Sách Tông Đồ Công Vụ kể chuyện một người phù thủy tên là Simon, từng làm nhiều trò ảo thuật để mê hoặc dân chúng về “quyền năng vĩ đại” của mình.
Anh này cũng đến nghe các Tông Đồ giảng và được chịu phép rửa tội. Thấy các Tông Đồ đặt tay ban ơn Chúa Thánh Thần cho các tín hữu, anh rất thích thú nên đã ngỏ ý biếu tiền cho các Tông Đồ để xin đặc quyền ban ơn ấy, nhưng đã bị Thánh Phêrô quở trách nặng nề như sau: “Tiền bạc của anh sẽ tiêu tan luôn với anh, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa sao?” (Tđcv 8: 9-24). Nghe thế, anh phù thủy kia sợ hãi và van xin Phêrô và Gioan xin Chúa cho anh khỏi bị án phạt đó.
Từ câu chuyện này, Giáo Hội đã dùng tên anh phù thủy Simon này để chỉ một loại tội gọi là “Tội mại thánh = simonia) mà Giáo Luật đã minh nhiên ngăn cấm qua những điều khoản sau đây:
c.149, triệt 3: “Sự chỉ định chức vụ nhờ việc mại thánh đương nhiên vô giá trị.” / c.848: “Khi ban các Bí Tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được lãnh nhận Bí Tích vì lý do túng thiếu.” / c.947: “Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.”
Sách Giáo Lý Công Giáo cũng đề cập đến tội này và ngăn cấm như sau :
c.2121: “Tội buôn thần bán thánh (simony) là mua hoặc bán các thực tại thiêng liêng. Pháp sư Simon muốn mua quyền lực linh thiêng ông ta thấy tác động nơi các Tông đồ, nhưng Phêrô đã trả lời ông: “Tiền bạc của ngươi hãy hủy hoại đi với ngươi, vì ngươi đã tưởng lấy tiền bạc mà mua được hồng ân của Thiên Chúa” (Cv 8, 20). Thánh Phêrô đã hành động đúng như lời Chúa Giêsu dạy: “Các ngươi đã nhận được nhưng không thì cũng hãy ban tặng nhưng không” (Mt 10,8).
Không thể chiếm lấy các lợi ích thiêng liêng làm của riêng mình và tùy ý sử dụng như kiểu một người sở hữu chủ hoặc một ông chủ, bởi vì các ơn ích thiêng liêng này bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể nhận được từ nơi Thiên Chúa, cách nhưng không.
c.2122: “Ngoài những khoản dâng cúng do thẩm quyền ấn định, thừa tác viên không được đòi hỏi gì cho việc ban các bí tích, và phải lo liệu để những người nghèo túng không mất ơn nhận lãnh các bí tích vì cảnh nghèo khó của họ. Thẩm quyền ấn định ‘các khoản dâng cúng’ này dựa trên nguyên tắc dân Kitô giáo phải cấp dưỡng cho các thừa tác viên của Giáo Hội “người thợ đáng được của nuôi thân” (Mt 10,10). ư
Dựạ trên những điều Giáo Hội dạy và ngăn cấm trên đây liên quan đến “tội mại thánh”, chúng ta cần hiểu rõ những áp dụng cụ thể để tránh gương xấu về loại tội này trong thực hành.
I- Lý Do Giáo Hội cho phép Giáo sĩ nhận bổng lễ (missarum)
Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng mặc dù việc phục vụ của giáo sĩ là bổn phận thiêng liêng chính yếu của Sứ vụ và Ơn gọi, nhưng về mặt tự nhiên, giáo sĩ cũng là người như mọi người, nên phải có những nhu cầu thiết yếu và chính đáng về ăn, ở, thuốc men, quần áo, phương tiên di chuyển (đặc biệt là nhu cầu xe cộ cho các giáo sĩ làm mục vụ ở Âu Mỹ, Úc và Canada). Và để thỏa mãn những nhu cầu tối cần này, thì giáo sĩ phải được chăm sóc xứng đáng để an tâm chu toàn trách nhiệm thiêng liêng của mình. Vì thế, ở khắp nơi trong Giáo Hội – trừ Việtnam cho đến nay – giáo sĩ (Giám mục, linh mục) được trả lương tối thiểu (ngân quỹ của Địa phận hay giáo xứ) để giúp chi phí cho những nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, thuốc men và phương tiện di chuyển.
Khoản tiền lương tối thiểu này nhiều ít khác nhau từ địa phận này sang địa phận khác, và từ quốc gia này đến quốc gia kia. (Riêng ở Đức, chánh phủ trả lương cho các giáo sĩ của mọi Giáo Hội như trả lương cho công chức). Ngoài tiền lương tối thiểu trên, Giáo Hội còn cho phép giáo sĩ được nhận thêm bổng lễ (missarum) cử hành theo ý của giáo dân xin. (Ở Mỹ, các linh mục phải khai và đóng thuế lợi tức cuối năm về tiền lương và những bổng lễ, tiền dâng cúng nhận được, nếu có, trong các dịp rửa tội, chứng hôn và cử hành nghi thức an táng).
Giáo Hội chăm lo và cho phép nhận bổng lễ dựa vào lời Chúa dạy sau đây:
- “....Hãy ở lại nhà ấy và người ta cho ăn uống thức gì thì anh em dùng thức đó vì thợ đáng được trả công” (Lc 10,7).
- “Đi đường, đừng mang bao bì, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy hay cầm gậy, vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10).
- “Anh em không biết rằng người lo cho các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ sao? Cũng vậy Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng” (1Cr 9: 13-14).
- “Những kỳ mục thi hành chức vụ chủ tọa cách tốt đẹp, thì đáng được đãi ngộ gấp đôi, nhất là những người vất vả phục vụ lời Chúa và giảng dạy. Quả vậy, Kinh Thánh có nói: Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công” (1 Tim 5 : 17-18).
Trên đây là tất cả nền tảng Kinh Thánh cho việc chăm lo cho đời sống vật chất của giáo sĩ, trong đó có sự cho phép nhận tiền dâng cúng trong các dịch vụ thánh được trao ban trong Giáo Hội, cụ thể như sau:
1- Bổng Lễ (Missarum = mass stipends): các linh mục dâng Thánh lễ cầu nguyện theo ý chỉ (Intentio Missae = mass intentions) của người xin thì được hưởng một bổng lễ theo mức qui định của Tòa Giám Mục sở tại. Ở Mỹ, nói chung, thì mức bỗng lễ này là 5 dollars (có nơi qui định 10 đôla) cho đến nay. Chắc chắn không có nơi nào Giáo Quyền cho phép nhận 20, 30 dollars cho một ý lễ. Qui định này áp dụng chung cho mọi giáo xứ, cộng đoàn tín hữu trong Địa phận, chứ không chỉ riêng cho linh mục Mỹ ở các giáo xứ Mỹ. Các linh mục Việt Nam làm việc trong các giáo xứ hay cộng đoàn Việt Nam cũng phải theo chung qui định này, nghĩa là không ai được phép tự ý miễn trừ cho mình để có thể lấy bổng lễ gấp đôi, gấp ba tùy tiện.
Tóm lại, linh mục không được phép tự ý đòi hỏi người xin lễ trả cao hơn mức qui định trên của giáo quyền địa phuơng, vì như vậy là trái với khoản Giáo luật số 848. Xin nhấn mạnh: linh mục không đượcc phép đòi bỗng lễ cao hơn mức Giáo quyền địa phương qui định và cho phép; thí dụ đòi 20, 50 hay 100 dollars để dâng một Thánh Lễ hoặc chê ít tiền để từ chối dâng Lễ giáo dân xin.
Tuy nhiên, nếu vì hảo tâm mà người xin Lễ tự ý dâng cúng số tiền cao hơn mức qui định thì linh mục được phép nhận mà không có lỗi gì. Người xin Lễ cần hiểu rõ điều này để đừng tự ý đưa nhiều tiền xin một Thánh Lễ, rồi lại nghĩ tại linh mục muốn đòi như vậy. Thực ra, không phải tất cả các linh mục đều đòi hỏi như thế, trừ người nào có ý vi phạm giáo luật vì tham tiền cách trái phép mà thôi.
Mỗi Thánh Lễ, linh mục chỉ được hưởng một bổng lễ mà thôi, và nếu có nhiều người xin Lễ thì linh mục không được phép gom tất cả ý lễ lại để hưởng trọn mọi bổng lễ trong một Thánh lễ. Nếu vì nhu cầu mục vụ phải gom chung trong một thánh lễ ngày Chúa nhật thì sau đó, linh mục phải làm bù lại cho đủ các ý lễ với bổng lễ riêng như Giáo Luật số 948 qui định: “Phải áp dụng từng Thánh lễ cho mỗi ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ”.
Mặt khác, tuy Giáo luật cho phép linh mục nhận bổng lễ cho mỗi Thánh Lễ, nhưng nếu giáo dân nghèo túng, không có khả năng dâng cúng thì linh mục cũng được khuyên nhủ phải dâng lễ cầu theo ý người xin dù không có bổng lễ. (cf.can.945, triệt 2), nghĩa là không bó buộc phải có bổng lễ, mới dâng Thánh Lễ, vì Thánh Lễ là vô giá (invaluable) không thể mua được bằng tiền bạc hay của cải vật chất nào.
2- Ban Bí tích, chủ sự lễ cưới, đám tang, làm phép nhà, xe cộ, tầu bè, nơi buôn bán v.v.
Không có khoản Giáo luật nào cho phép thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, linh mục, phó tế) đòi tiền dâng cúng để ban một bí tích như Rửa tội, Xưng tội, Thêm sức, Xức dầu bệnh nhân, truyền Chức Thánh, hay chứng hôn hoặc cử hành nghi thức an táng. Việc dâng cúng, nếu có, là hoàn toàn do người lãnh nhận bí tích hay dịch vụ thánh tự nguyện (volunteer) dâng cho, chứ không bị buộc phải làm như vậy.Linh mục có bổn phận phải nói rõ điều này cho giáo dân hiểu để những người không có tiền nhiều bỏ ra xin lễ, khỏi phải mặc cảm hay bất mãn vì nghèo túng nên bị thua thiệt.
Nếu thừa tác viên đòi tiền cho bất cứ dịch vụ thánh nào thì đã hành động ngược với điều Giáo Hội cho phép và biến thừa tác vụ (ministry) của mình thành hoạt động thương mại trần tục, và hiển nhiên mắc tội “mại thánh = simonia”.
Ngay cả khi được yêu cầu làm những dịch vụ thánh khác, như làm phép nhà, cơ sở buôn bán, xe, tầu v.v., giáo sĩ cũng không được phép đòi trả công nơi người xin và chỉ được phép nhận tiền hay tặng vật dâng cúng, nếu có, hoàn toàn do lòng hảo tâm của người thụ hưởng tự ý dành cho mà thôi. Đây là điểm độc đáo khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và nhiều giáo phái ngoài Công Giáo. Thí dụ, các linh mục Công Giáo không được phép đòi các đôi tân hôn hay tang chủ phải trả thù lao cho việc chứng hôn hay cử hành nghi thức an táng ở nhà quàn hay nghĩa trang, trong khi các dịch vụ này đòi hỏi phải được trả thù lao ở các giáo phái khác. Có thừa tác viên (ministers) của giáo phái kia đã đòi phải trả 200 đollars cho mỗi nghi thức an táng họ cử hành (tiết lộ của nhân viên nhà quàn Mỹ ở Houston).
Riêng về việc thu lệ phí của các giáo xứ trong việc chuẩn bị và cử hành các bí tích rửa tội, thêm sức và hôn phối, cần phân biệt mục đích như sau:
Thông thường, nhiều giáo xứ ở Mỹ có thu lệ phí (10, 15, hay 20 đôla) của mỗi gia đình có con em rửa tội. Lệ phí này giúp trả phí tổn mua nến và áo trắng để phát cho các trẻ được rửa tội. Nhưng nếu vì nghèo túng, ai không thể đóng được lệ phí này thì giáo xứ cũng không được phép từ chối cho lãnh bí tích, vì bí tích không bao giờ được ban vì tiền bạc cả. Mặt khác, việc dạy giáo lý cho cha mẹ có con em xin rửa tội là trách nhiệm mục vụ của cha xứ hay linh mục đặc trách. Không hề có luật nào cho phép đòi tiền trong dịch vụ này. Nếu người thụ hưởng tự ý dâng cúng tiền đãi ngộ thì linh mục được phép nhận. Nhưng nếu đòi phải trả tiền mới cho học và cho lãnh bí tích, thì đây lại là hành vi mại thánh và rõ ràng muốn gắn tiền bạc vào điều kiện để lãnh nhận bí tích.
Việc dạy giáo lý và chứng hôn cũng thế. Nếu làm vì tiền thì chắc chắn là sai trái. Tuy nhiên, cần phân biệt tiền đòi ở đây, khác với lệ phí giáo xứ thu để tập dượt (rehearsal) cho đôi tân hôn và cho sử dụng nhà thờ để cử hành bí tích hôn phối hoặc lệ phí phải trả cho ca đoàn hát lễ cưới.
II- Tội Mại thánh = Simonia = Simony
Việc nhận bổng lễ theo ý và trong khuôn khổ cho phép của Giáo Hội, hoàn toàn khác với chủ ý đòi bổng lễ để cử hành Thánh lễ hay ban các Bí tích và làm các dịch vụ thánh khác. Do đó, trước hết trong nội bộ Giáo Hội, nếu ai để tiền bạc chi phối trong việc tiến cử người vào các chức vụ lãnh đạo Gíáo phận, Dòng tu, trong việc tuyển chọn và truyền chức thánh, trong việc nhận và cho khấn Dòng… thì chắc chắn đã phạm tội simonia, làm gương xấu cho người khác, và làm ô nhục cho Giáo Hội. Những ai đã và đang còn âm thầm làm việc bất chính này thì hãy chuẩn bị để trả lời trước Chúa công thẳng về tội “buôn thần bán thánh” của mình. Trong thực hành, người xin và người làm các dịch vụ thánh như xin Lễ, ban Bí tích, làm phép người hay đồ vật, cầu nguyện cho ai với mục đích lấy tiền, thì đó là tội mại thánh đáng bị lên án trong Giáo Hội.
Phải nói ngay ở đây là tiền bạc hay tặng phẩm vật chất chỉ có giá trị giúp đỡ cho giáo sĩ có chức thánh thi hành nhiệm vụ thánh trong tinh thần “người phục vụ Bàn Thánh thì được hưởng lộc bàn thờ” (1 Cr 9:13) như Thánh Phao lô dạy mà thôi, chứ hoàn toàn không hề có giá trị cứu rỗi hay lợi ích thiêng liêng nào cho ai, nhất là cho các linh hồn nơi luyện tội. Việc cầu nguyện hay xin Lễ cầu cho các linh hồn là việc bác ái thiêng liêng cao quí rất đáng khuyến khích trong Giáo Hội, nhưng đừng ai hiểu lầm rằng hễ bỏ ra nhiều tiền, xin nhiều lễ, thì linh hồn mau được cứu rỗi. Tiền bạc chắn chắn không thể mua ơn Cứu độ và Nước Thiên Đàng, vì nếu có như vậy, thì người ta khỏi cần sống Đạo cho hẳn hoi, cứ việc ăn chơi thỏa thích, rồi tiết kiệm nhiều tiền để khi chết, nhờ người khác xin Lễ cho là xong.
Ngược lại, chúng ta phải hiểu rằng Ơn Cứu Độ được ban trước hết do lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, cộng thêm phần đóng góp của cá nhân vào Ơn Cứu Độ này khi còn sống trên đời. Nhưng nếu không có lòng thương xót và công nghiệp của Chúa Cứu Thế Giêsu thì không ai được cứu rỗi, cho dù người ta có bao nhiêu tiền của và xin bao nhiêu Thánh lễ, nhờ muôn ngàn người cầu nguyện cho.
Ngược lại, nếu chỉ dựa vào công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thôi và không cộng tác chút nào vào công nghiệp này bằng nỗ lực cải thiện đời sống theo tinh thần Phúc Âm và thực hành những giới răn căn bản, thì Chúa không thể cứu ai được, nói chi đến việc nhờ người khác xin Lễ cầu nguyện thay cho mình. Đây là căn bản tín lý và thần học về việc cứu rỗi (salvation).
Nhân đây, tôi phải nói đến một việc rất sai trái, đã và đang được làm ở một vài nơi liên quan đến việc xin Lễ cầu cho các linh hồn. Đó là việc một vài nhà Dòng, Tu Hội địa phương, đã đưa sáng kiến xin “Lễ đời đời” cho các linh hồn và nhận tiền hội viên vào “Hội đời đời”, hay mua “hậu” cho những người còn sống. Tôi quả quyết việc làm này hoàn toàn sai thần học và tín lý Công giáo và mang tính mại thánh rất trầm trọng.
Thật vậy, trước hết, làm sao ta biết một linh hồn bị phạt đời đời mà còn cầu nguyện cho họ? Theo giáo lý của Giáo Hội thì một người chết khi đang mắc tội trọng (mortal sin) không kịp ăn năn thống hối và được tha thứ qua Bí Tích Hòa Giải, thì phải chịu án phạt đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục (hell) (cf GLCG, số. 1033-35). Mặt khác, theo tín điều các Thánh thông công, thì chỉ có sự hiệp thông (communion) giữa các tín hữu còn sống trong Giáo Hội lữ hành trên trần thế, với các linh hồn thánh trong nơi luyện tội và các Thánh trên Thiên đàng.(cf. SGLCG, n. 962). Tuyệt đối không có sự hiệp thông nào với những người bị án phạt đời đời (eternity) trong hỏa ngục.
Vậy xin và làm Lễ đời đời để cầu nguyện cho ai? Các linh hồn thánh (holy souls) chỉ ở trong Luyện tội (Purgatory) có thời hạn, chứ không ở đó vĩnh viễn đời đời, nên không có lý do gì để “cầu đời đời cho các linh hồn nơi chốn thanh luyện cuối cùng này”.
Sau hết, làm sao người nhận tiền “Lễ đời đời” có thể sống mãi trên trần gian này để thi hành lời hứa cầu nguyện đời đời cho các linh hồn ấy? Như vậy, ý niệm cầu nguyện đời đời là hoàn toàn không có căn bản thần học và nền tảng tín lý nào.
Việc gia nhập “Hội Ðời Ðời” hay “Mua Hậu” cho người còn sống, cũng là chuyện dối trá, không có căn bản giáo lý, tín lý nào. Giáo Hội chỉ khuyến khích việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện tội mà thôi, chứ không dạy mua “bảo hiểm đời sau” cho bất cứ ai còn sống, cũng như cầu cho những người trong hỏa ngục vì “họ đã bị xa lìa khỏi Thiên Chúa đời đời” rồi (cf. SGLCG, n.1035).
Đối với những người còn sống trên trần thế, thì chỉ có giới răn của Chúa và giáo lý của Giáo Hội dạy phải biết sống sao cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng Cứu Độ là mến Chúa, yêu người và cộng tác với Ơn thánh để được cứu rỗi, chứ không hề có giáo lý, tín lý, giáo luật nào đòi hỏi hay khuyên nên “khoán trắng” việc rỗi linh hồn của mình cho người khác cầu nguyện thay cho qua cái gọi là “Hội Đời Đời” hay “Mua Hậu” do ai chủ xướng với mục đích buôn thần bán thánh. Tôi quả quyết việc làm này là hoàn toàn sai trái và có tính chất mại thánh nghiêm trọng, để lưu ý những ai, vì không biết, nên đã tham gia vào việc dối trá này, nhất là nhắc cho những ai chủ xướng, hãy chấm dứt ngay dịch vụ mại thánh nghiêm trọng này, vì nó hoàn toàn đi ngược lại với đức tin và giáo lý Công Giáo tinh tuyền.
Cũng trong phạm trù “mại thánh”, không có giáo lý, giáo luật nào cho phép giáo sĩ từ chối ban Bí tích cho ai, vì lý do không ghi tên nhập giáo xứ và đóng góp tiền hỗ trợ giáo xứ. Càng không có giáo lý, giáo luật nào cho phép từ chối cử hành nghi thức an táng nếu người chết hay tang gia không phải là giáo dân có ghi tên nhập giáo xứ và đã sử dụng phong bì dâng cúng tiền (collections envelope) cho nhà thờ. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa Giáo Hội Công giáo và nhiều giáo phái Tin lành. Cụ thể, giáo phái Baptist khai trừ những thành viên nào đã ghi tên gia nhập mà không đóng tiền dâng cúng đều đặn. Dĩ nhiên, họ sẽ không còn trách nhiệm gì đối với các thành viên đã bị khai trừ ra khỏi Cộng đoàn của họ.
Ngược lại, Cha xứ Công giáo không có quyền đe dọa ai không vào giáo xứ, không dùng phong bì dâng cúng tiền, thì không được lãnh nhận bí tích và không được hưởng nghi thức an táng khi chết. Việc ghi tên nhập giáo xứ (registration for membership) chỉ có mục đích mục vụ (pastoral care) mà thôi, chứ không phải là điều kiện để lãnh bí tích, hay được cử hành nghi thức an táng theo giáo luật. Xin nhớ kỹ điều này.
Cũng xin nói rõ thêm là việc xin Lễ cầu nguyện cho các linh hồn được khuyến khích trước hết để nói lên sự hiệp thông giữa các linh hồn nơi luyện tội (Purgatory) và các tín hữu còn sống trong Giáo Hội lữ hành, cũng như với các thánh nam nữ trên Trời, như Tín điều các thánh thông công dạy. Ngoài ra, xin lễ cầu cho kẻ chết cũng nói lên lòng bác ái thiêng liêng giữa người còn sống và kẻ đã qua đời, và chắc chắn việc bác ái này có ích lợi cho các linh hồn nơi luyện tội.
Nhưng tuyệt đối không có vấn đề phải xin lể với bổng lễ to, phải được rao tên trước Cộng đoàn, hay phải kéo nhiều chuông, bật nhiều đèn thì sẽ được hưởng ơn ích thiêng liêng nhiều hơn là một thánh lễ làm âm thầm, không bỗng lễ, không rao, không chuông, đèn nến. Nói khác đi, xin một Thánh lễ với bổng lễ 5 dollars hay 50,000 dollars để cầu cho ai, hay cho việc gì, thì chỉ có giá trị về mặt trợ giúp vật chất cho Thừa tác viên cử hành, chứ không có giá trị thiêng liêng nào cho người thụ hưởng lợi ích của Thánh lễ đó. Ơn thánh Chúa ban cho người thụ hưởng nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội, là nhưng không (gratuitous), nghĩa là không lệ thuộc vào bổng lễ ít nhiều của người xin.
Như vậy, đừng ai bao giờ nghĩ rằng xin lể hay xin cầu nguyện với bổng lễ to thì có hiệu lực thiêng liêng nhiều hơn bổng lễ nhỏ hay không có bổng lễ. Nếu xin với ý này thì đó là “muốn dùng tiền của để mua ơn thánh”, để mua Nước Trời, và như vậy là mắc tội “mại thánh” về phía người xin. Ngược lại, về phía người làm (thừa tác viên), nếu gián tiếp hay trực tiếp gây cho giáo dân ngộ nhận rằng xin lễ xin cầu nguyện với bổng lễ to, sẽ được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn bổng lễ nhỏ, thì cũng phạm tội mại thánh cách chắc chắn. Việc có rao tên, có kéo chuông, và đốt nhiều đèn nến, không có giá trị thiêng liêng nào trước mặt Chúa, mà chỉ có tác dụng phô trương trước mặt người đời mà thôi.
Cũng xin nói rõ là theo Lễ Qui phụng vụ của Giáo Hội, thì có ba bậc cử hành sau đây:
1- Lễ Trọng (solemnity): dành cho những dịp đặc biệt như Lễ Chúa Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Chúa Ba Ngôi,…Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, Lễ Thánh Giuse 19/3, Lể Kính hai Thánh Phêrô-Phaolô, Thánh Gioan Tẩy Giả (24/6),…
Lễ Trọng có 3 bài đọc, có Kinh Tiền Tụng (Preface) riêng và phải đọc kinh Sáng Danh (Gloria), Kinh Tin Kinh (Creed).
2- Lễ Kính (Feast): dành để kính các Thánh quanh năm và một số dịp đặc biệt như kỷ niệm cung hiến Thánh Đường v. v.…
Lễ kính chỉ có bài đọc một và bài Phúc âm, đọc Kinh Sáng danh, nhưng không đọc kinh Tin kính.
3- Lễ nhớ (memorial): trong mọi dịp ngoài hai trường hợp nói trên. Lể nhớ không phải đọc kinh Sáng Danh và kinh Tin Kính, và chỉ có 2 bài đọc.
Sự phân chia này chỉ nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng hay đặc biệt của mỗi dịp cử hành, chứ không nói lên giá trị khác biệt về phụng tự vì mọi Thánh Lễ đều là Hy Tế của chính Chúa Giêsu và là hành động tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa Cha mà Giáo Hội nhờ Chúa Giêsu dâng lên Ngài qua việc cử hành Thánh Lể. Do đó, mọi Thánh Lễ đều có giá trị tuyệt đối và không thể đo lường được bằng tiền bạc.
Ngoài ba trường hợp đặc biệt nêu trên, mọi lễ cầu nguyện theo ý người xin đều có chung một bậc là lễ nhớ, chứ không hề có bậc nhất, bậc nhì, bậc ba với giá tiền khác nhau như đã có sự lạm dụng ở nhiều nơi từ xưa đến nay. Việc tự ý phân chia bậc trong lễ cầu cho các linh hồn, kèm thêm nhửng thủ tục như rao tên người xin lể, kéo chuông trước sau Lễ, đốt thêm đèn nến trong nhà thờ, chỉ là hình thức bề ngoài, không có giá trị thiêng liêng nào. Tệ hại hơn nữa, là nếu tạo ra những hình thức này để lấy thêm tiền và gây nhộ nhận về giá trị thiêng liêng, thì đó chắc chắn là việc làm có nội dung mại thánh cần phải tránh.
Tóm lại, Thừa tác viên không bao giờ được phép cử hành thánh lễ hay ban một bí tích nào để lấy tiền cả. Giáo dân cũng không được dùng tiền của để mua ơn thánh. Do đó, phải lên án và xa tránh mọi việc “buôn thần bán thánh”, tức tội simonia trong việc cử hành các Bí Tích và mọi dịch vụ thánh khác trong Giáo Hội.
Việc dâng cúng tiền bạc hay tặng vật của giáo dân cho các giáo sĩ thi hành quyền thánh (sacra potestas), phải là hành động tự nguyện (voluntary) do lòng biết ơn và hảo tâm, chứ không phải là việc bắt buộc, một sự đổi chác có tính thương mại. Ai làm với mục đích này thì rõ rệt đã mắc tội mại thánh (simonia).
Là Dân Chúa trong Giáo Hội, và với thiện chí xây dựng cho Giáo Hội ngày thêm tinh tuyền, thánh thiện, để phúc âm hóa hữu hiệu người khác, chúng ta cần lưu ý điều này để tránh gương xấu có hại cho uy tín của Giáo Hội, của hàng giáo sĩ thừa tác đang xả thân phục vụ cho giáo dân ở trong nước cũng như hải ngoại. Chắc chắn đây chỉ là gương xấu rất hạn chế, chứ không phổ biến trong Giáo Hội, vì đại đa số giáo sĩ ở khắp mọi nơi đều ý thức rõ gương xấu này và không hề dung túng hay lạm dụng trong khi thi hành sứ vụ thánh của mình.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét