HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

ĐỨC THÁNH CHA NÓI VỀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH


Bài Giáo Lý về Gia Đình của ĐGH Phanxicô trong Buổi Triều Yết Chung Thứ Tư hàng tuần tại Quảng Trường Thánh Phêrô, 20/05/2015.

Anh Chị Em Thân Mến,

Hôm nay, tôi muốn đón tiếp các bạn bởi vì tôi đã thấy quá nhiều gia đình đang ở giữa các bạn. Xin chào buổi sáng hết mọi gia đình! Chúng ta tiếp tục suy tư về gia đình. Hôm nay chúng ta dừng lại để suy tư về một đặc tính thiết yếu của gia đình, đó là, ơn gọi tự nhiên để giáo dục con cái để chúng lớn lên trong trách nhiệm đối với bản thân chúng và đối với người khác. Điều mà chúng ta nghe từ Tông Đồ Phaolô ngay từ đầu thì thật quá tuyệt vời: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:20-21). Đây là một luật khôn ngoan: con cái được giáo dục để nghe lời cha mẹ mình và để vâng phục cha mẹ mình là những người không ra lệnh theo một cách tồi, không để cho con cái mình nản lòng. Con cái, thực ra, phải lớn lên mà không bị làm cho nản lòng, từng bước một. Nếu các bạn là bậc cha mẹ nói với con cái: “Hãy đi lên máy bay từng bước một” và các bạn dắt chúng trong tay và từng bước các bạn làm cho chúng đi lên, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Nhưng nếu các bạn nói: “Đi lên!” – “Nhưng con không thể” – “Đi!” điều này gọi là làm giận con cái, đòi con cái thực hiện điều mà chúng không thể thực hiện. Do đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái phải là một mối quan hệ khôn ngoan, của sự quân bình lớn lao. Con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình, điều này làm đẹp lòng Thiên Chúa. Và các bạn, các bậc cha mẹ, đừng làm cho con cái nổi giận, đừng đề nghị chúng làm những điều mà chúng không thể làm. Và điều này phải được thực thi để con cái lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với bản thân chúng và đối với người khác.

Dường như là một sự quan sát rõ ràng, ngay cả trong thời đại của chúng ta, những khó khăn thì không thiếu. Thật là khó khăn cho các bậc cha mẹ giáo dục con cái của họ khi họ chỉ nhìn thấy chúng vào buổi tối, khi họ trở về mệt mỏi vì công việc – những người có may mắn có được công việc làm! Lại còn khó khăn hơn với các bậc cha mẹ ly thân, những người đang bị đè nặng bởi hoàn cảnh của họ: những linh hồn tội nghiệp, họ gặp khó khăn, họ đã chia tay và quá thường là các con bị coi như con tin và người cha nói những điều tồi tệ đối với con mình về mẹ nó và người mẹ nói với con mình những điều tồi tệ về cha nó, và quá nhiều điều nguy hại được thực hiện. Nhưng tôi nói với các bậc cha mẹ đã ly thân: đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ lấy con cái ra làm con tin! Các bạn đã ly thân vì nhiều khó khăn và động cơ, cuộc sống đã trao cho các bạn thử thách này, nhưng con cái thì không phải mang lấy gánh nặng của việc chia ly này, chúng không được phép sử dụng như là những con tin để chống lại người kia. Chúng phải được lớn lên khi nghe người mẹ nói tốt về người cha, ngay cả khi họ không ở cùng nhau, và người cha nói tốt về người mẹ. Đối với các bậc cha mẹ đã ly thân thì đây là điều quan trọng và rất khó khăn, nhưng họ có thể làm được.

Tuy nhiên, trên hết tất cả, là câu hỏi: giáo dục cách nào? Truyền thống nào chúng ta có ngày nay để chuyển sang cho con cái của chúng ta đây?

Các nhà trí thức “chính yếu” đủ loại đã bịt miệng các bậc cha mẹ bằng hàng ngàn cách, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi sự nguy hại – thật hay do tưởng tượng – về việc giáo dục gia đình. Trong số những điều khác, thì gia đình thường bị tố cáo về tính gia trưởng, tính thiên vị, tính áp đặt và sự áp chế cảm xúc tạo ra những mâu thuẫn.

Thực ra, một vết rạn nứt đã mở ra giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và nhà trường; ngày nay một sự thoả thuận về giáo dục đã bị phá vỡ. Và do đó, sự đồng hành giáo dục của xã hội với gia đình đã đi vào tình trạng khủng hoảng bởi vì sự tin tưởng lẫn nhau đã bị coi thường. Các biểu hiện thì nhiều. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa các bậc phụ huynh và thầy cô giáo ở trường đã bị phá huỷ. Đồng thời có những căng thẳng và sự không tin tưởng nhau và các hậu quả đương nhiên đổ lên đầu các con em. Mặt khác, điều gọi là “chuyên gia” đã nhân lên quá nhiều, là những người đóng vai trò của các bậc cha mẹ ngay cả trong những khía cạnh gần gũi nhất của việc giáo dục. Về đời sống tình cảm, về tính cách và về sự phát triển, về các quyền và nghĩa vụ thì “các chuyên gia” biết hết mọi sự: các mục tiêu, các động lực, các kĩ thuật. Và các bậc cha mẹ chỉ phải lắng nghe, học tập và áp dụng mà thôi. Bị tước đoạt vai trò của mình, họ thường trở nên quá nhát gan và quá chiếm hữu trong khi liên hệ với con cái mình, đến mức không thèm chỉnh sửa con cái: “Bạn không thể sửa lỗi con cái”. Họ ngày càng có khuynh hướng uỷ thác con cái họ cho các “chuyên gia”, ngay cả trước những khía cạnh rất tế nhị và cá nhân của cuộc sống, dồn chúng vào góc tường, và do đó các bậc cha mẹ ngày nay có nguy cơ loại trừ chính bản thân họ ra khỏi đời sống của con cái mình. Và điều này thì thật là tồi tệ! Ngày nay có những trường hợp như thế. Tôi không nói điều đó luôn xảy ra, nhưng có những trường hợp như thế. Giáo viên ở trường khiển trách con và viết giấy gửi cho các bậc cha mẹ. Tôi còn nhớ một câu chuyện cá nhân. Hồi đó khi tôi đang học lớp bốn ở trường tiểu học tôi nói một lời tồi tệ với giáo viên và giáo viên, một người phụ nữ tốt lành, đã gọi điện cho mẹ tôi. Mẹ tôi đến trường vào hôm sau, họ trao đổi với nhau và rồi tôi đã được gọi. Và, trước mặt giáo viên, mẹ tôi giải thích cho tôi điều tôi đã thực hiện là một việc xấu, điều tôi không được phép làm, nhưng mẹ tôi làm thế bằng sự dịu dàng và mẹ tôi đề nghị tôi trước mặt giáo viên xin lỗi cô. Tôi đã làm thế và rồi tôi vui vẻ bởi vì tôi nói: câu chuyện kết thúc tốt đẹp. Tuy nhiên, đó là chương đâu thôi! Khi tôi trở về nhà, chương hai bắt đầu... Hãy tưởng tượng hôm nay vị giáo viên làm một điều gì đó, ngày tới cả hai người cha mẹ hoặc một trong hai khiển trách cô, bởi vì “các chuyên gia” nói rằng trẻ em không được phép bị quở trách như thế. Mọi thứ đã thay đổi! Vì lý do này mà các bậc cha mẹ không được phép tách mình ra khỏi việc giáo dục con cái mình.

Rõ ràng là cách tiếp cận này không tốt: nó không hoà hợp, nó không đối thoại, và thay vì nuôi dưỡng một sự phối hợp giữa gia đình và các tổ chức giáo dục khác, là nhà trường, thì nó làm chống lại họ.

Chúng ta đi đến điểm này thế nào? Không hoài nghi rằng các bậc cha mẹ, hoặc đúng hơn, các khuôn mẫu giáo dục nhất định trong quá khứ có những giới hạn, điều đó không có gì phải hoài nghi. Tuy nhiên, cũng thật đúng là có những sai lỗi mà chỉ các bậc cha mẹ mới được phép phạm, bởi vì họ có thể đền bù cho chúng theo một cách thế mà bất khả thể đối với bất kỳ người nào khác. Mặt khác, chúng ta biết rõ rằng, cuộc sống đã trở nên không sẵn sàng về mặt thời gian để trò chuyện, để suy tư, để liên hệ với nhau. Nhiều bậc cha mẹ “bị bắt cóc” bởi công việc – cha và mẹ phải làm việc – và bởi những mối bận tâm khác nữa, bị ngăn trở bởi những nhu cầu mới của con cái và sự phức tạp của cuộc sống hiện tại – điều đó vốn là thế, chúng ta phải chấp nhận nó như nó là – và họ cảm thấy bị tê liệt vì nỗi sợ phạm một sai lỗi nào đó. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là nói. Thực ra một “tình trạng đối thoại” hời hợt không dẫn đến một cuộc gặp gỡ thật của tư tưởng và tâm hồn. Thay vào đó, chúng ta nên tự hỏi chính bản thân mình: chúng ta có đang nỗ lực để hiểu con cái đang thực sự “ở đâu” trong hành trình của chúng không? Chúng ta có biết tâm hồn chúng thật sự ở đâu không? Và, trên hết tất cả: chúng ta có muốn biết điều đó không? Chúng ta có tin rằng, trên thực tế, chúng không mong đợi điều gì khác không?

Các cộng đoàn Kitô Hữu được mời gọi để đưa ra sự hỗ trợ cho sứ vụ giáo dục các gia đình và họ phải thực thi trước hết bằng ánh sáng của Lời Chúa. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về tính hỗ tương của các nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:20-21). Nền tảng của mọi thứ là tình yêu, điều mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, “không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật... Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:5-7). Ngay cả trong các gia đình hoàn hảo nhất thì cũng cần thiết phải chịu đựng lẫn nhau, và quá nhiều sự nhẫn nại cần thiết để chịu đựng lẫn nhau! Nhưng cuộc sống là như vậy. Cuộc sống không được tạo nên trong một phòng thí nghiệm, mà nó được tạo nên trong thực tế. Chính Chúa Giêsu cũng trải qua sự giáo dục gia đình. Cũng trong trường hợp này, ân sủng của sự sống của Đức Kitô dẫn đến sự thành toàn điều đã được khắc ghi vào trong bản tính con người. Biết bao nhiêu gương tuyệt vời mà chúng ta có về các bậc cha mẹ Kitô Giáo với đầy sự khôn ngoan! Họ cho thấy rằng một sự giáo dục gia đình tốt là xương sống của nhân loại. Sự toả sáng xã hội của họ là nguồn tài nguyên làm cho gia đình đền bù được sự thiếu sót, những vết thương, sự thiếu vắng tình cha và tình mẹ chạm đến những trẻ em kém may mắn. Sự toả sáng này có thể thực hiện những phép lạ đúng đắn. Và những phép lạ này xảy ra mỗi ngày trong Giáo Hội.

Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho các gia đình Kitô Giáo niềm tin, sự tự do và sự can đảm cần thiết cho sứ vụ của họ. Nếu nền giáo dục gia đình tái khám phá lại niềm tự hào của sự dẫn đầu của mình, thì nhiều điều sẽ thay đổi tốt hơn, cho các bậc cha mẹ chần chừ và cho những người con đang thất vọng. Đã đến lúc các bậc cha mẹ trở về sau cuộc lưu đày của mình – bởi vì họ đã làm cho chính bản thân họ lưu đày khỏi việc giáo dục con cái họ, và tái nhận lại toàn bộ vai trò giáo dục của họ. Chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho các bậc cha mẹ ân sủng này: đừng tự làm cho mình bị lưu vong ra khỏi việc giáo dục con cái của họ. Và chỉ có tình yêu, sự dịu dàng và sự nhẫn nại mới có thể thực hiện việc này.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons