HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

RƯỢU NGUY HIỂM !!!





1. Rượu nguy hại hơn cannabis, hơn độc dược !

Rượu là loại ma tuý nguy hiểm hơn cannabis, hủy diệt nhiều hơn độc dược. Đã vậy rượu lại được nhiều thế lực chính quyền và tư bản quảng cáo, bênh vực và sản xuất. Trong văn kiện mang tiêu đề ‘Các vấn đề rượu, Giáo Hội và xã hội’ (Problèmes d’alcool, Église et Société, 1999)

 Ủy Ban Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Pháp đã khẳng định: “Giáo Hội tố cáo mọi đồng lõa của xã hội trong việc ‘vận động uống  rượu’ (alcoolisation). Đối diện với hiện tượng mỗi ngày một trầm trong (mỗi năm có 40.000 người chết vì rượu), Giáo Hội mời gọi mỗi người nhận định lại những suy nghĩ và cách sống của mình trong ‘vấn đề uống rượu’. “Rượu làm phấn khởi lòng người” (Tv 104,15). 

Giáo Hội Công Giáo không có chối bỏ câu trên đây của Thánh Kinh, nhưng từ nay, Giáo Hội liệt kê rượu vào số những ma tuý nguy hiểm. Không ai chối cãi: việc dùng rượu có thể tạo nên bầu khí sum tụ và giải trí, hoan lạc vị giác và niềm khoan khoái nhẹ nhàng, dễ dàng hài hoà với những tương quan xã hội. 

Nhưng xin đừng lẫn lộn với ‘việc uống rượu quá đà’ thường xẩy ra mà tiêu biểu là ‘đời sống nghiện ngập’. Một khi khoái lạc trở thành nhu cầu, khi người ta mất hết tự do quyềt định, thì rượu trở thành ma tuý nguy hiểm, có thể là nguyên nhân nhiều chứng bệnh nguy hiểm: suy nhược,  xao xuyến, tâm bệnh, thác loạn tinh thần, ung thư gan, dạ dầy… 

Giáo Hội quyết chí dấn thân vào trận chiến ‘chống nạn nghiện rượu’. Đây là một việc làm khó khăn, vì phải đối đầu với những ‘tổ chức quảng cáo và sản xuất rượu có thế lực về quyền hành và tiền bạc’. Trong xã hội hiện nay, việc sản xuất, buôn bán hay tiêu thụ rượu được hưởng nhiều quyền lợi, có nhiều thương trường rộng lớn, thu nhập tiền bạc khổng lồ. 

Đã đến lúc phải cân nhắc lợi hại…“Rượu đã được tiêu thụ lâu đời và với một mức độ mạnh là một độc tố rõ ràng nguy hiểm hơn cannabis, và thực sự huỷ hoại hơn độc dược. Hậu quả nặng của nạn nghiện nề hơn nạn nghiện thuốc lá”. Hơn thế quốc gia phải trả giá đắt về rượu hơn là lợi nhuận do rượu đem lại. Điếu ai cũng biết, nước Pháp tiêu thụ rượu nhiều nhất trong các nước thuộc khối Âu châu (Năm 1991 cho biết mỗi người dân uống 17,8 lít một năm). Trong bối cảnh hiện nay, Uỷ Ban Giám Mục lưu ý công luận và cách riêng các cộng đoàn kitô ‘về sức phá hoại nặng nề của rượu, về sự thất bại của việc đề phòng, giáo dục và điều trị nạn nghiện rượu. Ủy ban mong muốn: có một quy luật nghiêm khắc đối với những người lái xe trong tình trạng say sưa. Trên 40% những trường hợp tự tử là do uống rượu quá đà.

2. Quan tâm đặc biệt đến giới trẻ.

Năm 1994, chính phủ Balladur đã ra luật hạn chế việc quảng cáo rượu và thuốc lá, hạn chế các quán bán rượu. Tuy nhiên ra luật là một chuyện còn phải quan tâm theo dõi và kiểm soát.. Bằng chứng là ngay sau khi có luật, đã xuất hiện ‘việc bán rượu tự do cho giới trẻ trong các trung tâm quảng cáo những sản phẩm ‘lên-men mới’ trên thương trường dành cho giới trẻ: bia với độ mạnh, rượu mạnh pha vào coca-cola. Đây không phải là vấn đề làm cho rượu thành xấu (illicite), nhưng điều khẩn trương là phải bảo vệ những người có cơ thể yếu, dùng những ‘loại bia hay nước ngọt pha như vậy’ chày kíp sẽ lâm vào tình trạng nghiện ngập.

Tại đâu người ta dễ rơi vào tình trạng uống rượu quá đáng như vậy?  Phải chăng họ đã vượt quá giới hạn của họ, rơi vào ảo tưởng về tự do, muốn lập lại sự hài hòa với thế giới và với người khác, sự hài hòa đã bị mất hay không được biết đến! Phải chăng đó là cách thế thắng vượt cảnh cô đơn, tính nhút nhát, thói mặc cảm, mất tự tín, vì mất ý nghĩa và lý do sống, và vì thiếu lý tưởng! Phải chăng đó là trạng thái không còn muốn suy tư hay cảm nghiệm gì nữa. Hay nữa, để chạy trốn những tình trạng mệt mỏi, xao xuyến, khắc khoải trước những khó khăn, những thất bại hay những rủi ro của đời sống. Đối với nhiều người, đó còn là sự thất đảm, không còn đủ nghị lực kháng cự lại bao nhiêu quyến dũ thường nhật, bao nhiêu chèn ép của xã hội… Tất cả dều kích thích phải uống rượu để quên đi…

Khoa tâm lý và đức bác ái Phúc Âm dạy chúng ta: Đừng khinh khi người nghiện rượu, phải luôn kính trọng họ, nếu có thể, gần gũi họ để lắng nghe họ. Thái độ cần có là làm cho họ nhận ra mình tín nhiệm họ. Cần nhắc nhở và giúp họ tìm lại sự tự do đã bị mất, đồng thời giúp họ phục hồi khả năng biết lựa chọn. Nhiều người vô gia cư (SDF) đã kể lại rằng ‘một chai rượu cầm tay, họ phải uống để quên đi họ là người đang uống”.

Giáo Hội không quy trách cho những người đã thành nghiện rượu, nhưng Giáo Hội nhấn mạnh đến mức độ xã hội phải nhất trí để tránh khỏi những thảm trạng rối loạn trật tự xã hội do vấn đề nghiện rượu gây nên. Ngoài những biện pháp cấm đoán, Giáo Hội mời gọi chính quyền quan tâm đặc biệt đến những biện pháp đề phòng, cách riêng trong các môi trường nghề nghiệp.

Giáo dục giới trẻ trong phạm vi này luôn là một ưu tiên. Các học đường là những địa điểm then chốt để chống lại chứng nghiện rươu. Cần cho học sinh ý thức đến những nguy cơ của việc uống rượu  thái quá và giúp họ uống vừa phải. Những người có trách nhiệm phải đến tận các trường giải thích trực tiếp cho học sinh. Bà Brigitte Chambolle chia sẻ với chúng ta một kinh nghiệm: “Tôi ước mong làm cho học sinh ý thức rằng mỗi khi chúng nói ‘chúng thích uống rượu’, thì một cách chung không phải là vị rượu mà chúng thích nhưng là cái hiệu quả chống sự xao xuyến, nỗi chán nản và cảm giác mê ly, ngây ngất… 

Điều hay đáng làm, là ngồi suy nghĩ với người trẻ về những cách thế xây dựng mà họ có thể thực hiện để tránh xa hay thay đổi và làm chủ những biến cố tiêu cực của đời sống, như buồn tẻ, thao thức, nản chí, thất vọng… Bởi lẽ, rượu không đặt ra nhiều vấn đề nếu người ta không coi nó như một chất liệu duy nhất có khả năng giúp chịu đựng mọi ‘cảnh huống buồn thảm’ của cuộc đời”.

Đương nhiên cần có những nhà giáo dục biết nhẫn nại lắng nghe và tìm hiểu giới trẻ. Nói nhiều, nói mau, độc quyền lời nói không có lợi gì đâu! Giáo Hội mời gọi những người thiện chí hãy dấn thân chống lại ‘nạn nghiện rượu đang làm thiệt hại xã hội chúng ta, cách riêng giới trẻ, tương lai của gia đình, Giáo Hội và xã hội.

3. Cần tránh những ý tưởng sai lạc về rượu.

Khi uống rượu, người ta sẽ không khát nước nữa. Không phải thế. Hiệu quả đầu tiên là thoải mái, trái lại rượu làm mất chất nước trong người (déshydrate), vì ‘tiểu tiện nhiều hơn’. Hơn thế sau khi uống thái quá, sự kiện làm mất chất nước sẽ đưa tới hiệu quả ‘nặng đầu và khô miệng’ (gueule de bois).

Rượu làm tăng sức khoẻ. Không! Lúc đầu, rượu làm cho người ta có cảm giác khoẻ mạnh. Nhưng lại mau làm mất sức. Như vậy thật nguy hiểm.

Rượu sưởi ấm : Đó là một cảm giác nhiệt phát ra trong mạch máu dưới làn da. Thực ra nhiệt độ của thân thể giảm bớt đi 1/2 độ khi uống 50ram rượu. Cảm giác nhiệt có thể che đạy  sự suy giảm nhiệt độ và kéo theo những vấn đề trầm trọng hơn khi trời lạnh.

Nếu pha với nước, rượu uống vào sẽ vô hại: Pha nước vào rượu có thể làm giảm nồng độ và mùi vị của rượu và do đó dễ uống hơn, nhưng không thay đổi lượng rượu đã uống.

Rượu làm tăng thêm phản xạ: Hoàn toàn sai. Ngay từ lúc uống rượu các khả năng phản ứng đã giảm bớt và thay đổi.  Với lượng rượu 0,80ram khoảng cách hãm xe đang chạy 100/km giờ đã tăng lên 14 mét. Hơn thế, tay chân khuờ khuạng không phản ứng và mắt nhìn bị rối loạn có thể là nguyên nhân gây nhiều tai nạn xa lộ trầm trọng.

Rượu không làm béo phì: Mỗi ram rượu mang 7 lượng nhiệt (calories). Mỗi ly rượu có chừng 100 lượng nhiệt. Hơn thế lượng nhiệt thường chất chứa mỡ xấu trong mạch máu.

Phái nam uống rượu được nhiều hơn phái nữ: Có một phần đúng, nhưng phải phân biệt: Cũng một lượng rượu (quantité d’alcool) nhưng chất rượu hòa trong máu (alcoolémie) lại khác nhau tuỳ theo từng cá nhân, không phân biệt nam hay nữ. Nhiều yếu tố làm gia tăng mức độ nghiện rượu, làm giảm bớt mức độ thải trừ của gan và thận, làm mất dần khẩu vị… Nam hay nữ, một khi đã say rượu hay nghiện rượu, cách sống (lời nói, cử chỉ, suy nghĩ, hành động) không còn bình thường nữa (1).

Du Sinh - giaoxuvnparis

--------------------------

(1) viết theo báo La Liberté, 25.03.1999 tr.3-4 (Auxerre).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons