Gia đình là nền tảng vững chắc và căn bản cho cuộc sống mỗi người. Vì sinh ra, lớn lên vào đời... đều phát xuất từ gia đình. Quan trọng và cần thiết hơn, chính trong gia đình là nơi trao truyền đức tin cho con cái.
Mười tấm gương sống động trong muôn ngàn dưới đây chứng minh lập luận trên. Như Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nói : ‘‘Con người ngày nay không muốn nghe những vị giảng thuyết, nhưng muốn nghe những chứng nhân’’
1. Vào lễ Phục sinh 2007, một phụ nữ Đài Loan, cô Xu-Song Re-Ai, 114 tuổi, đã nhận lãnh phép rửa tội tại nhà thờ chính tòa giáo phận Hsing-Chu. Đức Cha Luke Liu-Hsien-Tang đã đổ nước trên đầu cô, gữa tiếng kinh hát hoan hô chào mừng của giáo dân. Vì đây là phụ nữ cao niên nhất, từ gia đình nông dân gia nhập Giáo Hội. Ông Wang Tong Min, thành viên Hội Đồng Mục Vụ và phụ trách báo chí giáo phận phát biểu : Cô Xu-Song chưa bao giờ lập gia đình, còn minh mẫn và năng động. Cô nhận bí tích rửa tội sẽ khích lệ nhiều gia đình và cổ võ cho việc truyền bá Tin Mừng và công tác mục vụ gia đình. Được biết, cô là người cuối trong gia đình được ơn trở lại. (Fides, 3-2007. DCÂC. 296, 6-207, tr. 15)
2. Ông Francis J. Beckwich, chủ tịch Hội Thần Học Tin Lành Hoa Kỳ, phó viện trưởng và giáo sư thần học đại học Baylor, Texas, vừa quyết định trở lại đạo Công Giáo, đã gây phản ứng và tranh cãi trong giới Tin Lành tại Hoa Kỳ. Ngày 5-5-2007, sau khi rửa tội được một tuần ông đã từ chức các chức vụ và trường đại học. Trả lời phỏng vấn, ông cho biết ông đã đọc các tác phẩm của các Nghị Phụ Công Giáo, và dần dần ông thấy gần với thần học Công Giáo nhiều hơn. Ông chuyên dạy về triết học Kitô giáo, luân lý xã hội, các vấn đề Giáo Hội và nhà nước. Ông còn nổi tiếng về chống phá thai. Giáo sư Beckwich sinh trong gia đình Công Giáo, khi trưởng thành đã bỏ sang Tin Lành, và theo học thần học Tin Lành. Ngày 28-4-2007, tại nhà thờ thánh Giuse tại Bellmead, Waco Texas, ông gia nhập Giáo Hội Công giáo. Nhân dịp này, bà vợ ông từ nhỏ là Tin Lành cũng được chấp nhận học như tân tòng. (DCÂC. 296, 6-207, tr. 17)
3. Chị Ginetta Calliri, (Ý, Trento, 1918-2001) người đầu tiên trong phong trào Focolari được mở hồ sơ xin phong chân phước. Chị Ginetta Calliri sinh 15-1-1918, tại Trento, Ý, trong gia đình có niềm tin sâu xa của song thân. Chị Calliri đã gặp chị Chiara Lubich, người sáng lập Focolari và hai người cùng chia sẻ những thăng trầm của Focolari khi mới thành lập. Chị Calliri qua sinh sống và lập phong trào này ở Brésil hơn 40 năm ở Sao Paolo, và qua đời tại đây, 8-3-2001. Lễ mở hồ sơ phong thánh được cử hành 8-3-2007, tại nhà thờ chính tòa Osasco, Sao Paolo. Trong bài giảng, Đức cha Joano Braz de Aviz, TGM giáo phận thủ đô Brésillia nói : Chị Calliri là người con trong gia đình gương mẫu đức tin. Điều đánh động tôi nhất trong chứng tá của chị Ginetta là lời nói và việc làm phù hợp với nhau, không hề có sự kiện ‘‘nói một đàng làm một nẻo’’. Tôi cũng cảm kích về lòng gắn bó của chị với chúa Giêsu bị bỏ rơi và bị đóng đinh. Chúa Giêsu là trung tâm của đời sống Focolari. Phong trào thành lập từ 1943, hoạt động tại 182 quốc gia, với hàng triệu thành viên. Trong đó có 20.000 linh mục, phó tế, và 5.000 chủng sinh. ở Brésil có 300.000 thành viên. (Zenit 15-3-2007. GXVN 233, 5-2007, tr. 29)
4. Thời đế quốc Roma, vua Juliano, trong hai năm đã làm hết cách để tiêu diệt Đạo Công Giáo, nhưng không thành công. Ông đã đem lý do này ra hỏi nhà hiền triết. Nhà hiền triết trả lời : Nhà vua không triệt hạ được Đạo Công Giáo đâu. Vì Đạo Công Giáo có những bà mẹ can đảm phi thường về giáo dục gia đình. (TTĐM. số 345 & 346, 9 &10, 2006, tr. 23)
5. Bà Phanxica, sinh năm 1384, vợ hiền của ông Laurenso. Và là mẹ đảm đang của 3 người con : Baptiste, Evangeliste và Anne. Bà giáo dục các con thực thi bác ái giúp những người nghèo, bệnh tật và nghèo đói. Khi chồng qua đời, là lúc các con khôn lớn. Phanxica đã lập ra ‘‘Tu Hội Bác Ái’’ phục vụ bênh đỡ người bị xã hội bỏ rơi. Bà qua đời năm 56 tuổi. (Bđd)
6. Hoàng hậu Blanche de Castille của Pháp, vào thế kỷ 13. Khi sinh hạ vua Louis, và khi giáo dục con, bà hay nói : Thà mẹ thấy con chết trước mặt mẹ, hơn là thấy con phạm tội trọng. Louis đã sống thánh thiện và trở thành thánh. Khi hoàng đế bị bao vây ở Rochelle, bà tổ chức cầu kinh Mân Côi trong cả nước Pháp. Vua đã thắng trận vẻ vang. (Bđd)
7. Mẹ thánh Maximilian Kolbe, bà Maria Dabrownska, sinh Raymond Maximilian Kolbe ngày 8-1-1894. Cả đời bà là chuỗi ngày cầu nguyện và gương sáng. Như lời anh họ Francis Langer thuật lại : Raymond Maximilian Kolbe có tâm tính giống hệt mẹ nó. Luôn tuơi cười, và cũng như bà, nó thích ở lại nhà thờ cầu nguyện. Mẹ tôi thường nói, nếu không thấy Maria, thì có một chỗ duy nhất có thể tìm thấy bà là vào nhà thờ. (Bđd)
8. Thánh Antonio de Sant’Anna Galvão (1739- 1822). Trong chuyến viếng thăm Brésil, lúc 9g30, ngày 11-5-2007, ĐGH Benedicto XVI, đã phong hiển thánh cho Chân Phước Antonio de Sant’Anna Galvão, tu sỹ dòng Phanxicô, tại quảng trường Campo de Marte, thành phố Sao Paulo. có 1 triệu người tham dự. ĐTC đề cao gương sáng của Thánh Galvao về tinh thần sẵn sàng phục vụ khi được yêu cầu. Vị linh hướng nổi tiếng. Ngài mang lại bình an cho mọi gia đình. Thực thi bác ái chữa nhiều người khỏi bệnh và nâng đỡ vật chất và trong tòa giải tội. ĐTC kêu gọi các gia đình quan tâm đến giáo dục công giáo, để cống hiến cho Giáo Hội nhiều thánh như vị thánh được tuyên phong hôm nay. (DCÂC. 296, 6-2007, tr. 34)
9. Thân mẫu của chị Lucia (Fatima) Chị Lucia đã kể trong Tự Thuật (Lucia raconte Fatima, năm 1937) về các chị, anh và mẹ mình : Lucia là con gái út trong gia đình, với 5 chị : Carolina và Gloria (ở mướn) Maria, Têrêsa, Anna, và một anh là Gioan. Nhà nghèo, nên chị lớn và anh trai phải giúp thân phụ cày cấy trồng trọt khu đất khô cằn sỏi đá. Hai chị khác làm nghề dệt vải hay thêu, phụ giúp kinh tế gia đình. Lucia 7 tuổi phải đi chăn cừu chung với 2 em con ông chú là Phanxicô và Jacinta. Lucia là em nhỏ nhất, nên được mẹ cưng chiều bồng bế luôn tay. Má thường ẵm trong lòng, và dạy đọc kinh Kính Mừng.
Má có tài nấu bếp, nên hay được mời nấu bếp cho các đám cưới, hay các tiệc trong gia đình trong khu xóm. Má dẫn các con đi theo, vui tiệc tới khuya mới về. Má còn có tài làm bánh ngọt, và đem tặng cho các buổi ca hát hay đại lễ trong xứ.
Trong nhà, má thường dạy giáo lý cho các con vào trưa, hay sau cơm chiều, mẹ con quây quần bên thúng hạt dẻ. Mẹ dạy dễ nhớ. Mới 6 tuổi, Lucia đã thuộc đủ kinh bổn để xưng tội lần đầu. Má đã dạy đầy đủ giáo lý để xưng tội, cha sở không cần dạy thêm. Lúc Lucia xưng tội, má đứng ngoài. Xưng xong, má ghé tai nói : Xưng tội con nói lớn quá. Người ta nghe hết thì sao. Má còn là ‘‘thầy lang’’, chạy hết làng trên xã dưới chữa bệnh cho mọi người. Dân chúng vừa nghèo lại hay bị bệnh thời khí.
Chiều Chúa nhật, các bạn trẻ trong xóm hay đến nhà, nghe mẹ dạy giáo lý. Mùa hè thì ở dưới bóng cây trước sân. Mùa Đông thì trong phòng làm việc. Giờ rảnh, má hay ngồi cửa sổ, tay cầm sách. Má nghiêm khắc hơn các dì. Người trong xóm nói về mẹ : Lời bà nói như trong sách Thánh, nên ai cũng vâng phục. Hay họ có nhận xét : Chỉ mình bà còn giá trị hơn sáu con gái của bà. (Fatima Hòa Bình & Tình Thương. tr. 93)
10. Ông Joseph Morin và bà Maria Anna, người Canada, năm 1991, kỷ niệm 70 năm hôn phối. Đến chúc mừng có 13 người con, 51 cháu và 47 chắt. Nhân ngày vui, cả ba thế hệ trong gia đình, cha mẹ, ông bà và con cháu phát biểu về đời sống Đức Tin :
Ông bà Morin thổ lộ tâm tình : Sở dĩ chúng tôi trung tín yêu nhau cho đến hôm nay, đó là nhờ Đức Tin và kinh nguyện mỗi ngày. Khi mới lấy nhau, chúng tôi phải lập nghiệp nơi vùng đất mới, khó khăn không ít. Nhà thờ xa, cả nhà đều đi lễ Chúa nhật, niềm vui, xóa hết mệt nhọc vất vả. Đối với chúng, hôn nhân quan trọng vì đó là bí tích mang lại ơn thánh để sống đời sống lứa đôi theo đúng chương trình Thiên Chúa. Ông Morin bật mí một bí quyết : không bao giờ tích chứa trong lòng hận thù. Không bao giờ lên giường ngủ với lòng giận giữ với bất cứ ai. Lòng tha thứ đem lại bình an và gia tăng tình yêu.
Ông bà Morin bày tỏ lòng thảo hiếu với công ơn sinh thành của ông bà thân sinh : Chúng tôi được diễm phúc có những bậc cha mẹ ngay chính, đạo đức, biết giáo dục con cái. Đến lượt chúng tôi, cố gắng thông truyền cho con cháu Đức Tin và Tình Yêu. Cửa nhà chúng tôi luôn mở rộng đón con cháu, chắt chit. Các cháu đã tìm nơi ông bà tình thương, lòng nhẫn nhục và trìu mến.
Người cháu gái, cô Marie France, tỏ lòng ngưỡng mộ ông bà mình là Joesph và Maria Morin : Ông bà chúng tôi để lại cho chúng tôi nhiều gương lành : lần chuỗi mỗi ngày, dự lễ Chúa nhật, lòng vị tha, lòng yêu thương, giữ vững Đức Tìn. Mỗi lần đến thăm, ông bà nhắc cầu nguyện, đừng bỏ lễ Chúa nhật. Đây là hai phương thế tuyệt hảo sống đẹp lòng Chúa và vượt khó khăn. (DCÂC. 296, 6-2007, tr. 50)
Trinh Nguyên (Gx Vietnamparis)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét