Mở đầu: Đức tin không tách rời đời sống luân lý.
Đức tin là ánh sáng dẫn đường cho con người trong đời sống luân lý thường ngày. Khi đến thế gian, Đức Giêsu cho thấy Tin mừng sự sống ở ngay trung tâm sứ điệp của Ngài, Ngài nói: “Tôi đến để cho họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10.) Sự sống ở đây chính là sự hiệp thông với Chúa Cha mà Chúa Con mời gọi mọi người tham dự cách tự do, qua quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Chính trong sự sống này mà mọi khía cạnh và mọi giai đoạn của đời sống con ngườiđạt đến sung mãn (x. Evangelium Vitae, EV1).
Cách đây 50 năm, Công Đồng Vatican II đã kết án mạnh mẽ một số tội ác chống lại sự sống con người.[1] Ba mươi năm sau Công Đồng, trong thông điệpEvangelium Vitae, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân danh toàn thể Giáo Hội, lên án một số hình thức tấn công sự sống và phẩm giá con người (x. EV 3). Các hình thức tấn công này ngày càng tinh vi, đôi khicòn mang dáng vẻ của việc “thăng tiến” đời sống, hay giúp con người “hạnh phúc” hơn, “làm chủ” cuộc đời mình hơn.
Nhận định đâu là cái đúng, cái sai luân lý liên quan sự sống trong xã hội ngày nay dường như khó hơn vì sự mập mờ của cái gọi là “thành tựu khoa học” và việc ứng dụng các thành quả này, và vì lương tâm thiếu đào luyện của người Ki tô hữu nói riêng và của con người ngày nay nói chung.
Nhờ mầu nhiệm Làm Người của Ngôi Lời, nhân loại được trao phó cho sự chăm sóc và dạy dỗcủa Giáo Hội. Vì thế, mọi xâm phạm đến phẩm giá và sự sống con người đều chạm đến chính Giáo Hội, đến sứ mạng loan báo tin mừng sự sống của Giáo Hội, và tác động đến Giáo Hội ở chính niềm tin của Giáo Hội vào mầu nhiệm Làm Người của Ngôi Lời (x. Mc 16,15; EV 3).
Giáo Hội buộc phải lên tiếng bảo vệ sự sống. Nói đến sự sống con người thì thật rộng, trong giới hạn bài viếtnày, tôi lần lượt đề cập đến bốn vấn nạn khá nổi cộm trong luân lý y sinh học hiện nay :
1/ phá thai;
2/ chẩn đoán tiền sản và phá thai chọn lọc;
3/ thụ thai nhân tạo và
4/ khủng hoảng môi sinh
1. Phá Thai
Phần đôngcác nhà thần học luân lý đồng ý rằng niềm tin của mỗi người về thân phận của phôi thai sẽ quyết định thái độ của người ấy trên một số vấn đề luân lý y sinh học nóng bỏng hiện nay như ngừa thai nhân tạo, thụ thai nhân tạo, phá thai nói chung, phá thai chọn lọc, nghiên cứu và thử nghiệm trên phôi người như nghiên cứu tế bào gốc (stem cell research)…[2]
Vì vậy, hiểu biết về thân phận luân lý và thần học của phôi thai là nền tảng cho các thái độ và chọn lựa quyết định trên phôi thai.
Một nhóm thần học gia ủng hộ thuyết “phôi trở thành người theo bước tiệm tiến” (delayed humanization). Nhóm này cho rằng cần một thời gian (ít nhất hai tuần, là khi trứng thụ tinh bắt đầu làm tổ trong tử cung, hoặc sáu tuần hay thậm chí 21 tuần, là khicó hình thành hệ thần kinh hay hoạt động não bộ), thì phôi mới “trở thành” con người. Và họ xem phôi non như là trong tiềm năng thành con người, hay nói trắng ra, không phải là một con người. Do đó, nhóm thần học gia này cho rằng với lý do quan trọng, vì lợi ích lớn lao hơn nào đó như nghiên cứu tế bào gốc từ phôi để điều trị bệnh, vì lợi ích của gia đình, vì sức khỏe của người mẹ...thì có thể phá hủy phôi thai giai đoạn sớm.[3]
Trọng tâm của giáo huấn Giáo Hội Công Giáo là phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.[4]
Bộ Giáo Lý Đức Tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình.
Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Declaration on Procured Abortion, 12) …“Giáo huấn này vẫn còn giá trị và được xác định hơn … bằng những tìm thấy mới đây của khoa Sinh học con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành.” (Huấn ThịDonum Vitae DV, I,1.)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm: “Bộ gen di truyền xuất hiện như yếu tố cấu tạo và tổ chức của cơ thể …nó điều khiển và chi phối tính thành viên loài người, nối kết di truyền và những đặc trưng thân thể và sinh học của tính cá thể. Nó có ảnh hưởng quyết định trên cấu trúc của hiện hữu thể lý từ lúc khởi đầu thụ tinh cho đến cái chết tự nhiên.
Chính trên cơ sở của sự thật nội tại của bộ di truyền, đã hiện diện ngay lúc tạo sinh, khi mà bộ di truyền của người cha và người mẹ hợp nhất, mà Giáo Hội đảm nhận chính mình công việc bảo vệ phẩm giá của mỗi người ngay từ lúc khởi đầu sự hiện hữu của người ấy.”[5]
Do đó, Ngài tuyên bố: “Với uy quyền mà Đức Kitô trao cho Phê-rô và những người kế vị ngài, và trong sự hiệp thông với các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng.
Giáo lý này, dựa trên luật không văn tự mà con người, dưới ánh sáng của lý trí, tìm thấy trong tim mình (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh tái khẳng định, Truyền Thống của Giáo Hội lưu truyền, và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” (EV 57).
Giáo hội nhìn nhận rằng, thực tế, các chọn lựa phá thai nhiều khi xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí bi đát,cô độc, nhiều áp lực nặng nề về kinh tế, về tinh thần, cách riêng trong một xã hội mà ngừa thai nhân tạo và phá thai được xem như chính sách để kiểm soát dân số như ở Việt-nam. Các hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như thế có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm chủ quan của những người đã thực hiện phá thai.
Tuy nhiên,dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn đến đâu, chính sự kiện phá hủy sự sống con người vô tội, đặc biệt là khi sự sống ấy còn chưa có khả năng bảo vệ chính mình, vẫn luôn là sự xấu nghiêm trọng (x. EV 18, 58) và tác động đến sự hiệp thông, mối tương quan của người ấy với Thiên Chúa và với tha nhân. Đồng cảm với thử thách mà nhiều cặp vợ chồng phải đối phó, Giáo Hội thừa nhận đôi khi phải cần nhân đức “anh hùng” để tuân giữ các chân lý luân lý vốn gắn liền với đức tin về phẩm giá nội tại con người. Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để chia sẻ sự sống đời đời với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Điều đáng lo ngại hơn ở đây, ngày nay vấn đề vượt ra khuôn khổ các hoàn cảnh riêng tư, mà tồn tại ở tầm mức văn hóa, xã hội, chính trị, và ở triết lý sống nền tảng, quan niệm về tự do. Thái độ chọn lựa chống lại sự sống ngày càng được chấp nhận rộng rãi, được xem như biểu hiện hợp pháp của tự do cá nhân (x. EV 18). Hệ thống giá trị luân lý bị đảo lộn, giá trị vật chất được đặt lên trên giá trị tinh thần, giá trị thiêng liêng. Giữa một bầu khí xã hội như thế, vai trò của việc đào luyện nhân bản và lương tâm đúng đắn cần thiết hơn bao giờ hết.
Với hiểu biết về phôi thai như đã nói ở trên, một số biện pháp ngừa thai nhân tạo, thực chất là phá hủy phôi thai sớm như vòng tránh thai trong tử cung .
Cơ chế tác dụng chính của dụng cụ tử cung là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về sinh hóa tế bào nội mạc và không tạo điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh làm tổ. Ngoài ra, cũng cần chú ý phân biệt với loại thuốc phá thai chứ không phải là ngừa thai như quen gọi sau đây: Postinor, RU-486 (MIFESTAD 5mg).
2. Chẩn đoán tiền sản và phá thai chọn lọc
Báo chí đầu tháng Sáu vừa qua đưa tin, tại tỉnh Gia-Lai, một thai nhi bảy tháng, do được bác sĩ bệnh viện tỉnh và cả bệnh viện chuyên khoa phụ sản tại thành phố Hồ Chí Minh chẩn đoán là đa dị tật và bác sĩ tư vấn nên phá bỏ, đã bị phá tại một phòng khám tư. Khi bố mẹ đem bé ra nghĩa trang để chôn, mới phát hiện bé gái vẻ ngoài bình thường không khuyết tật, còn sống thoi thóp.
Gia đình hoảng hốt, đưa bé vào bệnh viện đa khoa tỉnh để cấp cứu. Do bị cho sinh non, không được chăm sóc đúng mức, cháu bé sơ sinh này đã tử vong sau nhập viện vài tiếng đồng hồ.[6]
Dư luận khá xôn xao, bức xúc trước tin này. Thật ra, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà bác sĩ chẩn đoán tiền sản sai lầm dẫn đến giết chết các thai nhi bình thường.
Báo Tuổi Trẻ online ngày 6/8/2011 đăng tin trong sáu tháng đầu năm 2011, hàng ngàn thai phụ phá thai tại các bệnh viện phụ sản miền Bắc do xét nghiệm dương tính với vi-rút Rubella. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó cho thấy chỉ có 17 trong số 103 trường hợp thai nhi bị phá là có mang vi-rút Rubella (tức chỉ khoảng 16,5 % trẻ trong số bị phá có khả năng bị ảnh hưởng của vi-rút Rubella), còn lại đều là “con số phòng xa”, một bác sĩ thừa nhận.[7]
Ngoài ra, với kinh nghiệm trong nghề của người viết bài này là một bác sĩ siêu âm, thực tế còn nhiều trường hợp thai bình thường bị chẩn đoán nhầm là khuyết tật và bị phá nhưng không bị báo chí đăng tải.
Tình cờ, vài tháng qua trên mạng cũng đăng tải một video clip thu hút hơn bảy triệu lượt người xem và gây xúc động cho quần chúng. Lacey Buchanan, người mẹ trẻ 25 tuổi đã phấn đấu để sinh ra cậu bé bị mù và hở hàm ếch nặng, dù cho bác sĩ khuyên nên phá, và người chung quanh cười chê và thậm chí trách cô sao không phá thai mà lại sinh ra đứa bé khuyết tật. Christian, con trai cô, được phẩu thuật vá hàm lúc bốn ngày tuổi, nay 14 tháng tuổi, biết cười, và đem lại niềm vui cho vợ chồng cô và người chung quanh. Cô làm video này vì muốn cho con trai “lớn lên biết rằng cậu bé là quan trọng, có giá trị riêng, mặc cho vẻ ngoài có thế nào đi nữa”.
Vợ chồng cô gọi Christian là “tình yêu của đời tôi”. [8]
Số phận các thai nhi như một cuộc “xổ số” may rủi, hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng chẩn đoán và lập trường các bác sĩ khám tiền sản, và vào cha mẹ. Xã hội Việt-Nam, cũng như nhiều xã hội khác trên thế giới, cách riêng ngành y khoa, chấp nhận và ngay cả khuyến khích các thai phụ phá thai khi phát hiện thai khuyết tật. Ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, hàng triệu bé gái bị phá mỗi năm do chính sách một con hay do não trạng coi trọng nam giới.
Tuy chưa có thống kê chính xác, nhưng thực tế cho thấy con số phá thai chọn lọc tăng tỉ lệ thuận với khả năng chẩn đoán y khoa.
Giáo Hội ủng hộ các tiến bộ y khoa phục vụ sự sống. Tuy nhiên lịch sử y khoa cho thấy nhiều lần, các tiến bộ y sinh học thay vì phục vụ sự sống, lại quay ra hủy hoại sự sống, nhân danh vì một cuộc sống hạnh phúc hơn. Vì thế, Huấn Quyềnthận trọng đối với vấn đề khám tiền sản:“Chẩn đoán tiền sản, vốn không trái luân lý nếu được thực hiện để xác định trị liệu y khoa có thể cần thiết cho thai nhi, rất thường trở thành cơ hội để đề nghị và gây ra phá thai. Đây là phá thai ưu sinh, được biện minh trong công luận dựa trên não trạng- nhận thức một cách sai lầm rằng đó là phù hợp với đòi hỏi của ‘các can thiệp chữa trị’- chỉ chấp nhận sự sống dưới một số điều kiện nhất định và chối bỏ sự sống khi bị khiếm khuyết, tật nguyền, hay bệnh tật nào đó.” (EV 14)
Khám tiền sản ngày nay bộc lộ một thái độ ưu sinh đã áp đặt những quy luật của nó, và cả những nguy cơ. Đó chính là nền văn hóa duy lợi bắt phải loại trừ tất cả những gì không tỏ ra hoàn hảo, gây tốn kém cho xã hội. Với nền văn hóa này, trách nhiệm làm cha mẹ gắn với não trạng làm cha mẹ “có điều kiện”, không chấp nhận những đứa con không đáp ứng lòng mong muốn của mình.
Tất cả những gì nền “văn minh sự chết” này đem lại là sự trống rỗng, sự vô nghĩa của một cuộc sống thiếu đi những nền tảng.Nhiều trường hợp như đã nói ở trên, sự sống con người đã bị xem thường đến mức “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, các thai nhi khỏe mạnh bình thường bị phá do bị chẩn đoán lầm là khuyết tật. Ngoài ra, các bác sĩ khám tiền sản thực hiện phá thai ưu sinh đang làm thay đổi chính bản chất của nghề y khoa: thay vì bảo vệ sự sống, nay thầy thuốc đang trở thành người hủy hoại sự sống bằng cách giết chết các bệnh nhi của mình ngay trong lòng mẹ.
Hội đồng giám mục Pháp nhấn mạnh: “một chẩn đoán xác định một khuyết tật hay bệnh lý có tính di truyền không có nghĩa là đưa ra án tử đối với thai nhi”.[9]Và các ngài khuyến khích, thật can đảm và cần can đảm để cho chào đời một đứa bé khuyết tật hay bệnh lý di truyền. Thực tế cho thấy, nhiều người “khuyết tật thể lý” lại dạy cho những người “hoàn mỹ thể lý” các bài học tinh thần, thiêng liêng về mầu nhiệm sự sống mà chúng ta không thể tìm thấy trong thế giới của những con người “hoàn mỹ thể lý”.
3. Thụ thai nhân tạo
Truyền thống Á đông và Công giáo đều quý trọng gia đình và hiểu rằng hạnh phúc của hôn nhân bao gồm con cái cũng như tình yêu. Đau khổ xảy ra khi cặp vợ chồng khao khát có con cái nhưng không có khả năng làm điều đó. Suốt lịch sử nhân loại, vô sinh là một trong các mối ưu tư.
Kỹ thuật thụ thai nhân tạo được ca ngợi là một thành tựu y học quan trọng của thế kỷ 20 đã đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, thậm chí cứu cuộc hôn nhân khỏi tan vỡ vì vợ hoặc chồng không có khả năng sinh sản.
Thế nhưng Huấn Quyền Công Giáo vẫn không cho phép thụ thai nhân tạo. Nhiều người, ngay cả người Công Giáo, trách Giáo Hội quá “cứng ngắt”, không thông cảm cho nỗi đau của vợ chồng vô sinh.
Ta phải hiểu như thế nào cho đúng đắn?
Tôn trọng khả năng chuyên môn của từng ngành khoa học,Huấn Quyền không can thiệp vào lãnh vực riêng của y khoa. Tuy nhiên Huấn Quyền nhắc nhở khi áp dụng các thành quả y khoa vào con người, các nhà khoa học có trách nhiệm luân lý phải tôn trọng mọi nhân vị, trong mọi giai đoạn cuộc sống, và các can thiệp sinh sản phải bảo đảm tính đặc thù của các hành vi nhân vị truyền thông sự sống.
Bởi sứ mạng đào luyện lương tâm, Huấn Quyền can thiệp bằng cách đưa ra các nguyên tắc luân lý phát xuất từ chính bản tính con người (x. Dignitas Personae, DP 10). Phẩm giá con người bắt nguồn từ hình ảnh Thiên Chúa được ghi khắc trong từng con người, và từ mầu nhiệm Làm Người của Ngôi Hai giúp con người được tham dự vào đời sống vĩnh cửu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính vì phẩm giá nhân vị quá cao sâu, cho nên hoàn cảnh ra đời của con người phải xứng hợp với phẩm giá đó. “Cội nguồn của sự sống con người phải ở trong một bối cảnh chân thực của nó là hôn nhân và gia đình, trong đó nó được sinh hạ nhờ một hành động biểu lộ tình yêu hỗ tương giữa người nam và người nữ” (DP 6).
Qua hành vi truyền sinh, người nam và người nữ được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng con người. Hai chiều kích tự nhiên và siêu nhiên của sự sống con người, “giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của các hành vi làm cho một con người sinh ra đời và qua đó người nam và người nữ hiến mình cho nhau, là một phản ánh của tình yêu của Ba Ngôi”(DP 9) .
“Nhờ sự kết hợp của đôi phối ngẫu, mục đích kép của hôn nhân được thể hiện: lợi ích của chính đôi phối ngẫu và sự lưu truyền sự sống. Không thể tách biệt hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân, mà không làm biến chất đời sống tinh thần của đôi phối ngẫu cũng như phương hại đến những lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình” (Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, GLGHCG 2363).
Giáo Hội không loại trừ tiên thiên các kỹ thuật thụ thai nhân tạo. Nếu kỹ thuật nào không thay thế hành vi vợ chồng, mà chỉ trợ giúp hành vi vợ chồng đạt đến mục tiêu truyền sinh của nó, thì được chấp nhận về mặt luân lý (x.DV, II, B, 6, được trích lại trong DP 12).
Điểm cần lưu ý ở đây, là thụ thai nhân tạo dị ngẫu (trứng hoặc tinh trùng đem sử dụng không thuộc về cùng cặp vợ chồng điều trị vô sinh) bị loại trừ trước hết do xúc phạm bản chất đơn nhất của hôn nhân (x. DP 12). Thụ thai nhân tạo đồng ngẫu (trứng và tinh trùng được sử dụng là thuộc cùng cặp vợ chồng điều trị vô sinh) cũng không được chấp nhận vì tất cả các kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay đều thay thế hành vi vợ chồng.
Ngay cả phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra-uterine insemination) là phương pháp điều trị vô sinh đầu tay và được áp dụng phổ biến nhất, và được đánh giá là kỹ thuật điều trị vô sinh hiệu quả nhất hiện nay, mà nhiều người, ngay cả một số linh mục, lầm tưởng là có thể chấp nhận vì sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể người nữ, cũng không được chấp nhận về mặt luân lý vì nó vẫn thay thế hành vi vợ chồng.[10]
Các kỹ thuật của thụ thai nhân tạo, mục đích đầu tiên là phục vụ sự sống và thường được thực hành với ý hướng này, thực tế mở ra các tấn công mới đối với sự sống con người. Về nền tảng, thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận được về mặt luân lý, vì nó tách rời việc truyền sinh khỏi bối cảnh hoàn toàn nhân linh của hành vi vợ chồng- bối cảnh duy nhất xứng hợp để một nhân vị ra đời. Ngoài ra, các kỹ thuật này còn gây ra nhiều vấn nạn luân lý.
Chẳng hạn, do tỉ lệ thất bại cao, thất bại cả trong việc thụ tinh và còn nguy cơ chết trong sự phát triển tiếp sau đó của phôi, và để giảm giá thành, các nhà chuyên môn thường tạo ra số phôi nhiều hơn nhu cầu cho việc cấy vào tử cung người phụ nữ. Các phôi này, gọi là “phôi dư”, sau đó bị phá hủy hoặc dự trữ đông lạnh để dùng trong nghiên cứu, với danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học, thực chất hạ thấp sự sống con người xuống cấp độ chỉ là một ‘chất liệu sinh học’ có thể tùy nghi sử dụng(x. EV 14).
Hơn nữa, trước khi cấy vào tử cung, các phôi sẽ được phân loại di truyền tốt xấu, phôi tốt được giữ lại, phôi xấu bị loại bỏ. Sau hết, đa thai là một hậu quả khác của thụ thai nhân tạo, và để bảo đảm thai phát triển tốt, nhiều khi bác sĩ sẽ thực hiện phá thai chọn lọc, giữ lại thai mạnh khỏe và bỏ thai yếu hay dị tật. Cả thầy thuốc và cha mẹ thực hành chủ thuyết ưu sinh, vốn đi ngược lại phẩm giá con người. Đó là chưa kể đến nhiều vấn nạn luân lý trong thực hành thụ thai nhân tạo dị ngẫu (bán tinh trùng, bán trứng, thuê người mang thai hộ, hôn nhân đồng huyết thống…)
Là người Ki tô hữu,“mọi người đều phải ý thức rằng sự sống con người và nhiệm vụ lưu truyền sự sống không chỉ bị giới hạn ở đời này, việc đánh giá chân thật và ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ có thể hiểu được khi quy chiếu về vận mệnh vĩnh cửu của con người” (GLGHCG 2371). Do đó, tuy đồng cảm với nỗi đau khổ của các cặp vợ chồng vô sinh, Huấn Quyền kêu gọi các cặp vợ chồng đó, sau khi đã điều trị vô sinh bằng các biện pháp chính đáng mà không thành công, thì hãy chấp nhận “thân phận người” với những giới hạn không thể vượt qua, cố gắng vượt qua nỗi đau riêng, mở lòng đối với các trẻ mồ côi bơ vơ, đón nhận chúng vào mái ấm tình thương của gia đình mình, cho các em cơ hội thăng tiến. Đó cũng là sống tình liên đới.
4. Khủng hoảng môi sinh
Trong thế kỷ 20,con người nghĩ rằng khoa học đang thay thế Thiên Chúa để tác động trên các thụ tạo khác và mở ra viễn ảnh huy hoàng của quyền năng trí tuệ con người. Tuy nhiên, thập niên 70 chứng kiến cuộc khủng hoảng môi sinh đến mức báo động toàn cầu. Con người càng cố gắng chinh phục trái đất, và chế ngự nó, sản xuất và tiêu thụ càng nhiều con người càng tạo ra những gánh nặng cho môi sinh.
Vì vậy, khủng hoảng môi sinh chỉ ra sự mù tối của chúng ta: chúng ta không thấy thế giới quanh ta thực sự hoạt động như thế nào. Chúng ta sống trong sự đối nghịch hiển nhiên, lờ đi những định luật cơ bản của vật chất và năng lượng, lờ đi quy luật tồn tại của thiên nhiên. “Con người là thủ phạm của thảm trạng môi trường hiện nay”. Ðó là lời nhận định của 2500 nhà bác học và chuyên gia về môi trường, đến từ 135 quốc gia trên thế giới, và tham dự Hội nghị Quốc tế về môi trường,được nhóm họp tại Paris, 2007.
Trong sứ điệp ngày hòa bình thế giới 1/1/2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “thái độ vô tâm đối với môi trường sẽ làm tổn thương cuộc sống chung của nhân loại và ngược lại. Sự tương quan chặt chẽ bất khả phân ly giữa sự hài hòa với thiên nhiên và sự bình an giữa con người với nhau luôn luôn là một điều quá minh nhiên. Nhưng cả hai sự bình an và hài hòa đó phải được bắt nguồn từ sự bình an với Thiên Chúa.”
Giáo huấn xã hội Công Giáo gửi đến cho con người một quan điểm phát triển và độc đáo về các vấn đề môi sinh.
Từ giáo huấn này, có thể rút ra vài chiều kích toàn vẹn về trách nhiệm con người về môi sinh:[11]
- Vũ trụ thánh thiêng
Toàn thể vũ trụ là nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Trái đất, một góc rất nhỏ, được chúc phúc riêng biệt của vũ trụ đó, là ngôi nhà của nhân loại. Nhãn quan Kitô giáo về một vũ trụ thánh thiêng- một thế giới bộc lộ sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa bởi những dấu hiệu hữu hình và vô hình, có thể đóng góp xây dựng Trái Đất một lần nữa thành ngôi nhà cho gia đình nhân loại.
Tuơng quan Thiên Chúa-con người-các thụ tạo khác có thể diễn tả qua ba mối liên hệ không tách rời: loài người và các tạo thành khác; loài người với Thiên Chúa; và Thiên Chúa với các tạo thành.
Tôn kính Đấng Tạo Hóa hiện diện và hành động trong tự nhiên, điều này có thể làm cơ sở cho việc con người trách nhiệm đối với môi trường. Bởi vì chính vũ trụ, trong vẻ đáng yêu và siêu phàm của chúng, nâng tâm trí chúng ta lên với Thiên Chúa. Tất cả thụ tạo thuộc quyền Thiên Chúa, và làm tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo nên muôn loài và tiếp tục làm cho chúng hiện hữu.
Vì vậy “nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là tôn trọng vạn vật hơn là chỉ chăm sóc cho chúng. Đôi khi chúng ta cần để vạn vật một mình, đôi khi sống hòa hợp với chúng.”[12]Thái độ tôn trọng này cần xuất phát từ một sự hoán cải của con tim hơn là sự xác tín từ khối óc.[13]Chính là với Đấng Tạo Hóa mà con người phải trả lời cho việc họ làm gì, hoặc thất bại không làm, để duy trì và chăm sóc cho Trái Đất và các tạo thành khác (x.Tv 24,1).
Cư ngụ trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta kinh nghiệm được chính chúng ta là một thành phần của vũ trụ, là người quản lý từ chính bên trong của vũ trụ, chứ không tách rời khỏi nó. Sự viên mãn của đời sống đến từ việc sống một cách trách nhiệm với các tạo thành của Thiên Chúa.
Tính quản lý chỉ ra rằng chúng ta phải chăm sóc cho vạn vật theo những tiêu chuẩn không phải do tự chúng ta đặt ra và đồng thời phải khơi nguồn tìm tòi những phương thức để làm cho Trái Đất sinh sôi phong phú. Đây là một quân bình khó khăn, vừa đòi hỏi một cảm nhận của sự giới hạn và một tinh thần của thực nghiệm.
Tôn trọng sự sống
Tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng sự sống liên hệ hữu cơ với nhau. Đức Gioan Phaolô II đã dạy tôn trọng sự sống, và trên hết tôn trọng phẩm giá của con người phải mở rộng đến các thụ tạo khác.[14]Tính khác biệt đa dạng của đời sống biểu lộ vinh quang Thiên Chúa. Mỗi thụ tạo chia sẻ một chút vẻ đẹp thần linh. Sự khác biệt tuyệt vời của thế giới tự nhiên do đó, là một phần của kế hoạch Thiên Chúa, và như vậy, mời gọi chúng ta tôn trọng.
Theo đó, điều thích hợp là chúng ta đối xử với các thụ tạo khác và với thế giới tự nhiên không chỉ như là phương tiện để triển nở nhân loại, nhưng cũng như các thụ tạo của Thiên Chúa, mang một gía trị độc lập, xứng với sự tôn trọng và chăm sóc của chúng ta.
Bằng cách bảo tồn môi sinh, bảo vệ các chủng loài đang bị lâm nguy, lao động để làm cho các môi trường thích hợp tương ứng với sinh thái địa phương, bằng cách áp dụng kỹ thuật thích hợp, và bằng cách lượng giá một cách cẩn thận những khai phá kỹ thuật mới khi chúng ta áp dụng chúng, chúng ta bày tỏ sự tôn trọng với vạn vật và tôn kính Đấng Tạo Hóa.
Lợi ích chung trái đất
Năm 1963, Đức Thánh Cha Gioan XXIII, trong tông thư Pacem in Terris, nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn lên của thế giới. Ngài thấy các vấn nạn nổi lên, mà những cơ chế chính trị truyền thống không thể đáp ứng được, và Ngài mở rộng các nguyên tắc truyền thống lợi ích chung từ quốc gia đến cộng đồng thế giới. Các quan tâm sinh thái ngày nay đã nâng cao nhận thức của chúng ta về sự phụ thuộc lẫn nhau của thế giới như thế nào. Một số trong các vấn đề môi sinh nghiêm trọng nhất rõ ràng là mang tính toàn cầu.
Trong thế giới đang thu nhỏ lại này, mọi người đều chịu ảnh hưởng, và mọi người đều có trách nhiệm, mặc dù những người mang trách nhiệm nhiều nhất thông thường lại là những người ít chịu ảnh hưởng nhất về suy thoái môi trường. Lợi ích chung hoàn cầu có thể làm nền tảng cho một nền đạo đức môi sinh toàn cầu.
Trong nhiều phát biểu của mình, Đức Gioan Phaolô II đã thừa nhận sự cần thiết cho một nền đạo đức nói trên. Một số lớn cá nhân và tập thể thiếu động cơ, ý thức hành động để bảo toàn nguồn tài nguyên và môi trường. Nhiều khi sự lười biếng và ích kỷ khiến con người sẽ không thay đổi thói quen lối sống hại môi trường trong chừng mực bản thân họ không bị ảnh hưởng. Các chính phủ có trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực này.
Trong Centesimus Annus (CA), Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng quốc gia có trách vụ cung cấp “cho việc bảo vệ và bảo tồn các lợi ích chung như là môi trường nhân loại và tự nhiên, là những cái vốn không thể bảo đảm một cách đơn giản bằng sức mạnh thị trường” (s. 40).
Một Sự Liên Đới Mới
Môi trường và nguồn năng lượng của trái đất ngày nay đã được xem là tài sản, lợi ích chung nhân loại. Tất cả mọi người hưởng phúc lợi từ việc bảo vệ chúng và sử dụng cách khôn ngoan nhưng mỗi cá nhân có thể vì lợi ích trước mắt sử dụng những biện pháp gây hại lâu dài cho môi trường.
Theo truyền thống Công Giáo, lợi ích chung toàn cầu được đặc trưng bằng nhiệm vụ đoàn kết liên đới, “một xác quyết vững chắc dấn thân cho lợi ích chung,” “một ước muốn ‘mất chính mình’ vì người khác thay vì khai thác họ”.[15]
Đức Gioan Phaolô II đã viết “Cuộc khủng hoảng sinh thái…bộc lộ nhu cầu luân lý khẩn cấp cho một sự liên đới mới, đặc biệt trong những tương quan giữa các nước đang phát triển và những nước đã kỹ thuật hóa cao” (EC 10). Chỉ với sự phát triển quân bình hài hòa, các nước nghèo mới có thể kiềm chế cuộc suy thoái môi trường đang tiếp diễn và tránh những hậu quả phá hủy của loại phát triển quá đà đã sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách vô trách nhiệm.
Mục Tiêu Hoàn Vũ của các thụ tạo
Thiên Chúa đã ban tài nguyên của trái đất để duy trì toàn thể gia đình nhân loại mà “không loại trừ hay ưu đãi riêng ai.”
Trong khi tiến về một nền kinh tế duy trì môi trường, chúng ta bắt buộc phải làm việc cho một hệ thống kinh tế chính đáng chia sẻ công bình tài sản trái đất và hiệu quả lao động nhân loại cho tất cả các dân tộc. Các thụ tạo không thuộc về một nhóm người nào, nhưng là toàn thể gia đình nhân loại.
Chọn lựa người nghèo
Vấn đề môi sinh nối kết mật thiết với công bình cho người nghèo.
Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta “Của cải trái đất, trong kế hoạch của Thiên Chúa, vốn là gia tài thừa hưởng chung cho mọi người…thường có nguy cơ trở thành tài sản của một số ít, những người thường nạo vét chúng, đôi khi phá hủy chúng, gây ra mất mát cho cả nhân loại”.[16]Người nghèo trên trái đất là một thử nghiệm về tình liên đới của chúng ta.
Những sửa đổi thích nghi chúng ta phải đảm đương trong các nền kinh tế riêng của chúng ta vì lợi ích của môi trường không được làm giảm thiểu sự nhạy cảm về nhu cầu của người nghèo trong nước và ngoài nước. Sự chọn lựa người nghèo cắm rễ trong tin mừng và giáo huấn Hội Thánh giúp chúng ta nhận thức rằng người nghèo chịu thiệt hại trực tiếp nhất từ suy thoái môi sinh và nhận được ít nhất để giảm thiểu những tổn thương của họ.
Thiên nhiên sẽ thực sự vui hưởng mùa xuân thứ hai của nó chỉ khi nhân loại có lòng đồng cảm với đồng loại của chính mình.
Một quan tâm “sống chết” là sự dấn thân hằng định của Giáo Hội cho phẩm giá của lao động và quyền lợi của người lao động. Sự tiến bộ môi trường không thể đạt được bằng với sự trả giá các quyền lợi của người lao động.
Các giám mục Hoa-Kỳ thừa nhận những xung đột tiềm năng trong lãnh vực này và sẽ ra sức làm việc cho một hiểu biết, trao đổi tốt hơn, và tìm mảnh đất thỏa hiệp chung giữa người lao động và các nhà môi trường.
Sự phát triển đích thật
Sự phát triển kinh tế không bị kìm hãm không phải là câu trả lời để cải thiện đời sống của người nghèo. Giáo huấn Công Giáo không bao giờ chấp nhận sự tăng trưởng vật chất như là một mô hình của phát triển. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói, một “sự góp nhặt thuần túy về của cải và các phương tiện phục vụ, ngay cả vì lợi ích của đa số…không đủ để thực hiện hạnh phúc con người” (SRS, 28).
Phát triển đích thật thúc đẩy điều tiết và ngay cả khổ chế trong sử dụng những nguồn tài nguyên vật chất. Nó cũng khuyến khích một cái nhìn quân bình về tăng trưởng con người hằng định với tôn trọng thiên nhiên. Hơn nữa, nó mở ra sự phát triển của các nhãn quan thay thế về xã hội tốt đẹp và và áp dụng những mô hình kinh tế với những tiêu chuẩn về phúc lợi phong phú hơn là chỉ về sản phẩm vật chất. Phát triển đích thật đòi hỏi những quốc gia gây ảnh hưởng môi trường tìm kiếm những cách thức để giảm thiểu và tái cấu trúc sự tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cuối cùng, phát triển đích thật cũng yêu cầu khuyến khích sử dụng thích đáng kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp, để mà phát triển không chỉ đơn thuần nghĩa là tiến bộ kỹ thuật vì kỹ thuật nhưng đúng hơn kỹ thuật đó giúp ích dân chúng và bồi bổ đất đai.
Như thế, tồn tại mối liên hệ hữu cơ giữa công bình và môi sinh. Môi sinh làm thành một phần hiểu biết của chúng ta về công bình và trở nên một chiều kích thiết yếu cho đức tin, đời sống và sứ vụ của chúng ta.
Thực hiện đối thoại văn hóa, tôn giáo phải đi cùng với bảo vệ môi sinh. Bảo vệ môi sinh phải là một ưu tiên tông đồ trong thế giới hôm nay, cho thế hệ hôm nay và ngày mai.
Kết
Từ khởi đầu lịch sử cho đến nay, khái niệm Công giáo về tính thánh thiêng của sự sống con người, sự tôn trọng dành cho trẻ chưa sinh bất kể giai đoạn phát triển nào luôn được khẳng định. Giáo Hội có sứ vụ rao giảng nguyên lý đức tin và đời sống luân lý dựa trên nền tảng Tin Mừng và truyền thống Tông Đồ.
Giáo Hội bảo vệ không mệt mỏi phẩm giá và quyền sống của phôi thai. Ngừa thai nhân tạo, trong đó một số trường hợp thực chất là phá phôi sớm; thụ thai nhân tạo, với quá trình tạo phôi gây ra nhiều phôi thặng dư phải đông lạnh hoặc hủy phôi; dùng phôi người để lấy một số tế bào gốc (qua đó phôi người bị phá hủy) để nghiên cứu, dù với mục đích tìm điều trị một số bệnh tật; phá thai, dù là phá các thai khuyết tật hay bệnh lý, đều là xâm phạm quyền sống và phẩm giá phôi thai, đi ngược lại giá trị Kitô giáo và giáo huấn Giáo Hội Công Giáo.
“Phẩm giá con người là một giá trị siêu vượt, được nhìn nhận bởi những ai thực sự tìm kiếm chân lý.” [17]
Lịch sử cho thấy khi sự thật về con người bị lãng quên, thảm họa xảy ra cho nhân loại. Quyền đầu tiên cơ bản của con người là quyền sống. Phò sự sống liên quan đến chống lại mọi hình thức của bạo lực: nghèo đói, chiến tranh, tội phạm, gây tổn hại cho môi trường thiên nhiên… Sự tồn tại và phát triển của các thế hệ tương lai tùy thuộc vào cách thức chúng ta ngày nay đối xử với nhau và với thiên nhiên. Mối tương quan giữa người với người, người với thiên nhiên là thể hiện sinh động của tương quan con người với Thiên Chúa.
Sr Elizabeth Trần Như Ý Lan
[1]X. Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 27.
[2]Thomas A. Mappes, “Abortion and Research on Embryonic Stem Cells,” trong Biomedical Ethics, Thomas A. Mappes và David Degrazia eds. (New-York: The McGraw-Hill Companies, 2006), 450, 451-53.
[3]Để hiểu biết thêm lập trường này, có thể tham khảo Trần Như Ý-Lan, Thân Phận Luân Lý và Thần Học của Phôi Thai: Nhận Định trên Quan Điểm Giáo Hội Công Giáo và Phôi Thai Học Hiện Đại (Tp Hồ Chí Minh, An Tôn & Đuốc sáng, 2010).
[4]Bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, 22/2/1987), Donum Vitae,Origins (Vol.16, n.40, 3/ 1987) 701.
[5]Gioan Phaolô II, “Address to the Fourth General Assembly of the PontificalAcademy for Life (24/2/1998) L’Observatore Romano, 25/2/1998, 5.
[6]Theo Vietnamnet, “Mâu thuẫn quanh vụ thai nhi 7 tháng bị đem chôn”, http://www.zing.vn/news/xa-hoi/mau-thuan-quanh-vu-thai-nhi-7-thang-bi-dem-chon/a250310.html”.
[7]Ngọc Hà, “Phá thai nhầm vì bệnh Rubella”, http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/449944/Pha-thai-nham-vi-benh-Rubella.html.
[8]Marisa Taylor, “Mother's Inspiring Video About Blind Baby”, http://news.yahoo.com/mothers-inspiring-video-blind-baby-son-173140041--abc-news-parenting.html
[9]Elodie Maurot, “L’Eglise prudente sur l‘usage du diagnostic prénatal” trong La Croix, 3/3/2006, tr.4.
[10]Có thể tham khảo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung ở bài viết của BS. Hồ Mạnh Tường, “Thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung”http://www.giaoducsuckhoe.net/article.asp?articleID=539&CategoryID=3&SubCategoryID=12&SpecialtyID=9
[11]Nội dung phần dưới đây, trừ những gì có ghi rõ nguồn, phần còn lại là được trích, lược dịch từ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Catholic Social Teaching and Environmental Ethics” 14/11/1991, http://www.webofcreation.org/DenominationalStatements/catholic.htm.
[12]Social Justice Secretariat, Society of Jesus, “Our Mission and the Environment,” 2008, trích dẫn Paul Fyle SJ, ASL, submission to IEN, May 2007.
[13]Social Justice Secretariat, Society of Jesus, “Our Mission and the Environment,” 2008, trích dẫn Hyun- Chul Cho, submission to IEN, July 2007.
[14]X. Gioan Phao-lô II, The Ecological Crisis: A Common Responsibility, (EC) s. 7, http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/peace/documents/hf_jpii_ mes_19891208_xxiii-world-day-for-peace_en.html
[15]Gioan Phao-lô II, Sollicitudo Rei Socilis, SRS38.
[16] Gioan Phao-lô II, Bài nói chuyện tại Hội Nghị giới thiệu ấn bản thứ hai “Bài ca Vạn Vật” của Thánh Phan-xi-cô, Giải Thưởng Quốc tế về Môi Trường, 25/10/1991. [17]“Message of His Holiness Pope John Paul II for the Celebration of the World day of Peace,” 1/1/1999,http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_14121998_xxxii-world-day-for-peace_en.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét