Từ hơn một tháng nay kể từ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chính thức nói ra quyết định thoái vị trước hội nghị mật hồng y vào ngày 11 tháng Hai 2013, hàng tỉ con mắt trên toàn thế giới đạo cũng như đời đều đổ dồn về Tòa Thánh Vatican. Một quốc gia bé nhỏ nhất trở nên tâm điểm thu hút sự chú ý của hết mọi người.
Thoạt đầu, người ta ngạc nhiên vì quyết định thoái lui khỏi sứ vụ thánh Phêrô của Đức Bênêđictô XVI. Có thể ví điều này như tiếng sét đánh giữa thanh thiên bạch nhật vì từ hơn 600 năm nay mới có thêm một vị giáo hoàng nữa làm như thế.
Sau đó là đề tài các ứng cử của ngai tòa vị tông đồ trưởng cũng được báo giới bàn tán sôi nổi. Nhìn vào danh sách 115 vị hồng y cử tri (60 vị thuộc Châu Âu, trong đó có 28 vị người Ý), giới báo chí theo cách nhìn loài người đã thấy ngay kết quả qua cách trả lời ba câu hỏi: 1. Tân giáo hoàng là thuộc châu nào? Trả lời: Châu Âu. Điều này trên ngàn năm nay vẫn là thế. 2. Giáo hoàng là người nước nào? Trả lời: Italia. Cũng vẫn theo suy đoán trên vì số hồng y nước này đã chiếm phân nửa. 3. Giáo hoàng là hồng y nào? Trả lời: hồng y Scola.
Đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sau vòng bỏ phiếu thứ năm của này thứ hai, người ta thấy khói trắng bay ra từ nóc nhà nguyện Sixtina. Thế là mọi người hồi hộp trong kiên nhẫn để xem mắt vị giáo hoàng mới được bầu. Lại cũng là ngạc nhiên, người đó chẳng phải là Ý cũng chẳng phải Châu Âu, lại càng không nằm trong danh sách ứng cử sáng giá. Thật bất ngờ, người này đến từ rất xa bên kia của Đại Dương.
Có người khi mới chỉ nghe giới thiệu tên tuổi của ngài thì hơi bị thất vọng, vì tên thì xa lạ, tuổi lại cao. Nhưng khi nhìn ngài lần đầu tiên và nghe lời của ngài, ngay lập tức bị thu hút bởi con người nhân hậu, giản dị, khiêm tốn và vui tươi. Thế rồi cả trong và ngoài Giáo Hội không ngớt lời ca tụng vị chủ chăn hoàn vũ, nào là sống thanh bần không ở tòa giám mục mà là căn hộ bình thường, nào là không sử dụng xe riêng với tài xế mà lại dùng phương tiện công cộng, nào là tự nấu bếp…
Cũng vẫn bàn luận về đề tài này, người viết có dịp trao đổi với một số người khác và cũng theo cách suy luận để dự đoán về những điều tiếp theo có liên quan đến ngài trong những dịp tiếp theo. Trước hết là dịp lễ khai mạc sứ vụ thánh Phêrô, bản thân khẳng định là ngài sẽ không đi giầy đỏ, và cũng không dùng xe có kính chắn đạn. Hôm 19 tháng Ba vừa rồi quả là như thế. Còn vấn đề rửa chân, thì chỉ nghĩ rằng ngài sẽ cho mời đến những thành phần rất đặc biệt để tham dự nghi thức này. Hóa ra nay Phòng Phụng Vụ Tòa Thánh cho hay, ngài đích thân cử hành thánh lễ này trong nhà tù và rửa chân cho các tù nhân. Rồi nữa, Tòa Thánh cũng lại vừa công bố tấm hình và chữ ký của ngài, trong đó chỉ thấy ngài viết trực tiếp là Franciscus mà không hề thêm vào sau đó chữ “pp” (có nghĩa là giáo hoàng) gì cả.
Một làn gió mới dịu mát thổi trên Giáo Hội khiến cho mọi người cảm thấy dễ chịu. Đó chính là tác động của Chúa Thánh Thần, được phái đến để canh tân bộ mặt trái đất. Xin tiếp tục cầu nguyện để tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Dân Người vị mục tử nhân hậu. Bản thân người cũng rất cần được mọi tín hữu cầu nguyện cho như ngài vẫn luôn luôn đề nghị điều này.
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng 3/21/2013- vietcatholicnews
0 nhận xét:
Đăng nhận xét