VATICAN - Thứ ba, 19.3.2013 – Hôm nay Giáo hội mừng lễ Thánh Cả Giuse, cha nuôi Đức Giêsu cũng là ngày ĐGH Phanxicô cử hành Thánh Lễ khai mạc sự vụ Kế vị Ngôi Tòa Phêrô thứ 266. Ngày lễ khai mạc Sứ Vụ Giáo Hoàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức được dùng các chức danh: Đức Giám Mục Roma, vị Đại Diện của Chúa Kitô, Đấng kế vị của các Thánh Tông Đồ, Người chủ nhân của Tòa Thánh Vatican và "Servus Servorum" - "Tôi Tớ của các Tôi Tớ Chúa". Ngài cũng còn được gọi là "Pontifex Maximus" - "Người xây dựng cầu" để trở thành biểu tượng của sự kết nối giữa các nền văn hóa, dân tộc và tôn giáo. Một danh gọi tôn kính khác là "Đức Thánh Cha" dành cho Đức Giáo Hoàng.
Một ngày đẹp trời với chút ánh nắng chan hòa và bầu trời trong xanh được Thiên Chúa chúc phúc qua lời bầu cử của Thánh Giuse: không mưa gió như vài ngày qua. Một nhà báo Đức phấn khởi tường trình: "Thực tế hôm nay là một ngày có nắng ấm mà lâu rồi thành phố vĩnh cửu chỉ mưa với gió. Cảm giác ấm áp này đang lây lan đến cho các tín hữu: Mùa xuân đến trong Giáo Hội La Mã".
Khoảng 132 đại diện quốc gia gồm có 31 vị nguyên thủ quốc gia, 11 Thủ tướng chính phủ, đại diện vua chúa nữ hoàng ở Âu Châu (Tây Ban Nha, Hòa Lan, Bỉ, Monacô) đã hiện diện, người không thể thiếu được là tổng thống Ý Giorgio Napolitano với phu nhân Clio và thủ tướng Ý Mario Monti với phu nhân Elsa.
Từ quê hương Á Căn Đình có Nữ tổng thống Cristina Kirchner, các quan viên cấp cao nhà nước Á Căn Đình, thị trưởng Buenos Aires. Từ Châu Mỹ Latinh có Tổng thống Ba Tây Dilma Vana Rousseff, Tổng thống Mexicô Enrique Pena Nieto, Phó Tổng thống Uruguay Danilo Astori và cựu Tổng thống Colombia Cesar Gayiria, Tổng thống Chilê Sebastian Pinera. Thay mặt cho Tổng thống Mỹ Obama đến Vatican dự lễ là Phó TT Joe Biden, bởi vì TT Barack Obama đang trên đường đến Israel.
Các vị nguyên thủ khác đến dự lễ từ Âu Châu gồm có Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel, Phó thủ tướng Philipp Rösler, Chủ tịch quốc hội Đức Norbert Lammert và một số bộ trưởng trong nội các của bà, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Chủ tịch Liên Minh Âu Châu Herman Van Rompuy và chủ tịch Ủy ban Âu Châu Jose Manuel Barosso. Tổng thống Áo Heinz Fischer cùng với Thủ tướng Werner Faymann, Tổng thống Ungarn János Áder với phu nhân Anita Herczegh. Từ Á Châu có sự hiện diện của Tổng thống Đài Loan Ma Ying-jeou (Mã Anh Cửu).
Nhà độc tài Phi Châu của Simbabve, Tổng thống Robert Mugabe (89 tuổi) cũng đã có mặt, một người đang bị Liên Minh Âu Châu cấm nhập cảnh vào Âu Châu vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Theo nhận định của giới chính trị thì ông Mugabe chỉ được đến Tòa Thánh Vatican với lý do tôn giáo mà thôi.
33 Đại Diện của các Tôn Giáo Kitô khác, kể cả Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Bartholomaios lần đầu tiên đến từ Konstantinopel-Istanbul mà giáo hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đã ly giáo cả ngàn năm nay (1054) cũng có mặt tham dự. 150 đại diện các Liên tôn Tôn Giáo như Do Thái Giáo, Hồi Giáo cũng hiện diện.
Tại bên trong quảng trường Thánh Phêrô chật kín với khoảng 200.000 người và trên 500.000 người khác phải xếp hàng kéo dài đến tận bờ sông Tibre để theo dõi trên các màn truyền hình lớn được dựng hai bên đường. Theo cảnh sát cho biết có khoảng 1.000.000 khách du lịch đang có mặt tại thành phố Rôma trong những ngày này.
Số nhà báo, ký giả, phóng viên được Tòa Thánh cho biết 5.214 người. Hôm nay đài truyền hình Vatican trực tiếp với 30 máy quay và 100 kỹ thuật viên luôn tay phục vụ.
Từ ban đêm hàng đoàn lũ đã lũ lượt kéo về quảng trường Thánh Phêrô để mong tìm được một chỗ tốt. Hàng trăm bạn trẻ mệt mỏi đã ngủ dọc theo con đường đại lộ Hòa Giải Via della Conciliazione. Khi phương tiện giao thông xe điện ngầm bắt đầu vào lúc 5g30 thì đoàn người chen chúc nhau lấy hướng tiến về Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có rất nhiều người đến từ Châu Mỹ Latinh phất phới cờ quốc gia của họ trên tay. Hôm nay đi xe công cộng miễn phí ở Rôma.
Đồng hồ điểm 8g45 mọi người reo vang khi thấy ĐGH Phanxicô đứng trên xe Jeep trắng mui trần chạy qua hàng đoàn tín hữu trong Quảng trường Thánh Phêrô: lúc thì dừng lại hôn những đứa trẻ, có cả lúc xuống hẳn xe chúc lành cho một người bệnh tật. Mọi người hân hoan reo hò. Giáo dân hồ hởi vung các lá cờ quốc gia từ Á Căn Đình, Nam Phi, Úc và Đức. Nét mặt ĐGH Phanxicô nhân hậu, vui tươi và nụ cười luôn nở trên môi. Trên xe ngồi bên cạnh là Đức Giám Mục Alfred Xuereb.
Theo chương trình, thánh lễ đăng quang Tân Giáo Hoàng ĐGH Phanxicô sẽ bắt đầu vào lúc 9g30. Trước khi cử hành thánh lễ ĐGH Phanxicô và 10 người đứng đầu Giáo Hội Đông Phương đã đi bộ xuống mộ Thánh Phêrô trong Đền Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội. Tại đó ĐGH Phanxicô qùy xuống cầu nguyện, sau đó xông hương và rước dây đeo Giáo Hoàng, gọi là Pallium làm bằng lông cừu màu trắng thêu 5 thánh giá đỏ, 5 dấu đinh và chiếc nhẫn Ngư Phủ Phêrô có khắc hình ảnh Thánh Phêrô với đôi chìa khóa, ba vật này được đặt trên bàn thờ trước tiền đường Thánh Phêrô.
Sau đó đoàn Thánh Giá nến cao tiến ra tiền đường Thánh Phêrô, theo sau khoảng 180 Hồng Y đồng tế. ĐGH Phanxicô xông hương bàn thờ và Thánh Giá. Thánh lễ được bắt đầu thật đơn giản, sau khi làm dấu Thánh Giá.
Tiếp theo là nghi lễ đăng quang Giáo Hoàng. Hai Phó Tế mang Nhẫn Ngư Phủ Phêrô và dây Pallium đến ĐGH Phanxicô. Đức Hồng Y Phó Tế người Pháp, Jean-Louis Tauran đọc lời nguyện: “Hôm nay nghe theo tiếng gọi, ĐGH chính thức dẫn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa” và trao dây Pallium (dài 2,6m và bề ngang 11cm) được đan thành vòng tròn đeo vòng cổ và kéo dài xuống bên trái trước ngực ĐGH. Dây Pallium được làm từ giống chiên và cừu đặc biệt đã có truyền thống trước hàng ngàn năm trong Giáo Hội. Loại chiên này được hội dòng ẩn tu ngoài thành Rôma nuôi nấng và lấy lông chiên đan thành dây Pallium. Sau đó Đức Hồng Y người Ý Angelo Sodano, Niên Trưởng HY đọc lời nguyện và trao nhẫn Ngư Phủ Phêrô cho ĐGH. Chiếc nhẫn này là một tác phẩm của nhà nghệ thuật người Ý nổi tiếng, ông Enrico Manfrini làm cho Đức ông Pasquale Macchi, cựu thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978). Chiếc nhẫn bằng bạc được mạ vàng. Lúc này ĐGH Phanxicô chính thức người kế vị thứ 266 của Thánh Giáo Hoàng Phêrô và toàn quyền cai quản Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ với 1,2 tỉ giáo dân.
Sau đó 6 Hồng Y đại diện mọi tầng lớp trong Giáo Hội tiến đến ĐGH Phanxicô cầm tay tuyên hứa sự vâng lời với Đấng kế vị Thánh Phêrô.
Phúc Âm hôm nay được hát bằng tiếng Hy Lạp, các Bài Đọc được công bố giữa cộng đoàn các tín hữu bằng tiếng Anh.
Trong bài giảng, Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô nêu cao gương mẫu của Thánh Giuse mà Giáo Hội hôm nay tôn kính. Thánh Giuse là một ví dụ về một người luôn lo cho gia đình và người gánh trách nhiệm bảo vệ công trình tạo dựng. Gìn giữ công trình tạo hóa mà Thánh Phanxicô Assisi đã làm lại gắn liền với ngày lễ kính Thánh giuse, cũng là lễ Quan Thầy của người tiền nhiệm Josef Ratzinger, đây là lúc nói lời cám ơn đến Ngài trong việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.
ĐGH Phanxicô kêu gọi các tín hữu theo gương của Thánh Giuse để bảo vệ những món quà của Thiên Chúa. Ngài kêu gọi mọi người đang phục vụ ở lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội trong các vị trí hàng đầu, để ý đến việc bảo vệ môi trường. Người ta không nên để cho các "dấu hiệu của sự hủy diệt và cái chết" đe dọa thế giới chúng ta. Để bảo vệ thế giới, con người cũng phải thanh lọc trái tim mình. "Sự thù ghét, kiêu căng và ghen tị" sẽ làm bẩn đục cuộc sống, ĐGH Phanxicô cảnh báo như thế.
Đồng thời, Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ rằng con người không phải sợ trước sự "tử tế và dịu dàng". Dịu dàng là một dấu hiệu của sức mạnh. Ngay cả Giáo Hoàng cũng phải thực hiện nhiệm vụ của mình, nhiều hơn và nhiều hơn nữa trong "khiêm tốn và việc làm cụ thể của Thánh Giuse", nhất là chăm sóc kẻ yếu đuối và nghèo hèn. "Chỉ có ai phục vụ với tình yêu thì mới có thể bảo vệ", Đức Giáo Hoàng diễn giải tiếp tục.
Sau bài giảng ca đoàn hát Credo – Kinh Tin Kính bằng tiếng Latinh, tiếp theo là Lời Nguyện Giáo Dân được đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Nga, tiếng Ả Rập, tiếng Swahili, tiếng Tầu.
Phần Rước Lễ đã cần đến 500 linh mục hiện diện mới có thể phân phát Mình Thánh Chúa cho mọi người trong Quảng trường Thánh Phêrô.
Đến 11g18 thánh lễ kết thúc, ĐGH Phanxicô lại một lần nữa yêu cầu mọi người bảo vệ gia đình. Ngài đội mũ Giáo Hoàng, cầm Thánh Giá và chúc lành cho giáo dân. Ca đoàn cất hát bài kính Đức Mẹ "Regina Salve" và ĐGH tiến bước đến trước tượng Mẹ Maria, đứng yên lặng cầu nguyện.
Thánh lễ nhậm chức Giáo Hoàng đã kết thúc. Triều đại Giáo Hoàng của ĐGH Phanxicô chính thức bắt đầu. Hôm nay người tiền nhiệm Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không tham dự trực tiếp mà chỉ theo dõi trên truyền hình tại nhà nghỉ hè Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. ĐGH Phanxicô sẽ đến thăm ngài vào thứ bẩy tới, 23.3.2013.
Kết thúc, đoàn Đồng Tế với ĐGH Phanxicô rời khỏi bàn thờ đi vào Đền thờ Thánh Phêrô. Tại đây, ĐGH chào đón các phái đoàn ngoại giao hiện diện trong Thánh Lễ ngay trước mộ Thánh Phêrô bên trong đền thờ, có hơn 130 đoàn đại biểu chính thức, trước tiên là tổng thống Ý Giorgio Napolitano với phu nhân Clio và thủ tướng Ý Mario Monti với phu nhân Elsa, sau đó là Nữ tổng thống Cristina Kirchner của Á Căn Đình. ĐGH Phanxicô đã cần hơn một tiếng rưỡi để hoàn thành công việc này.
Cùng thời gian vào buổi đêm ở Á Căn Đình trước nhà thờ chính tòa Buenos Aires mọi người đã theo dõi trực tiếp thánh lễ trên truyền hình. Người phát ngôn viên của Tòa giám mục Buenos Aires cho biết: "Chúng tôi hy vọng mọi người tham dự thật đông, như là mừng một chiến thắng ở giải World Cup".
Phó thủ tướng Đức, ông Philipp Rösler tham dự thánh lễ sáng hôm nay ở Quảng trường Thánh Phêrô, người gốc Việt Nam cũng là một giáo dân mới trở lại đạo Công Giáo đã trả lời cho báo Bild biết rằng: "Cảm động. Ấn tượng. Đối với tôi là một Kitô hữu Công giáo đúng là một ngày tuyệt vời".
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét