HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

VIỆC KẾ NHIỆM GIÁM MỤC PHẢN ÁNH KHÓ KHĂN CỦA GIÁO HỘI Ở TRUNG QUỐC

Việc kế nhiệm giám mục phản ánh khó khăn của Giáo hội ở Trung Quốc thumbnail
Một số người Công giáo có thể không xem vị đứng đầu giáo phận mình là ‘Giám mục’ nếu đó là chỉ định của chính quyền. Việc kế nhiệm Giám mục phản ánh khó khăn của Giáo hội ở Trung Quốc 
Đức cha Vincent Zhu Weifang của giáo phận Ôn Châu nói với các linh mục của mình rằng ngài sẽ “rút khỏi” chức vụ của mình như là người đứng đầu giáo phận tại Thánh lễ Xức dầu hôm 23 tháng Ba.
  
Trong khi các giám mục ở nơi khác thường về hưu ở tuổi 75, thì Đức cha Vincent Zhu Weifang của giáo phận Ôn Châu phải suy nghĩ đến hai lần thậm chí khi đã ở tuổi 90, ngài đã qua tuổi về hưu lâu rồi.

“Ở tuổi 90, tôi thấy càng khó khăn để lãnh đạo giáo phận trong việc truyền giáo và cai quản” – Đức cha Zhu nói với các linh mục mới đây trong Thánh lễ Xức dầu ngày 23 tháng Ba.

“Để cho công việc của Giáo hội được trôi chảy và hiệu quả, tôi đã quyết định rút lui khỏi chức lãnh đạo và chỉ định Cha Ma Xianshi làm giám quản” – ngài nói tại Thánh lễ có 800 người tham dự.

Mặc dù tuổi về hưu chính thức của các giám mục trong Giáo hội là 75 nhưng Đức cha Zhu không thể công bố ngài về hưu được vì người chính thức kế nhiệm ngài đến từ Giáo phận Chiết Giang là Đức Giám mục phó Peter Shao Zhumin.

Đức cha Shao là lãnh đạo của cộng đoàn Công giáo “bí mật” – tức không được nhà nước cộng sản công nhận – cộng đoàn này từ chối tham gia vào Hội Công giáo Yêu nước, một cơ quan của chính quyền kiểm soát Giáo hội.

“Tốt nhất là nếu Đức cha Shao có thể đứng ra và lãnh đạo cả cộng đoàn bí mật và công khai” – một giáo dân có tên thánh là Joseph giải thích.

“Không thể nào có chuyện hai cộng đoàn có thể đoàn kết lại được với nhau trong hoàn cảnh hiện nay, ngay cả người Công giáo thuộc hai bên hiện nay giao lưu với nhau nhiều hơn và ít công kích nhau hơn như họ đã làm cách đây một thập niên” – ông nói.

Đức cha Shao phải được một giám mục do nhà nước công nhận và thuộc cộng đoàn công khai phong chức, ngài phải đáp ứng các yêu cầu chung của nhà chức trách Trung Quốc như đồng tế Thánh lễ với một giám mục chịu chức mà không có sự chuẩn thuận của Đức Thánh cha và trở thành thành viên của Hội Công giáo Yêu nước.

Những tiêu chí này đi ngược lại lương tâm của nhiều người Công giáo thuộc giáo hội bí mật, họ trung thành với Tòa Thánh; Đức cha Shao sẽ có cơ nguy bị xem thường bởi cộng đoàn vững chắc có khoảng 80.000 người – đông gần gấp đôi cộng đoàn công khai.

Tòa Thánh quyết định bổ nhiệm Đức cha Zhu và Đức cha Shao cùng lúc năm 2007 với hy vọng đoàn kết trong tương lai. Nhưng quyết định này không được người Công giáo đón nhận nhiệt tình lúc đó. Họ hỏi là nếu Đức cha Shao trong tư cách giám mục phó có nên vâng lời Đức cha Zhu không nếu ngài bị yêu cầu làm điều gì đó đi ngược lương tâm của mình – như tham gia Hội Công giáo Yêu nước như Đức cha Zhu đã làm.

Giáo phận Ôn Châu không phải là giáo phận đầu tiên và duy nhất mà Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục cho mỗi từng cộng đoàn giáo hội bí mật và công khai trong cùng một giáo phận.

Tại giáo phận Thiên Thủy ở tỉnh miền tây bắc Cam Túc, năm 2011 Tòa Thánh bổ nhiệm Cha Bosco Zhao Jianzhang, một linh mục thuộc giáo hội công khai là giám đốc chi hội Cam Túc của Hội Công giáo Yêu nước từ năm 2013 – làm giám mục phó cho Đức cha John Baptist Wang Ruowang thuộc cộng đoàn bí mật.

“Không ai biết được là tại sao cho đến nay cha Zhao chưa được phong chức ngoại trừ thực tế là ngài được bầu làm giám đốc Hội Công giáo Yêu nước” Cha Peter Peng Jiandao, nhà quan sát giáo hội ở Hà Bắc, viết trong bài bình luận của ngài năm 2014.

Trong khi Đức cha Wang được phong chức cách bí mật năm 2011, thì cho tới nay Đức cha phó tân cử Zhao vẫn còn đang chờ Bắc Kinh chấp thuận lễ phong chức của ngài.

Nếu cha Zhao chọn cách chịu chức giám mục bí mật thì ngài sẽ có nguy cơ chọc giận giới chức Trung Quốc, người Công giáo nói.

Cho dù lễ phong chức của ngài có được chấp thuận, thì một phần trong cộng đoàn của ngài sẽ không đồng ý thấy ngài được gọi là ‘giám mục’ của giáo phận vì điều này sẽ được xem là do chính phủ chỉ định.

Giáo phận Thiên Thủy do 18 linh mục thuộc cộng đoàn bí mật và 12 linh mục thuộc cộng đoàn công khai phục vụ, có chừng 20.000 tín hữu mà phần lớn thuộc cộng đoàn bí mật.

Vấn đề giám mục kế nhiệm chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy tình hình Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc có thể phức tạp làm sao, và là một vấn đề chính mà Tòa Thánh vẫn đang chờ Bắc Kinh đồng ý về một bản ghi nhớ liên quan việc bổ nhiệm giám mục.

Các nguồn tin Giáo hội yêu cầu không nêu tên nói với ucanews.com rằng sau các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Vatican hồi tháng Giêng, việc ký kết một thỏa thuận sẽ không xảy ra sớm được vì đàm phán là một tiến trình lâu dài.

“Ngay cả cách miêu tả giáo hội Trung Quốc cũng còn phải bàn cãi vì cần thời gian để thảo luận xem có nên gọi là ‘Giáo hội Công giáo Trung Quốc’ – điều này nặng về nghĩa chính trị hoặc ‘Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc’ – có nghĩa rộng về mặt thần học” – một nguồn tin nói.
Phóng viên ucanews.com từ Hồng Kông, Trung Quốc 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons