HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

NGƯỜI MẸ TRONG GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

Gia đình là tế bào đầu tiên, là nền tảng của xã hội và Giáo Hội. Ba phần tử cốt yếu trong gia đình là cha mẹ và con cái. Giữa cha mẹ, thì có thể nói mẹ như nền, mà cha là mái nhà. Ca dao Việt Nam đã nói lên tính cách quan trọng của người phụ nữ, như : "Phúc đức tại mẫu". Hay " Con khôn tại mẹ, cháu hư tại bà ". Trong thực tế, thì người cha lo vật chất, lo cơm ăn áo mặc. Người mẹ lo giáo dục cho con nên người đạo hạnh và giữ nề nếp gia phong.


Người phụ nữ trong gia đinh công giáo mang một ý nghĩa cao qúi hơn khi tìm hiểu rõ về mục đích hôn nhân : "Hai bên sẽ nên một về sinh lý, tâm lý, xã hội, và đạo đức. Kết quả là một tổ chức vững chắc không phải tự ý riêng của đôi bên, nhưng theo ý định của Thiên Chúa. Tổ chức này có nhiều mục đích và mưu ích không những cho đôi bên mà còn cho gia đình và xã hội nữa" (Hc. Vui Mừng và Hy Vọng. số 48, 53*).

Căn cứ vào đạo giáo Việt Nam và giáo huấn của Giáo Hội trên, dưới đây xin khai triển về "Người mẹ trong gia đình công giáo".

MONG MUỐN CỦA GIÁO HỘI

Thiên Chúa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. "Bởi đó, vợ chồng kitô hữu được củng cố và như một thánh hiến bằng một bí tích riêng để lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình họ. Nhờ đó, tất cả đời sống họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến và càng ngày họ càng gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau" (Hc. Vui Mừng và Hy Vọng. 48).

Trong phần lời nguyện tạ ơn của lễ hôn phối, chủ sự cất cao lời cầu cho người vợ : “Lạy Cha chí thánh, cha đã tác tạo con người giống hình ảnh Cha và dựng nên có nam có nữ, lại phối hợp cả hai nên một về tinh thần cũng như thể xác, để vợ chồng cùng nhau chu toàn nhiệm vụ trần gian. Lạy Cha là Thiên Chúa hằng hữu, để mặc khải chương trình yêu thương của Cha, Cha đã lấy tình phu phụ làm biểu hiệu giao ước, Cha sẽ ký kết với dân riêng. Như vậy, nhờ sống đầy đủ ý nghĩa của bí tích, đôi tân hôn diễn tả được mầu nhiệm Đức Kitô kết hợp với Hội Thánh... Vậy giờ đây, xin Cha đổ muôn phúc lành xuống chị... và giúp chị... biết chu toàn nhiệm vụ làm vợ và làm mẹ, biết trau dồi tiết hạnh, lấy tình yêu thanh khiết mà làm cho gia đình thêm ấm cúng, lấy khả ái hiền hòa làm rạng rỡ gia phong”.

Thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta thấy mối liên quan sâu xa giữa hôn nhân và mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội  : vợ chồng yêu thương nhau (Eph 5, 21-22), con cái hiếu thảo, cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái (Ep 6, 1-4), vợ chồng kính trọng nhau và đừng làm phật lòng nhau. Con cái vâng lời cha mẹ, cha mẹ đừng làm con cái nản lòng (Cl 3, 18-21). Thánh Phêrô khuyên vợ chồng ăn ở thuận hòa, giữ thanh khiết trong ơn nghĩa Thiên Chúa (1P 3, 1-7).

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về “Phẩm chức Gia Đình Công Giáo”, năm 1980, các Nghị Phụ đã đặc biệt kêu gọi “Mỗi người nhìn nhận sự đóng góp cần thiết của phụ nữ trong công cuộc xây dựng Giáo Hội và phát triển xã hội. Khai triển và phân tích rõ rệt về việc tham gia của phụ nữ vào cuộc sống và sứ mệnh Giáo Hội”.

Lấy lại chỉ thị của Công Đồng phản ảnh sứ điệp Phúc Âm, của lịch sử Giáo Hội các Nghị Phụ khuyến cáo rằng : “Bằng chính cuộc sống và bởi sứ mệnh mình, Giáo Hội phải nhìn nhận tất cả các ân huệ của phụ nữ (cũng như nam giới). Giáo Hội buộc xử dụng tất cả kinh nghệm, khả năng của các bà (các ông) để sứ mệnh của Giáo Hội được hữu hiệu hơn”.

Sau Thượng Hội Đồng trên, năm 1981, Đức Giáo Hoàng Phaolô II đã ban hành tông huấn về “Cộng Đồng Gia Đình” (Familiaris Consortio). Tông huấn đánh giá : “Nếu gia đình công giáo là một mối giây liên hệ luôn được canh tân bởi Chúa Kitô qua đức tin và các bí tích, sự tham dự của gia đình công giáo vào sứ mạng của Giáo Hợi phải được thực hiện một cách cộng đồng. Vợ chồng cùng nhau với tư cách là cặp hôn nhân, cha mẹvà con cái với tư cách là gia đình, phải sống đời phục vụ Giáo Hội và thế gian” (55).

Và trong Tông thư Phẩm Giá Phụ Nữ (Mulieris Dignitatem), năm 1988, mong muốn : “Qua thần học Thánh Kinh, mọi người, nam cũng như nữ, được khích lệ tiếp tục công trình nghiên cứu phê bình, dựa trên nền tảng nhân phẩm của người nam và người nữ và trong tương quan hỗ tương hai người, đào sâu hơn những giá ân huệ đặc biệt của nữ tính và nam tính, không những trong đời sống xã hội, mà cả trong cuộc sống Kitô hữu và Giáo Hội” (16). Tông thư còn nói tới ơn gọi của phụ nữ : “Cả hai, nam và nữ đều có thể hưởng nhận chân lý của Thiên Chúa và tình Ngài trong Thánh Linh và đón nhận Ngài đến mang ơn cứu độ và thánh hóa” (16).

Không phải tất cả các chị em phụ nữ đều may mắn, có khả næng sống tốt đẹp cả. Còn khá đông các bà, các chị đang gặp nhiều thử thách, về tín ngưỡng chân lý, về luân lý và vật chất. Đối với những người này, Giáo Hội gửi lời thương cảm : “Quí bà và chị em đang đứng thẳng dưới chân Thánh Giá như Đức Maria, biết bao lần trong lịch sử, quí bà và chị em đã mang lại cho người đàn ông sức mạnh để chiến đấu tới cùng, đã giúp họ làm chứng nhân ngay cả tử vì đạo. Một lần nữa xin hãy giúp họ can đảm làm những công việc lớn, đồng thời biết kiên nhẫn và biết bắt đầu bằng những công việc nhỏ“ (SĐ.21).

Đối với những người đang trong cảnh già cô quạnh hay những người góa bụa, Giáo Hội kêu gọi vắn tắt : “Hãy can đảm tiếp nhận như một tiếp nối ơn gọi hôn nhân”.

NGƯỜI MẸ CÔNG GIÁO NGÀY NAY.

Dù cuộc sống có đổi thay, công việc nhiều và hoàn cảnh phức tạp, thì hạnh phúc gia đình ngày nay phần lớn do người đàn bà biết vun xới. Là con luôn lấy chữ hiếu làm đầu. Làm vợ cần giữ trọn mối tình trung thủy. Làm mẹ luôn chu toàn trách nhiệm giáo dục. Và trong cộng đoàn người phụ nữ vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với mọi người.

- Chiêm ngắm Lời Chúa và tin vào Tin Mừng. Là con Chúa, các bà cần cầu nguyện thiết tha thanh thản và chiêm niệm. Bà không sống trong sa mạc, cố tạo trong mình một nơi yên tĩnh. Lời cầu nguyện múc từ các phép bí tích, đặc biệt phép Giải tội và Thánh Thể. Từ đó, cách cầu nguyện phát sinh từ cách sống trong gia đình và xã hội. Bởi vì tôi nói và làm và sống những gì tôi đã nghe (1 Ga, 1, 1-3).

Ngày 08-12-1965, trong sứ điệp gửi cho toàn thể nhân loại, Công Đồng Vatican II đã có những lời ca tụng, nhắn nhủ chị em phụ nữ : “Giáo Hội hãnh diện về việc làm của phụ nữ. Ảnh hưởng của phụ nữ rất sâu rộng. Phụ nữ thấm nhuần Phúc Âm, góp phần bảo vệ xây dựng hạnh phúc gia đình. Người mẹ gia đình là nhà giáo dục đầu tiên (x. SĐ. 20-21).

- Chữ hiếu chiếm hàng đầu. Giới răn thứ tư trong Mười điều răn là thảo kính cha mẹ. Đây là mối giây liên kết gia đình giữa ông bà, cha mẹ và con cháu. Người mẹ gia đình thường là chủ động tỏ lòng biết ơn với các bậc sinh thành còn sống hay đã khuất, bằng quà cáp, thăm viếng hay giỗ kỵ. Vì Cha mẹ là đại diện Thiên Chúa. Các ngài sinh ra con cái, dẫn nhập con cháu vào liên kết gia đình và cộng đoàn. Sau Thiên Chúa các ngài là ân nhân đầu tiên của con cháu.

”Giới răn thứ tư liên kết chặt chẽ với giới răn tình yêu. Giây ràng buộc giữa trọng kính và yêu mến rất sâu xa. Trọng kính, ngay tại trung tâm liên hệ đến đức công bình. Còn yêu mến không thể giải thích đầy đủ nếu không qui chiếu về tình yêu. Tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Và ai là người thân cận hơn chính là những phần tử gia đình là ông bà, cha mẹ và con cháu” (Gioan Phaolo II, Tâm thư gửi các gia đình, 15).

- Người trung tình. Bí tích Hôn Phối ban ơn đặc biệt để hai bên giữ lời thề chung thủy. Sách Giáo Lý Công Giáo ghi rõ : “Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi nhân linh, nhờ đó hai vợ chồng hiến mình cho nhau và nhận lấy nhau : Anh nhận em làm vợ. Em nhận anh làm chồng. Sự ưng thuận này trói buộc hai vợ chồng với nhau và được hoàn tất khi hai người trở thành chỉ một xác thịt” (GLCG, số 1627).

Vua Phần Lan Erick ra lệnh bắt bỏ tù công tước Jean Wasa, chồng bà Catherine Gelellon. Ông bị kết án tù chung thân vì tội phản loạn, và bị nhốt trong ngục tối ở Stockhom. Không chịu nổi cảnh cô đơn, và oan ức bà đã xin với nhà vua cho một đặc ân là cho mình được vào tù chung với chồng. Vua Erick từ chối lời xin của bà và trả lời :

- Bà không biết rằng chồng bà không còn được đối xử như công tước, nhưng bây giờ như một tù nhân, một kẻ tội phạm và một kẻ phản loạn.

Bà Catherine trả lời : 
- Thưa đức vua, tôi biết.

Nhà vua nói tiếp : 
- Bà lại không biết rằng chồng bà chẳng bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa.

Bà Catherine trả lời : 
- Thưa ngài, tôi biết, nhưng dù được tự do hay bị tù đày, dù vô tội hay có tội, thì Jean Wasa vẫn là chồng yêu qúi suốt đời tôi.

Trước sự van xin tha thiết không ngừng, nhà vua tỏ vẻ xúc động, nói với giọng trầm trầm và suy nghĩ : 
- Từ ngày công bố bản án, thì bà được tự do hoàn toàn, đâu còn bị ràng buộc với ông nhà, phải không ?

Không còn cách nào trả lời, bà tháo chiếc nhẫn cưới trong tay, giơ cho nhà vua xem và xin nhà vua đọc. Nhà vua đọc và thấy trên chiếc nhẫn cũ ghi có ba chữ : “Sola mors” (chỉ có cái chết). Nhà vua đành chiều và cho phép bà vào tù chung sống với chồng. Mãi 17 năm sau, khi vua Erick qua đời, hai vợ chồng bà Catherine mới được thả ra, để được sống tự do.

Chỉ có cái chết mới phân rẽ giữa hai người. Dù chàng khỏe mạnh, hay đau yếu, giàu sang hay nghèo túng, thịnh vượng hay bị gian nan tù tội, thì chàng vẫn là chồng của tôi.

Người Phần Lan đã cho bà Catherine là người can đảm phi thường về mẫu gương trung tình (Đài Phát Thanh Veritas, Phi Luật Tân).

- Ghi nhận dấu chỉ và thách đố của thời đại. Thử thách đầu tiên là sinh con. Người mẹ VN Công Giáo vui vẻ đón nhận. Vì đó là ân huệ Chúa ban. "Tự bản chất  của nó, định chế hôn nhân và tình yêu phu phụ về sinh sản và giáo dục con cái. Vì đây là đỉnh cao và là sự hoàn thành cuộc hôn nhân" (GLCG, 1652). Người mẹ giáo dục con bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình. Con cái hay bất cứ ai trong nhà sẽ sống trong khuôn khổ bác ái, thánh hóa. Người mẹ chăm lo chu toàn bổn phận trước hết là tôn giáo.

Trong gia đình có nhiều khó khăn. Bên ngoài lại nhiều cám dỗ và cạm bẫy. Nhưng gia đình vẫn chan chứa hy vọng và đầy nhựa sống. Kiên tâm giáo dục. Tông huấn Cộng Đồng Gia Đình (Familiaris Consotio) viết : “Ước gì tất cả mọi gia đình có thể cảm thấy vòng tay ôm ẵm đầy tình thương săn sóc của anh, của chị em mình”.

Vì chán ghét bầu khí gia đình, một thanh niên bỏ nhà đi bụi đời. Sau một thời gian chơi bời trác táng, xì ke, nghiện ngập... Anh cảm thấy tâm hồn trống rỗng và thân xác tiều tụy bải hoải. Anh hối hận muớn trở về với gia đình. Nhưng lại sợ không biết bố mẹ có sẵn sàng tha thứ và nhận mình nữa không. Anh liền viết thư xin lỗi với bố mẹ :

Nếu bố mẹ còn thương con, và sẵn lòng tha thứ và nhận con trở về thì ngày... vào giờ... hãy treo trên cửa nhà chiếc áo cũ của con hay mặc để làm hiệu.

Tới ngày hẹn, người mẹ không phải treo một chiếc áo nơi cửa sổ. Trái lại, ông bà đem tất cả quần áo của con bà còn cất giữ treo hết lên khung cửa, hàng rào trước nhà... như nói với con rằng mọi người đã tha thứ cho con, và mong con sớm trở về (MV. số 195. 03-2001. tr. 9).

- Trờ thành chứng nhân của Tin Mừng. Xã hội, cộng đoàn ngay cả với chồng con trong gia đình không tin vào lối “dạy thầy đời” nữa. Lối truyền giáo mới cần có những bà mẹ sâu sắc, can đảm chấp nhận thánh giá. Những người phụ nữ vừa có khả năng linh hoạt vừa sống nội tâm. “Theo Chúa, họ sẵn sàng loan truyền Nước Chúa đến, cần phải hối cải và tin vào Tin Mừng” (x. Mc 1,15).

”Ngày nay, trong thế giới thường hững hờ và có khi thù địch với đức tin. Các gia đình tín hữu có tầm quan trọng hàng đầu, vì đó là như những lò đức tin sống động và tỏa sáng. Bởi  vậy Công Đồng Vatican II đã gọi gia đình với danh hiệu cổ xưa là “Giáo Hội tại gia” ? Chính trong các gia đình, các bậc làm cha mẹ bằng lời nói và gương sáng, đang là những vị rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái họ, phục vụ cho ơn gọi, đặc biệt ơn gọi linh thánh” (GLCG, 1656).

Bà Caroline Richard, người Thái Lan, đã tham gia công tác tông đồ trong hội Đạo Binh từ năm 21 tuổi. Đã 46 năm (năm 1996) bà đã ngoài 80 mà vẫn tiếp tục phổ biến tờ báo Tin Tức Công giáo. Bà nói : Tôi muốn dân chúng biết những gì  xảy ra trên thế giới công giáo. Đây là công tác tông đồ của tôi. Hàng tuần, bà vẫn đi bus để họp của chi hội Đạo Binh và nhóm cầu nguyện. Vào nhà dưỡng lão của các chị Tiểu Muội, bà vẫn bán báo cho các bạn già (TTĐM. số 268, 4/2000, tr. 14).

- Bàn đẩy của ơn gọi làm việc tông đồ. Như Đức Giáo Hoàng khẳng định nhiều lần, gia đình là cái nôi cổ võ ơn gọi Iàm tông đồ và truyền giáo. Chính người mẹ có nhiều dịp kế cận con cắt nghĩa và nhắc bảo con tiến tới việc tìm hiểu ơn gọi và dấn thân đi tu. Người vợ là then chốt và quyết định cho chồng làm Phó Tế vĩnh viễn. Gia đình là trường học. Người mẹ là cô giáo khai tâm trước khi con đến trường học tập đánh vần.

Năm 1843, cậu Louis Martin từ Normandie qua Thụy Sỹ xin vào tu dòng thánh Bernard. Bề trên nói : con chưa biết tiếng Latinh, về học rồi đến cha sẽ nhận. Cũng thời gian này, một thiếu nữ tên Marie Guérin cùng đi với mẹ xin tu dòng Vincent de Paul. Bà bề trên được ơn Chúa soi sáng trả lời dứt khoát : Chúa không muốn, con hãy về thế gian. Ý Chúa nhiệm mầu, ngày 13-08-1858, Louis và Marie cưới nhau. Sinh hạ 9 người con. 4 người đầu chết khi còn nhỏ; 5 người sau đều đi tu trong Dòng Kín hay dòng Thăm Viếng. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là con út của hai ông bà đạo đức tốt lành này.

Gia đình là trung tâm ánh sáng, nơi truyền bá đức tin và rao giảng Tin Mừng. Từ trung tâm này sẽ làm rực sáng cả nhân loại.

- Liên kết để xây dựng cộng đoàn. Trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II, Giáo Hội xác nhận “Ngày càng có nhiều  người nữ, thuộc bất cứ tập thể hay quốc gia nào, ý thức được chính họ là những người xây dựng sáng tạo nền văn hóa của cộng đoàn mình” (x. Vui Mừng và Hy Vọng, số 55). Đến với cộng đoàn, bà  mẹ công giáo muốn hòa nhập với chị em khác, với mọi người để thực thi bác ái và liên đới.

Những người công giáo Hoa Lục xưa nay thường “phục vụ nhân dân, mọi sự cho nhân dân và chẳng có gì cho cá nhân” như Mao Trạch Đông dạy. Mới đây, có một phái đoàn Công Giáo được chỉ định từ Hoa Lục được phép thăm Hồng Kông. Họ vào thăm nhà duỡng lão, họ ngạc nhiên hỏi nhân viên Caritas tại đây : “Sao các ông chọn việc này, và làm với tinh thần phục vụ tốt như vậy”. Sau khi nghe người Công Giáo Hồng Kông cắt nghĩa làm theo lời Chúa dạy : những người già này là con cái Chúa. Khi trở về, những người Hoa Lục mới ngỡ ngàng và cho rằng mình cũng có thể đem áp dụng cho Hoa Lục (báo cáo của một giám Mục Hồng Kông tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, 5/1998 - MV. 6/ 1998, tr. 23).

NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG

Tính đến thế kỷ XX, thì có 10% là các thánh nữ. Trong đó có 14 vị là mẹ gia đình, 32 vị góa chồng, hoặc các nữ tu. Dưới đây xin ghi lại 3 người mẹ làm gương soi chung.

- Thánh Anê Lê Thị Thành (1781-1841). Thánh Anê Lê Thị Thành sinh tại Thanh Hóa, nhưng quê ngoại ở Phát Diệm. Năm 17 tuổi bà  lập gia đình với ông Nguyễn Văn Nhất. Ông bà sinh hạ được 6 người con, 2 trai và 4 gái.

Cô Anna Năm xác nhận về cuộc đời hai ông bà : Bố mẹ chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi lấy chồng, mẹ thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi : “Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gửi cho”. Người cũng khuyên vợ chồng tôi : Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ.

Cô Lucia Nụ là con gái út đã nói về mẹ mình : Mẹ tôi rất chăm lo việc giáo dục con cái. Chính mẹ đã dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau lại dạy cách tham dự thánh lễ, xưng tội và rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, thì người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi gia nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ.

Lễ Phục Sinh 14-04-1841, tại Phúc Nhạc, bà có che giấu linh mục Thành trong nhà, hay tin quân lính ập vào nhà khám xét. Cha Thành trốn thoát, nhưng họ lại tìm được cha Lý do bà cho ẩn núp dưới mương sau nhà. Hôm ấy, Bà Đê, cha Lý, ông Trùm Cơ và 2 chị Dòng Mến Thánh Giá bị bắt, được giải lên và nhốt ở Nam Định. Trước công đường, quan bắt bà chối đạo, bà đáp : Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời.

Dù bị đánh đập nhiều lần dữ dội, bà vẫn không nản lòng. Bà đã giải thích khi chồng vào thăm, tại sao bà kiên tâm như vậy : Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi. Nhưng tôi đã được Đức Mẹ  giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn. Đến lượt cô Nụ vào thăm, cô khóc vì thấy áo mẹ đầy máu. Bà an ủi con và khuyên : Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đó. Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa, sao con lại khóc... Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ dạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Thiên Đàng.

Lần cuối, khi quân lính lôi bà qua Thánh Giá, bà liền sấp mình xuống đất lớn tiếng kêu : Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa. Nhưng con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh cưỡng bách con đạp qua Thánh Giá.

Sau ba tháng bị cầm tù, bị bệnh kiết lỵ... Bà kiệt sức và chết rũ tù (12-07-1841), thọ 60 tuổi.

- Phu nhân Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ. Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, sinh tại Ninh Bình (1804), mồ côi mẹ năm lên 10 tuổi, 20 tuổi lập gia đình với cô Maria Mến, con gái của thánh Antôn Nguyễn Đích, hai vợ chồng sinh hạ được 8 người con.

Ngày 02-07-1838, Ông Lý bị bắt và bị đánh ngay tại chỗ 40 hèo và bị trói mang đi Nam Định. Hơn một tháng bị hành hạ trong ngục tù. Phu nhân Ngài thường dẫn con vào thăm chồng. Can đảm nhất là cô con gái 12 tuổi và cậu trai 9 tuổi hay lén lút vào thăm bố. Một lần bà ẵm cháu bé mới sinh vào thăm. Trước khi ra về, bà đưa cho ông ẵm con và nói trong nước mắt : "Vợ con ai mà chẳng thương chẳng tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh Giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thành với Chúa cho đến cùng. Đừng lo nghĩ về mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả. Đến thăm ông lần này có lẽ là lần sau hết. Cầu xin Chúa cho ông vâng theo thánh ý Chúa".

Nghe xong lời động viên của vợ hiền, Thánh nhân trối lại một lời bất hủ như sau "Lời khuyên nhủ của bà thêm lòng kính mến Chúa trong lòng tôi. Bà đem con về săn sóc thay tôi, sớm tối cầu nguyện cho tôi vững lòng xưng đạo Chúa trước mặt thiên hạ. Hẹn ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là Nước Thiên Đàng". Thánh nhân bị chém đầu ngày 12-08-38, năm 34 tuổi.

- Ông bà Chân Phước Luigi Maria Beltrame Quattrocchi. Ngày 21-10-2001, tại Roma, ĐGH đã phong chân phước cho ông bà Luigi Maria Beltrame Quattrocchi, người Ý. Xưa kia ông Luigi (188 -1951) là luật sư, bà Maria (1884-1965) là văn sỹ. Năm 1914, bà có thai người con thứ tư. Bác sỹ khuyên bà phá thai vì thai nhi quá yếu. Nhưng ông bà cương quyết giữ đến cùng. Và người con gái đã ra đời an toàn tên là Enrichetta. Gia đình ông bà có 4 người con, hai linh mục, 1 nữ tu (+) và cô Enrichetta. Cả 3 người đã có mặt trong lễ phong chân phước cho  bố mẹ. Sau 21 năm cưới nhau, theo hướng dẫn của cha linh hướng, ông bà đồng lòng từ bỏ đời sống tính dục.  Khi còn bình sinh, ông bà đi dự lễ, rước lễ mỗi ngày. Trong gia đình tổ chức cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi.

Khi tham dự lễ của Bố Mẹ, Linh mục Sesare nói : Mặc dầu tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày các ngài sẽ được Giáo Hội tuyên phong như vậy. Nhưng tôi thành thực thừa nhận rằng tôi luôn lĩnh nhận nơi cha mẹ chúng tôi đời sống thiêng liêng phi thường. Việc giáo dục dẫn tới sự hiến dâng của ba chúng tôi là lương thực hằng ngày. Tôi vẫn còn giữ cuốn sách Gương Chúa Giêsu mà mẹ tôi trao tặng lúc lên 10 tuổi. Lời đề tặng trong sách này vẫn làm tôi kinh ngạc : Con phải theo Đức Kitô đến cùng, nếu cần đến cả cái chết .

Trong bài giảng, ĐTC đã nhấn mạnh : Hôm nay chúng ta có một khẳng định dứt khoát rằng con đường nên thánh theo ơn gọi sống đời vợ chồng là có thể, là đẹp đẽ, là sinh hoa trái cách ngoại thường và là căn bản cho gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Trong những năm đầu của thời Giáo Hội sơ khai, có nhiều phụ nữ đã theo Chúa Giêsu trong sứ mạng của Ngài và giúp các Tông đồ (Lc 8, 2-3), đứng dưới chân Thánh Giá (Lc 23, 49), tham dự vào cuộc an táng Chúa Giêsu (Lc 23, 55), loan tin Chúa đã sống lại (Lc 24, 1-10), và các  bà cầu nguyện với các Tông Đồ (Cv 1,14).

Thánh Phaolô đã kể tên một số phụ nữ phục vụ trong các cộng đoàn đầu tiên, như : chị Phébé, chị Prisca và Aqilas, chị Maria, chị Tryphène và Tryphose, chị Persis, mẹ của anh Rufus, chị Julie, cô em của anh Néré (Rm 16, 1-15), chị Evodie, chị Syntyché (Ph 4, 2-3), chị Nymphas ở Laodicée (Cl 4, 15), nhiều phụ nữ khi cầu nguyện để đầu trần (1Cr 11,5).

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố trong ngày khai mạc năm quốc tế gia đình như sau : “Nếu việc làm chứng của các Tông Đồ thành lập ra Giáo Hội, thì việc làm chứng của phụ nữ đã đóng góp rất nhiều trong việc nuôi dưỡng đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên " (Roma, 18-04-1975).

Ngày nay, nhìn vào thành quả công việc làm của các bà mẹ công giáo trên mọi mặt tôn giáo, xã hội, giáo dục và cả chính trị nữa, chúng ta phải nhất loạt hoan hô và cảm phục vì họ đã làm tròn nhiệm vụ làm vợ và làm mẹ. 

Bà Thérèse Trinh Gx Vietnamparis

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons