HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

LỜI TẠ ƠN TRONG NGÀY LỄ THANKSGIVING




Hàng năm vào ngày Thứ Năm tuần cuối cùng của Tháng Mười Một, Hoa Kỳ có một ngày lễ rất ý nghĩa và tôi lấy làm thích thú nhất trong tất cả những ngày lễ nghỉ ở đất nước Hiệp Chủng Quốc này. Ðó là ngày lễ Thanksgiving, ngày Lễ Tạ Ơn.
Lễ Tạ Ơn lần đầu tiên xảy ra tại Hoa Kỳ vào năm 1621 sau khi những người Pilgrims từ nước Anh tìm ra và đặt chân xuống đây để chọn vùng đất sống. Vùng đất dồi dào và màu mỡ, để từ đó con cháu họ và những thế hệ nối tiếp đã lập lên một quốc gia Hoa Kỳ lớn mạnh và giàu có nhất thế giới.
Số người tham dự ngày Lễ Tạ Ơn lần đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn có 140 người, trong đó 90 là người Wampanoag (người da đỏ) và 50 là người Pilgrims. Một số người Pilgrims đã bỏ xác giữa đường trong cuộc hành trình tìm đến đây và cũng đã bị chết rất nhiều khi chưa thích nghi với khí hậu, nhất là những bệnh tật với mùa đông băng giá... 140 người đầu tiên đó, họ đã dành đúng 3 ngày để tế Lễ Tạ Ơn sau khi vụ mùa đầu tiên được thu hoạch.
Ba ngày đó, họ làm gì và tạ ơn ai?
Vâng, điều đầu tiên là họ tạ ơn Trời, tạ ơn Thượng Ðế đã cho họ được sống sót trên chuyến đường ngàn dặm và đã cho họ gặp may mắn tìm ra được vùng đất màu mỡ, vùng đất có sữa và mật. Họ tạ ơn Thượng Ðế đã chúc phúc cho họ có được một vụ mùa gặt đầu tiên bội thu. Họ cũng không quên tạ ơn những người da đỏ đã giúp họ biết canh tác, trồng trọt và hướng dẫn họ cách chăn nuôi trong những ngày tháng chân ướt chân ráo.
Và hôm nay đây sau gần 400 năm, người dân Hoa Kỳ đã tái diễn lại ngày lễ Tạ Ơn đó mỗi năm như là một sự nhắc nhở con cháu họ phải biết đến ơn Trời, nhớ ơn người và luôn ghi khắc trong lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.”
Qua câu chuyện The First Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn Ðầu Tiên) và những người Pilgrims, tôi liên tưởng ngay đến người Việt Nam tỵ nạn trên vùng đất Hoa Kỳ này hoặc một quốc gia nào khác.
Quả thật, chúng ta cũng chẳng khác gì với cuộc hành trình của người Pilgrims khi bỏ nước ra đi tìm tự do và đất sống. Con đường và những chuyến vượt biên, vượt đại dương của bạn và tôi trên những chiếc thuyền nan mong manh, đã gặp bao nhiều điều gian khổ và nguy hiểm. Sự gian khổ và nguy hiểm ấy có thể đến mức 99% của sự chết bởi biển cả, bởi sóng gió và bão táp, bởi đói khát và hải tặc để chấp nhận đánh đổi còn lại mong manh 1% của sự sống.
Biết bao nhiêu khó khăn trong những ngày đầu tiên ở các trại tỵ nạn, bao nhiêu sự xa lạ và khác biệt giữa đời sống: Bất đồng ngôn ngữ, tập quán, văn hóa v.v... trong những ngày tháng đầu tiên định cư tại Hoa Kỳ và những quốc gia khác. Thế rồi ngày hôm nay, khi ngoảnh mặt lại, bạn và tôi đã nhớ và khám phá ra rằng chúng ta đã mang ơn biết bao người, biết bao điều trong cuộc sống mà thường thì con người hay quên hay cố quên những người đã làm ơn làm phước trong cuộc đời của chúng ta. Nhất là sau khi bạn và tôi đã công thành danh toại, đã trở nên giàu có và đầy đủ trên vùng đất Hoa Kỳ này.
Ðể rõ và chắc chắn hơn sự vô ý hay quên không nhớ đến những người mà ta đã mang ơn; xin hãy vào nhà thờ hay chùa chiền, chúng ta sẽ thấy và nghe được toàn là những lời cầu xin rôm rả của giáo dân, của thiện nam tín nữ mà quên đi lời tạ ơn. Hãy xem tờ thông tin hay tờ mục vụ ở những nơi này, chằng chịt những người xin lễ, xin ơn, xin cho, xin được, xin thêm, xin điều này điều kia, mà không thấy một lời, một lễ để tạ ơn, nếu có thì cũng rất giới hạn. Và mặc dù sự tạ ơn của chúng ta cũng chẳng có thêm lợi ích gì cho Thượng Ðế. Thế nhưng, Ngài muốn lòng con người phải nhớ và biết ơn để sinh thêm hoa trái, mang lợi ích cho mình, cho người khác và có thể nhìn thấy sự liên đới tốt đẹp trong đời sống chung quanh của con người.
Hôm nay trong ngày Lễ Tạ Ơn với bầu trời ảm đạm của mùa Thu tại vùng thủ đô Washington. D.C, bầu trời có sương khói lam chiều như bên quê nhà. Ngoài kia, những chiếc lá đang dần úa vàng, những cơn gió nhẹ nhàng mơn man như vuốt ve hàng cây, rồi những chiếc lá vàng rơi rụng về với cội nguồn, về với lòng đất. Ðời con người đâu khác chi những chiếc lá; xanh tươi rồi úa tàn. Lá sẽ mục nát trong lòng đất và biến thành chất hữu cơ cho cây được bén rễ, để ươm chồi cho những mầm mống nối tiếp của ngày mai.
Việc đầu tiên và trên hết, bạn và tôi hãy dâng lời cảm tạ lên Thượng Ðế vì điều kỳ diệu và tuyệt vời nhất Ngài đã tạo dựng cho chúng ta hình hài làm người mà không phải hình hài một con khỉ hay con đười ươi hoặc một con vật nào khác. (Loài người phát sinh từ loài khỉ theo “Thuyết Duy Vật Biện Chứng.”)
Tạ ơn Ngài đã thổi trong hình hài ta một sự sống và sự sinh tồn, một lý trí để xét suy, một trí tuệ biết nhận định đúng, sai, biết sự thiện, sự ác và biết nhận diện để tìm đến con đường Thượng Trí, tìm đến ánh sáng của Chân-Thiện-Mỹ. Ngài còn tạo và đặt để trong ta một trái tim. Trái tim không chỉ có bổn phận bơm máu nuôi cơ thể mà còn để ban phát tình yêu thương và sự rung cảm trong đời sống. Nhờ có trái tim mà lý trí và bản năng của con người được kìm chế, được xoa dịu, nhất là khi đối diện và gặp phải những lúc cường độ xung đột và khác biệt trong nhịp sống nơi bản chất của con người. (Theo khoa học, những bộ phận đầu tiên để hình thành một bào thai, là một giọt máu biết đập. Ðó chính là quả tim.)
Vâng, nếu trong đời sống của chúng ta chỉ biết liên quan, đối diện hoặc giao hảo dựa trên lý trí và bản năng, thì có lẽ chúng ta đã và sẽ chém giết nhau từng ngày một. Vì đời nào lý trí và bản năng của tôi chịu thua lý của bạn. Huống gì sự tranh chấp, sự bất đồng, sự khác biệt nhan nhản xảy ra trong đời sống hằng ngày mà có thể dẫn đến sự xung đột, sự nổi loạn rồi sẽ hơn, thua... Ngài biết rõ bản chất của con người, nên đã gắn cho mỗi con người có một trái tim để một cách nào đó kìm chế lý trí, kìm chế bản năng là thế.
Khi nói đến quả tim là đề cập đến sự sống, là nói đến sự yêu thương, hạnh phúc, bình an và hòa bình... Nếu mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình, mọi con người luôn để con tim trước lý trí để “xử lý” với nhau trong bất cứ mọi tình huống, mọi hoàn cảnh thì có lẽ thế giới này sẽ thôi chiến tranh, con người sẽ gần lại với nhau, sẽ nâng đỡ và thương yêu nhau, gia đình sẽ hạnh phúc, xã hội sẽ giang rộng cánh tay chào đón tất cả mọi thành phần mà không phân biệt màu da, chủng tộc, mũi tẹt hay da màu...
Xin hãy để con tim đứng trước để xử lý và bàn thảo trong mọi lĩnh vực, luật lệ, mọi quyết định, mọi việc, mọi sinh hoạt trong đời sống... Hẳn, Thượng Ðế đã có lý do tạo ra quả tim (giọt máu biết đập) đầu tiên để hình thành con người trong bào thai trước cả cái đầu, cái miệng và đôi tay... Vậy, tại sao không để trái tim của chúng ta xử lý trước tiên trong mọi điều, mọi việc nơi đời sống hằng ngày, trong xã hội nhiễu nhương và bất công, nơi thế giới đầy dẫy những tranh chấp và hận thù.
Xin hãy cúi đầu để tạ ơn sự tuyệt diệu của Ngài khi tạo dựng nên loài người và tạo dựng nên vũ trụ bao la. Ôi Ðấng Quyền Năng vô song và tuyệt hảo!
Có lẽ bạn và tôi không cùng một tôn giáo và một niềm tin, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự hiện diện của Thượng Ðế đã tạo dựng nên vũ trụ, sông biển, núi đồi, cỏ hoa, nắng mưa và cầm thú... với mục đích là chỉ vì yêu thương con người, rồi cho con người được ân hưởng và làm chủ tất cả các vạn vật đó. Ngài còn sắp xếp mọi vật thể trong vũ trụ, chuyển mình theo tuần tự trong bàn tay vạn năng và an bài của Ngài.
Bạn cứ tưởng tượng xem, nếu ta sống không có ánh sáng trong 24 tiếng đồng hồ hoặc một tháng thì sẽ bất tiện đến thế nào. Hoặc những vì sao va chạm, rơi rớt, vũ trụ, trời đất, tinh tú hỗn loạn thì đời sống con người sẽ ra sao. Vậy, tất cả và thậm chí ngay cả ngày và đêm cũng nằm trong chương trình sáng tạo và xếp đặt để cho con người có được năng lượng ánh sáng của mặt trời và được nhận ra thời gian, năm tháng, ngày và đêm để nghỉ ngơi hay làm việc.
Sau khi tạ ơn Trời, bạn và tôi chắc chắn nghĩ ngay đến gia đình. Ngày Lễ Tạ Ơn cũng là ngày quy tụ mọi thành viên trong gia đình. Tất cả con cái từ phương xa trở về với tổ ấm, về với gia đinh để tạ ơn đấng sinh thành.
Thượng Ðế đã khôn ngoan hình thành xã hội đầu tiên cho loài người, đó là người chồng, người vợ và từ đó họ sinh ra con cái. Chung quy lại đó chính là gia đình. Nơi gia đình ta tìm được chỗ nương tựa và yêu thương, được an ủi và vỗ về, được chia sẻ ngọt bùi hay đắng cay, hạnh phúc hay khổ đau...
Cao điểm nhất trong Ngày Lễ Tạ Ơn này đối với các gia đình, đó là sự gần gũi và nhất là trong bữa cơm tối. Tất cả ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt quây quần bên bàn ăn rồi dâng lên lời tạ ơn Thượng Ðế đã ban cho biết bao ân huệ trong năm qua. Tạ ơn đấng sinh thành đã dưỡng dục nuôi nấng ta đến ngày khôn lớn.
Còn gì hạnh phúc và ý nghĩa cho bằng khi có được đầy đủ mọi người trong gia đình bên bàn ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn, mặc dù những món ăn không phải cao lương mỹ vị mà chỉ là những món ăn đơn giản như khoai lang, đậu, ngô, bí... đã được chế biến, nhất là món turkey (Gà Tây) thì không thế thiếu được. Những món ăn này bắt nguồn từ ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của người Pilgrims và nay đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Lễ Tạ Ơn hằng năm.
Chúng ta còn tạ ơn ai nữa không?
Vâng, còn nhiều lắm, bạn ạ! Này nhé: Vào những năm đầu sau năm 1975, có biết bao người Việt Nam bỏ nước ra đi, những ngày tháng lênh đênh và ngoi ngóp trên biển cả, lạc lõng trong rừng sâu. Nếu như không có những chiếc tàu và lòng thương xót của người ngoại quốc cứu vớt, thì xác thân bạn và tôi đã làm mồi cho cá rồi. Vì thế, chúng ta không thể không biết ơn đến những người đã ra tay nghĩa hiệp cứu vớt những thuyền nhân lênh đênh trên biển, các trại tỵ nạn, những trại định cư, trại tiếp tế, trại chuyển tiếp như Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông, Phi Luật Tân... Nhờ những trại đó để cho chúng ta có cuộc sống ngắn hạn và tạm thời sau bao ngày tháng lênh đênh trên biển cả và lạc lối trong rừng sâu trước khi lên đường định cư ở một quốc gia khác.
Ơn cao cả và lòng nghĩa hiệp đó là từ tấm lòng nhân đạo của các thuyền trưởng, của Liên Hợp Quốc, Hội ICM, các hội từ thiện, Hội USCC, các cơ quan bảo lãnh và từ thiện của Catholic, v.v...
Làm sao bạn và tôi có thể quay mặt hoặc có thể quên bẵng đi được với những ân nhân người Mỹ đã bảo lãnh, ra tận phi trường đón và đưa chúng ta về, cho ở trong nhà rồi đối xử, giúp đỡ và ân cần như một thành viên trong gia đình của họ.
Tạ ơn đến những người lính canh gác nơi tiền đồn, những chiến sĩ đã hy sinh nằm xuống để gìn giữ quê hương, những người cảnh sát, những cơ quan bảo vệ hòa bình, chặn đứng và dẹp tan quân khủng bố và những thành phần bất hảo trong xã hội để cho gia đinh bạn và tôi, cho tất cả mọi người có cuộc sống thanh bình.
Liên quan trong đời sống hằng ngày, chúng ta biết ơn đến những vị chức sắc nơi các tôn giáo: Các giám mục, linh mục, mục sư, các vị đại đức, thượng tọa, các vị tu sĩ nam nữ của các tôn giáo có bổn phận hướng dẫn đường tâm linh, chỉ cho chúng ta nhận ra ánh sáng của sự cứu rỗi trong cuộc đời đau khổ hôm nay.
Thiên Chúa thương con người và đã ban Ðức Giêsu Kitô xuống thế gian chịu chết vì tội lỗi chúng ta rồi cho chúng ta được ơn cứu độ của Ngài, để kết nối giữa trời và đất và không còn khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Cũng thế, Phật Thích Ca đã chua xót khi thấy chúng sanh quá đau khổ, xã hội nhiễu nhương để rũ áo hoàng tử và từ bỏ đời sống vua chúa, quyền quý, cao sang, thốt nên lời bi ai “Ðời Là Bể Khổ” trước khi lên đường tầm đạo cứu chúng sanh.
Vâng, đời là khổ thật nên ta phải cần đến các vị ấy để được hướng dẫn và giúp ta định hướng tìm được sự sống nơi vĩnh hằng, gặp được bến bờ của bình an trong cuộc đời trầm kha này.
Ôi, các vị này chính là “Cái đẹp cứu rỗi thế giới.”
Chúng ta luôn ghi ơn đến những người thầy, người cô đã khai thông sự ngu dốt của ta, dạy ta biết nhận thức và mở trí ta để thông suốt những sự kiện, mở mang kiến thức để ta phát triển tài năng, hướng dẫn ta biết luân thường đạo lý, biết Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, biết Tam Tòng Tứ Ðức, biết lễ phép, tiên học lễ, hậu học văn... để ngày hôm nay ta dùng kiến thức và sự hiểu biết đó mà sống còn và phát triển mọi mặt trong đời sống, để đối diện và giao hảo tốt đẹp, hài hòa với mọi người trong xã hội, bạn bè và gia đình.
Xin cám ơn những vị y sĩ, bác sĩ, y tá đã tận tình chữa trị những lúc ta trái gió trở trời, những lúc ta gặp bệnh hoạn, những lúc bị dồi máu cơ tim, bị đột quỵ, bị ung thư, và những cơn bệnh nguy kịch khác... Ai là người ra tay để cứu chữa cho bạn và tôi đây?
Nhưng xin bạn và tôi cũng đừng vội quên những người và công việc của họ xem rất tầm thường, nhưng ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của chúng ta. Từ bác đưa thư, người tài xế, thậm chí người đổ rác nhà bạn nữa. Hãy nghĩ xem, chỉ cần 2 tuần thôi những bao rác nơi nhà bạn không được lấy và dọn đi, bạn có sống được với mùi hôi thối nồng nặc nơi đống rác ấy không, mặc dù tôi biết bạn đã đè nén và nín... thở trong mấy ngày qua.
Và xin tạ ơn biết bao người liên quan trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Riêng tôi, sẽ không quên cám ơn đến người bạn đời đã cùng với tôi gầy dựng mái ấm gia đình, đã chia sẻ với tôi trong những lúc gian nan, hoạn nạn. Luôn bên cạnh tôi trên những đoạn đường thăng trầm của cuộc sống. Ðã vỗ về, an ủi, đã chia sẻ ngọt bùi, dù niềm vui hay nước mắt, dù khổ đau hay sướng vui... Người bạn đời này sẽ còn lại trong những ngày tháng cuối đời của tôi, sẽ gần gũi và đỡ nâng tôi khi già yếu, bệnh tật, sẽ dìu tôi đến nhà vệ sinh, sẽ nhắc nhở và đưa thuốc cho tôi uống, phủ chăn ấm cho tôi khi đêm về, sẽ thao thức và ân cần với tôi mặc dù lúc đó tôi đã mất trí nhớ vì bệnh Alzheimer của tuổi già... Và, sẽ đau xót, tiếc nuối, khóc thương, rồi hương khói cho tôi khi tôi ra đi về bên kia thế giới.
Ôi cuộc đời dễ thương và đẹp biết bao khi chúng ta có nhau và biết ơn nhau!
Xin cúi đầu muôn đời tạ ơn. Tạ ơn Trời, tạ ơn tất cả mọi người đã làm ơn làm phúc trong của đời của bạn và của tôi.
Và sau cùng, kính chúc bạn có một ngày Lễ Tạ Ơn thật êm đềm và ý nghĩa bên những người thân và gia đình.
Happy Thanksgiving!
Văn Duy Tùng

Tác giả:  Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons