh từ này từ một lời dẫn giải của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp đầu tiên, Redemptor Hominis (1979). Cộng đồng môn đệ không chỉ là một loại mô thức mới được thêm vào các mô thức trước, nhưng nó còn là một mô thức toàn bộ nhằm du nhập những ưu điểm của các mô thức kia. Cha Dulles cho biết, trong một ý nghĩa nó là một dạng thức của mô thức hiệp thông huyền nhiệm, nhưng không bằng lòng với sự trợ giúp hỗ tương giữa các thành viên với nhau. Đúng hơn, mô thức này nhắm đến tinh thần môn đệ. Mô thức này muốn làm sáng tỏ mục đích của cơ cấu tổ chức và khía cạnh bí tích của giáo hội, và động lực truyền giáo được đặt nền tảng trên việc phúc âm hóa và biến đổi xã hội.

Cha Dulles gọi mô thức cộng đồng môn đệ là "cộng đồng tương phản" mà trong đó nó xã hội hóa người dân vào việc chọn lựa các giá trị cao quý hơn khi phải đối diện với một xã hội phàm tục chỉ cổ võ lạc thú, giầu sang và thế lực. Điểm được nhấn mạnh là các cộng đồng Kitô Hữu này được hình thành không quá lớn rộng để các cá nhân có được sự tương giao thân thiện với nhau nhằm định hướng quan điểm và tâm tình của các phần tử. Việc đào tạo Kitô Hữu phải được thể hiện trong các cộng đồng này để có thể tưởng nhớ đến Đức Giêsu Kitô cùng với mười hai tông đồ. Các công đồng như thế sẽ tràn ngập không những các người Công Giáo bị xa lánh mà còn những ai thực sự muốn phục vụ và tận tụy cho công cuộc phúc âm hóa.

Có những thắc mắc quan trọng về mô thức này. Có phải Kitô Hữu tốt lành là người tập trung cuộc đời họ hướng về giáo hội? Có phải con người thường phải trải qua các giai đoạn của đời sống, mà một số giai đoạn ấy thường đưa đến việc thực sự xa cách giáo hội? Có phải chỉ sau khi Công Đồng Vatican II công nhận được một vài thập niên thì người Công Giáo mới xa lánh các chiều kích tốt đẹp của xã hội trần tục?

Chính Cha Dulles cũng cho rằng không thể tránh được sự căng thẳng giữa giáo hội và thế giới. Dù rằng ngài là người tiên phong đưa ra các chọn lựa khác nhau phát xuất từ Công Đồng Vatican II, bây giờ Cha Dulles duy trì lập trường rằng mặc dù có thể có nhiều kiểu cách chính đáng, nhưng nếu người ta thực sự hiểu biết về bản chất và sứ vụ của giáo hội thì không phải bất cứ mô thức nào cũng chấp nhận được. Do đó, mô thức cộng đồng môn đệ không chỉ là một chọn lựa khác, nhưng đó là một cố gắng thử tổng hợp các yếu tố tốt đẹp nhất của các mô thức trước đây.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa mới thận trọng nhìn đến hình ảnh giáo hội theo như sách Giáo Lý Baltimore trước Công Đồng Vatican II và sau đó nghiên cứu một vài mô thức của giáo hội, được dùng như các khởi điểm trong việc hình thành một quan điểm hiện đại hơn. Một cách tổng quát, Giáo Hội Công Giáo ngày càng ít tự vệ hơn và cởi mở hơn trong những năm qua. Sự thách đố ngày nay là tìm ra các phương cách để quý trọng và duy trì căn tính đặc biệt của chúng ta trong một thế giới mà đa nguyên tính được coi là đương nhiên và như thế, dường như nó có khuynh hướng coi mọi thứ y như nhau.

Trong chương kế tới, chúng ta sẽ thảo luận về các phương cách mà trong đó giáo hội liên kết nhưng thật khác biệt với Thiên Chúa.

Câu Hỏi Suy Tư

Có bao giờ bạn gặp một người rất bảo vệ tôn giáo của họ chưa?
Khi còn nhỏ, bạn được học sách giáo lý nào? Các mô thức nào của giáo hội được thấy trong sách đó?
Trong các mô thức của giáo hội được bàn đến trong chương này, bạn thích mô thức nào nhất? Bạn không thích mô thức nào nhất?
Nếu có thể, bạn tự vẽ ra cho mình một mô thức nào về giáo hội?
Giáo hội có cần đưa ra các tiêu chuẩn của một thành viên, hay giáo hội phải bao gồm mọi người với đủ mọi mức độ đóng góp và ngay cả những người không đóng góp?
Theo cuốn "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"
của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle. Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ

Chương 5: Thiên Chúa và Giáo Hội

Khi là một thiếu niên ở vùng Philadelphia trong thập niên 1950, tôi lớn lên trong Giáo Hội Mẹ Rất Thánh. Đó không phải tên giáo xứ nơi tôi ở, nhưng đó là kiểu cách mà tôi nghĩ về giáo hội. Giáo hội không phải là nhà thờ, cũng không phải là một hay nhiều cộng đoàn họp lại, hoặc ngay cả hàng giáo phẩm. Giáo hội là một chuỗi đủ mọi thứ có liên hệ với tôn giáo của tôi trong bất cứ phương cách nào. Giáo hội là Phúc Âm, Kinh Tin Kính, các bí tích, mười điều răn, vấn đề cứu chuộc, và trên tất cả, Giáo Hội là Thiên Chúa. Ở trong giáo hội là ở trong Nhà Chúa. Bất đồng với giáo hội và bất đồng với Chúa. Từ bỏ giáo hội là từ bỏ Chúa.

Nhiều người Công Giáo ngày nay hân hoan hiểu rằng giáo hội không phải là Chúa. Và quả thật họ đúng! Giáo hội thì không phải là Thiên Chúa, và bất cứ ai nghĩ ngược lại thì thực sự họ lầm lẫn lớn.

Tuy nhiên, cũng như nhiều người Công Giáo trước thời Công Đồng Vatican II không phân biệt rõ giữa giáo hội và Thiên Chúa thì ngày nay cũng có nhiều người Công Giáo không nhận ra sự liên hệ này.

Trong Chương Này

Chương này sẽ khảo sát mối liên hệ giữa giáo hội và Thiên Chúa, sau đó là sự tương quan giữa giáo hội và nước trời theo như giáo huấn của Đức Kitô, và sau cùng, tầm quan trọng về sự phân biệt cũng như sự liên hệ giữa Thiên Chúa và giáo hội. Trong chương 1 của Lumen Gentium, phần 2, 3, và 4 đề cập đến các mối liên hệ giữa Thiên Chúa, giáo hội, và nước trời. Phần 8 nói về sự hòa lẫn giữa các yếu tố thiên tính và nhân tính trong giáo hội.

Thiết Đặt Sự Liên Hệ

Danh xưng Lumen Gentium, "Ánh Sáng Muôn Dân," được áp dụng trực tiếp cho Đức Kitô. Nếu đọc kỹ phần 1 của văn kiện chúng ta sẽ thấy điều này. Giáo hội là ánh sáng muôn dân chỉ ở trong phạm vi mà ánh sáng của Đức Kitô "được thấy một cách rõ ràng qua dáng vẻ của giáo hội." Nói cách khác, ánh sáng mà giáo hội có được, thực sự, thì không phải tự mình mà có, nhưng đúng hơn là một phản ánh của Đức Kitô chiếu qua đó. Như vậy, ngay từ đầu, Lumen Gentium đã đặt một nền tảng vững vàng để phân biệt giữa giáo hội và Đức Kitô, và theo đó, giữa giáo hội và Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự phân biệt quan trọng này không thể làm lu mờ động lực chính trong phần mở đầu, mà trong đó nói lên sự liên hệ giữa Thiên Chúa và giáo hội. Phần 1 nhấn mạnh rằng vì ánh sáng của Đức Kitô được thấy chan hòa qua dáng vẻ của giáo hội, nên tự giáo hội có bản chất của một bí tích, "là dấu chỉ và công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa cũng như sự kết hợp của toàn thể loài người." Coi giáo hội là một bí tích là liên kết giáo hội với Thiên Chúa. Như học giả Avery Dulles vạch rõ, một bí tích "có ý nghĩa rộng hơn là một dấu hiệu. Nó chỉ rõ sự hiện diện thực sự của điều mà nó nhắm đến, một cách ẩn giấu."

Phần 2, 3 và 4 lần lượt đề cập đến sự liên hệ giữa giáo hội và Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Các phần này đưa giáo hội vào khung cảnh lịch sử Kitô Giáo. Giáo hội là một phần của hoạch định bí ẩn của Thiên Chúa Cha; giáo hội là vương quốc của Thiên Chúa hiện diện trong sự mầu nhiệm mà vương quốc ấy được khai mạc bởi Chúa Con; giáo hội được liên tục thánh hóa và tươi mới bởi Chúa Thánh Thần. Trong các phần này không thấy có ý định phân biệt giữa nghĩa đen và các biểu tượng, giữa hình ảnh và thực thể. Điểm chính là đưa giáo hội vào các chiều kích lịch sử / bao quát của lịch sử Kitô Giáo trong một phương cách đơn giản nhằm giúp dân chúng thuộc đủ mọi thành phần có thể đi vào lịch sử này tùy theo tầm mức của mình.

Thiên Chúa và Giáo Hội

Chúa Cha ---> giáo hội trong hoạch định cứu chuộc
Chúa Con ---> khai mở nước trời / giáo hội
Chúa Thánh Thần ---> gìn giữ giáo hội thánh thiện và tươi mới.

Đây là những điểm cực kỳ quan trọng, vì một trong những hiểu biết sâu sắc nhất của Công Giáo là về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và giáo hội. Triết gia Pháp Albert Camus từng nói rằng thế giới thật vô lý vì tâm hồn nhân loại kêu gào một ý nghĩa nhưng vũ trụ không trả lời. Trong suốt quá trình lịch sử, người Công Giáo thường cho rằng Thiên Chúa đã trả lời qua Đức Kitô, và có thể gặp gỡ Đức Kitô qua giáo hội, mà giáo hội ấy được hiểu biết nhờ Chúa Thánh Thần.

Rao Giảng Nước Trời, Sáng Lập Giáo Hội

Khi vạch ra sự tương giao giữa giáo hội và vương quốc Thiên Chúa, văn kiện Lumen Gentium lại càng làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa giáo hội với Thiên Chúa. Trước thời Công Đồng Vatican II, các tài liệu giáo hội tỉ như thông điệp Mystici Corporis của Đức Piô XII, cũng như nhiều văn bản khác của các thần học gia đã coi giáo hội với vương quốc Thiên Chúa là một. Không có sự phân biệt gì giữa vương quốc Thiên Chúa--là trọng tâm điều Đức Giêsu giảng dạy--với giáo hội mà Đức Giêsu đã thiết lập. Ngay cả Yves Congar, vị thần học gia người Pháp nổi tiếng, mà công trình của ngài đã giúp hình thành các văn kiện trong Công Đồng Vatican II, cũng có thể trích lời Đức Giêsu nói về vương quốc và cho rằng đó là điều mà Đức Giêsu muốn nói về giáo hội. Khi người Công Giáo được dạy rằng Đức Giêsu thiết lập giáo hội, họ nghĩ rằng chính Đức Giêsu có ý hình dung ra một tổ chức giáo hội Công Giáo với các cơ cấu và bảy bí tích.

Theo sự hiểu biết của các học giả Kinh Thánh ngày nay, thật khó biện minh cho ý nghĩ như thế về ý định của Đức Giêsu. Điều mà Đức Giêsu muốn nói về vương quốc Thiên Chúa thì rộng hơn và bao quát hơn bất cứ ý niệm nào về một tổ chức giáo hội. Ngoài ra, người Công Giáo bào chữa rằng giáo hội hiện thời là sự tiếp nối với cộng đoàn mà Đức Giêsu đã thành lập, nhưng họ thú nhận rằng hầu hết những gì đã được phát triển qua các thế kỷ được coi là đạo Công Giáo, dù được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng không thể ngược trở về nguồn gốc để cho rằng đó là ý định được Đức Giêsu nói rõ trên giấy trắng mực đen.

Chính văn kiện Lumen Gentium rõ ràng đã phân biệt giữa giáo hội và vương quốc. Giáo hội thì không phải một "vương quốc đã hoàn tất" nhưng đúng hơn "một chớm nở ban đầu của vương quốc" (Lumen Gentium 5). Vương quốc thì chưa hoàn toàn được thiết lập nhưng mới được "khai mở." Một số học giả, như Hans Kung, dứt khoát nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa giáo hội và vương quốc. Kung đã đi quá xa khi đưa ra hình ảnh của giáo hội không chỉ là hiện thân của vương quốc, mà chỉ là người loan truyền hay sứ giả của vương quốc ấy. Tuy nhiên, ý định của Lumen Gentium là làm nổi bật mối liên hệ giữa giáo hội và vương quốc đồng thời xác nhận sự khác biệt giữa đôi bên. Giáo hội không phải là sự trọn vẹn của vương quốc, một cách đơn thuần, nhưng giáo hội là hạt giống của vương quốc hiện còn trong bí ẩn.

Một số Kitô Hữu bằng mọi cách chống đối tính cách tổ chức của giáo hội. Họ coi giáo hội như trái ngược với vương quốc và nghĩ rằng mỗi một cá nhân phải tự mình liên hệ với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Lập trường như vậy thì hoàn toàn xa lạ với não trạng Công Giáo vì Công Giáo nhấn mạnh đến phạm vi xã hội và cộng đồng để giúp đời sống cá nhân sinh kết quả. Đối với người Công Giáo, không có chuyện Kitô Giáo mà không có giáo hội.

Tầm Quan Trọng của Sự Phân Biệt

Trước khi khảo sát xem tại sao sự liên hệ giữa giáo hội và Thiên Chúa lại quá quan trọng, chúng ta cũng cần nghiên cứu xem tại sao lại phải phân biệt giữa Thiên Chúa và giáo hội. Trước hết, khi Thiên Chúa liên hệ một cách độc đáo với giáo hội thì thường có khuynh hướng coi thường hoặc quên đi cảm nghiệm về Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày của người dân. Đức Kitô không chỉ hiện diện trong giáo hội, nhưng Người còn có thể được gặp gỡ trong các biến cố đời thường, trong các tương giao sâu đậm, trong sự đau khổ, và trong diện mạo của người nghèo và những người có nhu cầu.

Các Lý Do để Phân Biệt Giữa Giáo Hội và Thiên Chúa

nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày
biết quý trọng các tín đồ thuộc tôn giáo khác
vẫn giữ được khả năng phân biệt bén nhậy
Thứ đến, đồng hóa Thiên Chúa với giáo hội có thể khiến người ta không còn quý trọng sự phong phú của các truyền thống tôn giáo khác và khả năng trung gian của các tôn giáo này mà khả năng ấy thực sự có giá trị đối với các tín đồ của họ. Liệu rằng Chúa Thánh Thần có hoạt động trong những tín đồ sùng tín của Ấn Giáo, Phật Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo hay không? Hầu hết các thần học gia Công Giáo ngày nay sẽ đồng ý là có.

Nguy hiểm thứ ba là rất có thể người ta thờ phượng giáo hội, tương đương như thờ Chúa. Thật quan trọng để nhận biết rằng chính giáo hội là cuộc hành trình chưa chấm dứt. Giáo hội thì không hoàn hảo. Giáo hội có thể sai lầm. Thiên Chúa thì vĩ đại hơn giáo hội, và do đó cũng thật quan trọng để phát triển một khả năng phân biệt nhằm thẩm định xem trong những trường hợp đặc biệt nào, giáo hội thực sự tiêu biểu cho thánh ý của Thiên Chúa.

Tầm Quan Trọng của Sự Liên Hệ

Trong khi thật quan trọng để nhận biết rằng, trong một khía cạnh nào đó, giáo hội đã không tiếp nhận hoàn hảo những gì Thiên Chúa đã mặc khải cho Kitô Hữu, trong một khía cạnh khác, chính giáo hội là một thành phần của sự mặc khải ấy. Nói cách khác, người Công Giáo tin rằng giáo hội không chỉ là một tổ chức do con người quyết định thành lập, nhưng đúng hơn là một phần trong hoạch định của Thiên Chúa được sáng lập bởi Đức Kitô và được duy trì bởi Chúa Thánh Thần.

Văn kiện Lumen Gentium nhấn mạnh rằng giáo hội được kết hợp bởi yếu tố con người và yếu tố thánh thiêng.

... cơ cấu xã hội với các cơ quan phẩm trật và Nhiệm Thể Đức Kitô, thì không được coi như hai thực thể, cũng không phải là tổ chức hữu hình và tổ chức thiêng liêng, cũng không phải giáo hội trần thế và giáo hội được phong phú hóa với những sự trên trời, đúng hơn chúng tạo thành một thực thể phức tạp được kết hợp từ một yếu tố thánh thiêng và một yếu tố con người. Vì lý do này, giáo hội được sánh với mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể (LG, 8).

Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo ngày nay khó nhận ra yếu tố thánh thiêng trong giáo hội. Lumen Gentium rõ ràng dạy rằng, quả thật giáo hội mà Đức Kitô thiết lập thì tồn tại (subsist) trong giáo hội Công Giáo.

Tại sao đây là giáo huấn mà một số người Công Giáo ngày nay khó chấp nhận? Người Công Giáo ngày nay vẫn ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời điểm khó có thể đặt vấn đề với giáo hội sang một thời điểm mà giáo hội sẵn sàng nghe phê bình. Vì bây giờ, dường như giáo hội bị nghi ngờ chất vấn đủ mọi thứ. Chúng ta chưa đạt được sự quân bình. Người Công Giáo vẫn còn coi trọng điều tin tưởng phổ thông trước thời Vatican II là giáo hội phải toàn hảo trong mọi phương diện để thay mặt cho Thiên Chúa. Nhưng bây giờ cục diện thay đổi: Vì giáo hội không toàn hảo nên nhiều người cảm thấy hầu như giáo hội không thực sự đại diện cho Thiên Chúa.

Ngày nay, sự xa cách giáo hội của một số người Công Giáo lại càng gia tăng vì hàng loạt vấn đề mà một người đạo đức không thể đồng ý: từ vấn đề kiểm soát sinh sản đến hợp pháp hoá phá thai, vấn đề ăn ở trước khi thành hôn, vấn đề độc thân của linh mục, vấn đề tấn phong phụ nữ, vấn đề dự phần trong việc quyết định, vấn đề bất đồng quan điểm với giáo hội. Với nhiều người Công Giáo, lập trường chính thức của giáo hội về các vấn đề liên hệ đến tình dục, phái tính, và quyền tự trị đã khiến họ đặt lại vấn đề khả tín của giáo hội. Điều này lại càng phức tạp hơn bởi sự kiện là nhiều người Công Giáo ngày nay, có lẽ nhất là những người xa cách giáo hội, vẫn còn sống trong một vài khuôn khổ giáo hội mà học giả Avery Dulles gọi là mô thức tổ chức.

Các Mô Thức Giáo Hội của Dulles có thể giúp chúng ta nhận thức rằng, để nhận ra  chiều kích thánh thiêng của giáo hội người ta không buộc phải hạn hẹp vào quan điểm tổ chức. Giáo hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô được hình thành để giúp chúng ta nên thánh; giáo hội là bí tích giúp Đức Kitô hiện diện rõ ràng trong thế giới; giáo hội là người loan truyền lời Chúa nhằm giúp con người hoán cải; giáo hội là khởi sự của nước trời mà đã được cảm nghiệm ở bất cứ đâu không còn sự đàn áp và sự tương giao giữa con người được chấn chỉnh. Giáo hội có liên hệ với Thiên Chúa, và bất cứ ai tự xưng mình là Công Giáo phải chấp nhận điều đó.

Kể từ sau Công Đồng Vatican II, sau những thập niên phấn khởi nhưng nhiều sóng gió, nhiều người Công Giáo từ từ nhận thức rằng, trung kiên và tín thác vào giáo hội không có nghĩa không được phê bình hay không được hoạt động để thay đổi tốt đẹp hơn. Giáo hôäi được quý trọng như một món quà của Thiên Chúa nhằm giúp chúng ta thăng tiến trong sự thánh thiện về phương diện cá nhân cũng như tập thể. Thiên Chúa không bị giới hạn trong giáo hội; tuy nhiên, với người Công Giáo, chính qua giáo hội mà Thiên Chúa đến với chúng ta một cách rõ ràng nhất và do đó, giúp chúng ta sống hài hòa với sự hiện diện của Người trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Trong quá khứ, người Tin Lành thường gán thái độ thờ ngẫu tượng cho người Công Giáo vì khuynh hướng coi giáo hội như ngang bằng với Thiên Chúa. Thờ ngẫu tượng là coi một điều gì đó kém hơn Thiên Chúa thay thế cho Thiên Chúa. Vào thời gian đó, người Công Giáo đã sai lầm khi biến giáo hội thành một thần tượng. Tuy nhiên, tôi tự hỏi, điều trái ngược với thờ ngẫu tượng thì được gọi là gì? Chúng ta phải coi đó là thái độ gì khi người ta không nhận ra tính cách thánh thiêng khi thực sự có Thiên Chúa hiện diện? Tuy nhiên, chúng ta không thể coi thường điều người Tin Lành chỉ trích. Đôi khi chúng ta cũng đừng quên giáo hội là một tập thể thuần tuý con người.

Một giáo hội có khuynh hướng tập thể, có các bí tích, được linh ứng bởi lời Chúa, sẵn sàng phục vụ thì thích hợp với cơ cấu tổ chức mà người Công Giáo coi đó như các yếu tố căn bản. Là một người Công Giáo, tôi cảm nghiệm được Thiên Chúa đang ở đây, và tôi tin tưởng rằng, về lâu về dài Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn các nhà lãnh đạo của giáo hội để trở nên có khả năng và có trách nhiệm. Riêng cá nhân, tôi ít bất đồng với các vị lãnh đạo đương thời so với nhiều người Công Giáo khác mà tôi quen biết; tuy nhiên, bất đồng về một vài vấn đề hay ngay cả một chuỗi vấn đề quan trọng cũng không nhất thiết làm người đó cảm thấy xa cách giáo hội. Người Công Giáo chúng ta có quá nhiều điều phải thực hiện trong những năm sắp tới; thật quan trọng để có một thái độ bác ái, tha thứ, và kiên trì khi chúng ta hoạt động và phải tin rằng Thiên Chúa sẽ mãi ở với chúng ta.

Giáo Hội và Thánh Thể

Tôi cảm được sự liên hệ giữa giáo hội với Thiên Chúa nhiều nhất khi tôi rước lễ. Trong Thánh Lễ, tôi biết mình đang quy tụ với các Kitô Hữu khác để thờ phượng Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều mang theo những thương tích và những ngổn ngang của đời sống hàng ngày để dâng lên bàn thờ. Chúng ta đang cử hành một ý nghĩa sâu xa mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Chúng ta đứng trước sự hiện diện của Đức Kitô, suy nghĩ về những thất bại cũng như những thành công của chúng ta, về tình thương mà chúng ta đã trao đi cũng như đã lãnh nhận, và về tội lỗi mà chúng ta đã phạm. Khi tiến lên cung thánh, tôi biết Đức Kitô đang ở đó vì tôi và tôi đón nhận Người vào thân thể mình cũng như Đức Kitô đón nhận con người của tôi.

Trong khung cảnh này, giáo hội hầu như là sự quy tụ của người dân ở bàn tiệc Thánh Thể để ca ngợi và vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô, với Đức Kitô hiện diện như vị thủ lãnh. Chúng ta là sự hiệp thông của các thánh, được chia sẻ cùng một tình yêu Thiên Chúa mà tình yêu ấy đã gìn giữ dân Chúa trên toàn thế giới, kể cả những người đã ra đi trước chúng ta trong sự chết và giờ đây đang ở với Người. Chúng ta là những người nghe Ngôi Lời, là Đấng đã đặt thánh ý Chúa Cha trên hết mọi sự. Chúng ta là những người hoạt động của Ngôi Lời, là Đấng đã cùng chúng ta thi hành sứ mệnh là đem lại một thế giới tốt đẹp hơn.

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa thảo luận về tầm quan trọng của sự liên hệ giữa Thiên Chúa và giáo hội, cũng như tầm quan trọng của sự phân biệt giữa đôi bên. Giữ điều này bỏ điều kia là quên đi khía cạnh căn bản của truyền thống Công Giáo. Người Công Giáo cần tìm ra thế quân bình giữa "Giáo Hội Mẹ Rất Thánh" của thời 1950 và khuynh hướng hiện đại thường quên đi yếu tố thánh thiêng trong giáo hội.

Trong chương tới, chúng ta sẽ xem xét giá trị của huyền thoại và dấu hiệu được dùng như các phương tiện để giúp chúng ta biết quý trọng thực thể giáo hội.

Câu Hỏi Suy Tư

Bạn có từng biết ai mà dường như họ coi giáo hội ngang hàng với Chúa không?
Tại sao lại quan trọng để phân biệt giữa giáo hội và Thiên Chúa?
Những cảm nghiệm nào giúp bạn nhận thấy sự liên hệ giữa giáo hội và Thiên Chúa?
Nói rằng Đức Kitô sáng lập giáo hội, điều đó có nghĩa gì? Điều đó không có nghĩa gì?
Bạn nghĩ gì khi nghe nói về, "vương quốc Thiên Chúa (nước trời)"?
Theo cuốn "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"
của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle. Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ

Chương 6: Đặc Tính Biểu Tượng của Giáo Hội

Một sinh viên của tôi gặp khó khăn khi phải chọn đề tài cho bài thi cuối khóa. Khi thảo luận với anh, tôi mới biết anh lớn lên trong một gia đình Công Giáo và cho đến gần đây anh mới thực sự để ý đến đức tin. Anh cho biết khi học môn tín ngưỡng trong lục cá nguyệt trước đây, thầy giáo đã vạch cho thấy hầu hết những điều vĩ đại mà anh tin là chân lý thì chỉ là huyền thoại. Quả thật, anh rất bực mình khi thấy mình bị lừa dối trong suốt thời gian đi học.

Ngoài việc nói với anh rằng, rất có thể những gì anh nghe thì không phải là tất cả những gì ông thầy muốn nói, tôi đề nghị anh tìm hiểu xem ý nghĩa và sự thật của huyền thoại. Anh rất sẵn sàng và chúng tôi liệt kê ra các đề mục.

Kết quả thật không ngờ. Người sinh viên không những chăm chỉ viết bài tóm lược về các đề mục anh đã đọc mà còn dùng kiến thức ấy làm nền tảng cho quan điểm của anh. Anh thấy huyền thoại có giá trị ở điểm đã giúp anh đúc kết thành một quan điểm có ý nghĩa về vũ trụ và giúp anh có một nhận thức mới về tôn giáo. Bây giờ, cộng đồng tôn giáo của anh như có một sự thu hút mới vì qua sự nhận thức mới về huyền thoại, anh cảm thấy như được giải thoát. Anh nhận ra rằng Kitô Giáo có nguồn gốc lịch sử và các nguồn gốc này thật quan trọng. Anh kết luận rằng, anh vẫn phải cố gắng nhiều trong việc phân biệt đâu là lịch sử và đâu là huyền thoại.

Trong Chương Này

Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu các chiều kích biểu tượng và huyền thoại của tôn giáo, ngôn ngữ tôn giáo, các bí tích, và giáo hội. Chương này dùng các nguồn tài liệu từ đoạn 6 và 7 của chương 1 Lumen Gentium, mà chương ấy đã đưa ra một vài hình ảnh cũng như biểu tượng rút từ Kinh Thánh để diễn tả mầu nhiệm giáo hội.

Tôn Giáo Như Một Hệ Thống Các Biểu Tượng

Các nhà nhân chủng học đã đem cho chúng ta một quan điểm mà nhờ đó chúng ta hiểu rõ giá trị biểu tượng của các tôn giáo. Hiện giờ, nổi tiếng trong vòng các học giả là định nghĩa của Clifford Geertz về "tôn giáo" như "một hệ thống các biểu tượng nhằm củng cố các tâm tình và động lực trong con người có tính cách mạnh mẽ, thấm nhập và lâu dài, do bởi công thức hóa các ý niệm của một trật tự chung về sự hiện hữu và khoác cho những ý niệm này một hào quang dữ kiện sao cho các tâm tình và động lực ấy dường như hiện thực một cách lạ thường." Định nghĩa có giá trị này phản ánh quan điểm không phải của một thần học gia có đức tin, nhưng đúng hơn của một nhà khoa học xã hội đang tìm kiếm một loại khách quan nào đó có thể quan sát được tự bên ngoài. Hầu hết các tín hữu đều nghĩ rằng đức tin của họ là chân chính, chứ không đồng ý với nhận xét rằng tác dụng của các biểu tượng thì quá mạnh mẽ như thể khoác cho chúng một hào quang dữ kiện.

Nhưng quan điểm khoa học xã hội này không những có giá trị cho các khoa học gia khác mà còn cho các tín hữu nữa. Trên một bình diện phân tích, tôn giáo là một hệ thống các biểu tượng, và cần được hiểu đúng như vậy. Người tín hữu nào từ chối nội dung biểu tượng của tôn giáo họ thì có nguy cơ trở nên một chiều, hiểu theo nghĩa đen, hoặc từ chối các tôn giáo khác. Hơn thế nữa, các biểu tượng tôn giáo có tác dụng mạnh mẽ và lâu dài trên các tín hữu. Mặc dù các người đạo đức thường thận trọng cho rằng tôn giáo của họ có chân lý, họ cũng muốn quý trọng bản chất biểu tượng của tôn giáo mà nhờ đó họ thấu hiểu các ý nghĩa sâu xa hơn và biến đổi cuộc đời họ trở nên tốt đẹp hơn.

Các Biểu Tượng

Biểu tượng là điều gì đó có thể giúp người ta chạm được với thực tại mà nếu không sẽ ngoài tầm tay. Tiền là một thí dụ về biểu tượng. Nó không chỉ là một đồng cắc hay một mẩu giấy. Tiền có tính cách biểu tượng vì về mặt chức năng nó tượng trưng cho sức mạnh kinh tế có thể đo lường và cất giữ. Chúng ta biết rõ sự khác biệt giữa sức mạnh kinh tế và mẩu giấy, tuy nhiên, ít người trong chúng ta dám xé tờ giấy bạc một trăm đồng chỉ vì nó là mảnh giấy. Tiền thay thế cho thực tại mà nó tượng trưng. Nó có thể không có giá trị gì cả trong một xã hội sơ khai cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài rộng lớn hơn, nhưng với những người trong thế giới rộng lớn ấy thì ai ai cũng hiểu thực tại của tiền tệ.

Cũng như các tôn giáo khác, Kitô Giáo đầy những biểu tượng. Thập giá, Đức Maria, nước rửa tội, chim bồ câu, tất cả là biểu tượng của nhiều khía cạnh khác nhau của đức tin Kitô Giáo. Những biểu tượng ấy không chỉ trực tiếp ám chỉ đến, nhưng còn mang nhiều ý nghĩa. Thập giá, trước hết và trên hết, tượng trưng cho thập giá mà Đức Kitô đã chết ở trên đó. Tuy nhiên, nó cũng còn tượng trưng cho sự đau khổ của mọi người, sự đau khổ cá biệt của chúng ta, những gì khó chấp nhận trong đời sống, sự trông đợi cái chết của chính chúng ta, và lời mời gọi tranh đấu cho công bằng và bác ái mà không cần biết con đường ấy sẽ dẫn đến đâu. Ý nghĩa đặc biệt của thập giá đối với mỗi người thì tùy theo những gian khổ mà họ cảm nghiệm được trong đời sống.

Bồ câu cũng là một biểu tượng giống như thế. Trên một bình diện, nó tượng trưng cho Chúa Thánh Thần ngự trên Đức Giêsu khi Người chịu thanh tẩy. Ở các bình diện khác, bồ câu tượng trưng cho sự bình an hoặc sự thanh thản nội tâm của một người tràn đầy Thần Khí, sự trong trắng của người mới được rửa tội, và sự tự do của tâm linh khi hướng đến thiên đàng. Hầu hết các Kitô Hữu không phân tích tường tận hoặc ngay cả suy nghĩ một cách có ý thức đến các ý nghĩa khác nhau của các biểu tượng mà họ gặp gỡ hàng ngày, tuy nhiên khi sống trong một truyền thống mà các biểu tượng ấy mang một ý nghĩa nào đó, các Kitô Hữu trở nên quen thuộc với sự phong phú của các biểu tượng này.

Bản Chất Biểu Tượng của Các Bí Tích

Biểu tượng là bản chất của bảy bí tích Công Giáo. Người Công Giáo có truyền thống tin rằng các bí tích là những dấu chỉ có hiệu lực. Khi nói các bí tích "có hiệu lực" nó có nghĩa sẽ xảy ra một điều gì đó. Khi nói bí tích là "dấu chỉ" nó có nghĩa tượng trưng cho một điều gì đó vượt lên trên bí tích và đã có. Bí tích rửa tội có hiệu lực biến đổi ai đó trở nên phần tử trọn vẹn của cộng đồng Kitô Hữu. Tuy nhiên, bí tích rửa tội là dấu chỉ của một điều gì đó đã có; bởi thế thật vô nghĩa khi rửa tội một người mà họ không muốn gia nhập vào cộng đồng.

Khuôn khổ này cũng đúng với bí tích hòa giải. Bí tích này có hiệu lực tha tội cho một người nào đó. Tuy nhiên, bí tích hòa giải còn là một dấu chỉ mà trong đó sự tha thứ được ban cho một người mà chính họ đã cảm nghiệm sự tha thứ ấy từ  Thiên Chúa và cộng đồng.

Người Công Giáo cố gắng quân bình giữa bản tính "hiệu lực" và bản tính "dấu chỉ" của các bí tích. Quá nhấn mạnh đến bản tính "hiệu lực" sẽ đưa đến nguy cơ hiểu bí tích như những phù phép làm biến đổi ngay lập tức mà không liên hệ gì đến thực tại đời sống (thí dụ, "Dĩ nhiên chúng tôi có một hôn nhân tốt đẹp--vì hôn lễ được cử hành cách đúng đắn và hợp pháp."). Quá nhấn mạnh đến bản tính "dấu chỉ" của bí tích sẽ đưa đến nguy cơ xem bí tích là vô dụng vì dù sao đi nữa nó chỉ tượng trưng cho những gì đang xảy ra (thí dụ, "Tại sao chúng tôi phải kết hôn để làm gì? Nếu chúng tôi thực sự yêu nhau thì mảnh giấy ấy có làm nên điều gì khác biệt đâu?"). Truyền thống Công Giáo cố gắng nhấn mạnh đến cả hai chiều kích này cùng một lúc. Kết hôn là một trời khác biệt. Phẩm chất của hôn nhân phải được hiểu bao gồm rất nhiều điều chứ không chỉ có hôn lễ hoặc mảnh giấy chứng nhận.

Bản Chất Biểu Tượng của Ngôn Ngữ Tôn Giáo

Các truyền thống tôn giáo không chỉ đầy dẫy những dấu chỉ, nhưng bản chất của ngôn ngữ tôn giáo còn có tính cách biểu tượng. Trong một phương cách, mọi ngôn ngữ là biểu tượng, vì ngôn từ tự nó là dấu chỉ tượng trưng cho một điều gì đó vượt trên cả ngôn từ. Chữ "cái bàn" thì không phải là cái bàn, nhưng tượng trưng cho cái bàn. Tuy nhiên, khi nói "ngôn ngữ tôn giáo" chúng ta còn muốn nói nhiều điều hơn nữa. Chúng ta muốn nói đến ngôn ngữ vượt ra ngoài sự tương quan theo nghĩa đen giữa ngôn từ và điều mà nó ám chỉ.

Ngôn ngữ tôn giáo là biểu tượng. Ngôn ngữ tôn giáo tìm cách diễn đạt các chiều kích của một thực thể mà không thể diễn tả bằng chữ nghĩa bình thường, rõ rệt. Chiều kích đặc biệt của thực thể mà ngôn ngữ tôn giáo cố diễn đạt có thể được gọi là "tối hậu." Ngôn ngữ tôn giáo đối phó với ý nghĩa của đời sống, những biến cố quan trọng, những giá trị cao quý, Thượng Đế, các tương giao con người, đường hướng cuộc đời, sự gia tăng và phát triển con người, các mức độ sâu xa nhất về sự giác ngộ và tự chấp nhận.

Tôi được biết một bà làm thừa tác viên mục vụ mà công việc này khiến bà gặp gỡ nhiều người trong những hoàn cảnh khủng hoảng, đôi khi liên hệ đến sự sống và cái chết. Bà chia sẻ với tôi câu chuyện đứa con gái bốn tuổi của bà bị lâm bệnh nặng và từ trần cách đây mười lăm năm. Trong nhiều năm trời, bà cứ thắc mắc: "Tại sao Thiên Chúa lại để điều này xảy ra? Mọi việc xảy ra đều có lý do. Ý định của Thiên Chúa là gì khi để xảy ra điều ấy?" Giờ đây, sau mười lăm năm bà cho biết, cảm nghiệm đau khổ ấy đã giúp bà cảm thông với sự đau khổ của những người mà bà giúp đỡ. Nếu không có thảm cảnh về cái chết của con bà, có lẽ bà sẽ không thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa của các biến cố trong đời sống mà hàng ngày bà phải vượt qua.

Khi kể lại câu chuyện này, bà dùng đến ngôn ngữ tôn giáo, biểu tượng. Tôi không nghĩ rằng bà muốn nói theo nghĩa đen là Thiên Chúa muốn con bà phải chết để giúp bà trở nên một thừa tác viên tốt đẹp hơn; đối với bà "ý định của Thiên Chúa" có nghĩa biểu tượng. Bà biết rõ là đường lối của Thiên Chúa thì vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Nhưng bà có thể kể lại câu chuyện này với ý nghĩa tột bực của nó và lý do nó xảy ra. Qua việc dùng ngôn ngữ không thể hiểu theo nghĩa thông thường, bà đã có thể đối phó với các biến cố trong đời sống bằng cách liên kết các biến cố này với ý nghĩa và mục đích tối hậu.

Giáo Hội Như Biểu Tượng Trong Khung Cảnh Lịch Sử Kitô Giáo

Trong sách Giáo Lý Baltimore, trong một định nghĩa đã có từ thế kỷ mười sáu, giáo hội được coi là "giáo đoàn của những người đã rửa tội, kết hợp trong cùng một đức tin chân chính, cùng một hy lễ, cùng các bí tích, dưới quyền cai trị của Giáo Hoàng Tối Cao và các giám mục cùng hiệp nhất với ngài." Định nghĩa đặc biệt này thay vì làm sáng tỏ bản chất của giáo hội thì lại nhấn mạnh đến điểm người Tin Lành và những người ngoài Công Giáo thì không phải là phần tử của giáo hội. Trạng thái tự vệ của định nghĩa này có thể hiểu được, vì nó phát xuất từ thời điểm khi sự sống còn của tổ chức được coi là bị đe dọa nặng nề. Tuy nhiên, định nghĩa này không cho tôi biết nhiều về giáo hội. Nếu tôi không phải là người Công Giáo, định nghĩa ấy không làm tôi hứng thú gì trong việc gia nhập.

Thay vì đem lại một định nghĩa rõ ràng về giáo hội, chương đầu tiên của Lumen Gentium nói về giáo hội một cách biểu tượng trong khung cảnh lịch sử Kitô Giáo. Phần đầu của chương này đề cập đến câu chuyện mà giáo hội là một phần trong hoạch định cứu chuộc của Thiên Chúa Cha, được Thiên Chúa Con khai mở như thế nào, và được Chúa Thánh Thần duy trì như thế nào. Khi văn kiện tập trung vào giáo hội, nó dựa vào các hình ảnh rút ra từ Kinh Thánh. Như Lumen Gentium nói với chúng ta:

Trong thời Cựu Ước sự mặc khải về nước trời thường được truyền đạt qua các ý nghĩa ẩn dụ. Cùng phương cách ấy, bản chất nội tại của giáo hội được tỏ cho chúng ta biết qua nhiều hình ảnh khác nhau được trích từ việc chăn dắt đàn chiên hoặc cầy cấy, từ công trình kiến trúc hoặc ngay cả đời sống gia đình và việc cưới hỏi. (LG, 6).

Một số Kitô Hữu có thể coi các hình ảnh này quá thụ động khi diễn tả vai trò của các phần tử. Giáo hội là chuồng chiên của Thiên Chúa, đất trồng trọt của Thiên Chúa, cơ sở của Thiên Chúa, lưới cá của Thiên Chúa, nàng dâu của Đức Kitô. Do đó, chúng ta là chiên, đất, đá, cá, nàng dâu. Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng khi nói về mầu nhiệm giáo hội thì cũng thích hợp để nhấn mạnh rằng, nói cho cùng, đó là một công trình của Thiên Chúa. Giáo hội là một món quà vẻ vang mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Các chương kế tiếp trong Lumen Gentium làm nổi bật hơn các hình ảnh năng động, có chiều hướng cộng đồng, tỉ như Dân Chúa, Giáo Hội Lữ Hành, và Các Thánh Thông Công.

Hình ảnh sau cùng được khảo sát trong chương một của Lumen Gentium là về Thân Thể Đức Kitô. Thân Thể Đức Kitô là một hình ảnh tích cực và có chiều hướng cộng đồng. Hình ảnh này được dùng trong Tân Ước ở một vài chỗ, từ câu nói của Đức Giêsu "Đây là mình thầy," cho đến những đoạn thánh thư nổi tiếng gửi cho giáo đoàn Côrintô, Colossê, và Êphêsô. Thân Thể Đức Kitô đã từng là một trong những hình ảnh quan trọng của giáo hội trong thế kỷ hai mươi. Hình ảnh này được Đức Piô XII dùng trong thông điệp Mystici Corporis 1943, như một phương cách để vượt qua các quan niệm có tính cách luật lệ, quan liêu, và trần tục của giáo hội để đi đến một quan niệm liên kết giáo hội với Đức Kitô và làm sáng tỏ bản chất thiêng liêng của giáo hội và của sứ vụ.

Khi nghĩ về giáo hội như Thân Thể Đức Kitô, tôi coi chính mình như một phần tử của Thân Thể ấy, có liên hệ với các phần tử khác. Mỗi phần tử đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta cùng ngang bằng trong phẩm giá thiêng liêng. Tất cả chúng ta đều liên hệ với nhau. Niềm vui của người khác là niềm vui của tôi, sự sầu khổ của họ là sự sầu khổ của tôi. Chúng ta cử mừng với nhau, và việc chia sẻ cùng các bí tích có nghĩa chúng ta cùng được dự phần trong một tình yêu Thiên Chúa. Đức Kitô là đầu của chúng ta, điều này có nghĩa chúng ta phải tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa và tìm cách thể hiện nước trời trong một phương cách phù hợp với quyền lợi của chúng ta.

Trái với định nghĩa trong sách Giáo Lý Baltimore về giáo hội, Thân Thể Đức Kitô là một hình ảnh thu hút trí tưởng tượng và tâm linh của tôi. Tuy nhiên, hình ảnh này tiềm ẩn ý nghĩa gì trong việc liên hệ với những người không phải là phần tử của Thân Thể Đức Kitô? Có nhiều giải pháp được các thần học gia đương thời đề ra cho vấn đề tôn giáo đa nguyên. Cá nhân tôi giải thích hình ảnh Thân Thể Đức Kitô trong một phương cách không tương phản nhau, nhưng đúng hơn, hòa hợp với sự tin tưởng của tôi về tình đoàn kết và liên kết của tất cả mọi người ở mọi nơi. Nói cách khác, thay vì đặt mình xa cách người khác, tư cách phần tử của tôi trong Thân Thể Đức Kitô tiêu biểu cho sự tương giao của tôi với người khác.

Giáo Hội Như Một Câu Truyện

Người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa đã đến với chúng ta qua con người của Đức Giêsu Kitô. Công Giáo cũng như các Kitô Hữu khác đều tin rằng Đức Kitô đang hiện diện trong giáo hội. Trên một nguyên tắc căn bản, câu truyện của giáo hội là câu truyện về ý nghĩa cuộc đời. Thế giới ý nghĩa mà trong đó chúng ta đang sống thì được khuôn đúc và ngay cả được hình thành bởi các câu truyện. Như một câu truyện tôn giáo, giáo hội đề cập đến chiều kích tối hậu của đời sống và do đó, đem lại một khuôn khổ như chiếc dù bao bọc mà trong đó các câu truyện cuộc đời của chúng ta xảy ra.

Dĩ nhiên, giáo hội không chỉ là một câu truyện. Câu truyện giáo hội ám chỉ về những gì đã xảy ra trong quá khứ và sẽ tiếp tục xảy ra. Giáo hội là một câu truyện của những người đã sống trong thế giới này và ý nghĩa câu truyện cuộc đời họ được dựa vào cách kết cấu của câu truyện Đức Giêsu. Đức Giêsu là một người đã thực sự sống trong thế gian, đã chết trên thập giá, đã chỗi dậy từ kẻ chết, và được các môn đệ coi là Thiên Chúa-nhập thể trên trái đất. Thật khó khăn, nếu không muốn nói là không thể vạch được lằn ranh rõ ràng giữa "sự kiện" và "truyện kể." Câu truyện được dùng để giải thích các chiều kích sâu xa hơn của một ý nghĩa đích thực của những gì đã thực sự xảy ra.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa mới xem qua bản chất dấu hiệu của ngôn ngữ tôn giáo, cũng như chiều kích truyện kể của giáo hội. Sau đó chúng ta tìm hiểu xem văn kiện Lumen Gentium đã dùng các hình ảnh và dấu hiệu kinh thánh như thế nào để có được những định nghĩa chính xác khi đề cập đến giáo hội.

Người sinh viên được đề cập đến ở phần đầu của chương, lúc đầu, anh ta gặp khó khăn khi phải thích nghi với các chiều kích huyền thoại của tôn giáo. Điều bây giờ anh biết rằng "huyền thoại" không có nghĩa là "sai lầm," và một cuộc đời nếu không có các chiều kích đó sẽ thiếu đi một ý nghĩa tối hậu.

Trong chương tới, chúng ta sẽ đề cập đến sự chuyển hướng của Công Đồng Vatican II về thân phận của người Công Giáo, vừa đối với chính họ và vừa đối với các Kitô Hữu khác.

Câu Hỏi Suy Tư

Có bao giờ bạn gặp một người mà bạn cho rằng họ hiểu tôn giáo theo nghĩa đen một cách quá đáng không? Người đó giống như gì?
Có thể nào người ta dẫn giải đức tin một cách quá "biểu tượng" mà không cần chú ý đến nghĩa chữ hay không?
Trong phương cách nào, "dấu hiệu" trở nên một loại giải thoát cho những người có tôn giáo?
Chương 7: Một Viễn Ảnh Đại Kết

Tôi biết một sinh viên trước đây là Công Giáo nhưng bây giờ sống xa cách Giáo Hội. Anh đến với tôi một vài lần, mà theo tôi nghĩ, là để tranh luận. Có lần, anh đưa ra điểm là người Công Giáo tin tưởng rằng những ai không phải là Công Giáo thì không được cứu độ. Hiển nhiên đây là điều anh được dạy bảo từ nhỏ, và vì anh bực tức với Giáo Hội nên anh không thể quên được điều ấy. Tôi cho anh biết trong quá khứ, Giáo Hội Công Giáo có nhiều lập trường khác nhau về vấn đề này. Tôi trưng ra cho anh thấy văn kiện hiện thời của Giáo Hội thì trái ngược với điều anh tin tưởng. Tôi cũng cho biết là ngay từ đầu thập niên 1950, Cha Feeney của giáo phận Boston bị vạ tuyệt thông vì ngài tiếp tục giảng dạy rằng những ai ngoài giáo hội Công Giáo thì không được cứu độ. Tuy nhiên, tất cả những điều này không giúp gì cho anh. Ngay từ nhỏ anh đã bị dạy bảo sai lầm, và thỉnh thoảng không may anh lại gặp những người Công Giáo có cái nhìn thiển cận nên lại càng củng cố lập trường của anh. Thí dụ, mới đây anh cộng tác trong một chương trình phân phát thực phẩm và một người Công Giáo đã từ chối không muốn trao tặng thực phẩm cho một tổ chức Tin Lành. Anh coi đây như một ví dụ cho tính độc quyền của Công Giáo. Anh cho rằng các sách sử Công Giáo và các văn kiện chính thức của giáo hội không để lộ ra sự thiếu khoan dung mà anh đã được dạy bảo khi còn nhỏ. Mặc dù tôi hy vọng rằng người thanh niên này sẽ thay đổi lập trường và nhận ra rằng hầu hết người Công Giáo ngày nay không còn được dạy bảo về tính cách độc quyền ấy nữa, nhưng tôi phải thú nhận với anh rằng những gì anh nói đã nhắc nhở tôi về điều mà tôi đã được dạy bảo trong thập niên 1950.

Trong Chương Này

Trong chương này chúng ta sẽ xem xét về thái độ của người Công Giáo đối với vấn đề cứu độ của những người ngoài-Công-Giáo, đặc biệt chú trọng đến ba điểm của Lumen Gentium: các giáo hội ngày nay liên hệ thế nào đến  Giáo Hội mà Đức Kitô đã thành lập; ai được coi là phần tử của Giáo Hội ấy; và mọi Kitô Hữu được mời gọi như thế nào để chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô như một tư tế, một ngôn sứ, và một ông vua. Điểm thứ nhất trích từ đoạn 8 của chương 1 Lumen Gentium; hai điểm kế được trích từ chương 2.

Sự Căng Thẳng Trong Truyền Thống

Trong sách Giáo Lý Baltimore có câu hỏi, "Mọi người có buộc phải thuộc về giáo hội Công Giáo để được cứu độ hay không?" Câu trả lời có tính cách đe dọa là: "Mọi người buộc phải thuộc về giáo hội Công Giáo để được cứu độ." Câu này được tiếp theo bằng một câu hỏi và câu trả lời khác giải thích rằng "những ai vì sự lầm lạc của chính mình mà không biết Giáo Hội Công Giáo là giáo hội thật, hoặc, có nhận biết nhưng từ chối gia nhập, thì không được cứu độ." Tuy nhiên, một câu hỏi và câu trả lời kế tiếp đảm bảo chúng ta rằng những người không biết giáo hội Công Giáo là giáo hội thật cũng có thể được cứu chuộc qua ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho họ. Trong văn từ hoa mỹ hơn, tình trạng không biết này được gọi là "vô tri bất khả triệt". Trong thực tế, điều đó giả sử rằng những ai theo Tin Lành từ khi lọt lòng thì ít bị nguy hiểm, nhưng những ai tự ý từ bỏ giáo hội Công Giáo thì câu trả lời này được coi là dành cho họ.

Câu châm ngôn truyền thống của Kitô Giáo, "không có ơn cứu độ ở bên ngoài giáo hội," trước nhất được xuất phát từ Thánh Cyprian, ngài là Đức Giám Mục của Carthage trong thế kỷ thứ ba, vào thời kỳ giáo hội bị bách hại dữ dội. Câu này ngài muốn nói với những người đã là Kitô Hữu để khuyến khích họ chọn sự tử đạo thay vì công khai chối bỏ đức tin. Chính Đức Cyprian cũng được phúc tử đạo vì từ chối không thờ cúng tà thần.

Dù lời lẽ của Thánh Cyprian có nghiêm khắc thế nào đi nữa, nó cũng khác xa với luận điệu cho rằng người ta sẽ phải xuống hỏa ngục nếu không phải là một phần tử tốt lành của giáo hội Công Giáo. Vào năm 1215, trong Công Đồng Latêranô IV, Đức Giáo Hoàng Innôxentê III tuyên bố: "Chỉ có một giáo hội hoàn vũ, ngoài giáo hội ấy không ai có thể được cứu độ." Trong Tự Sắc 1441, Đức Giáo Hoàng Eugene IV lại khẳng định một cách mạnh mẽ rằng giáo hội "tin tưởng, tuyên bố vững vàng và dạy bảo rằng không có người nào ngoài giáo hội Công Giáo, không chỉ có người ngoại giáo, nhưng cả người Do Thái Giáo, lạc giáo, và ly giáo có thể được dự phần vào sự sống đời đời, nhưng phải vào lửa hoả ngục đời đời 'được dành cho ma quỷ và các thiên thần của nó' (Mt. 25:41), trừ khi vào lúc cuối đời họ gia nhập giáo hội ấy." Thật hiển nhiên là một số giáo hoàng thời trung cổ đã hiểu câu "không có ơn cứu độ ngoài giáo hội" theo nghĩa đen. Trong truyền thống Công Giáo, người ta có thể thấy sự căng thẳng giữa lập trường cởi mở đối với những người thuộc các tôn giáo khác và lập trường hiển nhiên lên án những ai không dứt khoát là Công Giáo. Trong Giáo Lý Baltimore, lập trường hiển nhiên cho phép người ngoài Công Giáo được ơn cứu độ thật quá nhẹ so với Tự Sắc 1441.

Công Đồng Vatican II đã thực hiện một bước tiến lớn trong chiều hướng cởi mở đại kết. Vì lần đầu tiên, trong văn kiện chính thức viết về các giáo đoàn Tin Lành, giáo hội đã đề cập đến họ như các "giáo hội" thay vì chỉ coi họ là "giáo phái." Chính những người Tin Lành được gọi là "người anh em tách biệt" của chúng ta. Văn kiện viết rằng "trong một số phương cách thiết thực, họ cùng kết giao với chúng ta trong Chúa Thánh Thần, vì Người cũng ban cho họ tài năng và ơn sủng mà qua đó Người hoạt động giữa họ với quyền năng thánh hóa của Người" (LG, 15). Khi nói rằng Chúa Thánh Thần hoạt động với quyền năng thánh hóa thì điều đó không có nghĩa chỉ ban phát ơn cứu độ qua kẻ hở của sự vô tri bất khả triệt. Điều đó có nghĩa Thiên Chúa đang hoạt động ở giữa họ.

Lập trường tổng quát đối với Tin Lành trong Lumen Gentium có thể được khảo sát qua ba điểm đã được nhắc đến trước đây: sự tương giao giữa các giáo hội khác nhau và Giáo Hội được Đức Kitô thành lập, phần tử của Giáo Hội, và sự chia sẻ của Kitô Hữu trong sứ vụ của Đức Kitô (tư tế, ngôn sứ, vương đế). Mỗi một điểm này biểu trưng cho các nền tảng của sự cởi mở mới trong các tương giao giữa Công Giáo và Tin Lành.

Giáo Hội của Đức Kitô Có Trong...

Trong bản dự thảo đầu tiên của văn kiện Lumen Gentium, sau cuộc thảo luận về Giáo Hội mà Đức Kitô đã thành lập, văn kiện viết "giáo hội này của Đức Kitô... là giáo hội Công Giáo." Vì mục đích đại kết, bản sau cùng được thay đổi như sau:

"giáo hội này của Đức Kitô... có trong giáo hội Công Giáo... dù rằng có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý, được tìm thấy bên ngoài cơ cấu hữu hình của nó. Các yếu tố này, như ơn sủng thuộc về giáo hội của Đức Kitô, là các động lực lôi cuốn về sự hiệp nhất công giáo." (LG, 8).

Nói cách khác, mặc dù Giáo Hội của Đức Kitô về căn bản được tìm thấy trong giáo hội Công Giáo, các yếu tố của Giáo Hội này cũng được tìm thấy trong các giáo hội Kitô Giáo khác (không phải là Công Giáo). Các yếu tố xác thật này là các dấu hiệu tích cực cho tiến trình đại kết.

Hiển nhiên, Lumen Gentium vẫn trao sự ưu tiên cho giáo hội Công Giáo bởi vì người ta có thể tìm thấy trong Giáo Hội của Đức Kitô sự đầy đủ và trọn vẹn của nó. Qua sự ngụ ý, các giáo hội Tin Lành tất yếu chưa đầy đủ cho tới mức độ nào thì tùy theo sự bất đồng của họ đối với truyền thống Công Giáo về một số vấn đề then chốt. Nhiều người Công Giáo có góp phần trong phong trào đại kết nhận thấy đây là một lập trường không được đầy đủ. Họ muốn thấy một lập trường cởi mở hơn với sự thú nhận lỗi lầm và ngay cả thú nhận sự bất toàn của cả hai bên. Ba điểm sau đây có thể giúp độc giả đọc văn kiện một cách thiện cảm hơn.

Thứ nhất, người ta phải cảm kích sự thay đổi cùng cực và tiến bộ trong lập trường của Lumen Gentium vào năm 1964. Với những người Công Giáo mà khi còn trẻ được dạy phải nghi ngờ về vấn đề cứu độ của người Tin Lành thì sự công nhận rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong các giáo hội Tin Lành tượng trưng cho một sự thay đổi quan điểm có tính cách mạng.

Thứ hai, Công Giáo cho rằng--mặc dù giáo hội có lúc sai lầm, nhưng vẫn còn một số chân lý thật quan trọng và một số cơ cấu quá thiết yếu để có thể đại diện cho thánh ý của Thiên Chúa--nên không thể coi thường. Theo quan điểm của Công Giáo, giáo hội có khía cạnh con người nhưng đó không chỉ là một tổ chức con người. Nó có trong ý định của Thiên Chúa Cha, được Đức Kitô sáng lập, và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Nó được mong đợi rằng, về những vấn đề khác biệt quan trọng, giáo hội Công Giáo tin rằng mình đúng. Cùng một kiểu cách như vậy, những người có lập trường khác biệt cũng tự cho rằng họ đúng.

Thứ ba, lập trường của Lumen Gentium được phát biểu dựa vào quá trình của truyền thống Công Giáo mà truyền thống ấy bao hàm một phân biệt giữa các thực chất trừu tượng và sự thực hành cụ thể. Đó là, trong khi Lumen Gentium cho rằng giáo hội Công Giáo được hưởng một vài ưu tiên trong một số tín điều và cơ cấu căn bản, nó không phủ nhận rằng, trên thực tế, các giáo đoàn Tin Lành có thể thi hành các công việc ấy cách tốt đẹp hơn. Nói cách khác, lập trường của Lumen Gentium cho rằng, giáo hội Công Giáo đơn giản là một giáo hội có đầy đủ các phương tiện. Điều đó ngụ ý rằng một số giáo đoàn Công Giáo có lẽ không thi hành tốt đẹp với phương tiện của mình hoặc ngay cả cất giữ các phương tiện ấy ở trong kho; một số giáo đoàn Tin Lành có lẽ đã thi hành công việc tốt đẹp hơn với phương tiện họ đang có.

Dù lập trường của Lumen Gentium có thể hiểu và có thể bảo vệ như thế nào chăng nữa, giáo hội Công Giáo hiện đang tiếp tục phát triển cái nhìn đối với các giáo hội khác. Trong thời kỳ tiền Công Đồng Vatican II, sự tiến bộ đại kết trong quan điểm Công Giáo dường như có nghĩa là phe bên kia đang có dấu hiệu mục nát hoặc đầu hàng và sẽ quay trở lại với giáo hội Công Giáo để đảm bảo ơn cứu độ. Thay vào đó, nhiều người Công Giáo ngày nay hy vọng rằng các giáo hội sẽ tiếp tục thoả thuận về các tín điều và bí tích căn bản và sẽ công nhận lẫn nhau cũng như chấp nhận giá trị của các thừa tác vụ của cả hai bên. Về phần các thần học gia và các nhà lãnh đạo giáo hội, họ sẵn sàng xem xét lại vấn đề Cải Cách và thành thực thú nhận lỗi lầm cũng như sự hiểu lầm của cả hai bên. Tiến bộ đại kết không chỉ được đo lường bởi sự sát nhập tổ chức; đúng hơn nó được nhìn theo một phương cách mà các giáo hội có thể duy trì căn tính và truyền thống của mình một cách toàn vẹn ở một mức độ nào đó.

Ai Có Liên Hệ Đến Dân Chúa?

Một phương cách để nhấn mạnh câu văn là cách thức hành văn, hoặc xếp câu đó lên đầu hoặc đưa vào cuối đoạn văn. Nếu bạn muốn nói một điều gì đó nhưng đồng thời không muốn nhấn mạnh đến điều ấy thì hãy xếp câu văn ở khoảng giữa.

Khoảng giữa của chương hai Lumen Gentium, độc giả được bảo rằng:

Dựa trên Kinh Thánh và Truyền Thống, [công đồng] dạy rằng giáo hội, hiện đang tạm trú trên mặt đất như cuộc lưu đầy, thì cần thiết cho ơn cứu độ. Hiện diện trong Thân Thể của Người có Đức Kitô, là Đấng Trung Gian và là con đường độc đáo của ơn cứu độ. Trong ngôn từ rõ ràng chính Người xác nhận sự cần thiết của đức tin và phép rửa, và bởi đó cũng xác nhận sự cần thiết của giáo hội, vì qua bí tích rửa tội như qua một cánh cửa mà người ta bước vào giáo hội. Do đó, bất cứ ai biết rằng giáo hội Công Giáo được Đức Kitô thiết lập mà từ chối không bước vào hoặc không muốn ở lại, sẽ không được cứu độ. (LG, 14).

Và như thế Lumen Gentium vẫn xác nhận giáo huấn truyền thống về vấn đề không có ơn cứu độ ở ngoài giáo hội cùng với việc cho phép vô tri bất khả triệt. Tuy nhiên, việc sắp xếp câu văn đã tiêu hủy tác dụng truyền thống của lập trường này và đòi hỏi rằng nó phải được đọc trong phương cách cởi mở nhất nếu có thể. Điều này được thể hiện trong hai phương cách.

Thứ nhất, trong chương đề cập đến người Công Giáo, người Tin Lành, người thuộc các tôn giáo khác, và ngay cả người đời, lời tuyên bố này được xếp trong đoạn trực tiếp đề cập đến tín hữu Công Giáo. Khi nói với chính người Công Giáo, công đồng dùng lời khuyên bảo của Thánh Cyprian trong thế kỷ thứ ba hơn là nhắc đến sự kết án vội vàng của Đức Giáo Hoàng Eugene IV trong Tự Sắc 1441. Nói cách khác, công đồng nhấn mạnh đến ý tưởng là những người đã chấp nhận giáo hội Công Giáo thì đừng quay lưng lại giáo hội, chứ không nhấn mạnh đến ý tưởng là những ai không phải là phần tử của giáo hội thì không được ơn cứu độ trừ trường hợp vô tri bất khả triệt.

Thứ hai, lời tuyên bố về vấn đề ơn cứu độ ở ngoài giáo hội được xếp ở giữa chương, ngoài ra chương này đề cập đến kiến thức nền tảng của vấn đề đại kết. Ngay câu đầu tiên của chương hai viết: "Ở bất cứ thời nào và trong bất cứ dân tộc nào, Thiên Chúa đón nhận bất cứ ai kính sợ Người và làm điều ngay lẽ phải" (LG, 9). Khi đưa lời khẳng định này lên đầu và dùng nó để dẫn vào kết cấu của chương hai thì chúng ta phải hiểu sự cần thiết của giáo hội cho ơn cứu độ trong quan điểm của nó chứ không thể hiểu ngược lại. Nói cách khác, khi giải thích sự cần thiết của giáo hội để được cứu độ chúng ta phải nhớ rằng, trước hết, ở bất cứ thời đại nào và trong bất cứ dân tộc nào, Thiên Chúa đều đón nhận bất cứ ai kính sợ Người và làm điều ngay lẽ phải. Sự cần thiết của giáo hội cho ơn cứu độ được xuất hiện trong chương này là vì các vị bảo thủ đã chính đáng nhấn mạnh rằng đây là một phần của truyền thống Công Giáo. Tuy nhiên, vị trí của lời tuyên bố này trong văn kiện nói lên tình trạng phẩm chất của giáo hội chứ không phải là một lập trường căn bản. Quả thật có ơn cứu độ ngoài giáo hội, mặc dù nhiều thần học gia theo lối cổ đã thay vào đó bằng cách định nghĩa "giáo hội" theo một phương cách tổng quát đến độ bao gồm tất cả mọi người thiện tâm và hành động theo lẽ phải.

Điều này không có nghĩa văn kiện đã giảm thiểu vai trò của giáo hội trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúng ta được dạy bảo rằng Thiên Chúa không chỉ cứu chuộc từng người một, nhưng Ngài còn quy tụ họ thành một dân tộc. Dân của Chúa có nguồn gốc lịch sử và tiếp nối trong dân tộc Do Thái như thành phần được Chúa chọn. Qua Đức Kitô, một dân mới của Thiên Chúa được hình thành để kêu gọi mọi dân tộc quy tụ trong sự hiệp nhất công giáo tính. Người Công Giáo là các phần tử trọn vẹn, những người dự tòng được tháp nhập qua ý định của họ, người Tin Lành được liên kết qua Chúa Thánh Thần, và những người thuộc các tôn giáo khác thì liên kết một cách nào đó. Văn kiện dứt khoát khẳng định rằng mọi dân tộc đều có thể được cứu độ, dù rằng giáo hội vẫn giữ vai trò rao giảng phúc âm cho mọi dân tộc.

Tư Tế, Ngôn Sứ, Vua

Một phương cách khác mà văn kiện Lumen Gentium cho thấy viễn ảnh đại kết tích cực là xác định một vài quan niệm then chốt có liên quan đến người nổi tiếng nhất của phong trào Cải Cách Tin Lành, là Martin Luther. Các học giả của một ủy ban hỗn hợp Luther và Công Giáo đã cho công bố một văn kiện, "Martin Luther's Legacy" (Di Sản của Martin Luther), mà trong đó có thảo luận về ảnh hưởng của Luther đối với Công Đồng Vatican II. Một số nhà phê bình còn nói đùa rằng Công Đồng Vatican II tượng trưng cho những người Công Giáo đã theo kịp người Tin Lành sau bốn trăm năm. Một phân tích đứng đắn cho thấy giáo hội Công Giáo đang cố gắng duy trì căn tính của mình trong khi thử công thức hóa một vài lập trường trung dung có thể chấp nhận được về một số vấn đề quan trọng. Trong chương hai của Lumen Gentium, hai ý tưởng nguyên thủy của Luther được thấy nổi bật: một cách căn bản giáo hội được coi là một cộng đồng người dân, và mọi Kitô Hữu được dự phần trong sứ vụ của Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất. Học giả John Dillenberger diễn tả lập trường của Luther như sau:

Là một cộng đồng các tín hữu, người tín hữu Kitô chịu đựng lẫn nhau cũng như chịu đựng gánh nặng của thế gian, như Đức Kitô đã làm trước đây... [Do đó] thừa tác vụ không còn được hiểu như một vị thế trung gian cần thiết... Đúng hơn, trong cộng đồng các giáo hội, mọi người là tư tế của nhau, họ là duyên cớ và là sứ giả của ơn sủng và sự hỗ trợ. Điều này được bày tỏ trong ý niệm về tính cách tư tế của mọi tín hữu.

Hiển nhiên là văn kiện Lumen Gentium khác với Luther trong việc tái xác định về tính cách cực kỳ quan trọng của các yếu tố cơ cấu của giáo hội và về sự khác biệt căn bản giữa các thừa tác vụ chức thánh và tính cách tư tế chung của người tín hữu. Tuy nhiên, rõ ràng là văn kiện đã đi theo đường hướng của Luther, về vấn đề giáo hội là một cộng đồng và lời kêu gọi phổ quát để chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô.

Sự hiện diện và cách sắp đặt của chương 2 Lumen Gentium, về Dân Chúa, cho thấy công đồng nhấn mạnh đến giáo hội như một cộng đồng. Bản dự thảo đầu tiên của văn kiện không có chương này. Trong bản dự thảo thứ hai, ý niệm dân Chúa được nối kết với giáo dân và được thêm vào khoảng gần cuối của văn kiện. Trong dự thảo sau cùng, chương này được xếp trước cả chương nói về bản chất phẩm trật của giáo hội và trở thành chương thứ hai, chỉ sau chương mầu nhiệm giáo hội và sự liên hệ giữa giáo hội với Thiên Chúa. Sự di chuyển này cho thấy một thay đổi, thay vì nhấn mạnh đến cơ cấu hình kim tự tháp của giáo hội với đức giáo hoàng trên đỉnh, kế đó là các giám mục, kế đó là các linh mục, kế đó là các tu sĩ nam nữ và sau cùng mới là thành phần giáo dân ở dưới đáy, thì công đồng đã đưa ra hình ảnh một vòng tròn, một cơ cấu toàn bộ của giáo hội được hình thành bởi mọi người dân của Chúa và được phục vụ bởi hàng giáo phẩm.

         
Chương hai của Lumen Gentium nhấn mạnh rằng mọi phần tử của Dân Chúa đều được chia sẻ ba sứ vụ của Đức Kitô là Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Ý niệm này trở nên yếu tố kết cấu chính yếu trong toàn thể văn kiện. Thí dụ, chương ba của Lumen Gentium đề cập đến phương cách mà hàng giáo phẩm chia sẻ ba sứ vụ này, chương bốn thảo luận về phương cách chia sẻ của người giáo dân, chương sáu nói về cách chia sẻ của những người có lời khấn. Khái niệm này bắt nguồn từ Tân Ước, và thật quan trọng đối với Luther đến nỗi, giờ đây Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất là người thay thế chức tư tế trong Cựu Ước bằng cách hình thành một dân tộc tư tế. Dân tư tế này có thể cầu nguyện và dâng lễ vật lên Chúa Cha mà không cần người trung gian nào khác ngoài Đức Kitô. Quan niệm này cũng bắt nguồn từ các văn bản của một vài Giáo Phụ khi các ngài phát biểu rằng Đức Kitô là sự ứng nghiệm của các lời tiên tri về đấng thiên sai, trong đó Người chiếm lấy các chức năng của sách Tư Tế, sách Ngôn Sứ, và sách Các Vua (một phương cách cổ điển để phân loại các sách trong Cựu Ước).

Mỗi một Kitô Hữu được mời gọi, tùy theo tình trạng đời sống của mỗi người, để trở nên sự hiện diện của Đức Kitô (tư tế), để làm chứng cho Đức Kitô trong đời sống của mình (ngôn sứ), và phục vụ cho sự ngự đến của nước Thiên Chúa (vua).

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa nghiên cứu xem giáo hội Công Giáo đã thay đổi từ lập trường có sắc thái nghi ngờ về khả năng cứu độ của những người ngoài giáo hội, sang một lập trường cởi mở về đại kết. Chúng ta đã nhấn mạnh đến việc nhận biết hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các cộng đồng người Tin Lành, tính cách thành viên rộng rãi của Dân Chúa, và sự chia sẻ của mọi Kitô Hữu trong ba sứ vụ của Đức Kitô như tư tế, ngôn sứ và vua.

Trong chương kế tới, chúng ta sẽ xem xét quá trình lịch sử của một số chia cắt trong Kitô Giáo.

Câu Hỏi Suy Tư

Điều gì khiến người ta có thái độ hạn hẹp khi giải thích câu "không có ơn cứu độ bên ngoài giáo hội"?
Có bao giờ bạn là nạn nhân của sự kỳ thị giữa các giáo phái Kitô Giáo chưa?
Khái niệm "Dân Chúa" được dùng như thế nào trong chiều hướng đại kết ở Công Đồng Vatican II?
Khi người ta thăng tiến trong ý thức về đại kết thì họ có được cảm nghiệm gì?
Chương 8: Sự Đa Dạng và Các Chia Cắt Trong Kitô Giáo

Mới đây tôi vừa nói chuyện tại một nhà thờ Luther cho một đôi tân hôn, vợ theo đạo Công Giáo và chồng theo đạo Tin Lành Luther. Tôi cố giúp đôi tân hôn này hiểu về một số lý do đằng sau sự chia cách giữa người Công Giáo và Luther, cũng như những cố gắng đáng kể để hàn gắn sự chia cắt này. Tôi nghĩ rằng trong sự trình bầy đó, tôi rất thông cảm với đôi bên, có lẽ nhất là đối với người Luther. Nhưng, trong cuộc thảo luận kế tiếp, bà có vẻ tức giận. Bà nói: "Tôi sinh trong một gia đình Công Giáo và kết hôn với người theo đạo Luther. Bây giờ tôi đi nhà thờ này (Luther), vì nó không khác gì cả. Công Giáo hay Luther cũng đều giống nhau. Bây giờ ông nói rằng có sự khác biệt!"

Lúc đầu tôi hơi sững sờ vì phản ứng của bà. Chỉ vài năm trước đây, người ta cho rằng không có sự khác biệt giữa người Công Giáo và người Tin Lành Luther. Bây giờ, tôi lại gặp một người khác hẳn và bà cảm thấy đau lòng khi nghe nói có sự khác biệt, dù tôi đã nhấn mạnh đến nhu cầu hiểu biết và chấp nhận nhau. Tôi nghĩ bà ấy đang cố gắng biện hộ cho sự thay đổi cái nhìn của bà về các tôn giáo bằng cách từ chối bất cứ sự khác biệt nào.

Tôi trả lời bà bằng cách xác nhận rằng trong thế giới ngày nay dường như không có sự khác biệt giữa một người Công Giáo và người Tin Lành Luther. Hơn thế nữa, truyền thống Luther và truyền thống Công Giáo cực kỳ giống nhau, nhất là khi so sánh với tầm mức rộng lớn của những khác biệt bên trong và bên ngoài Kitô Giáo. Hơn thế nữa, tôi nhận ra rằng nhiều sự khác biệt có liên hệ đến các thần học gia và các nhà lãnh đạo giáo hội hơn là liên hệ đến một Kitô Hữu bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn một số khác biệt về tính cách lịch sử và thần học. Các cuộc chiến, các lãnh thổ quốc gia, và đời sống cá nhân bị ảnh hưởng bởi những khác biệt này. Ngay cả ngày nay những khác biệt này có thể trở nên quan trọng cho người dân trong mức độ đạo đức cá nhân. Nói cho cùng, tôi thấy, sự hàn gắn không phải là chối bỏ những khác biệt nhưng phải nhận biết những khác biệt và cùng tìm cách chữa trị.

Trong Chương Này

Một cách tốt đẹp để hiểu về tình trạng hiện thời là tìm về lịch sử để xem làm thế nào mà các cộng đồng khác biệt lại xuất hiện trong Kitô Giáo. Dĩ nhiên, phải mất nhiều cuốn sách mới có thể thẩm định đúng đắn về vấn đề này. Trong chương này, chúng ta sẽ xem qua sự đa dạng trong thời Tân Ước, sự ly giáo giữa Chính Thống Giáo Hy Lạp và Công Giáo La Mã, và cuộc Cải Cách Tin Lành. Phần này liên hệ nhiều đến chương 2 của Lumen Gentium và Sắc Lệnh về Đại Kết của Công Đồng Vatican II.

Các Cộng Đồng Đa Dạng Trong Thời Tân Ước

Trong cuốn The Churches the Apostles Left Behind (Các Giáo Hội Mà Tông Đồ Để Lại) vị học giả nổi tiếng là Cha Raymond Brown nghiên cứu một vài cộng đồng mà các sách Tân Ước đã đề cập đến. Cha Brown cho rằng mỗi một cộng đồng có một sắc thái đặc biệt liên hệ đến vị tông đồ hoặc sự hướng dẫn của vị tông đồ sáng lập. Khi nghiên cứu mỗi một cộng đồng, Cha Brown tìm hiểu xem cộng đồng ấy đã sống còn như thế nào sau khi không còn sự hướng dẫn của vị tông đồ sáng lập ấy nữa. Nói cách khác, nếu vị sáng lập là mối liên kết nguyên thủy giữa cộng đồng và Đức Giêsu, thì một khi vị sáng lập không còn nữa, những quan niệm nào về cơ cấu và thẩm quyền đã duy trì được cộng đồng này?

Cha Brown tìm thấy sự thay đổi đáng kể trong cách kết cấu và căn tính của cộng đồng trong bảy giáo hội mà ngài nghiên cứu. Ba cộng đồng đầu tiên có đặc tính thường có liên hệ đến đạo Công Giáo. Thí dụ, trong các thánh thư (1 Timotê, 2 Timôtê, và Titô), yếu tố sống còn là việc chỉ định một giám mục trong mỗi một thành phố. Trong các thư gửi tín hữu Colossê/Êphêsô (những lá thư sau cùng được cho là của Thánh Phaolô), chính là ý tưởng về giáo hội như Nhiệm Thể của Đức Kitô. Trong Luca và CVTĐ yếu tố liên tục là Chúa Thánh Thần hướng dẫn các vị lãnh đạo.

Ba cộng đồng kế tiếp mà Cha Brown nghiên cứu thì có liên hệ mật thiết với đạo Tin Lành. Trong thư 1 Phêrô, yếu tố chỉ đạo cho cộng đồng này là sự hiểu biết về giáo hội như một Dân Tộc mới của Thiên Chúa dựa vào nền tảng dân tộc Do Thái như một dân tộc Chúa chọn. Trong Phúc Âm Thánh Gioan yếu tố tồn tại là sự tương giao của cá nhân với Đức Giêsu được hiểu rõ qua hình ảnh Cây Nho và ngành. Trong thư của Thánh Gioan chính Chúa Thánh Thần trong mỗi cá nhân đã ban cho quyền bính (mặc dù như Cha Brown đã viết, quan niệm này có khuynh hướng gây nên chia rẽ lớn).

Cha Brown chấm dứt với sự thảo luận về một cộng đồng có tính cách quân bình tôn giáo. Trong Phúc Âm Thánh Mátthêu, yếu tố sống còn là nhấn mạnh đến cơ cấu thẩm quyền, nhưng yếu tố này được quân bình hóa bởi sự nhấn mạnh hơn nữa đến lòng thương xót và thái độ không câu nệ luật lệ của Đức Giêsu. Không những Cha Brown giải thích chi tiết về cách thức hoạt động của các yếu tố này mà ngài còn đưa ra những ưu và khuyết điểm của mỗi một loại cộng đồng.

Công trình của Cha Brown thì hoàn toàn có tính cách đại kết, vì một vài lý do. Thứ nhất, sự đa dạng của các cộng đồng được phân tích ở trên cho thấy nhiều giáo phái ngày nay có thể tìm thấy nền tảng vững chắc cho cơ cấu giáo hội mình trong Tân Ước. Người Công Giáo, người Tin Lành, và người Duy Phúc Âm, tất cả đều có thể vạch ra các đoạn văn để biện minh cho kiểu cách sinh hoạt của mình.

Thứ hai, cuộc nghiên cứu của Cha Brown chứng minh rằng không một giáo phái nào hiện nay phản ánh đầy đủ chứng tích phúc âm. Mỗi một giáo phái phải tự xét mình đối với toàn bộ chứng tích phúc âm. Người Công Giáo có thể thiếu chú trọng đến sự hiện diện quan trọng của Chúa Thánh Thần trong mỗi một người; người Tin Lành có thể không coi nhu cầu hợp nhất giáo hội quan trọng đủ; người Kitô duy phúc âm có thể quên đi vai trò lãnh đạo của các giám mục đã có trong phúc âm.

Thứ ba, những xuyên tạc trong việc trình bầy đức tin vì mục đích tranh luận mà Cha Brown phân tích, dù trong thời Tân Ước, thời Cải Cách Tin Lành, hay thời nay, đều thức tỉnh mọi phần tử can dự và thúc đẩy họ theo chiều hướng lắng nghe nhau một cách thiện cảm và cùng hoạt động hướng về sự hòa giải. Cha Brown cũng cho thấy khi hai phe đối nghịch nhau thì những vấn đề đang tranh chấp lại được chú ý hơn cả những căn bản đức tin quan trọng khác. Thí dụ, Kitô Hữu thuộc cộng đồng của Thánh Gioan quá hăng say bảo vệ thiên tính của Đức Kitô đến độ họ gặp khó khăn khi phải khẳng định nhân tính của Người. Trong thời Cải Cách Tin Lành, người Công Giáo quá mải mê bài bác bất cứ gì là của Tin Lành nên họ nghi ngờ cả việc đọc Phúc Âm. Cha Brown cũng nhìn thấy điều tương tự xảy ra trong thời hậu Công Đồng Vatican II khi một số người tẩy chay một số điều trong đạo Công Giáo thuộc thời trước Công Đồng.

Tôi... vui mừng khi nhìn thấy những gì được đưa vào đạo Công Giáo bởi Công Đồng Vatican II, nhưng không nhất thiết cùng lúc phải có những mất mát, tỉ như, về sự trung thành, sự vâng phục, và sự tận tuỵ với giáo hội; về phẩm cách trong phụng vụ; về nhạc bình ca; về kiến thức truyền thống Latinh đi từ thời Thánh Augustine qua Thánh Tôma đến thời Trung Cổ. Bây giờ, sự cố gắng bù đắp cho những mất mát ấy trong khi vẫn thúc đẩy các ích lợi của Công Đồng Vatican II là một hành động xuất chúng có ý nghĩa.

Phương cách của Cha Brown tượng trưng cho tinh thần yêu hòa bình nhằm tìm kiếm sự hợp nhất, không bởi tránh né sự khác biệt, nhưng bởi tránh né những tranh luận cay đắng thường gây nên bởi thái độ tự vệ và từ đó có thái độ khinh miệt đối phương.

Cha Brown không để độc giả nghĩ rằng mọi giáo hội ngày nay đều không đầy đủ như nhau. Ngài đặc biệt yêu chuộng các giáo hội theo khuôn mẫu của Phúc Âm Thánh Mátthêu, trong đó cơ cấu thẩm quyền là điều hiển nhiên, nhưng cơ cấu ấy chỉ là thứ yếu so với nhiệt tình mục vụ và các tương giao bác ái giữa con người. Phúc Âm Thánh Mátthêu thường được truyền thống gọi là "phúc âm của giáo hội." Cha Brown đã để lại cho độc giả một hình ảnh rõ rệt về sự đa dạng chính đáng trong Tân Ước và nhu cầu của mọi Kitô Hữu thuộc đủ mọi giáo phái là phải lắng nghe nhau cách kỹ lưỡng và biết quý trọng sự hiểu biết của nhau.

Chính Thống Giáo Hy Lạp và Công Giáo La Mã

Các loại đa dạng được biểu lộ trong Tân Ước từng xuất hiện dưới nhiều hình thức trong suốt lịch sử Kitô Giáo. Không có thời gian nào được xác nhận là không có bất đồng với những điều giáo hội giảng dạy. Trong nhiều thời kỳ khác nhau, các phong trào có tổ chức đã xuất hiện và bị coi là lạc giáo, tỉ như Marcion, Arian, và Waldensian. Tuy nhiên, đối với thế giới Kitô Giáo, hai sự chia cắt chính yếu nổi bật nhất: cuộc đại ly giáo giữa Chính Thống Giáo Hy Lạp và Công Giáo La Mã trong thế kỷ mười một và cuộc Cải Cách Tin Lành trong thế kỷ mười sáu.

Cuộc đại ly giáo Hy Lạp và La Mã (Hy-La) xảy ra trước và sâu đậm hơn Cải Cách Tin Lành. Cuộc ly giáo trước tượng trưng cho một sự chia rẽ giữa Đông và Tây, trong khi cuộc ly giáo sau là một vết nứt trong Kitô Giáo Tây Phương. Đại ly giáo Hy-La là sự đổ vỡ giữa giáo hội nói tiếng Latinh, tập trung ở Rôma, và giáo hội nói tiếng Hy Lạp, tập trung ở Constantinople (ngày nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Mặc dù sự đổ vỡ xảy ra dần dà sau nhiều thế kỷ, biến cố mà các học giả đề cập đến nhiều nhất là vạ tuyệt thông của vị đại diện đức giáo hoàng đối với Đức Micae Cerularius, là Thượng Phụ của Chính Thống Giáo Hy Lạp, trong một Thánh Lễ ngay trong vương cung thánh đường của Đức Thượng Phụ ở Constantinople năm 1054. Để trả đũa, Đức Cerularius ra vạ tuyệt thông phái đoàn của đức giáo hoàng.

Biến cố này xảy ra sau vài trăm năm kình chống và ghen ghét giữa đôi bên. Mặc dù Rôma cho rằng quyền ưu tiên đã được công nhận bởi người Hy Lạp, nhưng bản chất và mức độ ưu quyền ấy chưa ngã ngũ. Thí dụ, người Công Giáo La Mã chủ trương rằng các công đồng đại kết có giá trị là vì được công nhận bởi vị giáo hoàng. Kitô Hữu Chính Thống Hy Lạp cho rằng chính các công đồng đại kết tự nó có uy thế, và do đó sự thừa nhận của đức giáo hoàng chỉ tượng trưng cho sự chứng thực sau cùng của quyền lực ấy.

Một tranh luận thần học có liên hệ đến vấn đề chia cắt là giáo hội La Mã thêm vào chữ filioque trong kinh Tin Kính Nicene. Chữ filioque có nghĩa Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Giáo hội Hy lạp nguyên thủy nói rằng, Chúa Thánh Thần chỉ xuất phát từ Chúa Cha mà thôi. Cuộc tranh luận này có liên hệ đến thẩm quyền của đức giáo hoàng, vì theo sự giải thích của người Hy Lạp, Chúa Thánh Thần là môi giới trực tiếp của thẩm quyền Thiên Chúa theo như truyền thống, trong khi giáo hội La Mã lại giải thích rằng người môi giới là Đức Kitô và giáo hội, và bởi đó đức giáo hoàng cũng là người môi giới.

Tuy nhiên, hầu hết các học giả đồng ý rằng mối bất hòa thực sự giữa Constantinople và Rôma thì có tính cách văn hóa và chính trị hơn là thần học. Các linh mục theo truyền thống Hy Lạp được lập gia đình, râu ria xồm xoàm, và dùng bánh có men trong Thánh Lễ; linh mục theo truyền thống La Mã thì độc thân, không để râu, và dùng bánh không men. Tuy nhiên, sâu đậm hơn nữa là thái độ đối với nhau. Một bình luận gia đã viết:

Đối với người Hy Lạp, những người Latinh, xuất phát từ các quốc gia thời trung cổ, thì bừa bãi, không văn minh và đói khát đủ thứ. Đối với người Latinh, những người Hy Lạp thì thoái hóa, nhỏ nhặt hay bắt bẻ tỉ mỉ.

Sau vạ tuyệt thông lẫn nhau năm 1054, hai giáo hội vẫn cởi mở tiến đến sự hòa giải, nhưng chưa được cụ thể hóa. Năm 1204, các thập tự quân của Tây Phương bị các con buôn Venetian đánh lừa nên xông vào cướp phá thành phố Constantinople. Các thập tự quân này đã thiết lập đế chế Rôma ở Constantinople, và áp đặt các nghi thức cũng như phụng vụ Latinh trên các Kitô Hữu Hy Lạp đang bất mãn, mãi cho đến khi thập tự quân bị đẩy lui vào năm 1261. Hy vọng hòa giải lại càng vùi sâu hơn nữa khi Constantinople rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ năm 1453.

Vào cuối Công Đồng Vatican II, ngày 7 tháng Mười Hai 1965, một tuyên bố chung giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Hy Lạp Athenagoras I đã được công bố. Cả hai cùng bày tỏ sự hối tiếc về những lời lẽ xúc phạm, những cáo buộc vô cớ, những hành động khinh miệt, các vạ tuyệt thông, và thái độ không tin tưởng lẫn nhau. Cả hai cũng bày tỏ ước muốn vượt qua những khác biệt của quá khứ bằng sự sám hối và tích cực lưu tâm đến ích lợi chung.

Martin Luther và cuộc Cải Cách Tin Lành

Các học giả có thể đưa ra nhiều lý do phức tạp của cuộc Cải Cách. Trong đó, lý do hiển nhiên nhất là sự thối nát lan tràn trong giáo hội bởi sự lạm dụng và dị đoan, việc buôn bán bí tích, hàng giáo sĩ thiếu giáo dục, và các giám mục hữu danh vô thực là những người làm giầu qua sự thu góp tiền của giáo dân. Tuy nhiên, sâu xa hơn là những thay đổi rộng lớn về văn hóa, tỉ như sự chuyển hướng từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản, lôi theo sự phát sinh của chủ nghĩa dân tộc, dân chúng biết đọc biết viết nhiều hơn (nhờ có máy in), và một giai cấp trung lưu mới. Một giáo hội dường như bám chặt vào các hình thức tư duy thời Trung Cổ đã không còn được tôn trọng bởi những người có các kỳ vọng mới.

Mặc dù nhiều phong trào Kitô Giáo đã nổi lên chống đối trước và sau thời Martin Luther nhưng ông được coi là tâm điểm của cuộc Cải Cách Tin Lành. Là một tu sĩ dòng Augustin với ý định nguyên thủy là cải tổ nội bộ giáo hội, chính ông muốn những người theo ông vẫn được gọi là "Kitô Hữu" chứ không phải là "người theo Luther".  Ít nhất, ngay từ lúc đầu ông không muốn bị vạ tuyệt thông vì không chịu rút lại các cáo buộc mà ông đã đặt trước cửa nhà thờ cũng như đối với đức giáo hoàng.

Đầu tiên, Martin Luther rất bực mình vì việc giáo hội bán ân xá để gây quỹ xây đền Thánh Phêrô ở Rôma. "95 Luận Đề" nổi tiếng của ông hoàn toàn lưu tâm đến vấn đề này. Ân xá là sự chước giảm hình phạt vì tội lỗi, thường được ban cho những người làm việc tốt, đi hành hương, hay siêng năng cầu nguyện. Martin Luther chống đối các ân xá được bán để lấy tiền, được áp dụng cho các hình phạt ở luyện ngục, và được "trọn vẹn," nghĩa là bất cứ mọi hình phạt gì cũng được tha. Martin Luther chủ trương rằng thẩm quyền của đức giáo hoàng để cầm buộc hay tháo gỡ khỏi những hình phạt đặc biệt này thì chỉ liên hệ đến các hình phạt giáo luật ở đời này mà thôi. "95 Luận Đề" được phổ biến rộng rãi trên khắp Âu Châu. Một vài năm kế đó thì đầy dẫy những sự đe dọa, hứa hẹn, bàn cãi và tranh luận giữa Luther và các đại diện của Rôma.

Vào năm 1520, Luther viết ba luận án "Cải Cách" mà trong đó chất chứa toàn bộ thần học cải cách. Những cuộc tấn công của ông đối với đức giáo hoàng và tình trạng bấy giờ của giáo hội leo thang một cách khủng khiếp. Luther coi giáo hội Công Giáo và đức giáo hoàng như những sáng chế của loài người nhưng lầm lạc cho rằng có uy quyền của Thiên Chúa. Trong đó họ là đại diện của ma quỷ chứ không phải Thiên Chúa. Luther chủ trương rằng mọi Kitô Hữu đều có quyền ngang với linh mục và giám mục về việc rửa tội, tha tội, và truyền phép. Thật thích hợp để ban chức vụ cho một số người để thi hành các điều này, nhưng họ chỉ khác nhau ở chức năng, chứ không khác ở bản chất so với các Kitô Hữu khác. Martin Luther lên án "kiểu cách phô trương và trần tục" của đức giáo hoàng. Ông kêu gọi bãi bỏ việc ép buộc giáo sĩ sống độc thân, mua Thánh Lễ cho người chết, thiết đặt các nguyện đường làm nơi hành hương để gây quỹ, giấy phép của giáo hội, tự sắc của đức giáo hoàng và xin xỏ cũng như ân xá. Ông lập luận rằng Kitô Hữu được cứu độ chỉ bởi đức tin, chứ không bởi công việc tốt lành; Kinh Thánh là việc làm của Thiên Chúa, chứ không do loài người quyết định; giáo hội phải khiêm tốn vác lấy thập giá của mình chứ đừng khoe khoang vinh dự.

Cùng năm ấy, 1520, một tự sắc của đức giáo hoàng được ban bố để lên án các đề thuyết của Martin Luther và cho ông sáu mươi ngày để công khai rút lại ý kiến. Tại Hội Nghị Hoàng Gia ở Worms năm 1521 Martin Luther khẳng định rằng ông không rút lại lập trường của mình vì ông không tìm thấy điều gì hợp lý hoặc thích hợp với Kinh Thánh khiến ông phải làm như vậy. Vào lúc ấy, cuộc Cải Cách mới thực sự xảy ra. Luther dùng những năm cuối đời để cải tổ giáo hội. Trong những điều thực hiện, ông cố gắng đưa nền tảng đức tin Kitô Giáo đến với người dân bằng cách dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức và viết sách giáo lý đầu tiên trong lịch sử.

Cho đến những năm gần đây, thật khó để tìm thấy một cái nhìn quân bình về cuộc Cải Cách. Người Công Giáo và người Tin Lành đều vô cùng bất công và thiên vị khi trưng ra các đặc điểm và biến cố của thời ấy. Mỗi bên đều tự hào vạch ra những ví dụ của thái độ tìm đến với nhau và cố gắng thỏa hiệp. Mỗi bên cũng đều tìm thấy đầy dẫy những ví dụ của sự kiêu hãnh, ngạo mạn, ngoan cố, và đầu óc hẹp hòi.

Trên bốn trăm năm trở lại đây, hàng trăm giáo phái Tin Lành đã xuất hiện. Tất cả đều có ít nhiều cách biệt với giáo triều. Một số, tỉ như Episcopal và Luther, vẫn giữ hàng giám mục kế nhiệm các tông đồ. Một số khác, tỉ như Methodist và Presbyter, đặt thẩm quyền dân chủ trên giáo dân là những người họp thành các giáo đoàn. Tuy nhiên, một số khác nữa, tỉ như Baptist và Pentecost, lại ban thẩm quyền sau cùng cho người có thể giải thích Kinh Thánh qua Thần Khí ở trong họ.

Tóm Lược

Để có được một số quan điểm về những chia cắt trong Kitô Giáo ngày nay, chúng ta vừa nhìn lại tính cách đa dạng trong Tân Ước, cuộc đại ly giáo Hy-La, và cuộc Cải Cách Tin Lành.

Không dễ để trả lời cho những người, dù là Tin Lành hay Công Giáo, về những vấn đề này. Tất cả những gì tôi có thể đề nghị là một viễn ảnh đại kết nhìn đến cả hai mặt của vấn đề trong khi chúng ta cố vận động sự hòa giải trong đó sẽ tôn trọng tính cách đa dạng của chúng ta trong khi tiến tới sự hợp nhất thực sự.

Trong chương kế tới, chúng ta sẽ xem xét một số tiến bộ trong tiến trình đại kết ngày nay.

Câu Hỏi Suy Tư

Vấn đề nào bạn cho là quan trọng nhất trong những vấn đề đã chia cách Kitô Hữu?
Vấn đề nào bạn cho là ít quan trọng nhất trong những vấn đề đã chia cách Kitô Hữu?
Cuộc khảo cứu về tính cách đa dạng trong Tân Ước của Cha Raymond Brown có thể giúp gì cho cuộc đối thoại đại kết ngày nay?
Đối với cuộc đại ly giáo Hy-La và Cải Cách Tin Lành, bạn có thể phân biệt những vấn đề nào là "tôn giáo" và vấn đề nào là "văn hóa"?
Hình ảnh của Martin Luther trong chương này có phù hợp với những gì bạn nghe biết trước đây?
Chương 9: Tiến Bộ Đại Kết
Hai bà bạn Tin Lành của tôi thường đến tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Bà Thanh là Methodist; bà Bình là Episcopal (Anh Giáo). Cả hai đều có chồng là người Công Giáo. Cả hai đều có con cái theo đạo Công Giáo. Cả hai đều tham dự vào các sinh hoạt của giáo xứ. Cả hai đều hãnh diện và vẫn là người Tin Lành. Không ai được phép rước lễ trong nhà thờ Công Giáo trừ khi họ trở thành người Công Giáo.

Bà Thanh lên rước lễ mỗi Chúa Nhật. Bà không nghĩ rằng đức giáo hoàng hoặc đức giám mục sẽ loại trừ bà khỏi việc rước lễ mà những người trong gia đình bà đều được phép. Bà cảm thấy rằng khi cho con theo đạo Công Giáo và để gia đình tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật thì đó là một nhượng bộ lớn. Không lẽ giáo hội Công Giáo không nhượng bộ hay sao? Có tốt gì cho bà khi phải đến một nhà thờ mà không có người thân trong gia đình? Bà không cảm thấy hối hận để vâng theo điều mà bà cho là các quy luật vô nghĩa mà con người đã đặt ra trước đây.

Bà Bình thì không lên rước lễ. Bà cho đó là dấu hiệu bất đồng với một vài giáo huấn của Công Giáo. Cha của bà là người Công Giáo, và ông đã bỏ giáo hội vì những bất đồng. Một cách đặc biệt, bà cảm thấy quyền bính đức giáo hoàng được thổi phồng quá đáng, và nhiều điều về Đức Maria mà người Công Giáo tin tưởng thì không đúng với Phúc Âm, và các nghi thức cũng như sự cầu nguyện Công Giáo có vẻ dị đoan. Bà không có ý thù nghịch với giáo hội Công Giáo, nhưng bà muốn vạch rõ sự khác biệt. Việc bà không rước lễ là một dấu hiệu mạnh mẽ để nói lên bản chất Tin Lành của bà dù rằng bà tham dự Thánh Lễ Công Giáo chỉ vì gia đình.

Thiếu sự hiệp thông bí tích liên tôn (intercommunion) vẫn là dấu hiệu lớn cho sự chia cách trong Kitô Giáo. Giáo hội Công Giáo có chính sách rõ ràng là chỉ những người Công Giáo thực sự mới được rước lễ, trừ những trường hợp ngoại lệ mà sự miễn trừ đã được ban bố, tỉ như trong đám cưới, trong một nghi thức đại kết, hoặc một nhu cầu tối cần thiết. Chính sách này bị vi phạm cách rộng rãi, nhất là có liên quan đến hôn nhân liên tôn giáo. Nhiều thần học gia và giáo dân Công Giáo ngày nay đang thúc bách giới lãnh đạo giáo hội cho phép hiệp thông bí tích liên tôn trên một phạm vi rộng lớn. Các nhà lãnh đạo giáo hội, được sự hỗ trợ của các thần học gia và giáo dân Công Giáo, lập luận rằng một hành động như thế sẽ quá vội vã và nguy hiểm.

Hiệp thông bí tích liên tôn là một dấu hiệu lớn của sự tiến bộ đại kết. Một bài thánh ca dựa trên phúc âm viết, "Một bánh, một Thân Thể," mà ở đây "thân thể" tượng trưng cho Thánh Thể và chính giáo hội. Trong Phúc Âm Gioan 17:21, Đức Giêsu cũng cầu xin với Chúa Cha để những ai theo Người sẽ trở nên một. Trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô 4:3-6, Thánh Phaolô khuyên: "Hãy nỗ lực duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí là nguồn gốc và sự bình an là sức ràng buộc. Chỉ có một thân thể và một Thần Khí, cũng như chỉ có một niềm hy vọng được ban cho anh chị em qua lời mời gọi. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa và Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, và hoạt động qua mọi người, và trong mọi người." Sự hiệp nhất của giáo hội là phần thiết yếu trong lời giảng dạy của các Giáo Phụ và trong tín khoản ban đầu: "Chúng tôi tin một giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền." Do đó, những chia cắt giữa Kitô Hữu là điều tiếng thật xấu xa, và đã từng được cảm nghiệm bởi chính những người tạo nên các điều tiếng ấy, dù rằng phần tử bên này thường đổ lỗi cho phần tử bên kia.

Trong Chương Này

Trong chương này chúng ta sẽ xem xét một số tiến bộ đã thực hiện được trong vấn đề đại kết Kitô Giáo ngày nay. Trước hết, chúng ta sẽ nhìn đến một đề nghị đại kết của các thần học gia Công Giáo, sau đó chúng ta sẽ lướt qua các đối thoại đại kết, và sau cùng là văn kiện của Hội Đồng Giáo Hội Thế Giới nhằm cổ vũ sự hợp nhất giáo hội. Như hai chương vừa qua, chương này tương xứng với chương 2 của Lumen Gentium và với Sắc Lệnh về Đại Kết.

Tám Luận Đề

Heinrich Fries và Karl Rahner, hai vị thần học gia Công Giáo nổi tiếng, cùng cộng tác viết một cuốn sách, mang tên The Unity of the Churches: An Actual Possibility (Hợp Nhất các Giáo Hội: Một Triển Vọng Có Thực). Các ngài kêu gọi sự hiệp thông bí tích liên tôn và chia sẻ tòa giảng giữa "các giáo hội chính của Kitô Giáo". Những giáo hội này sẽ được coi là "các giáo hội hợp tác." Cha Fries và Cha Rahner cho rằng bây giờ là thời điểm thuận tiện để hành động vì "trong ba thập niên qua, nhiều vấn đề đại kết đã được thực hiện so với các thế kỷ trước." Các biến động mà các ngài đề cập đến là Công Đồng Vatican II và việc công bố chung một vài văn kiện chính thức của Chính Thống Giáo và Công Giáo, Anh Giáo và Công Giáo, Tin Lành Luther và Công Giáo về những chủ đề như thừa tác vụ, Thánh Thể, và ơn cứu độ. Sau đây là tóm lược tám luận đề mà các ngài đã đưa ra cũng như giải thích trong sách:

Các giáo hội hợp tác sẽ chấp nhận Kinh Thánh và các Tín Khoản ban đầu.
Các giáo hội hợp tác sẽ không quyết liệt tẩy chay những gì là tín điều bó buộc trong giáo hội khác; không có tín điều nào có thể áp đặt trên giáo hội hợp tác ngoại trừ Luận Đề 1.
Các giáo hội hợp tác cấp vùng có thể duy trì các cơ sở hiện hữu sát cánh bên nhau trong cùng một lãnh thổ.
Tất cả các giáo hội hợp tác công nhận chức vụ của đức giáo hoàng như một dấu hiệu hợp nhất của giáo hội; đức giáo hoàng sẽ đồng ý hành xử huấn quyền tối cao của mình chỉ khi nào cùng chung với các đại hội đồng đại diện cho toàn thể giáo hội.
Mọi giáo hội hợp tác sẽ có các giám mục đứng đầu các chi nhánh, mặc dù phương cách tuyển chọn có thể thay đổi.
Các giáo hội hợp tác sống trong sự trao đổi hỗ tương huynh đệ với nhau để kinh nghiệm của một giáo hội này có thể trở nên hữu ích cho các giáo hội khác.
Các giáo hội hợp tác giờ đây sẽ truyền chức với lời cầu nguyện và nghi thức đặt tay.
Sẽ có toà giảng và bàn thờ giao hảo giữa các giáo hội hợp tác.
Cha Fries và Cha Rahner cũng bày tỏ sự nóng lòng vì các nhà lãnh đạo giáo hội vẫn do dự không dám thi hành các biện pháp đại kết táo bạo. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trưởng Thánh Bộ Tín Lý, kiên quyết bất đồng ý với những đề nghị này. Điều chống đối chính yếu là ngài cho rằng sự hiệp thông bí tích liên tôn đòi hỏi một kết hợp đức tin thực sự mà hiện nay chưa có. Đức Ratzinger cho rằng sự hợp nhất hiện nay chỉ là một phần đáng ngợi khen nhưng chưa đủ. Ngài đưa ra những khó khăn và những bất đồng hiện vẫn còn về các vấn đề, tỉ như sự biến thể và đặc tính hy tế của Thánh Lễ ngay trong các tuyên bố chung về Thánh Thể. Ngoài ra, Đức Ratzinger còn vạch ra những khác biệt liên quan đến Kinh Thánh, Truyền Thống, và thẩm quyền giáo hội cũng như ý nghĩa của chính hành vi đức tin.

Chính điểm sau cùng này mà Đức Ratzinger coi là căn nguyên những khác biệt giữa Công Giáo và Kitô Hữu Cải Cách. Ngài giải thích rằng đức tin mà Martin Luther chủ trương bao gồm sự gặp gỡ giữa chính cá nhân ấy với Thiên Chúa; đức tin của Công Giáo bao gồm việc chấp nhận những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta như một dân tộc trong phương cách liên tục qua giáo hội. Nhân vị cực đoan của Luther còn được thấy xuất hiện trong các vấn đề tranh luận khác. Đức Hồng Y Ratzinger chủ trương rằng, tốt hơn nên khảo sát sâu xa về các vấn đề chân lý căn bản này, hơn là xúc tiến "cuộc diễn hành gượng ép tiến đến sự hợp nhất" mà Cha Fries và Cha Rahner đã đề nghị.

Sự khó khăn của vấn đề này còn được thấy trong lập trường đối nghịch của thần học gia Công Giáo là Avery Dulles và thần học gia Tin Lành Wolfhart Pannenberg. Mỗi vị, để làm căn bản lý luận cho mình, đều quan niệm rằng Thánh Thể vừa là dấu hiệu hợp nhất và vừa là mục tiêu của sự hợp nhất. Mỗi vị đều có những bàn thảo tương tự về các vấn đề hiện thời. Tuy nhiên, sau cùng, trong khi đồng ý nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt để hiệp thông bí tích liên tôn vào dịp đặc biệt, Đức Hồng Y Dulles mạnh mẽ chống đối tình trạng quá lỏng lẻo trong việc chia sẻ Mình Thánh. Ngài chủ trương rằng, ngoài sự hiệp thông bí tích liên tôn dịp đặc biệt, bất cứ điều gì khác thì đều quá sớm, bởi vì nó có thể cổ võ cho thái độ dửng dưng và rất có thể cản trợ động lực tiến đến những thoả thuận quan trọng khác. Không bên nào sẽ cảm thấy được thúc giục canh tân như bây giờ qua việc lắng nghe nhau một cách tường tận. Khi "sự bừa bãi Thánh Thể" xảy ra, hiệu lực của bí tích này, được coi là dấu hiệu hợp nhất giáo hội, sẽ bị giảm bớt.

Ngược lại, Pannenberg chủ trương rằng, cho tới nay một tiến bộ như thế đã thực hiện được trong các thoả thuận có tính cách đại kết đó là bí tích Thánh Thể có thể hành xử một cách tổng quát như nguyên do của sự hợp nhất. Nói cách khác, ông tin tưởng rằng sự hiệp thông bí tích liên tôn chung phải được cho phép vì nó sẽ đem lại một động lực mới trong sự hiểu biết và canh tân hỗ tương. Trong một ý nghĩa, hiện thời bí tích Thánh Thể có thể hành xử như một dấu hiệu về tương lai hợp nhất mà Kitô Hữu hy vọng. Ông cảm thấy rằng những hạn chế hiện thời không phản ảnh thái độ mời gọi của Đức Giêsu.

Bởi đó, các bất đồng hiện nay về sự hiệp thông bí tích liên tôn bao gồm những khác biệt về cách thẩm định tầm quan trọng của những khác biệt còn lại, và trên thực tế, bí tích Thánh Thể phải hành xử như thế nào để đem lại sự hiệp nhất sâu xa hơn.

Tìm Kiếm Sự Thoả Thuận Về Phương Diện Thần Học

Trong vài thập niên vừa qua, giáo hội Công Giáo từng làm việc chung với nhiều giáo phái khác để cố gắng giải quyết một số khác biệt thần học trong quá khứ. Sau Công Đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã thành lập Văn Phòng Cổ Võ Sự Hiệp Nhất Kitô Giáo. Văn phòng này đã đồng bảo trợ các cuộc đối thoại nhằm liên kết Công Giáo với Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Luther, Methodist, Môn Đệ Đức Kitô, Baptist, Pentacost, và một số giáo phái Evangelic.

Một vài cuộc đối thoại này đã thành công đáng kể trong việc đưa ra các công bố chung nói lên sự thoả thuận quan trọng về nhiều vấn đề từng chia cắt Kitô Giáo trong quá khứ. Các cuộc đối thoại giữa Luther-Công Giáo đã đem lại các công bố chung về sự tương giao giữa Kinh Thánh và giáo hội, sự quan trọng của Martin Luther, và ý nghĩa của sự công chính hóa (ơn cứu độ). Những cuộc đối thoại hiện nay nhắm đến vấn đề công chính hóa, giáo hội học, và bí tích. Các cuộc đối thoại Chính Thống Giáo-Công Giáo đã đem lại các công bố chung về sự tương giao về giáo hội, bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa Ba Ngôi, và sự tương giao về đức tin, các bí tích, và sự hợp nhất giáo hội. Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo-Công Giáo đã có những công bố chung về bí tích Thánh Thể, thừa tác vụ, và thẩm quyền, cũng như một công bố mới đây (1987) về "Ơn Cứu Độ và Giáo Hội," mà trong đó viết "chúng tôi tin rằng hai cộng đồng chúng tôi đồng ý các khía cạnh căn bản của học thuyết ơn cứu độ và vai trò của giáo hội trong vấn đề cứu độ."

Phản ứng chính thức của giáo hội Công Giáo thì một đàng vừa tích cực và khuyến khích, nhưng đàng khác lại vừa do dự và phê bình. Các tài liệu đã được hình thành bởi các ủy ban được sự đồng bảo trợ của Tòa Thánh, nhưng về phía Công Giáo, các quyết định lại chỉ có tính cách của một phúc trình cần có sự phê chuẩn của Thánh Bộ Tín Lý, do Đức Hồng Y Ratzinger đứng đầu. Thánh Bộ này cố làm ra vẻ khuyến khích bằng cách công nhận những tiến bộ đã thực hiện được, nhưng hầu hết những nhận định là các phân tích những khó khăn hiện nay, và luôn nhắc nhở rằng sự hợp nhất thực sự đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Thí dụ, về các tài liệu của Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo-Công Giáo, Thánh Bộ đưa ra những khó khăn vẫn còn về bí tích Thánh Thể, giáo triều, Đức Maria, các bí tích, giáo hội, và sự tự do và công trạng của con người. Đặc biệt đối với tài liệu năm 1987, Thánh Bộ viết: "Những phê bình vừa được diễn tả không có nghĩa từ chối sự thành công phần nào [của ủy ban]. Nhưng người ta không thể quả quyết rằng đã đạt được một thoả thuận đầy đủ và chắc chắn về các khía cạnh thiết yếu của học thuyết này, chính yếu là vì thiếu sót đề cập đến vai trò của giáo hội trong ơn cứu độ."

Phần lớn sự tiến bộ đại kết hiện thời thực hiện được ở mức độ căn bản qua các hôn nhân liên tôn giáo và qua việc chia sẻ phụng vụ, học hỏi Kinh Thánh, và các chương trình hoạt động xã hội. Nhiều người cảm nhận điều tiếng xấu của sự chia cắt cũng thấy rằng đã đến lúc phải hành động. Cha Raymond Brown từng đưa ra lời cảnh giác:

Nếu trong hai thập niên tới các giáo hội không nắm lấy cơ hội, nếu một sự kết hợp giữa hai giáo hội lớn không xảy ra như một dấu hiệu của điều khả dĩ thực hiện được, và nếu vì đó Kitô Giáo đi vào thiên kỷ thứ ba với nhiều chia cắt hơn là khi đi vào thiên kỷ thứ hai, thì có thể nào, và ngay cả dường như sẽ xảy ra, là cơ hội ấy sẽ không bao giờ đến nữa? Hình như lúc nào Chúa Thánh Thần cũng gây nhiều kinh ngạc, nhưng đôi khi sự ngạc nhiên đó có thể vì Chúa Thánh Thần để dân Chúa phải trả giá sự thất bại của chính mình.

Bí Tích Rửa Tội, Thánh Lễ và Thừa Tác Vụ

Hội Đồng Giáo Hội Thế Giới được dùng như một động lực hợp nhất giữa Kitô Hữu kể từ khi được thành lập vào năm 1948. Đã có nhiều hội đồng quốc gia và nghị hội quốc tế xảy ra trước. Vì những khó khăn thần học sẽ bao gồm ở trong đó, giáo hội Công Giáo La Mã thì không chính thức là một thành viên, nhưng Vatican có đề cử người tham dự và biểu quyết với tư cách cá nhân.

Năm 1982 Hội Đồng Giáo Hội Thế Giới công bố một tài liệu mang tựa đề "Baptism, Eucharist and Ministry" (Bí Tích Rửa Tội, Thánh Lễ và Thừa Tác Vụ), được viết tắt là BEM và còn được gọi là tài liệu Lima. Mười hai tham dự viên, đúng mười phần trăm của 120 thành viên thuộc ủy ban Đức Tin và Chức Thánh đã thành hình tài liệu này, là những người Công Giáo. Tài liệu thử đưa ra một tuyên bố thần học mạnh mẽ về ba vấn đề như ở tựa đề mà hiển nhiên mọi Kitô Hữu có thể tán thành. Phần khó khăn nhất của nỗ lực này là phải tránh đừng để tài liệu trở thành quá tổng quát đến độ không còn ý nghĩa nữa. Tài liệu BEM được gửi đi cho nhiều giáo phái Kitô Giáo trên toàn thế giới để hỏi xem các giáo hội này tán thành quan điểm của tài liệu đến mức độ nào. Họ cũng xin được biết ý kiến về công việc tương lai của ủy ban. Các câu trả lời chính thức được gộp thành một tập dày sáu quyển.

Tài liệu "Bí Tích Rửa Tội, Thánh Lễ và Thừa Tác Vụ" là một công trình đáng kể vì nó diễn đạt được nhiều điều quan trọng của vấn đề trong khi vẫn bén nhạy với các phương cách khác nhau. Bí tích rửa tội được diễn tả là một dấu hiệu của đời sống mới, một tham dự trong cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, một hoán cải dẫn đến việc tẩy rửa tội lỗi, một tháp nhập vào Thân Thể Đức Kitô, và một dấu chỉ của vương quốc Thiên Chúa. Tài liệu cố gắng dùng những danh từ truyền thống khi trình bầy các quan điểm tế nhị về những vấn đề đã được bàn cãi trong quá khứ, tỉ như có nên rửa tội trẻ em hay không, có nên tái rửa tội hay không, và bí tích thêm sức có cần thiết là một bí tích riêng biệt hay không.

Thánh Lễ được diễn tả như một sự hiệp thông với Đức Kitô bao gồm việc tha tội và hứa hẹn một đời sống vĩnh cửu, như một tưởng nhớ đến Đức Kitô phục sinh, như một dấu hiệu của cộng đồng và sự hợp nhất, như lời mời gọi sống công bằng, và như một bữa tiệc của nước trời. Những quan điểm tế nhị cũng được đưa ra về các vấn đề đã được bàn cãi như bản chất của Thánh Lễ như một hy lễ, sự hiện diện thực sự, và phương cách cử hành.

Thừa tác vụ được diễn tả đầu tiên và trước hết như một lời mời gọi được trao ban cho tất cả Kitô Hữu. Tài liệu khẳng định thêm là cần có những người chịu trách nhiệm liên tục và công khai -- do đó, có các thừa tác vụ chức thánh. Thừa tác vụ chức thánh có nguồn gốc từ lời mời gọi mười hai tông đồ của Đức Giêsu. Các thừa tác viên có một trách nhiệm đặc biệt nhưng không độc quyền trong việc xây dựng cộng đồng qua ngôn từ và dấu chỉ (bí tích). Tài liệu cố trình bầy lập trường tế nhị về các thắc mắc liên quan đến sự kế nhiệm các tông đồ, nhu cầu thiết lập một giám mục, và việc tấn phong phụ nữ.

Trong 185 câu trả lời chính thức với tài liệu BEM nhận được vào đầu năm 1990, đa số đều khẳng định một cách tích cực là họ có thể chấp nhận đức tin Kitô Giáo theo như họ hiểu trong tài liệu. Hầu như mọi câu trả lời đều đưa ra lời phê bình theo quan điểm của mình. Nhiều giáo hội thiếu cơ cấu chặt chẽ than phiền về điều mà họ cho là thiên kiến của các các giáo hội lớn; một số giáo hội có cơ cấu truyền thống lại thắc mắc tại sao không đề cập đến giáo triều. Nhiều nhà bình luận nhận xét rằng tài liệu này tránh né lập trường cứng rắn về các vấn đề đang tranh luận nhiều nhất. Tuy nhiên, nói cho cùng, các giáo hội tiếp nhận tài liệu một cách tích cực khác thường. Một phản ứng đối với các câu trả lời là sự ủy thác một cuộc nghiên cứu mới về giáo hội học.

Phản ứng chính thức của Công Giáo từ Thánh Bộ Tín Lý, như được tiên đoán, là vừa khuyến khích và vừa ngập ngừng. Thánh Bộ viết, thật tốt đẹp nếu tài liệu BEM được tiếp nhận rộng rãi, nhưng sự thoả thuận ấy phải được coi như một giai đoạn trên đường dài và không được coi như một thoả thuận hoàn toàn. Thánh Bộ ngạc nhiên với ý nghĩa thâm trầm thần học liên hệ đến các chủ đề về Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần và với sự hiểu biết tích cực về mỗi vấn đề. Tuy nhiên, tài liệu này "không đạt được một vài điểm," nhất là trong sự hiểu biết về bí tích, truyền thống tông đồ, và thẩm quyền quyết định. Thánh Bộ vạch ra nhu cầu cần hiểu biết hơn nữa về quan điểm của Công Giáo trong giáo hội học. Một hiểu biết như thế sẽ là chủ đề của nhiều chương kế tiếp.

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa nhìn đến các đề nghị cho sự hợp nhất Kitô Giáo, những thận trọng về việc tiến hành quá mau, và những thoả thuận giữa các giáo phái Kitô Giáo.

Những chia cắt trong Kitô Giáo vẫn là một tiếng xấu. Cho rằng các nguyên do của sự chia cắt này không chỉ có tính cách thần học nhưng sâu xa hơn là vấn đề văn hóa và cách thực hành, việc hàn gắn cần được thực hiện không chỉ qua các đối thoại thần học. Chúng ta cần tiếp tục sống với nhau, chơi đùa, chuyện trò và cầu nguyện với nhau. Người tín hữu Kitô thuộc đủ mọi sắc thái cần có một thái độ khiêm tốn và sám hối, cũng như can đảm chịu đựng đừng bỏ cuộc đối với những vấn đề căn bản. Cũng như chính vương quốc Thiên Chúa, sự hợp nhất Kitô Giáo không chỉ là công trình của con người mà còn là công trình của Thiên Chúa.

Chúng ta vừa mới đặt ra khung cảnh đại kết cho cuốn sách này, chúng ta sẽ tiếp tục trong các chương kế tới về cơ cấu thẩm quyền cá biệt của giáo hội Công Giáo.

Câu Hỏi Suy Tư

Với những dữ kiện của chương này, bạn có khuynh hướng ủng hộ hay chống với sự hiệp thông bí tích liên tôn vào lúc này?
Cặp vợ chồng khác tôn giáo phải phản ứng thế nào với các chính sách hiện thời về sự hiệp thông bí tích liên tôn?
Ngoài giáo phái của bạn, còn giáo phái nào bạn thấy hấp dẫn nhất? Những gì của giáo phái ấy hấp dẫn bạn?
Bạn thấy giáo phái bạn có những điểm gì hấp dẫn nhất?
Phong trào đại kết quan trọng thế nào đối với cá nhân bạn?
Chương 10: Các Giám Mục và Đức Giáo Hoàng

Một vài năm trước đây khi khai giảng lớp học về chức giám mục tôi hỏi các sinh viên rằng họ nghĩ đức giám mục là ai. Sau một chút im lặng, một sinh viên giơ tay và trả lời, giám mục là người cao hơn linh mục. Cả lớp gật đồng tán thành; câu trả lời dường như bắt được ý tưởng của họ.

Là một giáo sư, tôi có nhiều cách để nói về giám mục. Tôi có thể nói về lịch sử của chức giám mục, về vị trí của các ngài trong cơ cấu giáo hội, và về bản chất cũng như giới hạn thẩm quyền của các giám mục. Tuy nhiên, sau khi trải qua các lớp nghiên cứu thần học, tôi quên đi trực giác của một người Công Giáo bình thường. Giám mục là người cao hơn linh mục. Tại sao tôi không nghĩ như thế?

Thật quan trọng để nhớ đến quan niệm này khi chúng ta khảo sát chức giám mục trong một phương cách có cơ cấu và có tính cách thần học. Đối với người Công Giáo, các giám mục hành xử như một người "đứng trên bậc thang" quyền hành, uy thế và tín nhiệm. Họ là các vị lãnh đạo của giáo hội; nhiều người giữ các vai trò lãnh đạo khác nhau, nhưng chính các giám mục, cùng với đức giáo hoàng, vị giám mục Rôma, có quyền hạn chính thức để dẫn dắt và có tiếng nói sau cùng trong những vấn đề ảnh hưởng đến toàn thể giáo hội.

Trong Chương Này

Trong chương này chúng ta sẽ thảo luận về tập quyền của các giám mục, vai trò của các ngài trong giáo hội, quyền tối cao và tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng, những tranh luận mới đây, và việc nhấn mạnh đến sự khiêm tốn và phục vụ. Chương này phù hợp với chương 3 của văn kiện Lumen Gentium. Cũng có liên quan là sắc lệnh của Công Đồng Vatican II Về Văn Phòng Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội. Theo cách kết cấu của Lumen Gentium, tôi có ý trì hoãn mọi khảo sát sâu xa về cơ cấu của giáo hội Công Giáo cho đến khi chúng ta có thể thực sự cảm kích cơ cấu ấy trong khung cảnh tổng quát hơn về mầu nhiệm của giáo hội và sự liên hệ của chúng ta với các tín hữu Kitô Giáo khác. Tôi hy vọng rằng giờ đây chúng ta đã sẵn sàng.

Thẩm Quyền Đối Với Các Giám Mục

Một điều tiên quyết trong chương trình nghị sự của Công Đồng Vatican II là làm sáng tỏ vai trò của các giám mục. Công Đồng Vatican I đã tuyên bố tính cách tối cao và tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng, nhưng công đồng này không thể hoàn tất việc bàn thảo về các giám mục vì cuộc chiến Pháp-Phổ đã buộc công đồng phải chấm dứt cách vội vã. Đây là một lý do tại sao sự hiểu biết về thẩm quyền đức giáo hoàng dường như bị người Công Giáo thổi phồng quá đáng: Vì không có sự hiểu biết nào về thẩm quyền chức giám mục để quân bình lại sự tương quan này. Công Đồng Vatican II cần đặt lại sự tương quan một cách đúng đắn.

Trong khi tái xác định giáo huấn của Công Đồng Vatican I về quyền tối cao và tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng, Lumen Gentium đưa ra ý niệm về tập đoàn tính. Các giám mục tạo thành một nhóm kiên định hoặc một tập đoàn. Tập đoàn giám mục này là sự tiếp nối với mười hai tông đồ mà Đức Giêsu đã sai đi rao giảng Tin Mừng. Sự tiếp nối này còn được gọi là sự kế thừa các tông đồ. Đức giáo hoàng là một giám mục anh em, người đứng đầu tập đoàn này. Chức giáo hoàng được thừa hưởng từ Thánh Phêrô, là người mà Đức Giêsu đã chọn đứng đầu các tông đồ. Hiện nay có các cuộc tranh luận thần học bàn về chức giáo hoàng, liệu rằng chức vụ này phải luôn luôn đi đôi với tập đoàn giám mục hay cũng có thể, trong một ý nghĩa nào đó, hành xử cách độc lập. Tuy nhiên, những người diễn dịch văn kiện Lumen Gentium đồng ý rằng văn kiện này nhấn mạnh đến cả hai, vừa thẩm quyền tông đồ của các giám mục và vừa quyền tối cao của đức giáo hoàng.

Ngày nay "tập đoàn tính" hành xử với hai ý nghĩa. Trong nghĩa hẹp, chữ này có nghĩa là chia sẻ quyền bính giữa các giám mục và đức giáo hoàng như được chi tiết hóa trong Lumen Gentium. Trong nghĩa rộng, "tập đoàn tính" ám chỉ một chiều hướng tổng quát trong giáo hội hướng đến việc chia sẻ quyền bính trên mọi lãnh vực.

Kiểu cách của các lá thư mục vụ về hòa bình và về công bằng kinh tế mà các giám mục Hoa Kỳ mới viết trong những năm gần đây phản ánh ý nghĩa thứ hai của "tập đoàn tính." Các giám mục thành lập một ủy ban soạn thảo mà ủy ban này phỏng vấn nhiều nhà chuyên môn. Bản dự thảo đầu tiên được phân phối rộng rãi trong các giáo phận và trường đại học để xin ý kiến các người Công Giáo cũng như bất cứ ai lưu tâm. Bản dự thảo thứ hai được hình thành để đáp ứng với các đề nghị và phê bình. Bản thứ hai cũng được phổ biến như bản thứ nhất. Sau khi được sửa đổi, bản sau cùng được đưa lên các giám mục phê chuẩn. Nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ nghĩ rằng tinh thần tập đoàn phản ánh trong tiến trình này phải trở nên một khuôn mẫu cho cách hành xử quyền bính trong toàn thể giáo hội.

Tập đoàn tính thì khác với dân chủ tính và quân chủ tính. Một ông vua độc đoán có thể hỏi ý kiến người khác nhưng không buộc phải nghe theo ý kiến ấy. Trong chế độ dân chủ đại nghị, tiếng nói của dân là tiếng nói sau cùng, và bất cứ đại biểu nào không phản ảnh ý muốn của đa số thì đều có thể bị bỏ phiếu cách chức. Trong tập đoàn tính của Công Giáo, vị đứng đầu một tập đoàn hay tập thể nắm quyền phải chịu trách nhiệm sau cùng về những gì họ đã quyết định, nhưng được cho rằng họ đã tham khảo ý kiến người khác để những gì được bày tỏ thì không còn là ý kiến cá nhân nhưng là đức tin của giáo hội. Khi một vị lãnh đạo được bảo rằng họ không hành động theo phương cách tập đoàn, điều đó có nghĩa họ không tôn trọng ý kiến của người khác.

Giám Mục như Tư Tế, Ngôn Sứ, Vua

Chương Dân Chúa của Lumen Gentium công bố rằng mọi Kitô Hữu được dự phần trong ba sứ vụ của Đức Kitô là Tư Tế, Ngôn Sứ, và Vua. Phương cách đặc biệt mà các giám mục dự phần trong sứ vụ này thì qua việc thánh hóa, giảng dạy và lãnh đạo. Như Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, thì vị giám mục cũng thay thế Đức Kitô trong giáo phận và có trách nhiệm ban phát Thánh Thể và các bí tích khác. Như Đức Giêsu giảng dạy trong các dụ ngôn và rao giảng về sự ngự đến của nước trời, thì vị giám mục cũng có trách nhiệm giảng dạy và rao giảng phúc âm. Như Đức Giêsu hướng dẫn các môn đệ và hình thành một cộng đoàn để tiếp tục cho đến ngày nay, thì vị giám mục cũng có trách nhiệm là người lãnh đạo chính thức của giáo phận.

Thừa Tác Vụ của Giám Mục

Tư Tế ===> thánh hóa, ban bí tích
Ngôn Sứ ===> giảng dậy, loan truyền tin mừng phúc âm
Vua ====> cai quản, hướng dẫn
Cùng với đức giáo hoàng là đầu, tập đoàn giám mục có thẩm quyền trên toàn thể giáo hội Công Giáo. Khi các giám mục được đề cập đến một cách đặc biệt về quyền giảng dạy của họ, cũng cùng với đức giáo hoàng, các ngài được coi là huấn quyền (magisterium). Như vậy, huấn quyền là thẩm quyền được hành xử bởi những người có trách nhiệm giảng dạy chính thức của giáo hội. Hình thức phát biểu cao nhất của huấn quyền là các tuyên bố ex cathedra (từ ngai tòa) của đức giáo hoàng và các xác định chính thức của các công đồng chung. Huấn quyền cũng được thấy trong các trường hợp sau: Khi có sự thoả thuận chung của các giám mục ngay cả khi các ngài không tụ họp trong công đồng; trong các giáo huấn của công đồng biểu trưng cho các giám mục; và trong các văn kiện của các văn phòng Tòa Thánh sau khi được đức giáo hoàng phê chuẩn.

Đứng riêng rẽ, vị giám mục là đầu của một giáo phận. (Vị tổng giám mục là đầu của một tổng giáo phận, được coi như trung tâm cho các giáo phận trong vùng). Không một giám mục nào (ngoại trừ đức giáo hoàng) có thẩm quyền trên toàn thể giáo hội hoặc trên bất cứ giáo phận nào khác với giáo phận của chính ngài. Tuy nhiên, vị giám mục có toàn quyền trong giáo phận của ngài. Thẩm quyền này thì thích hợp với chức vụ là một người kế vị các tông đồ, và bởi thế vị giám mục không chỉ là người đại diện cho đức giáo hoàng.

Thẩm Quyền Đối Với Đức Giáo Hoàng

Quyền tối cao của đức giáo hoàng có nghĩa, vì chức vụ của ngài, đức giáo hoàng là đầu của giáo hội. Trong lịch sử giáo hội, đã có sự tranh luận rằng, không lẽ một công đồng đại kết đại diện cho toàn thể giám mục cũng không tạo thành thẩm quyền tối cao của giáo hội hay sao. Trong Công Giáo La Mã, vấn đề này đã được ổn định với đặc ân dành cho đức giáo hoàng. Để bênh vực cho lập trường này, người ta thường đưa ra đoạn Kinh Thánh mà trong đó Đức Giêsu chọn Thánh Phêrô đứng đầu mười hai tông đồ, cũng như truyền thống lâu đời và phức tạp của vai trò lãnh đạo của vị giám mục ở Rôma. Một trong những mục đích chính của chức vụ giáo hoàng là để hành xử như nguồn hợp nhất của mọi Kitô Hữu; không may, thật cay đắng, đối với nhiều người Tin Lành, giáo triều lại là một trở ngại lớn cho sự hợp nhất.

Các thần học gia đương thời không đồng ý về mức độ sâu rộng mà một giáo hoàng buộc phải hỏi ý kiến của các giám mục và của toàn thể giáo dân khi ngài quyết định, nhưng văn kiện Lumen Gentium nói rõ rằng đức giáo hoàng không phải là một nhà độc tài không bị giới hạn về thẩm quyền. Thí dụ, học thuyết về tính bất khả ngộ. Nói rằng đức giáo hoàng bất khả ngộ điều đó không có nghĩa đức giáo hoàng không bao giờ sai lầm trên phương diện cá nhân. Tính bất khả ngộ chỉ đề cập đến khả năng chính thức của đức giáo hoàng để khẳng định một giáo huấn là chân lý và như vậy, đối với người tín hữu Công Giáo, vấn đề coi như đã ổn định. Trên thực tế, rất ít giáo huấn được một vị giáo hoàng chính thức xác định là không thể sai lầm.

Ơn bất khả ngộ của giáo hội được dùng như một dụng cụ khi đức tin của các tín hữu cần sự hỗ trợ đặc biệt hay khi các điều tin tưởng sai lầm đang làm nguy hại đến giáo huấn căn bản của giáo hội. Ai sẽ là người quyết định về các vấn đề khẩn trương đang đe dọa sự hiệp nhất của giáo hội? Người Công Giáo nói rằng, chính đức giáo hoàng là người có thẩm quyền chính thức, dựa trên nền tảng Kinh Thánh, để quyết định những vấn đề như vậy. Một cách căn bản, tất cả những gì về tính bất khả ngộ thì chỉ có thế.

Khi Lumen Gentium nhấn mạnh rằng các xác định không thể sai lầm của đức giáo hoàng thì đúng sự thật vì đức giáo hoàng đã nói như vậy, chứ không phải vì sự chấp thuận của những người khác, điều đó có nghĩa, chính chức vụ của đức giáo hoàng là thẩm quyền tối cao của giáo hội Công Giáo. Nếu bởi giáo luật, đức giáo hoàng cần có sự phê chuẩn của người khác thì những người ấy sẽ tạo thành một thẩm quyền cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa sự tán thành của người khác thì hoàn toàn bị coi thường.

Cha Francis Sullivan, S.J., một chuyên gia về cơ cấu thẩm quyền trong giáo hội, đã đưa ra một giải thích về vấn đề này trong cuốn Magisterium của ngài. Giả như ngày mai, đức giáo hoàng xuất hiện với một công bố về đức tin mà ngài cho là không thể sai lầm, nhưng phần lớn người Công Giáo trên toàn thế giới đều tẩy chay. Liệu văn kiện Lumen Gentium có nói rằng đức giáo hoàng thì đúng và những người bất đồng ý phải thay đổi ý kiến hay không? Cha Sullivan cho rằng hai trường hợp có thể xảy ra.

Trường hợp thứ nhất là đức giáo hoàng đúng và như thế các giáo dân phải thay đổi lập trường để hài hòa với ngài. Cha Sullivan đưa ra một thí dụ mà phải mất đến năm mươi năm thì giáo huấn của công đồng Nicea--trong đó nói rằng Đức Giêsu "làm một với Đức Chúa Cha"--mới được mọi người chấp nhận như một phương cách để chống với lạc giáo Arian là những người từ chối thiên tính của Đức Kitô. Như thế, nếu ngày nay người ta chấp nhận giá trị của công đồng Nicea thì người ta cũng phải chấp nhận điều có thể xảy ra là vị lãnh đạo giáo hội thì đúng trong khi phần lớn giáo dân thì sai.

Trường hợp thứ hai là rất có thể đức giáo hoàng thì sai, không phải vì ngài cần sự tán đồng của người khác, nhưng vì khinh suất trong tiến trình đi đến quyết định. Có một vài điều kiện được coi như hạn chế khả năng chính thức của đức giáo hoàng khi khẳng định một điều không thể sai lầm. Đức giáo hoàng phải phát biểu ex cathedra, đó là, với tư cách vị thủ lãnh chính thức của giáo hội. Ngài rõ ràng không phải là lạc giáo hay ly giáo; ngài phải có tâm trí lành mạnh và không bị ép buộc. Ngài phải xác định một vấn đề đức tin và luân lý cần thiết cho ơn cứu độ, và như thế hoặc đó là một phần trong những mặc khải của Thiên Chúa hoặc là một giáo huấn cần thiết để giải thích hoặc bảo vệ mặc khải. Cha Sullivan cũng đề cập đến các điều kiện buộc đức giáo hoàng phải quan tâm đến đức tin của giáo hội, tuy rằng các điều kiện ấy không định rõ là đức giáo hoàng phải thi hành điều này như thế nào. Như vậy, rất có thể là nếu phần đông tín hữu tẩy chay một giáo huấn mà đức giáo hoàng cho là bất khả ngộ, thì tiến trình phải xảy ra là xét xem đức giáo hoàng ấy có lạc giáo hay không, có lành mạnh không, có bị ép buộc không, hoặc có lưu ý đầy đủ đến đức tin của giáo hội hay không. Tuy nhiên, khi một giáo huấn được xác định là đúng, về phương diện kỹ thuật nó coi như được xác định bởi đức giáo hoàng, giáo huấn ấy không cần được giáo dân thị thực như thể họ tạo thành một thẩm quyền cao hơn.

Lumen Gentium chống với những nhận định quá đáng về tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng không chỉ qua việc nói lên các giới hạn nhưng còn đưa đặc tính ấy vào khung cảnh bất khả ngộ của toàn thể giáo hội. Đặc tính bất khả ngộ trước hết thuộc về giáo hội. Nó được thể hiện trong nhiều phương cách khác nhau, qua đức giáo hoàng, qua các giám mục và qua toàn thể người tín hữu. Bởi đó, Lumen Gentium nói rằng các giám mục giảng dạy không thể sai lầm khi "các ngài đồng ý về một lập trường cần được bày tỏ dứt khoát" (LG, 25). Điều này thật hiển nhiên khi các giám mục tụ họp trong một công đồng chung. Văn kiện cũng nói là "toàn thể người tín hữu, được xức dầu bởi Đấng Thánh, cũng không thể sai lầm trong vấn đề đức tin" (L G, 12). Đặc tính này của thành phần dân Chúa được gọi là sensus fidei hoặc "cảm thức đức tin."

Tính bất khả ngộ là một đặc tính quan trọng của giáo hội cũng như một phương tiện hữu dụng nhằm giúp giáo hội duy trì sự toàn vẹn của các giáo huấn căn bản. Tuy nhiên, nó cũng là một nguồn xáo trộn cho những người Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo. Nhiều thần học gia Công Giáo đồng tâm nhất trí với giáo thuyết bất khả ngộ thì họ ao ước rằng phải chi đặc tính ấy được gọi khác đi. Với dân chúng trong thời đại chúng ta, "bất khả ngộ" dường như ám chỉ sự kiêu ngạo. Sự thật thì tính bất ngộ liên hệ đến điều tin tưởng của người Công Giáo, đó là giáo hội thì không thể sai sót một khi còn được Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Tính bất khả ngộ không đảm bảo rằng giáo hội sẽ không bao giờ lầm lỗi. Đúng hơn, tính bất khả ngộ đảm bảo chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta về những vấn đề căn bản liên hệ đến căn tính của chúng ta.

Hai Tranh Luận Mới Đây

Thẩm quyền của đức giám mục trong chính giáo phận của mình đã trở thành một đề tài được nhiều người biết đến trong trường hợp của Đức GM Raymond Hunthausen, xảy ra vào tháng Mười 1986 ở tổng giáo phận Seattle. Trường hợp của ngài cho thấy trong giáo hội cũng nhiều sự phức tạp chính trị. Đức Hunthausen bị Tòa Thánh chỉ trích vì lập trường phóng khoáng của ngài trong nhiều vấn đề, kể cả việc cho phép những điều không theo quy tắc phụng vụ tỉ như ban phép xá giải chung mà cá nhân không phải xưng tội riêng vì thiếu linh mục, được rước lễ lần đầu trước khi xưng tội lần đầu, và cử hành một Thánh Lễ trong vương cung thánh đường cho tổ chức Dignity, một tổ chức người Công Giáo đồng tính luyến ái. Đức tổng giám mục còn nổi tiếng về việc từ chối không chịu nộp thuế cho chính phủ để phản đối chương trình vũ khí hạch tâm, nhưng Tòa Thánh nói rằng đây không phải lý do mà Vatican hành động.

Phản ứng của Vatican đối với hoàn cảnh này là bổ nhiệm một đức giám mục phụ tá, Đức Donald Wuerl, là người được giao cho các trách nhiệm sau: việc phụng vụ, dậy bảo luân lý về các vấn đề liên hệ đến tính dục, việc rèn luyện các linh mục, và một toà án của tổng giáo phận về vấn đề tiêu hôn. Điểm được nêu ra ở đây là Đức GM Hunthausen đã có thể phản đối mệnh lệnh của đức giáo hoàng vì đức giám mục phải từ bỏ quyền hành thuộc về chức vụ của ngài. Vì tôn trọng đức giáo hoàng, Đức GM Hunthausen không phản đối quyết định này, một khi ngài vẫn là tổng giám mục của Seattle. Dĩ nhiên, nếu đức giáo hoàng muốn, ngài có thể thuyên chuyển Đức GM Hunthausen đến Nam Cực. Sự căng thẳng là giữa thẩm quyền của đức giám mục trong chính giáo phận của mình và bổn phận phải phục tùng quyền bính của đức giáo hoàng; Đức Hunthausen coi phần thứ hai thì quan trọng hơn. Sau những phản đối của giáo dân Seattle và sự điều đình của vài vị giám mục Hoa Kỳ với Rôma, Đức GM Hunthausen được phục hồi thẩm quyền một cách trọn vẹn vào tháng Sáu 1987.

Một tương tranh khác nói lên tính cách phức tạp chính trị của cơ cấu giáo hội đã xảy ra vào tháng Giêng 1989, khi 163 thần học gia người Đức cho công bố bản Tuyên Ngôn Cologne. Trong những người ký tên, có cả các khuôn mặt nổi tiếng như Bernard Haring, Heinrich Fries, Hans Kung, Johann Baptist Metz, và Edward Schillebeeckx. Các thần học gia than phiền là ở những nơi như Cologne và Salzburg, đức giáo hoàng bổ nhiệm các giám mục theo một kiểu cách không giống như truyền thống của bao thế kỷ là các giáo phận đưa ra một vài ứng viên mà trong số đó đức giáo hoàng sẽ chọn lấy một người. Thay vào đó, đức giáo hoàng đã "đơn phương lấp đầy các ngai tòa còn trống trên khắp thế giới mà không đếm xỉa đến các đề nghị của giáo hội địa phương và không tôn trọng quyền bính của các giám mục." Cũng trong bản tuyên ngôn này, các thần học gia than phiền về việc không cho phép một thần học gia được giảng dạy tại một đại học chính thức của Công Giáo một khi lập trường của vị này khác với lập trường của Vatican, tỉ như về vấn đề ngừa thai, và điều than phiền khác là khuynh hướng thổi phồng quyền bính của đức giáo hoàng một cách tổng quát. Vì chủ đề của bài viết, chúng ta chỉ chú ý đến hai điểm nổi bật của biến cố này, đó là thẩm quyền tối cao của đức giáo hoàng cũng như sự mong đợi rằng đức giáo hoàng sẽ hành động theo phương cách tập đoàn. Mặc dù Công Đồng Vatican II đã làm sáng tỏ nhiều điểm liên hệ đến sự tương giao giữa đức giáo hoàng và các giám mục, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Nói cho đúng, đức giáo hoàng buộc phải có điều gì để được coi là ngài đã hành động theo phương cách tập đoàn?

Sự Khiêm Tốn và Phục Vụ

Giữa những tranh luận có từ bao thế kỷ về người nắm quyền và mức độ thẩm quyền, còn có một phong trào đặc biệt phát sinh từ Công Đồng Vatican II chú trọng đến sự liên hệ giữa các vị lãnh đạo và sự phục vụ trong giáo hội. Đức Giêsu nói ai muốn là người lớn nhất phải trở nên bé nhất. Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly. Đức Giêsu nói Người đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ. Người hy sinh mạng sống để người khác được sống. Lumen Gentium nói rằng "Cũng như Đức Kitô thi hành công việc cứu chuộc trong sự nghèo nàn và sự bách hại, thì giáo hội cũng được mời gọi đi theo cùng một con đường để có thể chia sẻ kết quả của ơn cứu độ" (LG 8). Đặc biệt về các giám mục, văn kiện nói rằng trong việc sử dụng quyền bính của mình, các giám mục cần nhớ rằng "người lớn hơn phải trở nên người kém hơn và ai là đầu thì phải trở nên như người tôi tớ."

Trong các thế kỷ đầu của giáo hội, các giám mục thực sự hoạt động như các thừa tác viên mục vụ, cung ứng sự lãnh đạo tinh thần cho giáo hội của mình. Qua sự phát triển, giáo hội trở nên rộng lớn và phức tạp, các giám mục dần dà trở nên các người quản lý hơn là thừa tác viên. Một giám mục ngày nay có thể sánh với một ông giám đốc của công ty to lớn chứ không còn là một linh mục làm việc trực tiếp với giáo dân. Vì vấn đề đó, một số linh mục ngày nay than phiền rằng họ đi tu làm linh mục là để hoạt động với giáo dân mà bây giờ công việc của họ ngày càng giống như người quản lý.

Trong những năm gần đây, đức giáo hoàng và các giám mục đi theo chiều hướng của một kiểu cách đơn giản hơn. Đức giáo hoàng được nhậm chức thay vì được tôn vương; việc hôn nhẫn của ngài là một nhiệm ý; ngài không còn ngồi trên kiệu có bốn người khiêng trong các nghi lễ. Đức Gioan Phaolô II có thói quen hôn đất của quốc gia ngài thăm viếng khi mới bước xuống máy bay. Chiều hướng căn bản này có thể nhận thấy nơi kiểu cách của các giám mục. Các giám mục đi làm bằng xe buýt quả thật là một ngoại lệ đáng kể, nhưng các giám mục nào vẫn còn tự coi mình như vua chúa thì đó cũng là một biệt lệ. Việc coi các vị lãnh đạo giáo hội như vua chúa có nguồn gốc cao thượng trong một tôn giáo mà sự đối xử ấy tiêu biểu cho vương vị của Đức Kitô. Tuy nhiên, tinh thần Cải Cách mà người Công Giáo cố gắng lắng nghe một cách nghiêm trọng cho thấy sự nguy hiểm của tính cách tiêu biểu này khi đưa con người lên ngang hàng với Thiên Chúa. Không ai chối cãi rằng các giám mục ngày nay không ngừng giữ vai trò mục vụ quan trọng trong giáo phận, và người ta phải công nhận là các giám mục ngày nay đã đi xa hơn vai trò quản lý để trực tiếp phục vụ giáo dân. Một gương mẫu tuyệt vời là cố Hồng Y John O'Connor của Nữu Ước, ngài đã tận tụy hoạt động cho những người bị bệnh AIDS.

Vai trò của một giám mục thì đầy những khó khăn của quyền bính và sự phục vụ. Lumen Gentium đã trích lời Thánh Augustine như sau:

Tôi là gì cho anh em thì đó là điều làm tôi khiếp sợ; tôi là gì với anh em thì đó là điều an ủi cho tôi. Cho anh em, tôi là một giám mục; nhưng với anh em tôi là một Kitô Hữu. Giám mục là một nhiệm vụ; Kitô Hữu là một ơn sủng. Giám mục là một sự nguy hiểm; Kitô Hữu, sự cứu độ. (LG, 32).

Các giám mục là con người và là Kitô Hữu. Chức vụ của họ là điều nguy hiểm vì khiến họ xa cách giáo dân. Tuy nhiên qua chức vụ đó, các giám mục được mời gọi để lấp đầy khoảng trống ấy bằng một tinh thần khiêm tốn, họ đem lại một cơ cấu thẩm quyền và có tính cách liên tục nhằm liên kết đức tin và sự sống đạo của người Công Giáo ngày nay với sứ vụ của Đức Giêsu Kitô.

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa khảo sát tính cách tập thể và thẩm quyền của các giám mục, quyền tối thượng và tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng, một số tương tranh nhằm nói lên sự phức tạp của nội bộ giáo hội, và khuynh hướng mới nhấn mạnh đến sự khiêm tốn và phục vụ. Người Công Giáo thường cảm thấy một giám mục thì cao hơn một linh mục. Theo một quan điểm có hệ thống, các giám mục là những vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo, họ kế vị các tông đồ và chịu trách nhiệm giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo.

Trong chương tới, chúng ta sẽ chú ý đến chức linh mục.

Câu Hỏi Suy Tư

Khi nhìn về phẩm trật Công Giáo ngày nay, bạn có hình ảnh gì?
Bạn thích Giáo Hội Công Giáo có tính cách tập thể hơn hay dân chủ hơn?
Bạn nghĩ đa số dân chúng hiểu thế nào về tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng? Sự hiểu biết phổ thông ấy có liên quan gì với các kiến thức trong chương này?
Bạn nghĩ các tranh chấp trong hàng giáo phẩm Công Giáo là điều tự nhiên phải xảy ra trong một tổ chức quá lớn hay bạn cho đó là một vết mờ đối với tin mừng của Đức Kitô?
Bạn có cho đó là điều quan trọng về phương diện cá nhân khi các giám mục ngày càng theo đuổi một kiểu cách đơn giản hơn?
Chương 11: Các Linh Mục

Tôi có một kỷ niệm khó quên trong những tuần đầu tiên theo chương trình cao học tại Đại Học Công Giáo ở Hoa Thịnh Đốn vào cuối thập niên 1970. Các giáo sư của tôi, nhiều người là linh mục, muốn được gọi bằng tên. Vào lúc ấy, tôi khó có thể gọi một linh mục bằng bất cứ tên nào khác, ngoại trừ tên "Cha." Nhưng sau đó không lâu, tôi đã quen đi.

Vấn đề xưng hô lại xảy đến với tôi trong tuần lễ đầu tiên khi tôi gọi tên một sinh viên cùng lớp, là linh mục cùng quê với tôi ở Philadelphia. Vị linh mục này gắt gỏng trả lời: "Trong lớp giáo lý họ không dạy anh phải gọi một linh mục là 'Cha' hay sao?" Thật bối rối, tôi ấp úng xin lỗi. Tuy nhiên, có hai linh mục khác đứng đấy và một vị thông cảm với trường hợp của tôi. Ngài lý luận rằng, ở giáo xứ giáo dân phải xưng hô với linh mục một cách chính thức, nhưng trường hợp chúng tôi là sinh viên với nhau thì mọi người đều ngang hàng. Vị linh mục thứ ba cũng đồng ý. Vị linh mục ở Philadelphia hậm hực im lặng. Vấn đề vẫn không được ổn thoả. Sau đó, mỗi khi gặp vị linh mục ở Philadelphia thì tôi đều gọi là "Cha", dù rằng giọng nói của tôi không được tự nhiên. Từ đó trở đi, không bao giờ chúng tôi thực sự nói chuyện với nhau.

Trong những năm trước thời Công Đồng Vatican II, không hồ nghi gì rằng các linh mục được coi cao trọng hơn giáo dân rất nhiều. Chưa kể đời sống bình thường của một linh mục đã quá khó khăn, các linh mục còn phải học hỏi nhiều, và được huấn luyện về tu đức. Hơn thế nữa, họ có trách nhiệm giúp Đức Kitô hiện diện giữa cộng đoàn qua Thánh Lễ. Trong lứa tuổi thanh niên, gia đình tôi và trường Công Giáo dạy tôi rằng ơn gọi cao nhất đối với các thanh niên là đi tu làm linh mục. Các thanh niên Công Giáo thông minh và tốt lành đều ước ao trở thành linh mục.

Sau Công Đồng Vatican II, vì nhiều lý do, vị thế của các linh mục trong cộng đồng Công Giáo đã thay đổi. Gọi sự thay đổi này là "tụt dốc" có lẽ không chính xác. Những ai còn gắn bó với quan điểm tôn trọng linh mục như trước thời Công Đồng Vatican II thì có thể coi sự thay đổi này là tụt dốc, nhưng khi đọc kỹ lại các văn kiện của Công Đồng Vatican II cũng như các văn bản bây giờ chúng ta thấy một hoàn cảnh rất phức tạp. Tuy nhiên, rõ ràng là có sự sút giảm đột ngột về số người đi tu làm linh mục.

Trong Chương Này

Trong chương này, đầu tiên chúng ta sẽ thảo luận về sự khó khăn hiện nay về hình ảnh của chức linh mục, sau đó là ý nghĩa của chức linh mục như đã được Công Đồng Vatican II đề ra, và sau cùng tình trạng thiếu hụt linh mục cũng như các giải pháp đề nghị. Hai văn kiện của Công Đồng Vatican II có liên hệ là: Sắc Lệnh về Huấn Luyện Linh Mục và Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục. Một thắc mắc có liên can là việc phong chức phụ nữ, sẽ được đề cập trong chương 27.

Những Khó Khăn Về Hình Ảnh Chức Linh Mục

Nhà thần học đương thời là Lawrence Cunningham nói về giai đoạn hậu Công Đồng Vatican II rằng: "Trước đây đã có một hình ảnh rõ ràng về đạo Công Giáo và những gì mong đợi; ngày nay chúng ta lại phải lần mò tìm lại hình ảnh đó, nhưng chưa có thể nói rõ đó là hình ảnh gì." Có lẽ điều này rất đúng với chức linh mục. Trong thập niên 1950, người Công Giáo biết rõ thế nào là một linh mục: ban phát các bí tích, truyền phép bánh thánh, người linh hướng đại diện cho giáo hội, một người thánh thiện tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.

Trong giai đoạn hậu Công Đồng Vatican II các linh mục phải chịu thiệt thòi vì vấn đề hình ảnh của chức linh mục. Không hiểu đó có phải vì nhận thức của một thời đại đặt nặng tình dục nên coi sự độc thân là khác thường, vì sự di chuyển lớn lao số nam giới trong thập niên 1960 và 1970, vì công luận thổi phồng quá đáng những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, vì chức linh mục không bao gồm các phụ nữ, vì tin đồn rằng phần lớn các linh mục là người đồng tính luyến ái, hoặc vì phim ảnh và truyền hình thường miêu tả các tu sĩ là những người khờ khạo, lệch lạc, hay thèm khát tình dục, nên hình ảnh của chức linh mục không còn giống như xưa.

Tôi thường nghĩ rằng trong tương lai người ta sẽ coi vấn đề hình ảnh linh mục là một sản phẩm của giai đoạn chuyển đổi tạm thời mà trong đó ý nghĩa của chức linh mục đã bị mất mát và chưa được thay thế bằng một ý nghĩa đầy đủ hơn đã được Công Đồng Vatican II đề cập đến. Hiện đã có những dấu hiệu trong truyền thông, tỉ như nhân vật Cha Murphy của thập niên 1980 có nhiều đức tính hơn Cha Mulcahey dễ tin trong bộ phim M*A*S*H. Các cuốn phim như The Mission và cuốn Romero rõ ràng đã trưng ra chức linh mục và giám mục như phản ánh một phẩm giá không liên hệ gì đến địa vị xã hội, nhưng có liên hệ đến việc phục vụ người nghèo. Một số linh mục nói với tôi rằng, giờ đây họ cảm thấy như thoát khỏi bầu khí huyền bí của quá khứ và ngày càng dễ dàng hơn trong việc giao tiếp với Kitô hữu trong một phương cách thực sự mục vụ.

Công Đồng Vatican II đã làm đảo lộn quan niệm cổ truyền về chức linh mục trong một vài phương cách. Đầu tiên, trong văn kiện Lumen Gentium, chức giám mục đã được nhấn mạnh quá đáng đến nỗi các linh mục chỉ còn là "người phụ giúp các giám mục", ít có nét đặc trưng. Mặc dù Công Đồng Vatican II cũng đã công bố một văn kiện xác nhận tầm quan trọng của các linh mục, đó là Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục, nhưng văn kiện này chưa ảnh hưởng trọn vẹn đến giáo hội nói chung.

Thứ hai, Công Đồng Vatican II có khuynh hướng tương đối hóa chức linh mục bằng cách đưa chức vụ này vào một khung cảnh mà trong đó nhấn mạnh đến thừa tác vụ của mọi Kitô Hữu qua việc dự phần vào chức tư tế của Đức Kitô. Văn kiện Lumen Gentium nhấn mạnh rằng chức linh mục thì hiển nhiên khác với chức tư tế chung của người tín hữu, nhưng bản chất tự nhiên của sự khác biệt này không được đề cập đến một cách rõ ràng. Sau cùng, vai trò của chức linh mục càng được coi giống với vai trò của giáo dân hơn trước.

Ý Nghĩa Chức Linh Mục trong Công Đồng Vatican II

Trong một công trình đáng kể, thần học gia Kenan Osborne đã truy tìm lịch sử của chức linh mục Công Giáo từ xa xưa cho đến giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Trong các văn kiện của công đồng này, Osborne tìm thấy một quan điểm mạch lạc và uyên thâm có thể vừa làm sống lại việc quý trọng chức linh mục và vừa thúc đẩy tiến trình đại kết. Osborne thấy ý niệm về chức linh mục trong giai đoạn Phản Cải Cách (thời gian 400 năm từ Công Đồng Trentô cho đến Công Đồng Vatican II) được tiếp tục và biến đổi trong một quan điểm rộng lớn hơn. Quan điểm này được phát sinh là nhờ Công Đồng Vatican II hội nhập các viễn ảnh mới về phúc âm và lịch sử qua công trình nghiên cứu của các học giả. Osborne thận trọng nhấn mạnh rằng quan điểm mới này không trái ngược với quan điểm cũ, nhưng đúng hơn nó bao gồm quan điểm cũ trong một hiểu biết đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thận trọng này, Osborne nói rõ về các khuyết điểm của ý niệm chức linh mục trong thời Phản Cải Cách. Khuyết điểm chính yếu là khi liên kết định nghĩa "linh mục" với độc quyền thánh hiến Mình Thánh. Osborne cho rằng định nghĩa này thì hạn hẹp và đơn phương. Nó đã củng cố cho một ý niệm về linh mục quá độc lập, có tính cách cá nhân, và thuộc về thế giới bên kia. Linh mục được tách khỏi người thường. Qua việc truyền chức, linh mục được nghĩ là người sở hữu thẩm quyền và đặc tính của chức linh mục, thay vì hành xử một chức vụ mà trước hết nó thuộc về cộng đồng giáo hội. Vai trò của linh mục là đọc kinh Nhật Tụng và ban phát bí tích, chứ không dính dáng đến những sự kiện nhất thời, hão huyền của thế giới đời này.

Osborne kể ra một vài phát triển đáng kể về ý nghĩa chức linh mục trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II. Công đồng đã đặt nguồn gốc thừa tác vụ linh mục trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu là ngôn sứ, tư tế, và vua, chứ không chỉ trong thẩm quyền thánh hiến Mình Thánh. Từ đó, có một nhấn mạnh mới về nhiệm vụ của linh mục là rao giảng Phúc Âm. Có một nhấn mạnh tương xứng về vai trò phục vụ của linh mục là lãnh đạo cộng đồng. Vai trò chủ tế của linh mục trong phụng vụ vẫn rõ rệt, nhưng được nằm trong khung cảnh của các vai trò ngôn sứ và vương đế. Chức linh mục được trình bày trong một phương cách có liên hệ nhiều hơn với các thừa tác vụ khác trong giáo hội, và do đó ít tách biệt hơn. Chức linh mục có liên hệ nhiều với cơ cấu của giáo hội, do đó sẽ ít đi tính cách cá nhân hoặc ít đặc biệt hơn. Chức linh mục có liên hệ nhiều với cộng đồng, do đó sẽ bớt thuộc về thế giới bên kia.

Trong khi trước thời Công Đồng Vatican II, các linh mục "làm lễ" cho giáo đoàn, ngày nay các linh mục hướng dẫn giáo đoàn cử hành Thánh Lễ. Linh mục chủ trì giáo đoàn, mỗi một phần tử của cộng đồng dự phần một cách tích cực. Văn kiện Lumen Gentium đề cập đến phương cách mà giáo dân đem theo vào Thánh Lễ những hy sinh tinh thần của cuộc sống hàng ngày, mà những hy sinh ấy "thích hợp nhất để dâng lên Thiên Chúa khi cử hành bí tích Thánh Thể. Do đó, như những người ở khắp nơi thờ phượng trong một sinh hoạt linh thiêng, chính người tín hữu Kitô đã thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa" (LG, 34). Sự nhấn mạnh truyền thống về sự hiện diện thực của Đức Kitô trong bánh và rượu được bổ sung bằng một cái nhìn mới nhắm đến sự hiện diện của Đức Kitô trong toàn thể cộng đồng. Khi cử hành Thánh Lễ, có một nhấn mạnh mới đến chức tư tế của giáo dân, đến tầm quan trọng của cộng đồng, đến giá trị tinh thần của cuộc sống đời thường, đến việc rao giảng Ngôi Lời, và đến sự liên kết giữa Thánh Thể và công bằng xã hội. Hình ảnh của linh mục theo đó cũng biến đổi.

Sự thay đổi ý nghĩa này một phần được tiêu biểu bằng việc đưa bàn thờ tách xa khỏi bức tường và linh mục đối diện với giáo đoàn. Ngày nay, vị linh mục bớt đi tính cách trung gian giữa Thiên Chúa và giáo dân, và nhiều hơn tính cách đại diện của một dân tư tế đang cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô ở giữa họ.

Trong ngôn ngữ thực tế hơn, quan niệm về chức linh mục của Công Đồng Vatican II có liên hệ nhiều hơn với thừa tác vụ của Chúa Giêsu, có liên quan hơn với giáo dân, với căn bản linh đạo đặt nền tảng trên phúc âm, và với vấn đề công bằng của cộng đồng. Hy vọng rằng quan điểm mới về chức linh mục sẽ thu hút được nhiều người muốn làm linh mục.

Sự Thiếu Hụt Linh Mục

Dean Hoge, một nhà xã hội học Tin Lành ở Đại Học Công Giáo Mỹ Châu, từng nghiên cứu về vấn đề thiếu hụt linh mục và các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này. Trong khi số linh mục đến tuổi về hưu ngày càng tăng thì số chủng sinh ngày càng giảm. Như ông Hoge cho thấy, một số nhà lãnh đạo giáo hội coi vấn đề thiếu hụt linh mục như tiêu biểu cho sự khủng hoảng đức tin, do đó giải pháp cuối cùng là canh tân Kitô Giáo. Chính ông Hoge thì lại đưa ra một quan điểm khác: Vấn đề thực sự có tính cách tổ chức nhiều hơn để từ đó cần có những quyết định sáng suốt khi đương đầu với những thay đổi mau chóng của xã hội. Mặc dù ông Hoge không nhận thức rõ là người Công Giáo không muốn hoàn toàn tách biệt vấn đề đức tin với vấn đề tổ chức, nhưng con số thống kê cũng như những quan điểm mà ông đưa ra thì đáng được lưu tâm.

Ông Hoge đưa ra mười một lựa chọn dưới bốn loại căn bản. Ông dùng sự phân tích thống kê để biết xem ảnh hưởng đáng kể của mỗi một lựa chọn. Một số lựa chọn, tỉ như linh mục kết hôn hay phong chức cho phụ nữ, sẽ đề ra các khó khăn về thần học. Ông Hoge chỉ muốn đưa ra các dữ kiện về xã hội học. Sau đây là các lựa chọn của ông:

Giải Pháp của Hoge về sự Thiếu Hụt Linh Mục

Loại A: Giảm Bớt Nhu Cầu cho Các Linh Mục

1. Tổng hợp hoặc sắp xếp lại các giáo xứ, hoặc tái giáo dục người Công Giáo để họ đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự phục vụ của linh mục.
Loại B: Có Thêm Các Linh Mục, với Tiêu Chuẩn Hiện Hành

2. Tái bổ nhiệm hoặc tái phân phối các linh mục hiện có để vai trò lãnh đạo giáo xứ được hữu dụng hơn.
3. Lấy thêm linh mục từ các dòng tu.
4. Có thêm các linh mục từ nước ngoài.
5. Tuyển mộ thêm các chủng sinh.
Loại C: Có Thêm Các Linh Mục, với Tiêu Chuẩn Rộng Rãi Hơn

6. Tấn phong người có gia đình cũng như độc thân.
7. Phong chức cho phụ nữ.
8. Thiết lập một thời hạn phục vụ cho linh mục, hoặc thiết lập một vinh dự khi mãn nhiệm.
9. Dùng một số linh mục hồi hưu như các thừa tác viên bí tích.
Loại D: Nới Rộng Chức Phó Tế và Thừa Tác Vụ Giáo Dân

10. Mở rộng và phát triển chức phó tế vĩnh viễn.
11. Mở rộng và phát triển thừa tác vụ giáo dân.
Ông Hoge lý luận rằng, khi không thi hành gì cả thì điều đó có nghĩa điều 11 được chọn, đó là mở rộng thừa tác vụ giáo dân. Những lựa chọn trong loại D thì đã xảy ra. Theo sự tìm hiểu của ông Hoge, đây cũng là sự lựa chọn duy nhất trong những giới hạn hiện nay mà sẽ có ảnh hưởng nhiều đến vấn đề.

Sự lựa chọn khác trong loại D, mở rộng chức phó tế, thì cũng đã xảy ra, nhưng không trong ý định nhằm ảnh hưởng nhiều đến vấn đề thiếu hụt linh mục. Trong nhiều thế kỷ trước thời Công Đồng Vatican II, chức phó tế chỉ là tình trạng tạm thời trước khi tấn phong một linh mục. Công Đồng Vatican II đề nghị rằng chức phó tế vĩnh viễn, là một trong những thừa tác vụ chức thánh của giáo hội tiên khởi, phải được phục hồi và mở rộng cho các ông đã lập gia đình. Chức phó tế vĩnh viễn tái thiết lập ba thừa tác vụ chức thánh khác nhau là giám mục, linh mục và phó tế, như đã được thiết lập trong thế kỷ thứ hai và thứ ba. Nhiều giáo xứ ngày nay có một hoặc hai phó tế phụ giúp việc loan truyền phúc âm và phục vụ giáo xứ trong nhiều phương cách khác nhau. Ông Hoge cho rằng chức phó tế hiện nay chỉ hoạt động bán thời gian, bị giới hạn về phạm vi, không được xác định rõ ràng, và thiếu địa vị cần được công nhận để bù đắp cho sự thiếu hụt linh mục trong bất cứ phương cách nào được coi là chính yếu.

Dựa trên thống kê, ông Hoge cho rằng các lựa chọn của loại A hoặc B dường như không có ảnh hưởng đáng kể. Đó là vì phần lớn nguyên do của sự thiếu hụt linh mục bao gồm những thay đổi giá trị văn hóa liên hệ đến việc chọn lựa nghề nghiệp, hôn nhân, tình dục, và kiểu quyền lực. Giáo hội không ảnh hưởng nhiều đến những thay đổi này. Chỉ những chọn lựa trong loại C sẽ có ảnh hưởng lớn hoặc trung bình, tất cả những lựa chọn này sẽ bao gồm những thay đổi trầm trọng trong chính sách của giáo hội hiện nay.

Về các chọn lựa loại C, việc xử dụng các linh mục hồi hưu sẽ có ít ảnh hưởng. Giới hạn thời gian phục vụ sẽ có ảnh hưởng trung bình, nhưng sẽ phải từ bỏ sự hiểu biết truyền thống Công Giáo về đặc tính bí tích thường xuyên của chức linh mục như một ơn gọi suốt đời. Theo sự tiên đoán có tính cách thống kê của ông Hoge, việc tấn phong phụ nữ làm linh mục sẽ có ảnh hưởng giới hạn, tối thiểu từ lúc đầu. Ngày nay có nhiều lý do để hỗ trợ cũng như chống đối việc tấn phong phụ nữ, nhưng sự lựa chọn này sẽ đòi hỏi phải từ bỏ một truyền thống lâu dài của giáo hội Công Giáo.

Sự lựa chọn sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự thiếu hụt số linh mục và không phải thay đổi nhiều trong truyền thống là việc tấn phong những ông đã có gia đình. Ông Hoge tìm thấy rằng nếu sự độc thân là một tùy ý khi gia nhập chủng viện thì con số chủng sinh sẽ gia tăng gấp bốn. Mặc dù sự độc thân là một truyền thống lâu đời trong giáo hội Công Giáo, nó được coi là một vấn đề kỷ luật của giáo hội và không phải là điều kiện thiết yếu để loan truyền Tin Mừng.

Quan điểm của ông Hoge có tính cách xã hội thuần tuý. Chính ông cũng nói rõ là ông không muốn giải quyết vấn đề về phương diện thần học hay tín lý. Ông chỉ muốn cung ứng các dữ kiện nhằm giúp các nhà lãnh đạo giáo hội quyết định. Ông muốn đề cập đến vấn đề có tính cách tổ chức, chứ không phải vấn đề đức tin.

Tuy nhiên, như ông Philip Murnion đã vạch ra, đức tin Công Giáo không cho phép một tách biệt hoàn toàn giữa vấn đề đức tin và tổ chức. Vì với người Công Giáo, tổ chức giáo hội và căn bản đức tin có liên hệ mật thiết với nhau. Chính ông Hoge cũng đồng ý rằng bất cứ giải pháp nào cũng cần phải được duyệt xét, không về phương diện khả thi có tính cách thống kê, nhưng về sự hài hòa với quan điểm của Công Giáo.

Có nhiều lý lẽ muốn giữ điều kiện độc thân cho chức linh mục. Mặc dù sự độc thân thường được công nhận là một quy tắc của giáo hội, một số người cho rằng đó là một quy tắc tốt đẹp cần được duy trì. Hầu hết những người bảo vệ điều kiện độc thân lý luận tương tự như sau: Vì truyền thống Công Giáo cho rằng chính Chúa Giêsu sống độc thân và vì chức linh mục là một phương cách đặc biệt để theo Chúa, nên hy sinh sống độc thân là điều thích hợp. Một số đoạn Kinh Thánh có thể hỗ trợ cho điều này. Sự độc thân được coi như một dấu chỉ cho sự tận hiến trong việc xây dựng nước trời. Sự độc thân cho phép các linh mục không bị ràng buộc bởi những trách nhiệm gia đình. Với các linh mục ở giáo xứ, tình yêu đầu tiên của họ là tình yêu Thiên Chúa, và gia đình của họ là giáo xứ. Ngoài ra, độc thân còn được coi như một chứng từ rằng sinh hoạt tính dục, dù tốt đẹp và quan trọng, vẫn không phải là điều thiết yếu tuyệt đối như xã hội chủ trương. Thay đổi điều kiện độc thân sẽ không khác gì đầu hàng xã hội mà nó cần được thách đố qua chứng từ ấy.

Có nhiều lý lẽ bênh vực việc bãi bỏ điều kiện độc thân. Sau đây là những lý lẽ thông thường.

Thống kê cho thấy nhiều người Công Giáo đã sẵn sàng chấp nhận ý tưởng này. Một số thay đổi trong văn hóa về giá trị của tình dục là những thay đổi tốt đẹp; người ta không còn cho rằng linh mục phải tránh xa tình dục thì mới được coi là "thanh khiết." Dù rằng sự độc thân có thể được coi như một dấu chỉ của nước trời và là chứng từ đối với vấn đề tình dục, không có lý do gì lại không coi đó như một lựa chọn thay vì một bó buộc. Dù rằng Chúa Giêsu không lập gia đình, nhiều tông đồ là những người có vợ con. Để theo Chúa Giêsu, người ta có phải để râu dài hoặc phải trở nên người thợ mộc không? Ngoài ra, không lẽ các linh mục có gia đình lại không bén nhậy hơn với nhu cầu mục vụ của gia đình và của vợ chồng hay sao? Hơn thế nữa, không lẽ không thể nào vừa yêu Chúa đồng thời vừa yêu gia đình sao? Có gì xung khắc giữa việc yêu Chúa và yêu vợ? Sau cùng, không lẽ nhiệm vụ cung ứng thừa tác viên của giáo hội lại không nặng ký hơn điều kiện độc thân hay sao?

Đây là một vấn đề khó khăn với các lý lẽ mạnh mẽ của cả đôi bên. Điều không thể tránh khỏi là cuộc tranh luận về vấn đề như vậy sẽ đưa người ta đến việc duyệt xét lại những giả định về Thiên Chúa, truyền thống, văn hóa và giáo hội.

Một Phúc Lành Ẩn Giấu?

Ông Hoge nêu lên điểm là một số giáo dân coi sự thiết hụt linh mục như một cơ hội để tham dự và tiếp tay trong việc thay đổi đời sống giáo xứ. Những người này sẽ coi đó là một vấn đề tệ hại nếu hàng linh mục vẫn tiếp tục như một tập thể tinh thần ưu tú có khuynh hướng xa rời với các vấn nạn và khát vọng của một người bình thường. Ông Hoge đưa ra số thống kê chứng minh rằng người Công Giáo muốn trở nên tích cực hơn. Tôi cũng từng nghe nói rằng Chúa Thánh Thần gây nên sự thiếu hụt linh mục để người giáo dân trở nên tích cực.

Không phải ai ai cũng nghĩ như vậy. Hầu hết người Công Giáo đều ao ước có thêm linh mục. Có thể nói thêm rằng, sự gia tăng số linh mục ngày nay sẽ không nhất thiết làm giảm bớt số lượng hay phẩm chất các cơ hội để giáo dân tham gia vào sinh hoạt giáo xứ. Quan trọng hơn, khi số linh mục gia tăng, giáo dân sẽ rảnh rang trong công việc giáo xứ và như thế họ sẽ có thời giờ để sinh hoạt xã hội chính trị mà đó mới là sứ vụ của một Kitô Hữu. Hầu hết những người Công Giáo tôi quen biết, có con cái ở tuổi trung học, đều khiếp sợ khi được yêu cầu tham gia một ủy ban hay đảm nhận một chức vụ. Như ông Hoge nhận xét, người Công Giáo muốn các linh mục không chỉ chủ tế Thánh Lễ mà còn chủ sự các nghi thức khác, như rửa tội, hôn phối và giảng. Với người Công Giáo, chức linh mục là một điều gì đặc biệt và linh thiêng. Bất kể ý nghĩa hay vai trò của linh mục có thay đổi thế nào theo thời gian, chúng ta không thể làm mất đi tính cách linh thiêng từng có trước đây. Bất cứ thay đổi nào trong chính sách của giáo hội cần được đi kèm theo với một cái nhìn đổi mới của người Công Giáo về giá trị chức linh mục, đồng thời, tôi hy vọng, có sự khuyến khích mới về ơn gọi của bậc cha mẹ, thầy cô, giáo dân và của chính các linh mục.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa mới khảo sát sự lưu tâm hiện nay về sự thiếu hụt linh mục dựa trên sự thay đổi cái nhìn và sự hiểu biết về chức linh mục. Dường như chức linh mục đang trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn khi một viễn ảnh đang mờ dần trong khi viễn ảnh khác chưa thực sự hoàn tất. Trong phương cách này, những gì đang xảy ra cho linh mục biểu tượng cho những gì đang xảy ra trong giáo hội.

Trong chương tới, chúng ta sẽ khảo sát về sự tương giao giữa giáo huấn chính thức của giáo hội và niềm tin của người Công Giáo.

Câu Hỏi Suy Tư

Bạn cảm thấy hình ảnh của linh mục bị biến đổi trong các phương cách nào?
Bạn có nghĩ là khi Công Đồng Vatican II được hiểu biết rõ hơn, chức linh mục sẽ được quý trọng hơn?
Trong những lựa chọn của ông Hoge để giải quyết vấn đề thiếu hụt linh mục, bạn thích giải pháp nào nhất? Giải pháp nào bạn ít thích nhất?
Bạn có nghĩ là điều kiện độc thân phải được thay đổi?
Sự thiếu hụt linh mục có nhất thiết là một điều xấu không?
Chương 12: MỨC ĐỘ GIẢNG DẠY, MỨC ĐỘ ƯNG THUẬN

Vào cuối khóa học về Công Giáo, tôi yêu cầu các sinh viên viết về hai hoặc ba điều quan trọng nhất mà họ đã lĩnh hội được. Câu trả lời của họ thật khác nhau, nhưng sau các lục cá nguyệt, một vấn đề đặc biệt được nhắc đến nhiều hơn cả: Các sinh viên cho biết họ cảm thấy vui và ngay cả an tâm khi được biết dù có bất đồng với một số giáo huấn chính thức của giáo hội, họ vẫn là người Công Giáo.

Khi viết bài này, tôi cảm thấy như có sự thúc giục phải quy tụ tất cả các sinh viên mà tôi đã dạy từ vài năm qua trong một giảng đường và hét lớn vào tai họ: "Đây không phải là những gì tôi muốn nói!" Nhưng, khi suy nghĩ về điều ấy, tôi không yêu cầu họ lập lại những gì tôi nói; đúng hơn, tôi yêu cầu họ phúc trình lại những gì họ học hỏi được. Tôi tôn trọng và ngay cả đồng ý với những gì họ đã học; tôi chỉ hy vọng rằng họ đừng nhớ điều ấy mà quên đi những phần căn bản thiết yếu mà tôi đã dạy trong lớp.

Trong Chương Này

Trong chương này chúng ta sẽ đề cập đến sự quan trọng của các tín điều, cấp bậc tương đối của tín điều, và vấn đề ưng thuận hay bất đồng. Trong Lumen Gentium, những đoạn liên quan đến các vấn đề này là đoạn 25 trong chương 3 và đoạn 37 trong chương 4. Cũng có liên hệ là Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo của Công Đồng Vatican II.

Tính Cách Cốt Yếu của Tín Điều

Xã hội đa nguyên của chúng ta có khuynh hướng tầm thường hóa sự quan trọng của những điều tin tưởng. Chúng ta muốn xác định quyền lợi và phẩm giá của mọi người bất kể tôn giáo. Chúng ta muốn nói rằng bất kể họ tin tưởng những gì, họ vẫn có các quyền hợp hiến như bất cứ ai khác.

Khuynh hướng giảm thiểu sự quan trọng của tín điều lại tràn lan sang cả chính lãnh vực tôn giáo. Đôi khi khuynh hướng ấy được thể hiện vì không tôn trọng các tôn giáo khác. Đôi khi nó được thể hiện để phản ứng lại các khuynh hướng trong quá khứ đã quá nhấn mạnh đến vai trò của tín điều đến độ quên đi các yếu tố khác của tôn giáo, tỉ như sự cầu nguyện, cảm nghiệm tôn giáo, hay sự biến đổi xã hội. Chúng ta được bảo rằng, làm đúng thì thiết yếu hơn tin đúng.

Tuy nhiên, có thể phối hợp sự khẳng định các quyền làm người, các tôn giáo khác, và cảm nghiệm tôn giáo với sự công nhận vai trò thiết yếu của tín điều trong đời sống cá nhân và cộng đồng. Như thần học gia Bernard Lonergan đã vạch ra, các tín điều tạo thành một thế giới mà người ta sống ở trong đó. Các tổ chức xã hội và văn hóa con người có những ý nghĩa cốt lõi của nó. Những ý nghĩa này có thể khám phá ra là những giả định và được công thức hóa thành tín điều. Thí dụ, hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ được dựa trên một số điều tin tưởng về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự công bằng. Thể chế hôn nhân và gia đình được dựa trên một số điều tin tưởng về sự quan hệ giữa người nam và người nữ trên phương diện tình dục và vấn đề con cái.

Các điều tin tưởng về tôn giáo giúp con người hình thành sự hiểu biết về ý nghĩa và mục đích của đời sống. Chúng là một phần của thế giới mà bạn đang sống ở trong đó. Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn nhìn thấy loại thế giới nào? Bạn nhận thức những gì? Đó có phải là thế giới được tạo dựng bởi một Thiên Chúa toàn năng và đầy yêu thương với mục đích tốt đẹp không? Hay bạn thức dậy trong một thế giới thật phi lý, không có một ý nghĩa tối hậu, bất kể bao lâu chúng ta ngóng đợi câu trả lời? Có phải bạn thức dậy trong một thế giới, tuy sa ngã trong tội lỗi, nhưng đã được cứu độ bởi Đức Kitô? Hay đó là một thế giới mà sự sa ngã, sự tin tưởng sai lầm về tội lỗi đã che phủ sự trong trắng đích thực của loài người? Chúng ta tin gì về bản chất tột bực của thực tại và mục đích của đời sống?

Những vấn nạn trên không chỉ có thế. Tôn giáo của tôi không chỉ là tôn giáo duy nhất trên thế giới này. Ngay cả những quan điểm trần tục cũng có thể đem lại một ý nghĩa khác mà không phải dài dòng giảng giải. Tôi không muốn nói rằng dân quyền, phẩm giá hay sự tự do của con người phải được định nghĩa theo các điều họ tin tưởng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng những gì bạn tin tưởng thì tuyệt đối cốt yếu với con người bạn và với ý nghĩa của đời sống bạn.

Một Số Điều Tin Tưởng thì Chủ Yếu Hơn Các Điều Khác

Sắc Lệnh về Đại Kết của Công Đồng Vatican II kêu gọi các phần tử trong cuộc đối thoại liên tôn hãy "nhớ rằng trong học thuyết Công Giáo có một thứ tự hoặc 'cấp bậc' về chân lý, vì chúng liên hệ khác nhau với nền tảng đức tin Kitô Giáo" (đoạn 12). Nói cách khác, người Công Giáo biết rằng một số tín điều thì chủ yếu hơn các tín điều khác so với tâm điểm đức tin Kitô Giáo. Khi trong cuộc đối thoại đại kết, người ta thường bỏ qua những bất đồng ít chủ yếu hơn để dễ đồng ý hơn về những điểm căn bản. Thí dụ, khi Công Giáo đối thoại với Tin Lành Luther, đầu tiên có lẽ nên đi vào các lãnh vực đã được đồng ý, tỉ như ơn cứu độ tuyệt đối do Đức Kitô ban tặng, mà không luôn luôn chú ý đến các điểm tranh luận như vai trò của công trạng loài người.

Hiện nay không có một phương cách nào chắc chắn để vạch ra thứ tự của tín điều theo cấp bậc chân lý. Có lẽ một số hướng dẫn có thể được trích từ Bernard Lonergan, là người nói về "sứ điệp nguyên thủy" của Kitô Giáo. Tất cả mọi giáo huấn khác là "các học thuyết về học thuyết này." Để viện dẫn cho sứ điệp nguyên thủy này, Lonergan đưa ra thư I gửi tín hữu Côrintô (15:3tt), trong đó Thánh Phaolô nói: "Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh." Sau đó Thánh Phaolô kể ra những nhân chứng đã gặp Đức Kitô phục sinh, và thánh nhân kết luận, "... đây là những gì chúng ta rao giảng và đây là những gì anh em phải tin." Tâm điểm của sứ điệp Kitô Giáo là tin mừng mà qua Đức Kitô phục sinh, là Người đã đáp ứng những mong đợi trong Cựu Ước, chúng ta được cứu chuộc khỏi tội lỗi.

Như vậy, cấp bậc chân lý sẽ được xác định qua việc thẩm định xem tín điều ấy gần với tâm điểm đức tin như thế nào. Tự nó thì không phải là công việc dễ dàng. Một trong những lý lẽ hỗ trợ mạnh mẽ thẩm quyền lãnh đạo trong giáo hội thì cho rằng người ta có thể giải thích theo nhiều kiểu cách khác nhau về sứ điệp nguyên thủy và sự ứng dụng của nó. Ai là người dám nói rằng sự giải thích này thì chấp nhận được? Ai là người xác định rằng tín điều này thì chủ yếu hơn tín điều kia?

Lập trường chính thức của Công Giáo cho rằng huấn quyền của giáo hội có thẩm quyền để xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề đức tin và luân lý. Lập trường được đề cập đến trong Sắc Lệnh về Sự Mặc Khải của Công Đồng Vatican II thì cho rằng tin mừng phúc âm được biểu lộ qua Kinh Thánh và Truyền Thống. Huấn quyền của giáo hội không có thế lực trên Kinh Thánh và Truyền Thống, nhưng nó có thẩm quyền trên sự dẫn giải về Kinh Thánh và Truyền Thống. Tuy nhiên, hiện nay, không có một sự trình bầy nào có hệ thống về cấp bậc chân lý.

Theo quan điểm của tôi, tin rằng Chúa Giêsu cùng một bản thể với Chúa Cha thì chủ yếu; tin rằng sự cầu bầu của các thánh thì quan trọng nhưng không chủ yếu bằng. Tin rằng tội ngoại tình thì xấu xa và đó là tín điều chủ yếu; tin rằng việc ngừa thai nhân tạo thì luôn luôn trái luân lý nhưng không chủ yếu bằng. Tin rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn giáo hội thì chủ yếu; tin tưởng vào tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng thì không chủ yếu bằng. Thật không may khi các tín điều không chủ yếu lại được chú trọng quá đáng, không xứng với giá trị của nó và do đó khiến người ta ít lưu tâm đến các tín điều chủ yếu hơn. Điều này không có nghĩa những tín điều ít chủ yếu thì ít chân lý; nhưng đúng hơn, những điều ấy không cần được lưu tâm đến trong cuộc đối thoại đại kết.

Người Công Giáo Phải Tin Những Gì?

Những căn bản của Kitô Giáo có thể được tìm thấy trong Kinh Tin Kính các Tông Đồ cũng như trong Kinh Tin Kính Nicene. Người Công Giáo được cho rằng phải chấp nhận tính cách nhân chứng đức tin của Kinh Thánh, tin ba ngôi trong một Thiên Chúa, tin vào các quyết định của các công đồng, các giáo huấn của đức giáo hoàng và các giám mục, và các bí tích là phương tiện của ơn sủng.

Trong những năm gần đây, một số thần học gia đã thử áp dụng ý niệm "cấp bậc chân lý" cho các vấn đề nội bộ đức tin Công Giáo, ở bên ngoài cuộc đối thoại đại kết. Những tín điều nào phải được chấp nhận nếu một người tự cho mình là Công Giáo?

Thần học gia Monika Hellwig, suy diễn từ công trình của Yves Congar, đã phân biệt giữa Truyền Thống (viết hoa) và truyền thống (viết thường). Một đàng, Truyền Thống là những gì thiết yếu của đức tin Công Giáo; nếu Truyền Thống thay đổi, đức tin cũng sẽ bị thay đổi. Đàng khác, truyền thống là những gì có thể quan trọng nhưng không thiết yếu. Thí dụ, người Công Giáo tin Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể là một Truyền Thống; quy tắc rước lễ bằng miệng là một truyền thống thường và có thể thay đổi.

Sự phân biệt giữa hai truyền thống này thì thật hữu ích, nhưng tự nó không giải quyết được vấn đề. Người Công Giáo vẫn còn bất đồng khi phải quyết định xem vấn đề nào là Truyền Thống và vấn đề nào không. Khi giáo hội cho rằng không có quyền để tấn phong phụ nữ thì lập trường ấy được dựa trên sự phán đoán rằng linh mục nam giới là một Truyền Thống do chính Chúa Giêsu thiết lập. Những người Công Giáo ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ thì cho rằng linh mục nam giới là một truyền thống có liên quan đến nền văn hóa cổ xưa, có tính cách phụ hệ và không thiết yếu đối với phúc âm.

Ngoài ra, khi đặt vấn đề tín điều nào là cốt yếu, chúng ta cũng đừng quên rằng nhiều người Công Giáo hiểu biết khác nhau về cùng một tín điều. Những gì một người Công Giáo chấp nhận về tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì khác với sự chấp nhận của người kia. Một người Công Giáo có thể kể ra kinh Tin Kính và tin đủ mọi thứ trong kinh ấy theo nghĩa đen; người khác cũng đọc kinh ấy nhưng lại hiểu theo nghĩa biểu tượng; và một người khác nữa rất ý thức về sự quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử, và họ hiểu kinh Tin Kính theo ý thức đó. Trong khi tất cả mọi người Công Giáo không nhất thiết phải hiểu một tín điều theo kiểu cách như nhau, người Công Giáo chỉ có thể chia sẻ cùng một đức tin khi có một vài đồng nhất nào đó. Vấn đề đa nguyên của học thuyết, cũng như cấp bậc chân lý, là vấn đề hiện chưa được sáng tỏ, và người ta phải chú ý hơn nữa trong tương lai.

Sự Tán Thành Sâu Đậm Hơn Sự Bất Tuân

Trong chuyến tông du Hoa Kỳ năm 1987, Đức Gioan Phaolô II đã lên tiếng đả kích sự bất tuân trong giáo hội. Nhận định rằng nhiều người Công Giáo không chấp nhận một vài giáo huấn của giáo hội, "nhất là tính cách luân lý của tình dục và vợ chồng, ly dị và tái hôn, và phá thai," đức giáo hoàng nói: "Đôi khi người ta cho rằng bất tuân với huấn quyền thì hoàn toàn thích hợp với một người Công Giáo tốt lành, và không trở ngại gì khi lãnh nhận các bí tích. Đây là một sai lầm trầm trọng." Sau đó, khi nói chuyện với các giám mục về sự tự do thần học, đức giáo hoàng nói rằng các giám mục "phải tìm cách cho giáo dân thấy rằng không thể chấp nhận sự bất tuân và sự đối chất như một loại chính sách trong lãnh vực giáo huấn." Cũng trong buổi nói chuyện này, ngài nói, "Sự bất tuân vẫn là bất tuân. Tự nó không được chấp nhận hoặc được đề ra trên một cương vị ngang hàng với giáo huấn của giáo hội."

Các hướng dẫn cho sự bất đồng chính đáng trong giới thần học gia đã có ngay từ trước thời Công Đồng Vatican II. Kể từ Công Đồng Vatican II, các thần học gia Công Giáo và sách giáo khoa Công Giáo đã làm sáng tỏ các điều kiện khi nào thì sự bất tuân của một tín hữu bình thường được coi là chính đáng. Ngay cả các hội đồng giám mục và cá nhân các giám mục cũng ra các thông tư cho biết khi nào thì sự bất tuân được coi là chính đáng và khi nào được coi là thiếu trách nhiệm. Vậy, có phải đức giáo hoàng dứt khoát phủ nhận và hủy bỏ những gì đã trở thành giáo huấn thông thường trong vài thập niên qua về sự bất tuân hay không?

Có thể đó là điều ngài muốn nói. Tôi nhớ có thấy Đức Gioan Phaolô II tuyên bố trên truyền hình rằng, "Bất tuân, thì không. Tán thành, thì được." Tuy nhiên, khi dùng đến khẩu hiệu thì điều đó có nghĩa ngài muốn nói với đám đông một cách trực tiếp, và không luôn luôn tiêu biểu cho một lập trường đầy đủ hay chu đáo. Tôi muốn đưa ra cách giải thích khác về những gì đức giáo hoàng muốn nói.

Như tôi thấy, đức giáo hoàng không nhất thiết muốn nói theo kiểu chuyên môn là không có sự bất tuân nào có thể coi là chính đáng; đúng hơn, ngài phát động một cuộc tấn công toàn diện đối với thái độ cổ võ sự bất tuân như một điều bình thường và được đặt ngang hàng với các tín điều căn bản. Đức giáo hoàng đang tấn công điều thường được gọi là "Công Giáo kén cá chọn canh," hay "Công Giáo tùy ý thích" là thái độ của một người Công Giáo chỉ tin những gì mình thích và loại bỏ những điều khác mà không đếm xỉa gì đến giáo huấn của giáo hội. Ngài muốn nói rằng các lối sống như tình dục ngoài hôn nhân, tái hôn mà chưa được tiêu hôn, và phá thai là những vấn đề trầm trọng chứ không chỉ là vấn đề lương tâm cá nhân. Ngài muốn nói những điều này là tội lỗi, và người Công Giáo không được tự do để lựa chọn những gì mà cá nhân họ cho là đúng hoặc sai. Một số người Công Giáo ngày nay sẽ tranh luận rằng các vấn đề này thì quá phức tạp để có những phán quyết mau chóng. Chính với thái độ này mà đức giáo hoàng đặt vấn đề. Trong một ý nghĩa, đây là một hình thức khác của vấn đề phải xem những gì là Truyền Thống và những gì là truyền thống.

Đức giáo hoàng cũng nói là người tín hữu không được đặt điều bất tuân ngang với điều tán thành. Điều tán thành thì căn bản hơn; nó là vấn đề đức tin. Sự tán thành của người tín hữu thì có trước và sâu xa hơn sự bất tuân.

Thật sai lầm khi cho rằng người tín hữu khởi sự với một tâm trí như tờ giấy trắng và sau đó họ lựa chọn hay vứt bỏ những phần của đức tin Công Giáo. Trong một ý nghĩa căn bản, một người Công Giáo phải trân quý toàn thể đức tin Công Giáo. Người Công Giáo chấp nhận sứ điệp Kitô Giáo qua Kinh Thánh, kinh Tin Kính, các bí tích và giáo huấn của giáo hội. Bất cứ thảo luận nào về sự bất đồng phải được xảy ra sau khi phạm vi này đã được xác định.

Sự Bất Đồng Có Trách Nhiệm và Vô Trách Nhiệm

Tôi không hiểu những tổ chức nào mà đức giáo hoàng muốn nói đến khi dùng chữ "bất tuân". Có lẽ ngài nghĩ đến một cuộc cách mạng tầm mức mà trong đó các giám mục và linh mục bị gửi đi chém đầu. Đây không phải là lần đầu tiên có những điều đó xảy ra trong lịch sử giáo hội. Chữ "bất tuân" mang các ý nghĩa rộng gây phiền toán cho hoàn cảnh chúng ta ngày nay. Tôi muốn nói về "sự bất đồng" với các giáo huấn.

Trong giáo hội Công Giáo ngày nay, sự bất đồng là một thực tại không thể xoá bỏ. Một số thần học gia cho rằng sự bất đồng là một phần của tiến trình lành mạnh mà qua đó giáo hội thay đổi. Tuy nhiên, không phải tất cả những bất đồng đều chính đáng. Cần phải phân biệt giữa sự bất đồng có trách nhiệm và vô trách nhiệm.

Francis Sullivan giải thích rằng người Công Giáo được cho rằng phải tán thành với giáo huấn của giáo hội. Người ta không thể bất đồng với các dạy dỗ được coi là bất khả ngộ mà vẫn được coi là người Công Giáo. Nhưng nếu người Công Giáo đặt vấn đề với các dạy dỗ khác với một thái độ cởi mở, muốn thích ứng tâm trí của mình, và sau một thời gian cố gắng vẫn không thể hoàn toàn tán thành sự dạy dỗ ấy, có lẽ phải coi  sự bất đồng ấy vừa có trách nhiệm và vừa chính đáng.

Sullivan vạch ra một câu trong bản thảo nguyên thủy của Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo viết rằng, "Trong việc hình thành lương tâm, người tín hữu Kitô phải cẩn thận chú trọng đến học thuyết linh thiêng và chắc chắn của giáo hội." Trong cuộc tranh luận của công đồng về tuyên ngôn này, có đề nghị thay đổi câu "phải cẩn thận chú trọng" trở thành "phải hình thành lương tâm theo". Ủy ban trách nhiệm đã bác bỏ đề nghị này với lý do là nó quá khắt khe. Câu nguyên thủy được giữ nguyên như trong bản sau cùng (đoạn 14). Thí dụ này cho thấy dù công đồng kêu gọi người Công Giáo phải tán thành với các dạy dỗ của giáo hội, người ta công nhận rằng người Công Giáo có trách nhiệm cá nhân trong việc hình thành lương tâm. Người Công Giáo không phải là người máy được điều khiển bởi Vatican.

Tôi vừa cố gắng công thức hóa một số quy tắc nền tảng cho sự bất đồng với giáo huấn mà nó phù hợp với quan điểm chính thức. Từ quan điểm đó, sự bất đồng có trách nhiệm và chính đáng đòi hỏi người Công Giáo phải:

có một thái độ cởi mở, kể cả việc sẵn sàng phục tùng giáo huấn của giáo hội;
không thách đố khả năng giảng dạy của giáo hội;
điều tra nghiên cứu vấn đề đến một mức độ hợp lý nào đó, kể cả lý lẽ đằng sau giáo huấn của giáo hội;
sẵn sàng tiếp thu ý kiến mới và sẵn sàng chịu thử thách bởi lập trường của giáo hội trong từng giai đoạn;
không xúc phạm đến luân lý của người khác khi xúi giục họ cũng bất đồng như mình.
Những quy tắc căn bản này có thể hữu ích để xác định tính cách trách nhiệm của sự bất đồng thuộc vài vấn đề nào đó khi được thắc mắc. Tuy nhiên, chúng không đủ chính xác để xét xem chính sự bất đồng ấy tự nó có tính cách trách nhiệm hay không. Hầu hết các bất đồng trong giới Công Giáo tại Hoa Kỳ đều không hội đủ tiêu chuẩn với các quy tắc căn bản nêu trên, tuy nhiên cá nhân tôi cũng không dám coi đó là những bất đồng vô trách nhiệm.

Thí dụ, một số người Công Giáo bất đồng với sự giảng dạy của giáo hội về thuốc ngừa thai, nhưng họ hội đủ các tiêu chuẩn này. Cũng có những người cố chấp và hiển nhiên họ thuộc loại vô trách nhiệm. Tuy nhiên, phần lớn những người Công Giáo Hoa Kỳ bất đồng với giáo hội về vấn đề ngừa thai nhân tạo thì họ không hội đủ tiêu chuẩn nói trên nhưng cũng không dễ bị coi là vô trách nhiệm.

Nhiều người Công Giáo thấy rằng phương pháp Điều Hòa Sinh Sản Tự Nhiên có lợi hơn thuốc ngừa thai nhân tạo; tuy nhiên, phần đông người Công Giáo không đồng ý với quan điểm này. Trong giới Công Giáo Hoa Kỳ, ảnh hưởng của vấn đề này trong quá khứ đã khiến sự bất đồng trở nên quá phức tạp, không thể dùng bất cứ tiêu chuẩn nào có sẵn để phán đoán. Kiểm soát sinh sản là vấn đề đầu tiên bị phần lớn giáo dân bất đồng. Ngày nay, nó là một dấu hiệu cho thấy cần phải để ý đến phương cách mà qua đó giáo hội phải giảng dạy và phương cách mà qua đó người tín hữu phải phản ứng. Hầu hết những người Công Giáo bất đồng vì họ cho rằng sự giảng dạy này can thiệp vào lối sống của họ và không có ý nghĩa đối với họ. Nếu coi sự bất đồng của họ là vô trách nhiệm thì quá đơn giản. Ở mức độ sâu xa hơn, có sự khó khăn trong việc truyền đạt, mà mỗi bên cần lắng nghe cách tường tận và tế nhị hơn khi lên tiếng nói.

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa thăm dò tầm quan trọng của tín điều, mức độ khác nhau của chân lý, tương quan giữa sự tán thành và bất tuân, và một số quy tắc nền tảng cho những bất đồng có trách nhiệm. Do đó, nhiều sinh viên của tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi họ nghe rằng sự bất đồng có thể chính đáng; tôi không thể làm gì khác hơn là nghĩ về phạm vi của các điều tin tưởng, các thái độ, và các lối đối xử mà họ muốn bào chữa qua sự giải thích hợp lý. Tuy nhiên, tôi sẽ lo lắng hơn nếu các sinh viên này coi thường trách nhiệm khi nghĩ về chính mình.

Trong chương kế, chúng ta sẽ nghiên cứu tình trạng thay đổi của giáo dân trong giáo hội.

Câu Hỏi Suy Tư

Bạn nhận thấy sự biến chuyển về hình ảnh chức linh mục theo phương cách nào?
Bạn có nghĩ là khi Vatican II được hiểu biết hơn, chức linh mục lại có được sự quý trọng mới mẻ?
Những giải pháp nào của Dean Hoge để giải quyết sự thiếu hụt linh mục mà bạn thích nhất? Giải pháp nào bạn ít thích nhất?
Bạn có nghĩ là sự đòi hỏi sống độc thân sẽ được thay đổi?
Sự thiếu hụt linh mục có nhất thiết là một điều xấu không?
Chương 13: Giáo Dân

Tổ chức Alcoholics Anonymous (A.A. [Những Người Nghiện Rượu Vô Danh]) là một hệ thống bao quát gồm nhiều nhóm rải rắc khắp thế giới. Nếu bạn muốn tiếp xúc với tổ chức này, bạn có thể gọi số điện thoại có ghi trong bất cứ cuốn điện thoại niên giám nào. Tuy nhiên, còn một cách khác để tiếp xúc với tổ chức này: nói chuyện với bất cứ thành viên nào. Bất cứ và mọi thành viên của A.A. đều là đại diện cho nhóm. Các thành viên này nghĩ rằng họ là một cánh tay của tổ chức. Bất cứ khi nào và bất cứ đâu có ai cần sự giúp đỡ, các thành viên của A.A. đều sẵn sàng nhận trách nhiệm. Nói chuyện với một thành viên là nói chuyện với chính tổ chức A.A.

Một cách tổng quát, điều này không phải là trường hợp của giáo dân trong giáo hội Công Giáo. (Một giáo dân được định nghĩa trong Lumen Gentium là bất cứ người Công Giáo nào không có chức thánh hoặc không có lời khấn dòng). Nếu bạn muốn nói chuyện với người đại diện giáo hội Công Giáo, có lẽ bạn sẽ được bảo là hãy tìm đến một linh mục. Một giám mục thì ở cấp bậc cao hơn, và dĩ nhiên đức giáo hoàng đại diện cho cấp bậc cao nhất. Giáo dân thường không cho mình là đại diện của "giáo hội."

Điều này không có nghĩa là A.A. không có cơ cấu tổ chức trong nội bộ. Điểm so sánh ở đây đơn giản là các thành viên của A.A. tự coi mình là đại diện nhóm nên họ có thể chia sẻ với bất cứ ai về các căn bản chữa bệnh nghiện rượu. Hầu hết người Công Giáo không giống nhau khi nghĩ rằng tự họ có thể chia sẻ với người khác về căn bản của đời sống Kitô Giáo.

Trong Chương Này

Sự cần thiết và sự sẵn sàng của giáo dân để lãnh trách nhiệm đối với giáo hội thì đang thay đổi. Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận bốn vấn đề có liên hệ với nhau: sự liên hệ giữa giáo dân và giáo hội, phẩm giá tinh thần của giáo dân, sự chia sẻ của họ trong sứ vụ của Đức Kitô, và các phương cách đặc biệt mà họ được mời gọi để sống đời Kitô Hữu. Các vấn đề này được lấy từ chương 4 của Lumen Gentium.

Chúng Ta Là Giáo Hội

Đức Daniel Pilarczyk, tổng giám mục của Cincinnati, đã viết rằng: trên căn bản giáo hội là một tổ chức của giáo dân được phục vụ bởi một phẩm trật. Lời định nghĩa thật cách mạng này đã đảo ngược khuynh hướng cổ xưa từ hàng chục thế kỷ cho rằng về cơ bản giáo hội là một tổ chức phẩm trật trong đó các giám mục, linh mục và tu sĩ mới là các phần tử đích thật của tổ chức, còn giáo dân chỉ là chiên được chăn dắt. Cho đến ngày nay, khi hầu hết người Công Giáo nghĩ về "giáo hội," họ hình dung ra đức giáo hoàng và các giám mục ở Rôma thiết lập ra các quy luật và điều lệ để duy trì giáo huấn Công Giáo. Vẫn còn rất ít người Công Giáo thích ứng với tinh thần Công Đồng Vatican II để nói rằng, "Chúng ta là giáo hội."

Tôi nhớ có nghe một giám mục nói rằng điều ngài thật thất vọng trong việc thể hiện tinh thần Vatican II là giáo dân chưa bắt đầu nghĩ rằng họ là giáo hội. Ngài muốn nói "bạn là giáo hội." Giáo hội không chỉ ở Rôma. Giáo hội là Dân Chúa. Giáo hội bao gồm mỗi một người chúng ta là các phần tử.

Nghĩ về giáo hội như một tổ chức của giáo dân là bước theo tinh thần Vatican II, là nhấn mạnh đến sự bình đẳng trong phẩm giá tinh thần của những người được rửa tội, đến chức tư tế chung của tín hữu, và để ý đến tầm quan trọng của việc tham dự vào sinh hoạt trần thế của Kitô Hữu. Đồng thời, ý nghĩ đó không thể nào mang ý nghĩa bài bác tổ chức hay bài bác phẩm trật; một giáo hội mà giáo dân là tâm điểm chỉ có thể đạt được với cái nhìn đúng đắn về hàng giáo phẩm phục vụ giáo hội.

Bình Đẳng Trong Phẩm Giá Tinh Thần

Thuyết giáo quyền đã ban quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng cho hàng giáo sĩ. Nói rằng đạo Công Giáo thời trước Vatican II có khuynh hướng giáo quyền là nói lên một sự thật hiển nhiên; tuy nhiên, cũng không thể quên được nhiều linh mục cũng như giáo dân thời tiền-Vatican II đã tranh đấu dữ dội để chống với khuynh hướng giáo quyền. Cũng nên nhớ rằng hiện nay, khuynh hướng chống đối thái quá với chủ nghĩa giáo quyền có thể là một yếu tố góp phần cho sự thiếu hụt linh mục.

Là một vấn đề có thực trong Giáo Hội Công Giáo, thuyết giáo quyền thường được coi là đã đưa các linh mục và tu sĩ lên bệ quá cao mà quên đi rằng họ chỉ là con người như tất cả chúng ta. Tuy nhiên, còn một cách khác để nghĩ về vấn đề này: Thuyết giáo quyền có thể là hậu quả của việc không nhận biết sự quan trọng và phẩm giá của giáo dân. Nói cách khác, thay vì nghĩ rằng các linh mục ở quá cao và cần phải kéo xuống thấp, tốt hơn hãy nghĩ giáo dân đang ở vị trí quá thấp và cần được nhận biết hơn nữa.

Đây là phương cách tiếp cận trong Lumen Gentium khi các giáo phụ viết:

… Dân được chọn của Chúa là một: "một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa"; chia sẻ cùng một phẩm giá của các phần tử do bởi sự tái sinh trong Đức Kitô; có cùng một ơn huệ của con cái và cùng một ơn gọi để trở nên trọn lành; được quyền sở hữu trong cùng một ơn cứu độ, một hy vọng và một đức ái trọn vẹn (LG, 32).

Văn kiện này nhấn mạnh rằng trong một ý nghĩa tinh thần thật căn bản, mọi phần tử của giáo hội đều ngang nhau. Vì bí tích rửa tội của mỗi người, họ là phần tử trọn vẹn của giáo hội được chia sẻ đầy đủ ơn sủng của Chúa một khi họ vẫn kiên trì trong đức ái. Khi nói đến đức tin, phẩm giá tinh thần, ơn sủng, ơn cứu độ, đức cậy, và đức ái, mỗi một phần tử đều được mời gọi để chia sẻ cách trọn vẹn. Không có người Công Giáo hạng hai. Không có thứ bậc trong việc được mời gọi để nên thánh.

Trở nên một linh mục hay một tu sĩ nam nữ, điều đó có thể đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân người ấy và đời sống giáo hội nói chung. Nó thay đổi địa vị của người ấy đối với cơ cấu phẩm trật của giáo hội. Nhưng nó không thay đổi địa vị của họ đối với tư cách hội viên căn bản hay sự tương giao căn bản của họ với Thiên Chúa. Mọi phần tử của giáo hội đều được mời gọi đến một đời sống thánh thiện:

… được mời gọi để nên thánh và để lãnh nhận một đặc ân đức tin như nhau qua sự công chính của Thiên Chúa. Và bởi thánh ý của Đức Kitô, một số người được trở nên thầy dạy, chủ chăn và người phân phát các mầu nhiệm thay cho người khác, nhưng tất cả chia sẻ một sự bình đẳng đích thực đối với phẩm giá và đối với sinh hoạt chung cho mọi tín hữu nhằm xây đắp Nhiệm Thể Đức Kitô (LG, 32).

Giáo dân, tu sĩ nam nữ, và giáo sĩ có chức thánh đều được mời gọi để cộng tác gánh vác sứ vụ của giáo hội. Họ không được chần chờ vì chỉ quan tâm xem ai thánh thiện hơn ai.

Sự khẳng định mạnh mẽ về tính chất bình đẳng trong phẩm giá tinh thần giữa các phần tử của giáo hội đã nêu lên một số câu hỏi quan trọng cho người Công Giáo ngày nay. Nếu chúng ta đều bình đẳng, tại sao giáo dân không thể chủ sự trong một nghi thức thánh thể? Tại sao giáo dân lại không được giảng khi không có phép đặc biệt? Tại sao, dường như ở nhiều nơi giáo dân không được hàng giáo sĩ tôn trọng? Dường như đúng với nhận xét của George Orwell trong cuốn Animal Farm, một số người thì bình đẳng hơn những người khác.

Một trong những cách trả lời cho các vấn đề này là cho rằng câu "mọi người đều bình đẳng trong phẩm giá tinh thần" thì không có nghĩa họ bình đẳng trong mọi sự. Thật đúng là không ai có thể tự cho mình đặc quyền đặc lợi về ơn sủng của Thiên Chúa. Nhưng điều này không có nghĩa mọi người đều bình đẳng trong tài năng và khả năng, trí thông minh và mưu kế, địa vị và cấp bậc trong xã hội, hay tình thương và sự hiểu biết. Giáo hội có cơ cấu phẩm trật định rõ nhiệm vụ và chức vụ, nhưng điều này không làm mất đi sự khẳng định về sự bình đẳng tinh thần của các phần tử.

Một trả lời khác cho sự bất công hiển nhiên vẫn còn trong giáo hội là nói rằng Công Đồng Vatican II chỉ mới xảy ra thôi nên cần một thời gian mới thể hiện được trọn vẹn. Nhiều thay đổi đã ló dạng ở chân trời.

Tôi coi hai câu trả lời này rất quan trọng. Không phải mọi người đều bình đẳng trong mọi sự. Nhiều điều mới lạ chưa xảy ra.

Một thách đố khác đối với sự bình đẳng tinh thần của các phần tử là câu hỏi có liên quan đến tình trạng của những người không phải là phần tử. Có phải giáo hội muốn nói rằng những người không phải là Công Giáo hay không phải là Kitô Giáo đều là công dân hạng hai về phương diện tinh thần? Đây là một nan đề xuất hiện nhiều nơi trong cuốn sách này. Trong mạch văn này tôi chỉ muốn nói rằng vấn đề bình đẳng tinh thần được Công Đồng Vatican II đối phó thì có tính cách nội bộ, và không có bất cứ hàm ý nào xúc phạm đến các tín đồ của các tôn giáo khác.

Giáo Dân Là Các Tư Tế, Ngôn Sứ, và Vua

Chúng ta đã biết Lumen Gentium tuyên bố thế nào về việc mọi phần tử của giáo hội đều được tham dự trong ba sứ vụ của Đức Kitô là tư tế, ngôn sứ và vua. Chúng ta cũng biết thêm nữa là hiến chế đã xác định rằng trong một phương cách đặc biệt mà các giám mục và linh mục dự phần, đó là qua việc thánh hiến, giảng dạy, và lãnh đạo. Lumen Gentium cũng đề ra các phương cách đặc biệt để người giáo dân được mời gọi dự phần trong ba sứ vụ của Đức Kitô.

Sứ Vụ của Giáo Dân

Tư tế ===> đem sự thánh thiện đến cho thế gian
Ngôn Sứ ===> để Phúc Âm chiếu sáng qua đời sống
Vua ===> hoạt động cho Nước Trời

Giáo dân thực hiện chức năng tư tế của Đức Kitô qua những hy sinh và thánh thiện trong đời sống hàng ngày:

Vì mọi công việc, sự cầu nguyện, và nỗ lực tông đồ của họ, đời sống hôn nhân và gia đình của họ, nghề nghiệp hằng ngày của họ, lúc nghỉ ngơi phần xác và tâm thần của họ, nếu thực hiện trong Thần Khí, và ngay cả những khó khăn của đời sống, nếu kiên nhẫn chịu đựng--tất cả sẽ trở nên "những hy sinh tinh thần được Chúa chấp nhận qua Đức Giêsu Kitô." Cùng với việc hiến tế thân thể Chúa Giêsu, những hy sinh ấy thật thích hợp để dâng lên trong Thánh Lễ. Như thế, với mọi người ở khắp nơi cùng thờ phượng trong sinh hoạt thánh thiện, giáo dân dâng hiến thế giới cho Chúa (LG, 34).

Nói cách khác, giáo dân hành động như linh mục khi họ dâng hiến chính đời sống cho Thiên Chúa. Nói cách thực tiễn, điều này có nghĩa giáo dân giúp Chúa hiện diện trong thế giới qua sự cố gắng sống thánh thiện.

Lumen Gentium mô tả chức năng ngôn sứ của giáo dân như một lời hứa mà "sức mạnh Phúc Âm có thể chiếu tỏa trong đời sống gia đình và xã hội hằng ngày của họ" (LG. 35). Giáo dân làm chứng cho đức tin qua đời sống. Chức năng vương đế của giáo dân được đề cập trong Lumen Gentium là lời kêu gọi mở rộng vương quốc Thiên Chúa trong thế gian. Giáo dân hoạt động để đưa thế giới vào một đường hướng của "chân lý và sự sống… thánh thiện và ơn sủng… công bằng, hòa bình và yêu thương" (LG, 36). Chính qua lối sống mà giáo dân thể hiện sứ vụ của Đức Kitô trong trần gian.

Phạm Vi Hoạt Động của Giáo Dân

Lumen Gentium không loại trừ giáo dân khỏi mọi thừa tác vụ trong giáo hội. Giáo dân "trong phần vụ của mình, họ thể hiện sứ vụ của toàn thể Kitô Hữu trong giáo hội và trong thế gian" (LG, 31). Thật vậy, văn kiện nói rằng "giáo dân có thể được mời gọi trong nhiều phương cách khác nhau tiến đến việc cộng tác trực tiếp trong hoạt động tông đồ của Giáo Phẩm… Hơn thế nữa, họ còn có khả năng đảm nhận từ hàng Giáo Phẩm một vài chức năng nào đó có tính cách giáo hội, được thi hành vì mục đích tinh thần" (LG, 33). Và vì vậy, kể từ sau Công Đồng Vatican II, đã có sự phát triển mạnh các thừa tác vụ giáo dân trong lòng giáo hội.

Tuy nhiên, chính yếu Lumen Gentium nhấn mạnh rằng chức năng đặc biệt của giáo dân đúng nhất là vai trò của họ trong thế gian. Văn kiện khẳng định rằng "Điều tạo thành đặc điểm của giáo dân là bản chất trần thế của họ… giáo dân, bởi chính ơn gọi của họ, tìm kiếm Nước Trời qua việc dấn thân vào các sinh hoạt thế tục và sắp xếp các sinh hoạt ấy theo hoạch định của Thiên Chúa" (LG, 31). Ba phạm vi hoạt động trần thế của giáo dân được Lumen Gentium nhấn mạnh là gia đình, công việc và biến đổi xã hội. Chính qua đời sống gia đình, công việc và qua nỗ lực xây dựng một thế giới tốt hơn mà giáo dân tìm thấy ơn gọi thật căn bản của mình để sống như những người theo Chúa Kitô.

Phạm Vi Hoạt Động của Giáo Dân

Giáo Hội | Gia Đình | Công Việc | Công Bằng Xã Hội

Một kết quả của sự mô tả phạm vi hoạt động của giáo dân thường được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh là các linh mục và tu sĩ không được giữ chức vụ có tính cách chính trị. Theo quan điểm của ngài, các hoạt động trần thế đó thì thích hợp với vai trò của giáo dân. Những ai đại diện chính thức cho giáo hội phải đề cao lý tưởng, nhưng không thể trở nên quá gắn bó với các quốc gia riêng biệt, các đảng phái chính trị, hoặc các cương lĩnh chính trị. Sự phân chia công việc này nhằm cho phép giáo dân, bởi sự thúc đẩy của lương tâm Công Giáo, say mê dính líu đến các vấn đề mơ hồ của con người, mà không bị coi là hành động như các đại diện cho các chính sách chính thức của Công Giáo.

Đức giáo hoàng đã củng cố sự phân chia công việc này trong một văn kiện về giáo dân năm 1989. Ngài cảnh giác giáo dân đừng bị "cám dỗ mà quá quan tâm đến dịch vụ và công việc trong giáo hội mà một số người đã quên đi trách nhiệm của mình là phải dấn thân vào thế giới nghề nghiệp, xã hội, văn hóa và chính trị." Theo quan điểm của ngài, ơn gọi chung của giáo dân là thay đổi thế giới và sự ngự đến của nước trời là qua gia đình, công việc và hoạt động chính trị của họ. Nếu không, giáo dân dễ trở thành con mồi cho sự cám dỗ thứ hai, đó là "hợp pháp hóa sự tách biệt không có lý do xác đáng giữa việc chấp nhận Phúc Âm với thực sự sống Phúc Âm trong hoàn cảnh khác nhau của thế giới." Giáo dân không được dùng nhà thờ làm nơi lẩn tránh khỏi thế giới nhưng phải coi đó là một nguồn đức tin và thánh thiện để đối phó với các thử thách của đời sống.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa xem xét sự thay đổi trong vai trò của giáo dân được báo hiệu qua các văn kiện của Công Đồng Vatican II. Đặc biệt, chúng ta chú trọng đến việc chia sẻ 3 thừa tác vụ của Đức Kitô, được bình đẳng trong phẩm giá tinh thần, được mời gọi để hoạt động trong phạm vi gia đình, công việc, và công bằng xã hội.

Hướng nhìn mới về giáo dân là một phần của sự hiểu biết rộng lớn hơn về sứ vụ của giáo hội trong thế giới. Người ta không thể hiểu "giáo hội" chỉ do bởi chú trọng vào các vấn đề nội bộ và quyền bính. Một Kitô Hữu sống như thế nào trong thế giới thì cũng quan trọng như một giám mục phải như thế nào trong giáo hội.

"Chúng ta là giáo hội!" phải là tiếng tung hô của giáo dân ngày nay. Đó là tiếng hô vui mừng của sự tái sinh. Đó là tiếng kêu đau khổ và nhẫn nhục của một trách nhiệm mới. Thật khó để mường tượng ra một giáo dân Công Giáo đóng vai trò sở hữu giáo hội, tương tự như một người chừa rượu của tổ chức A.A. Nhưng nếu tôi tưởng tượng thêm…

Trong chương tới, chúng ta sẽ tìm hiểu các phương cách khác nhau mà người Công Giáo đang sử dụng để làm sống lại sự cộng tác của giáo dân trong đời sống Giáo Hội.

Câu Hỏi Suy Tư

Bạn có thấy người Công Giáo nào đang sống như thể giáo hội là một "sở hữu" của họ chưa?
Trong sinh hoạt thường ngày, chính bạn có coi giáo dân như bình đẳng với các thừa tác viên chức thánh về phẩm giá tinh thần?
Có phải "bình đẳng về phẩm giá tinh thần" có nghĩa mọi vai trò trong giáo hội phải rộng mở cho mọi người, hay bạn đồng ý rằng mỗi người mỗi việc và vẫn chia sẻ sự bình đẳng căn bản ấy?
Một số người Công Giáo không thích khi thấy đức giáo hoàng nhấn mạnh đến sứ vụ chính của giáo dân là trong thế giới, chứ không phải trong giáo hội. Bạn nghĩ gì?
Bạn có nghĩ đó là điều phổ thông khi giáo dân phân biệt đời sống đạo đức trong giáo hội và đời sống hàng ngày trong thế giới? Nếu vậy, làm sao để hàn gắn sự chia cách đó?
Chương 14: CÁC PHƯƠNG TIỆN CANH TÂN GIÁO HỘI

Vài năm trước đây, một thiếu nữ 13 tuổi, thường đi giao báo trong xóm khu nhà tôi. Cô ta cao và mảnh khảnh, và hơi cúi khi đi đứng. Cô lắp bắp khi nói chuyện, và tôi cứ phải yêu cầu cô lập lại. Một đôi khi, cô giữ con cho tôi, và nhờ đó tôi biết rõ cô hơn một chút. Tôi biết cô được lớn lên trong gia đình Công Giáo nhưng bây giờ không còn đến nhà thờ nữa vì ba mẹ cô giờ đây xa lạ với Giáo Hội.

Khi đã quen biết nhiều, cô nói luyên thuyên. Cô hỏi tôi nhiều câu về Kinh Thánh. Cô bắt đầu tâm sự với tôi về gia đình cô cũng như về tính nghiện rượu của ba cô.

Điều khiến cô cởi mở tâm sự là vì cô vừa tham dự một giáo hội mới. Người bạn cùng lớp trung học rủ cô tham dự một nghi thức của giáo hội Pentacost. Sau đó, cô có thói quen tham dự thường xuyên và dần dà mẹ cô cũng đi. Một tuần hai lần, hai mẹ con đến tham dự một nghi thức kéo dài ba giờ đồng hồ, và cũng tình nguyện lau chùi quét dọn nhà thờ.

Những người trong giáo hội mới của cô giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen, từng chữ một. Họ nói với cô là không được cắt tóc, vì Kinh Thánh nói mái tóc của phụ nữ là vinh dự. Họ nói cô không được đi bơi lội vì Kinh Thánh nói cô phải ăn mặc đoan trang. Họ nói với cô là những ai không tái sinh thì không được cứu độ, vì Kinh Thánh nói nếu người đó không tái sinh trong nước và Thánh Thần thì họ không được vào Vương Quốc Thiên Chúa. Cô vẫn tiếp tục cắt tóc và bơi lội và tin vào sự cứu độ của những người ngoài-Kitô Giáo. Mục sư của cô nói bây giờ thì được. Nhưng khi sẵn sàng, cô phải chấp nhận những giáo huấn này vì tin vào Thần Khí ở trong cô, chứ không vì bất cứ ai bảo cô phải làm như vậy.

Cô muốn tôi đảm bảo rằng cô không phải giải thích Kinh Thánh theo kiểu cách đó. Cô nói cô vẫn tin tưởng theo kiểu cách Công Giáo, nhưng trong giáo hội mới này cô vẫn thấy có những gì đúng với cô.

Và thật vậy. Cô tìm được một nhóm người sẵn sàng đến với cô và thương mến cô cho đến khi cô có thể yêu mến chính mình. Họ nói rằng cô là một tạo vật của Thiên Chúa, và Thiên Chúa không dựng nên đồ bỏ. Họ chào đón cô, tìm hiểu cô, giúp cô nói về cuộc đời mình và thay đổi lối sống. Sự biến đổi mà họ tạo được nơi cô gần như một phép lạ. Cô thay đổi thấy rõ. Cô đứng thẳng người hơn. Cô ăn diện đẹp hơn. Cô tự tin hơn. Cô nói thẳng để được hiểu đúng. Cô nói về những đề tài thực tiễn trong cuộc sống và bày tỏ điều cô tin tưởng. Cô trực diện với cha cô và đối chất ông về sự nghiện rượu và ông cần được chữa trị.

Với những điều cô cảm nghiệm, tôi thấy rất tốt đẹp. Tôi cám ơn Chúa vì những người trong giáo hội Pentacost, và vì ơn sủng hoạt động qua họ.  Tôi vẫn mạnh mẽ duy trì những điều tin tưởng khác biệt về cách giải thích Kinh Thánh, nhưng tôi vẫn cảm thấy chút ghen tương về Thần Khí của giáo hội ấy. Nhiều khi tôi tự hỏi: Tại sao giáo hội của mình không như vậy? Sao giáo hội mình không cởi mở hơn chút nữa?

Trong Chương Này

Trong những năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo ý thức hơn về chiều hướng xây dựng các cộng đồng đức tin sống động. Đã có sự gia tăng trong ý thức cộng tác mà qua đó giáo dân đảm nhận nhiều trách vụ trong giáo xứ. Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận về ba sự phát triển được coi như các phương tiện để canh tân giáo hội Công Giáo: các thừa tác vụ giáo dân, Nghi Thức Tháp Nhập Kitô Giáo của Người Trưởng Thành, và Canh Tân, một chương trình huấn luyện chung trong giáo xứ.

Chương này phản ảnh những phát triển có liên quan đến sự thay đổi vị thế của giáo dân đã được thảo luận trong chương 4 về Lumen Gentium. Nó cũng liên hệ đến sự thảo luận về việc phát triển các cộng đồng đức tin địa phương trong Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội của Vatican II.

Các Phương Tiện Canh Tân Giáo Hội

Các thừa tác vụ giáo dân ===> trao quyền cho giáo dân để phục vụ
Tháp nhập người trưởng thành ===> đưa vào cộng đồng
Canh tân ===> xây dựng các nhóm nhỏ sống đức tin

Các Thừa Tác Vụ Giáo Dân

Trong những năm gần đây, các giáo xứ Công Giáo nhận thấy sự phát triển rầm rộ của các thừa tác vụ giáo dân. Đức giáo hoàng kêu gọi phải làm sáng tỏ các danh xưng trong lãnh vực này. Chữ "thừa tác vụ" (ministry) đã được sử dụng theo nghĩa rộng và có nghĩa bất cứ công việc gì người ta thi hành dưới danh nghĩa Kitô Hữu. Không chỉ người phân phát bánh lễ được gọi là "thừa tác viên," mà các thầy cô, các cố vấn, và cả các y tá nữa. Danh từ này còn được nới rộng đôi chút để bao gồm cả các người làm bếp, thợ sữa chữa, một khi họ ý thức là đang phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng qua công việc làm. Trong một tài liệu về giáo dân, đức giáo hoàng yêu cầu phải chấm dứt việc sử dụng lẫn lộn này bằng cách giới hạn danh từ "thừa tác viên" và "thừa tác vụ" vào các công việc có liên hệ rõ ràng đến giáo hội. Đồng thời, đức giáo hoàng kêu gọi giáo dân nhắm đến sứ vụ của giáo hội trong thế giới qua gia đình, công việc, và thay đổi xã hội. Giáo dân phải đề phòng nguy hiểm khi quá chú trọng đến các vấn đề nội bộ trong giáo hội.

Tuy việc dùng chữ "thừa tác vụ" đã được giới hạn như một dịch vụ có liên hệ đến giáo hội, gần đây sự phát triển thừa tác vụ giáo dân thật rộng lớn. Điều này vừa đúng với các thừa tác viên giáo dân chuyên nghiệp, có khả năng, được trả lương cũng như các người làm việc tình nguyện. Việc thiếu hụt linh mục và tu sĩ cũng như cảm nhận mới về sự cộng tác của giáo dân khiến sự phát triển như vậy không thể tránh được.

Nhiều giáo xứ Công Giáo ngày nay thuê giáo dân làm việc như các thừa tác viên chuyên môn. Các phụ tá mục vụ và giám đốc mục vụ làm việc bên cạnh các linh mục để trông coi toàn thể giáo xứ, thi hành hầu hết các việc ngoại trừ cử hành Thánh Lễ và giải tội. Trong các giáo xứ thiếu linh mục, giám đốc mục vụ trông coi giáo xứ. Các giám đốc về giáo dục tôn giáo chịu trách nhiệm chương trình giáo lý người lớn và các lớp giáo lý cho trẻ em. Các thừa tác viên giới trẻ trông coi các chương trình toàn diện cho giới trẻ.

Các giáo dân đảm nhận các chức vụ này thường có bằng cấp về thần học hoặc mục vụ hoặc đã hoàn tất chương trình huấn luyện thừa tác viên trong giáo phận. Nhu cầu cần có những người này vẫn gia tăng, cả bên trong lẫn bên ngoài giáo xứ. Giáo dân ngày nay phục vụ như các thừa tác viên trong các trường trung học, đại học, bệnh viện, giáo phận và các tổ chức xã hội Công Giáo.

Các công việc được thi hành bởi các thừa tác viên không chuyên môn lại càng rộng lớn hơn sự bành trướng của các thừa tác viên chuyên môn trong giáo hội Công Giáo. Kể từ Công Đồng Vatican II, mỗi giáo xứ đều có một hội đồng các thành viên để thẩm định tình trạng giáo xứ và cố vấn cho cha xứ trong những quyết định quan trọng. Ngoài hội đồng giáo xứ còn có nhiều ủy ban, mỗi ủy ban đặc trách một thừa tác vụ riêng biệt. Hầu hết giáo xứ đều có ủy ban phụng vụ, ủy ban giáo dục và ủy ban tài chánh. Trong giáo xứ của tôi còn có một ủy ban thăm viếng người đau yếu, một ủy ban tang chế an ủi các gia đình có người thân yêu qua đời, một ủy ban công lý và hòa bình đề cập đến các vấn đề xã hội, một nhóm truyền giáo cố gắng loan truyền phúc âm trong giáo xứ cũng như đến với những người không có tôn giáo, và nhiều hình thức tình nguyện khác nhằm đưa giáo dân vào các thừa tác vụ.

Các thừa tác vụ giáo dân là một phương tiện canh tân giáo hội vì nó giúp người dân nói lên vai trò sở hữu của mình trong đời sống tinh thần của giáo xứ. Vai trò chính của linh mục, phụ tá mục vụ, và giám đốc chương trình giáo dục tôn giáo là để huấn luyện, tạo điều kiện thuận lợi, điều hợp và cho phép giáo dân hình thành một cộng đồng đức tin sống động. Các người chuyên môn không thể thi hành được điều này. Giáo dân Công Giáo phải được đối xử như những người trưởng thành là người chịu trách nhiệm về việc thăng tiến tâm linh của chính mình.

Nghi Thức Tháp Nhập Kitô Giáo của Người Trưởng Thành

Một phương tiện khác để canh tân là Nghi Thức Tháp Nhập Kitô Giáo của Người Trưởng Thành (RCIA).

Hàng ngàn năm trước khi có Công Đồng Vatican II, thần học công giáo liên quan đến việc rửa tội chỉ để ý đến các em sơ sinh. Các bé sơ sinh góp phần lớn trong số người được rửa tội. Điều này vẫn đúng về số lượng, nhưng, kể từ sau công đồng, thần học về bí tích rửa tội nhắm đến người trưởng thành. Nói cách khác, khi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của bí tích rửa tội, trước hết chúng ta phải nghĩ xem khi tháp nhập một người trưởng thành vào một cộng đồng đức tin thì điều đó có ý nghĩa gì. Bí tích rửa tội không chỉ có việc đổ nước lên đầu và đọc một số câu cú; nó bao gồm một tiến trình hội nhập phức tạp mà qua đó một người được trở nên phần tử đích thực của một cộng đồng mà cộng đồng ấy đang cố gắng sống đúng với ơn sủng của mình.

Trước thời Vatican II, việc chuẩn bị rửa tội người lớn chỉ quanh quẩn với "các lớp trở lại đạo" để dạy một số tín điều căn bản của giáo hội cho bất cứ ai muốn trở nên người Công Giáo. Thường thường, tài liệu này cũng giống như sách giáo lý của trẻ em. Chủ đích là cung cấp các dữ kiện: những gì người Công Giáo tin về Thiên Chúa, ơn sủng, giáo hội, bí tích, và mười điều răn. Nếu người muốn trở lại đạo chứng tỏ khả năng hiểu biết đức tin xứng hợp với khả năng của mình, họ được coi là đã sẵn sàng để rửa tội. Nghi thức rửa tội ngắn gọn thường xảy ra trong một phòng tách biệt với nhà thờ chính và có thể có sự hiện diện của bạn hữu hay thân nhân.

Nghi Thức Tháp Nhập Kitô Giáo của Người Trưởng Thành phục hồi một tiến trình căn bản đã được giáo hội thi hành từ thế kỷ thứ ba đến thứ năm. Nghi thức này có thể kéo dài từ một đến ba năm. Chủ đích là đào tạo hơn là cung cấp dữ kiện; đó là, quan tâm đến sự thăng tiến của một phần tử của giáo hội hơn là sự hiểu biết về đức tin Công Giáo. Điều này không có nghĩa các tín điều thì không quan trọng, ngay cả chủ yếu; điều này chỉ có nghĩa các tín điều không có ưu thế hơn sự cảm nghiệm đời sống đức tin của một tín hữu Kitô trong khung cảnh của một cộng đồng đức tin.

Việc chuẩn bị rửa tội xoay quanh các cuộc họp của nhóm bao gồm những người muốn rửa tội, người đã rửa tội và muốn trở lại Công Giáo, các người bảo trợ, và nhóm tổ chức. Thông thường các nhóm này gặp nhau hai lần một tuần: một lần vào chiều tối, một lần vào Chúa Nhật sau phụng vụ Lời Chúa. Người dự tòng, là tên gọi những ai muốn được tháp nhập, tham dự trong phần phụng vụ Lời Chúa, nhưng sau bài giảng họ được giải tán để tham dự cuộc họp. Trong một ý nghĩa, giai đoạn trước khi rửa tội là thời gian chờ đợi để được tham dự Tiệc Thánh Thể cách trọn vẹn. Giai đoạn này làm cho người dự tòng cũng như những người đã là Công Giáo thấy rằng việc tham dự và lãnh nhận bí tích Thánh Thể là một đặc ân cao trọng.

Trong cuộc họp, người tham dự không chỉ học hỏi về đức tin Công Giáo mà còn học cách cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, chia sẻ cảm nghiệm, giao tiếp với người khác, kết tình bằng hữu, và thăng tiến đức tin. Đó là thời gian để cùng nhau trở thành người Công Giáo. Một trong những chiều kích mỹ miều của sự tháp nhập là ý nghĩa tiềm tàng bên trong, đó là để trở nên một Kitô hữu và để duy trì là một Kitô Hữu thì tiến trình thăng tiến đức tin căn bản giống như nhau. Người mới cũng có thể góp phần như người cũ. Nó không có nghĩa người Công Giáo tự hào cho rằng "chúng tôi có được điều đó" và chúng tôi cho phép người dự tòng cũng có được điều đó. Đúng hơn, nó có nghĩa chúng tôi đang thăng tiến trong đức tin và chúng tôi mời các dự tòng cùng tham dự với chúng tôi trong hành trình đức tin ấy. Chúng tôi không cho rằng cần phải trổi vượt hơn người dự tòng về các vấn đề căn bản trong sự tương giao với Thiên Chúa và trưởng thành tâm linh. Nhiều người bảo trợ (*) cho biết khi gặp gỡ những dự tòng trong hành trình Tháp Nhập Kitô Giáo của Người Trưởng Thành, họ được cảm nghiệm đức tin Công Giáo ở một mức độ chưa từng có.

Các dự tòng, là những người chuẩn bị được rửa tội vào lễ Phục Sinh, được ghi tên trong cuốn sổ tuyển chọn trong một Thánh Lễ vào Chúa Nhật I Mùa Chay. Thời gian mùa Chay là giai đoạn chuẩn bị ráo riết hơn. Các dự tòng được rửa tội trong lễ Vọng Phục Sinh vào đêm thứ Bẩy Tuần Thánh. Họ cũng được lãnh nhận bí tích thêm sức và thánh thể. Ba bí tích này được coi là các bí tích tháp nhập, được ban cho cùng một lúc trong các thế kỷ đầu của giáo hội. Những ai đã rửa tội thì chỉ lãnh nhận bí tích thêm sức và thánh thể mà thôi. Trong vài tuần tiếp đó, nhóm này sẽ tiếp tục gặp gỡ để đào sâu thêm về ý nghĩa của việc lãnh nhận các bí tích và việc trở nên người Công Giáo cách trọn vẹn.

Việc tháp nhập người trưởng thành trở nên một phương tiện canh tân giáo hội là vì nó thúc giục toàn thể giáo xứ đi theo một chiều hướng nhằm đào tạo toàn thể mọi người. Một khi cộng đồng bắt đầu cử hành các nghi thức để tháp nhập người trưởng thành vào cộng đồng đức tin sống động, giáo xứ ấy sẽ cảm thấy được thúc giục để sống đức tin mạnh mẽ hơn nữa. Chính nhóm này--các người xin gia nhập, người dự tòng, người được tuyển chọn, người tân tòng, các bảo trợ, các giáo lý viên--hoạt động như một nhóm kiểu mẫu để thu hút toàn thể giáo xứ tham gia trong một phương cách nào đó. Các người bảo trợ và các giáo dân khác đại diện cho giáo xứ ở trong nhóm này. Giáo dân và dự tòng biết nhau qua các sinh hoạt trong đời sống giáo xứ. Giáo dân chứng kiến người dự tòng rời Thánh Lễ sau khi nghe giảng. Giáo dân tham dự trong các nghi thức tuyển chọn người dự tòng và khi họ được lãnh nhận các bí tích tháp nhập. Tiến trình tháp nhập mời gọi mọi người Công Giáo suy nghĩ sâu xa hơn về ý nghĩa của một Kitô Hữu. Việc lập lại lời hứa khi rửa tội trong lễ Phục Sinh mang một ý nghĩa mới. Nghi Thức Tháp Nhập Kitô Giáo của Người Trưởng Thành có thể làm lây lan Thần Khí và bùng lên nhiệt huyết trong toàn giáo xứ.

Canh Tân

Canh tân là chương trình phổ thông nhất trong vài chương trình được đề ra để giúp đỡ các giáo xứ trong tiến trình đào tạo toàn thể cộng đồng. Căn bản, chương trình này kéo dài hai năm rưỡi, nhưng kết quả được nhắm đến sẽ tồn tại mãi mãi. Mặc dù chương trình này có nhiều bộ phận khác nhau bao gồm toàn thể giáo xứ, tỉ như các buổi cầu nguyện, phụng vụ, tổ chức hội hè, và học hỏi Kinh Thánh ở nhà, tâm điểm của chương trình Canh Tân là việc hình thành các nhóm nhỏ chia sẻ đức tin.

Khi giáo xứ tôi trải qua tiến trình Canh Tân, trên năm mươi phần trăm thành viên gia nhập một nhóm nhỏ chia sẻ đức tin. Chúng tôi được các điều hợp viên của giáo phận cho biết đây là một con số bất thường. Chính tôi cũng là một thành viên của nhóm này. Khi chương trình chấm dứt sau hai năm rưỡi, tất cả các nhóm đều đồng ý tiếp tục gặp gỡ nhau. Giờ đây, ba năm sau, nhóm tôi vẫn còn gặp nhau hai kỳ mỗi năm, mỗi kỳ gặp nhau hàng tuần trong sáu tuần. Các nhóm khác cũng có lịch trình tương tự.

Trong các nhóm này, chúng tôi học cách chia sẻ về những biến cố của đời sống trong khung cảnh thảo luận đức tin. Chúng tôi biết nhau rõ và tin tưởng nhau nhiều. Nhóm đem lại cho chúng tôi sự hỗ trợ để đối phó với các vấn đề cá nhân. Nhóm đem lại cho chúng tôi một đảm bảo rằng chúng tôi không cô đơn trong việc tìm kiếm ý nghĩa của các sự kiện trong một thế giới điên cuồng và từ một Thiên Chúa mà đường lối của Người thật khó hiểu. Nhóm đề ra cho chúng tôi những thử thách sống đức tin trong thực tế đời sống hàng ngày.

Canh tân là một phương tiện để canh tân giáo hội vì nó đem cho người Công Giáo một phương cách để cộng tác trong một cộng đồng đức tin đầy ý nghĩa. Cũng như các thừa tác vụ giáo dân và Nghi Thức Tháp Nhập Kitô Giáo của Người Trưởng Thành, nó giúp người ta tham dự vào các sinh hoạt nói lên ý nghĩa của một người theo Đức Kitô ở một mức độ cảm nghiệm sâu xa hơn. Tất cả đều có ảnh hưởng dây chuyền. Toàn thể giáo xứ đều cảm thấy tác động này.

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa khảo sát một vài phương tiện mà giáo hội Công Giáo dùng để xây dựng cộng đồng: các thừa tác vụ giáo dân, sự tháp nhập người trưởng thành, và Canh Tân.

Một cách tổng quát, các giáo xứ Công Giáo vẫn còn nhiều việc phải làm để trở nên các cộng đồng sống động của những người sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau để sống như các môn đệ của Đức Kitô. Chúng ta còn phải đi xa hơn nữa để trở nên các cộng đồng có sức thu hút người khác và giúp họ cảm thấy được tiếp đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, cùng lúc chúng ta phải đặt ra mục tiêu rõ ràng, và hiện thời chúng ta đã có nhiều phương tiện hữu hiệu.

Trong chương tới, chúng ta sẽ khảo sát các chiều kích tâm linh của một trong các lĩnh vực chính của sinh hoạt giáo dân: thế giới công việc.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Bạn có biết câu chuyện của người nào đó từng thay đổi đời sống nhờ những cảm nghiệm trong một cộng đồng đức tin không?
Bạn có thể đưa ra một thí dụ minh chứng cho sự khác biệt giữa việc đối xử với giáo dân như con nít và đối xử với họ như người trưởng thành, là người có trách nhiệm về chính đời sống tâm linh của mình không?
Bạn có cảm thấy thoải mái khi được phục vụ bởi một giáo dân cũng như khi bởi một linh mục không?
(*) Theo tổ chức của RCIA, một dự tòng phải có một người bảo trợ là người cùng đồng hành với họ trong suốt chương trình để chia sẻ và nâng đỡ tinh thần cho người dự tòng.
Chương 15: MỘT TINH THẦN TRONG CÔNG VIỆC

Một sinh viên năm thứ nhất trong lớp tôi dạy đã đến gặp tôi. Anh khoảng mười chín tuổi. Anh cho biết anh quyết định chọn môn Sinh Thái Học. Tôi hỏi tại sao anh lại quyết định như vậy. Anh trả lời là một người bạn cho biết công việc của một Nhân Viên Bảo Vệ Môi Sinh (E.P.A.) được trả lương cao. Và với khuynh hướng hiện nay đó là một tương lai bảo đảm.

Tôi hỏi ngoài ra còn có lý do nào khác mà anh chọn môn này. Anh suy nghĩ đôi chút và trả lời là có. Anh thường mong ước trở nên một cảnh sát viên. Duy trì luật lệ là điều hấp dẫn anh. Khi xem các chương trình cảnh sát trên truyền hình, anh cảm thấy đó là điều anh muốn. Công việc làm mà anh sẽ nhận là E.P.A. sẽ giúp anh bao gồm việc duy trì luật lệ với khả năng kỹ thuật. Anh sẽ có một công việc lương cao và vẫn có thể thi hành điều anh muốn.

Tôi hỏi cá nhân anh có lưu tâm gì đến môi sinh hoặc ảnh hưởng của sự suy thoái môi sinh đối với cộng đồng nhân loại không. Anh cho biết chưa bao giờ anh nghĩ về điều đó, nhưng anh không có trở ngại gì khi phải để ý đến điều đó.

Một số người có khuynh hướng nghĩ rằng câu trả lời của anh sinh viên này là một dấu hiệu đáng buồn của thời đại khi các sinh viên chỉ thích làm tiền mà không để ý gì đến lợi ích của xã hội. Nếu người sinh viên đang ở năm chót đại học, câu trả lời của anh quả thật tượng trưng cho một vấn nạn; tuy nhiên, với sinh viên năm thứ nhất, họ có nhiều điều mơ ước để thố lộ. Thật vậy, đắn đo suy nghĩ các điều thảo luận sau đây với ba mục đích chính yếu của công việc mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ra, câu trả lời của anh sinh viên này chứng tỏ hai điều đầu tiên và anh sẵn sàng chấp nhận điều thứ ba.

Trong Chương Này

Như đã được thảo luận trong một chương trước đây, các lãnh vực chính để giáo dân hoạt động được vạch ra trong văn kiện Lumen Gentium là công việc, gia đình, và thay đổi xã hội. Trong chương này chúng ta sẽ xem xét đến vị trí công việc trong đời sống Kitô Hữu; đó là, chúng ta sẽ tìm hiểu một tinh thần trong công việc. Để thi hành điều này, chúng ta sẽ dựa vào các chủ đề trong thông điệp Laborem Exercens của Đức Gioan Phaolô II về công việc.

Ba Mục Đích của Công Việc

Tôi nhớ đến một chức vụ hợm hĩnh mà tôi đảm trách ở trường đại học trong đầu thập niên 1970, mà thời đại ấy vẫn còn ảnh hưởng của thập niên 1960--cuộc chiến Việt Nam, nhạc rock, tự do luyến ái, và cách mạng văn hóa. Tôi nghĩ để trở nên một con người đích thực, người ta phải giỏi về các bộ môn như văn chương Anh, Triết hoặc Công Tác Xã Hội. Tôi có khuynh hướng coi thường các sinh viên nào chọn môn thương mãi hay kỹ thuật vì cho rằng họ tiếp tay với sự thối nát của quân đội và kỹ nghệ. Tôi chia thế giới làm hai loại người: những người lưu tâm đến đời sống, tình cảm, hòa bình và tình nghĩa huynh đệ, và những người chỉ biết kiếm tiền.

Từ đó đến giờ tôi học được nhiều điều. Tôi không còn chia thế giới làm hai loại người. Tôi cũng không chống đối việc kiếm tiền. Tôi nhận ra được rằng thế giới rất cần đến những người có tâm hồn xã hội đi vào lãnh vực thương mại và kỹ thuật. Chúng ta không cần đến một thế giới đầy những thầy cô dạy văn chương Anh và cán sự xã hội. Chúng ta cần thương gia, thầy cô, chuyên viên kỹ thuật, và cán sự xã hội biết hy sinh lưu tâm đến thế giới và tận tụy cho một xã hội công bằng hơn.

Tôi thấy điều suy nghĩ của Đức Gioan Phaolô II về ba mục đích của công việc thì thật thích hợp về phương diện này. Ngài không nói rằng một đời sống tươm tất là tội lỗi. Ngài không nói rằng chỉ nghĩ đến thành đạt cá nhân là ích kỷ. Đúng hơn, ngài đưa ra một quan điểm mà trong đó cả ba điều lưu tâm này được quân bình bởi sự lưu tâm đến tha nhân.

Ba Mục Đích của Công Việc theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Kiếm Sống,
Tự Biểu Hiện / Thành Đạt,
Góp Phần cho Xã Hội.

Mục đích thứ nhất của công việc là kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình. Điều này không thể là sự lưu tâm độc nhất, quan trọng hơn tất cả, nhưng nó có một vị thế quan trọng. Mục đích thứ hai là để biểu lộ cá thể và khả năng hoàn thành. Công việc là điều đa số chúng ta thi hành mà phần lớn vì đời sống náo nhiệt. Những gì chúng ta làm nói lên con người của chúng ta. Mục đích thứ ba là để góp phần vào xã hội rộng lớn. Chúng ta không chỉ làm việc cho chính mình nhưng còn cho lợi ích của người khác. Chúng ta đem hết khả năng và sức lực để phục vụ cho những ai có nhu cầu.

Điều tôi thấy quan trọng về ba mục đích này là chúng không trái ngược nhau. Chúng có thể hòa hợp với nhau. Đức Gioan Phaolô II đề nghị rằng cả ba đều rất quan trọng, và nếu thiếu một trong ba mục đích này, ý nghĩa công việc sẽ có trở ngại.

Ba mục đích này dường như lý tưởng khi áp dụng vào đời sống thực tế. Tôi biết có nhiều người chán ghét công việc của họ. Tôi biết nhiều người coi công việc chỉ là phương tiện sinh nhai. Tôi biết có nhiều người ngượng ngùng với công việc vì vị thế thấp kém trong xã hội. Tôi biết nhiều người không bao giờ nghĩ đến sự phục vụ mà luôn bực dọc với khách hàng nên càng tránh né càng tốt. Với nhiều người, công việc chẳng có gì vui. Thay vì là một phương tiện để nói lên con người của mình và để góp phần vào xã hội, công việc được coi như một nhà tù mà người ta tìm cách trốn tránh khi có dịp.

Đức Gioan Phaolô II không phải là không ý thức về tính cách mơ hồ của công việc. Trong Laborem Exercens, ngài viết:

Đời sống nhân loại được tích tụ hàng ngày bởi công việc, từ công việc nó phát sinh giá trị đặc biệt của nó, nhưng đồng thời công việc cũng bao gồm biết bao lao nhọc và đau khổ của con người và còn có sự bất công và thiệt hại ăn sâu vào đời sống xã hội… (đoạn 1)

Đối diện với sự mơ hồ của công việc, thật quan trọng để xem xét các chiều kích khác của điều mà đức giáo hoàng đã đưa ra để suy nghĩ về ý nghĩa công việc.

Giá Trị của Công Việc

Điều gì đem lại giá trị cho công việc? Đề cập đến vấn đề này, Đức Gioan Phaolô II phân biệt giữa các chiều kích chủ quan và khách quan của công việc. Trong ý nghĩa khách quan, công việc liên quan đến các kỹ thuật mà con người dùng để thao túng thế giới nhằm thỏa đáp nhu cầu của con người. Đức giáo hoàng nhắc đến nông nghiệp, kỹ nghệ, dịch vụ, và nghiên cứu như các thí dụ cho các ngành hoạt động kinh tế trong ý nghĩa khách quan. Đó là, trong ý nghĩa khách quan, công việc ám chỉ đến loại việc làm phải được thi hành.

Trong ý nghĩa chủ quan, công việc liên quan đến hoạt động của người thi hành trong một phương cách mà nó độc lập với loại công việc. Đó là, bất cứ khi nào công việc được thi hành, nó bao gồm một con người, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, được mời gọi để thể hiện cá thể của mình, thi hành các công việc và hoạt động nào đó. Điều này thật đúng bất kể loại hoạt động gì. Công việc trong ý nghĩa chủ quan liên quan đến sự kiện là bất kể công việc gì, người thi hành công việc là một con người.

Từ sự phân biệt này, Đức Gioan Phaolô II vạch ra 2 điểm quan trọng để thảo luận về một tâm linh cho công việc. Trước hết, ngài tuyên bố rằng, hầu như mọi người đều là công nhân. Dù đó là người nội trợ, học sinh, thợ nề, nghệ nhân, quản lý, người đầu tư, chủ nhân, hay một giáo sư, tất cả là công nhân. Họ thi hành công việc vừa để biểu lộ cá thể của mình và vừa để phục vụ người khác. Đức giáo hoàng đã dành một chương nhỏ để giải thích làm thế nào người tật nguyền cũng được coi là công nhân và cũng có cơ hội để góp phần.

Trong khu xóm tôi ở, tôi nhận thấy có sự căng thẳng giữa các bà mẹ đi làm và các bà mẹ ở nhà nuôi con. Mỗi nhóm đều có kiểu cách bực bội và khinh miệt nhóm kia. Mỗi nhóm dường như cũng nhận thấy sự nực cười này và tìm cách khắc phục. Qua định nghĩa của đức giáo hoàng, cả hai nhóm đều là công nhân. Được trả lương không phải là điều để phân biệt giữa người đi làm hoặc người không đi làm. Tối thiểu ở điểm đó các bà mẹ phải đoàn kết với nhau.

Ý tưởng rằng mọi người là công nhân cũng có liên quan đến các lãnh vực kinh tế và xã hội. Mặc dù có những khác biệt giai cấp về phương diện kinh tế và xã hội, trong ý nghĩa chủ quan, tất cả chúng ta là người lao động. Sự đầu tư chỉ là một dụng cụ; công việc thì có liên quan đến con người.  Công việc phải được coi là để phục vụ con người, vì con người quan trọng hơn đồ vật. Sức lao động có ưu thế hơn tiền vốn. Tuy nhiên, khi nói như vậy, Đức Gioan Phaolô II không muốn đưa giới lao động lên trên giới tư sản; đúng hơn ngài kêu gọi mọi người hãy nhận thức rằng chúng ta đều đứng về một phía đó là người lao động. Như vậy, Đức Gioan Phaolô II đã phá đổ ý niệm giai cấp khi đề cao giá trị con người. Người giầu không tốt hơn người nghèo hay giới lao động; ý tưởng "mọi người đều là một công nhân" mời gọi chúng ta đóng góp cho xã hội và biểu lộ cá thể.

Điểm thứ hai mà Đức Gioan Phaolô II rút ra từ sự phân biệt giữa chiều kích khách quan và chủ quan của công việc, đó là phẩm giá của công việc phát xuất từ chiều kích chủ quan. Nói cách khác, điều đem lại phẩm giá cho công việc không phải là loại công việc nhưng chính là con người thi hành công việc. Qua sự cân nhắc này, một nông gia di dân, một nhân viên sở vệ sinh, một thợ rửa xe không kém giá trị hơn một bác sĩ, một kỹ sư hay một quản lý. Trong Laborem Exercens, đức giáo hoàng nói rất rõ về điểm này và sự liên hệ của nó với ý niệm giai cấp:

… căn bản để xác định giá trị công việc thì chính yếu không phải là loại công việc thi hành, nhưng sự thật là chính con người thi hành công việc đó. Các nguồn giá trị của công việc thì được tìm thấy trong chiều kích chủ quan, chứ không phải khách quan.

Một quan điểm như thế trên thực tế thật khác xa với sự phân biệt giai cấp cổ xưa của loài người theo công việc được thi hành. Điều này không có nghĩa, theo quan điểm khách quan, công việc loài người không thể và không nên định giá theo bất cứ cách nào. Nó chỉ có nghĩa: căn bản chính yếu của công việc chính là con người, là chủ thể của công việc. (đoạn 6)

Đức giáo hoàng không nói mọi công nhân đều được hưởng như nhau; ngài không nói không được có giai cấp về phương diện khách quan. Đúng ra, ngài nói phẩm giá căn bản của con người có liên hệ với công việc thì không xuất phát từ địa vị xã hội.

Lập trường của đức giáo hoàng có nhiều áp dụng thực tế. Mọi người đều lao động. Mọi người lao động phải nhớ rằng công việc là để phục vụ con người. Mọi người làm việc có cùng một phẩm giá mà nó không xuất phát từ loại công việc được thi hành. Mọi người làm việc đều có các quyền lợi, kể cả quyền được trả lương cũng như phúc lợi xứng đáng và quyền thành lập nghiệp đoàn để bảo vệ các phúc lợi quan trọng. Nói cho cùng, giới công nhân phải được chia sẻ trong việc quyết định cũng như quyền làm chủ công ty nơi họ làm việc. Những điểm thực tế này từng được nhấn mạnh trong giáo huấn Công Giáo về xã hội.

Thế giới thực tế dường như xa vời với quan điểm của đức giáo hoàng. Có thể nào đó là sự thật khi chúng ta coi mọi người đều bình đẳng về phẩm giá tinh thần theo một phương cách độc lập với địa vị xã hội của chúng ta hay không? Tác giả G.K. Chesterton diễn tả khả năng này như một trong các đặc tính độc đáo của Thánh Phanxicô Assisi:

Thánh Phanxicô tôn kính mọi người; đó là, ngài không chỉ yêu mến nhưng còn tôn trọng mọi người. Điều đã đem cho ngài sức mạnh lạ lùng này là; từ đức giáo hoàng cho đến người ăn xin, từ ông vua sang trọng trong sảnh đường đến kẻ trộm rách rưới trong rừng, không một ai khi nhìn vào đôi mắt nâu của Phanxicô mà không thấy rằng ngài thực sự quan tâm đến họ; trong đời sống nội tâm riêng tư từ chiếc nôi cho đến mộ phần; là chính họ được coi trọng và lưu tâm… ngài đối xử với đám đông quần chúng như với đám đông các vua.

Đối với đa số chúng ta, một khả năng như thế thì thật xa vời.

Thập Giá và Sự Phục Sinh

Chúng ta vẫn còn mơ hồ với công việc. Đức Gioan Phaolô II trở lại với vấn đề này trong đoạn sau cùng của Laborem Exercens. Một đằng, công việc là chia sẻ sự tạo dựng của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn tích cực hoạt động trong thế giới, và khi làm việc chúng ta dự phần trong hoạt động sáng tạo này một cách giới hạn trong khả năng chúng ta. Chính Đức Giêsu là một người lao động, một thợ mộc, là người quen thuộc với thế giới làm việc và là người thường đề cập đến giới lao động trong các dụ ngôn và giảng dậy của người.

Tuy nhiên, đằng khác, công việc thì vất vả và đau khổ, mồ hôi và nước mắt. Điều này có nghĩa gì?

Đức giáo hoàng đưa chúng ta về với thập giá của Đức Kitô. Công trình cứu chuộc của Đức Giêsu bao gồm nhiều đau khổ. Qua công việc, chúng ta chia sẻ trong thập giá Đức Kitô và ngay cả trong công trình cứu độ của Người. "Người ta chứng tỏ mình là môn đệ đích thật của Đức Kitô bằng cách vác thập của mình hằng ngày trong sinh hoạt mà họ được kêu gọi để thi hành" (đoạn 27).

Đức giáo hoàng cũng nhắc nhở chúng ta rằng thập giá dẫn đến sự cứu độ. Công việc chúng ta làm góp phần thực hiện một trái đất mới đang trông chờ sự cứu độ sau cùng qua sự ngự đến của vương quốc Thiên Chúa. Các kết quả tốt đẹp của công việc chúng ta làm thì phải kiên cường hy vọng đích thực của chúng ta qua sự hé mở một "tia sáng của đời sống mới."

Nói cách khác, trong chương sau cùng này đức giáo hoàng dùng ngôn ngữ tôn giáo để nhắc nhở chúng ta rằng công việc là một trong những phương cách chính yếu mà Kitô Hữu dự phần trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Sự đau khổ trong công việc thì không thể từ chối, nhưng đúng hơn được xếp trong khung cảnh của mầu nhiệm này. Chúng ta không biết trả lời sao cho lý do của sự vất vả, nhưng chúng ta có thể nhìn đến thập giá và tin rằng, qua sự đau khổ của Đức Kitô, sự vất vả của chúng ta nói cho cùng cũng có một ý nghĩa nào đó.

Làm Việc và Nghỉ Ngơi

Trong Laborem Exercens đức giáo hoàng nói rằng làm việc và nghỉ ngơi cũng được chia sẻ trong sự sáng tạo của Thiên Chúa. Khi Sáng Thế Ký viết Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, chúng ta giải thích điều này như một nhận xét về sự thích hợp và ngay cả thánh thiện để nghỉ ngơi.

Đây là một điểm quan trọng phải nghĩ đến trong một xã hội mà sự mải mê làm việc đang gia tăng. Một người mải mê làm việc là người có xu hướng tìm một lối thoát qua công việc. Điều mà người mải mê làm việc thường tìm cách thoát khỏi là thiếu tự tin, không có nhiều giao tiếp với người khác, và một đời sống tinh thần bị cắt cụt. Sự mải mê làm việc có thể tạo địa vị xã hội và kiếm được nhiều tiền nhưng nó tiêu hủy đời sống của cá nhân cũng như gia đình.

Đức Giêsu không phải là người mải mê làm việc. Đức Giêsu không yêu cầu các bệnh nhân đau yếu, người bị qủy ám đứng xếp hàng dài để Người chữa trị từ sáng đến tối. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu thường dành thời giờ để cầu nguyện và nghỉ ngơi.

Nghỉ ngơi và rảnh rỗi cũng quan trọng như công việc. Việc phát triển cũng như vui hưởng các giao tế nhân sự là một phần thiết yếu trong mục đích của chúng ta ở trên mặt đất này cũng như bất cứ sự góp phần xã hội nào. Đức Gioan Phaolô II nói rằng nhịp độ công việc và nghỉ ngơi "phải dành chỗ để con người chuẩn bị chính mình, bằng cách ngày càng trở nên giống với ý định của Thiên Chúa, vì sự 'nghỉ ngơi' mà Thiên Chúa dành cho các tôi tớ và bạn hữu của Người" (đoạn 25).

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa thảo luận vài chiều kích về tinh thần cho công việc: mục đích của công việc, nguồn gốc giá trị của công việc, ý nghĩa của sự lao nhọc và thành đạt, và nhu cầu phải quân bình giữa lao động và nghỉ ngơi.

Tôi vẫn nghĩ rằng người thanh niên cho tôi biết về quyết định của anh khi chọn môn Sinh Thái Học là một khởi đầu tốt đẹp. Anh nhìn thấy một phương cách để sinh sống. Anh bị lôi cuốn đến một nghề nghiệp mà nó sẽ cho phép anh biểu lộ chính cá thể mình. Anh chưa nghĩ đến rằng công việc sẽ giúp anh góp phần cần thiết cho xã hội.

Anh sẽ thấy chính anh tương giao với các công nhân khác như thế nào? Từ đâu anh có được một cảm nhận về phẩm giá của chính anh trong công việc? Anh sẽ giải thích thế nào về sự lao nhọc và cực khổ không thể tránh của công việc? Anh có bị vùi lấp trong công việc không, hay anh vẫn còn một cảm nhận mạnh mẽ về các giao tế nhân sự và một tinh thần riêng tư?

Trong chương kế tới chúng ta sẽ bàn về những thay đổi căn bản trong cái nhìn và sự tương giao của người Công Giáo đối với Thiên Chúa.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Bạn có những cảm nghiệm tích cực hay tiêu cực về công việc đối với việc nuôi dưỡng các giao tế nhân sự tốt đẹp?
Có phải các sinh viên ngày nay quá chú trọng đến việc kiếm tiền?
Bạn có nghĩ đó là điều phổ thông khi người trẻ nghĩ đến sự góp phần cho xã hội khi họ chọn nghề nghiệp?
Sự mải mê làm việc có phải là vấn đề lớn, hay đó chỉ là một khuynh hướng khi nói đến những người làm việc quá nhiều?
Nghe có vẻ gượng gạo hay không khi đề nghị rằng người ta phải liên kết công việc làm với sự chết và sự sống lại của Đức Kitô?
Chương 16: TÂM LINH KITÔ GIÁO

Khi là một cậu bé giúp lễ trong đầu thập niên 1960, tên cúng cơm của tôi là "Lập Cập" vì khi tôi cầm các ly rượu và nước cho linh mục làm lễ thì mãi từ cuối nhà thờ người ta cũng có thể nghe được tiếng leng keng chạm vào nhau. Tôi sợ Chúa muốn chết. Tôi sống với điều mà bây giờ tôi nghĩ đó như một linh đạo "ghế nhạc trưởng." (*) Trong linh đạo ghế nhạc trưởng, sự tập trung lớn nhất là điều sẽ xảy đến khi bạn chết. Đó là, khi tiếng nhạc đời sống chấm dứt, liệu trên thiên đàng có còn chỗ nào cho bạn hay không?

Sự sợ hãi hỏa ngục, sự tin tưởng rằng thật khó mà xuống hỏa ngục, cái bẫy của tội trọng: Những ám ảnh này chờn vờn trong lương tâm của tôi khi còn nhỏ. Tôi không biết những điều này từ gia đình, nhưng từ trường Công Giáo.

Tôi cũng biết được nhiều điều tuyệt vời về tôn giáo từ nhà trường. Tôi biết về sự quan trọng của việc yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi hiểu về việc đón nhận Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể và các bí tích khác. Tôi biết những điều phải trái. Tôi học được giá trị của sự hy sinh và tinh thần môn đệ.

Tuy nhiên, sự sợ hãi Thiên Chúa và hỏa ngục đã thấm nhập tuổi thanh xuân của tôi song song với sự hiểu biết thế nào là đời sống Kitô Hữu. Là một Kitô Hữu thì không chỉ yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Nó gồm cả việc chuẩn bị cho ngày phán xét. Thật vậy, nó như thể một phương thức được dàn dựng mà theo đó Thiên Chúa sẽ phán xét tình trạng đời đời của bạn.

Căn bản, nó giống như thế này:

Nếu bạn chết trong tình trạng ơn sủng, bạn sẽ được lên thiên đàng. Nếu bạn chết ngoài tình trạng ơn sủng, bạn sẽ xuống hỏa ngục. Nếu bạn chết với nhiều tội nhẹ nhưng vẫn trong tình trạng ơn sủng, bạn sẽ phải ở trong luyện ngục, nhưng không sao cả vì sau cùng bạn sẽ được lên thiên đàng.

Điều quyết định để xem bạn có ở trong tình trạng ơn sủng hay không thì trước hết, bạn có rửa tội hay chưa. Những người chưa rửa tội, tỉ như các bé sơ sinh hoặc những ai từ các văn hóa xa lạ với Kitô Giáo, thì sẽ xuống lâm bô thay vì hỏa ngục. Tuy nhiên, với các học sinh trường Công Giáo, việc rửa tội là điều bó buộc. Một khi rửa tội, bạn trong tình trạng ơn sủng, bạn cần phải duy trì tình trạng ấy bằng cách tuân giữ các điều răn và đừng phạm tội trọng. Các tội nhẹ sẽ ghi vết trên linh hồn bạn, nhưng chúng không làm cho bạn hoàn toàn mất tình trạng ơn sủng. Bạn biết đó là một tội trọng nếu là 1) một ý nghĩ, lời nói hay hành động thực sự nghiêm trọng, 2) bạn đã suy nghĩ đủ về điều đó trước khi phạm tội, và 3) bạn không bị ai bó buộc phải làm điều đó. Nếu bạn phạm tội trọng, bạn không còn trong tình trạng ơn sủng và nếu từ trần bạn sẽ phải xuống hỏa ngục.

Nếu trong tình trạng tội lỗi, bạn cần được tha tội. Phương cách tốt nhất để được tha tội là đi xưng tội và được xá giải. Nếu bạn không thể đi xưng tội ngay lập tức, bạn phải đọc kinh ăn năn tội (xin Chúa tha thứ cho bạn) và cố gắng thực sự thống hối tội lỗi. Sự ăn năn tội cách trọn hảo, là sự đau buồn vì lòng yêu mến Thiên Chúa và khiếp sợ vì đã xúc phạm đến Chúa, sẽ lau sạch tội ấy ngay lập tức dù có đi xưng tội hay không, tuy nhiên người ta buộc phải đi xưng tội khi có thể. Sự ăn năn tội cách không trọn, hay thống hối vì sợ hình phạt, cũng đủ để được tha tội trong khung cảnh của bí tích hòa giải. Một khi tội của bạn được tha, bạn sẽ trở về tình trạng ơn sủng.

Phương thức này đem lại một triết lý căn bản cho sách Giáo Lý Baltimore trong các trường phổ thông. Sách này bao gồm nhiều giáo huấn tốt đẹp về ý nghĩa đời sống, tỉ như Thiên Chúa tạo nên chúng ta là vì tình yêu, điều răn mến Chúa yêu người, các nhân đức, các ơn sủng và quà tặng của Chúa Thánh Thần, các công việc bác ái về tinh thần và thể xác, tám mối phúc, và nhiều kho tàng khác đã thực sự hứng khởi tôi và tiếp tục phong phú đời sống tôi. Tôi vẫn còn tin rằng nhận thức về hỏa ngục vẫn có ý nghĩa và có phần nào đúng sự thật. Cho đến nay, tôi tin rằng, nếu bạn lấy đi tính chất hệ thống và phi nhân cách một cách thái quá, nó có thể dùng như một phương cách dẫn đến chân lý về ý nghĩa của đời sống. Tuy nhiên, như tôi còn nhớ, phẩm chất của những giảng dậy này bị trở ngại vì quá nhấn mạnh đến hỏa ngục và các phương cách quá máy móc để người ta bị phán xét khi đứng trước sự tương giao với Thiên Chúa và sự vĩnh cửu.

Một yếu tố sái lạc về tâm linh thời thơ ấu của tôi là bị ám ảnh về việc ở trong tình trạng ơn sủng. Điều này được đi kèm với sự tin tưởng rằng thật dễ để phạm tội trọng và ngay cả không cảnh giác về tội. Tôi cũng tin rằng có lẽ nhiều người phải xuống hỏa ngục. Tôi nghĩ về Thiên Chúa như một người đã dựng nên thế giới này như một chỗ mà chỉ những ai may mắn lắm mới được cứu rỗi, vì hình phạt của tội nguyên tổ. Thiên Chúa là đấng keo kiệt và giận dữ cần được dỗ dành.

Đó có thực là hình ảnh mà tôi nghĩ về Thiên Chúa ngày nay không? Có lẽ không. Một Thiên Chúa keo kiệt, giận dữ và một Thiên Chúa nhân từ, độ lượng bị hòa lẫn trong tâm trí tôi. Có phải những năm học khi còn bé đã dạy tôi những hình ảnh ghê sợ về Thiên Chúa không? Đúng và không. Những ý tưởng này vẫn ở đâu đó, nhưng chắc chắn tôi vẫn còn bám víu vào chúng trong sự tương quan với những sợ hãi và thiếu tự tin đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, dù đó là tôi hay nhà trường, phần lớn tâm linh của tôi thời thơ ấu được dựa trên một phương thức máy móc được thực hiện bởi một Thiên Chúa giận dữ là người đã gây nên sự sợ hãi sâu thẳm trong linh hồn tôi.

Trong Chương Này

Chương thứ năm của Lumen Gentium nói về lời mời gọi mọi người trở nên thánh thiện trong giáo hội. Khi tôi còn bé, sự thánh thiện là điều mà các linh mục và tu sĩ nam nữ, cũng như các thánh phải lo lắng, chứ không phải là điều của người thường. Công Đồng Vatican II đã kêu gọi nhiều hơn thế. Vatican II nhấn mạnh rằng tất cả mọi Kitô Hữu được mời gọi để sống một đời sống thánh thiện.

Đề tài của chương này là tâm linh Kitô Giáo. Nó đề cập đến vấn đề thế nào là một đời sống thánh thiện. Tựa đề này là tâm điểm để hiểu về giáo hội. Trước thời Vatican II, thần học Công Giáo giải quyết đề tài về giáo hội thì quá phi nhân cách và không đề cập đến tình yêu và sự thánh thiện. Dường như thể "giáo hội" chỉ liên quan đến những điều như là cơ cấu tổ chức và các phương thức thích hợp. Tình yêu và sự thánh thiện là những đề tài quan trọng, nhưng chúng được đề cập đến trong các luận thuyết về ơn sủng và bí tích. Vatican II thay đổi phương pháp tiếp cận đứt đoạn đó thành thần học bằng cách đưa chương về sự thánh thiện trở thành tâm điểm của một trong hai văn kiện chính yếu về giáo hội. Giáo hội thì thánh thiện, được ghi dấu với sự thánh thiện phát xuất từ chính Đức Kitô. Bất cứ ai là phần tử của giáo hội thì được mời gọi để theo Đức Kitô bằng cách cố gắng sống đời thánh thiện.

Phần còn lại của chương này sẽ khai phá một số tương phản giữa tâm linh mà tôi sống khi còn nhỏ và một số điều mà tôi đã học hỏi được sau đó.

Cá Biệt và Liên Tục

Tâm linh liên hệ đến hành trình đức tin của chúng ta qua những lãnh vực phong phú, nhiều tầng lớp. Không có những phương thức hết sức rõ ràng đảm bảo sự thăng tiến của chúng ta. Các phương thức này có thể được dùng như các bản đồ hữu ích, nhưng phải nhớ rằng bản đồ thì chưa phải là lãnh vực. Lãnh vực thì quá sâu và quá nhiều chiều kích không thể bao gồm trong bất cứ bản đồ nào. Luôn luôn có những bí ẩn về Thiên Chúa và bí ẩn về đời sống hơn là những gì chúng ta có thể nhận thức được trong bất cứ phương thức nào.

Thiên Chúa của Kitô Giáo thì cá biệt, không phải máy móc. Thiên Chúa không hành động với một tấm bảng ghi điểm thật lớn trên trời để quyết định xem bạn có được vào thiên đàng hay xuống hỏa ngục. Học thuyết Kitô Giáo về tội lỗi giúp chúng ta chạm đến một thực tế là khía cạnh tiêu cực của tình trạng nhân bản của chúng ta, về những thiên kiến cá nhân, và về sự lựa chọn lớn lao và kinh khủng mà chúng ta phải đối diện: Liệu chúng ta sẽ bám víu lấy Thiên Chúa và đời sống hay chúng ta khước từ? Tội là một thực tế; tuy nhiên thực tế ấy có liên hệ căn bản đến sự tương giao của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Khi mức độ giao tế nhân sự vẫn được coi là chính yếu, phương thức ấy được đưa vào đúng vị trí của nó như một dụng cụ hữu ích nhưng không đầy đủ để giúp chúng ta trong sự hiểu biết.

Thí dụ, đâu là chứng cớ để tôi hy vọng được cứu độ? Khuynh hướng đầu tiên là tôi không nghĩ nhiều đến các tội trọng mà tôi đã phạm. Đúng ra, trước hết tôi phải nghĩ về sự cam kết hiện thời của tôi đối với Thiên Chúa và tha nhân. Điều này bao gồm sự cầu nguyện hàng ngày, sự cam kết đối với gia đình, để tâm trí đến những giao tế nhân sự sâu đậm, lập trường của tôi đối với sự thành thật, sự lưu tâm của tôi với sự thăng tiến xã hội và môi trường sống, và đức tin của tôi với Thiên Chúa là Người chấp nhận tôi dù tôi có sai lầm đến thế nào. Nói cách khác, khi nghĩ về sự cứu độ, đầu tiên tôi nghĩ về các tương giao cá nhân. Nghĩ về một phương thức tội lỗi và ơn sủng có thể giúp tôi đánh giá những tương giao ấy, nhưng không thể quan trọng hơn chính các tương giao này.

Sự hiểu biết của tôi về bí tích, cũng giống như sự hiểu biết về Thiên Chúa, cũng ngày càng ít máy móc và có liên quan nhiều hơn đến con người. Các bí tích không chỉ là các nghi thức ban bố ơn sủng; đúng ra, các bí tích tăng cường và cử mừng các chiều kích tôn giáo mà chúng ta cảm nghiệm trong khung cảnh đời sống. Bí tích rửa tội tán dương sự tháp nhập vào cộng đồng đức tin. Bí tích thêm sức hân hoan vì có đức tin. Bí tích Thánh Thể ca tụng sự hợp nhất cá biệt với Đức Kitô, với các Kitô Hữu khác, và với toàn thể nhân loại. Bí tích hòa giải tán tụng sự tha thứ nhận được từ Thiên Chúa và tha nhân. Bí tích xức dầu cử mừng tình yêu có sức chữa lành của Thiên Chúa và cộng đồng. Bí tích hôn phối tán dương giao ước tình yêu vợ chồng. Bí tích chức thánh cử mừng thực tại của sự lãnh đạo tinh thần. Các bí tích trao ban ơn sủng, nhưng chúng trao ban trong sự kết hợp với ý nghĩa mà chúng ta cảm nghiệm được ở chiều kích sâu thẳm của đời sống khi chúng ta liên quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Như vậy, tâm linh có liên hệ đến một tiến trình liên tục trong đời sống chúng ta. Nó không phải là một điều gì chỉ hạn chế vào ngày phán xét. Giáo dân sống tâm linh của mình không chỉ trong giáo hội nhưng còn trong khung cảnh gia đình, nơi làm việc, và nỗ lực biến đổi xã hội.

Tình Yêu và Sợ Hãi

Tôi không thuộc về trường phái tư tưởng cho rằng mọi sự sợ hãi đều xấu. Trong Kinh Thánh có vài chỗ nói rằng "Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan." Tuy nhiên, trong thư 1 Gioan 4:18 cũng có viết "tình yêu tuyệt hảo xua tan sợ hãi." Tôi nghĩ sự sợ hãi có chỗ đứng trong thế giới này, là nơi chúng ta chưa biết đến tình yêu tuyệt hảo. Thánh Tôma Aquinas dạy rằng có nhiều loại sợ hãi. Sự sợ hãi hình phạt sẽ không còn với các đấng ở thiên đàng. Nhưng sợ xúc phạm Thiên Chúa và người khác, là sự sợ hãi tốt lành, thì vẫn còn.

Cũng như sợ bị đau đớn thể xác giúp chúng ta cảnh giác sự nguy hiểm, thì sợ xúc phạm Thiên Chúa có thể giúp chúng ta trên hành trình tâm linh. Thiên Chúa không phải là một người bạn suồng sã mà chúng ta có thể vỗ vai. Thiên Chúa là đấng lôi cuốn sự chú ý của chúng ta, đấng mà sự bao la và khác biệt có thể khiến chúng ta run rẩy. Hãy coi chừng Thiên Chúa. Người có thể thay đổi chúng ta. Nếu bạn gặp gỡ Thiên Chúa, cuộc đời bạn sẽ không còn giống như trước.

Các thầy cô lớp trung học đã giới thiệu tôi với một Thiên Chúa như vậy. Và tôi phải nói là nếu trong năm phút nữa tôi sẽ được gặp Đấng ấy thì tôi sẽ sợ hãi vô cùng. Sự khó khăn xảy đến không phải khi ai đó dậy bảo chúng ta về sự sợ hãi Thiên Chúa một cách căn bản và tốt lành, nhưng khi sự sợ hãi ấy ăn sâu thành các kiểu cách liên hệ chính yếu với Thiên Chúa.

Có thể sự sợ hãi trở thành cảm xúc có tính cách chi phối trong đời sống một người. Có những người sống bởi lo sợ những gì người ta nghĩ về mình.

Một đời sống bị chi phối bởi sợ hãi thì có nhiều hình thức khác nhau. Một số người sống với sự sợ hãi rằng họ không có giá trị và vì thế, họ sẽ không bao giờ cố gắng để nói cho người khác biết họ là ai. Một số người sống với sự sợ hãi bị cô đơn hay bị bỏ rơi, và vì thế họ vẫn cứ ở trong các tương giao mà họ bị lạm dụng. Một số người sống với sự sợ hãi là họ sẽ không thành công, và vì thế họ nói dối và lừa gạt người khác vì tiền. Người nghiện rượu và cờ bạc sống trong sự sợ hãi là họ không thể tự thú rằng mình có khó khăn. Một số người sống với sự sợ hãi Thiên Chúa.

Sợ hãi có nhiều đồng minh. Giận dữ, oán hờn, tự thán, ghen tương, tự cho là công chính, và thái độ vô ơn có thể tìm thấy thường liên kết với sợ hãi. Một đời sống sợ hãi thì kinh khủng.

Thiên Chúa của Kitô Giáo, là Chúa Cha của Đức Giêsu, là một Thiên Chúa không phải của sự sợ hãi nhưng của tình yêu và tha thứ. Thiên Chúa làm thanh thản sự sợ hãi của chúng ta. Đức Giêsu dạy chúng ta về một Thiên Chúa nhân hậu và chấp nhận chúng ta. Đây không phải là một Thiên Chúa mà Người muốn hầu hết loài người xuống hỏa ngục. Thiên Chúa đếm và trân trọng từng sợi tóc trên đầu chúng ta. Thiên Chúa giống như người cha của người con hoang đàng; ông vội vã chạy ra tha thứ cho con trước khi người con về đến nhà (Luca 15:11-32). Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi Người đã ban Con một của Người để thế gian có thể được cứu độ nhờ người con này (Gioan 3:16-17).

Tuy nhiên Thiên Chúa thúc giục chúng ta thăng tiến. Đức Giêsu không bao giờ nói với các môn đệ: "Đừng có thay đổi. Thầy yêu anh em bất kể lối sống của anh em." Thiên Chúa không phải là một con dấu đóng; Thiên Chúa là đấng kêu gọi chúng ta phải chịu căng thẳng và có lúc phải rên rỉ. Tôi nghĩ đến một câu nói trên tờ bích chương: "Chỉ vì Thầy yêu anh chị em vô điều kiện, điều đó không có nghĩa Thầy không hy vọng anh chị em thăng tiến."

Đức tin, đức cậy, và đức mến là các phương thuốc Kitô Giáo để chống với sự sợ hãi và đồng minh của nó. Đức tin đem cho chúng ta sự tín thác và giúp chúng ta nhìn thấy một thế giới dựa trên sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đức cậy giúp chúng ta sẵn sàng chịu thiệt thòi khi thành thật và khiêm tốn đến với người khác để giúp đỡ. Đức mến thúc giục chúng ta chăm sóc người khác mà qua đó chúng ta vượt ra khỏi những khó khăn và chữa lành chính chúng ta. Thánh Phaolô nói "Sau cùng có ba điều tồn tại: đức tin, đức cậy và đức mến, và cao trọng hơn cả là đức mến" (1 Cor. 13:13).

Trong giáo hội ngày nay, hành trình đức tin của một cá nhân cần có sự thăng tiến về hoạt động cho hòa bình, công lý, và sự toàn vẹn của môi sinh. Trong những vấn đề này, chúng ta cũng được thúc giục vì tình yêu hơn là vì sợ hãi. Như thần học gia Công Giáo Daniel Maguire đã viết:

Một điều không thay đổi trong sự hiểu biết của chúng ta về tội lỗi là ý niệm của chúng ta về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn chúng ta bị đè bẹp với những cảm giác trùm lấp vì thất bại hoặc trách nhiệm hoặc tội lỗi. Điều đó chỉ khiến chúng ta tê liệt và không làm gì cả. Chúng ta được kêu gọi để biến đổi và giải thoát thế giới… đó là một cơ hội để tham dự trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chúng ta không cô đơn. Chúa phục sinh và Thần Khí của Người ở với chúng ta, khao khát công lý giữa chúng ta. Đó là tin mừng--và lý do để phục vụ một cách vui vẻ!

Tóm lược

Trong chương này tôi vừa trình bầy một vài điều về chính hành trình tâm linh của tôi, từ một tâm linh dựa trên sự sợ hãi đến một tâm linh ăn sâu hơn trong đức tin, đức cậy, đức mến và những dính dáng đến xã hội. Tuy nhiên, càng nghĩ về điều tôi đã nói ở đầu bài về việc giáo dục, tôi càng tự hỏi không biết mình có chính xác không. Có những điều khó giải thích hơn là thực tế đời sống. Giữa những điều tiêu cực khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ rất rõ về những điều dậy bảo về tình yêu của Thiên Chúa.

Chương này vừa đề cập đến Thiên Chúa Cha, chúng ta sẽ đề cập đến Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trong hai chương kế tiếp.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Bạn có được dậy bảo là phải sợ Thiên Chúa không?
Bạn có tin rằng một số người phải xuống hỏa ngục?
Điều gì có thể giúp người ta từ tâm trạng sợ hãi đến yêu thương?
Bạn nghĩ thế nào về giáo dục tôn giáo ở các trường Công Giáo ngày nay, có khác gì với thập niên 1950?
(*) ghế nhạc trưởng là một trò chơi, trong đó nhiều người đi vòng quanh một số ghế ít hơn số người tham dự khi có tiếng nhạc trổi lên. Khi tiếng nhạc chấm dứt, họ phải tranh nhau ngồi vào được một chiếc ghế. Ai không có ghế, người ấy bị loại.

Chương 17: PHÁ VỠ MỘT SỰ TUẦN HOÀN

Vợ chồng tôi có bốn đứa con trai. Hai đứa lớn dường như lúc nào cũng xung đột. Chúng chơi với nhau chỉ được giây lát, sau đó là những tiếng cãi cọ, "nó lấy ghế của con", "tao đâu có làm đâu," v.v.

Hôm qua cũng vậy. Hai đứa lớn chơi bóng rổ. Đứa tám tuổi thẩy banh vào rổ và bị hụt, thay vì đến phiên đứa sáu tuổi, nó vội vàng thẩy tiếp trái thứ hai. Thế là cãi nhau. Phải mất một thời gian để hai đứa có thể nói chuyện với nhau cách ôn tồn. Mặc dù cả hai hiểu rằng đây chỉ là trò chơi nhưng mỗi đứa đều bảo vệ lập trường của mình một cách hăng say và phun ra những lời lẽ xấu xa với đối phương.

Tôi tách rời hai đứa và vội vàng dỗ dành đứa sáu tuổi. Sau đó tôi sang nói chuyện với đứa tám tuổi. Khi không có thằng em ở bên cạnh thì nó như thể một đứa trẻ thật khác biệt.  Nó hết giận và sẵn sàng nói chuyện. Tôi nói với nó về kiểu cách gia đình mà chúng tôi phải có: một gia đình mà mọi người thương yêu nhau, không ai phải sợ ai, sẵn sàng tha thứ cho nhau. Nó đồng ý. Sau đó chúng tôi nói về sự tương giao của nó với thằng em sáu tuổi. Tôi gợi ra một khẩu hiệu rất hữu ích cho sự thảo luận về sau: tôi hỏi, "ai sẽ phá vỡ sự tuần hoàn này?"

Nó hiểu tôi muốn gì. Nó và đứa em bị kẹt trong một tương tranh với các nguồn gốc phức tạp từ trong quá khứ mà không phải lỗi của đứa nào cả. Chúng được sinh ra trong sự ganh đua. Đó là một tình trạng không-ai-thắng một khi chúng muốn bảo vệ. Một trong hai phải phá vỡ một thói quen ganh đua bằng cách thôi không bảo vệ nữa và thông cảm với người khác. Ai đó phải sẵn sàng khởi đầu một chu kỳ mới của sự tha thứ và yêu thương.

Đứa sáu tuổi sang nhà bạn nó chơi. Đứa tám tuổi đọc sách, học đàn, và xem đấu banh trên truyền hình. Chiều tối hôm đó, cả gia đình chúng tôi đi bơi và chúng lại thân thiện với nhau. Tất cả đều tốt đẹp--cho đến lần xung đột sắp tới.

Trong Chương Này

Trong chương này, chúng ta sẽ để ý đến sứ vụ của Đức Giêsu đối với các xung đột loài người. Sau khi thảo luận về ý nghĩa của tội nguyên tổ, chúng ta sẽ xem xét lời giảng dậy của Đức Giêsu về nước Trời. Bài này liên hệ với chương 5 của văn kiện Lumen Gentium.

Một Thói Quen Toàn Cầu

Trên mức độ toàn cầu, xã hội loài người có thể sánh với sự tương giao của mấy đứa con tôi. Có quá nhiều xung đột về giai cấp, phái tính, sắc tộc, quốc gia, và tín điều, với những phức tạp ăn sâu trong quá khứ đến độ không ai dám mơ ước sẽ tìm cách phân loại nó. Tất cả chúng ta được sinh ra trong một thế giới liên tục xung đột mà chính chúng ta không chịu trách nhiệm, nhưng chúng ta phải thừa hưởng và các điều kiện của thế giới đó lại dệt nên đời sống chúng ta. Nhiều người được hưởng lợi từ các tổ chức và hệ thống xã hội mà tự nó có những bất công. Nhiều người bị thiệt thòi vì sống trong một xã hội có những đặc điểm đối nghịch với họ. Khi sống trong thế giới, chúng ta trở nên các cộng tác viên bất đắc dĩ trong các cơ cấu mà nó góp phần gây nên sự đau khổ của nhân loại.

Chân lý sâu xa này là một phần của điều mà học thuyết Công Giáo cố gắng đối phó trong sự giảng dậy về tội nguyên tổ. Các hậu quả của tội lỗi trong quá khứ kết thành một thế giới mà chúng ta được sinh ra. Khi lớn lên, chúng ta tiếp thu các cơ cấu này. Chúng trở nên một phần của chúng ta. Dần dà chúng đưa dẫn chúng ta đến những quyết định sai lầm, tội lỗi.

Một thí dụ hiển nhiên là kỳ thị chủng tộc. Nếu một người sinh trong một gia đình và làng xóm vô cùng kỳ thị chủng tộc thì cho đến thời điểm nào người ấy phải chịu trách nhiệm về sự kỳ thị của chính họ? Đây là một vấn đề khó khăn để phân loại. Điều càng làm vấn đề khó khăn hơn là vì có nhiều cơ cấu tội lỗi mà chúng ta không cho đó là xấu xa chỉ vì chúng đã ăn sâu vào con người chúng ta. Một số người "thành công" về phương diện xã hội lại không thấy có vấn đề gì trong các cơ cấu xã hội và kinh tế, và họ nghĩ rằng nếu ai cũng như họ thì thế giới sẽ là một nơi tuyệt hảo. Một số người bị thiệt thòi thì nghĩ rằng không có gì sai lầm khi họ lừa đảo bởi vì chưa bao giờ chính họ được đối xử công bằng.

Thế giới thì tốt lành về cơ bản, và xã hội loài người tượng trưng cho một thành đạt đáng kể. Nhưng thế giới cũng còn khó khăn vì nghèo đói, thiếu phương tiện y học, chiến tranh, và sự hủy hoại môi sinh trên phương diện rộng lớn. Thế giới thứ nhất thì đổ lỗi cho thế giới thứ hai và thế giới thứ ba. Thế giới thứ hai và thứ ba lại đổ lỗi cho thế giới thứ nhất. Các vũ khí nguyên tử ở vị thế sẵn sàng khi các cuộc khủng bố quốc tế gia tăng. Ai sẽ là người phá vỡ sự tuần hoàn này?

Tôi không muốn đưa ra bất cứ giải pháp nào có tính cách mơ hồ hay không tưởng đối với các nan đề phức tạp của thế giới. Đức tin Công Giáo của tôi kêu gọi đừng trở nên người mơ mộng điên rồ, nhưng tốt hơn hãy có một hy vọng thực tiễn là sự cộng tác với Thiên Chúa có thể giúp chúng ta đi đúng hướng. Nhưng ai là người sẽ phá vỡ sự tuần hoàn này?

Có nhiều kiểu cách uyên thâm để giải thích về Đức Giêsu. Tôi nghĩ một cách hữu ích để nhìn đến Đức Giêsu là coi việc giáng thế của Người là để phá vỡ sự tuần hoàn. Người soi sáng con đường và chỉ lối cho chúng ta. Con đường là hành trình đến nước Trời. Phương cách để theo con đường này là qua tình yêu tự hiến. Trong chương này chúng ta sẽ chú ý đến sự giảng dậy của Đức Giêsu về nước Trời.

Vương Quốc Tình Yêu

Khi tôi chia sẻ với con tôi về hình ảnh tương lai của gia đình, điều đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì mà Đức Giêsu đang thực hiện khi Người giảng dậy về nước Trời và tương lai của gia đình nhân loại. Dĩ nhiên, sự giảng dậy của Đức Giêsu thì mạnh mẽ hơn và bí ẩn hơn nhiều. Khi được diễn tả trong các phúc âm, Đức Giêsu không đưa ra một hình ảnh rõ ràng với các giá trị được xác định; thay vào đó, Người giảng dậy qua sự rao giảng, các dụ ngôn, chữa lành và thí dụ.

Việc ngự đến của nước Trời là tâm điểm của tất cả những giảng dậy của Đức Giêsu. Trong Phúc Âm Máccô, mà hầu hết các học giả nghĩ rằng phúc âm đầu tiên, điều đầu tiên Đức Giêsu nói là: "Đây là thời điểm hoàn mãn. Vương quốc Thiên Chúa đã cận kề. Hãy thay đổi đời sống và tin vào phúc âm" (Mc 1:15). Vương quốc Thiên Chúa đang đến; nó ngay trong tầm tay của chúng ta; nó ở trong chúng ta. Điều giúp chúng ta có được vương quốc này là thiện ý của chúng ta và nỗ lực thay đổi đời sống.

Đức Giêsu nhấn mạnh rằng chúng ta phải luôn sẵn sàng khi nước Trời đến. Người kể câu chuyện của các đầy tớ không chuẩn bị khi ông chủ về, và các trinh nữ không chuẩn bị đèn cháy sáng khi chàng rể đến. Người nói, "Hãy luôn luôn canh chừng! Hãy tỉnh thức! Các con không biết khi nào thời điểm định trước sẽ đến" (Mc 13:33).

Kinh Lạy Cha là kinh nói về sự ngự đến của vương quốc này:

Nước Cha trị đến
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

Người ta có thể diễn giải câu này khi nói rằng vương quốc Thiên Chúa hiện diện ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào mà thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện. Đức Giêsu đã minh họa điều này qua lời cầu nguyện của Người trong Vườn Giệtsimani, khi Người suy nghĩ về cái chết cận kề: "Cha ơi, Cha có quyền thi hành mọi sự. Xin hãy cất đi chén này cho con. Nhưng hãy để điều đó xảy ra như ý Cha muốn, chứ không phải ý con" (Mc 14:36). Cũng như Đức Giêsu đưa nước Trời ngự đến qua sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, Người cũng kêu gọi chúng ta đến với nước Trời qua sự tìm kiếm và vâng phục ý Chúa.

Nói cho cùng, thánh ý của Thiên Chúa là chúng ta yêu thương nhau. Khi được hỏi điều răn nào cao trọng nhất, Đức Giêsu trả lời:

Người phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi

hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi.

Đây là điều răn đầu tiên và cao trọng nhất. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu thương tha nhân như chính mình. (Mt 22:37-39)

Khi Đức Giêsu nói lời giã biệt trong bữa Tiệc Ly, Người nói:

Như Chúa Cha yêu mến Thầy thì Thầy cũng yêu mến các con. Hãy sống trong tình yêu của Thầy. Các con sẽ sống trong tình yêu của Thầy nếu các con giữ các điều răn của Thầy, cũng như Thầy từng giữ các giới răn của Cha Thầy, và sống trong tình yêu của Người.

Thầy nói với các con tất cả những điều này để niềm vui của Thầy sẽ là của các con và niềm vui các con sẽ được trọn vẹn. Đây là giới răn của Thầy: hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con (Gioan 15:9-12).

Đã có sự cay đắng trong điều răn yêu thương nhau. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ về điều răn như các bó buộc cứng ngắc. Được ra lệnh yêu thương nhau là giới răn tốt nhất mà chúng ta hy vọng; đó chính là điều chúng ta thực sự muốn xảy ra cho chính mình.

Phúc Cho Người Nghèo Khó

Việc yêu thương lẫn nhau dẫn đến sự lưu tâm người nghèo và người bên lề xã hội cách đặc biệt. Đức Giêsu đến với những người mà người khác không thể chấp nhận. Người ăn tối tại nhà ông Giakêu, một người thu thuế chẳng ai ưa (Luca 19:1-10). Người kể câu chuyện về những người ăn xin, và người què được mời vào dự tiệc (Luca 14:12-24). Người phá vỡ truyền thống khi trò chuyện với phụ nữ Samari ở giếng nước, và ngay cả đưa người Samari bị ghét bỏ trở thành anh hùng trong dụ ngôn khi giúp đỡ một người Do Thái bị bọn cướp bóc lột và đánh đập trong khi những người Do Thái đáng kính khác thì lại bỏ qua (Luca 10:25-36). Đức Giêsu còn bao gồm trong gia đình của Người tất cả những ai chia sẻ tình yêu và quan điểm của Người, và không nhất thiết chỉ những ai có liên hệ máu mủ với Người. Khi được cho biết mẹ và anh em Người ở bên ngoài, Người trả lời: "Ai là mẹ tôi và anh em tôi?" Và nhìn đến những người ở chung quanh, Người nói tiếp: "Đây là mẹ tôi và anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý Chúa là anh chị em tôi và mẹ tôi" (Mc 3:33-35).

Đức Giêsu dậy rằng chúng ta không được chọn lựa hay loại trừ những người mình yêu thương. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu nói:

Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? (Mt 5:44-46)

Bài Giảng Trên Núi thì đầy những giảng dậy có tính cách khiêu khích và thách đố để cho thấy không ai có thể sống đúng lề luật một cách tuyệt hảo. Bởi đó chúng ta phải liên hệ với người khác một cách khiêm tốn vì chính chúng ta cũng có những khuyết điểm và sai lầm. Chúng ta không ngồi đó mà phán đoán kẻ khác; nếu không, chính chúng ta có thể bị xét xử.

Tân Ước cho thấy Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của giầu sang vật chất khi muốn vào nước Trời. Người nói, "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa" (Mt 19:23-24). Nhưng Đức Giêsu nói thêm, tuy điều đó đối với con người thì không thể nào được, nhưng với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Trong tám mối phúc thật, Đức Giêsu công bố, "Phúc cho người có tinh thần nghèo khó; vì nước Trời là của họ" (Mt 5:3). Trong Luca Người còn nói rõ ràng hơn, "Phúc cho người nghèo," mà không thêm chữ "tinh thần" (Luca 6:20).

Hơn các tác giả phúc âm khác, Luca trình bầy Đức Giêsu như quở trách người giầu, điều này khiến các học giả suy đoán rằng vấn đề giầu nghèo là mối quan tâm hàng đầu đối với cộng đoàn mà Luca đề cập đến. Trong Luca, Đức Giêsu kể câu chuyện của một người giầu dại dột muốn tích trữ thêm nhiều của cải mà không biết rằng chính đêm hôm đó ông ta sẽ chết và chẳng đem theo được gì (Luca 12:16-21). Chính trong Phúc Âm Luca mà Đức Giêsu nói rằng người nghèo và người tàn tật được mời vào dự tiệc; rồi không ai có thể làm tôi hai chủ, là Thiên Chúa và tiền của; rồi người phú hộ không lưu tâm gì đến ông Lagiarô nghèo hèn sẽ bị thiêu đốt trong hỏa ngục; rồi người thanh niên giầu có không muốn từ bỏ của cải để theo Đức Kitô; rồi bà goá nghèo tuy đóng góp phần nhỏ nhưng lại cho nhiều hơn người giầu vì bà đã cho đi những gì cần thiết; và rồi người lớn nhất phải là người phục vụ.

Các câu truyện trong các Phúc Âm khác dường như làm nhẹ bớt hay tối thiểu đưa các khuyến cáo người giầu có của Đức Giêsu vào một văn mạch đặc biệt. Thí dụ, trong Phúc Âm Gioan, khi Giuđa than phiền là về sự phí phạm dầu được xức cho Đức Giêsu và lẽ ra phải được đem bán để lấy tiền cho người nghèo, thì Đức Giêsu trả lời, "Người nghèo thì anh em lúc nào cũng có. Nhưng không phải lúc nào anh em cũng có Thầy" (Gioan 12:8). Tuy nhiên, bất kể chúng ta có giải thích hay diễn giảng cách nào đi nữa, các khuyến cáo của Đức Giêsu thì quá hiển nhiên không thể bỏ qua được.

Các Câu Chuyện về Nước Trời

Điều hiển nhiên trong Tân Ước là Đức Giêsu dùng nhiều dụ ngôn để giảng dậy. Dụ ngôn là các câu chuyện cô đọng đầy ý nghĩa. Cho đến bây giờ thì bạn không thể ngạc nhiên khi biết các dụ ngôn của Đức Giêsu là những câu chuyện về Nước Trời.

Các dụ ngôn hay có các đặc tính tương tự. Hầu hết chất liệu của dụ ngôn được rút ra từ các biến cố thường ngày. Qua đó chúng đề ra một vài điều mà người ta phải mong đợi. Sau đó chúng phô bầy các mong đợi này. Vì vậy chúng lại đổi hướng người nghe đến một mức độ hiểu biết mới.

Các đặc tính của Dụ Ngôn

Sự lưu tâm về nước Trời
Rút các dữ kiện từ cuộc sống hàng ngày
Đề ra những trông đợi thông thường
Ngăn cản các mong đợi đó
Đổi hướng người nghe
Mở ra nhiều sự dẫn giải
Các dụ ngôn của Đức Giêsu thường không thể dẫn giải thành một ý nghĩa. Chúng có thể được dẫn giải như có nhiều mức độ ý nghĩa. Chúng không nhằm truyền đạt một số dữ kiện rõ ràng về nước Trời; đúng hơn, chúng nhằm ảnh hưởng mạnh đến lương tâm của người nghe. Chúng đem lại cho người nghe một cảm nhận về nước Trời như thế nào mà điều đó khó diễn tả nếu không lập đi lập lại câu chuyện.

Sau đây là một thí dụ:

"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?" Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi". Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!" Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất". Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt". Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?" Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. (Mt 20:1-16).

Chúng ta biết dụ ngôn này nói về Nước Trời vì, cũng như nhiều dụ ngôn khác, nó bắt đầu bằng câu, "Nước Trời giống như ..." Nó lấy chất liệu từ biến cố thường ngày của việc thuê mướn thợ làm vườn nho. Chúng ta thường mong đợi: Người làm lâu hơn phải được trả nhiều hơn. Sự mong đợi đó bị cản trở bởi ông chủ là người tuyên bố rằng sự độ lượng của ông đối với người khác không khiến ông bất công đối với những người kia. Điều này có liên can gì đến Nước Trời?

Thay vì đưa ra một giải thích, tôi sẽ chia sẻ một vài dẫn giải mà các sinh viên trong lớp đã phát biểu. Trước hết là sự dẫn giải theo kiểu "gần chết mới hoán cải" thì nhấn mạnh rằng dù người ta có sống bê bối đến đâu đi nữa cũng có thể được cứu độ nếu hối cải. Một dẫn giải khác là sự công bằng của Thiên Chúa thì khác với loài người, và chúng ta không thể hiểu tại sao nhiều điều trong cuộc đời này lại dường như bất công. Tuy nhiên, một dẫn giải khác lại nhấn mạnh đến chủ đề là trong nước trời, người trước hết sẽ là sau chót và người sau chót sẽ là trước hết. Nhưng vẫn còn một dẫn giải khác cho rằng những ai mới bắt đầu đời sống tâm linh cũng có thể gần Chúa như những người từng có đời sống tâm linh nhiều năm; tính cách thâm niên không đáng kể khi nói đến sự thánh thiện.

Điều quan trọng nhất của dụ ngôn thì không phải là cách giải thích nhưng dụ ngôn ấy gây ấn tượng gì nơi bạn. Các ý nghĩa liên tục cũng giống như các trái bom nhỏ lần lượt bùng nổ. Khi bạn bị chấn động, bạn biết rằng mình đang sẵn sàng mở lòng cho sự ngự đến của Nước Trời.

Theo Chúa Giêsu

Sự giảng dậy của Chúa Giêsu về nước trời đem lại cho chúng ta một ý niệm mơ hồ về điều có thể xẩy ra nếu nhân loại trút bỏ những bào chữa, đến với người khác trong yêu thương, và cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa. Lumen Gentium nói về "một vương quốc của chân lý và sự sống, một vương quốc của thánh thiện và ơn sủng, một vương quốc của công bằng, tình yêu và hòa bình" (LG 36). Tự giáo hội thì chưa trọn vẹn là một vương quốc, nhưng là hạt giống của vương quốc ấy (LG 5). Giáo hội thì không phải không có những bất toàn, nhưng cố gắng trở nên một cộng đồng gương mẫu mà trong đó tình yêu thực sự là lời nói đầu tiên và sau cùng. Giáo hội cũng hoạt động như men trong thế giới, hướng thế giới về nước trời (Gaudium et Spes, 40).

Người tín hữu Kitô tin rằng Chúa Giêsu, qua đời sống, sự chết và sự phục sinh, Người đã phá vỡ vòng tội lỗi của hận thù và duy lý đang kềm hãm chúng ta, không để chúng ta chuẩn bị chào đón nước trời đang đến. Chúa Giêsu không bào chữa, chỉ giảng dậy chân lý, hành động vì tình yêu hy sinh, và chết như một người vô tội. Kitô hữu có thói quen dẫn giải sự phục sinh như dấu chỉ sau cùng mà Thiên Chúa chứng nhận con đường của Đức Giêsu đã đi qua. Sự sống và cái chết của Đức Giêsu đã được minh xác qua sự sống lại của Người từ kẻ chết.

Một cách để hiểu lời mời gọi mọi người đến sự thánh thiện của chương thứ năm của Lumen Gentium là coi đó như một mệnh lệnh mà tất cả Kitô Hữu phải theo Đức Kitô khi phá vỡ vòng tội lỗi. Chúa Giêsu dậy chúng ta yêu thương ngay cả kẻ thù và làm điều tốt cho người ghét bỏ chúng ta. Người đã phá vỡ vòng tội lỗi bằng một đời sống dựa trên tình yêu. Lumen Gentium nói rằng muốn tình yêu được triển nở, "mỗi một tín hữu phải sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và chấp nhận thánh ý của Người, và phải hoàn tất những gì mà Thiên Chúa đã khởi sự qua chính hành động của họ với ơn phù trợ của Thiên Chúa" (LG, 42). Theo Chúa Giêsu là phá vỡ vòng tội lỗi bằng cách đưa tình yêu thành nền tảng đời sống: "Chính tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân xác định người môn đệ đích thực của Đức Kitô" (LG, 42).

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa khảo sát sự giảng dậy của Chúa Giêsu. Chúng ta chú trọng đến tuyên ngôn nước trời của Chúa Giêsu, sự lưu tâm đặc biệt của Người đối với người nghèo, và các dụ ngôn của Người. Qua lời nói và hành động, Chúa Giêsu dậy bảo dân chúng làm thế nào để phá vỡ vòng tội lỗi.

Vòng tội lỗi có nhiều nguồn gốc sâu xa và không thể khám phá nổi. Nguồn gốc của chúng thì cá biệt, nhưng nó lan tràn ra các lãnh vực xã hội, kinh tế và chính trị. Như tôi nói lúc đầu, tôi không cố gắng trở nên một người không tưởng hay mơ mộng trong những kỳ vọng về điều mà chúng ta có thể biến thế giới này trở thành. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn coi thường sự ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng lớn có thể xảy ra khi một người thực sự hoán cải, tha thứ kẻ khác, và tìm cách đưa Nước Trời ngự đến. Có thể một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ chấm dứt đánh nhau.

Sau khi đã khảo sát sự tương giao về tâm linh với Chúa Cha và Chúa Giêsu, trong chương tới chúng ta sẽ quay về với Chúa Thánh Thần.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Làm sao một người có thể biết được ý Chúa?
Bạn hiểu thế nào về tội nguyên tổ?
Những cảnh cáo của Chúa Giêsu có thể được áp dụng thế nào đối với người giầu có ngày nay?
Bạn nghĩ gì khi nghe nói về Nước Trời?
Chương 18: CÔNG VIỆC CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Một số người Công Giáo không thích Công Đồng Vatican thường kể câu chuyện khi Đức Gioan XXIII từ trần và lên thiên đàng. Thánh Phêrô đưa ngài qua các cổng và bắt đầu giới thiệu ngài với các nhân vật quan trọng. Khi đức giáo hoàng được giới thiệu với Chúa Thánh Thần, Người có vẻ sửng sốt đôi chút và rồi, sau khi chợt nhận ra, có vẻ hơi bối rối. Chúa Thánh Thần nói, "Ồ, phải, phải, đúng vậy. Con biết không, ta có nhận được thiệp mời của con mời ta đến công đồng đó, nhưng ta xin lỗi, ta không thể đến được."

Câu chuyện trên không chỉ nói lên sự châm biếm thâm độc rằng người Công Giáo có thể trở về đường lối cũ khi họ cảm thấy đức tin bị đe dọa hay bị giảm bớt. Nó còn cho thấy tâm trạng oán hờn sâu xa của một số người Công Giáo đối với công đồng đó. Điều đáng kể mà câu chuyện trên cho thấy là người Công Giáo tin ở sự hiện diện lâu dài của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn giáo hội về với đường ngay nẻo chính. Nếu ai đó nghĩ rằng giáo hội đang đi lạc thì đó là vì thiếu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Người Công Giáo, giống như đa số Kitô hữu khác, tin ở ba ngôi trong một Thiên Chúa. Giáo hội không chỉ dựa trên đức tin nơi Thiên Chúa Cha, hoặc chỉ dựa trên giáo huấn của Chúa Giêsu. Giáo hội còn tìm thấy gốc gác của mình trong sự gặp gỡ với Chúa Thánh Thần vào ngày Hiện Xuống. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng biến đổi đời sống các cá nhân, là Đấng thúc giục người ta ngợi khen Thiên Chúa, là Đấng dẫn dắt các nhà lãnh đạo trong các quyết định sáng suốt, và là Đấng đi cùng với giáo hội trên cuộc hành trình tiến về chân lý và nên thánh. Chúa Thánh Thần còn là sự hiện diện của Thiên Chúa được gặp gỡ qua người dân và các biến cố trong đời sống.

Người Công Giáo ngày nay cảm nghiệm Đức Kitô phục sinh và đón nhận Chúa Thánh Thần trong một phương cách mà, có lẽ, không khác với cảm nghiệm của các tông đồ xưa. Sự gặp gỡ của chúng ta là một cách chiêm niệm; đó là chúng ta không gặp gỡ Đức Kitô cách trực tiếp qua sự xuất hiện cá biệt, nhưng qua dân chúng và các biến cố trong đời sống. Đối với người Công Giáo, sự gặp gỡ với Đức Kitô được biểu trưng qua sự hiện diện thực sự của Người trong bí tích Thánh Thể. Thánh Lễ còn chỉ cho chúng ta nơi chốn để gặp Đức Kitô hằng ngày: trong kinh nguyện, trong các tương giao thân thiện, trong các cảm nghiệm chín chắn, và nhất là trong diện mạo của người nghèo và người đau khổ và bất cứ ai có nhu cầu. Sự biến đổi mà chúng ta cảm nghiệm qua sự gặp gỡ với Đức Kitô sẽ lấp đầy chúng ta với Chúa Thánh Thần.

Dĩ nhiên, ngôn ngữ đó đầy tính cách biểu tượng. Ngôn ngữ tôn giáo phải có tính cách biểu tượng vì nó "gói ghém" cho chúng ta những gì khó hiểu. Nói rằng nó có tính cách biểu tượng thì không có nghĩa là không có thật; thế nhưng chính là để biểu thị rằng chân lý của ngôn ngữ ấy chỉ có thể lĩnh hội bởi những ai mà đối với họ ngôn ngữ ấy có ý nghĩa. Trong trường hợp ngôn ngữ tôn giáo, điều này thường có nghĩa đối với những ai đang thay đổi đời sống theo tôn giáo đó. Tuy nhiên, trong khung cảnh học thuật nó có thể bao gồm bất cứ ai muốn suy nghĩ một cách tương tự về mặt tôn giáo đó.

Thí dụ, một sinh viên đời lấy môn học về giáo hội có thể không tin ở Kitô Giáo hay Chúa Thánh Thần; tuy nhiên, người sinh viên đó có thể hiểu ngôn ngữ này như một phương cách nói về sự mở lòng hay sự biến đổi của con người. Hầu hết Kitô Hữu tin rằng ngôn ngữ này không chỉ là một phương cách xếp loại; đúng hơn, nó là chìa khóa để đi vào một truyền thống giúp chúng ta hiểu được sự mặc khải của Thiên Chúa ba ngôi. Tuy nhiên, cả hai loại sinh viên ấy có thể nhận ra bản chất biểu tượng của ngôn ngữ khi nó cố đưa chúng ta chạm đến ý nghĩa của đời sống.

Trong Chương Này

Tôi nêu lên các điểm này vì trong lớp của tôi có nhiều sinh viên, là Kitô Giáo vừa không Kitô Giáo, hoàn toàn nhầm lẫn về Chúa Thánh Thần. Để đề cập đến sự nhầm lẫn này, tôi mô tả chi tiết công việc của một ngôi vị ít được nổi tiếng trong ba ngôi Thiên Chúa.

Một số mô tả chi tiết có mục đích để người làm việc biết rõ công việc của mình; đó không phải là mục đích của tôi ở đây. Một chức năng phổ thông khác của sự mô tả chi tiết là để nói với người khác về công việc họ phải làm. Tôi thấy điều này xảy ra trong giáo xứ. Thành viên hội đồng giáo xứ đôi khi tự hỏi nhân viên đó làm gì, tỉ như phụ tá mục vụ hay giám đốc giáo dục tôn giáo. Sự mô tả chi tiết cung cấp loại tin tức này. Trong chương này, tôi sẽ đưa ra một mô tả chi tiết nhằm phản ảnh nhiều chức năng mà người Công Giáo gán cho Chúa Thánh Thần. Chương này có liên hệ đến chương 5 của văn kiện Lumen Gentium.

Tóm Lược Công Việc Chúa Thánh Thần

Là sự hiện diện của Thiên Chúa qua dân chúng.

Kinh Nghiệm Quá Khứ

Tham dự trong việc tạo dựng vũ trụ. (Hơi thở của Thiên Chúa, đôi khi được đồng hóa với Chúa Thánh Thần, có can dự trong sự tạo dựng vũ trụ và nhất là trong việc tạo nên con người, khi "Thiên Chúa thổi vào mũi của nó (A Dong) hơi thở sự sống" (Sáng Thế 2:7)
Từng phát ngôn qua các ngôn sứ (như được nói trong kinh Tin Kính).
Linh hứng toàn bộ Kinh Thánh.
Là người mà qua đó Đức Maria mang thai Đức Giêsu (Mt 1:18; Luca 1:35).
Ngự trên Đức Giêsu khi Người chịu thanh tẩy (Mc 1:9-11).
Là đấng mà Đức Giêsu hứa sẽ sai đến cho các môn đệ (Gioan 15:15-16:15).
Tham dự trong việc phục sinh của Đức Giêsu (Rôma 1:4).
Thêm sức cho các môn đệ vào ngày Hiện Xuống để loan truyền phúc âm nối tiếp sứ mạng cứu độ của Đức Kitô (CVTĐ 2:1-4).
Hoạt động trong đời sống Kitô Hữu để đem lại hoa quả thánh thiện (Gal 5:22).
Hướng dẫn các quyết định chính yếu của các công đồng. (Khi các tông đồ chọn người thay thế cho Giuđa, họ đã cầu khẩn đến sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (CVTĐ 1:16). Khi sau này các ngài gặp lại nhau ở Giêrusalem để giải quyết tranh chấp giữa Phêrô và Phaolô, họ tuyên bố kết luận của họ là "quyết định của Chúa Thánh Thần chứ không phải của chúng tôi" (CVTĐ 15:28). Ngay cả quyết định quan trọng để chọn sách nào thuộc về Kinh Thánh cũng được thể hiện trong một công đồng tiên khởi. Theo đức tin Công Giáo, Chúa Thánh Thần đã không chỉ hướng dẫn các quyết định lớn, nhưng còn cả sự tiến hóa về các phương tiện và cơ cấu thẩm quyền mà qua đó các quyết định được biểu quyết. Những điều này bao gồm các công đồng, Kinh Thánh, Truyền Thống, nhiệm vụ của giám mục, linh mục, và phó tế, và giáo triều.)
Từng hoạt động như nguồn thánh thiện và canh tân đời sống trong suốt lịch sử giáo hội (LG, 4).
Công Việc Hiện Thời: Biến Đổi Đời Sống Cá Nhân

Chúa Thánh Thần biến đổi đời sống của những ai mở lòng cho Chúa. Nhiều thần học gia ngày nay nói về sự biến đổi đời sống này bằng danh từ "hoán cải". Hoán cải ám chỉ một quyết định không chỉ trở nên đạo đức hay thay đổi giáo phái nhưng còn là một tiến trình thăng tiến đức tin lâu dài. Bernard Lonergan phân biệt ba loại hoán cải: tôn giáo, luân lý và trí óc. Theo quan điểm của Lonergan, mỗi loại hoán cải bắt nguồn từ công việc của Chúa Thánh Thần, vì hoán cải tôn giáo là loại căn bản nhất mà từ đó những loại khác phát sinh.

Hoán cải tôn giáo là một kiểu rơi vào cuộc tình với Thiên Chúa. Nó bao gồm sự tiếp xúc với tình yêu của Chúa Thánh Thần đang tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta ngay cả trước khi chúng ta biết điều đó (Rôma 5:5). Nói cách khác, Lonegan tin rằng mỗi người được lấp đầy với tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần. Để hoán cải tôn giáo chỉ cần mở lòng cho tình yêu này. Lonergan cũng dựa trên Êgiêkien 36:26 để diễn tả sự hoán cải tôn giáo: Đó là điều xảy ra khi Thiên Chúa xé con tim bằng đá của chúng ta ra và thay thế bằng một con tim thật. Nhiều người có thể kể ra những giây phút đặc biệt trong cuộc đời họ khi sự hoán cải tôn giáo xảy ra; nhiều người lại không có thể. Tuy nhiên, tất cả những ai được hoán cải tôn giáo đều đi vào một hành trình thăng tiến suốt cả cuộc đời.

Hoán cải luân lý đề cập đến một tiến trình mà qua đó người ta không còn quyết định dựa trên lợi ích cá nhân và thay vào đó họ tìm kiếm những gì thực sự tốt lành. Chúng ta thăng tiến qua nhiều giai đoạn thúc đẩy để trở nên tốt hơn, từ những bốc đồng, đến các quy tắc, đến nhu cầu trở nên một con người đích thực chỉ hành động vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Trong phân tích của Lonergan, hoán cải trí óc thì đòi hỏi kiến thức chuyên môn. Nó bao gồm việc tiếp giáp với một tiến trình mà qua đó người ta biết được những sự kiện và nhờ đó trở nên tinh thông khi chọn lựa các mức độ ý thức khác nhau và các chiều kích khác nhau của thực tế. Sự hoán cải trí óc có thể ám chỉ một tiến trình từ từ mà qua đó người ta thăng tiến trong việc định giá sự phức tạp và đa dạng của thực tế, kể cả các chiều kích siêu việt. Đó là, người hoán cải trí óc thì không còn lẫn lộn ngôn ngữ tôn giáo với diễn tả khoa học hoặc coi tôn giáo tầm thường như vật chất. Người hoán cải trí óc hiểu rõ làm thế nào ngôn ngữ biểu tượng có thể giúp người ta tiếp xúc với các chiều kích sâu xa hơn của sự hiện hữu con người.

Chúa Thánh Thần biến đổi đời sống cá nhân những ai theo Đức Kitô, đó là tâm điểm của sự giảng dậy mà Thánh Phaolô nói trong Tân Ước. Kiểu cách mà Thánh Phaolô nói về sự biến đổi này đã được hệ thống hóa trong truyền thống như các ơn sủng và hoa quả của Chúa Thánh Thần. Thay vì một đời sống dựa trên sự lo sợ, oán giận, tự thán, người theo Chúa Kitô trưng ra "tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn chịu đựng, tử tế, độ lượng, tin tưởng, ôn hòa và khiết tịnh" (Galat 5:22-23). Các ơn sủng và hoa quả khác được tìm thấy trong Thánh Phaolô bao gồm sự tự chủ, khôn ngoan, khả năng quyết định đúng, đạo đức, can đảm sống luân lý, và kính sợ Thiên Chúa. Những đặc tính này không phải là những điều có thể tìm kiếm được; đó là những đức tính mà người ta chỉ tìm thấy khi cố gắng theo Đức Kitô.

Công Việc Hiện Thời: Linh Hứng Các Nhóm trong việc Cầu Nguyện và Quyết Định

Trong tổ chức Alcoholics Anonymous có sự tin tưởng ở "lương tâm nhóm". Cá nhân được tự do phát biểu bất cứ quan điểm nào họ muốn trong các cuộc họp, bất kể là thâm sâu hay nực cười. Những người trong tổ chức này tin rằng chính nhóm sẽ được hướng dẫn bởi một quyền lực cao hơn đến nỗi thông điệp chung của nhóm sẽ bộc lộ được ý muốn của một Thiên Chúa nhân ái (tuy mọi người trong tổ chức này không dùng chữ "Thiên Chúa"). Điều một người nói thì chỉ là quan điểm cá nhân; điều xuất phát từ nhóm là một quyền lực lớn hơn bất cứ ai và điều đó đem lại cảm nghiệm, sức mạnh và hy vọng cho mọi người tham dự.

Người Công Giáo thường tin tưởng rằng một trong những công việc của Chúa Thánh Thần là sự hoạt động như một loại "lương tâm nhóm" khi các Kitô Hữu cùng nhau cầu nguyện hay chuẩn bị quyết định. Sự tin tưởng này được thấy trong lời cầu nguyện xưa:

Lạy Thánh Thần, xin hãy đến
Xin lấp đầy tâm hồn các tín hữu
Và khơi lên trong họ ngọn lửa tình yêu của Ngài
Xin hãy sai Thánh Thần đến
Và chúng sẽ được tạo thành
Và Ngài sẽ canh tân bộ mặt trái đất

Nhiều người Công Giáo ngày nay tin rằng Chúa Thánh Thần hiện đang tham dự trong một sự canh tân rộng lớn của giáo hội Công Giáo qua các nhóm nhỏ. Các thần học gia giải phóng của Châu Mỹ La Tinh vạch ra các hoạt động của Thánh Thần qua các cộng đồng Kitô hữu mà họ vừa đọc Kinh Thánh vừa tham gia hoạt động chính trị. Những ai tham dự trong phong trào canh tân Thánh Linh lại vạch ra các dấu chỉ của Thánh Thần trong việc chữa lành, nói tiên tri, và nói tiếng lạ. Các tổ chức của phụ nữ tích cực, phong trào Cursillo, các nhóm Canh Tân, các nhóm cầu nguyện, hội đồng giáo xứ, và các ủy ban giáo xứ, tất cả đều cho thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần ở giữa họ.

Công Việc Hiện Thời: Hướng Dẫn Giáo Hội như một Toàn Thể

Người Công Giáo có truyền thống tin tưởng rằng giáo hội thì không thể sai sót; đó là nhờ bởi Chúa Thánh Thần gìn giữ giáo hội khỏi đi lạc đường ngay nẻo chính. Tính cách không thể sai sót một phần được dựa trên sự dẫn giải của Công Giáo về đoạn Kinh Thánh Mátthêu 16:18, khi Chúa Giêsu nói, "Và Thầy bảo thật con, con là Phêrô, và trên đá này Thầy sẽ xây giáo hội của Thầy, và cửa hỏa ngục không thể phá nổi." "Phêrô" nghĩa là "đá" theo tiếng Aramaic, và như vậy Đức Giêsu được coi như đã chơi chữ khi nói lên sự đảm bảo của Người về sự vững bền của giáo hội qua thời gian. Câu này thường được đọc cùng với Gioan 16:3: "Nhưng khi Người đến, Thần Khí của chân lý, sẽ hướng dẫn các con đến chân lý trọn vẹn."

Tính bất khả sai lầm không nên coi như một đảm bảo rằng giáo hội sẽ không bao giờ sai lầm hoặc tự mình đổi chiều về giáo huấn. Lịch sử đã cho thấy nhiều thí dụ trái ngược. Đúng ra nó có nghĩa giáo hội phải liên tục trông nhờ vào sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô và hoạt động của Người ở trần thế. Giáo hội có thể sai lầm (như từ chối các lý thuyết của Galilêo) hoặc tham dự vào những hoạt động dã man (thảm sát hàng loạt người Do Thái và Hồi Giáo trong các cuộc thập tự chinh), nhưng trong các giáo huấn quan trọng nhất và trong sứ vụ bí tích giáo hội tiếp tục được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Trong một ý nghĩa căn bản, người Công Giáo có thể tín thác giáo hội và các giáo huấn.

Ở mức độ tổ chức, Chúa Thánh Thần được tin rằng đã ảnh hưởng đến việc tuyển chọn giáo hoàng, các giám mục, các sắc lệnh của công đồng, và nói chung, mọi giáo huấn, sự lãnh đạo, và sứ vụ bí tích. Nếu Chúa Giêsu hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ở với chúng ta, chúng ta có thể mong chờ cảm nghiệm được sự hiện diện đó trong các lãnh vực này. Các cuộc tranh luận hiện nay về cách tuyển chọn giám mục cũng đề cập đến vấn đề là tiếng nói của Thánh Thần có thể được nghe thấy rõ ràng nhất ở đâu.

Từ một quan điểm Công Giáo, điều thâm thuý nhất có thể nói về bất cứ cộng đồng giáo hội nào là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần có thể được tìm thấy trong các phần tử. Đây chính là điều mà giáo hội Công Giáo đã nói trong Lumen Gentium về các giáo hội Tin Lành: "... chúng ta có thể nói rằng trong một số phương cách có thật họ đã liên kết với chúng ta trong Thánh Thần, vì họ cũng được Người ban cho các ơn sủng và ân huệ mà qua đó Người hoạt động giữa họ với quyền năng thánh hóa của Người" (LG 15).

Thông thường các phong trào trong giáo hội được coi là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhiều người ngày nay vạch ra sự phát triển ồ ạt của các sứ vụ giáo dân, sự phát triển hội đoàn Công Giáo về hoạt động xã hội, phong trào đại kết, và chiều hướng thiên về sự chia sẻ quyền bính như chứng tích của sự hoạt động của Thánh Thần. Một số thần học gia giải phóng rất thích cho rằng ngày nay Thánh Thần muốn hoạt động từ dưới đi lên, đưa giáo hội qua từng lớp người dân.

Ngay cả người ta nói rằng Chúa Thánh Thần đang ở đằng sau việc thiếu thốn linh mục. Những ai lý luận kiểu này đã thấy được các thay đổi trong cơ cấu giáo hội, tỉ như cần phải dựa trên giáo dân nhiều hơn, như các điều thực sự tốt đẹp hài hòa với hoạch định của Thiên Chúa. Cá nhân tôi không thích kiểu giải thích như vậy. Có thể Chúa Thánh Thần ở đằng sau việc thiếu thốn linh mục và cũng có thể không. Tối thiểu thì dường như việc thiếu thốn linh mục là vì giáo dân không chịu lắng nghe theo Thánh Thần hay ngược lại.

Điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng: Không phải mọi điều gán cho Chúa Thánh Thần thì đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Truyền thống Công Giáo từng phải đấu tranh để ngăn cản sự hăng say muốn nhìn thấy Chúa Thánh Thần trong mọi sự, cũng như giáo hội đã từng tranh đấu để chống với sự mãn nguyện cho rằng không cần nhờ đến Thánh Thần. Một câu nói xưa của Đức Phật cho thấy cần phải thận trọng về những luận điệu cho rằng đó là quyền lực tôn giáo: "Nếu bạn gặp một Đức Phật trên đường, hãy giết ngài." Tại sao? Vì một người tự xưng mình là Đức Phật thì đó là người mạo nhận. Tôi không đề nghị phải giết tất cả những ai cho rằng Thánh Thần đang hoạt động qua họ hoặc họ là những người có khả năng nhiều nhất để giải thích về Thánh Thần; tôi chỉ cổ võ câu châm ngôn rằng mọi thần khí phải được xem xét cẩn thận.

Không có một công thức rõ ràng để xem xét thần khí. Với những ai mới khởi sự, tôi đề nghị hãy tự hỏi mình: Điều tự xưng đó có phù hợp với truyền thống tôn giáo không? Nó có phù hợp với các dữ kiện do kinh nghiệm không? Nó có hài hòa với sự hoán cải tôn giáo, luân lý và trí óc của tôi không? Khi tôi sống điều đó nó có còn tiếp tục có ý nghĩa không? Nó có giúp tôi thoát khỏi cái tôi và hướng đến người khác không? Cả một chuỗi câu hỏi có thể tiếp tục nêu ra.

Công Việc Hiện Thời: Là Tiềm Năng cho Tình Yêu Thiên Chúa trong Mọi Người

Nhiều thần học gia Công Giáo, trong đó có Bernard Lonergan và Karl Rahner, nói về chiều hướng căn bản của mọi con người hướng về mầu nhiệm siêu việt mà Kitô Hữu gọi là Thiên Chúa. Tất cả mọi người được lôi kéo vào chuyển dịch tự siêu thăng theo chiều hướng chân thiện mỹ. Bất kể tôn giáo nào, ngay cả người không có tôn giáo, mọi người đều có khả năng thăng tiến trong chiều hướng của Thiên Chúa khi người ta vượt ra ngoài sự ích kỷ để yêu quý đón nhận các giá trị cao hơn, mở lòng, thành thật, và tương giao nhân sự đằm thắm. Các thần học gia này còn đi xa hơn bằng cách cho rằng chiều hướng này là nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong mọi người, dù họ có biết điều đó hay không.

Vì lý do này, nhiều Kitô Hữu có tham dự trong cuộc đối thoại liên tôn dựa trên ý niệm về Chúa Thánh Thần để nói về điều gì đích thực trong tất cả mọi tôn giáo của thế giới. Chỉ có Kitô Giáo mới thấy Thiên Chúa trong Đức Kitô. Một số tôn giáo không rõ ràng tin ở Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần, được hiểu là sự hiện diện thần thánh trong chúng ta, dường như cung cấp một khởi điểm tốt đẹp cho một cuộc đối thoại (dĩ nhiên, hầu hết các tôn giáo không gọi sự hiện diện thần thánh này là "Thánh Thần")

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa duyệt qua các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cá nhân, đoàn nhóm, trong giáo hội, và trong thế giới. Dường như Chúa Thánh Thần có nhiều việc phải làm. Tuy nhiên truyền thống Công Giáo bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn nơi quyền năng của Thiên Chúa. Điều chúng ta cần lo lắng hơn cả là sẵn sàng lắng nghe những thúc đẩy của Thần Khí và thể hiện những điều đó trong đời sống.

Một phần của công việc của Thánh Thần mà tôi quên nhắc đến là yếu tố kinh ngạc: Thần Khí tự do thổi theo các phương cách đầy kinh ngạc. Tôi tin rằng Công Đồng Vatican II là một thí dụ của điều này. Tôi bất đồng ý với một thiểu số người Công Giáo nghĩ rằng thiếu vắng Chúa Thánh Thần trong sự lạ lùng khôn lường của Vatican II; đó là một trong những nơi chính yếu mà tôi thấy Chúa Thánh Thần đi vào thế giới ngày nay.

Trong chương kế tới chúng ta sẽ khảo sát đời sống tu trì của các nam nữ tu sĩ là những người có lời khấn và hình thành các cộng đoàn.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Bạn thấy ý niệm về Chúa Thánh Thần có giúp ích gì hơn hay làm hoang mang hơn?
Chúa Thánh Thần có chức năng gì trong chính đời sống cầu nguyện của bạn?
Bạn có thể dùng ý niệm "hoán cải" khi nói về hành trình đời sống của chính bạn?
Có bao giờ bạn cảm nghiệm một "lương tâm nhóm" mà dường như nó lớn hơn tổng số người hiện diện?
Ý niệm về Chúa Thánh Thần quan trọng thế nào cho giáo hội Công Giáo?

Chương 19: CÁC TU HỘI

Một sinh viên hỏi tôi tại sao có người đi tu làm thầy thay vì làm linh mục. Ngay lúc ấy tôi nhớ có lần tôi hỏi một thầy dòng là người dậy môn khoa học ở trung học. Tôi cũng chỉ nhớ mang máng câu trả lời của thầy là vì nó có liên hệ đến ơn gọi khác nhau của từng người.

Ngay sau đó tôi buột miệng trả lời cho anh sinh viên: Để sống trong một cộng đoàn cùng với những người có chung một mục đích và quyền lợi thì thật sung sướng. Trong một vài quãng thời gian trong đời, nhất là ở trung học và đại học, tôi là phần tử của một nhóm thân hữu tích cực hỗ trợ lẫn nhau. Thật tuyệt diệu khi được sống với những người thân quen và coi như trong gia đình. Người ta có thể cảm thấy bị thu hút đến một cộng đoàn dựa trên nếp sống tôn giáo mà không phải là linh mục.

Tuy nhiên, khi nói như vậy, tôi thấy câu trả lời ấy thật cá biệt, thật thích hợp nhưng không đầy đủ và cục bộ. Tôi chỉ đề cập đến vài điểm: Các tu hội có thể là môi trường hấp dẫn mà trong đó người ta sống cho nhiều lý do. Sự hấp dẫn này có thể là một phần của ơn gọi đích thật để sống một cuộc đời như thế. Tuy nhiên, câu trả lời của tôi nhắm quá nhiều đến sự hấp dẫn của đời sống cộng đồng đến độ quên đi các lý do tôn giáo đặc biệt khiến người ta chọn đời sống ấy. Phải, đời sống chung có thể hấp dẫn; vậy tại sao không đơn giản sống chung với nhau? Tại sao lại sống trong một cộng đồng được thiết lập bởi một môn đệ của Chúa Giêsu Kitô?

Trong Chương Này

Chương sáu của Lumen Gentium (cùng với đoạn 42 chương 5) đưa ra nhiều lý do tại sao nhiều người muốn sống ơn gọi trong một cộng đồng tôn giáo như "anh chị em" với nhau. Những lý do này không làm giảm đi sự hấp dẫn của đời sống cộng đồng, nhưng chúng đem lại một căn bản sâu xa hơn. Đời sống tôn giáo bao gồm sự tương trợ, sự thân thiện, và lối sống đầy khích lệ. Tuy nhiên trong chương này chúng ta sẽ thăm dò các động lực sâu đậm hơn dựa trên một nền tảng của một số suy tư có tích cách kinh thánh, lịch sử và hiện đại.

Tình Yêu Khác Thường

Trong truyền thống Công Giáo từ trước đến nay, vì có nhiều phương cách để theo Chúa Giêsu, nên thật thích hợp để phân biệt giữa nhiều bậc sống khác nhau trong giáo hội. Mỗi con đường môn đệ, dù đó là giáo dân, giáo sĩ, hay tu sĩ nam nữ, được hoạch định cho những người thực sự muốn theo Chúa Giêsu. Tuy trên thực tế ít khi có một cái nhìn lý tưởng rõ ràng, giáo dân đại diện cho những người muốn theo Chúa Kitô nhưng không muốn từ bỏ đời sống hằng ngày; giáo sĩ đại diện cho nhóm lãnh đạo của mười hai tông đồ là những người gánh lấy thẩm quyền của Chúa Giêsu; tu sĩ nam nữ đại diện cho những người từ bỏ một số điều của thế gian vì họ ao ước muốn theo Chúa Giêsu. (Dĩ nhiên, nhiều phần tử của các tu hội cũng là các linh mục; các linh mục giáo phận, ngược lại, đôi khi còn được gọi là các linh mục "đời").

Lumen Gentium 42, là đoạn kết của chương năm nhưng nó lại mở đầu cho chương sáu, nói về tình yêu được trông đợi nơi mọi Kitô Hữu. Tất cả Kitô Hữu được mời gọi để chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa. Dấu chỉ của tinh thần môn đệ đích thực ấy là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.

Sau đó đoạn này tiếp tục nói về một số hình thức đặc biệt của tình yêu. Sự tử đạo được diễn tả như một "món quà ngoại lệ và là dấu chỉ trọn vẹn nhất của tình yêu." Nó là một phương tiện biến đổi nên hình ảnh của Chúa Giêsu là Người đã thực sự chấp nhận cái chết để cứu chuộc nhân loại. Tất cả Kitô Hữu phải sẵn sàng tử đạo.

Ngay sau đoạn về sự tử đạo là hai câu đề cập đến các lời khuyên phúc âm về sự khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Sự liên hệ của các đức tính này với sự tử đạo đã bắt nguồn sâu xa trong truyền thống Công Giáo: Chết vì đức tin được gọi là "tử đạo đỏ," và đời sống phù hợp với các lời khuyên phúc âm từng được gọi là "tử đạo trắng." Sống theo các lời khuyên phúc âm tượng trưng cho một hình thức tử đạo trong đó buộc phải từ khước hay "chết đi" một số giá trị trần tục nào đó.

Tất cả Kitô Hữu được mời gọi để khước từ chủ nghĩa duy vật và hưởng thụ và lưu tâm đặc biệt đến người nghèo; tất cả được mời gọi để sống khiết tịnh cho tới mức độ mà sinh hoạt tình dục được dành riêng cho những hoàn cảnh thích hợp;  tất cả được mời gọi để vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Điều phân biệt những người gia nhập tu hội và có lời khấn là hình thức đặc biệt gắn bó với các nguyên tắc này. Tuy các tu hội khác nhau về sự giải thích, một cách căn bản lời mời gọi sống khiết tịnh đối với họ là lời mời sống độc thân; lời mời khó nghèo là kêu gọi không làm chủ bất cứ gì nhưng trao lại tất cả cho cộng đồng; lời mời vâng phục là kêu gọi khước từ ý riêng để chiều theo ý của bề trên. Những nguyên tắc này được tôn trọng không chỉ vì đó là nguyên tắc nhưng vì chúng có thể giúp người ta sống một cuộc đời dựa trên tình yêu.

Từ Bỏ Mọi Sự

Lumen Gentium vừa nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh chung cho Kitô Hữu trong mọi bậc sống và vừa tái xác định bản chất đặc biệt của các lời khuyên phúc âm. Ở đó có một số giằng co giữa một đằng là sự nhận thức rằng: một giáo dân được mời gọi để theo đuổi và cảm nghiệm sự thánh thiện một cách sùng tín và hăng say như bất cứ Kitô hữu nào, và đằng khác, sự nhận thức rằng đời sống trong tu hội thì đặc biệt hơn hay anh hùng hơn ở phương cách nào đó. Các học giả kinh thánh mới đây vừa đưa ra một số quan niệm đáng lưu ý về sự căng thẳng này.

Một vài câu chuyện trong Tân Ước đưa ra một tương phản giữa lối sống bình thường và lối sống quyết liệt hơn dựa trên ý định theo Chúa Giêsu. Học giả Kinh Thánh John Meier lý luận rằng các câu chuyện như thế nhằm phân biệt giữa một người Do Thái Giáo tuân giữ lề luật và một người theo Chúa Kitô. Trong cái nhìn này, các câu chuyện ấy có thể được coi như áp dụng cho mọi Kitô Hữu trong một ý nghĩa nào đó.

Thí dụ, câu chuyện của người thanh niên giầu có trong Mátthêu 19:16-22. Anh hỏi Chúa Giêsu anh phải làm gì để được sự sống đời đời. Lúc đầu Chúa Giêsu trả lời là anh phải giữ mười điều răn. Anh trả lời là anh đã giữ các điều răn từ khi còn nhỏ; anh còn phải làm gì nữa? Sau đó Chúa Giêsu nói anh phải bán tất cả những gì anh có, đem tiền ấy tặng cho người nghèo, và theo Người. Nghe vậy anh buồn rầu và bỏ đi. Trong Máccô 10:29-30, sau câu chuyện của người thanh niên giầu có, Chúa Giêsu còn nói rằng, "Thật Thầy bảo thật anh em, không ai từ bỏ nhà cửa, hay anh chị em, hay cha mẹ, hay con cái, hay đất đai vì Thầy và vì phúc âm mà lại không được gấp trăm lần hơn ở đời này."

Như Meier giải thích câu chuyện trên, người thanh niên giầu có đại diện cho bất cứ người Do Thái nào của thế kỷ thứ nhất phải đối diện với thử thách khi theo Chúa Giêsu. Tuân giữ luật lệ thì tốt; để trở nên một môn đệ của Chúa Giêsu là chu toàn điều mà luật lệ ấy muốn nói. Tuy nhiên, trở nên một môn đệ có thể bị tẩy chay bởi chính gia đình và mất mát di sản. Vì vậy đoạn này được giải thích là nói về tinh thần môn đệ Kitô Hữu và có thể áp dụng cho bất cứ Kitô Hữu nào trong bất cứ bậc sống nào.

Tuy nhiên, khi các bậc sống khác nhau được hình thành trong vòng thế kỷ thứ nhất, câu chuyện của người thanh niên giầu có lại được giải thích như sự phân biệt giữa lối sống tốt lành bình thường của giáo dân và lối sống đặc biệt theo Chúa Giêsu bằng cách từ bỏ những gì thuộc thế gian. Giải thích như vậy, đoạn này được coi như hiển nhiên đề cập đến những người có lời khấn và ám chỉ rằng con đường của họ thì đặc biệt hơn hoặc anh hùng hơn.

Tôi không từ chối bất cứ kiểu giải thích nào của câu chuyện, nhưng tôi muốn đưa sự giải thích "tôn giáo" vào khung cảnh của sự giải thích "tinh thần môn đệ" sâu đậm hơn và ngay từ đầu. Đó là, lời mời gọi nên thánh quan trọng nhất thì đối với tất cả mọi Kitô Hữu bất kể bậc sống nào. Lời mời gọi này phản ảnh sự bình đẳng căn bản trong phẩm giá tinh thần giữa tất cả những ai đã rửa tội; trong khung cảnh đó tôi nhận thấy lời mời gọi bước vào đời sống tu trì tiêu biểu cho sự từ khước một số giá trị của trần thế.

Một vấn đề tương tự được thấy trong phúc âm của Mátthêu khi Chúa Giêsu dường như  hỗ trợ việc khước từ tình dục và hôn nhân: "Không phải ai cũng có thể chấp nhận được lời này, nhưng chỉ những người được ban cho. Một số người không có khả năng kết hôn vì họ được sinh ra như vậy; một số, bởi vì bị người khác làm ra như vậy; một số, bởi vì họ từ khước hôn nhân vì nước trời. Ai có thể chấp nhận điều này thì hãy chấp nhận" (Mt 19:11-12). Trong truyền thống Công Giáo đoạn này có lúc được dẫn giải như đời sống độc thân là một ơn gọi "cao hơn." Tuy nhiên, Meier vạch cho thấy đoạn này có liên hệ với việc Chúa Giêsu cấm không được ly dị và với việc Người khẳng định rằng hôn nhân là một phần trong hoạch định tạo dựng của Thiên Chúa Cha (19:3-6). Meier nói rằng "đời sống hôn nhân không ly dị hay đời sống độc thân được chọn cho Nước Trời: đây là các dấu hiệu của một cộng đồng được sống bởi sức mạnh của thời đại sắp tới" (t. 138). Như vậy có thể coi đoạn này như một xác nhận rằng hôn nhân khiết tịnh và độc thân là hai con đường tốt lành để nên thánh. Cũng như với vấn đề khó nghèo tôi thấy có một sự căng thẳng ở đây. Tôi không muốn đề nghị rằng đời sống độc thân thì cao hơn đời sống hôn nhân (tuy Thánh Tôma Aquina và phần lớn các Giáo Phụ đều tin như vậy); đồng thời tôi muốn công nhận rằng sự độc thân có thể tiêu biểu cho sự hy sinh anh hùng để một ai đó có thể từ bỏ hôn nhân vì nước trời.

Sự vâng phục là lời thứ ba của các lời khuyên phúc âm. Trong các phúc âm, Chúa Giêsu được trưng ra như một người từ bỏ cả chính ý muốn của mình để chiều theo ý của Chúa Cha, dù con đường này đưa đến cái chết. Máccô diễn tả Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, cầu nguyện rằng, "Áb-ba, lậy Cha, mọi sự đều có thể với Cha. Xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con nhưng theo ý Cha" (Mc. 14:36). Chúa Giêsu cũng thách đố các môn đệ như vậy: "Có thể nào các con uống cùng một chén mà Thầy uống hay chịu thanh tẩy với cùng phép rửa mà Thầy đã chịu hay không?" (Mc. 10:38). Người khuyên bảo họ: "Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (Gio. 15:13).

Trong Tân Ước có thể trưng dẫn nhiều đoạn khác có liên hệ đến lời mời gọi từ bỏ thế gian một cách dứt khoát. Những phần kể trên đặc biệt đối phó với sự giầu có, tình dục, và sự lựa chọn cá nhân. Chúng tạo thành nền tảng cho các lời thề khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục của các thành viên của tu hội. Tuy nhiên chúng cũng hình thành nền tảng của lời mời gọi tất cả Kitô Hữu là hãy khước từ chủ nghĩa duy vật, tình dục vô luân, và một đời sống chỉ muốn thoả mãn chính mình. Chúng thực sự có liên hệ đến việc hoàn toàn từ bỏ chính mình, ngay cả cho đến chết.

Tại Sao Gia Nhập?

Hầu hết phần lớn người ta hành động vì các động lực lẫn lộn. Cùng một lúc, có thể chúng ta hoạt động vì các nguyên tắc cao cả như nghĩ đến tha nhân, muốn phục vụ Thiên Chúa, muốn góp phần cho xã hội, nhưng đồng thời cũng có thể vì sợ hãi, chán chường, tham lam và nhu cầu an toàn cá nhân. Một số biến cố trong đời đem lại cho chúng ta một chọn lựa hiển nhiên giữa các động lực; đa số thì không.

Những người gia nhập tu hội thường không để lại sau lưng tất cả các nhu cầu cá nhân và lý do riêng tư. Một nữ tu mới đây nói với tôi rằng tu hội của chị phải đối diện với khó khăn là quá nhiều người xin gia nhập chỉ vì muốn thoát khỏi cảnh gia đình xào xáo, bệnh hoạn. Đó là những ứng sinh tốt, nhưng họ cần phải vượt qua bất cứ xu hướng nào cho rằng đi tu là để thoát khỏi một thế giới mà họ không thể đối xử. Sự trốn tránh cá nhân có thể được chấp nhận như một loại động lực để gia nhập tu hội, nếu nó thực sự bao gồm ý muốn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân vì tình yêu hy sinh.

Đoạn 44 của Lumen Gentium nói về mức độ lý tưởng để thúc đẩy một người tuyên khấn:

Thật vậy, qua bí tích rửa tội một người chết đi cho tội lỗi và được thánh hiến cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, để một người có thể sinh nhiều hoa trái từ ơn rửa tội, qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm, họ phải có ý định giải thoát chính mình khỏi những chướng ngại đó, mà chúng có thể khiến họ mất đi nhiệt tình bác ái và sự trọn lành của việc thờ phượng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên phúc âm, người ta được thánh hiến cách tận tụy hơn cho việc phụng vụ Thiên Chúa.

Nói cách khác, một người gia nhập tu hội là vì họ nhận thấy đời sống đó là một phương tiện tốt hơn giúp họ tận tụy trong sự yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Các lý do khác có thể có, nhưng đây là lý do cao cả hơn. Văn kiện cũng nói về các tu hội như "gia đình tôn giáo đem cho các phần tử sự hỗ trợ một cách vững vàng trong đời sống..." (LG 43). Đó là những hấp dẫn của đời sống trong một cộng đồng thân mật mà có thể là một lý do chính đáng để gia nhập tu hội.

Nguồn Gốc Tu Hội

Các tu hội được bắt nguồn từ sứ vụ và cái chết của Chúa Giêsu. Các tu hội cũng tìm thấy sự hỗ trợ trong thí dụ và lời khuyên của Thánh Phaolô. Các vị tử đạo của một vài thế kỷ đầu, cũng như trong suốt lịch sử cho đến ngày nay, đem lại các gương mẫu đời sống của sự hy sinh đặc biệt này.

Tuy nhiên, trong thế kỷ thứ tư, Kitô Giáo chuyển đổi từ sự thầm lặng, vì thường bị bách hại, sang một tôn giáo chính thức của đế quốc La Mã. Sự tử đạo chỉ còn dành cho các nhà truyền giáo ở nước ngoài. Kitô hữu không còn sống trong các cộng đoàn nhỏ bé và bí mật. Việc gia nhập Kitô Giáo lại có thể là một ích lợi trong đời sống công cộng.

Động lực của một đời sống tinh tuyền hơn, trái ngược với trào lưu văn hóa đời được tìm thấy trong các vị ẩn tu là những người xa lánh đời sống thành thị để ở trong sa mạc. Một số Kitô Hữu, tỉ như Thánh Antôn (k. 251-355), đã sống trong sa mạc từ lâu trước khi sự bách hại không còn nữa. Tuy nhiên, sự phát sinh của các đan viện sa mạc đầu tiên trong thế kỷ thứ tư hầu như song song với sự xuất hiện của Kitô Giáo như một tôn giáo được chấp nhận công khai. Những ai nhận thấy Kitô Giáo là một lời mời gọi cá biệt tránh khỏi thế gian thường không chỉ sống đức tin nơi thành thị.

Đời sống đan viện bành trướng khắp thời Trung Cổ. Các đan viện không chỉ như nơi ẩn náu trong sa mạc hay thôn quê, nhưng còn là các trung tâm học thuật. Các đan viện Biển Đức do Thánh Biển Đức thành lập tại Monte Casino gần Naples khoảng năm 525. Các "Quy Luật của Thánh Biển Đức" nổi tiếng là vì sự quân bình trong công việc, nghỉ ngơi, và cầu nguyện, trái với các quy luật khắt khe của các đan viện khác thời bấy giờ. Đến ngày nay, các dòng Biển Đức nổi tiếng vì phương cách tiếp cận quân bình về linh đạo và các nghi thức phụng vụ thật hay.

Có thể nói hàng ngàn dòng tu đã xuất hiện trong lịch sử giáo hội. Mỗi dòng có vị sáng lập là người được ơn đặc biệt và các lý tưởng tạo thành hướng đi và mục đích của tổ chức ấy. Dòng Đa Minh, được thành lập bởi Thánh Đa Minh, nổi tiếng về sự thuyết giảng và dậy bảo. Dòng Tên, được thành lập bởi Thánh Y Nhã Loyola nêu cao chính nghĩa Công Giáo chống với phong trào cải cách tin lành, ngày nay nổi tiếng vì các học giả của dòng và có tiêu chuẩn cao trong việc giáo dục. Dòng Phanxicô, được thành lập bởi Thánh Phanxicô để đem các lý tưởng của đan viện vào đời sống thành phố, ngày nay nổi tiếng vì những hoạt động xã hội và cho người nghèo. Dòng Maryknolls, được thành lập bởi Cha Thomas Frederich Rice và Đức Giám Mục James Edward Walsh như một tổ chức truyền giáo chính thức của Hoa Kỳ, nổi tiếng vì sự hỗ trợ các hoạt động xã hội và tinh thần trên toàn thế giới.

Dòng Đức Maria, được thành lập bởi Cha William Joseph Chaminade để đáp ứng các nhu cầu hậu Cách Mạng Âu Châu, ngày nay nổi tiếng vì những nỗ lực giáo dục, tinh thần cộng tác, các thành quả nghệ thuật, sống chung như một gia đình, sự tận tụy phục vụ, và đặc biệt sùng kính các phần tử của Thánh Gia.

Không phải tất cả các tu sĩ Phanxicô đều làm việc với người nghèo; không phải tất cả tu sĩ dòng Tên đều là học giả; không phải tất cả các tu sĩ dòng Đức Maria đều dậy học và sáng tác nghệ thuật. Các đặc tính này có liên hệ đến từng dòng, nhưng không phải mọi thành viên đều như vậy. Có thể nói rằng ngày nay mỗi dòng có tinh thần riêng, nhưng các phần tử có thể tham dự trong các sinh hoạt khác biệt. Đặc điểm công việc của các phần tử của tu hội là phần lớn họ phục vụ tha nhân. Dù đó là sứ vụ trong một giáo xứ, nhà thương, hay nhà dưỡng lão; dậy trẻ em tiểu học, trung học hay đại học; làm việc với người nghèo, nhà phát chẩn, hay huấn nghệ; làm việc ở đồng áng, khu thị tứ hay ở nước ngoài, những người tuyên khấn thường tham gia các sinh hoạt nhằm giúp đỡ người khác. Họ thi hành điều này với sự trợ giúp của nếp sống quên mình mà nguồn gốc được tìm thấy trong lịch sử của truyền thống Công Giáo.

Các Vấn Đề Hiện Nay

Các tu hội ngày nay bị choáng ngợp với nhiều thử thách và khó khăn. Trên một phương diện thực tế, có vấn đề sút giảm thành viên cùng lúc với sự gia tăng số tuổi của người tham dự. Tốn phí chăm sóc sức khỏe, về hưu, và quản lý các bất động sản thường là đề tài trong các buổi họp của tu hội.

Các phần tử của tu hội cũng phải phấn đấu để xác định căn tính của họ trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Thí dụ, một số tu hội chấp nhận mệnh lệnh của đức giáo hoàng là áo dòng được coi như y phục thường ngày. Các tu hội khác lại để vấn đề này tùy thuộc các tu sĩ nam nữ.

Trong thời đại chúng ta, là thời đại nhấn mạnh đến sự quan trọng của quyền tự trị của cá nhân, ý nghĩa của lời khấn "vâng phục" được đặt thành vấn đề. Có phải sự tự-hướng-dẫn để đáp ứng với lương tâm và ơn gọi của một người thì cũng quan trọng như vâng phục bề trên? Có thể nào phân biệt sự vâng phục có trách nhiệm với vâng phục mù quáng?

Ngày nay các vấn đề này thì đặc biệt quan trọng trong các tu hội nữ. Các nam tu sĩ có thể yêu cầu để trở nên một linh mục, nhưng các nữ tu có khả năng lãnh đạo lại không có sự lựa chọn này. Nhiều người ngày nay đặt lại vấn đề của một hệ thống giáo hội kêu gọi các dòng tu nữ phải lệ thuộc cơ cấu quyền bính được hình thành chỉ bởi các nam tu sĩ.

Bất cứ thách đố nào cũng đều có tính cách tiêu cực và tích cực. Nhiều người sống trong tu hội ngày nay thấy rằng họ đang sống trong thời kỳ nhiều thú vị và ích lợi. Nhiều người còn tin rằng thật khó để tìm thấy một con đường nào khác hơn để theo Chúa Kitô.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa xem xét các lời khuyên phúc âm, các động lực gia nhập tu hội, lịch sử các tu hội, và một số vấn đề hiện thời. Lần sau khi một sinh viên hỏi tại sao người ta lại chọn làm một thầy dòng thay vì là linh mục, tôi sẽ cố không đi đến kết luận ngay. Tôi sẽ nhắc đến sự hấp dẫn của đời sống cộng đoàn, cũng như nhận xét là nhiều người có nhiều ơn gọi khác nhau. Tuy nhiên, chính yếu tôi sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu của từng người để tìm ra phương cách tốt nhất mà trong đó họ có thể đáp lời mời gọi của phúc âm.

Trong hai chương kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu về thần học giải phóng như một phương cách tiếp cận đối với đức tin đặt trọng tâm đặc biệt trên cộng đồng.

Suy Nghĩ Thêm

Điều gì thu hút người ta nhất để gia nhập một tu hội?
Kinh nghiệm của bạn đối với những tu sĩ nam nữ là gì?
"Ơn gọi" có nghĩa gì? Có phải ai ai cũng có một loại ơn gọi?
Bạn có ngạc nhiên khi thấy một số người đi tu không phải chỉ vì các động lực tôn giáo?
Các lời khuyên phúc âm có "kỳ cục" trong thế giới ngày nay không?
Chương 20: THẦN HỌC GIẢI PHÓNG và CỘNG ĐỒNG KITÔ GIÁO

Nhiều cuốn sách và phim ảnh có thể giúp chúng ta trưởng thành khi giúp chúng ta thấy được sự việc qua những viễn cảnh khác nhau. Khi thấy chúng ta và thế giới qua cái nhìn của người khác điều đó có thể là một ơn huệ lớn, nhưng nó cũng có thể là một điều khủng khiếp. Nếu thấy được thực tại một cách khác biệt, chúng ta có thể thay đổi. Có thể chúng ta tiếp nhận một giá trị mới, có những quyết định mới, và thay đổi lối sống.

Một phương cách tương đối mới để nhìn về thần học hiện đang phổ thông ở Châu Mỹ La Tinh và lan tràn khắp thế giới được gọi là "thần học giải phóng." Các thần học gia của phái này kêu gọi mọi người hãy nhìn sự việc qua viễn cảnh rất đặc biệt: cái nhìn của người nghèo. Người ta càng ý thức về viễn cảnh này bao nhiêu thì người ta sẽ thay đổi và trưởng thành bấy nhiêu.

Trong Chương Này

Chương này sẽ giới thiệu một số ý niệm căn bản của các thần học gia giải phóng, và chính yếu nhắm đến ý tưởng của họ về giáo hội. Tôi sẽ dựa vào công trình nhiều tranh luận của thần học gia người Brazil, Leonardo Boff, cuốn Church: Charism and Power (Giáo Hội: Ơn Đoàn Sủng và Quyền Lực). Thần học gia giải phóng rất nhấn mạnh đến các hình thức mới của cộng đồng Kitô Giáo, và vì thế có thể liên hệ đến chương 6 của Lumen Gentium. Thần học gia giải phóng cũng có thể liên hệ đến vấn đề công bằng xã hội lan tràn khắp Vatican II.

Các Điều Kiện Quá Quắt

Nói cho cùng thần học giải phóng tán thành hoạt động chính trị nhân danh đức ái Kitô Giáo; tuy nhiên nó bắt nguồn từ sự vi phạm trắng trợn về điều kiện của người nghèo trong các quốc gia Châu Mỹ La Tinh. Boff nói về chính quê hương Brazil của ông:

Thí dụ ở Brazil, 75 phần trăm dân chúng sống trong tình trạng kinh tế bên lề xã hội; 43 phần trăm bị ép buộc phải nhận lương tối thiểu để sống còn. Một công nhân từ São Paolo, Manuel Paulo, nói rất đúng: "Tôi kiếm được rất ít, chỉ để chứng tỏ rằng tôi vẫn sống sót…" 40 phần trăm người Brazil sống, làm việc, và đi ngủ với cơn đói kinh niên; có đến 10 triệu người bị bệnh tâm thần vì suy dinh dưỡng; 6 triệu người đau khổ vì sốt rét; 650,000 người bị lao và 25,000 đau khổ vì bệnh cùi.

Các thần học gia giải phóng tin rằng Phúc Âm phải đề cập đến những điều kiện khốn cùng như thế này. Có thể nào đó là thánh ý của một Thiên Chúa nhân ái khi nhiều triệu người phải sống trong nghèo nàn hèn hạ? Hay trong đức tin Kitô Giáo có lời mời gọi nào để hoạt động nhằm vơi bớt sự khổ cực này?

Các Cộng Đồng Căn Bản Giáo Hội

Ông Boff cho rằng thần học giải phóng không bắt nguồn từ sự suy đoán của các thần học gia, nhưng bắt nguồn từ cảm nghiệm của các Kitô Hữu thường đến cầu nguyện chung để đọc Kinh Thánh và suy gẫm về ý nghĩa của nó. Các nhóm này thường khoảng mười lăm đến hai mươi gia đình. Ông Boff đã đưa ra giải thích sau về tổ chức được gọi là communidades ecclesiales de base, hay cộng đồng căn bản giáo hội:

Nguyên thủy, một cộng đồng như vậy giúp đức tin của các thành viên sâu đậm hơn, chuẩn bị phụng vụ, bí tích, và đời sống cầu nguyện. Ở mức độ cao hơn các thành viên này bắt đầu giúp đỡ lẫn nhau. Khi họ càng chặt chẽ và suy niệm sâu xa hơn, họ nhận ra rằng các vấn đề mà họ đương đầu có một đặc tính cơ cấu. Điều kiện sống bên lề xã hội của họ được coi như một hậu quả của tổ chức ưu đãi, tư nhân làm chủ, đó là, cơ cấu kinh tế xã hội của hệ thống tư bản. Do đó, các vấn đề chính trị được nêu lên và ước muốn giải phóng được hình thành trong một khung cảnh cụ thể và lịch sử. Cộng đồng coi điều này không chỉ là một sự giải phóng khỏi tội lỗi nhưng còn là sự giải phóng mang các chiều kích kinh tế, chính trị, và văn hóa.

Tuy các cộng đồng căn bản giáo hội vẫn chỉ là thiểu số ở Châu Mỹ La Tinh, các tổ chức này đã phát triển nhanh chóng trong các quốc gia như Brazil, Colombia, và El Salvador. Họ bao gồm việc đọc Kinh Thánh với sự phân tích kinh tế và xã hội là các nguyên nhân gây nên những khó khăn để khích lệ họ đi đến hành động chính trị có tổ chức. Tuy một số thần học gia giải phóng cổ võ sự bạo động, hầu hết đã mạnh mẽ ủng hộ các hoạt động cách mạng bất bạo động.

Theo ông Boff, các cộng đồng căn bản giáo hội có liên can đến toàn thế giới vì bản chất của giáo hội Công Giáo. Ông chỉ trích các hoạt động giáo hội hiện thời vì nặng ở đỉnh và quan liêu, lấy hứng khởi từ Rôma và các cơ cấu phong kiến hơn là từ Phúc Âm. Ông thấy giáo hội trong chính quê hương ông như một giáo hội từng đi với giới giầu để đàn áp giới nghèo. Trái lại, cộng đồng căn bản giáo hội đại diện cho một xã hội lý tưởng, không giai cấp mà trong đó mọi phần tử có thể góp phần cách trọn vẹn. Các cộng đồng này lưu tâm đến những người bị tước quyền sở hữu và thực sự cử mừng ý nghĩa giải phóng Kitô Giáo.

Ông Boff làm nổi bật sự tương phản này bằng cách diễn tả hai loại quyền lực. Quyền lực thống trị là quyền lực của giới cai trị đàn áp muốn tước đoạt quyền hành của những người bị trị. Giới cầm quyền càng có quyền bao nhiêu, người dân càng ít quyền bấy nhiêu. Giới cai trị nắm quyền kiểm soát người khác để thi hành các công việc có lợi cho họ. Trái với quyền thống trị là quyền trao ban, quyền của Chúa Giêsu, quyền của tình thương. Những ai có loại quyền này thường muốn chia sẻ với người khác. Loại quyền này giúp cho người khác có khả năng làm việc cho chính bản thân và cho ích lợi chung. Một người có thêm quyền thì cả tập thể càng có quyền.

Trong cái nhìn của ông Boff, các cộng đồng căn bản giáo hội đem lại khởi điểm cho sự tái sinh của giáo hội Công Giáo từ dưới đi lên. Đó là, ông Boff hình dung ra một hệ thống liên kết các cộng đồng căn bản giáo hội toàn thế giới mà nó sẽ thấm nhập một tinh thần mới của tình yêu bình đẳng trong toàn thể giáo hội. Ông rút ra từ hình ảnh của bà Sara, vợ ông Abraham, đã một trăm tuổi và nghĩ rằng bà không thể mang thai. Giáo hội cũ với quyền lực thống trị cũng giống như bà Sara; các cộng đồng căn bản giáo hội như một sự sống mới trong lòng mẹ:

Bà Sara mỉm cười, vì trước đây cằn cỗi nhưng bây giờ đã có khả năng sinh sản, bà trở nên một tạo vật mới! Bà Sara đã thụ thai. Ở đó, trong lòng bà Sara, các dấu hiệu của một đời sống mới đã khởi sự ló dạng: một giáo hội mới được khai sinh, trong sự thoái lui của nhân loại.

Kinh Thánh Giải Phóng

Các thần học gia giải phóng nhìn đến Kinh Thánh như một nguồn cội của đức tin. Họ chú trọng đặc biệt đến câu chuyện trong sách Xuất Hành khi Thiên Chúa đứng về phía người nô lệ Do Thái chống với kẻ đàn áp, là Pharaô người Ai Cập. Thiên Chúa nghe tiếng than van của họ, đã đưa ra một người lãnh đạo, và gây ra tật bệnh trên kẻ đàn áp cho đến khi sau cùng dân Chúa được giải thoát khỏi cảnh nô lệ.

Các thần học gia giải phóng cùng lên tiếng với Môsê, "Hãy phóng thích dân tôi." Họ so sánh hoàn cảnh của người nghèo ở Châu Mỹ La Tinh với hoàn cảnh của người nô lệ Do Thái. Họ giải thích sự cứu độ đến từ Thiên Chúa không chỉ là một vấn đề tinh thần liên can đến sự phán xét sau cùng của một cá nhân, nhưng còn là một vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội có những ẩn ý ngay ở đây và ngay bây giờ.

Câu chuyện của Chúa Giêsu cũng đặc biệt thu hút các thần học gia giải phóng, họ chú ý đến chức năng của Chúa Giêsu như một người giải phóng dân chúng. Họ nêu bật những điều Chúa Giêsu khiển trách người giầu, sự lưu tâm đặc biệt của Chúa với người nghèo và người bị tước quyền xã hội, những cuộc đụng độ giữa Chúa Giêsu và giới thẩm quyền tôn giáo và chính trị, và quyền năng phục sinh của Chúa như sự giải thoát sau cùng khỏi cái chết. Chúa Giêsu không chỉ giải thoát chúng ta khỏi tội cá nhân mà còn thoát khỏi các cơ cấu tổ chức của tội lỗi đã làm lu mờ các tương giao nhân bản bởi kềm kẹp con người trong các điều kiện ghê tởm của nghèo nàn và tuyệt vọng.

Lựa Chọn Ưu Tiên cho Người Nghèo

Các thần học gia giải phóng trích dẫn từ Kinh Thánh để nói về điều mà họ gọi là "lựa chọn ưu tiên cho người nghèo," là một thành ngữ đã len lỏi vào một số văn kiện giáo hội, kể cả các diễn từ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thành ngữ này lấy cảm hứng từ phương cách mà trong đó Thiên Chúa được trưng ra như đặc biệt lưu tâm đến người nghèo--trong luật lệ của Do Thái và trong giảng dậy của các ngôn sứ, cũng như trong con người và sự giảng dậy của Chúa Giêsu. Thành ngữ này đã được diễn giải theo nhiều phương cách. Một số người nói rằng "nghèo" có thể ám chỉ nhiều loại nghèo nàn, không chỉ nghèo vật chất, nhưng còn sự cô đơn, sự ghét bỏ, và chèn ép. Theo phương cách này người ta có thể nói rằng Thiên Chúa lưu tâm đặc biệt đến tất cả mọi người để đáp ứng với các nhu cầu sâu xa nhất của họ.

Có lần tôi đưa ra cách giải thích trên với một thần học gia giải phóng đến thăm trường mà tôi đang dậy. Hầu như ông trả lời một cách khinh miệt: "Ối chà! Ông muốn biết nghèo khổ là gì hả? Cứ đến quê hương tôi và tôi sẽ cho ông thấy nghèo là gì." Ông tin là tôi đang chước giảm ý nghĩa của "nghèo nàn" để khỏi bị thách đố trong tư tưởng. Sự nghèo nàn đích thực là sự ghê tởm của việc mất mát vật chất mà người dân của ông đang cảm nghiệm. Nếu tôi tái định nghĩa sự nghèo nàn bao gồm sự cô đơn của những người giầu sang vật chất, tôi sẽ lấy đi tính cách khẩn trương phải thi hành điều gì đó được coi là vấn đề của người dân của ông.

Một câu hỏi chung mà các sinh viên thường nêu lên vào lúc đó là Thiên Chúa có lưu tâm đến tất cả mọi người hay không. Câu trả lời tôi nghe được từ vị thần học giải phóng đó là sự ưu tiên cho người nghèo bao gồm cả sự lưu tâm đặc biệt cho tất cả mọi người. Vì không ai thực sự được phục vụ tốt đẹp bởi hoàn cảnh chèn ép. Người đàn áp bị trói buộc và giới hạn bởi hoàn cảnh giống như người bị đàn áp.  Người làm chủ thì không có nhân bản bởi chính sự kiện khi làm chủ người nô lệ. Khi người nô lệ được phóng thích, người làm chủ trước đây được giải thoát khỏi sự ràng buộc khi là người đàn áp. Người chủ trước đây bây giờ có nhiều cơ hội để trở nên một con người thật sự nhân bản khi họ giao du với những người trước đây là nô lệ.

Trong kiểu giải thích này, "ưu tiên cho người nghèo" đòi hỏi người ta nhìn thực tại qua con mắt của người nghèo. Nếu không ý thức thực tại đó qua con mắt người nghèo thì họ không chạm được với thực tế. Bởi đó, các quyết định phải được thi hành với sự lưu ý đến người nghèo. Luật gia Robert Rodes giải thích sự ưu tiên cho người nghèo theo phương cách này: Đó là "nhận thức rõ các mối lợi đặc biệt của giới thống trị và quyết định trái với các mối lợi đó." Dù một người có thực sự nghèo hay không, họ phải liên đới với người nghèo và hoạt động để thay đổi xã hội vì hạnh phúc của người nghèo. Trong phương cách này, các thần học gia giải phóng hỗ trợ việc thay đổi không chỉ có giáo hội, nhưng còn thay đổi xã hội, từ dưới lên trên.

Một câu hỏi khác thường được nêu lên về ưu tiên cho người nghèo là liệu rằng nó có đại diện cho việc vinh danh sự nghèo nàn hay không. Bất cứ ai đọc nhiều về thần học giải phóng họ sẽ không thắc mắc về câu hỏi này. Các thần học gia giải phóng khinh miệt sự tước đoạt vật chất. Điều họ cổ võ thì không phải là sự nghèo nàn mà là sự công bằng. Họ yêu thương người nghèo không phải vì sự nghèo nàn nhưng vì họ tượng trưng cho diện mạo của Đức Kitô là Người xuất hiện trong tất cả những ai có nhu cầu. Các thần học gia giải phóng kêu gọi hoạt động để đảo ngược các bất công đã góp phần hạ giá nhân phẩm.  Họ không vinh danh sự nghèo nèn bất cứ cách nào.

Kiểu Mẫu Giáo Hội I: Cộng Đồng Dân Chúa

Khi nhấn mạnh đến các cộng đồng căn bản giáo hội và giáo hội địa phương, các thần học gia giải phóng lưu ý đặc biệt đến một lối giải thích của Avery Dulles gọi là kiểu mẫu "hiệp thông mầu nhiệm" của giáo hội. Những người đề xướng kiểu mẫu "hiệp thông mầu nhiệm" có thể chia làm hai: những người thích hình ảnh "Thân Thể Đức Kitô" và những người thích hình ảnh "Dân Chúa." Leonardo Boff thì đại diện cho các thần học gia giải phóng nói chung chú trọng đến giáo hội như "Dân Chúa". Ông giải thích sự phát sinh hình ảnh này như một trong những biến cố quan trọng nhất ở Công Đồng Vatican II vì hai lý do.

Thứ nhất, kiểu mẫu "Dân Chúa" cho thấy sự chuyển hướng từ một giáo hội quá chú trọng đến phẩm trật và cơ cấu tổ chức sang một giáo hội chú trọng đến người dân với những khó khăn và sự vật lộn hằng ngày. Ông Boff không hỗ trợ việc tách biệt hàng giáo phẩm, nhưng ông muốn thấy chức năng lãnh đạo của hàng giáo phẩm được đóng khung trong nhiều chức năng lãnh đạo khác do dân Chúa đảm nhận. Đối với ông Boff, chức năng lãnh đạo của hàng giáo phẩm chỉ là một trong nhiều ơn đoàn sủng. Nó cần được quý trọng nhưng đừng để lợi dụng. Các nhà lãnh đạo phải hành xử như người phục vụ dân, và đừng hành động như thể họ cao hơn hay tốt hơn bất cứ Kitô Hữu nào khác. Hình ảnh "Dân Chúa" gợi lên hình ảnh của một giáo hội với tinh thần hoàn toàn bình đẳng, một giáo hội đang được tái sinh từ dưới lên trên.

Thứ hai, kiểu mẫu "Dân Chúa" đòi hỏi một giáo hội phải sẵn sàng thay đổi. Trong quan điểm của ông Boff, giáo hội này đã được thiết lập bởi các tông đồ dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần vào ngày Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần hướng dẫn các tông đồ xây dựng một giáo hội để đáp ứng với các nhu cầu của thời đại. Chính Thánh Thần đó vẫn ở với giáo hội ngày nay, đang giúp đỡ dân Chúa đáp ứng với các nhu cầu cần thay đổi của chúng ta. Boff dùng quan điểm này để chỉ trích các quan điểm mà ông tin rằng quá gắn bó với các quyết định trong quá khứ của các nhà lãnh đạo giáo hội.

Sự áp dụng thực tế quan điểm của ông Boff về Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa là ông ủng hộ nhiều thay đổi trong giáo hội ngày nay, tỉ như việc tấn phong linh mục cho phụ nữ, các linh mục được lập gia đình, và việc cử hành Thánh Lễ bởi các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương mà có thể họ thiếu huấn luyện trong chủng viện và được tấn phong với giá trị giáo hội rộng lớn. Lý luận của ông Boff là chúng ta chỉ có thể trung thành với di sản nếu chúng ta bắt chước các vị lãnh đạo trong quá khứ khi quyết định phù hợp với nhu cầu của chúng ta; tự trói buộc chúng ta với các quyết định trong quá khứ mà không thỏa đáp các nhu cầu là tạo nên một giáo hội ù lì không trung thành với truyền thống năng động của chúng ta.

Kiểu Mẫu Giáo Hội II: Tôi Tớ và Dụng Cụ của Giải Phóng

Đối với các thần học gia giải phóng, quan trọng hơn kiểu mẫu "hiệp thông mầu nhiệm" là kiểu mẫu "tôi tớ" của giáo hội. Cũng tại đây các thần học gia giải phóng đưa ra kiểu giải thích đặc biệt của họ. Kiểu mẫu nguyên thủy của Dulles nhấn mạnh đến sự phục vụ trong một thế giới được nhìn cách lạc quan như tiến đến các thành công lớn lao hơn. Nó được đại diện bởi các nhà tư tưởng cấp tiến như Pierre Teilhard de Chardin và Harvey Cox. Lối giải thích kiểu mẫu tôi tớ của thần học gia giải phóng coi thế giới như một hệ thống thối nát được xây dựng trên sự đàn áp của biết bao người nghèo.

Ông Boff đưa ra hai phương cách bổ sung để nghĩ về một giáo hội như người phục vụ. Thứ nhất, giáo hội là một "cộng đồng và dấu chỉ của sự giải phóng." Trong chính khung cảnh nội bộ, nó cố gắng để trở nên một cộng đồng thân thiết và như một gia đình. Nó giúp đỡ các phần tử, và cũng phục vụ xã hội rộng lớn hơn, tỉ như giáo dục và chăm sóc y tế. Boff tin rằng những phục vụ này đặc biệt quan trọng khi chúng không rập khuôn các phục vụ đã có trong xã hội.

Thứ hai, giáo hội phải là một "ngôn sứ và khí cụ của sự giải phóng." Ông Boff cảnh cáo về sự nguy hiểm khi quá chú trọng đến các khía cạnh cộng đoàn của giáo hội. Không nên thỏa mãn với những tiến bộ bên trong nhằm đem lại dân chúng một cảm giác êm ấm như trong gia đình. Ông Boff dùng thí dụ của các tù nhân trong một nhà tù mà điều kiện sống được thăng tiến. Các thăng tiến đó thì tốt nhưng không thể so sánh với sự phóng thích khỏi nhà tù. Để dân chúng được tự do, giáo hội phải hoạt động tiến đến sự thay đổi cơ cấu trong xã hội:

Tiến trình giải phóng đòi hỏi một sự phân tích tỉ mỉ về xã hội: sản phẩm của sự thịnh vượng được hành xử như thế nào, tài sản được phân phối ra sao, chỗ đứng của các cá nhân đối với tiền vốn, công việc và sự tham dự. Cộng đồng nào thức tỉnh đối với thực tế này thì đã ý thức về sự vi phạm nhân quyền, sự nghèo nàn cố hữu, sự bất công xã hội mà đó là kết quả của một tổ chức của toàn thể hệ thống thường được trình bầy là tốt lành, thuộc Kitô Giáo, dân chủ, và vân vân. Đức tin Kitô Giáo thức tỉnh trước sự công bằng xã hội, đối với ý nghĩa thực sự của sự giải phóng toàn cầu của Đức Giêsu Kitô mà nó đòi hỏi sự biến đổi, sự hoán cải, không chỉ mức độ cá nhân nhưng còn ở cơ cấu.

Bởi đó các phần tử của các cộng đồng căn bản giáo hội được mời gọi để kết hợp về phương diện chính trị để hoạt động chống với các lực lượng đàn áp. Họ quân bình sự phân tích xã hội và hành động với một tinh thần của "đức tin, đức cậy, đức mến, sự tín thác và kiên nhẫn." Ông Boff nói rõ con đường này thường dẫn đến sự bắt bớ và tử đạo.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa khảo sát một số chiều kích căn bản của thần học giải phóng: khắc phục sự đàn áp, các cộng đồng căn bản giáo hội, sự giải phóng trong Kinh Thánh, ưu tiên cho người nghèo, và giáo hội như Dân Chúa và Khí Cụ của Giải Phóng.

Các thần học gia giải phóng đưa ra nhiều đòi hỏi đối với người dân của thế giới thứ nhất. Tôi coi trọng các điều này. Tôi đồng ý với một số điều, nhưng không phải tất cả. Tuy vậy, điều tôi coi trọng nhất là đòi hỏi rằng tôi phải nhìn sự vật qua con mắt của người nghèo. Càng được như thế, tôi càng gần với thực tế và với Thiên Chúa hơn. Và tôi càng thay đổi và thăng tiến.

Trong chương kế tới, chúng ta sẽ thăm dò một số thảo luận quan trọng về giá trị và vai trò của thần học giải phóng.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Thần học giải phóng có quá liên hệ với các vấn đề chính trị không?
Bạn giải thích thế nào về ý niệm cho rằng Thiên Chúa lưu tâm đặc biệt đến người nghèo?
Thần học giải phóng có hữu ích cho Hoa Kỳ không? Nếu có, nó có thể áp dụng thế nào?
Bạn có được cảm nghiệm về điều mà Boff gọi là quyền lực thống trị không? Bạn có được cảm nghiệm về điều mà Boff gọi là quyền trao ban không?
Các nhà lãnh đạo giáo hội ngày nay có phải cảm thấy tự do hơn để thay đổi nhằm đáp ứng với hoàn cảnh mới không?
Chương 21: THẦN HỌC GIẢI PHÓNG: NHỮNG PHÊ BÌNH & CA NGỢI

Có lần tôi nói chuyện với một sinh viên đang khi trong thang máy đông người ở thư viện đại học. Anh cho biết lúc còn ở trung học, khi anh bày tỏ quan điểm chính trị về sự cần thiết phải lưu tâm đến người nghèo; ông thầy của anh phản ứng bằng cách gọi anh là người theo chủ thuyết Mác xít.

Khi chúng tôi ra khỏi thang máy, một người cùng trong thang máy với chúng tôi bước đến trước mặt anh. Ông ta lùn, ngăm đen, chỉ cao bằng nửa anh sinh viên. Ông ta chỉ tay vào mặt anh và gằn giọng với âm hưởng Châu Mỹ La Tinh: "Bạn không nói những điều đó vì bạn là một tên Mác xít; nhưng là vì bạn là một Kitô Hữu."

Ông dợm bước đi, nhưng tôi không để sự kiện chấm dứt ở đó. Tôi sánh bước với ông và hỏi ông là ai. Ông là một giáo sư về ngôn ngữ đến từ Colombia. Ông ta tiếp tục lên giọng diễn thuyết cho rằng không có người Kitô Hữu đích thực ở đây: "Tôi có thương ông không? Ông có thương tôi không? Đây không phải là một xã hội Kitô Giáo. Đây là một xã hội mà người ta chỉ biết đến mình. Nói cho tôi biết, có ai thực sự sống đạo không?"

Nhận xét của anh sinh viên quả thật đã dấy động một phản ứng. Người giáo sư này không chỉ triết lý gàn; ông tức giận và căm phẫn khi thấy một sinh viên bày tỏ sự lưu tâm đến người nghèo thì lại bị cho là Mác xít. Điều đó rất giống với những gì xảy ra ở quê hương ông khi phản ứng với các thần học gia giải phóng.

Trong Chương Này

Thần học giải phóng có nhiều người chỉ trích và nhiều người thán phục. Chương này sẽ xem lại một số phê bình và lượng giá chính yếu về thần học giải phóng, tỉ như sự liên hệ của nó với chủ thuyết Mác xít, với tư duy không tưởng và phản ứng của Tòa Thánh Vatican. Chương này tiếp theo phần dẫn nhập về thần học giải phóng ở chương trước, và có liên hệ đến Lumen Gentium chương 6 vì nó nhấn mạnh đến cộng đồng Kitô Hữu.

Nhãn Hiệu Mác-xít

Chữ "chủ thuyết Mác xít" có thể ám chỉ đến nhiều điều. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói về bốn ý nghĩa trong Octogesima Adveniens (1971):

1. Hành động thực tiễn của đấu tranh giai cấp.

2. Hành động tập thể về quyền lực kinh tế và chính trị dưới sự lãnh đạo của độc đảng.

3. Một ý thức hệ xã hội dựa trên duy vật sử quan và từ chối bất cứ gì là siêu việt.

4. Một phương pháp khắt khe để khảo cứu thực thể xã hội và chính trị mà nó liên kết sự hiểu biết về lý thuyết với thực tiễn thay đổi có tính cách mạng (đoạn 33).

Hầu hết các thần học gia giải phóng thì không phải Mác xít theo định nghĩa 1. Rất ít thần học gia là Mác xít theo định nghĩa 2 và 3, nếu có. Tuy nhiên, nếu bởi chữ "chủ thuyết Mác xít", người ta muốn nói đến định nghĩa 4, thì hầu hết các thần học gia giải phóng đều ít nhiều lấy cảm hứng từ một phương pháp phân tích xã hội và hành động thay đổi liên can đến chủ thuyết Mác xít về phương diện lịch sử. Các thần học gia giải phóng thường bị cho rằng đã tổng quát hóa chủ nghĩa tư bản để theo Mác xít. Chủ nghĩa tư bản và sự lạm dụng thế giới thứ ba bởi thế giới thứ nhất đôi khi được cho là các nguyên nhân gây nên tai họa kinh tế của Châu Mỹ La Tinh. Các cơ cấu xã hội thường được phân tích về mặt đấu tranh giai cấp. Những liên hệ đến chủ thuyết Mác xít này thường là trọng tâm để người ta chỉ trích thần học giải phóng.

Tuy nhiên, ngay cả về những điểm này, sự liên hệ giữa thần học giải phóng và chủ thuyết Mác xít là một điểm khá đúng. Sự liên hệ này được thay đổi nhất là bởi nhấn mạnh rằng các thần học gia giải phóng có tin vào Thiên Chúa, sự siêu việt của loài người, và Kinh Thánh. Đơn giản gán cho các thần học gia giải phóng là "Mác xít" thì làm sai lạc và không ích gì để hiểu rõ ràng về những gì họ nói.

Thần học gia dòng Tên là Arthur McGovern, một chuyên gia về sự tương giao giữa Kitô Giáo và Mác xít, đã vạch ra những tương phản sau:

Thần học giải phóng dùng các ý niệm của Mác xít, nhưng các ý niệm này không còn ý nghĩa giống như chủ thuyết Mác xít xưa. "Hành động cụ thể" bao hàm việc sống đức tin Kitô Giáo, không phải là các mưu kế thay đổi của Mác xít. "Đấu tranh giai cấp" diễn tả thực tế xung đột xã hội ở Châu Mỹ La Tinh, không phải là một chương trình nhằm khuấy động hận thù hay loại trừ một số giai cấp cai trị. Các thần học gia giải phóng nói về cái "nghèo" ở Châu Mỹ La Tinh, với sự nhấn mạnh đặc biệt đến các nông dân không có ruộng, và những người bị bỏ rơi bên lề xã hội và bị ngăn chặn không được tham dự vào đời sống kinh tế chính trị của Châu Mỹ La Tinh. Họ không nhắm đến giai cấp "vô sản" mà những người theo Mác xít coi như thành phần giải phóng.

McGovern cũng vạch rõ là, kể từ thập niên 1980, các thần học gia giải phóng đã vượt ra ngoài sự phân tích xã hội có tính cách phê phán để rồi mù quáng lên án chủ nghĩa tư bản như căn nguyên của mọi vấn đề, và một số vị đã nói về sự cần thiết xây dựng các nền dân chủ có tính cách cộng tác.

Một thí dụ về việc áp dụng phân tích xã hội của các thần học gia giải phóng là việc họ áp dụng điều được gọi là "lý thuyết về sự lệ thuộc". Dưới một hình thức, lý thuyết lệ thuộc là một sự lên án có tính cách ý thức hệ và phản khoa học cho rằng chủ nghĩa thuộc địa của thế giới thứ nhất, nhất là Hoa Kỳ, là nguyên nhân chính gây nên các khó khăn về kinh tế và xã hội ở Châu Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, McGovern có thể phân biệt giữa hình thức ngờ nghệch của lý thuyết lệ thuộc này và một hình thức có sắc thái hơn nhấn mạnh đến các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài. Lối giải thích được cải tiến của lý thuyết lệ thuộc này phân tích các hình thức của sự lệ thuộc và kể ra nhiều loại nguyên nhân của sự tước đoạt mà không đơn giản đổ lỗi cho thế giới thứ nhất. McGovern lý luận rằng một số thần học gia giải phóng, tỉ như Leonardo Boff, dường như đưa ra một tổng hợp của hai lối giải thích; những người khác, tỉ như Gustavo Gutierrez, hiển nhiên dùng lối giải thích có sắc thái, tinh vi hơn.

Về việc sử dụng cách phân tích xã hội của các thần học gia giải phóng thì không thể tổng quát hóa hay chụp mũ một khi phân tích kỹ lưỡng. Triết gia về chính trị là John R. Pottenger đã đánh giá thần học giải phóng là một phong trào đang phát triển có tiềm năng vượt qua các phân rẽ cổ truyền giữa các quan điểm-giá trị và phân tích khách quan và giữa tôn giáo và chính trị.

Phải, các thần học gia giải phóng lấy từ chủ nghĩa Mác xít những ngôn ngữ, ý niệm, dụng cụ phân tích, và đôi khi ngay cả những thành kiến chính trị. Ngay cả một vài người còn tự nhận là "Mác xít". Tuy nhiên, sau khi phân tích, các thần học gia giải phóng thì khác xa với các người Mác xít về đức tin nơi Thiên Chúa, Kinh Thánh, sự ưu việt, và ngay cả trong phương cách họ sử dụng các ý niệm và phương tiện mà họ vay mượn.

Chủ Nghĩa Không Tưởng?

Một phê bình có nền tảng vững vàng về chủ nghĩa Mác xít cho rằng chủ nghĩa này thì "không tưởng" vì nó đưa ra một quan điểm không thực tế về một tương lai tuyệt hảo trong khi phải hy sinh sự tốt lành hiện có. Công thức cổ điển để bài bác chủ nghĩa không tưởng được trích từ Tự Điển Triết Học của Voltaire: "Đừng làm sự tuyệt hảo trở thành kẻ thù của sự tốt lành." Nói cách khác, đừng hy sinh một tình trạng chưa tuyệt hảo nhưng có thể chấp nhận được để đổi lấy một tình trạng không thể chấp nhận được bằng cách nhấn mạnh đến sự tuyệt hảo không thể nào đạt đến.

Một số học giả, nổi tiếng nhất là Michael Novak, đã rút ra từ truyền thống bài bác chủ nghĩa không tưởng để hình thành những phê bình về thần học giải phóng. Dùng các dữ kiện về sự thịnh vượng trong các quốc gia tư bản và xã hội, Novak cho rằng bất cứ chương trình phát triển nào thiên về xã hội chủ nghĩa thì không khuyến khích phát triển kinh tế. Như Novak vạch rõ, câu hỏi của ông, thật cay đắng, không phải là một câu hỏi về ý thức hệ nhưng là hành động cụ thể: Thần học giải phóng có kết quả không? Novak tin rằng sự tiến bộ ở Châu Mỹ La Tinh chỉ có thể đạt được qua việc du nhập các thể chế tự do, dân chủ mà chúng khuyến khích tự do chính trị và kinh tế. Không phải là chủ nghĩa tư bản nhưng là sự thiếu vắng chủ nghĩa tư bản đích thật mà từ trước đến nay đã cản trở sự phát triển trong các quốc gia này.

Các thần học gia giải phóng từng cố gắng phân biệt việc sử dụng "chủ nghĩa không tưởng" với loại chủ thuyết lý tưởng bị Novak chỉ trích. Họ rút ra từ công trình của nhà xã hội học Karl Mannheim, là người phân biệt tư duy "ý thức hệ" mà nó đơn giản hỗ trợ trật tự hiện thời với tư duy "không tưởng" mà nó chỉ trích trật tự hiện hành. Phù hợp với truyền thống này, Gustavo Gutierrez đưa ra những tương phản giữa việc sử dụng "chủ nghĩa không tưởng" của chính ông với những giải thích về ý thức hệ. Đối với ông, "chủ nghĩa không tưởng" không phải là một giấc mơ thiếu thực tế, không thể thực hiện được. Đó là một kiểu cách tư duy sống động nhằm rút ra từ các khoa xã hội để tạo thành các điều kiện sống nhân bản hơn; nó được minh chứng trong hành động cụ thể.

Do đó, trong khuôn khổ ý niệm này, "chủ nghĩa không tưởng" không có nghĩa lý tưởng mơ hồ; đúng hơn, nó có nghĩa rộng mở cho những thay đổi cần thiết. Nó không nhằm áp đặt một hình ảnh sẵn có của một thực thể tuyệt hảo lên trên chế độ hiện thời, nhưng thay vào đó nó hoạt động để thay đổi chế độ từng bước một. Các thần học gia giải phóng không nghĩ rằng họ đang đánh đổi một hoàn cảnh thiếu hoàn hảo nhưng chấp nhận được để đối lấy hoàn cảnh tệ hơn; họ tin rằng hoàn cảnh họ đang sống thì tuyệt đối không thể chấp nhận được và rồi bất cứ gì phát sinh ra từ đó đều tốt đẹp hơn.

Novak và các thần học gia giải phóng đều đồng ý là cần phải thay đổi quyết liệt; trong khi họ không đồng ý về sự phán đoán rằng tư duy "chủ nghĩa không tưởng" có thể giúp được hoàn cảnh này hay không.

Phản Ứng của Vatican

Năm 1984, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin phát hành tập "Huấn Thị Về Một Vài Khía Cạnh của 'Thần Học Giải Phóng'." Tài liệu này đưa ra một cảnh cáo nghiêm khắc về sự liên hệ giữa thần học giải phóng với chủ thuyết Mác xít, nhất là sự nguy hiểm khi làm sái lệch các học thuyết Kitô Giáo truyền thống theo một phương cách nhằm hạn hẹp ý nghĩa của chúng vào các vấn đề chính trị của thế giới. Một tài liệu liên hệ, "Huấn Thị Về Sự Tự Do và Giải Phóng Kitô Giáo," được phát hành năm 1986. Tài liệu thứ hai này ôn hoà hơn nhiều. Tuy không nhắc nhở nhiều đến thần học giải phóng, tài liệu này xác định một cách tổng quát nhiều đề tài căn bản về sự tự do con người và phát triển xã hội nằm dưới thần học giải phóng, trong khi ám chỉ đến những nguy hiểm của tư duy như vậy trong một phương cách ít nghiêm khắc hơn.

Từ các nguồn ở Vatican người ta được biết chính Đức Gioan Phaolô II có ý tưởng đưa ra sự cảnh cáo nghiêm khắc đầu tiên sau đó là sự ca ngợi dịu dàng hơn. Tài liệu thứ hai khẳng định rõ ràng rằng "Giữa hai tài liệu có sự liên hệ về cơ bản. Cả hai phải được đọc trong sự tương quan với nhau" (2). Vì lý do này, có thể đưa ra một phản ứng tổng quát của Vatican đối với thần học giải phóng.

Tòa Thánh Vatican nhìn nhận là ngày nay cần nhấn mạnh đến sự quan trọng của sự tự do con người, bắt đầu từ sự thoát khỏi tội lỗi nhờ Đức Kitô, và bao gồm sự tự do khỏi bị đàn áp chính trị và kinh tế. Sự đấu tranh cho công bằng, bao gồm sự thay đổi trong cơ cấu xã hội, thì không phải là một ngoại lệ thêm vào trong phúc âm, nhưng là một phần thiết yếu. Ưu tiên cho người nghèo, trong đó "nghèo" được hiểu là bao gồm mọi ưu phiền và khổ cực của con người, diễn tả chiều kích đích thực của sứ điệp Kitô Giáo, đặc biệt được tìm thấy trong Tám Mối Phúc. Các cộng đồng căn bản giáo hội tượng trưng cho một nguồn hy vọng cho tương lai của giáo hội. Tình liên đới con người là một đức tính quan trọng của Kitô Giáo mà nó phải thúc giục mọi người nghiêm trọng nghĩ đến việc chia sẻ của cải cho người khác. Khi xác định các điểm này, Tòa Thánh Vatican đã dành chỗ đứng cho một số động lực căn bản của thần học giải phóng trong giáo huấn chính thức của giáo hội. Nhiều mối lưu tâm của các thần học gia giải phóng tương đồng với các lưu tâm được bầy tỏ trong giáo huấn truyền thống lâu đời về xã hội của Công Giáo.

Đồng thời, Toà Thánh vẫn cảnh giác về một số khía cạnh của thần học giải phóng. Tuy giáo hội phải rao giảng một sứ điệp thực sự có liên quan đến chính trị, nhưng việc tham dự vào đảng phái chính trị là công việc của giáo dân, không phải của giáo sĩ hay tu sĩ nam nữ. Các thần học gia được cảnh cáo là đừng quá thân cận với các hệ tư tưởng vô thần hoặc ủng hộ một chế độ trông nhờ vào bạo động cách mạng. Sự nhận biết rằng cần phải thay đổi các cơ cấu xã hội bất công không thể dẫn đến việc coi thường chân lý căn bản, đó là tội lỗi bắt nguồn từ tâm hồn và sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, sau cùng các cảnh cáo này không làm người ta quên được tích cách xác thật của một vài chủ đề chính yếu của thần học giải phóng.

Các thần học gia giải phóng phản ứng theo một khuôn khổ tương tự như của chính văn kiện Vatican: nghiêm khắc rồi ôn hòa. Đó là, các thần học gia giải phóng phản ứng cách cứng rắn với văn kiện thứ nhất, và chấp nhận văn kiện thứ hai với sự lạc quan dè dặt khi đưa ra những ý tưởng trọng yếu của họ đã được chuẩn nhận.

Nó Có Áp Dụng Cho Việt Nam Không?

Một câu hỏi thường được nêu lên về thần học giải phóng là sự hữu dụng của nó bên ngoài Châu Mỹ La Tinh. Thần học giải phóng có góp phần cho giáo hội ở Việt Nam hay không? Các phúc trình tiên khởi về thần học giải phóng thường nhấn mạnh rằng nó chỉ nhằm đề cập đến các điều kiện của người nghèo ở Châu Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, gần đây hơn, Leonardo Boff viết rằng giáo hội giải phóng có những liên can quan trọng đến toàn thể giáo hội.

Có những toan tính thành lập các cộng đồng căn bản giáo hội ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phổ thông hơn là những dự tính lấy cảm hứng từ các cộng đồng căn bản giáo hội để hình thành các cơ cấu thích hợp hơn với khung cảnh Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt đúng với nhiều chương trình canh tân giáo xứ, tỉ như Renew, mà nó khuyến khích giáo dân hình thành các nhóm nhỏ để chia sẻ đức tin, đọc Kinh Thánh và thúc giục đến hành động. Tuy một số bình luận gia có khuynh hướng đưa ra những tương phản giữa thần học giải phóng với các phân tích xã hội cơ bản và các hoạt động mà nhóm Renew thực sự tiến hành, điều đáng nêu lên ở đây là có sự tương đồng của đoàn nhóm, sự cầu nguyện và cố gắng đề cập đến các khó khăn xã hội.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa khảo sát một số phê bình chung về thần học giải phóng cũng như một số bảo vệ. Chúng ta chú ý đến những buộc tội về chủ nghĩa Mác xít và chủ nghĩa không tưởng, thái độ đối với chủ nghĩa tư bản, phản ứng của Tòa Thánh Vatican, và câu hỏi về sự áp dụng thần học giải phóng ở bên ngoài Châu Mỹ La Tinh.

Tôi coi trọng những chỉ trích về các thần học gia giải phóng khiến họ phải đặt vấn đề là có nên dựa trên sự phân tích Mác xít và lý thuyết chủ nghĩa xã hội không. Tuy nhiên, tôi lại coi trọng hơn những người bảo vệ các thần học gia giải phóng là những người thông cảm giải thích những toan tính của họ để nói lên các chiều kích Kitô Giáo của hoàn cảnh khó khăn của người nghèo ở Châu Mỹ La Tinh. Ở Châu Mỹ La Tinh có đấu tranh giai cấp. Châu Mỹ La Tinh có nhiều kiểu cách lệ thuộc các quốc gia thế giới thứ nhất, và không được hưởng ích lợi từ những tương giao này. Nếu chúng ta tin ở một Thiên Chúa là người lo lắng về sự công bằng, thì có lẽ các thần học gia giải phóng đã đúng khi cho rằng Thiên Chúa giận dữ gào thét về các điều kiện mà trong đó nhiều người đang sống. Tôi hy vọng các thần học gia giải phóng sẽ tiếp tục lắng nghe và thay đổi thái độ khi bị chỉ trích. Nhưng tôi hy vọng sâu xa rằng người dân và các cơ cấu trên toàn thế giới sẽ thay đổi để đáp ứng với lời kêu gọi của các thần học gia giải phóng.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Bạn nghĩ thế nào khi các phát triển mới đây của thế giới tỉ như việc xụp đổ các nền kinh tế Mác xít có thể ảnh hưởng đến các điều thẩm định của thần học giải phóng?
Bạn nghĩ có những nền tảng hợp lý nào để người dân của thế giới thứ ba có thể than phiền về sự tương giao với thế giới thứ nhất không?
Bạn có nghĩ là thần học giải phóng thì không tưởng trong ý nghĩa trở nên một chủ nghĩa lý tưởng nguy hiểm không?
Những cảnh cáo nào của Tòa Thánh Vatican về thần học giải phóng mà bạn cho là quan trọng nhất?
Chủ đề căn bản nào của thần học giải phóng mà bạn nghĩ là quan trọng nhất trong ý nghĩa tích cực?



Chương 22: GIÁO HỘI LỮ HÀNH

"Vì chúng ta thường làm như vậy" là câu mà tôi thường được nghe lúc còn nhỏ khi thắc mắc về một số điều. Tại sao lại kiêng thịt vào ngày thứ Sáu? Tại sao lại đi đàng Thánh Giá vào mùa Chay? Tại sao lại phải đi lễ ngày Chúa Nhật? Câu trả lời, thường được mặc nhiên chấp nhận, là chúng ta thường làm như vậy. Chúng ta nghĩ về giáo hội cũng tương tự như chúng ta cầu nguyện với ba ngôi trong một Thiên Chúa. "Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen."

Nhiều người ngày nay có vẻ chê bai khi nghe đến chữ "truyền thống". Truyền thống thường được trình bầy như một nhà kho gồm những điều cản trở làm cho người ta không thể lớn lên được. Tôi nghĩ các truyền thống tôn giáo của tôi là một món quà bí ẩn và tuyệt vời. Một cách tổng quát tôi không nghĩ rằng truyền thống kềm hãm tôi không cho phép tôi có những tương giao; đúng hơn, truyền thống khuyến khích tôi tha thứ và yêu thương tha nhân.

Bây giờ tôi biết được nguồn gốc và lý do của nhiều điều trong đức tin, tỉ như bổn phận phải đi lễ ngày Chúa Nhật. Cũng còn những điều tôi tin và chấp nhận nhưng chưa tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc, tỉ như nguồn gốc của việc ngắm đàng Thánh Giá. Nguồn gốc của nhiều thói quen, tỉ như linh mục độc thân và phụ nữ không được làm linh mục, là những đề tài nóng bỏng ngày nay. Nhưng một điều chắc chắn tôi học được là các truyền thống tôn giáo của tôi thay đổi theo thời gian. Đức tin và nếp sống của đạo của người Công Giáo đã thay đổi đáng kể từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Trong Chương Này

Chương 7 của Lumen Gentium nói về một giáo hội thay đổi. Văn kiện này đưa ra ý nhiệm về một giáo hội lữ hành, là một trong những hình ảnh quan trọng phát xuất từ công đồng Vatican II về giáo hội. Một lữ khách là người đang trong cuộc hành trình. Một lữ khách là người đang trên đường đi. Giáo hội xuất phát từ công đồng Vatican II thì chưa trọn vẹn, còn rất xa với một giáo hội tuyệt hảo.

Chương này sẽ tìm hiểu cặn kẽ về ý nghĩa và sự quan trọng của hình ảnh giáo hội lữ hành. Chúng ta sẽ khảo sát sự tương giao giữa những thay đổi và sự liên tục trong giáo hội với một cái nhìn sau cùng về khía cạnh tăm tối của lịch sử giáo hội.

Chỉ Tuyệt Hảo Ở Trên Thiên Đàng

Diễn viên hài Geoge Carlin có lần nói rằng ngôn ngữ của môn thể thao "football" có khuynh hướng hung bạo: ngăn cản, chặn đường, vật ngã. Môn "baseball", ngược lại, có vẻ mục vụ: đi lại, go home (về bến). Ngôn ngữ diễn tả những khác biệt mơ hồ trong tâm trạng và thái độ chung quanh các môn thể thao.

Bản thảo đầu tiên của Lumen Gentium nói về một giáo hội chiến đấu và giáo hội khải hoàn. Giáo hội khải hoàn là giáo hội được coi đang trong tình trạng tuyệt hảo, tình trạng lý tưởng trên thiên đàng. Giáo hội chiến đấu là giáo hội vẫn còn đánh nhau trong cuộc đời trần thế. Tuy các danh từ này có thể hợp lý trong tính cách lịch sử của nó, trong thế kỷ 20 những ngôn từ như thế đã phản bội tâm trạng hân hoan, một thái độ quá chú trọng đến sự thành đạt của giáo hội mà quên đi những tì tích của giáo hội. Thái độ khải hoàn là một thái độ thiếu phán đoán về chính mình trong khi khinh thường bất cứ ai khác biệt với mình. Đó là thái độ của một người có tất cả câu trả lời.

Vào lúc sửa đổi bản thảo sau cùng của Lumen Gentium, ngôn ngữ của văn kiện này đã thay đổi đáng kể. Giáo hội khải hoàn trở thành giáo hội trong sự vinh hiển mà nó chưa biết trọn vẹn cho đến khi tận thế. Giáo hội chiến đấu trở thành giáo hội lữ hành. Hai ý niệm này liên kết chặt chẽ với nhau bởi một quan niệm truyền thống về Các Thánh Thông Công, bao gồm những người đã chết và những người trên thiên đàng, những người đang được thanh tẩy (trong luyện tội, tuy chữ này không được dùng), và các phần tử của giáo hội đang còn sống bây giờ. Tất cả chúng ta liên kết trong đó và cùng chia sẻ một tình yêu và ơn sủng của Thiên Chúa.

Sự chuyển đổi khi nói về giáo hội lữ hành đem theo với nó những ý nghĩa cách mạng, những thái độ và những tâm trạng. Có sự phấn khởi của một hành trình được chia sẻ và một công việc được chia sẻ. Có sự liên kết chặt chẽ giữa một quá khứ chung và một tương lai chưa xảy đến. Có sự mong đợi đạt đến định mệnh của mình. Nếu giáo hội tiền Vatican II có thể hài hòa với những cuộc hành quân, giáo hội hậu Vatican II lại muốn thấy thế giới. Cuộc đời thì không chỉ là một cuộc chiến và thi đua; nó là một phiêu du đầy phấn khởi.

Chương bẩy đã chấm dứt bất cứ sự tự phụ nào nếu có của giáo hội để đến một tình trạng tuyệt hảo hiện thời:

Giáo hội … sẽ chỉ đạt được sự trọn vẹn tuyệt hảo trong vinh hiển trên thiên đàng … giáo hội ở mặt đất được ghi dấu thánh thiện là điều có thật tuy còn tì vết… giáo hội lữ hành, trong bí tích và tổ chức, thuộc về thời hiện tại, có dáng vẻ của thế giới này mà nó sẽ qua đi… (LG, 48).

Sự Liên Tục Sâu Đậm Hơn Sự Thay Đổi

Khi nhấn mạnh đến sự thay đổi điều đó có nghĩa sứ điệp căn bản của Phúc Âm cũng thay đổi hay sao? Wilfred Cantwell Smith, một học giả về tôn giáo thế giới, viện lý rằng truyền thống Kitô Giáo đã thay đổi quá nhiều qua các thế kỷ nên chúng ta không còn nói được rằng Kitô Hữu "tin tưởng" cùng một điều. Điều đáng suy nghĩ này chỉ đúng với một số khía cạnh, nhưng lại sai với một số khác rất quan trọng. Điều này rất đúng với cảm nhận tôn giáo của tín đồ trong tương quan giữa đức tin và thế giới cận đại. Nhưng nó sai khi nghĩ về sự bền chặt của các mối liên kết ràng buộc Kitô Hữu ngày nay với Kitô hữu của quá khứ. Đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh biến đổi của phúc âm không thể chỉ coi như các điểm nối tiếp. Smith cho rằng kiểu cách người tín hữu Kitô ngày nay tin tưởng các quan niệm này thì quá khác biệt đến nỗi có thể coi như một chứng cớ khác về việc gián đoạn:

Điều mà mọi Kitô Hữu có chung là họ chia sẻ cùng một lịch sử. Họ tham dự trong một tiến trình chung: có thể nói, giáo hội Kitô trong sự thay đổi đa dạng luôn thay đổi. Không hồ nghi gì,… họ cũng có chung một số điều siêu việt. Tuy nhiên để nói về thực tại siêu việt đó là gì--sự Hiện Diện Thật, Đức Kitô, Thiên Chúa; hay nói rằng giáo hội, trong đời sống liên tục của Người mà họ dự phần một cách khác nhau, là thân thể của Đức Kitô; hoặc dù một người khái niệm hóa nó thế nào đi nữa--là dùng đến các công thức mà ngược lại tự nó không siêu việt, và như vậy về lịch sử nó không kiên định.

Tôi lý luận rằng, phải thú thực là liều lĩnh về phương diện triết lý, chính Đức Kitô mà chúng ta gặp gỡ qua truyền thống. Tôi tin tưởng một phần ở giáo hội là nó không chỉ giúp tôi tiếp xúc được với sự siêu việt theo nghĩa tổng quát, nhưng nó còn giúp tôi có sự tương giao cá biệt với Thiên Chúa Cha qua Đức Giêsu Kitô là người đã sai Thần Khí đến. Sự tương giao với Ba Ngôi Thiên Chúa có những tương đồng sâu xa với sự tương giao đã sẵn có cho Kitô Hữu qua dòng lịch sử của giáo hội.

Có thể ông Smith muốn nhấn mạnh rằng qua các thời đại chúng ta hiểu về Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần quá khác biệt đến nỗi trong bất cứ ý nghĩa nào, chúng ta không còn nói về cùng một ý niệm hay thực thể. Cần lập lại là ông đã đưa ra điểm thách thức cần được coi trọng. Tôi chưa suy nghĩ đủ để trả lời ngay rằng tôi nghĩ ngược lại. Tôi cần khảo sát về truyền thống Kitô Giáo trong một phương cách có tính cách phê phán để chấp nhận những thay đổi ngay cả những sai lạc. Nhưng cần nói lại, sự khác biệt giữa tôi và ông Smith đó là tôi tin tưởng giáo hội phải là gì. Có phải giáo hội chỉ là một sự hiệp thông giữa những người cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên nhưng sự hiểu biết của họ quá khác biệt đến độ những điều tin tưởng không còn liên can gì từ thế hệ này sang thế hệ khác? Hoặc, theo nghĩa mầu nhiệm, giáo hội là sự tiếp nối việc hiện diện của Đức Kitô qua Chúa Thánh Thần trong cuộc lữ hành trần thế? Có phải giáo hội lữ hành thì hay thay đổi, hoặc nó được hình thành trên thập giá và xây trên đá?

Trong sự thảo luận ngắn gọn này, tôi đã nêu lên thắc mắc nhiều hơn là giải quyết vấn đề. Cũng như chính giáo hội, cuộc thảo luận thì chưa chấm dứt. Trong chương này về sự thay đổi, tôi chỉ muốn nhắc đến một học giả coi trọng sự thay đổi, và có đôi lời cá biệt về sự liên tục.

Sự Thay Đổi và Tự Do

Có thể dùng nhiều đề tài để cho thấy sự thay đổi sâu xa và hiển nhiên của giáo hội. Tôi muốn chú ý đến phương cách giải quyết sự tự do tôn giáo trong một dậy bảo chính thức của Công Giáo trong văn kiện Syllabus of Errors (Bản Cáo Trạng Những Sai Lầm - 1864) của Đức Giáo Hoàng Piô IX và trong Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (1965) của Công Đồng Vatican II. Các giáo huấn này cho thấy sự đảo ngược ghê gớm về một vấn đề quan trọng: người ta có được tự do thờ phượng trong bất cứ tôn giáo nào mà họ muốn hay không.

Trong thế kỷ 19, lập trường chính thức của Công Giáo là kiên định với chủ trương thần học nhấn mạnh rằng "ngoài giáo hội không có ơn cứu độ," nhưng không kiên định với chủ trương thần học nhấn mạnh đến tự do và phẩm giá con người. Giáo hội nhấn mạnh rằng người Công Giáo trong các quốc gia không Công Giáo phải được tự do thờ phượng theo ý họ lựa chọn, nhưng cũng chủ trương rằng trong các quốc gia Công Giáo việc loại trừ các hình thức thờ phượng khác thì chấp nhận được. Lập trường này được bày tỏ rõ ràng trong Syllabus of Errors của Đức Piô IX, trong đó ngài lên án 80 đề nghị tượng trưng cho những sai lầm hiện đại, trong đó có:

Mỗi người được tự do yêu mến và công khai thừa nhận tôn giáo mà qua lý lẽ, họ nghĩ rằng tôn giáo đó là chân lý.

Trong thời đại chúng ta không còn thích hợp để cho rằng công giáo phải được đối xử như tôn giáo duy nhất của quốc gia, tất cả mọi sự thờ phượng khác đều bị loại trừ.

Do đó, thật đáng ngợi khen khi trong một số quốc gia công giáo có các luật lệ mà những người di dân đây đó được chấp nhận biểu lộ công khai sự thờ phượng của chính họ.

Thật quan trọng để biết rằng các công bố nêu trên không được Đức Piô IX dậy bảo như chân lý, nhưng bị kết án là sai lạc. Để công bằng với Đức Piô IX thì phải nói thêm rằng ngài thấy giáo hội bị đe dọa bởi chủ nghĩa duy lý có liên hệ đến cách mạng Pháp mà nó có thái độ thù nghịch tôn giáo, và ngài nghĩ cần phải làm bất cứ gì có thể để bảo vệ sứ vụ của giáo hội. Thời bấy giờ không có ai hình dung ra được sự hòa hợp của giáo huấn với những lưu tâm của thế giới hiện đại. Tuy nhiên lập trường chống đối sự tự do tôn giáo của ngài thì hiển nhiên trái ngược với giáo huấn xuất phát từ Công Đồng Vatican II.

Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo của Vatican II khởi đầu bằng việc xác nhận phẩm giá căn bản của con người và sự quan trọng của tự do con người. Văn kiện lý luận rằng người ta không thể bị ép buộc phải theo một tôn giáo nào đó; chân lý tự nó có sức dẫn dụ một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, văn kiện không loại trừ điều có thể xảy ra là có một tôn giáo chính thức của quốc gia, người ta có quyền để thờ phượng như họ chọn:

Một trong những chân lý chính yếu của giáo huấn Công Giáo, một chân lý được chứa đựng trong lời Chúa và luôn luôn được các Giáo Phụ rao giảng, đó là sự đáp ứng của một người đối với Thiên Chúa qua đức tin thì phải được tự do, và do đó không ai bị buộc phải yêu mến một đức tin trái ngược với ý muốn của họ. Hành vi đức tin, tự bản chất, là một hành vi tự do. (mục 10).

Chính văn kiện nói rõ khi nói lên lập trường này, văn kiện còn đang "hình thành", tuy nó nhấn mạnh đến tính cách liên tục với Kinh Thánh và truyền thống và sự giảng dậy của đức giáo hoàng về tự do và phẩm giá mà không nhắc đến sự hủy bỏ cáo trạng Syllabus of Errors.

Biến chuyển này không chỉ quan trọng với vấn đề tự do tôn giáo nhưng còn xác nhận rằng quả thật sự giảng dậy của giáo hội có thay đổi và gia tăng. John Courtney Murray, một linh mục dòng Tên mà công trình thần học của ngài đã giúp bênh vực cho chính nghĩa tự do tôn giáo tại Công Đồng Vatican II, ngài viết:

Tiến trình phát triển giữa cáo trạng Syllabus of Errors (1864) và Dignitatis Humanae Personae (Phẩm Giá Con Người -1965) vẫn phải được giải thích bởi các thần học gia. Nhưng Công Đồng đã chính thức thừa nhận giá trị của sự phát triển này; và đây là một sự kiện có tính cách học thuyết rất quan trọng cho các tư duy thần học trong nhiều lãnh vực khác.

Các thần học gia ngày nay không còn tranh luận về việc có thể thay đổi sự giảng dậy của giáo hội hay không; thay vào đó, họ tranh luận về việc làm thế nào để phân biệt giữa điều cốt yếu và không cốt yếu, và giữa chân lý với công thức đặc biệt nào đó. Một tài liệu mới đây của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh nói rằng chân lý căn bản của phúc âm chứa đựng trong sự giảng dậy của giáo hội thì không thay đổi; các phương cách đặc biệt để giáo hội diễn tả sẻ phản ánh những hạn hẹp và thiên kiến của nhiều nền văn hóa và hệ thống triết học. Tuy việc diễn dịch là một công việc phức tạp và thường tế nhị, "Điều trước đây được công nhận là chân lý thì phải…  được nhìn nhận là chân lý trong một phương cách có giá trị lâu dài." Đó là, trong bất cứ sự giảng dậy nào của giáo hội đều có sự sáng suốt căn bản mà nó vẫn đúng tuy rằng nó có thể được tái diễn dịch trong một khung cảnh văn hóa mới.

Có phải điều này có nghĩa là, trong sự kết án của Đức Piô IX về sự tự do tôn giáo, có một số điều phải được gạn lọc trong khung cảnh văn hóa của nó và được duy trì như chân lý? Có thể nào lý luận rằng điều mà Đức Piô IX lầm lẫn cho là tự do tôn giáo, một nhận thức chống đối chỉ dựa trên lý lẽ, đáng phải bị kết án cho đến khi hình thành được các ý niệm tự do tôn giáo tế nhị hơn dựa vào phẩm giá của con người? Có lẽ trong lý luận đó cũng có vài điều gì đó. Tôi muốn dùng một cách khác. Tôi tìm kiếm những gì có lẽ hợp lý trong văn kiện đó khi nhìn tổng quát, nhưng tôi không cảm thấy cần phải minh chứng từng câu một như kiểu cách mà một số người theo chủ nghĩa chính thống đọc Kinh Thánh. Cáo trạng Syllabus of Errors là một giảng dậy bình thường của đức giáo hoàng phản ánh thời giữa thế kỷ 19 khi phản ứng quá đáng với những phát triển hiện đại. Nó không phải là một công bố bất khả ngộ, và cũng không có cùng một vị thế như một tuyên ngôn của Công Đồng Vatican II. Đức Piô IX thì sai lầm. Điều này không thay đổi gì đến chân lý vĩnh viễn của phúc âm. Sự biến chuyển học thuyết này phấn chấn sự tin cậy của tôi vào sự giảng dậy của giáo hội; tôi tin tưởng các vị lãnh đạo nhiều hơn nếu thỉnh thoảng họ thú nhận rằng họ có những sai lầm. Sự tin tưởng truyền thống về tính cách bất khả ngộ của giáo hội không có nghĩa giáo hội không bao giờ sai lầm; nó có nghĩa, một cách căn bản, giáo hội vẫn giữ trên con đường chân lý.

Khía Cạnh Tăm Tối của Lịch Sử Giáo Hội

Khi trong khoảng hai mươi tuổi, tôi lại thấy thích thú tìm hiểu về giáo hội Công Giáo. Tôi muốn biết càng nhiều càng tốt về giáo hội. Tôi đọc một cuốn sách phổ thông về lịch sử giáo hội của Philip Hughes. Tôi đọc ngấu nghiến; nhưng không may phần lớn chỉ đem lại sự cay đắng. Tôi không nhớ rõ là tôi có khóc hay không, nhưng tôi nhớ đó là điều tôi muốn. Giáo hội mà tôi từng nghĩ rằng tuyệt hảo thì đang chao đảo. Nàng dâu không tì ố của Đức Kitô đã bị kéo qua vũng bùn. Thay vì những câu chuyện về tình thương yêu lịch thiệp và vinh dự mà tôi mong đợi, tôi đọc thấy những chuyện lạc giáo và luận phạt, những bất đồng và chiến tranh, những thối nát và canh tân. Kiểu văn của Hughes có tính cách bào chữa, thí dụ trong trường hợp nói về sự canh tân của giáo hội Công Giáo:

Trong nhiều khía cạnh, đức giáo hoàng tiếp tục là các đứa con của thời đại mà họ cố gắng phục hồi các lý tưởng Công Giáo, và họ tiếp tục lợi dụng các phương tiện sẵn có của họ, là các vũ khí trần tục của khéo léo ngoại giao và ngay cả chiến tranh, và không chỉ là cuộc chiến tự vệ (t. 162).

Nói cách khác, Hughes lễ phép nói rằng các giáo hoàng phát động chiến tranh về các vấn đề học thuyết giáo hội và chính quyền. Hughes chỉ hơi bóng gió về những điều mà tôi mới biết sau này: việc thảm sát người Do Thái, những kinh hoàng của các cuộc thập tự chinh, sự thối nát của các giáo hoàng thời Phục Hưng (thế kỷ 14-16), những cuộc tra tấn và hành quyết của Tòa Thẩm Tra Tây Ban Nha.

Dường như không phải lúc nào giáo hội cũng là một lữ khách tốt lành. Làm thế nào một người Công Giáo có thể chấp nhận được khía cạnh tăm tối của lịch sử giáo hội?

Tôi không có một câu trả lời sau cùng cho vấn đề này. Tôi nghĩ đến một đề nghị của Hans Kung khi phải đối diện với việc hành quyết người Do Thái của Kitô Hữu trong các thế kỷ, "Xấu hổ và có tội phải là câu trả lời im lặng của chúng ta…" Tuy nhiên, tôi cũng có thể nghĩ đến một số đề nghị khác.

Trước hết, phải nhớ rằng những đoạn tăm tối trong lịch sử giáo hội được quân bình với một lịch sử dài và vinh dự của một tổ chức mà nó đã thực hiện được biết bao việc tốt lành qua các thế kỷ trong các lãnh vực như giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội, nghệ thuật và văn hóa. Có lẽ lịch sử thật quân bình của giáo hội thì chưa được viết ra. Thứ hai, lịch sử giáo hội không nên thẩm định qua những thành công của tổ chức, nhưng còn về mặt đời sống của biết bao cá nhân mà giáo hội đã mở ra rất nhiều cơ hội để nên thánh. Dĩ nhiên, đời sống của cá nhân Kitô hữu cũng có khía cạnh tăm tối riêng. Thứ ba, thật quan trọng để phân biệt những gì có thể gán cho giáo hội Công Giáo và những gì có thể gán các cá nhân hay tập thể mà không may họ đã hành động với danh nghĩa của giáo hội. Có những lúc ngay cả các giáo hoàng cũng không để ý đến thánh ý Chúa trong sự cân nhắc kỹ lưỡng. Thứ tư, chúng ta không thể kỳ vọng sự tuyệt hảo của các yếu tố con người của giáo hội. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ở thời kỳ nào đó trong lịch sử chúng ta không được mong đợi nhiều hơn là những gì đã xảy ra.

Ở đó vẫn còn chỗ cho sự xấu hổ và tội lỗi mà Kung nói đến. Nhưng mục đích của xấu hổ và tội lỗi là gì nếu không phải là giúp chúng ta trưởng thành để có thể tránh được lỗi lầm đó? Truyền thống Kitô giáo kêu gọi chúng ta hãy vượt qua tội lỗi để đến với một đời sống của đức tin, đức cậy và đức mến. Giáo hội là một chiều kích quan trọng của truyền thống đó; cũng như Đức Kitô, giáo hội là một pha trộn giữa các yếu tố nhân bản và thần thánh. Tuy nhiên, diện nhân bản của giáo hội thường làm xáo trộn mọi sự, đôi khi thật lớn lao. Chúng ta là dân tộc lữ hành, chưa chấm dứt cuộc hành trình với kho tàng đức tin, mà trong các khía cạnh quan trọng nhất, vẫn còn nguyên qua các thời đại.

Tóm lược

Trong chương này chúng ta vừa thảo luận về hành trình của giáo hội. Chúng ta chú ý đến sự thú nhận của Công Đồng Vatican II về sự bất toàn, về sự thay đổi và sự liên tục, về trường hợp đặc biệt tự do tôn giáo, và về khía cạnh tăm tối của lịch sử giáo hội. Truyền thống vẫn cực kỳ quan trọng cho giáo hội Công Giáo, tuy nhiên người Công Giáo ngày nay càng ý thức hơn rằng truyền thống không hủy bỏ mọi thay đổi. Chúng ta không chỉ chấp nhận câu, "vì chúng ta thường làm như vậy." Theo lời của thần học gia Monika Hellwig, "Truyền thống có nghĩa thay đổi liên tục với quá khứ."

Trong chương tới chúng ta sẽ thảo luận về ý nghĩa của đời sống.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Bạn có được dậy rằng giáo hội Công Giáo phải trở nên tuyệt hảo không?
Hình ảnh "giáo hội lữ hành" có quá trần tục để hiểu được vẻ uy nghiêm của giáo hội không? Nó có quá đối nghịch với hình ảnh khải hoàn không?
Giữa những thay đổi, điều gì trong Kitô Giáo vẫn giữ nguyên? Kitô hữu của thế kỷ 21 chia sẻ điều gì với Kitô hữu của thế kỷ đầu tiên?
Bạn cảm thấy gì khi giáo hội Công Giáo tự đảo ngược lập trường về tự do tôn giáo? Điều đó có làm suy yếu tính cách đáng tin cậy của giáo hội khi đảo ngược như thế không?
Bạn biết gì về khía cạnh tăm tối của lịch sử giáo hội? Bạn phản ứng thế nào với điều đó?
Chương 23: Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

Vào lúc lên đại học, tôi khước từ tôn giáo của tôi. Tôi muốn biết ý nghĩa đích thực của đời sống. Tôi lấy môn chính là văn chương Anh vì nghĩ rằng những người được công nhận là tác giả vĩ đại sẽ cho tôi biết điều gì đó về ý nghĩa cuộc đời. Tôi thích môn triết cũng vì lý do đó. Tôi học được rất nhiều điều từ các môn ấy, nhưng khi đề cập đến ý nghĩa cuộc đời tôi không có nhiều may mắn. Có lẽ là vì tôi tìm kiếm câu "trả lời" cho một câu hỏi mà nó không rõ ràng, có sẵn. Tại sao lại có loài người? Tại sao lại có sự sống? Đời tôi có mục đích gì không?

Bỗng dưng tôi đặc biệt lưu tâm đến một lãnh vực được gọi là ngữ nghĩa (semantic), là nơi triết học và ngôn ngữ gặp nhau. Để tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời, đầu tiên tôi phải biết ý nghĩa của "ý nghĩa". Nếu biết được nghĩa của chính "ý nghĩa", tôi sẽ ở vào một tư thế tốt hơn để biết được ý nghĩa cuộc đời. "Ý nghĩa" có nghĩa gì? Tại sao lại có một điều như "ý nghĩa"?

Vì một vài lý do, những năm đại học của tôi thật căng thẳng và chán chường. Vào lứa tuổi đôi mươi, tôi thực sự kiệt quệ. Qua sự hỗ trợ của nhóm, tôi được hướng dẫn tìm đến Thiên Chúa qua sự cầu nguyện. Qua sự hỗ trợ liên tục, tôi biết được cách thăng tiến đức tin. Sau một thời gian, tôi lại đi tìm tôn giáo của thời trai trẻ. Sau cùng, tôi chọn môn tôn giáo, nhất là Công Giáo, thành môn học chính của tôi.

Chính qua đức tin và sự cầu nguyện mà tôi tin rằng đời sống quả thật có ý nghĩa. Sự học hỏi về tôn giáo thật quan trọng đối với tôi, nhưng nó sẽ không có ý nghĩa gì nếu không liên hệ đến đời sống đức tin của tôi.

Như vậy, sau tất cả các điều ấy, ý nghĩa cuộc đời là gì? Tôi vẫn chưa có một câu "trả lời". Điều tôi tìm thấy là khi cố gắng sống đời Kitô Hữu, khi tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa, khi phấn đấu sống tâm linh, tôi tiếp xúc được với ý nghĩa cuộc đời. Tôi cảm được ý nghĩa đó trong khung cảnh hành trình cuộc đời. Tôi không "biết" ý nghĩa cuộc đời. Nó không phải là điều mà tôi có thể viết xuống trong một hai dòng chữ. Nó là điều gì đó mà tôi có ý niệm mơ hồ khi ý nghĩa cuộc đời tràn lan trong sinh hoạt thường ngày của tôi. Càng ít nôn nóng hiểu biết về ý nghĩa cuộc đời, và càng thoát ra khỏi cái tôi của mình để đến với Thiên Chúa và tha nhân, tôi càng cảm nghiệm được ý nghĩa phong phú và sâu đậm sẵn có trong món quà sự sống vĩ đại này.

Tôi thấy khó để hiểu lời của Albert Camus nói rằng đời sống thật vô lý vì con tim nhân loại kêu gào tìm kiếm ý nghĩa trong một vũ trụ mà nó không hồi âm. Dù nó ở giữa những điều tuyệt vời trong đời tôi hay ở giữa những đau khổ sâu kín nhất mà tôi phải đối diện, càng ngày tôi càng tin tưởng rằng đời sống có một ý nghĩa đích thật và có mục đích. Nó là điều tuy không thể thấy hay nghe được, nhưng tôi có thể nếm, ngửi, và chạm đến được. Tôi biết nó ở đó, nhưng tôi không thể diễn tả nó trong bất cứ phương cách dứt khoát nào.

Trong Chương Này

Chương 7 của Lumen Gentium nói về ý nghĩa cuộc đời trong một phương cách mà tôi có thể liên tưởng đến. Sau khi công bố hoạt động liên tục của Đức Kitô trong thế gian qua giáo hội và qua bí tích Thánh Thể, văn kiện viết tiếp:

Bởi đó sự khôi phục hứa hẹn mà chúng ta mong đợi đã được khởi sự trong Đức Kitô, được tiến triển trong sứ vụ của Chúa Thánh Thần và qua Người nó tiếp tục trong giáo hội mà trong đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời trần thế qua đức tin của chúng ta, trong khi chúng ta thi hành công việc được Chúa Cha giao phó cho chúng ta trong thế gian này với hy vọng vào tương lai, và nhờ đó chúng ta tôi luyện sự cứu độ của chúng ta (LG, 48).

Đó là, nhờ sống một cuộc đời mà trong đó chúng ta đi theo Đức Kitô, tìm kiếm thánh ý của Chúa Cha, và lắng nghe những thúc dục của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa cuộc đời, mà nó cho phép chúng ta tiếp tục công việc trần thế của chúng ta với hy vọng vào tương lai.

Trong chương này chúng ta sẽ thăm dò hai chủ đề của chương 7 Lumen Gentium mà nó giúp giải thích ý nghĩa cuộc đời: sự sống vĩnh cửu và sự Hiệp Thông Các Thánh.

Sự Sống Vĩnh Cửu

Nếu sự sống đời này chỉ có vậy thì nó không có ý nghĩa đích thực. Có phải cuộc đời sẽ chấm dứt ở cái chết? Có phải chúng ta chỉ đơn giản không còn hiện hữu?

Sự giảng dậy của Công Giáo về sự sống đời sau trước thời Vatican II có vẻ rõ ràng quá đáng. Thiên đàng và hỏa ngục được trình bầy như hai lựa chọn sau cùng, với luyện ngục như một chỗ giữa tuy tạm thời nhưng khắc nghiệt và lâm bô như một chỗ trung dung cho các trẻ em chưa được rửa tội và những người vô tội nhưng không có đức tin. Tuy bản chất thực sự của những nơi này hay tình trạng hiện hữu này thường được hiểu là vượt ra ngoài sự tưởng tượng của chúng ta, kiểu cách mà những điều đó được nói đến thì quá chi tiết và cụ thể.

Trong cuốn A Portrait of the Artist as a Young Man, tác giả James Joyce đưa ra một miêu tả quá đáng nhưng gây được sự chú ý về những điều mà trong thời 1916, một cha giảng phòng sẽ đề cập đến khi nói về hỏa ngục. Cha giảng phòng cho biết "Hỏa ngục là một nhà tù tối tăm và hôi hám, một nơi chốn của quỷ và các linh hồn mất mát, đầy những khói lửa." Người nói các bức tường hỏa ngục được biết là dầy đến bốn ngàn dặm; mùi hôi thối khủng khiếp biết chừng nào; lũ qủy thì ti tiện biết bao; lửa tràn lan khắp nơi và dữ dội; thật đau khổ chừng nào khi không có ánh sáng của Chúa; sự vĩnh viễn thì lâu dài không thể chịu đựng nổi. Ở mỗi một điểm này, cha giảng phòng lại diễn tả thêm một cách sống động cốt đem đến sự sợ hãi cho các thính giả trình độ tiểu học. Tuy những gì được trình bầy thì thật quá đáng hơn điều Công Giáo giảng dậy vào lúc ấy, thật đúng để nói rằng người Công Giáo có khuynh hướng sống đạo với một ý tưởng rõ ràng về thiên đàng là gì và hỏa ngục như thế nào và ngay cả ai sẽ phải đi về đâu.

Sự giảng dậy hiện nay của Công Giáo về sự sống đời sau có khuynh hướng nhắm đến tính cách bí ẩn của nó. Ở đó không còn trực tiếp nhấn mạnh đến thiên đàng và hỏa ngục như thế nào và nhấn mạnh hơn đến sự ngự đến của một vương quốc mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Có một toan tính để quân bình hóa sự chú trọng đến linh hồn người ta với sự chú trọng đến những tương giao con người và các vấn đề xã hội. Có một toan tính để quân bình hóa những câu chuyện về đời sau với câu chuyện về vương quốc mà căn nguyên của nó đã có trong thế giới này, đó là bất cứ đâu mà thánh ý Thiên Chúa đi vào và biến đổi con người và cơ cấu xã hội để trở nên tốt đẹp hơn. Vương quốc ấy vừa có tính cách cá nhân vừa có tính cách xã hội; nó vừa ở đây và vừa sẽ đến; nó là một thực thể chúng ta cảm nghiệm và là một bí ẩn chúng ta trông đợi.

Vương Quốc Thiên Chúa

vừa có tính cách cá nhân và tập thể
vừa ở đây và chưa đến
vừa là thực thể và mầu nhiệm

Một số thần học gia, văn nghệ sĩ có khuynh hướng nhấn mạnh đến sự cảm nghiệm chiều kích vĩnh cửu của thực thể như chúng ta gặp gỡ nó ngay bây giờ. Có thể nói họ nhấn mạnh đến khía cạnh "đã hiện diện" của vương quốc ấy. William Blake viết về sự cảm nghiệm toàn thể vũ trụ trong một hạt cát. Trong cuốn Our Town, Thorton Wilder diễn tả một thế giới mà những giây phút hiện tại trôi qua sẽ không được nhận thức sâu sắc trừ khi nó được quý trọng bởi một thi sĩ hay ai đó vừa từ cõi chết trở về. T.S. Eliot viết trong cuốn Four Quartets về "một cuộc đời bừng cháy từng giây phút." Trong cuốn Total Presence, T.J.J. Altizer nói về cảm nghiệm hiện đại của một sự gần gũi mà nó báo hiệu cái chết của ý thức nội tâm và sự chấm dứt của lịch sử. Ông cho rằng "một thiên đàng chiếm ngự là sự chấm dứt sau cùng của chính thiên đàng ấy." Các tác giả này thách thức chúng ta đừng chỉ nghĩ đến thiên đàng vào ngày chết nhưng hãy đánh giá đúng chiều kích sâu xa của đời sống như chúng ta đang sống.

Các thần học gia và nghệ sĩ khác lại nhắc nhở chúng ta nhiều hơn về chiều kích chưa đến của vương quốc ấy. Bức tranh Guernica của Picasso có giá trị như một biểu tượng cho thực tại khủng khiếp của chiến tranh ngày nay. Tác phẩm Night của Elie Wiesel giúp chúng ta nhớ đến sự ghê rợn của Holocaust và của sự hận thù con người. Tác phẩm kinh điển A Theology of Liberation của Gustavo Gutierrez nói về một thế giới con người quá đau khổ đến độ phải chấp nhận để thích ứng và thấy rõ giá trị. Các nhà tư tưởng này nhắc nhở chúng ta rằng sự trọn vẹn của vương quốc ấy thì vẫn còn xa vời.

Như mầu nhiệm của chính giáo hội, Lumen Gentium nói về đời sau trong các hình ảnh và biểu tượng được trích từ Kinh Thánh. Không có toan tính để diễn tả hay định nghĩa quá rõ ràng. Độc giả được bảo:

Tuy nhiên vì chúng ta không biết ngày hay giờ, theo lời khuyên của Chúa, chúng ta phải luôn tỉnh thức để khi chấm dứt quãng đời trần thế, chúng ta có thể xứng đáng được vào tham dự tiệc cưới với Người và được kể trong số những người được chúc phúc, và như vậy chúng ta không phải đi vào lửa đời đời như kẻ độc ác và đầy tớ lười biếng, họ đi vào chỗ tăm tối bên ngoài là nơi "chỉ có than khóc và nghiến răng." (LG, 48)

Trong đoạn văn nguyên thủy chỉ một câu này đã có năm chú thích đề cập đến các câu trong Kinh Thánh, rất nhiều trích dẫn từ Mátthêu 25, nhưng cũng đề cập đến Mátthêu 22 và Do Thái 9. Nó còn đầy những câu ghi chú được trích từ các thư của Thánh Phaolô và Gioan. Nói cách khác, khi đến lúc phải thảo luận về đời sau, văn kiện này chỉ dựa vào các hình ảnh rất biểu tượng từ Tân Ước.

Một sự nương tựa như thế thể hiện hai điều. Nó giúp tái khẳng định đời sau như một bí ẩn của đức tin hơn là một mớ dữ kiện mà chúng ta biết được tất cả. Ngày xa xưa đó không còn nữa khi người rao giảng toan tính nói về thiên đàng và hỏa ngục theo nghĩa đen như thể họ diễn tả một căn nhà ở cuối phố. Người Công Giáo vẫn còn tin tưởng vững vàng vào tính chất xác thực của thiên đàng, nhưng chúng ta có chiều hướng nhớ đến bản chất tượng trưng và tương tự của ngôn ngữ mà chúng ta dùng để nói đến thiên đàng.

Tuy nhiên, sự nương tựa vào văn bản kinh thánh đồng thời củng cố tầm quan trọng của bí ẩn này trong tổng thể đức tin của chúng ta. Là người Công Giáo, chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức khi chúng ta sống trong sự hy vọng vững vàng vào sự sống vĩnh cửu. Tối thiểu, trong sự hy vọng chúng ta không thay đổi.

Sự Hiệp Thông Các Thánh

Cha tôi từ trần cách đây nhiều năm. Ông đi đâu? Tôi sẽ gặp lại ông hay không?

Khi còn nhỏ, tôi không nghĩ rằng sự Hiệp Thông Các Thánh có liên hệ đến người bình thường mà tôi biết. Chính yếu tôi nghĩ đến các thánh là những người thánh thiện lạ lùng mà người ta cầu xin để được ban cho những trợ giúp đặc biệt. Thí dụ, nếu tôi đánh mất vật gì đó, tôi cầu xin với Thánh Antôn. Nếu tìm thấy, tôi sẽ đền ơn Thánh Antôn bằng một đồng bạc bỏ vào thùng tiền cho người nghèo ở nhà thờ. (Ngày nay, nếu tôi thực sự tuyệt vọng, tôi vẫn dùng đến hành động này).

Dựa trên chiều kích sâu xa của truyền thống Công Giáo, Lumen Gentium không chỉ bao gồm trong sự Hiệp Thông Các Thánh những người được coi là "Thánh", nhưng cả những ai đã li trần và bây giờ đang ở với Chúa. Nó cũng bao gồm cả những ai đang cố gắng sống thánh thiện ngay tự bây giờ. Đó là, sự Hiệp Thông Các Thánh bao gồm không chỉ những người thánh thiện đặc biệt đã được phong thánh, nhưng còn cả những người như cha tôi và chính tôi. Điểm tin tưởng trong sự Hiệp Thông Các Thánh là tất cả chúng ta cùng liên kết với nhau mà trong đó chúng ta chia sẻ cùng một ơn sủng của Thiên Chúa đầy nhân ái. Chúng ta vẫn liên hệ với nhau trong một cộng đồng. Cha tôi và tôi vẫn là phần tử của Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô; sự kiện là ông đã chết và tôi vẫn còn sống không tẩy xoá được sự tương giao liên tục giữa chúng tôi. Chỉ có sự chết tách biệt chúng ta; chúng ta được kết hợp qua tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Tôi không biết cách cụ thể về sự sống vĩnh cửu như thế nào, nhưng tôi biết là tôi tin có điều đó và tôi hy vọng sẽ gặp lại cha tôi.

Lumen Gentium vẫn nói về các thánh như những người có thể can thiệp cho chúng ta với Thiên Chúa nhờ công lao của họ; tuy nhiên, điều tin tưởng này được bổ sung bằng một sự nhấn mạnh nhiều hơn nữa đến vai trò của các thánh như các tấm gương sáng và như các người bạn trong sự hiệp thông tình yêu. Công Đồng Vatican II không bảo tôi ngừng cầu xin với Thánh Antôn khi mất đồ gì đó; tuy nhiên, điều tôi nghe được từ văn kiện là lời cầu xin của tôi phải được bổ sung bằng sự nhận biết về cuộc đời thánh nhân và tôi phải mở lòng để trở nên một người nhân ái và quảng đại qua gương của thánh nhân. Nói cách khác, để nhận được ơn huệ của Thiên Chúa qua sự can thiệp của một vị thánh, điều đó có liên hệ đến sự hiểu biết về vị thánh ấy và phải mở lòng để được linh hứng. Trong ý nghĩa đó văn kiện mời gọi chúng ta thăng tiến trong phương cách liên hệ với các thánh:

… chúng tôi thúc giục những ai lưu tâm, nếu có bất cứ sự lạm dụng nào, những quá đáng nào hay sai lầm nào đây đó, hãy dùng hết sức mình mà dứt bỏ hay chấn chỉnh những điều ấy, và hãy phục hồi mọi sự để tất cả chỉ ca ngợi Đức Kitô và Thiên Chúa. Do đó hãy dậy bảo các tín hữu rằng việc tôn sùng đích thật các thánh không chỉ ở việc gia tăng các hành động bên ngoài, nhưng đúng hơn là gia tăng cường độ tình yêu của chúng ta, mà qua đó, vì sự tốt lành lớn lao cho chính chúng ta và toàn thể giáo hội, chúng ta tìm kiếm nơi các thánh "gương mẫu trong lối sống của họ, tình bằng hữu trong sự hiệp thông của họ, và sự giúp đỡ nhờ lời cầu bầu của họ." (LG 51)

Đoạn này đề nghị chúng ta tránh mê tín cầu xin các thánh qua những lời kinh lập đi lập lại. Các thánh là để giúp chúng ta liên hệ với Thiên Chúa, chứ họ không thể thay thế. Chúng ta phải nghiên cứu đời sống của vị thánh mà chúng ta cầu xin, cảm nhận được sự liên hệ với họ, và mở lòng để được linh hứng.

Nhiệm vụ của các Thánh

can thiệp với Thiên Chúa cho chúng ta
hứng khởi chúng ta bằng gương mẫu
kiên cường sự hiệp thông trong tình yêu

Giáo hội vẫn có một vị trí đặc biệt cho những người được phong thánh. Được hy vọng rằng có thật nhiều người, còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, xứng đáng với danh hiệu là "Thánh", nhưng vẫn có một số người có một đời sống thánh thiện đáng kể mà họ nổi bật như ánh sáng chiếu soi cho toàn thể chúng ta. Những người này được phong thánh theo một phương cách rất giống với việc đưa một danh thủ vào Hall of Fame. Họ được đề nghị bởi một ủy ban, được điều tra và được duyệt xét lại, và sau cùng được biểu quyết dựa theo đó. Đức giáo hoàng có tiếng nói sau cùng. Được tuyên xưng là thánh là được giáo hội Công Giáo chứng thực rằng bạn là gương mẫu xứng đáng để tôn kính và linh hứng. Không giống như Hall of Fame, người ta không đủ tư cách để được tuyên xưng là thánh cho đến sau khi chết.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước và phong thánh theo một mức độ nhanh hơn các vị tiền nhiệm. Khi làm như thế, một phần động lực là người muốn rộng mở các kiểu mẫu thánh thiện có giá trị cho tín hữu, vì một trong những chức năng của các thánh là để chỉ bảo cho Kitô Hữu biết cách sống trung tín trong các hoàn cảnh và tình thế đa dạng của đời sống. Một số bình luận gia còn kêu gọi mở rộng cộng đồng các thánh hơn nữa, nhưng họ nhấn mạnh đến việc thêm giới phụ nữ, thêm người không phải là Âu Châu, thêm giới trung lưu, và thêm người đã lập gia đình. Một số thần học gia giải phóng lý luận rằng giáo hội phải chú trọng hơn đến các nhà cải cách và hoạt động chính trị là người tạo sự thay đổi hệ thống hơn là "các thánh của hệ thống" là những người không thách đố tình trạng hiện thời. Tuy nhiên, thật quan trọng để nhớ rằng con số các thánh trong giáo hội Công Giáo (tôi muốn thêm, và cả bên ngoài) thì nhiều hơn con số những người được phong thánh.

Tóm Lược

Trong chương này, chúng ta vừa thảo luận về ý nghĩa đời sống liên hệ đến đức tin Công Giáo về sự sống vĩnh cửu và sự Hiệp Thông Các Thánh.

Tôi thẳng thắn đoan chắc rằng cha tôi sẽ không bao giờ được phong thánh; tuy vậy, tôi sống trong hy vọng rằng bây giờ ông đang ở với Thiên Chúa cũng như Thánh Phêrô đang ở, và một ngày nào đó chúng tôi sẽ gặp lại nhau.

Trong chương tới, chúng ta sẽ khảo sát các loại khác nhau về thần học được phát sinh trong giáo hội Công Giáo kể từ khi có công đồng Vatican II.

Câu Hỏi Suy Tư Thêm

Bạn nghĩ gì khi nghe nói đến, "ý nghĩa đời sống"?
Chủ đề hành trình cuộc đời thì rất phổ thông trong linh đạo hiện nay. Đâu là những giới hạn? Nó có cần được quân bình bởi các hình ảnh khác không?
Một số nghệ thuật và văn chương nhấn mạnh đến nhu cầu phải quý trọng đời sống bây giờ. Một số khác nhấn mạnh đến sự khủng khiếp của các thực tế mà chúng ta đối diện. Làm thế nào để những chú trọng tương phản đó thích hợp với nhau?
Bạn có biết ai là người bạn nghĩ là "thánh" không? Người ấy như thế nào?
Bạn có tin vào sự sống vĩnh cửu không?

Chương 24: LỮ HÀNH & CÁC THÁNH

Những xung đột đôi khi xảy ra giữa những người trong Giáo Hội Công Giáo đại diện cho các quan điểm khác nhau.  Người ta được biết các đại diện giáo hội trong hội nghị quốc tế về bệnh AIDS được tổ chức tại Vatican năm 1989 đã chống đối một biểu ngữ viết rằng: "Thân Thể Đức Kitô có bệnh AIDS." Sự chống đối của họ là khi giáo hội được đề cập đến như Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô thì được hiểu là không có tội lỗi hay tì tích hay ô uế.

Hình ảnh Thân Thể Đức Kitô từng được hiểu trong một phương cách tương tự như hình ảnh của giáo hội là "nàng dâu tinh tuyền của con chiên không tì tích."--được hiểu trong một ý nghĩa lý tưởng, mầu nhiệm. Trong ý nghĩa này, giáo hội là một món quà vĩ đại của Chúa ban cho chúng ta, là điều gì trổi vượt hơn sự sáng chế của con người. Đó chính là sự hiện diện không ngừng của Đức Kitô, là con đường cứu độ, nguồn ơn sủng, ánh sáng cho người dân vẫn không bao giờ bị lu mờ. Các giới chức giáo hội, hiểu Thân Thể Đức Kitô trong kiểu cách này, nên họ cảm thấy bị tấn công trước ý kiến Thân Thể Đức Kitô có bệnh AIDS.

Những người mang biểu ngữ này tại hội nghị về bệnh AIDS dường như có hình ảnh thật khác biệt về giáo hội. Những người này có khuynh hướng nghĩ nhiều về một giáo hội Lữ Hành còn dang dở và còn thay đổi hơn là một nàng dâu tinh tuyền của con chiên không tì tích. Họ cùng một âm hưởng với quan điểm giáo hội là Dân Chúa cần canh tân và đổi mới hơn là một giáo hội lý tưởng, không tì ố. Họ có chiều hướng nhắm đến Thân Thể Đức Kitô như tan nát và đổ máu hơn là đã phục sinh và vinh hiển. Có lẽ họ nhắc chúng ta nhớ đến lời của Thánh Phaolô:

Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. (1 Cor. 12:24-26).

Nhìn theo quan điểm này, nói rằng Thân Thể Đức Kitô có bệnh AIDS thì cũng giống như nói rằng tất cả chúng ta cùng chia sẻ sự đau khổ của nhau.

Cả hai quan điểm này dường như đều tìm thấy sự hỗ trợ trong Kinh Thánh và truyền thống của giáo hội.

Trong Chương Này

Trong chương đầu của sách, chúng ta nêu lên các câu hỏi về các vấn đề và sự chia cắt hiện thời trong giáo hội Công Giáo. Trong những chương tiếp đó, các mâu thuẫn thần học, cả quá khứ lẫn hiện tại, thường được lộ ra.

Trong chương này chúng ta sẽ khảo sát sâu xa hơn về một số khác biệt giữa các trường phái tư tưởng trong giáo hội Công Giáo ngày nay. Để đơn giản, tôi chỉ đưa ra hai trường phái tư tưởng, tuy trong thực tế có cả một chuỗi tiếp cận khác nhau. Điểm chính của sự khác biệt mà chúng ta sẽ nhắm đến là phương cách giải thích văn kiện công đồng Vatican II của mỗi nhóm. Chúng ta sẽ kết thúc với một lưu tâm về "Thượng Hội Đồng Ngoại Thường" năm 1985, một cuộc họp ở Vatican nhằm tạo sự hài hòa giữa các tiếng nói không hòa hợp.

Tài liệu này có liên hệ đến chương 7 của Lumen Gentium vì chương ấy giới thiệu và hài hòa hai hình ảnh của giáo hội mà hai trường phái tư tưởng đặc biệt thích thú: Giáo Hội Lữ Hành và Cộng Đồng các Thánh. Vì lý do này, tôi sẽ gọi một nhóm là "Lữ Hành" và nhóm kia là "Các Thánh." Hầu hết nhóm Lữ Hành là những người hỗ trợ biểu ngữ "Thân Thể Đức Kitô có bệnh AIDS"; hầu hết nhóm Các Thánh là những người chống đối.

Nhóm Lữ Hành

Các thần học gia có khuynh hướng ủng hộ các hình ảnh tỉ như "Giáo Hội Lữ Hành" và "Dân Chúa" thì nêu ra các lợi điểm chính yếu của Công Đồng Vatican II là những thay đổi có tiến bộ: mở rộng về đại kết, có thái độ tích cực hơn đối với tôn giáo khác, sự chú ý đến giáo dân, việc nhấn mạnh đến tự do tôn giáo, và sư lưu tâm đặc biệt đến các vấn đề hòa bình và công bằng kinh tế. Với các thần học gia này, tỉ như Edwards Schillebeeckx và Leonardo Boff, sự chuyển đổi chính yếu ở Công Đồng Vatican II là đi từ một giáo hội quá lo lắng về chính mình như một tổ chức đến một giáo hội cố tự thay đổi và can dự trong sự xây dựng thế giới. Giáo hội không còn là một pháo đài phòng thủ chống lại thế giới nhưng là một động lực trong thế giới để thay đổi xã hội.

Với nhóm Lữ Hành, sự chuyển hướng căn bản thần học làm nền tảng cho những thay đổi của Vatican II là từ một đức tin Công Giáo được coi như một "kiện hàng" có hệ thống và đầy đủ được Chúa Giêsu trao lại qua các tông đồ một cách trọn vẹn sang một hiểu biết về biến cố Kitô Giáo theo các ý nghĩa nặng về lịch sử và xã hội. Điểm nhắm đến là cảm nghiệm con người. Do đó, Schillebeeckx bắt đầu thần học của ông không phải với Đức Giêsu từ trời "xuống" nhưng với con người Giêsu có một cảm nghiệm đặc biệt về sự biến đổi qua sự gặp gỡ với "Abba" (hay Cha) của Người. "Cảm nghiệm về Abba" của Đức Giêsu trở nên cảm nghiệm căn bản cho thừa tác vụ và sứ vụ của Người. Sau cái chết của Đức Giêsu, cảm nghiệm của các tông đồ về Đức Giêsu là Chúa đã biến đổi họ và trở thành căn bản cho cộng đồng Kitô Hữu. Ngày nay, việc tiếp tục cảm nghiệm Đức Giêsu là Chúa đưa con người đến với nhau trong các cộng đồng được dựa trên một tình yêu mà từ đó đưa họ đến việc thay đổi xã hội.

Nhóm Lữ Hành nhấn mạnh đến khả năng của giáo hội để thay đổi và thích ứng khi đối diện với các hoàn cảnh mới. Vì lý do này, cả Shillerbeeckx và Boff chú trọng đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc hình thành giáo hội. Thay vì nhấn mạnh đến giáo hội như được Chúa Giêsu thiết lập và bởi đó không bị thay đổi, họ nhấn mạnh rằng các tông đồ đã thiết lập giáo hội bởi giải quyết các tình thế mới với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Do đó, khi các hoàn cảnh mới xảy ra ngày nay, các nhà lãnh đạo giáo hội phải cảm thấy có khả năng thể hiện những thay đổi cần thiết. Tỉ như, cả Schillerbeeckx và Boff đều ủng hộ việc cho phép linh mục lấy vợ và việc tấn phong phụ nữ.

Nhóm Lữ Hành là những người đang cố vạch ra các lãnh vực mới. Cả Schillebeeckx và Boff đều cảm thấy một nhu cầu khẩn cấp phải thay đổi trong giáo hội và xã hội. Không ngạc nhiên là họ sẽ chú trọng đến các yếu tố của Công Đồng Vatican II mà chúng đại diện cho tiến bộ xã hội.

Nhóm Các Thánh

Các thần học gia có khuynh hướng chú trọng đến các hình ảnh giáo hội ít có tính cách lịch sử, nhiều tính cách mầu nhiệm, tỉ như "Cộng Đồng Các Thánh," "Nàng Dâu của Đức Kitô," và "Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô," họ nhận ra hai chiều hướng thay đổi khác biệt ở Công Đồng Vatican II, và sau đó đưa một chiều hướng lên trên chiều hướng kia. Với các học giả này, tỉ như Hans Urs von Balthasar và Joseph Ratzinger, sự chuyển đổi từ việc quá chú trọng đến phẩm trật sang một ý niệm về giáo hội như bao gồm toàn thể dân Chúa thì hữu ích nhưng sự thay đổi ấy tương đối nhỏ. Sự chuyển đổi chính yếu ở Vatican II là từ một giáo hội quá lưu tâm đến pháp lý và nghi thức sang một giáo hội có ý thức về chính mình như một mầu nhiệm nhằm diễn đạt tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Các thần học gia này không bỏ qua cũng như không từ chối các giảng dậy tiến bộ của Vatican II về tính cách đại kết, vai trò giáo dân, tự do tôn giáo, hay công lý và hòa bình, nhưng họ giải thích các giảng dậy này trong một khung cảnh mà nó nhấn mạnh đến giáo hội như Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô với cơ cấu phẩm trật.

Với nhóm Các Thánh, sự chuyển đổi thần học căn bản mà nó làm nền tảng cho những thay đổi của Vatican II bao gồm việc giáo hội trở nên ý thức hơn về sứ vụ của mình là rao giảng cho thế giới sứ điệp tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được biết đến qua Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa. Đó là vấn đề của chính giáo hội mà nó đã từng hiện diện từ thời Chúa Kitô giờ đây nó lại xuất hiện với trách nhiệm mục vụ. Sự chuyển đổi trong sự hiểu biết về giáo hội thì không phải là một chuyển đổi xa cách với một tổ chức kiểu mẫu để đến một loại kiểu mẫu khác, nhưng đúng hơn một chuyển đổi từ một tổ chức kiểu mẫu pháp lý thái quá sang một kiểu mẫu vẫn coi trọng tổ chức nhưng được nung nấu bằng tình yêu của Chúa Kitô. Một giáo hội không nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chúa Giêsu sẽ trở nên một tổ chức phục vụ xã hội.

Nhóm Các Thánh nhấn mạnh đến khả năng của giáo hội để đương đầu với các tình thế mới trong những phương cách vẫn trung thành với truyền thống đã được trao truyền lại trọn vẹn qua các thế hệ. Vì lý do này, von Balthasar và Ratzinger nhấn mạnh rằng chính Đức Kitô thành lập giáo hội và con người trông coi giáo hội ấy phải rất do dự khi thay đổi. Sự nhấn mạnh của Ratzinger đã khiến ông ở vào vị thế tương phản với Boff.

Cảm giác của tôi là ý nghĩa Công Giáo đích thực của thực thể "giáo hội" thì đang biến dạng ngấm ngầm, mà không bị tẩy chay một cách hiển nhiên. Nhiều người không còn tin rằng vấn đề ở đây là một thực thể do chính Chúa muốn. Ngay cả với một số thần học gia, giáo hội có vẻ là một xây dựng của con người, một dụng cụ được tạo thành bởi chúng ta và chính chúng ta có thể tự do tái sắp xếp theo các nhu cầu của thời đại.

Ratzinger coi quan điểm này như sự sói mòn chính đức tin Công Giáo:

… quả thật giáo hội bao gồm con người mà họ tạo nên diện mạo bên ngoài của giáo hội. Nhưng đằng sau đó, các cơ cấu căn bản là ý Chúa, và bởi đó chúng không thể vi phạm. Đằng sau cái bề ngoài con người là một mầu nhiệm hơn cả thực thể nhân loại, trong đó các nhà cải cách, xã hội học, người tổ chức không có thẩm quyền về bất cứ gì. Thật vậy, nếu giáo hội được coi như một xây dựng con người, một sản phẩm do nỗ lực của chính chúng ta, ngay cả các nội dung đức tin sẽ đi đến chỗ có đặc tính không bó buộc: thật vậy, đức tin không có một phương tiện đích thực, được đảm bảo mà qua đó tự nó có thể biểu lộ. Do đó, nếu không có một quan điểm về mầu nhiệm của giáo hội mà nó cũng có tính cách siêu nhiên và không chỉ có tính cách xã hội, Kitô Giáo sẽ mất sự quan hệ với Thiên Chúa chỉ vì thuận lợi cho một cơ cấu thuần tuý con người, và sau cùng nó sẽ đi đến một chương trình hoàn toàn con người: Phúc Âm trở nên chương trình-Chúa Giêsu, chương trình-giải phóng-xã hội hay bất gì khác chỉ có tính cách lịch sử, các chương trình nội tại vẫn có thể mang dáng vẻ tôn giáo, nhưng thực chất là vô thần.

Như vậy, với Ratzinger, giáo hội bao gồm các cơ cấu căn bản nhất, trong một ý nghĩa mầu nhiệm quan trọng, giáo hội vượt ra ngoài thế giới mà sự bình phẩm của thế giới vẫn không thể chạm đến được.

Giáo Hội Hiệp Thông

Những khác biệt thần học giữa nhóm Lữ Hành và nhóm Các Thánh tạo nên nhiều khác biệt thực tế. Nhóm Lữ Hành thường được coi là những người phóng khoáng muốn giáo hội tiếp tục thay đổi trong việc đối thoại với thế giới. Nhóm Các Thánh thường được coi là những người bảo thủ muốn duy trì căn tính độc đáo của Công Giáo khi đối diện với thế giới quá hỗn độn. Nhóm Lữ Hành có khuynh hướng coi nhóm Các Thánh như các thần học gia lạc hậu và hà khắc muốn tìm cách tái lập đức tin Công Giáo như một ý thức hệ hờ hững với cảm nghiệm thay đổi của con người. Nhóm Các Thánh có khuynh hướng coi nhóm Lữ Hành như kẻ hung ác nguy hiểm và phóng túng muốn bỏ qua đức tin với hy vọng rằng thế giới sẽ chấp nhận họ. Những căng thẳng này giữa các thần học gia thường được phản ánh trong các căng thẳng giữa tự do-phóng khoáng trong toàn thể giáo hội.

Ở đầu chương này tôi ám chỉ đến vấn đề đưa người ta vào hai nhóm và vì thế tạo nên một hình ảnh quá đáng không nói lên được sự phức tạp của hoàn cảnh. Thế giới các thần học gia Công Giáo không thể thực sự được chia làm hai nhóm Lữ Hành và Các Thánh; hai nhóm này chỉ là loại giải thích mà chúng có thể làm lệch lạc nhiều như đã thấy. Trên thực tế, các thần học gia Công Giáo trải rộng trên một phạm vi lập trường. Hầu hết họ đứng giữa. Điều này cũng đúng với toàn thể giáo hội. Các thái cực tự do-phóng khoáng giảm dần khi được đưa vào nền tảng thực tế của một phạm vi lập trường rộng lớn, mà hầu hết mọi người đứng ở giữa.

Trong năm 1985 một cuộc họp của các giám mục được tổ chức ở Rôma được gọi là Thượng Hội Đồng Ngoại Thường. Được gọi là "ngoại thường" vì nó được tổ chức như một biến cố đặc biệt bên cạnh các thượng hội đồng "bình thường" được triệu tập ba năm một lần. Mục đích của cuộc họp này là để nhìn lại và thẩm định sự tiến bộ của giáo hội kể từ sau Công Đồng Vatican II. Một số thần học gia nhóm Lữ Hành lúc bấy giờ sợ rằng nhóm Các Thánh sẽ tiến vào và tìm cách lấy lại những tiến bộ mà Vatican II đã đạt được. Hầu hết các bình luận gia sau đó tin rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Thượng Hội Đồng Ngoại Thường tái xác nhận Vatican II một cách rõ ràng, trong khi đưa ra một số đề nghị và cảnh giác về việc thi hành các văn kiện.

Một chủ đề chính yếu được thượng hội đồng đưa ra được gọi là "giáo hội hiệp thông." Quan niệm này được trình bầy như yếu tố then chốt để giải thích văn kiện của Vatican II. "Giáo hội hiệp thông là ý tưởng chính yếu và căn bản của các văn kiện công đồng."

Giáo hội hiệp thông là một hiểu biết về giáo hội mà nó bắt nguồn trong các thế kỷ đầu của Kitô Giáo. Trước hết nó nhìn cộng đồng trong tình yêu của ba ngôi Thiên Chúa dành cho nhau; giáo hội là một cộng đồng phản ánh tình yêu này. Qua bí tích Thánh Thể, "sự hiệp thông thánh", con người được đưa đến với nhau trong tình yêu của Chúa Kitô.

Giáo hội hiệp thông còn nhấn mạnh rằng giáo hội là một cộng đồng của các giáo hội địa phương. Nó có một số yếu tố mà nhóm Các Thánh rất hài lòng, tỉ như nhấn mạnh đến sự hiệp nhất qua Chúa Kitô và phẩm trật. Nó có các yếu tố khác mà nhóm Lữ Hành thấy rất thỏa mãn, tỉ như nhấn mạnh đến tính cách đa dạng hợp pháp và đa hình thức của các giáo hội địa phương.

Thượng Hồi Đồng Ngoại Thường đề xướng giáo hội hiệp thông như một nhịp cầu giữa các phương cách tiếp cận thần học khác biệt.  Thượng hội đồng kêu gọi chấm dứt các phương cách tiếp cận đã lý tưởng hóa coi một số phát biểu của Vatican II cao hơn những phát biểu khác; trong vị thế của các văn kiện, thượng hội đồng kêu gọi các phương cách tiếp cận mà nó tôn trọng từng văn kiện cũng như toàn thể, sự tương quan giữa các văn kiện, và ý định của tác giả cũng như xác nhận các văn kiện này.

Sự dẫn giải thần học về học thuyết công đồng phải tỏ rõ việc chú ý đến toàn thể văn kiện, trong chính các văn kiện ấy và trong sự tương quan mật thiết với nhau, theo một phương cách mà ý nghĩa toàn bộ của các phát biểu công đồng--thường rất phức tạp--có thể hiểu được và bầy tỏ được.

Như thế thượng hội đồng kêu gọi một quan điểm mà nó vượt lên trên những lưu tâm của thần học phe phái để đến với một thái độ chăm chú lắng nghe sự giảng dậy có nhiều chiều kích của Công Đồng Vatican II.

Qua thượng hội đồng, một số người trong nhóm Các Thánh muốn tuyên bố một cách bảnh chọe và vẻ vang tới mức độ họ răn đe các quan điểm quá lạc quan về thế giới và những giải thích quá phóng túng về công đồng. Một số người trong nhóm Lữ Hành, trong sự sợ hãi ban đầu, muốn công bố sự khuây khoả lớn lao khi thượng hội đồng đã xác nhận kết quả của Vatican II thay vì thu hồi. Một số bình luận gia muốn vạch ra rằng "giáo hội hiệp thông" ở điểm này vẫn là một phạm trù mơ hồ cách nào đó để rồi nhóm Các Thánh có thể giải thích thế này và nhóm Lữ Hành giải thích thế nọ.

Quan điểm lạc quan của tôi là thượng hội đồng thật sự đã kêu gọi được một cái nhìn cao hơn và đã cung ứng tối thiểu một khởi đầu trong chiều hướng thành công. Tôi vui mừng vì một số người trong giáo hội đã mang biểu ngữ: "Thân Thể Đức Kitô có bệnh AIDS". Đồng thời, tôi cũng vui mừng vì có người chống đối điều đó. Cả hai nhóm đều có những giá trị để chia sẻ; không nhóm nào bị kẹt trong chân lý và sự thích đáng có tính cách thần học. Điều này không có nghĩa tôi là một người theo thuyết tương đối. Tôi tin rằng sứ điệp Kitô Giáo là chân lý. Tôi cũng tin rằng một số phương cách tiếp cận thần học thì hay hơn các phương cách khác. Tuy nhiên, vẫn có một chỗ đứng hợp pháp trong quá nhiều vấn đề này. Trong giáo hội, tôi yêu quý cả hai nhóm Lữ Hành và Các Thánh, một ít người đứng ở hai thái cực, và nhiều người đứng ở giữa.

Tóm Lược

Trong chương này chúng ta vừa khảo sát hai trường phái tư tưởng xung khắc nhau được phát sinh sau Công Đồng Vatican II. Nhóm Lữ Hành có khuynh hướng cho rằng giáo hội không thay đổi nhiều; quá nhiều điều cần phải thi hành về vấn đề công lý, phái tính, và canh tân nội bộ giáo hội. Nhóm Các Thánh có khuynh hướng nghĩ rằng giáo hội đã thay đổi đủ; bây giờ là lúc đóng sự điên dại lại và chú ý đến các căn bản đơn giản. Trong sự căng thẳng giữa hai quan điểm này là tương lai của giáo hội đang được thể hiện.

Trong chương tới chúng ta sẽ thảo luận về vị trí của Đức Maria trong cái nhìn của Công Giáo.

Câu Hỏi Để Suy Tư Thêm

Bạn biết đến những căng thẳng thần học trong giáo hội Công Giáo theo phương cách nào?
Bạn phản ứng thế nào với biểu ngữ: Thân Thể Đức Kitô có bệnh AIDS?
Bạn thuộc về nhóm Lữ Hành hay Các Thánh?
Nếu có hai phát biểu trong một văn kiện của Vatican II xung khắc nhau, đâu là cách tốt nhất để giải thích?
Đâu là những nguy hiểm khi coi người ta thuộc về hai thái cực khác nhau?










0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons