Người trẻ lướt web bằng
smartphone trong một nhà hàng thức ăn nhanh tại Trung Quốc. Mặc dù
bùng nổ về sử dụng Internet, đại lục vẫn xếp cuối bảng khảo
sát toàn cầu về quyền tự do.
Tại Trung Quốc hiện nay, Internet
đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của gần 700 triệu người, và đối với
một số người thì nó còn được dùng cho các mục đích tôn giáo.
“Muốn nghe giáo huấn của Đức Phật
nhưng không có thời gian đến chùa? Không sao. Chúng tôi có tài khoản WeChat
công khai”, theo một bài báo do Ban Tôn giáo Nhà nước phát hành.
Bài báo nói về việc một ngôi chùa
ở thành phố Vô Tích thuộc tỉnh miền đông Giang Tô kết hợp đời sống tôn giáo với
Internet thông qua tin nhắn, chủ yếu qua phần mềm smartphone cực kỳ phổ biến
WeChat.
Số người Trung Quốc sử dụng
Internet dùng smartphone để lướt web chiếm 90% vào năm 2015, theo báo cáo của
Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc.
Pius Chen, nhà quản trị mạng Công
giáo, cho biết các phần mềm smartphone giúp Giáo hội chuyển tải thông điệp
nhanh chóng. Ông còn tin rằng những cách thông tin như thế có thể giúp củng cố
cộng đồng Kitô hữu.
Chen tham gia 35 nhóm chat dùng
QQ và hơn 20 nhóm dùng WeChat, tất cả đều liên quan đến Giáo hội. Cả QQ và
WeChat đều có các chức năng tương tự như Twitter và Facebook. Người dùng cũng
có thể thành lập các nhóm chat riêng.
Chen nói anh sử dụng Internet gần
10 giờ một ngày.
“Tôi đọc và trả lời email mỗi
ngày, tương tác trong phòng chat online, lướt web để tìm tin tức về xã hội và
Giáo hội, và thảo luận trực tuyến với những người khác về các vấn đề liên quan
đến Giáo hội”, Chen kể.
Do dung lượng lưu trữ tăng và chất
lượng thiết bị điện tử cải thiện, nhiều người Công giáo ở Trung Quốc cũng đang
nắm bắt các cơ hội lớn hơn được truyền thông đa phương tiện kỹ thuật số mang lại.
Các video quay các hoạt động mừng
lễ của Giáo hội có thể được tải lên và chia sẻ qua Tudou, trang mạng Trung Quốc
tương tự YouTube, và file ghi âm bài giảng lễ có thể được nghe trên “Changba”,
phần mềm mở các file ghi âm, đây chỉ là một vài ví dụ về các ứng dụng online.
“Những phát minh trên Internet gần
đây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nó giúp thông tin nhanh hơn và khoảng
cách địa lý không còn là vấn đề nữa”, Chen nói.
“Chẳng hạn, tin tức về chiến dịch
tháo dỡ thánh giá ở Ôn Châu được cập nhật ngay. Nó giúp người Công giáo biết được
tình hình và cung cấp thông tin kịp thời”.
Tuy nhiên, các nhóm chat online
có thể không kiểm soát được, ông nói.
“Có một số nhóm tôi thường xuyên
tham gia nhưng tôi cũng chặn các bài viết của một số người vì không liên quan đến
đức tin, hay họ tranh cãi không ngớt về các chủ đề tôn giáo gây tranh cãi”,
Chen nói.
Maria Liu, nhà văn Công giáo, tin
rằng nhiều người vào trang web xem và đăng lại bài mà không hiểu chất lượng của
những cái họ đang chia sẻ online.
“Nhiều bài báo tốt cho việc phát
triển tâm linh lại bị chôn vùi do có quá nhiều bài đăng trên các trang xã hội
khác”, Liu nói.
“Mặc dù trang web tạo điều kiện
truyền giáo, nhưng chúng ta phải thể hiện đức tin của mình trong đời sống thực”,
bà nói.
“Người ta không còn thanh thản đầu
óc nếu họ bị nghiện hay sao lãng do các phần mềm di động. Đây là điều cấm kỵ đối
với đời sống đức tin”, bà nhấn mạnh.
Các blogger Công giáo nói cũng
khó xác định tính chính xác của những bài viết liên quan đến Giáo hội được đăng
online.
“Trong số các thông tin được đăng
lên thường có những quan điểm dị giáo và các giáo phái khác. Nhiều người Công
giáo đăng lại các bài có thông tin đó chỉ bằng một cái nhắp chuột mà không suy
nghĩ nghiêm túc trước”, Zong Xuebin, một blogger tích cực ở Giang Tô, bình luận.
“Còn có những trường hợp lừa đảo,
chẳng hạn có một số người giả làm linh mục. Tình trạng này vẫn còn”, Zong cho
biết.
Chẳng hạn có một bài được truyền
nhanh trên Internet nói về “Maria Divine Mercy” do một người phụ nữ đăng. Bà khẳng
định bà được mạc khải về một lời tiên tri trong sách khải huyền. Bài viết của
bà được truyền đi xa đến độ nhiều giáo phận đã phải phát hành thông cáo nhắc
người Công giáo không nên tin những chuyện mang tính dị giáo như thế.
Trong khi truyền giáo trên mạng
đang phổ biến nơi giáo dân và ngay cả linh mục, Zong nói các tổ chức Công giáo
hiện nay không quản lý trang web.
“Thiếu sự quản lý của Giáo hội
trong các nhóm được gọi là QQ và WeChat Công giáo. Bất kỳ người nào cũng có thể
thành lập nhóm nhưng những người quản lý có thể thiếu kiến thức cơ bản về Giáo
hội trong khi các giáo sĩ lại ít chú ý đến vấn đề này”, Zong nói.
“Tất cả các giáo phận nên có
trang web riêng và chỉ định các giáo sĩ hướng dẫn người Công giáo qua Internet.
Như thế sẽ giúp giáo dân hiểu giáo huấn của Giáo hội Công giáo chính xác hơn”,
ông đề nghị.
Kiểm duyệt
Có thể có thêm nhiều người Công
giáo ở Trung Quốc lên mạng bày tỏ đức tin của mình, nhưng do chính quyền áp đặt
những hạn chế nên họ chỉ có thể truy cập chừng mực mà thôi. Trung Quốc hiện xếp
cuối bảng khảo sát toàn cầu gồm 65 nước về quyền tự do Internet, tổ chức
Freedom House ở Mỹ nói trong báo cáo phát hành hồi tháng 10 năm ngoái.
Quyền tự do Internet ở Trung Quốc
gần đây giảm ở 3 mặt: cản trở việc truy cập thông tin, giới hạn nội dung và vi
phạm quyền của người dùng, theo báo cáo.
Truyền giáo trên mạng còn là một
hiện tượng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tại Hội nghị Công
tác Tôn giáo Quốc gia hồi tháng 4. Các blogger Công giáo xem đây là dấu hiệu siết
chặt kiểm soát mặc dù tình trạng này đã diễn ra ở đây từ lâu.
“Bộ An ninh Công cộng có các
trung tâm giám sát Internet đặc biệt theo dõi và kiểm soát các bài bình luận
trên mạng. Ở Trung Quốc không có tự do ngôn luận trên mạng. Tất cả các bài bình
luận bị giới hạn trong một phạm vi nhất định và nhiều từ ngữ nhạy cảm bị hạn chế”,
Chen nói.
“Cũng không có quyền tự do vào đọc
các trang web bên ngoài Trung Quốc. Chúng tôi cần một VPN (mạng riêng ảo) để
tránh bị kiểm duyệt”, ông nói thêm.
Blog của Zong bị khóa vì phát
hành các bài báo “thái quá” về chiến dịch tháo dỡ thánh giá ở Chiết Giang. Điều
này không có gì làm ông ngạc nhiên.
“Các tài khoản trên mạng xã hội của
một số luật sư và mục tử có ảnh hưởng, trong đó có Đức Giám mục Thaddeus Ma
Daqin của Thượng Hải, cũng bị khóa”, Zong cho biết.
“Tuy nhiên, truyền giáo trên mạng
là bổn phận mà người Công giáo không thể thoái thác. Chúng ta cần phải thận trọng
và cố tránh một số từ ngữ nhạy cảm”, ông nói.
Thậm chí có thể bị trừng phạt,
nhưng Zong nói: “Chính quyền có quyền tự do làm những gì họ muốn. Nhưng chúng
ta không làm gì xấu cả”.
(UCAN 18.05.2016)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét