HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

CÙNG ĐỌC TOÁT YẾU GLCG 16 CHƯƠNG BA “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN”



Theo lược đồ kinhTin Kinh, sau khi đã tìm hiểu Chúa Cha, và Chúa Con, nay chúng ta gặp gỡ Ngôi Thứ Ba là Chúa Thánh Thần.“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”. Hội Thánh muốn nói gì khi tuyên xưng câu này?(136)
Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng rằng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và Ngài “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con”. Chúa Thánh Thần được “sai đến . . . trong lòng chúng ta” (Gl 4,6) để chúng ta có thể nhận lãnh sự sống mới như những người con của Thiên Chúa.
Nhớ lần trước cha có nói giới hạn của từ ngữ con người “sinh ra” nay gặp từ “phát xuất từ” cũng phải hiểu Chúa Thánh Thần đồng hiện hữu đời đời, muôn thuở, như Cha và Con. Vì mọi hoạt động đều là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi, nên mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô cũng liên kết với Thánh Thần. Xin cha nói rõ hơn, tại sao sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau ?(137)

Trong Ba Ngôi không thể phân chia, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau. Thực vậy, từ khởi đầu cho đến cùng tận thời gian, khi Chúa Cha sai Con Ngài, thì cũng sai Thánh Thần của mình, Đấng kết hợp chúng ta với Đức Kitô trong đức tin, để với tư cách là dưỡng tử, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” (Rm 8,15). Chúa Thánh Thần vô hình, nhưng chúng ta nhận ra Ngài qua tác động của Ngài, khi Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và khi Ngài hoạt động trong Hội Thánh.
Con cũng biết thiên thần, có khi gọi là thiên sứ, sứ thần Chúa, là thụ tạo khác với Chúa Thánh Thần. Chắc Chúa Thánh Thần cũng có nhiều Danh xưng khác nữa. Vậy, những tên gọi khác của Chúa Thánh Thần là gì ?(138)
 “Chúa Thánh Thần” là Danh xưng của Ngôi Ba. Đức Kitô cũng gọi Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi (Parakletos - Trạng sư) và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Đức Kitô, của Đức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của Vinh quang, Thánh Thần của Lời hứa.
Là Thiên Chúa vô hình, nên cần có những biểu tượng thấy được như dấu chỉ ta biết sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Thế, những biểu tượng về Chúa Thánh Thần là gì?(139)

Có rất nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần : nước hằng sống tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô và giải cơn khát cho những người đã được Rửa tội; việc xức dầu, đó là dấu chỉ của Bí tích Thêm sức;  lửa biến đổi tất cả những gì lửa bén tới; áng mây, mờ tối hay rạng ngời, trong đó vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện; việc đặt  tay thông ban Chúa Thánh Thần; chim bồ câu đã ngự xuống và ở lại trên Đức Kitô lúc Người chịu phép rửa.
Kinh Tin Kinh dài của các công đồng có câu “Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Ý nghĩa câu này là gì ?(140)
Từ “Các tiên tri” ở đây được dùng để chỉ những người được Chúa Thánh Thần linh ứng để họ nói nhân danh Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đã làm cho các lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Kitô; cũng chính Chúa Thánh Thần mạc khải mầu nhiệm Đức Kitô trong Tân Ước.
Con nhớ có đọc được câu Thánh Kinh “Không ai nói Đức Kitô là Chúa mà không bởi Thánh Thần”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã từng chỉ Đức Giêsu Kitô và gọi Người là Chiên Thiên Chúa chắc cũng bởi Thánh Thần. Vậy, hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi thánh Gioan Tẩy Giả như thế nào ?(141)

Chúa Thánh Thần đổ tràn trên thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Dưới tác động của Thánh Thần, ông được sai đi để “chuẩn bị một dân cho Chúa” (Lc 1,17) và để loan báo việc Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ngự đến ; đó là Đấng mà ông đã thấy Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Người, Đấng “sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).
Kinh Truyền tin ta đọc rằng: “Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Rất thánh Đức Bà Maria, và Rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.” Có sự tác động của Chúa Thánh Thần nơi Đức Mẹ. Thế, đâu là công trình của Chúa Thánh Thần nơi Đức Maria ?(142)
Mọi mong chờ việc Đức Kitô đến và sự chuẩn bị cho Người trong Cựu Ước được Chúa Thánh Thần hoàn thành tất cả nơi Đức Maria. Một cách độc nhất vô nhị, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân sủng trên Đức Maria và làm cho đức trinh khiết của Mẹ nên phong phú, để Mẹ sinh hạ Người Con của Thiên Chúa trong thân xác. Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Maria trở thành Mẹ của “Đức Kitô toàn thể,” nghĩa là của Đức Kitô là Đầu và của Hội Thánh là thân thể Người. Đức Maria hiện diện giữa nhóm Mười Hai ngày lễ Hiện Xuống, khi Thánh Thần khai mở “thời đại cuối cùng” với việc xuất hiện của Hội Thánh.
Trong sứ vụ trần thế, Đức Giêsu Kitô có liên hệ gì với Chúa Thánh Thần ?(143)
Từ khi nhập thể, Con Thiên Chúa được thánh hiến trở thành Đức Kitô trong nhân tính của Người nhờ việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần. Đức Kitô mạc khải Chúa Thánh Thần trong giáo huấn của Người, hoàn thành lời hứa đã được ban cho các tổ phụ. Người trao ban Thánh Thần cho Hội Thánh vừa khai sinh khi thổi hơi trên các Tông đồ sau khi Người Phục sinh.

Trong bài giáo lý về Đức Mẹ, cha có nói đến lễ Ngũ tuần dịp Thánh Thần xuống với hình lưỡi lửa…Xin cha nói rõ thêm điều gì đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần ?(144)
Năm mươi ngày sau cuộc Phục sinh, vào lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu Kitô vinh hiển đã đổ tràn Thánh Thần và mạc khải Ngài là một Ngôi Vị Thiên Chúa, qua đó Ba Ngôi cực thánh được mạc khải trọn vẹn. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội Thánh, được sai đi công bố và loan truyền mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.
“Chúng con đã thấy ánh sáng thật, chúng con đã lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng con đã tìm được đức tin chân chính : chúng con tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng con” (Phụng vụ Byzantin,  Điệp ca lễ Hiện Xuống).
Lễ Ngũ tuần khởi đầu “sứ vụ Đức Kitô trở thành sứ vụ của Hội Thánh”. Sứ vụ trần thế của Đức Kitô được liên kết trong Thánh Thần, thì cũng sẽ có mối tương quan giữa Thánh Thần với Hội Thánh. Vậy, Chúa Thánh Thần làm gì trong Hội Thánh ?(145)
Chúa Thánh Thần xây dựng, linh hoạt và thánh hóa Hội Thánh : Là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhận lại được ơn giống Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi; Ngài giúp họ sống trong Đức Kitô bằng chính Sự sống của Ba Ngôi cực thánh. Người sai họ đi làm chứng cho Chân lý của Đức Kitô và cắt đặt họ vào trong các phận vụ hỗ tương, để mọi người đem lại “hoa trái của Thánh Thần” (Ga 5,22).
“Trong Ba Ngôi không thể phân chia, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau.”Vậy, Đức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như thế nào trong tâm hồn các tín hữu ?(146)
Nhờ các Bí tích, Đức Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong thân thể Người. Ân sủng này mang lại hoa trái của đời sống mới theo Thánh Thần. Cuối cùng, Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.
*Chúng ta sẽ có cơ hội tìm hiểu về Hội Thánh và các Bí tích cử hành trong Hội Thánh. Chỉ có một buổi, và chúng ta tạm kết giáo lý về Chúa Thánh Thần, nhưng hoạt động của Ngài phong phú không chấm dứt ở đây, mà bao trùm tất cả, kéo dài mãi. Bạn cũng biết thêm những tên gọi khác của Ngài là Thánh Linh, Thần Khí của Chúa. Ngài vừa là Ân sủng và là Đấng ban ân sủng, nhất là ơn khôn ngoan, thâm hiểu, thông minh để soi sáng lý trí; ơn lo liệu, sức mạnh… để kiện cường ý chí chúng ta. Vì thế, khởi đầu công việc gì, người Kitô hữu luôn cầu xin Chúa Thánh Thần. Ngài như “Gió muốn thổi đâu thì thổi” nên tác động của Ngài trên hết mọi người. Đặc biệt khi bạn có thiện chí tìm hiểu để trở nên Kitô hữu, đó là tác động của Chúa Thánh Thần. Không ai gọi Đức Kitô là Chúa mà không bởi Thánh Thần; Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện; Thần Khí giúp chúng ta kêu lên rằng Abba, Lạy Cha; Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ giúp các con hiểu…Bạn đang tìm, và tôi thấy bạn hiểu. Bạn cũng tin vào Chúa Giêsu Kitô, bạn đã biết cầu nguyện và tuyên xưng Thiên Chúa là Cha như trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy… Bạn đã hợp tác với ân sủng Thánh Thần. Tạ ơn Chúa. Chúng ta sẽ tiếp tục với những giờ trao đổi mới nhé.
Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Gp. Phan Thiết (nguồn: giaolyductin.org)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons