Tôi mê đọc cuốn ‘Dấu chân của Thày’ (TP.HCM, 2007)
của cha Ngô Phúc Hậu, một linh mục giáo phận Cần Thơ, nổi tiếng là ‘linh mục dấn
thân truyền giáo cho dân nghèo đồng quê, miền sâu miền xa… Cuốn sách được viết
theo kiểu ‘những bức tâm thơ gửi Thầy’, có mấy trang rất phù hợp với chủ đề số
báo tháng này ‘Bài học khó nghèo nơi hang đá’, tôi xin trích dẫn một vài đoạn
nhỏ dưới đây :
‘Thày kính mến, Mẹ
con kể cho con nghe : Con được sinh ra trong ngôi nhà thân thương của bố mẹ.
Bác gái của con là bà mụ đến đỡ đẻ cho mẹ con. Bác săn sóc mẹ con, trìu mến như
một người chị hiền. Bố con ngồi chồm hổm, trầm tư và ngong ngóng chờ bà đỡ sai
vặt. Hai chị của con cũng trầm tư và ngong ngóng chờ lệnh của bố con. Nghèo lắm
nhưng ấm cúng và thân thương quá chừng ! Con khóc oa, chẳng biết gì. Nhưng bây
giờ mới thấy là sướng.
Bây giờ Luca kể cho
con nghe về ngày sinh của Thày. Thày khóc chào đời trong hang bò lừa hôi hám,
cách xa mái nhà thân thương Nadarét những một trăm năm mươi hai cây số. Không
bác sĩ, không y tá, không một cô mụ vườn, không bà nội, không bà ngoại, không một
người thân thương. Lúc ấy, Thầy còn bé tí, nên chưa bìết gì. Chưa biết gì nên
không thấy khổ. Mà có biết thì cũng chẳng thấy khổ, vì có Mẹ. Nhưng con tội
nghiệp cho Mẹ. Mới mười mấy tuổi đời, mà phải sinh con đầu lòng trong cảnh túng
thiếu và cô đơn đến tận cùng như thế. .. (Nếu con là Mẹ), chắc con đã kêu lên :
‘… Trời ơi, con tôi phải nằm trong máng cỏ, hèn hạ còn hơn con thú. Tôi khổ bao
nhiêu cũng được. Nhưng còn con tôi…hu…hu… Con ơi là con !’.Nhưng Mẹ không phải
là người phàm như con. Người không la, không khóc, không uất ức… Người bình thản,
ghi lấy mọi sự trong lòng mà suy ngẫm… Lại còn Thánh Giuse nữa… Thật tội nghiệp…
Chắch ngài bị mặc cảm vì không tìm ra một nơi xứng đáng cho hài nhi chào đời…
(tr. 25-29)
… « Thày kính
thương, Hang Belem đang hực lên mùi nước đái bò lừa, thì bỗng trở nên vĩ đại.
Ngày nay cả nhân loại đều biết. Cụ già biết, trẻ con biết. Nghệ sĩ và doanh gia
ùn ùn hướng về đêm Noel. Ánh sáng, màu sắc và âm thanh đua nhau mừng Noel.
Nhưng trên hết và trước nhất của đêm Noel vẫn là hang Bêlem… Trong hang đá có
bé xinh xinh nằm một mình trong máng cỏ. Đó là Thầy, Mẹ và thánh Giuse, quỳ hai
bên trầm tư mặc tưởng. Một con bò, một con lừa và dăm con trừu nằm rải rác. Người
ngoại đến coi , thấy hay hay, dễ thương, chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Người đạo
đến cầu nguyện, nhận ra đây là một tấm gương lớn về đức khó nghèo, một bài học
để đời cho mọi người….
… Thưa Thầy, Thầy
có thể sinh ra trong gia đình giàu có, vì người giàu cũng là người và cũng được
Thầy thương yêu. Làm người giàu, Thầy sẽ ban phát nhiều của cải cho người
nghèo. Tuyệt ! Nhưng Thầy lại sinh ra trong hang đá thiếu thốn trăm chiều, vì :
1. Người nghèo bao
giờ cũng vẫn đông hơn người giàu. Vào đầu thế kỷ 21 này, người nghèo vẫn chiếm
ba phần tư dân số thế giới.
2. Thày sinh ra
Nghèo NHƯ người nghèo và sống nghèo VỚI người nghèo, để nâng người nghèo lên
ngang tầm cỡ với Thầy. Yêu người nghèo là yêu Thầy. Khinh rẻ người nghèo là
khinh rẻ chính Thầy. Hang đá Bêlem là huy chương Thầy gắn trên ngực người
nghèo.
Kính thưa Thầy, con
đã viếng hang đá biết bao nhiêu lần. Con đã lần chuỗi Mân Côi, ngắm thứ ba Mùa
Vui, nhiều lần… Vậy xin cho con được học với Thầy : ‘sống khó nghèo theo gương
Thầy’. Đội ơn Thầy … (tr. 30-34)
Đức Ông Mai Đức
Vinh
giaoxuvietnamparis
0 nhận xét:
Đăng nhận xét