Vấn đề Syria, phá thai và quyền lợi của người đồng tính là chủ đề chính trong phát biểu của ngài
Đức Thánh cha tiếp tục cảnh báo về nạn phá thai, đặc biệt là ở Ireland
Xung đột ở Trung Đông, quyền lợi của người đồng tính và phá thai là tâm điểm trong bài diễn văn của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI trước các nhà ngoại giao hôm thứ Hai, trong đó châu Á ít được chú ý hơn tại cuộc họp đầu năm truyền thống này.
Đức Bênêđictô mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt cảnh đổ máu tại Syria và nói cuộc xung đột này sẽ "không có người chiến thắng mà chỉ có thất bại nếu cứ tiếp tục".
Ngài kêu gọi các lãnh đạo Israel và Palestine "cam kết chung sống hòa bình trong khuôn khổ hai nhà nước có chủ quyền", một giải pháp vẫn còn xa rời thực tế trong năm 2012 và đến năm nay sẽ còn khó khăn hơn do cuộc bầu cử ở Israel vào ngày 22-1 được dự đoán sẽ có lợi lớn cho đảng cánh hữu HaBayit HaYehudi (Quê hương Do Thái).
Đức Giáo hoàng nhấn mạnh tình cảnh khốn khổ của nhiều nước ở Trung Đông và Phi châu, từ Libăng – quốc gia được ngài tới thăm tháng Chín năm ngoái – và Ai cập đến Nigeria và Kenya, nơi các Kitô hữu là mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố đẫm máu trong những tháng gần đây.
"Chính việc con người lãng quên Thiên Chúa và không chịu tôn vinh Ngài làm gia tăng bạo lực" - ngài phát biểu với đại sứ các nước.
Đức Bênêđictô chỉ trích các biện pháp mở rộng quyền hôn nhân đồng tính, an tử và phá thai ở các nước phương Tây.
Đức Thánh cha ám chỉ quốc gia có truyền thống Công giáo Ireland, chính quyền tại đây muốn xem xét lại lệnh cấm phá thai sau cái chết của một phụ nữ Ireland gốc Ấn Độ do bác sĩ từ chối phá bào thai rất yếu của bà.
Suy nghĩ về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài hiện nay, Đức Bênêđictô kêu gọi các lãnh đạo thế giới bảo đảm các biện pháp cứng rắn không dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa những người giàu có và đầy quyền lực và những người nghèo thấp cổ bé họng.
Bài diễn văn của Đức Bênêđictô chỉ đề cập đến châu Á khi ngài kêu gọi các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đầu tư vào giáo dục và xây dựng hệ thống pháp lý công bằng và có trách nhiệm. Ngài còn nói trường học là phương tiện vượt qua nghèo khổ và bệnh tật.
"Xây dựng hòa bình đồng nghĩa với đào tạo các cá nhân chống tham nhũng, tội phạm và sản xuất, buôn bán ma túy" cũng như tránh những mối căng thẳng "đe dọa làm kiệt quệ xã hội, cản trở sự phát triển và chung sống hòa bình" - ngài nói thêm.
Alessandro Speciale từ thành phố Vatican Ucanewsvietnam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét