Một linh mục chống cảnh thờ ơ đối với người nghèo ở Hàn Quốc
Các nhóm phản đối tổ chức một loạt các cuộc biểu tình sau thảm họa chìm phà hôm 16-4, làm hơn 300 người thiệt mạng. Vào các ngày cuối tuần, các tình nguyện viên còn tập trung tại các khu nhộn nhịp nhất trong thủ đô Hàn Quốc quyên góp lương thực cho các gia đình bị ảnh hưởng thảm họa này.
Trong một lần như thế hồi tuần trước, một người vô gia cư đến gần một nhóm người biểu tình trong quận Hongdae của Seoul. Ông ngồi xuống đất, tay cầm một cây nến đang cháy, có lẽ hy vọng những người qua đường có thể dành cho ông một vài đồng từ số tiền họ quyên góp cho các nạn nhân vụ chìm phà.
Người vô gia cư ở Seoul thường tập trung gần nhà ga chính của thủ đô, nhưng đa số người ta ít chú ý đến họ, trừ trường hợp đặc biệt.
Ở ngoại ô thủ đô, linh mục John Oh Woong-jin thành lập cộng đồng vô gia cư năm 1976 lấy tên là Kkottongnae, sau lần tình cờ gặp gỡ một người vô gia cư.
10 năm sau, cộng đồng này trở thành một cộng đoàn sau khi được Vatican chính thức công nhận và lấy tên là Anh Chị em Chúa Giêsu Kkottongnae.
Cha Oh sang Rôma thăm Đức Thánh cha Phanxicô năm ngoái, và Đức Thánh cha sẽ sang thăm ngài trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc từ ngày 14-18/8.
“Ngài tiếp chúng tôi trong 40 phút”, cha James, bề trên cộng đoàn nói về cuộc biệt kiến với Đức Thánh cha Phanxicô. “Gấp đôi số thời gian ngài dành tiếp tổng thống Israel”.
Cộng đoàn cử tình nguyện viên đến ga xe lửa chính mỗi tối thứ Ba, tập trung những người vô gia cư, bệnh nhân và khuyết tật trên phố lại rồi đưa họ về trung tâm Kkottongnae để cho họ ăn và chỗ ở.
Nhiều người trong số những người nghèo nhất này bị nghiện rượu và cần được cai nghiện. Kkottongnae có chỗ ở cho hơn 200 người tại trung tâm, cách Seoul khoảng 1 giờ rưỡi.
“Sự hiện đại hóa tăng nhanh. Để theo kịp, chúng ta cần liên tục thích ứng, và không phải ai cũng có thể làm được”, cha James nói.
Trong xã hội truyền thống Hàn Quốc, tổ chức xã hội tồn tại trong nhiều hình thức khác nhau – quê hương, gia đình, tôn giáo – tạo nên căn tính của một cá thể. Nó còn được xem như là một mạng lưới xã hội an toàn.
Trong xã hội hiện đại, người ta thiết lập các mối quan hệ xã hội riêng và tạo ra các đặc tính độc lập. ‘Thời đại chủ nghĩa cá nhân’ này tiếp cận linh hoạt hơn, nhưng cũng mỏng manh hơn.
“Tự làm chủ cuộc sống của mình một cách độc lập không phải ai cũng làm được, và trong cuộc đấu tranh hằng ngày này nhiều người cuối cùng đã bị cơ chế cạnh tranh của xã hội hiện đại loại bỏ. Không có các mạng lưới an toàn bảo vệ họ, và từng ngày họ nhận thấy mình cô đơn và bị bỏ rơi”, cha James nói.
Sự phân hóa chủ yếu trong xã hội ngày nay không phải giữa giàu và nghèo nhưng là giữa những người có thể trông mong vào sự hỗ trợ của gia đình và xã hội trong những lúc gặp nghịch cảnh, và những người bị gia đình và xã hội bỏ rơi.
Ta có thể nhìn thấy những người bị bỏ rơi ăn xin trên phố hay ngủ ở những nơi được triết gia Marc Augé gọi là “không phải là nhà” chẳng hạn như nhà ga và trạm xe buýt.
Ở những nơi đó, họ chỉ có chỗ để nghỉ ngơi. Tuổi thọ của họ chỉ khoảng 45 tuổi. Trái lại, tuổi thọ ở Cộng hòa Trung Phi, hiện nay đầy cảnh đổ máu và bạo lực giáo phái, là 48,5 tuổi.
Qua thảm họa chìm phà này, cần hỏi chúng ta định nghĩa thảm kịch như thế nào.
“Sự bất hạnh của phà Sewol, bên ngoài bờ biển tây nam của bán đảo Triều Tiên, xảy ra trong một vùng cách xa nhiều người trong chúng ta về mặt địa lý, nhưng gần về lương tâm”, cha James nói.
“Truyền hình và báo chí nói về vụ này liên tục tại Hàn Quốc, và cái chết của hàng trăm người trẻ làm tất cả chúng ta cảm động”, ngài nói.
“Nhưng những người vô gia cư trên phố ở gần chúng ta, thế nhưng lương tâm của chúng ta thậm chí không hề cảm động. Chúng ta quen nghĩ những người này, gần như chết, bị bỏ mặc chết dần chết mòn trong số phận không thể tránh được của họ”.
Đứng giữa những người bất hạnh này và số phận đó là các tình nguyện viên của Kkottongnae. Nếu được chăm sóc, phục hồi và đặt trong một môi trường tốt, những người vốn chưa từng hiện hữu trong cảnh đô thị sẽ trở lại cuộc sống.
Họ cai được rượu và trở lại làm việc, tìm lại được lòng tự trọng và tự tin nơi khả năng của mình. Nếu được tạo điều kiện phát triển, họ sẽ phát triển. Tất nhiên không phải tất cả, nhưng một số người chắc chắn có thể hòa nhập xã hội. Họ có thể làm lại cuộc đời và thoát khỏi tình trạng bị bỏ mặc hoàn toàn.
Có thể cây nến người vô gia cư đó cầm trong cuộc biểu tình không chỉ là cách xin bố thí thông minh, mà còn là dấu hiệu cho thấy mặc dù người đó có dáng vẻ bần cùng đói rách, vẫn còn có tinh thần đấu tranh sinh tồn.
Và nếu bị bỏ mặc nó có thể biến mất giống như ngọn lửa trong gió.
Cristian Martini Grmaldi từ Seoul, Hàn Quốc .
Cristian Martini Grimaldi là nhà báo tự do sống ở Hàn Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét