HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

TRUYỆN NGẮN: CON GÀ MẸ

Con gà mái bới tung đầu luống rau đã thu hoạch xong. Nó “túc túc” gọi, đàn con xúm lại, giành giật con giun, con dế mẹ chúng mới bới ra. Chúng tranh với nhau, và hình như còn tranh cả với gà mẹ. Bỗng một con diều hâu bay ngang qua tít trên cao. Con gà mẹ “quạc” một tiếng, nằm xuống. Chỉ trong nháy mắt, lũ gà con đã chui hết vào trong đôi cánh mẹ. Đối với lũ gà con, đôi cánh gà mẹ là nơi trú ẩn an toàn nhất. Khi bóng dáng con diều hâu khuất hẳn, và khi không bới được miếng mồi nào nữa, con gà mẹ “cục cục” dẫn đàn con ra đám cỏ bờ ao đuổi bắt bươm bướm, cào cào, châu chấu… Thời tiết Nam bộ thất thường, đỏng đảnh như một cô gái nhà giàu được nuông chiều quá mức. Trời đang quang, mây đang tạnh, thế mà chỉ trong chốc lát vài sợi mây uốn éo xuất hiện, rồi mưa bóng mây, rồi mây đen ùn ùn kéo đến, mưa như trút nước. Con gà mẹ “quác quác” gọi con. Rất nhanh, lũ gà con chui vào trong đôi cánh mẹ. Con gà mẹ hứng chịu tất cả gió mưa che chở đàn con…

Ngày nào như ngày ấy, cứ thế, lũ gà con lớn nhanh trông thấy.
* * *
Thầy Vẻ, giáo viên môn Văn, cũng là chủ nhiệm lớp 9A, bước vào lớp, mới sáng sớm đã nồng nặc hơi rượu. Thầy gọi thằng Lành lên kiểm tra miệng đầu giờ: 
-Truyện Kiều được Nguyễn Du viết theo thể thơ nào?
Trúng tủ, thằng Lành mừng rơn:
-Dạ thưa thầy, Truyện Kiều được viết theo thể thơ lục bát, ạ!
Không biết sáng nay thầy Vẻ có bị vợ mắng mỏ gì không hay vì hơi rượu, mà nói năng cộc lốc:
-Luật bằng trắc thơ lục bát?
Thằng Lành thuộc lòng như cháo chảy:
-Dạ thưa thầy, bằng bằng trắc trắc bằng bằng, bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng. Và, nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh, ạ!
-Chữ thứ hai có thể là vần trắc được không? Thí dụ?
-Dạ, khi câu sáu được chia làm hai vế, mỗi vế ba chữ. Thí dụ: Mai cốt cách, tuyết tinh thần; đau đớn thay phận đàn bà; nền phú hậu, bậc tài danh; người quốc sắc, kẻ thiên tài; khi tựa gối, khi cúi đầu; người nách thước, kẻ tay đao…
-Tìm một chữ thứ hai vần trắc ở câu tám truyện Kiều cơ.
Thằng Lành mân mê đuôi khăn quàng, mặt đỏ bừng. Nó đọc thầm thật nhanh: “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh…”
Thầy Vẻ giục giã:
-Sao? Không tìm được à?
Nó lí nhí:
-Dạ thưa thầy, không, ạ!
Thầy Vẻ lại cộc lốc:
-Không à? Ba điểm, về chỗ.
-Thưa, thầy sai rồi. Không câu tám nào trong truyện Kiều có chữ thứ hai vần trắc ạ!
Thầy Vẻ hùng hổ:
-Thầy sai rồi? Thầy mà sai được à? 
Thật lòng, thầy Vẻ có vẻ hoang mang. Có thể thằng Lành đúng. Nhưng đúng hay sai thì nó cũng không được nói trắng ra mình sai. Dù sao thì mình cũng có bằng cử nhân ngữ văn, dù là hệ đào tạo từ xa. Thế mà nó to gan làm mình mất mặt trước cả lớp mấy mươi học sinh. Rượu và tự ái che mờ lý trí, đốt cháy tính liêm sỉ của thầy. Thầy tức tối:
-Rõ là mày ăn nói theo kiểu của bọn du côn – Cơn giận của thầy tăng tốc – của bọn mất dạy. Mà ở nhà có ai dạy mày đâu. Thằng cha mày bỏ mẹ con mày theo gái. Còn con mẹ mày thì tối ngày rửa bát quét nhà lau toilet cho người ta, còn thời giờ đâu mà dạy mày?
Thằng Lành mếu máo:
-Thầy không được xúc phạm mẹ em.
-Lại còn cãi à? Đúng là quân mất dạy. 
Thầy lôi nó lên, bạt tai nó một cái nổ đom đóm mắt:
-Cút. 
Bị đuổi khỏi lớp, thằng Lành chạy vội về nhà, nước mắt ngắn nước mắt dài kể chuyện ở lớp học cho mẹ nó nghe. Chị Hiền, mẹ nó thức trắng một đêm đọc lại truyện Kiều chỉ để tìm chữ thứ hai câu tám có thanh trắc mà không tìm được. 
Sáng hôm sau, chị xin nghỉ làm ô sin một ngày, tới trường từ sáng sớm. Thầy hiệu trưởng đến văn phòng trễ gần một tiếng đồng hồ. Nghe chị trình bày, thầy Vẻ, cũng là em vợ thầy hiệu trưởng, được mời lên. Các thầy không nói gì đến khiếu nại của chị Hiền, cũng không đá động đến chữ thứ hai câu tám có thanh trắc trong truyện Kiều và không nhắc nhớ gì đến điểm 3 vô lý kia. Để che đậy, lấp liếm cái sai của mình, thầy Vẻ chỉ nói về thằng Lành với trăm thứ “tội bỗng dưng”, nào là vô lễ với thầy cô, nào gian lận trong học tập, nào là ngủ gật, nói chuyện trong lớp, nào là đánh nhau, gây rối trật tự trong nhà trường… Chị Hiền không sao tin được lời thầy Vẻ, vì ba năm liền thằng Lành đều là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. Vả lại nếu thầy Vẻ nói đúng thì tại sao nửa năm nay, nhà trường không báo cho chị? Nhưng chị không đủ lời lẽ để đáp lại miệng người sang có gang có thép kia (những hai cái miệng!). Thầy Vẻ sừng sộ:
-Nó hư hỏng, hỗn láo quá. Lỗi ở gia đình không biết giáo dục con cái. Chúng tôi muốn nói với chị, nếu chị không dây dỗ nó, nếu nó không sửa đổi, chúng tôi sẽ đuổi học nó.
Chị Hiền tức tưởi xin rút học bạ chuyển trường cho con. Thầy hiệu trưởng bảo chị làm đơn và được chấp thuận ngay. Chị đâu biết rằng trong học bạ của thằng Lành thầy chủ nhiệm ghi: – Học lực: TB, – Hạnh kiểm: yếu. Với lời phê ấy, được thầy hiệu trưởng xác nhận, đóng dấu đỏ choét, người ta đã kết án tử cho cuộc đời một đứa trẻ.
* * *
Không một trường nào nhận thằng Lành vào học, vì đã thi học kỳ 1 xong, vì trái tuyến, không có hộ khẩu tại địa phương, và vì nó bị gắn nhãn hạnh kiểm yếu. Có một trường tư thục nội trú tiêu chuẩn quốc tế (theo quảng cáo) trên thành phố chịu nhận nó vào học, mỗi tháng phải đóng 450 USD các khoản, gấp 3 lần tiền đi làm mướn hàng tháng của chị. Chị đành đầu hàng, chịu thua ngay từ trước “vòng gửi xe”. Chị nói với con: 
-Phúc phận mẹ con mình có vậy thôi. Nếu con thương mẹ, thương lấy bản thân con, thì con phải nghe lời mẹ.
-Vâng.
-Con ráng học lấy một nghề, nghề gì cũng được: sửa xe gắn máy, lái xe, thợ mộc, thợ xây, thợ hớt tóc… 
-Vâng.
-Con phải tìm bạn tốt mà chơi.
-Vâng.
-Con không được đua đòi, tuyệt đối phải tránh xa cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách.
-Vâng.
-Phải siêng năng tham dự thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện.
-Vâng.
-Không được bỏ các buổi học giáo lý, bỏ các buổi sinh hoạt thiếu nhi Thánh Thể.
-Vâng.
Tất cả lời khuyên của mẹ, thằng Lành đều “vâng”. Nó “vâng” thật tâm, thật tình; vì nó thương mẹ quá, thương thật tâm, thật tình. Nó khóc. Chị Hiền vỗ về nó:
-Mẹ pha cho con ly nước đá chanh, nhé! Mẹ không đòi hỏi con làm được những việc lớn lao đâu, chỉ mong con trở thành một con người lương thiện bình thường.
Thằng Lành khát khao, vẽ tương lai:
-Mẹ biết không? Bill Gates bỏ học, sau thành người giàu nhất thế giới. Hay như ông giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Trân, ở ngoài đầu kênh, cũng học hành dở dang. Vậy mà các cử nhân, thạc sĩ đến phỏng vấn xin việc, ông ấy quay cho như quay dế… Mẹ yên tâm, con sẽ nên người, mẹ ạ!
* * *
Chị Hiền lầm. Chị không biết rằng: Nước tìm đến nước, lửa tìm đến lửa, tuổi trẻ tìm tuổi trẻ. Những đứa bị đuổi học, bị dán nhãn, bị xã hội ruồng bỏ tìm đến nhau. Cả băng tám đứa, bốn trai bốn gái, đứa nào cũng có tâm sự u uất: con nuôi, bố mẹ li dị, mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, dì ghẻ, dương ghẻ đày đọa… Đứa nào cũng có nỗi buồn riêng, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm: bỏ học. Để giải buồn, những con ngựa non háu đá cần đến những cảm giác mạnh, tập tành những thói hư tật xấu của thời đại: bia bọt rồi rượu, trai gái thì sẵn đấy, thuốc lá rồi cỏ (cần sa) rồi đá (ma túy), vé số kiến thiết rồi số đề rồi cá độ bóng đá. Chị không biết rằng: Ý chí và bản lãnh của thằng Lành chỉ như một chiếc lá non sâu đục chết khô, làm sao chống chọi được những cơn bão lốc hung hãn kia? 
Từ khi biết nói tới khi 16 tuổi, thằng Lành chưa hề nói dối mẹ một câu, chưa hề lấy của mẹ một đồng mà không hỏi xin. Nhưng từ ngày bỏ nhà đi hoang ngoài phố chợ, một tuần, nửa tháng nó về nhà một lần. Nó nói dối lem lẻm, nói dối không biết ngượng. Chị mất niềm tin vào đứa con duy nhất của chị. Nó ăn cắp tiền của chị, cạy tủ lấy đồ tế nhuyễn của chi, lấy bất cứ thứ gì có thể bán được. Chị vẫn thương con hết lòng, nên cam chịu. Nhưng khi nó lấy cắp đôi chân đèn và lư hương của ông bà để lại, rồi bỏ nhà đi hơn một tháng không về thì tất cả hy vọng của chị trở thành tuyệt vọng. Chị nghĩ: “Chỉ có cái chết hoặc một phép lạ mới cứu được nó thôi”.
Một buổi chiều trời nắng sắp tàn, thằng Lành loạng quạng mò về nhà. Nó đổ tấm thân gầy guộc, héo quắt của nó xuống bậu cửa. Chị Hiền bồng nó đặt lên giường. Chị có cảm giác thấy nó nhẹ tênh như ngày nó còn bé. Nhưng nó nặng làm sao khi vùng vằng, giãy giụa, la hét, gào thét:
-Trời ơi! Sao tôi lại khổ thế này? Tại sao? Tại sao?
Chị Hiền rớm nước mắt. Thằng Lành rên khừ khừ như một con mèo ốm:
-Tại thằng thầy giáo Vẻ ngu dốt, hèn hạ; tại thằng bố khốn nạn của tôi bỏ rơi tôi…
Nó ngồi chồm lên, té xuống rồi lại chồm lên, chỉ tay vào mặt chị Hiền:
-Tại bà tất. Bà hiền ư? Hiền quá hóa ngu thì có. Tại sao bà để cho thằng chồng bà bán ruộng theo gái? Tại sao bà không giữ được chồng cho bà, giữ được cha cho tôi? Tại sao bà nghèo? 
Những vết thương lòng của chị vỡ ra toang hoác. Năm 18 tuổi, đã biết gì, chị trở lại đạo để lấy anh. Anh là giáo viên cấp một, lại làm trùm khu trong họ đạo. Bốn năm sau, chị sinh được thằng cu Lành. Chị chưa bao giờ làm buồn lòng anh điều gì, chưa hề có một câu nói xúc phạm tới anh. Cho đến một hôm, anh đi nhậu sơ kết học kì một về, bắt chị phải phục vụ anh theo kiểu trong những phim ảnh xấu. Không làm được theo ý anh, chị bị anh mắng chửi. Chị khóc: “Em là vợ anh, chứ có phải một con đĩ đâu?” Anh tự ái: “Vậy cô xếp tôi vào loại dâm đãng, một thằng ma cô đàng điếm à?” Hai người cãi nhau, anh giận, bỏ đi, ở nhà tập thể nhà trường. Hai tháng sau, anh về xin lỗi chị. Chị mừng lắm. Anh bàn với chị bán một mẫu rưỡi ruộng, là tất cả tài sản mẹ chị để lại cho chị, để lấy vốn làm ăn. Được 40 cây vàng, anh ôm đi hết, bỏ vợ cái con cột, đi xây tổ uyên ương với một cô giáo cùng trường. Chị phải cất một túp lều ở một góc vườn của người dì, lấy chỗ hai mẹ con tránh nắng, tránh mưa; phải đi làm thuê làm mướn bất cứ công việc gì có thể để nuôi con. Chị như con gà mẹ nuôi con nhỏ, năm tháng lầm lũi trong nắng trong mưa, tìm mồi dang cánh nuôi nấng chở che cho con. Nhưng con chị phải bỏ học, theo bọn xấu đi hoang. Giờ thì tất cả đã muộn. Nước mắt chị chảy ròng ròng…
Đôi mắt thằng Lành long lên sòng sọc. Nó nghiến răng ken két:
-Tôi không bao giờ tha thứ cho bà. Tại sao bà lại đẻ ra tôi? Tại sao? Tôi, tao giết mày.
Buồn, đau, sợ, chị Hiền chạy ra bờ ao. Trời đã gần tối, chị thấy đám gà con đang lích rích tranh nhau mổ đầu con gà mẹ đã chết. Lòng chị đau quặn thắt. Như một cái xác không hồn, chị trừng mắt nhìn sâu vào bóng đêm nhá nhem đang xuống, rồi cúi nhìn con gà chết. Đầu con gà mái trụi lủi, bê bết máu, không còn một sợi lông, cả hai con mắt lòi ra. Chị thấy thương con gà quá, và cũng thương thân xót phận mình nữa. Chị nấc lên, nghẹn ngào. Không biết chị nói với con gà hay với chính chị:
-Đáng đời mày! Ai bảo mày là mẹ?!!!
—————
lãongu (theo chế HU)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons