Câu hỏi này là một phần của phần hỏi đáp đặc biệt với Đức Giám Mục Rôma khi nói đến nhiều chủ đề khác nhau – từ mối liên hệ giữa lòng tham và chiến tranh, đến các tranh cãi với anh chị em trong nhà, và rồi vai trò của tôn giáo trong việc cổ võ hoà bình trên thế giới.
“Tôn giáo giúp chúng ta bởi vì nó làm cho chúng ta bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng nói: “nó giúp chúng ta bởi vì nó mang lại cho chúng ta những Giới Răn, Tám Mối Phúc”.
Trên hết tất cả, tôn giáo giúp chúng ta học “cách yêu thương người thân cận của chúng ta” – và đây là một giới răn mà tất cả mọi tôn giáo đều có, Ngài nói.
Chính “tình yêu dành cho người thân cận này” là điều giúp cho mọi người kiến tạo hoà bình, và “tiến bước trong hoà bình”.
Đức Giáo Hoàng đưa ra những nhậ định này vào ngày 11/05 trong suốt cuộc gặp gỡ với 7,000 cháu thiếu nhi tại Hội Trường Phaolô VI. Cuộc gặp gỡ được tài trợ bởi Fabbrica della Pace – The Peace Factory – một sáng kiến dùng giáo dục để cổ võ sự hỗ tương, hiểu biết đa văn hoá và đa chủng tộc.
Trong những phần nhắn nhủ có chuẩn bị trước, Đức Giáo Hoàng khen tổ chức Peace Factory vì công việc của tổ chức này trong việc kiến tạo “một xã hội không có thành kiến và bạo lực, mà trong đó mọi trẻ em và người trẻ đều được đón nhận và phát triển trong yêu thương”.
Nói rằng cần nhiều hơn nữa những tổ chức “Peace Factory”, Đức Giáo Hoàng than phiền về nhiều “nhà máy chiến tranh – war factory” đang hiện hữu.
“Chiến tranh là hoa trái của hận thù, của sự ích kỷ, của lòng khao khát sở hữu nhiều hơn nữa, và thống trị người khác”.
Trái lại, các thành viên của tổ chức Peace Factory cam kết sẽ “bảo vệ nền văn hoá bao hàm, hoà giải và gặp gỡ”.
Trong suốt phần hỏi đáp, Đức Giáo Hoàng chạm đến nhiều chủ đề khác nhau, từ vấn đề cá nhân đến vấn đề toàn cầu.
Một bé gái hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có tranh cãi với gia đình của Ngài giống như bé tranh cãi với em mình không: Ngài trả lời là tất cả chúng ta đều tranh luận, nhưng nói rằng chúng ta không bao giờ được phép kết thúc một ngày mà không làm hoà.
Một bé khác hỏi: “Nếu có một người không muốn làm hoà với Cha, thì Cha sẽ làm gì?”
Đức Giáo Hoàng trả lời bằng cách nói rằng Ngài sẽ tôn trọng tự do của người ấy, không bao giờ tìm cách trả thù người ấy nữa. Trong việc nuôi dưỡng hoà bình, Ngài nói: “tôn trọng người khác luôn luôn, luôn luôn là việc ưu tiên hàng đầu”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói về hoà bình trong những bối cảnh nghiêm túc, chạm đến những chủ đề như lòng tham ở các quốc gia bị xé nát bởi chiến tranh và mâu thuẫn.
“Tại sao nhiều người lại không muốn hoà bình?” Đức Giáo Hoàng hỏi, trả lời cho một câu hỏi được một bé người Ai Cập đặt ra cho lý do vì sao những thế lực mạnh mẽ lại không trợ giúp các trường học. “Bởi vì họ sống nhờ chiến tranh!”
Những người như vậy kiếm lợi từ việc bán vũ khí – là điều mà Ngài mô tả như là “ngành công nghiệp của sự chết” – và công khai khước từ sự dữ được mang lại bởi lòng tham có nhiều tiền hơn nữa.
“Và đó là lý do vì sao mà nhiều người không muốn hoà bình”, Ngài nói: “Họ kiếm lợi nhiều hơn từ chiến tranh!”
Rồi Đức Giáo Hoàng chạm đến chủ để bình đẳng, đã được hỏi liệu mọi người ngày nay có bình đẳng hay không.
“Tất cả chúng ta đều bình đẳng – mọi người!” Ngài nói, nhưng có những người không muốn nhìn nhận sự bình đẳng này, và rằng tất cả chúng ta đều có những quyền lợi như nhau. Một xã hội mà không nhận ra điều này, Ngài nói, “xã hội ấy không công bằng...và nơi nào không có công lý, thì nơi đó không có hoà bình”.
Joseph C. Pham (Theo CNA)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét