HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

ĐÒI CÔNG LÝ CHO NGƯỜI SỐNG BÊN LỀ XÃ HỘI

Biểu tình đòi công lý cho người bị gạt ra bên lề xã hội Lều của người biểu tình “Sống với nhau” ở trung tâm Seoul

Ngôi làng lều ở Seoul phản đối sự phân chia giàu nghèo trong xã hội

Nếu bạn đi qua con đường giữa Seoul Plaza và Dinh Deogsu-gung ở trung tâm thủ đô nhộn nhịp này, bạn sẽ thấy một ngôi làng nhỏ nằm bên cạnh Daehanmun, cổng chính của dinh.

Ngôi làng tạm thời này gồm ba chiếc lều là chỗ ở của những người biểu tình ngồi trong lều nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đến hoàn cảnh khó khăn của các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội ở Hàn Quốc.

Anrê Kim Deok-jin, một trong những người biểu tình, cho biết làng lều phản ánh cảnh khốn cùng của những công nhân bị nhà máy Ssangyong Motors sa thải, những người dân bị mất tài sản do dự án tái xây dựng Yongsan, những dân làng phản đối việc xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Jeju và các nhà hoạt động phản đối năng lượng hạt nhân.

“Chúng tôi đang yêu cầu thu nhận lại những công nhân bị sa thải, dừng việc xây dựng căn cứ hải quân Jeju, tìm hiểu thực tế về cái chết của những người dân Yongsan bị tống ra khỏi nhà và ngừng việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới” - ông ta nói.

“Khi nhìn quanh nơi này, bạn có thể thấy tòa nhà cao tầng Seoul City Hall mới xây, các khách sạn năm sao, giao thông đầy đường phố và sự lấp lánh của ánh đèn. Người ta có khuynh hướng chỉ nhìn thấy những mặt sáng của xã hội chứ không thấy các góc tối. Vì vậy, chúng tôi ở đây để nhắc mọi người hãy mở mắt to ra”, ông Kim khẳng định.

Ngôi làng lều là tác phẩm của SKY-Act, một liên minh của các công nhân Ssangyong, dân làng Gangjeong và cư dân Yongsan, những người đã dẫn đầu cuộc tuần hành trên toàn quốc hồi đầu năm ngoái để nghe tiếng nói của những người không có tiếng nói.

“Khi đi khắp nước, chúng tôi đã cảm nghiệm được nỗi đau và sự bất hạnh của Ssangyong, Gangjeong và Yongsan từ khắp nơi trên cả nước. Cả nước đang trải qua đau khổ - Cha Batôlômêô Mun Jung-hyun, dẫn đầu cuộc tuần hành, phát biểu - Chúng tôi cảm nhận được cảnh bần cùng hóa của công nhân do việc cắt giảm nhân viên. Tôi thật sự nghi ngờ liệu đây có phải là một đất nước mà những người bình thường vẫn có thể sống được không”.

Vào cuối cuộc tuần hành kết thúc ngày 4-11, các tham dự viên quyết định thành lập làng lều bên cạnh một chiếc lều tưởng niệm được dựng lên trước đó để tưởng nhớ cái chết của một vài công nhân Ssangyong sau cuộc cắt giảm hàng loạt nhân viên năm 2009.

“Do cắt giảm nhân viên, 23 công nghân và các thành viên trong gia định đã tự tử. Cắt giảm có nghĩa là chết chóc. Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa sự hy sinh của công nhân” - Kim Jeong-woo, chủ tịch liên đoàn lao động Ssangyong, phát biểu.

Nhiều công nhân Ssangyong bị mất việc làm than phiền mắc bệnh trầm cảm, các bệnh tâm lý và các vấn đề khác sau cuộc đình công 77 ngày tại nhà máy Pyeongtaek và kết thúc trong sự bố ráp của cảnh sát hôm tháng Tám 2009. Hơn 2.500 nhân viên nhà máy bị mất việc làm.

Chủ tịch liên đoàn họ Kim nói rằng công nhân bị sa thải dựa trên cơ sở tính toán sai lầm cho rằng công ty đang hoạt động ở mức thâm hụt 500 tỉ Won (467 triệu Mỹ kim) và ông đang hối thúc chính phủ thực hiện một cuộc xem xét lại chính thức.

“Không có xem xét lại thì chúng tôi sẽ tiếp tục chịu đựng đau khổ từ sự độc đoán của các lãnh đạo doanh nghiệp” - ông Kim khẳng định.

Chị Jeon Jae-suk, một cư dân Yongsan trước đây, đã bị mất chồng trong sự kiện được biết đến như là “sự cố Yongsang”.

Tháng Giêng 2009, sáu người trong đó có một nhân viên cảnh sát bị thiệt mạng sau khi một đơn vị cảnh sát tác chiến xông vào tòa nhà Namildang bốn tầng tại khu tái xây dựng Yongsan ở trung tâm Seoul.

Hành động của cảnh sát là nhằm xua đuổi 40 chủ nhà cố thủ vì phản đối dự án.

“Chúng tôi đã leo lên trụ canh gác ở sân thượng để cố thoát thân, nhưng không thoát khỏi cuộc tấn công của cảnh sát. Chồng tôi bị chết cháy, con trai của tôi bị bắt và bị buộc tội gây nên cái chết của một nhân viên cảnh sát” – chị Jeon kể.

“Nhiều người đã bị buộc phải rời bỏ quê nhà do các dự án tái xây dựng. Yêu cầu của chúng tôi rất đơn giản. Thay vì lấy nhà của chúng tôi, hãy cho chúng tôi những nơi khác để ở và cơ hội để kiếm sống” – chị nói.

Những người biểu tình nói rằng cảnh sát đã vài lần đe dọa đuổi họ đi vì tụ tập bất hợp pháp, nhưng cho tới nay họ chưa thực hiện lời đe dọa đó.

Vì rằng giờ đây các cuộc bầu cử đã kết thúc, vài người biểu tình lo ngại một cuộc đàn áp theo sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của ứng cử viên Đảng Saenuri Bảo thủ Park Geun-hye.

Ông Moon Jae-in, ứng cử viên của Đảng Dân chủ thống nhất trong cuộc bẩu cử, đã tới thăm ngôi làng lều để bày tỏ quan tâm các vấn đề đang bị phản đối trong cuộc vận động tranh cử không thành công của ông ta. Nhưng bà Park thì không, điều đó làm dấy lên lo sợ sắp xảy ra một cuộc đàn áp thẳng tay.

“Một vài người đã nói với tôi rằng họ sẽ đi khỏi nước hoặc từ bỏ chiến dịch sau cuộc bầu cử. Họ rơi vào tuyệt vọng và tôi hiểu cảm giác của họ” – theo ông Moon, người bị bỏ tù hai lần trong thời gian cầm quyền của cha bà Park, cố tổng thống Park Chung-hee, người cai trị Hàn Quốc từ năm 1961 đến 1979.

Nhưng ông Moon vẫn kiên định trong việc ủng hộ cuộc biểu tình ngồi trong lều.

“Chúng tôi đã sống ít nhất 40 năm giống như thế này từ những năm 1970 và đã không có tiến bộ rõ ràng nào. Nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ. Chúng tôi phải tiếp tục đấu tranh cho quyền được sống như một con người đúng nghĩa”.

Chủ tịch liên đoàn lao động họ Kim nói rằng thời gian sẽ trả lời liệu bà tổng thống mới có mang lại những thay đổi như bà ta đã hứa không.

“Bà Park đã hứa trao đổi thông tin và ‘đại đoàn kết’ giữa những người Hàn Quốc với nhau trong cuộc vận động tranh cử của bà. Tôi muốn chờ xem bà có giữ lời không. Nếu bà Park không giữ lời, chúng tôi sẽ lại thực hiện một cuộc phản đối mạnh mẽ, lần này sẽ chống lại chính phủ của bà ta”, ông Kim nhấn mạnh.
Phóng viên Ucanews John Choi từ Seoul

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons