Thứ bẩy 16-8-2014 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến hành được một nửa. Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính, ban sáng sau khi đến kính viếng các vị tử đạo Đại Hàn tại Đền thánh Seo-So-Mun, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ đồng tế phong chân phước cho linh mục Phaolô Yun-Ji-Chung và 123 bạn tử đạo.
Ban chiều ngài đã thăm trung tâm phục hồi người tàn tật Kkottongnae, rồi chủ sự buổi hát kinh chiều gần Trường Tình Thương với 5.000 tu sĩ nam nữ, và gặp gỡ các giáo dân lãnh đạo tổ chức tông đồ giáo dân Nam Hàn tại trung tam tu đức Kkottongnae.
Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha.
Lúc 8 giờ 45 Đức Thánh Cha rời tòa Sứ Thần đi xe tới viếng đền các vị tử dạo Seo-So-Mun nằm cách đó 4 cây số. Đậy là nơi 103 tín hữu công giáo đã bị hành quyết và đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày mùng 6 tháng 5 năm 1984. Con đường đi từ quảng trường Gwanghwamun tới Seo-So-Mun được mệnh danh là ”tử lộ”, con đường của sự chết hay ”tử đạo”, và gắn liền hai lễ tôn phong với nhau.
Đền thánh các vị đạo là nơi chôn cất 44 vị tử đạo, gồm ba cây cột bằng nham thạch, cột chính giữa cao 15 thước, hai cột hai bên cao 13 thước. Đền kỷ niệm tọa lạc gần nhà thờ Yakhyeon, là ngôi nhà thờ công giáo đầu tiên của Đại Hàn xây năm 1892.
Có hai bạn trẻ đã giúp Đức Thánh Cha đặt vòng hoa tôn kính các Thánh Tử Đạo và ngài đã thinh lặng cầu nguyện một lúc.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã lên Papamobil để tới quảng trường Gwanghwamun cách đó 2 cây số. Đây là quảng trường rộng nối liền cửa Hoàng Cung với quảng trường Tòa Thị Sảnh, biểu tượng cho lịch sử Hàn quốc, và là nơi diễn ra các lễ nghi quan trọng.
Cửa GwangHwaMun được xây năm 1395 như là cửa chính của hoàng cung Gyeongbokgung, là Dinh vua trong triều đại Joseon. Năm 1592 trong cuộc xâm lăng của Nhật Bản nó đã bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn và để hoang tàn trong hơn 250 năm cho tới khi được tái thiết năm 1867 cùng với hoàng cung dưới triều đại hoàng đế Gojong. Chiến tranh Triều Tiên đã phá hủy hoàn toàn cấu trúc bằng gỗ, chỉ còn trơ đế bằng đá bị bỏ hoang. Cấu trúc bằng gỗ được xây lại bằng xi măng cho tới năm 2006.
Xe đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng để ngài chào 1 triệu tín hữu đến tham dự thánh lễ, vượt ngoài mọi chờ mong của ban tổ chức. Thánh lễ tôn phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn quốc đã được cừ hành bằng tiếng Latinh và tiếng Đại Hàn. Đức Thánh Cha đã giảng bằng tiếng Ý được dịch sang tiếng Đại Hàn.
Đây là lần thứ ba Giáo Hội Đại Hàn cử hành lễ phong chân phước cho một số các con cái chết vì đạo Chúa. Lần thứ nhất ngày mùng 5 tháng 7 năm 1925 đã có 79 vị tử đạo, bị giết trong các năm 1839-1846 được phong chân phước. Lần thứ hai ngày 29 tháng 2 năm 1968, đã có 24 vị chết trong cuộc bách hại năm 1866 được phong chân phước. Ngoài ra, cũng đang có án phong chân phước và phong thánh cho cho một số vị tử đạo khác nữa, trong đó có vị linh mục thứ hai của Đại Hàn là cha Tôma Choe Yang-Cop và Đức Cha Phanxicô Borgia Hong Yong-Ho.
Đức Cha Phanxicô Xaviê Ahn Myong-Ok Chủ tịch Ủy ban xin phong chân phước và vị thỉnh nguyện viên đã tới trước mặt Đức Thánh Cha xin ngài phong chân phước cho các vị tử đạo, rồi vị thỉnh nguyên viên đọc tiểu sử của các vị Tôi Tớ Chúa. Tiếp đến Đức Thánh Cha đọc công thức tuyên phong Chân Phước cho các vị. Đức Hồng Y Yeum Soo-Jung, Tổng Giám Mục Seoul đã cám ơn Đức Thánh Cha và nêu bật vai trò của các vị tử đạo đối với Giáo Hội Hàn quốc: 103 Thánh và 124 Chân Phước.
Quảng trường này đã là nơi các vị chết vì đức tin. Nhưng chính cái chết đó đã khiến cho Giáo Hội Đại Hàn lớn lên. Và Giáo Hội đã chứng minh cho xã hội thấy gương sáng của Giáo Hội bằng việc thăng tiến công lý và các quyền con người. Thánh lễ phong Chân phước hôm nay là một dịp để Giáo Hội tiếp tục theo đuổi sự hài hòa và hiệp nhất, không chỉ giữa các tín hữu công giáo mà cả toàn dân Đại Hàn và mọi dân tộc Á châu nữa, qua tình huynh đệ đại đồng. Nó cũng là dịp thăng tiến truyền giáo và theo đuổi lý tưởng là một Giáo Hội phục vụ người nghèo, người bị áp bức và gạt bỏ ngoài lề xã hội, bằng cách loan báo Tin Mừng cho họ.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã nêu bật sự kiện các vị tử đạo Hàn quốc đã sống và chết vì Chúa Kitô, nên giờ đây được cùng hiển trị với Người trong niềm vui và vinh quang, bởi vì trong cái chết và sự sống lại của Con của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chiến thắng vĩ đại nhất. Thật thế, ”Cho dù là sự chết hay sự sống, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Lễ tôn phong cha Phaolô và các bạn tử đạo cống hiến cho chúng ta dịp trở lại các thời ban đầu của lịch sử Giáo Hội Hàn quốc. Nó mời gọi tín hữu công giáo Đại Hàn nhớ lại những điều trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện trên phần đất này và giữ gìn gia tài đức tin đo cha ông họ để lại như kho tàng cho cuộc sống xã hội. Tin Mừng đã đến Hàn quốc không do các thừa sai, mà là do chính các giáo dân trí thức tò mò đã rộng mở tâm trí cho Tin Mừng và dẫn họ đến chỗ gặp gỡ chính Chúa, các bí tích đầu tiên và ước muốn một cuộc sống bí tích và giáo hội cũng như các dấn thân truyền giáo đầu tiên. Nó đã đem lại các hoa trái trong các cộng đoàn sống theo mẫu gương của Giáo Hội thời khai sinh, đồng tâm nhất trí, không chú ý tới các khác biệt xã hội. Lịch sử này nói với chúng ta về tầm quan trọng, phẩm giá và vẻ dẹp ơn gọi của giáo dân. Tôi đặc biệt chào anh chị em giáo dân hiện diện, đặc biệt là các gia đình kitô, hằng ngày dấn thân giáo dục người trẻ sống đức tin và tình yêu thương hòa giải của Chúa Giêsu.
Phúc Âm hôm nay nhắn gửi chúng ta tất cả một sứ điệp. Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha thánh hiến chúng ta trong sự thật, và giữ gìn chúng ta khỏi thế gian. Ngài không xin Chúa Cha cất chúng ta ra khỏi trần gian. Nhưng Ngài sai các môn đệ ra đi làm muối đất và ánh sáng thế gian. Các vị tử đạo chỉ đường cho chúng ta. Khi theo Chúa, họ đã biết lời Chúa cảnh báo rằng họ sẽ bị thế giới thù ghét vì Ngài. Họ biết giá phải trả.
Đối với nhiều người điều này có nghĩa là sự bắt bớ và sau này, trốn chạy lên núi, nơi họ thành lập các làng công giáo. Họ sẵn sàng chịu các hy sinh lớn lao và để cho mình bị tước bỏ mọi sự có thể làm cho họ xa rời Chúa Kitô: của cải và đất đai, uy thế và danh dự, bởi vì họ biết rằng Chúa Kitô là kho tàng đích thật của họ. Ngày nay, rất thường khi chúng ta cũng sống kinh nghiệm đức tin bị thử thách, và trong rất nhiều cách thế người ta xin chúng ta chấp nhận các giàn xếp về lòng tin, làm tan loãng các đòi buộc của Tin Mừng, và thích nghi với tinh thần thế gian. Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta phải để Chúa Kitô trên tất cả mọi sự, và nhìn tất cả mọi sự còn lại trong tương quan với Người. Các vị tử đạo khiêu khích chúng ta tự vấn xem chúng ta có sẵn sàng chết vì điều gì không.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: gương các vị tử đạo đậy cho chúng ta biết tầm quan trọng của tình bác ái trong cuộc sống đức tin. Chính chứng tá trong sáng của họ đối với Chúa Kitô được thể hiện ra trong việc chấp nhận phẩm giá như nhau của tất cả mọi người được rửa tội, dẫn họ tới một hình thức sống huynh đệ thách đố các cơ cấu xã hội cứng nhắc thời đó. Sự khưởc từ phân rẽ giới răn tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân khiến cho họ dấn thân lo lắng cho nhu cầu của các anh chị em khác. Áp dụng vào hiện tình thế giới Đức Thánh Cha nói:
Gương sống của họ có nhiều điều để nói với chúng ta, là những người sống trong xã hội, nơi bên cạnh các giầu có vô biên, gia tăng trong thinh lặng sự nghèo hèn; nơi ít khi tiếng kêu của người nghèo được lắng nghe; và nơi Chúa Kitô tiếp tục mời gọi, xin chúng ta yêu Người và phục vụ Người, bằng cách giơ tay ra trợ giúp các anh chị em nghèo túng... Buổi lễ hôm nay cũng ôm trọn biết bao nhiêu vị tử đạo vô danh, trong đất nước này và trên thế giới, là những người, đặc biệt trong thế kỷ vừa qua, đã hiến mạng sống vì Chúa Kitô và đã chịu các cuộc bách hại vì danh Người.
Gia tài của các vị tử đạo có thể gợi hứng cho tất cả mọi người thiện chí hoạt động trong hòa hợp cho một xã hội công bắng hơn, tự do và hòa giải và như thế cộng tác vào nền hòa bình và việc bảo vệ các giá trị nhân bản đích thực của quốc gia này và trên toàn thế giới. Ước chi các lời cầu của tất cả các vị tử đạo Hàn quốc, hiệp nhất với các lời bầu cử của Đức Bà là Mẹ Giáo Hội, ban cho chúng ta ơn kiên trì trong đức tin và mọi việc lành, trong sự thánh thiện và trong sạch của con tim, và trong lòng hăng say tông đồ làm chứng cho Chúa Giêsu trong quốc gia thân yêu này, và trong toàn Á châu cho tới tận cùng bờ cõi trái đất.
Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi trong bầu khi rất hân hoan. Đức Thánh Cha đã đi xe về Tòa Sứ Thần dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt ban chiều.
Lúc 15.30 Đức Thánh Cha lấy trực thăng đi Khottongnae cách đó 90 cây số trong giáo phận Cheongju, miền trung Nam Hàn. Kkhottongnae có nghĩa là ”Đồi hoa” do linh mục Gioan Oh Woong-Jun, thuộc cộng đoàn Canh tân Đặc Sủng Thánh Linh, thành lập. Trung tâm chiếm cả một ngọn đồi gồm nhà ở, nhà thương, một đại học và các trung tâm phục hồi cho người tàn tật, người nghèo, người vô gia cư, đau yếu bị bỏ rơi thuộc mọi lứa tuỗi.
Giáo phận Cheongiu có hơn 155.000 tín hữu chiếm 11% dân số, gồm 76 giáo xứ 142 linh mục giáo phận, 12 linh mục dòng, 91 tu huynh, 515 nữ tu, 20 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 26 cơ quan giáo dục và 70 cơ sở bác ái xã hội.
Đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng có cha Gioan Oh Woong-Jun, người thành lập Đồi Hoa và Đức Cha Gabirel Chang Nong-Hun cùng vài giới chức chính qpuyền địa phương. Đức Thánh Cha đã đi xe về ”Nhà hy vọng” cách đó 1 cây số. Hai bên đường có rất đông tín hữu vẫy khăn trắng chào đón Đức Thánh Cha.
Bên trong hội trường Nhà Hy vọng có khoảng 150 người tàn tật, đa số là trẻ em ngồi trên xe lăn, có một em nằn trên giường. Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha, Đức Cha Gabriel, Giám Mục sở tại, đã nêu bật sự kiện ngay từ khi được thành lập giáo phận Cheongiu đã có nhiều sinh hoạt trợ giúp người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, các cơ sở giáo dục cho trẻ em tàn tật như ”Trường Đức Bà” cho trẻ em mù, ”Trường Thánh Tâm” cho trẻ em câm điếc; trường ”Chúa Thánh Thần” cho trẻ em bị chấn thương cảm xúc. Năm 2001 các tu sĩ Kkottongae đã khánh thành trường cho trẻ em bị bỏ rơi và con của các thiếu nữ làm mẹ không được ai nhận vì tàn tật. Các em bị bỏ rơi hai lần, bởi cha mẹ vì chúng tàn tật, rồi bởi vì không có ai nhận nuôi.
Đức Thánh Cha đã hôn, vuốt ve, an ủi từng em một và bắt tay hỏi chuyện các nữ tu và các nhân viên săn sóc các em. Các trẻ em đã trình diễn vài màn vũ, rồi các em tặng Đức Thánh Cha các thủ công nghệ do chính các em làm.
Lúc 17 giờ Đức Thánh Cha đã đi xe tới Trung tâm ”Trường tình thương” càch đó 1,5 cây số để gặp gỡ các tu sĩ nam nữ. Khi đi qua ”Vườn các thai nhi bị phá”, ngài đã đừng lại thinh lặng cầu nguyện. Cũng có sự hiện diện của các thành viên phong trào bảo vệ sự sống và tu huynh thừa sai Lee Gu-Won, cụt chân cụt tay.
Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha linh mục chủ tịch Hiệp Hội các dòng Nam nêu bật các khó khăn của cuộc sống tu trì trong xã hội tục hóa ngày nay. Tuy biết mình phải tìm thiện ích của thế giới và Giáo Hội với các đặc sủng là ơn của Chúa Thanh Thần, nhưng các tu sĩ có nguy cơ yêu mình hơn yêu cộng đoàn, và để bị lôi kéo bởi chủ thuyết tiêu thụ, hơn là tinh thần tiết độ và chia sẻ. Tu sĩ có nguy cơ khiến cho căn tính và các đặc sủng bị lu mờ bởi tinh thần thế tục.
Nữ tu Chủ tịch Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nữ thì nhấn mạnh trên sự kiện Giáo Hội Đại Hàn đã lớn lên nhờ máu và tinh thần tu đức của các vị tử đạo. Nhưng xã hội đại hàn đau khổ vì hiện tượng toàn cầu hóa với sự thống trị của chủ thuyết tư bản, tân tư bản và duy đời. Và Giáo Hội cũng bị ảnh hưởng và liên lụy. Từ khắp nơi đều vang lên tiếng kêu cứu Giáo Hội trợ giúp. Vai trò của các nam nữ tu sĩ hiện diện tại những nơi có nước mắt và người yếu đuối cần trợ giúp.
Ngỏ lời với các tu sĩ nam nữ Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự phong phú của các đặc sủng làm giầu cho cuộc sống Giáo Hội. Xác tín đươc Chúa yêu là trọng tâm của ơn gọi: là dấu chỉ sờ mó đựơc sự hiện diện của Nước Chúa. Đức Thánh Cha nói với các tu sĩ như sau:
Chỉ khi chứng tá của chúng ta tươi vui, thì mới có thể lôi kéo các người nam nữ tới với Chúa Kitô; và niềm vui đó là một ơn đươc nuôi dưỡng bằng một đời cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa , cử hành các Bí tích và sống đời cộng đoàn... Không thể tránh được các xung khắc, các hiểu lầm cần đương đầu, nhưng mặc dù có các khó khăn, chúng ta được kêu gọi lớn lên trong lòng thương xót, sự kiên nhẫn và tình bác ái trọn vẹn. Kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa, được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện và cuộc sống cộng đoàn, phải nhào nặn tất cả những gì anh chị em là và những gì anh chị em làm... Không có lối tắt đâu: Thiên Chúa muốn con tim của chúng ta một cách tron vẹn, và điều này có nghĩa là chúng ta phải ”tháo gỡ chính mình”, ”ra khỏi chính mình” ngày càng nhiều hơn.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh một hình thức nghèo khó, được diễn tả ra một cách cụ thể trong kiểu sống cá nhân và cộng đoàn, đặc biệt cần tránh mọi sự có thể làm cho tu sĩ lo ra và gây gương mù gương xấu cho người khác. Trong đời tu sự khó nghèo là ”bức tường” che chở và là ”mẹ”, vì nó giúp tu sĩ lớn lên và hướng dẫn tu sĩ bước đi trên con đường đúng đắn. Sự giả hình của những người sống đời thánh hiến tuyên khấn nghèo khó mà lại sống giầu sang, đả thương và làm hại Giáo Hội. Nguy hiểm là cám dỗ sống theo tâm thức hoàn toàn trần tục và duy lợi, khiến chúng ta chỉ đặt để hy vọng nơi các phương tiện của con người và phá hủy chứng tá nghèo khó mà Chúa Giêsu Kitô đã sống và dậy chúng ta sống.
Các tu sĩ đã tặng Đức Thánh Cha một bó hoa thiêng liêng gồm hơn 3 triệu 700 ngàn tràng chuỗi Mân Côi đã lần, hơn 118.400 hy sinh hãm mình, và một số tiền đã quyên mỗi tuần trong nhiều tháng qua để Đức Thánh Cha giúp người nghèo.
Sau khi Đức Thánh Cha ban phép lành, các tu sĩ đã nắm tay nhau đồng ca bài dân ca Đại Hàn ”Arirăng”
Từ giã mọi người Đức Thánh Cha lên xe tới Trung tâm tu đức cách đó 2 cây số để gặp gỡ đại diện các phong trào giáo dân hoạt động trong 16 giáo phận toàn Nam Hàn.
Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha ông chủ tịch Hiệp hội giáo dân công giáo Hàn quốc đã nêu bật sự kiện Giáo Hội Hàn quốc là Giáo hội duy nhất do vài giáo dân khai sinh, không có sự trợ giúp của các thừa sai. Họ đã đi bộ cả ngàn cây số nhiều lần sang Bắc Kinh để xin các linh mục.
Ông nói: trong các hoạt động chúng con đi tới với người nghèo, người đau yếu, nạn nhân của các bất công không đựơc ai trợ giúp. Các vùng ngoại biên của giáo dân Hàn quốc cũng là các anh chị em đã xa rời Giáo Hôi, mất hy vọng và mất hướng đi. Và chúng con cũng nghĩ tới một trong các vùng ngoại biên khác là đi đến với các anh chi em sống tại Bắc Hàn, bên kia biên giới, nơi họ bị bách hai và chờ đợi bàn tay của chúng con. Nhưng một trong các vùng ngoại biên khác nữa của chúng con cũng là các dân tộc Á châu chưa biết Chúa.
Ngỏ lời với 150 lãnh đạo các hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha nói: Giáo Hội Đại Hàn thừa kế đức tin của các thế hệ giáo dân đã kiên trì trong tình yêu đối với Chúa Kitô và trong sự hiệp thông với Giáo Hội, mặc dù có ít linh mục và bị đe dọa bởi các cuộc bách hại. Gương của 124 tân Chân phước chứng minh cho điều đó... Ngày nay cũng như luôn mãi Giáo Hội cần một chứng tá đáng tin cậy của giáo dân cho sự thật cứu độ của Tin Mừng, cho sự phong phú trong việc xây dựng gia đình nhân loại trong hiệp nhất, công lý và hòa bình. Giáo Hội có một sứ mệnh duy nhất, và mọi tín hữu được rửa tội đều có vai trò sinh tử trong sứ mệnh đó. Công tác tông đồ có thể khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm thăng tiến sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách bảo đảm cho trật tự trần thế được thấm nhuần và hoàn thiện bới Thần Khí của Chúa Kitô hầu chuẩn bị cho Nước Chúa.
Đức Thánh Cha đặc biệt ca ngợi hoạt động của nhiều hiệp hội giáo dân trợ giúp người nghèo và ngừơi túng thiếu trong các vùng ngoại biên của xã hội, thể hiện sự hiệp nhất ”không còn do thái hay hy lạp”. Tuy nhiên, trợ giúp người nghèo thôi không đủ. Ngài xin giáo dân Hàn quốc gia tăng nỗ lực để thăng tiến nhân bản làm sao để mọi người biết tới niềm vui phát xuất từ phẩm giá có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình.
Đức Thánh Cha thừa nhận phần đóng góp qúy báu của các phụ nữ công giáo Đại Hàn cho cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội, như mẹ gia đình, giáo lý viên, và bà giáo trong nhiều cách thức khác nhau. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng tá gia đình kitô. Trong thời đại khủng hoảng gia đình các cộng đoàn kitô đươc mời gọi nâng đỡ các cặp vợ chồng và các gia đình trong việc chu toàn sứ mệnh của chúng trong Giáo Hội và xã hội. Gia đình là sự hiệp nhất nền tảng của xã hội, và là trường học đầu tiên, trong đó trẻ em học các giá trị nhân bản, tinh thần và luân lý, khiến cho chúng có khả năng là các ngọn đèn pha của lòng tốt, sự toàn vẹn và công bắng trong các cộng đoàn... Vì thế cần phải có sự đào tạo thường hằng đầy đủ hơn cho anh chị em giáo dân, qua một chương trình giáo lý và linh hướng hường xuyên, trong hoạt động hòa hợp với các chủ chăn và dùng các trực giác, tài năng và đặc sủng của họ để phục vụ sự lớn mạnh của Giáo Hội, trong sự hiệp nhất và với tinh thần truyền giáo.
Từ giã các anh chị em lãnh đạo các phong trào và hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha ra đi xe tới bãi đậu trực thăng tại KKhottongnae cách đó 2 cây số đề bay về thủ đô Seoul, rồi đi xe về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 7 cây số, kết thúc tốt đẹp ngày thứ 3 trong chuyến công du Nam Hàn.
Chúa Nhật 17-8-2014 lúc 11 giờ Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục Á châu tai dền thánh Haemi, và vào lúc 4 giờ rưỡi chiều ngài sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc Ngày Giới Trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 tai quảng trường lâu đài Haemi.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 16.08.2014)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét