Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc sinh vào năm 1795 trong một gia
đình ngoại giáo ở Bắc Ninh, tên thật là Trần An Dũng. Từ lúc còn nhỏ, Trần An
Dũng đã theo cha mẹ vào Kẻ Chợ, nay là Hà Nội. Vì gia đình nghèo, nên cha mẹ cậu
đã gởi cậu cho một thầy giảng nuôi nấng dạy dỗ, tại đây cậu đã được rửa tội và
có tên thánh là Anrê. Sau một thời gian, Trần An Dũng nhập vào chủng viện Vĩnh Trị, ở với cha
chính Lan. Trong chủng viện, Trần An Dũng rất siêng năng học hành lại có năng
khiếu về thơ phú. Trần An Dũng được nhiều ngươì mến mộ nhờ vào tính lịch thiệp
và hòa nhã. Cậu lại rất thông minh, có người nói rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn
sách hai lần là đã thuộc lòng.
Sau thời gian làm thầy giảng và học thần học, ngày
15/3/1823, thầy Dũng được lãnh chức linh mục, rồi được bổ nhiệm làm phó xứ Ðồng
Chuối giúp cha Khiết. Sau đó về giúp cha Thi ba năm ở xứ Ðoài, rồi lại giúp cha
Thuyết ở Sơn Miêng. Cuối cùng, khi cha làm chánh xứ Kẻ Ðầm thì bị bắt.
Trong thời gian làm linh mục, Cha Dũng rất yêu thương mọi
người. Ngài thường ăn chay hãm mình và hay giúp đỡ những người gặp khốn khó.
Qua chiếu chỉ bắt đạo toàn quốc ngày 6/01/1833, cha Dũng phải ẩn náu tại các
nhà bổn đạo, sau trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó. Một ngày nọ, khi cha vừa
dâng lễ xong thì quân lính ập tới, cha liền thay áo lễ và ngồi lẫn trong đám
tín hữu. Cha cùng với nhóm tín hữu hôm đó đều bị bắt. Vì quan quân không biết
cha là linh mục, nên khi ông tổng Thìn bỏ ra sáu nén bạc, nhận cha là thân nhân
đi dự lễ để chuộc về, thì quan quân thả cha ra. Từ đó cha đổi tên là Lạc.
Một lần khác, khi cha đến Kẻ Sông xưng tội với cha Thi theo
thói quen hằng tháng, thì bị quan quân ập vào nhà và bắt luôn cả cha Lạc và cha
Thi. Lý Trưởng Pháp bắt được hai linh mục nên mặc cả với giáo hữu ra giá chuộc
là 200 quan. Các tín hữu kêu gọi nhau quyên góp được 100 quan nên viên Lý Trưởng
chỉ tha cha Lạc.
Ðược thả ra, cha Lạc vội lên thuyền để về, nhưng thời tiết
không được tốt vì gặp phải mưa gió, thuyền cha phải ghé vào bờ. Căn nhà cha
đang trú lại đang bị quân lính khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba và bị giải
lên huyện Bình Lục cùng với cha Thi.
Ðức Cha Retord Liêu hay tin cha Lạc và cha Thi bị bắt thì
cùng với các tín hữu tìm cách chuộc hai cha về, nhưng lần này cha Lạc nhắn về với
Ðức Cha câu chuyện thánh Phêrô hai lần thoát khỏi ngục, đến lần thứ ba, Chúa
Giêsu đã yêu cầu ở lại tử đạo tại Roma, và xin Ðức Cha cùng các tín hữu đừng lo
liệu tiền chuộc làm chi nữa.
Tại nhà giam ở huyện Bình Lục, hai cha cũng được đối xử rất
tử tế. Quan huyện Bình Lục truyền dọn cơm cho hai cha bằng mâm bát của mình, bắt
Lý Trưởng trả lại quần áo và tất cả các vật dụng đã tịch thu rồi giải thích rằng:
"Lệnh Triều Ðình cấm đạo và giết các cụ, chứ không phải tôi. Tôi không có
tội gì trong việc này". Ba ngày sau, quan huyện đưa hai cha xuống thuyền
và chuyển về Hà Nội.
Tại Hà Nội, hai cha bị các quan quân nhiều lần tra hỏi, dọa
nạt, nhưng hai ngài vẫn một mực kiên trung với đức tin. Thấy không thành công dụ
dỗ hai ngài bỏ đạo, các quan làm án gửi về kinh xin vua xử trảm.
Thời gian trong tù, hai cha chiếm được tình cảm của các lính
canh. Mọi người trong tù đều mến mộ, tôn trọng các ngài, nhờ đó các ngài được đối
xử rất tử tế. Các ngài thường chia sẻ những gì mình có với những bạn bè khác
trong tù. Khi nhận được quà tiếp tế, hai cha cũng chia sẻ cho lính canh, chỉ giữ
lại những thứ tối thiểu cần thiết. Hằng ngày tối sáng, hai cha thường quỳ bên
nhau để cầu nguyện lâu giờ. Tuy các tín hữu vẫn tiếp tế thức ăn cho hai cha rất
thương xuyên, nhưng các ngài ăn chay mỗi ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy.
Cuối năm 1839, khi quân lính đến công bố lệnh xử án, hai cha
vui vẻ đón nhận bản án như một phần thưởng trọng hậu. Trên đường đến pháp trường,
hai cha yên lặng cầu nguyện. Lúc ra khỏi cổng thành, cha Lạc chắp tay lại, hát
lớn tiếng mấy câu latinh chúc tụng Chúa.
Trước phút hành quyết, người lý hình đến nói với cha:
"Chúng tôi không biết các thày tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên,
xin các thày đừng chấp". Cha Lạc tươi cười trả lời: "Quan đã truyền
thì anh cứ thi hành". Sau đó, hai cha xin ít phút để cầu nguyện lần chót,
rồi nghiêng đầu cho lý hình chém.
Hai vị đã lãnh phúc tử đạo ngày 21/12/1839 tại bãi ngoài cửa
ô Cầu Giấy (Hà Nội), giáp đường lên tỉnh Sơn Tây. Thi hài của cha Lạc được đưa
về an táng tại nhà bà Lý Quý gần đó.
Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn Chân Phước cho linh mục Anrê
Trần An Dũng Lạc ngày 27/05/1900.
Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã
phong ngài lên bậc Hiển Thánh.
Nhớ đến thánh Anrê Dũng Lạc, phải nhớ đến những vần thơ ngài
tâm sự trong thư viết trong ngục cho cha Thực rằng:
"Lạc này đã rõ chốn quân quan
Bút chép thơ này gởi thở than
Lòng nhớ bạn, nỗi còn vất vả
Dạ thương khách, chạy chữa yên hàn.
Ðông qua tiết lại thì xuân tới
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Ðàng"
0 nhận xét:
Đăng nhận xét