Chương trình của năm thứ ba chuẩn bị mừng Kim khánh thành lập Giáo Phận Xuân Lộc, trong tinh thần của Năm Đức Tin được gói ghém trong đề tài “GIA ĐÌNH VÀ GIÁO XỨ SỐNG ĐỨC TIN TRONG HIỆP THÔNG VÀ BÁC ÁI”.
Có ba yếu tố trong đề tài này cần được suy tư để đưa ra những áp dụng cụ thể cho chương trình và hành động mục vụ: 1) Tương quan giữa Đức Tin và Đức Ái (Hiệp Thông – Bác Ái); 2) Ý nghĩa của Hiệp Thông; 3) Ý nghĩa của Bác Ái. Trong bài dẫn nhập này, con xin được trình bày 2 yếu tố đầu. Yếu tố thứ ba con sẽ trình bày trong phần dẫn nhập thứ hai.
I. Tương quan giữa Đức Tin và Đức Ái
Về tương quan giữa Đức Tin và Đức Ái, Tự sắc “Porta Fidei” đã dành cả số 14 để cắt nghĩa và ta có thể trích lại mấy câu chính yếu sau đây: “Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái... ‘Đức tin, nếu không có việc làm đi kèm, thì tự nó là đức tin chết…’ (Gc 2,14-18). Đức Tin không có Đức Ái thì không mang lại thành quả và Đức Ái không có Đức Tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức Tin và Đức Ái cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình.” (PF, số 14).
1. Để hiểu rõ hơn mối tương quan này, cần phải chú ý vào mục đích của Năm Đức Tin là nhắm đến một cuộc trở lại chân thật với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (x. PF 6) để tìm lại được niềm vui và lòng hứng khởi vì được biết Chúa và được gặp Chúa (x. PF 2). Như vậy, Đức Tin không phải chỉ là “tin là có Chúa”, mà còn là “tin vào Chúa”. Đức Tin không chỉ giới hạn trong việc hiểu biết có tính cách trí thức về Chúa mà còn là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa và khám phá ra là Chúa yêu thương quá độ “đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ..” (Ga 3,16-19).
2. Đứng trước hành động đầy yêu thương của Chúa, con người cần phải đáp trả, cũng bằng một hành động tình yêu. Như vậy, để thấy sự khác biệt và, đồng thời, sự liên hệ giữa Đức Tin và Đức Ái, ta cần để ý đến thực chất và dấu nhấn của hai đức này. Đức Tin và Đức Ái đều là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, và cốt tủy của cả hai đức đều là tình yêu, nhưng trong khi Đức Tin thì đ8ạt dấu nhấn vào hành động trao ban của Thiên Chúa, còn Đức Ái thì đặt dấn nhấn vào hành động đáp trả của con người. Tuy dấu nhấn có khác nhau, nhưng trong thực chất cả hai đức đều là hành động tình yêu và chúng gắn chặt lấy nhau như mặt sấp và mặt ngửa của cùng một bàn tay. Cũng chính vì vậy, Đức Thánh Cha có thể nói là “Đức Tin và Đức Ái cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình.” (PF 14)” và mục đích của Năm Đức Tin là “tìm lại niềm vui và lòng hứng khởi vì được biết Chúa và được gặp Chúa” (x. PF 2)
3. Liên hệ giữa “hiệp thông – bác ái” và Đức Tin: đây cũng chính là liên hệ giữa Đức Tin và Đức Ái vì “Hiệp Thông” và “Bác Ái” là những diễn tả cụ thể của Đức Ái. Như vậy, trong nỗ lực canh tân đời sống Đức Tin, sống trong hiêp thông và bác ái không phải là hành động tùy tiện, có cũng được, không có cũng không sao, nhưng chúng là một nhu cầu thiết yếu của chương trình canh tân và sống Đức Tin.
II. HIỆP THÔNG
1. Ý nghĩa của từ “Hiệp thông”
Từ “Hiệp thông” tiếng Việt dịch từ tiếng Latinh “Communio” hay tiếng Hy Lạp “Koinonía”. Trải qua các thời đại lịch sử, từ Cựu Ước, qua Tân Ước, các Thánh Giáo Phụ, Công đồng Vaticanô II và Thượng Hội Đồng Giám Mục 1985, ý nghĩa của từ “Hiệp thông” đã được thêm thắt phong phú. Ở đây chỉ ghi lại đây một vài yếu tố của từ ngữ này để từ đó đưa ra một số đề nghị áp dụng cho cuộc sống đạo trong giáo xứ và trong các gia đình.
a) Hiệp thông chỉ mối tương quan mật thiết của các tín hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Mối tương quan giữa các tín hữu với Thiên Chúa bắt nguồn và được đặt nền tảng trên chính sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
b) Hiệp thông nói lên mối tương quan bằng hữu với nhau giữa các tín hữu, diễn tả qua sự chia sẻ, thông phần với nhau, giúp đỡ và trợ lực lẫn nhau.
c) Tương quan hiệp thông giữa các tín hữu với nhau phát xuất từ tương quan mật thiết của mỗi tín hữu với Chúa Kitô, qua đó, mỗi tín hữu không còn thuộc về mình, mà thuộc về Chúa Kitô, như cành nho được sáp nhập vào thân cây nho. Nhờ đó, tương quan hiệp thông giữa các tín hữu, một đàng làm cho các tương quan bạn hữu hay máu mủ ruột thịt được trong sáng, tươi đẹp và phong phú hơn, đàng khác cũng vươn lên trên các tương quan tự nhiên đó.
d) Tội lỗi đã phá vỡ sự hiệp thông của các tín hữu với Thiên Chúa và với nhau. Nhưng Thiên Chúa đã ban Con của Ngài là Đức Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình để xóa tội trần gian và cấu tạo lại sư hiệp thông.
e) Dưới ánh sáng của tội lỗi và ơn cứu độ, sự hiệp thông được thực hiện và thăng tiến qua việc ăn năn hối cải, thông cảm, tha thứ và chấp nhận nhau trong sự bất toàn.
2. Đề nghị áp dụng để suy tư và chia sẻ nhóm
a) Tình hiệp thông giữa anh em linh mục
- Thực tại của tình hiệp thông giữa anh em linh mục thế nào trong giáo hạt?
- Những thể hiện đáng khích lệ và những khó khăn.
- Đề nghị cụ thể để thăng tiến.
b) Tình hiệp thông trong giáo xứ
- Lượng định chung về bầu khí hiệp thông trong giáo xứ.
- Lượng định cụ thể về tình hiệp thông giữa các thành phần trong giáo xứ: thực tại, lý do, đề nghị, gợi ý để thăng tiến.
c) Tình hiệp thông trong các gia đình của giáo xứ
- Lượng định chung về bầu khí hiệp thông của các gia đình trong giáo xứ.
- Những gia đình đang gặp khó khăn về hiệp thông trong gia đình: bao nhiêu gia đình? Những lý do cụ thể của tình trạng này? Giáo xứ, đặc biệt cha xứ, cha phó, có thể làm gì để hỗ trợ cho những gia đình này tìm lại sự hiệp thông?
III. BÁC ÁI
1. Ý nghĩa của từ “Bác ái”
Từ “Bác ái” tiếng Việt dịch từ tiếng latinh “caritas” và tiếng hy lạp “agàpe”. Thực ra, từ latinh “caritas” hay từ hy lạp “agàpe” cũng còn được dịch sang tiếng Việt bằng từ “Đức ái”, “Đức Bác ái”, “Đức mến”, “Tình yêu”: “Deus caritas est” (1 Ga 4,16). Tiếng Việt dịch: “Thiên Chúa là tình yêu”. Điều này có nghĩa là từ “caritas” có nhiều ý nghĩa rất phong phú, cần phải được diễn tả qua nhiều từ khác nhau. Sau đây, chúng ta sẽ kê khai ra một số ý nghĩa cần thiết cho việc suy tư áp dụng cho đời sống đức tin của các tín hữu.
a) Ý nghĩa chung
- Từ “caritas” chỉ một thứ tình cảm gắn liền với sự phán đoán về giá trị của một người, làm phát sinh ra sự cảm phục và lòng ước muốn được gần gũi và được liên đới, kèm theo một thứ tình cảm quí mến.
- Như vậy, trong “caritas” có 3 yếu tố: lý trí (ý thức về giá trị); ý chí (cảm phục và ước muốn được có); tình cảm (quí mến). Tuy nhiên, dấu nhấn nằm ở yếu tố lý trí và ý chí: trân trọng một người vì đức tính và tư cách của người đó nên trợ giúp, phục vụ và trung thành với người đó.
- Trong những diễn tả mạnh hơn, “caritas” diễn tả thái độ thương yêu dẫn đến quyết định dâng tặng và hiến thân vì người mình thương mến, trong tâm tình biết ơn. Ở đây chúng ta có thể nhắc đến cuốn tiểu thuyết của Pearl Buck kể truyện một nhà truyền giáo bên Trung Quốc, đã cứu sống một cô gái và cô này, để đền ơn cứu mạng đã quyết định “dâng hiến” cuộc đời cho nhà truyền giáo và nhất định theo nhà truyền giáo để phục vụ và hầu hạ.
- Tương quan giữa những người khác nhau và không cùng một cấp bậc với nhau: trong khi tình bạn là tương quan tình nghĩa giữa những người ngang hàng với nhau, “caritas” kết nối những người không ngang hàng nhau, khác nhau về cấp bậc và điều kiện sống. Người dưới đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ của người trên, với lòng biết ơn và trân trọng; người trên không quản ngại sự khác biệt, mà hạ mình xuống ngang hàng với người dưới để tỏ lòng yêu mến và trợ giúp người dưới.
b) Theo đức tin kitô
Trong ánh sáng của đức tin kitô, “caritas” mang theo những yếu tố đặc biệt làm cho ý nghĩa của “caritas” được dồi dào, phong phú thêm bội phần.
- “Caritas” là thứ tình yêu phát xuất từ chính Thiên Chúa (1Ga 4,7), được ban cho người tín hữu qua Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần để nhờ đó, người tín hữu có khả năng yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân (1Ga 4,11-19). “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4,10).
- Tình yêu cứu độ nối kết người tín hữu với Chúa Kitô trong mối tương quan thân thiết đến độ người tín hữu được đồng hóa với Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người.
- Trong viễn tượng của tình yêu cứu độ, “caritas” mang một số sắc thái thiết yếu như sau:
· Tình yêu đối với tha nhân, để có thể là tình yêu chân thực, phải múc nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa và trong khi được diễn tả cũng làm lan tỏa ra tình yêu của Thiên Chúa;
· Tình yêu đối với tha nhân có một chuẩn mực mới, đó là tình yêu của Chúa Kitô: “Đây là giới răn mới: chúng con hãy yêu thương nhau như Cha đã yêu thương chúng con” (Ga 13,34). Đây là thứ tình yêu dâng hiến nhưng không, vô điều kiện và phổ quát, bao gồm mọi người không giới hạn;
· Tình yêu biết quan tâm đặc biệt tới những người yếu kém: những người đói khát, bệnh tật, trần truồng, bị ruồng bỏ, v.v. vì chính Chúa đã đồng hóa mình với những người rốt cùng này (Mt 25,35-40). Trong chiều hướng này, từ “caritas” được dùng để chỉ những hành động tình yêu của người tín hữu Chúa Kitô đối với những người đói nghèo, bệnh tật, đau khổ, v.v. Từ tiếng Việt được dùng trong trường hợp này là “bác ái” không có chữ “đức”.
- Tóm lại, từ latinh “caritas” hay hy lạp “agàpe” có hai ý nghĩa chính yếu:
· Tình yêu của người tín hữu, phát xuất từ chính tình yêu của Thiên Chúa, nhờ đó người tín hữu có thể yêu mến chính Thiên Chúa và yêu mến mọi người nói chung. Tình yêu trong trường hợp này, được gọi là “Đức Ái” hay “Đức Bác Ái”, “Đức Mến”.
· Tình yêu của người tín hữu, phát xuất từ chính tình yêu của Thiên Chúa, nhờ đó người tín hữu thương yêu những người hèn yếu, bé mọn. Tình yêu trong trường hợp này, được gọi là “Bác Ái”. Đây chính là thứ tình yêu được nói đến trong chương trình mục vụ “Gia đình & Giáo Xứ Sống Đức Tin trong hiệp thông và bác ái”
2. Đề nghị áp dụng để suy tư và chia sẻ nhóm
a) Tinh thần bác ái nơi anh em linh mục
- Đã có sự quan tâm và sự quan tâm phổ quát đối với những người nghèo, người đau khổ, v.v. chưa?
- Đã có sự nhậy bén đối với những anh em linh mục gặp khó khăn và đau khổ?
- Đề nghị cụ thể để khích lệ và thăng tiến.
b) Tinh thần bác ái trong giáo xứ
- Lượng định chung về tinh thần bác ái trong giáo xứ.
- Việc bác ái chiếm vị thế nào trong chương trình mục vụ của giáo xứ và trong chương trình giáo lý?
- Có những loại người nào trong giáo xứ cần phải được coi là đối tượng của việc bác ái?
- “Thương người có 14 mối…”. Trong hoàn cảnh hiện nay, có những loại người mới nào cần phải được thêm vào kinh “Thương người…”?
- Nên có những sinh hoạt mục vụ nào để làm thăng tiến tinh thần và hoạt động bác ái?
c) Tinh thần bác ái và gia đình
- Có gia đình nào trong giáo xứ cần được coi là đối tượng của hoạt động bác ái của giáo xứ?
- Nên có những sinh hoạt nào để khơi lên tinh thần bác ái nơi các gia đình?
Trích bài chia sẻ của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo
THƯỜNG HUẤN LINH MỤC XUÂN LỘC
26-2-2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét