Bàn chất, đặc tính, nhiệm vụ của Giáo Hội là truyền giáo.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 16) vẫn còn văng vẳng bên tai của Giáo Hội hơn 2000 năm qua.Bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi, từ các thánh tông đồ, hạt giống Lời Chúa ngày mỗi ngày được lan rộng khắp nơi. Việt Nam, với gần 400 năm hạt giống cũng đã gieo rắc trên mọi nẻo đường. Từ những công khó của các cha Tây ngày xa xưa ấy mà hạt giống Tin Mừng cứ mọc và cứ trổ sinh hoa trái. Thế nhưng, ta cũng nên chăng nhìn lại một chút về nẻo đường truyền giáo, lối sống Tin Mừng để rút tỉa những kinh nghiệm, những bài học để ngày mỗi ngày làm cho Lời Chúa được phát triển thêm như lòng Chúa mong muốn.Đứng trước những thực trạng của Giáo Hội, nhiều vị chủ chăn đã thao thức mà không còn là thao thức nữa mà là những lời đó đã được phát ra cùng với những hành động cụ thể.Nhiều Thánh Lễ ở nhiều nơi, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm giám mục giáo phận Mỹ Tho khi còn ở giáo phận Sài Gòn đã không ngần ngại chia sẻ rằng : "Tôi dừng lại để nhìn chặng đường hơn 30 năm qua, Tổng Giáo phận phát triển rất mạnh, nhiều nhà thờ được xây mới, thậm chí nhiều nhà thờ trong một giáo hạt được xây mới. Thế nhưng, tất cả các nhà thờ đó được xây trên nền nhà thờ cũ chứ không phát triển thêm nhà thờ mới. Trong khi đó dân số tăng gấp nhiều lần nhưng số lượng nhà thờ không tăng. Tôi gợi lên cho anh chị em suy nghĩ nhỏ bé của mình để xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho gia đình Tổng giáo phận Sài Gòn của chúng ta ..."Thao thức của Đức Cha Phêrô cũng chính là thao thức của Đức Hồng Y G.B, Đức Tổng Phaolô hiện tại và của nhiều vị chủ chăn và của cả đoàn chiên. Bởi lẽ thao thức đó nó ăn sâu vào tâm tư truyền giáo của mỗi Kitô hữu.Mỗi lần có dịp đi ngang các khu chế xuất, các khu công nghiệp ven giáo phận Sài Gòn như Nhơn Trạch, Sóng Thần, khu đô thị mới phía đại lộ Đông - Tây... ta cảm thấy lòng buồn man mác bởi lẽ những nơi đó không có giáo đường, không có nơi để quy tụ anh chị em giáo dân di dân. Trong hàng ngàn hàng vạn người tìm cách mưu sinh đó có biết bao nhiêu người Công Giáo. Cũng thế, trong nhiều cao ốc, chung cư vùng ven cũng có biết bao nhiêu là anh chị em Công Giáo nhưng rồi ngay cả ngôi thánh đường để họ cần đến thờ phượng Chúa cũng khó khăn.Nên chăng ta để ý đến những vùng ven, những khu chế xuất, khu công nghiệp ... chỉ cần ngôi nhà thờ đơn sơ, tiền chế để những ngày cuối tuần anh chị em di dân có nơi đến để sinh hoạt phụng vụ, để học hỏi Lời Chúa, để chia sẻ Lời Chúa ... Thiếu hẳn những nơi phụng vụ dành cho anh chị em di dân nghèo ở những vùng ven đô thành phố.Ta chú tâm nhiều đến truyền giáo. Đúng nhưng theo tôi cũng đừng quên sứ mạng tái truyền giáo nơi những giáo xứ lâu năm.Vì kế sinh nhai, vì hoàn cảnh của gia đình và của cả xã hội, nhiều gia đình đã phai dần với những sinh hoạt của xứ nhà ... và tìm đến xứ nào đó và có thể bỏ luôn vì mặc cảm, vì sự thiếu quan tâm của cha xứ, thiếu sự cộng tác giữa hai bên. Nếu ta can đảm ngồi lại thống kê ở những giáo xứ hiện tại, ta sẽ thấy con số không nhỏ giáo dân không còn tha thiết với xứ nhà. Có khi là sự hiểu lầm, có khi là sự giận hờn không đáng có giữa cha xứ và con chiên, có khi là vì lý do này lý do nọ để rồi con chiên tản mác khắp nơi.Vấn đề lớn nữa mà tôi cảm nhận theo cái cảm của cá nhân là về Giáo Lý, về Lời Chúa, về những giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, về những thông tin trong Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ ... dường như bị bỏ ngõ ...Có một số cha lên tòa giảng dành quá nhiều thời gian cho bài giảng ... cũng chỉ vì ngài không soạn sẵn và không tìm được ... bãi đáp.Giáo dân phần bận bịu với công việc, phần mệt mỏi với cuộc sống ... đến với Chúa lẽ ra nhận được những bài chia sẻ có thể là ngắn gọn nhưng đủ ý đủ nghĩa của bài Tin Mừng thì lại nhận được những bài giảng ... không hề soạn hay trèo lên mạng lấy của người khác. Vì bài giảng dài, đơn điệu để rồi họ đến với Thánh lễ cho qua lần qua lượt chứ không cảm nhận được niềm vui của Tin Mừng.Nếu như bài giảng có ý nghĩa, bố cục và sinh động thì giáo dân dễ nhớ và dễ đem bài Tin Mừng đó sống sau Thánh Lễ. Linh mục phải chú tâm bài giảng để giáo dân biến cuộc sống của mình thành Thánh Lễ nối dài ...Tôi không có ý chê trách hay phản bác ai nhưng nhìn thấy thực trạng của Giáo Hội không khỏi chạnh lòng.Nên chăng ngồi lại với nhau để nâng dậy đời sống của Giáo Hội. Cần chấn chỉnh ngay từ những ngày còn ở ghế nhà trường, ở môi trường đào tạo. Có như thế, các vị chủ chăn trẻ mới có đủ khả năng, tài lực, trí lực và nhất là đạo đức để loan báo Tin Mừng.Truyền giáo còn đó nhiều nỗi lo : Lo về nơi thờ phượng cần được nhân rộng, lo về nhân sự được đào tạo sâu, lo về con chiên bổn đạo cần phải hiệp thông sâu xa với chủ chăn, lo về kiến thức Giáo Lý cũng như Tin Mừng cần phải được truyền bá sâu hơn rộng hơn ...Xin Chúa Thánh Thần thổi luồng gió mới trên Giáo Hội Việt Nam để cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội được lan rộng và thu được nhiều lúa về cho Chủ Chăn như lòng Chúa mong muốn.
Khánh nhật truyền giáo 2014
Micae Bùi Thành Châu
Posted in: TRUYỀN GIÁO
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét