WHĐ (20.10.2012) – Ngày 18-10,
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13 đã diễn ra được nửa chặng đường (10/21
ngày).
Sơ kết nửa chặng đường vừa qua,
chuẩn bị bước vào những công việc nửa chặng đường còn lại của THĐ, Đức hồng y
Donald W. Wuerl, Tổng giám mục Washington (Hoa Kỳ), Tổng phúc trình viên của
THĐ, đã trình bày bản phúc trình những hoạt động và nội dung thảo luận của các
nghị phụ THĐ trong 10 ngày qua.
Bản phúc trình của ĐHY Wuerl cũng
nằm trong khuôn khổ chuẩn bị cho tiểu ban văn kiện đúc kết THĐ để trình lên
ĐTC, giúp ngài soạn thảo Tông huấn hậu THĐ, đưa ra những giáo huấn mới của Hội
Thánh về công cuộc tân Phúc âm hóa và thông truyền Tin Mừng.
Vì thế, bản phúc trình của ĐHY
Wuerl có một tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình nghị sự của THĐ.
ĐHY Wuerl chọn câu trích sách
Tông đồ công vụ tóm tắt tinh thần của bản phúc trình: “Bấy giờ anh em sẽ là những
chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8).
ĐHY Tổng phúc trình viên đúc kết
những ý kiến của các nghị phụ với bốn nội dung chính:
A. Bản chất công cuộc Tân Phúc âm
hóa;
B. Bối cảnh hiện nay của sứ vụ Hội
Thánh;
C. Mục vụ của Hội Thánh trong
hoàn cảnh hiện nay;
D. Ai là người đảm nhận/tham gia
công cuộc Tân Phúc âm hóa?
Bản phúc trình của ĐHY Wuerl nêu
lên 14 vấn đề cụ thể, từ bốn nội dung trên. Đó là những vấn đề đã được các nghị
phụ đặc biệt quan tâm.
Sau đây là trích lược bản phúc
trình của ĐHY Wuerl.
* * *
A. Bản chất công cuộc Tân Phúc âm
hóa:
(gồm 2 vấn đề lớn cần được các
nghị phụ thảo luận tiếp tục trong nửa chặng đường còn lại)
Vấn đề 1. Qua phép Rửa tội, bản
thân từng Kitô hữu nhận được lời mời gọi đem lại cho họ phẩm giá đích thực của
người loan báo Tin Mừng. Làm thế nào Giáo Hội khích lệ những người đã lãnh nhận
bí tích Thánh tẩy ý thức hơn nữa về trách nhiệm phải truyền giáo và loan báo
Tin Mừng?
“Ðức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm
qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8), do đó Người “đã
đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5). Tin Mừng này liên quan đến nhiều giai đoạn của công
cuộc Phúc âm hóa.
Một trong số những giai đoạn đó
là sứ vụ truyền giáo –ad gentes- nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho những người
chưa bao giờ được nghe nói về Chúa Giêsu.
Một giai đoạn khác của công cuộc
Phúc âm hóa là dạy giáo lý và thăng tiến đức Tin. Đây là phần việc bình thường
của tiến trình giúp người Kitô hữu sống trưởng thành.
Rồi đến sứ vụ Tân Phúc âm hóa, là
công tác mục vụ đến với những người đã được nghe nói về Đức Kitô, đã từng giữ đạo,
nhưng vì một lý do nào đó đã ngưng, không giữ đạo nữa.
Vấn đề 2. Cần tiến hành ngay hoạt
động vốn gắn liền với đời sống của giáo xứ là khai tâm và từng bước thăng tiến
đức Tin. Làm thế nào để cộng đoàn Kitô hữu ý thức hơn nữa về tầm quan trọng của
hoạt động mang tính giáo lý và giáo dục này?
B. Bối cảnh hiện nay của sứ vụ Hội
Thánh: gồm ba vấn đề cụ thể
(được ĐHY Wuerl đánh số thứ tự tiếp
liền hai vấn đề trên):
Vấn đề 3. Nhiều phát biểu của các
nghị phụ cho thấy rõ có một sự đồng thuận phải tái xác định sứ vụ mang Tin Mừng
đến cho thế giới của Giáo Hội trong một tình thế mới. Đã gặt hái được những
kinh nghiệm gì về vấn đề này?
Nhiều nghị phụ đã phát biểu về chủ
nghĩa thế tục và thờ ơ đối với tôn giáo như một bộ phận của nền văn hóa đương
thời tại nhiểu nơi trên thế giới. Vì thế, Giáo Hội cần phải đối mặt với những
thách đố của một thế giới đang ngóng tìm những nguồn cảm hứng khác. Nhiều ý kiến
đã nhấn mạnh tình trạng thiếu hiểu biết nghiêm trọng về đức Tin –kể cả những hiểu
biết sơ đẳng nhất– tại những quốc gia vốn có lịch sử lâu đời mang danh Kitô
giáo.
Vấn đề 4. Trước tình trạng sự hiểu
biết về nội dung đức Tin và nhận thức đối với sứ điệp Tin Mừng ngày càng giảm
sút, đã có phương cách nào trình bày giáo huấn của Hội Thánh một cách rõ ràng,
dầy đủ và có sức hấp dẫn đối với mọi người, nhất là giới trẻ?
Tiến trình toàn cầu hóa cũng đang
đặt ra những thách đố riêng. Tình trạng có rất đông người di cư và nhập cư đã tạo
nên sự xáo trộn về khung cảnh sống đức Tin cả về phương diện văn hóa, xã hội
cũng như tôn giáo. Nhiều giá trị tôn giáo và nhân bản đã bị chủ nghĩa thế tục
làm cho lu mờ.
Một bộ phận lớn của nền văn hóa
ngày nay toát lên khuynh hướng xem nhẹ khía cạnh quan hệ giữa người với người
trong xã hội. Một số nghị phụ đã dẫn chứng về tình trạng bạo lực xảy ra tại nhiều
nơi, nhiều vị khác bày tỏ sự quan tâm trước tình trạng quyền tự do tôn giáo bị
coi thường. Nhiều nghị phụ khi đề cập đến những nỗ lực của Giáo Hội nhằm thực
hiện sứ vụ loan báo tin Mừng, đã nêu lên tầm quan trọng của các phương tiện truyền
thông xã hội, đặc biệt về các phương tiện truyền thông điện tử hiện đại. Một số
vị cho rằng chúng ta chưa thực hiện đầy đủ việc giới thiệu Kitô giáo và các giá
trị Kitô trên internet và qua phim ảnh đạo. Chúng ta cần đi vào ngôn ngữ của những
phương tiện truyền thông hiện đại. Giáo Hội cần phải học hỏi và sử dụng nghệ
thuật truyền thông xã hội hiện đại.
Vấn đề 5. THĐ nhấn mạnh đến tính
chất nghiêm trọng của những thách đố hiện nay Giáo Hội đang phải đương đầu. Những
thách đố này cản trở việc thông truyền đức Tin. Trong số những thách đố này, phải
kể đến sự siêu việt đã vắng bóng trong một nền văn hóa bị thế tục hóa. Vậy, tiến
trình thế tục hóa đang đặt ra những thách đố gì? Có những biện pháp nào nhằm khắc
phục những thách đố này?
C. Mục vụ của Hội Thánh trong
hoàn cảnh hiện nay:
(gồm bốn vấn đề cần được tiếp tục
suy nghĩ và thảo luận)
Vấn đề 6. Loan báo Tin Mừng trước
hết là công việc thiêng liêng được bén rễ trong mối tương quan cá nhân với Chúa
Giêsu Kitô qua Giáo Hội. Giáo Hội làm thế nào tạo ra được những không gian và
thời điểm cho cuộc gặp gỡ Đức Kitô, đồng thời thúc đẩy mọi người đã chịu phép Rửa
đổi mới đời sống tâm linh, hoán cải và được đào luyện về đức Tin?
Sự dấn thân của mỗi cá nhân không
dựa vào khả năng của mình để giải quyết tình thế. Thư thứ nhất của Thánh Phêrô
nhắc nhở chúng ta: “Anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát,
mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1P
1, 23). Chúa Thánh Thần đem lại sinh khí cho quyết tâm tái khám phá của chúng
ta đối với những chân lý được trình bày trong kinh Tin kính. Ngài thêm sức cho
chúng ta khi biết tin tưởng vào các bí tích sẽ mang lại sự sống ân sủng và nhân
đức. Chúa Thánh Thần cho chúng ta được nên kiên vững khi chúng ta đem hết tâm hồn
đón nhận ơn Ngài ban cho để chúng ta sống niềm tin của mình. Công cuộc tân Phúc
âm hóa phải đi vào mọi ngõ ngách của xã hội chúng ta đang sống. Văn hóa chính
là lĩnh vực của tân Phúc âm hóa. Văn hóa liên quan đến nền đạo đức trong cuộc sống
hằng ngày, những hệ thống nhận thức và ý nghĩa khác nhau đang hằng ngày phát
sinh những mối liên lạc giữa các cá nhân, cộng đồng và xã hội. Văn hóa tạo nên
mối liên kết cốt yếu giữa cá nhân và cộng đồng và cộng đồng với xã hội. Trong
chiều hướng này, sáng kiến “Sân chư dân” được coi là một đóng góp lớn vào công
cuộc Phúc âm hóa nền văn hóa.
Nhiều ý kiến khác tại THĐ đã lưu
ý rằng chăm sóc bệnh nhân và những người đau khổ cũng thuộc bản chất của truyền
giáo. Một trong những đề tài được nhắc lại là cần phải làm nổi bật vai trò của
Giáo Hội là thể hiện sự hiện diện của chính Đức Kitô trong thế giới ngày nay.
Giáo Hội không được xa lạ với kế hoạch cứu độ của Đức Kitô. Một số giám mục đã
nói cần phải tăng cường vai trò giáo huấn của Hội Thánh đối với những người đang
tham gia giảng dạy đức Tin, dù ở trình độ nghiên cứu thần học hoặc đang giảng dạy
ở bậc tiểu học, trung học hay đại học và tất cả những khóa giáo lý.
Vấn đề 7. Đặc điểm của cuộc sống
người Kitô hữu là thay đổi bản thân, đáp lại lời mời gọi nên thánh. Làm thế nào
Giáo Hội có thể giúp những ai đã chịu phép Rửa biết sống đức Tin Kitô giáo và
làm chứng cho quyền năng biến đổi của Thiên Chúa trong lịch sử chúng ta?
Trong số những đáp ứng về phương
diện mục vụ, đáng kể là những hoạt động công bằng và bác ái xã hội, thể hiện
căn tính của đời sống và sứ vụ Hội Thánh. Chính khả năng thực hiện những hoạt động
yêu thương của Hội Thánh, trong các lĩnh vực công bằng xã hội, phục vụ, y tế và
giáo dục, được coi là đã thể hiện căn tính và là dấu chỉ giúp người khác nhận ra
sự hiện diện của Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới.
Vấn đề 8. Làm chứng cho đức bác
ái của Chúa Kitô, qua những hoạt động công bằng, hòa bình và phát triển, sẽ góp
phần vào công cuộc tân Phúc âm hóa.
Vậy, cần phải làm gì để học thuyết
xã hội phong phú của Hội Thánh có thể loan báo và làm chứng hơn nữa cho đức
Tin?
Nhiều nghị phụ đã kêu gọi một lễ
Hiện xuống mới. Các ngài nói đã nhìn thấy hoạt động của Giáo Hội ngày nay, được
Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đang phản ánh hình ảnh của Giáo Hội đầu tiên tràn đầy
hưng phấn khi đưa những môn đệ đầu tiên đến với Chúa. Đa số các nghị phụ đều
nói đến sự tương đồng giữa buổi đầu của Hội Thánh với giai đoạn hiện nay của
chúng ta. Như vậy có ý nói rằng thế giới được chính thức cung hiến cho Chúa
Thánh Thần.
Tất cả các giáo xứ trong toàn
Giáo Hội được nhìn nhận là nơi diễn ra phần lớn đời sống của Hội Thánh. Nhiều lần
tầm quan trọng của các giáo xứ trong tiến trình tân Phúc âm hóa đã được nhấn mạnh,
bởi giáo xứ chính là một “môi trường” diễn ra biết bao kinh nghiệm của các cá
nhân đối với Hội Thánh. Cùng lúc đó, cũng cần phải khẳng định tầm quan trọng của
các cộng đoàn nhỏ các tín hữu, là cơ sở cho những hoạt động của Giáo Hội và
đang tạo nên một lễ Hiện xuống mới.
Nhiều nghị phụ THĐ lưu ý các cộng
đoàn nhỏ không được tách khỏi gia đình lớn là giáo xứ. Các mục tử cần phải có
khả năng làm việc với mọi người được trao phó cho mình và không được tự giới hạn
chỉ làm việc với một nhóm nhỏ.
Vấn đề 9. Các giáo xứ và những cộng
đoàn nhỏ giữ một vị trí then chốt trong công cuộc tân Phúc âm hóa. Làm thế nào
giáo xứ và những cộng đoàn nhỏ này có thể làm tốt hơn việc cổ võ và phối hợp
các sáng kiến mục vụ đối với công cuộc tân Phúc âm hóa? Làm thế nào những hoạt
động mục vụ thông thường từ ngày này sang ngày khác của các cộng đoàn nhỏ này
toát lên được những gì đang diễn ra trong công cuộc tân Phúc âm hóa?
Chúng ta đã nghe về việc giáo dục
đức Tin như điểm khởi đầu cho việc canh tân và củng cố trong tiến trình tân
Phúc âm hóa, giới thiệu lại cho thế giới về Chúa Giêsu Kitô. Một số nghị phụ nhấn
mạnh đến khía cạnh giáo dục, đặc biệt giáo dục người trẻ, như một yếu tố cấu
thành của tân Phúc âm hóa, đồng thời làm thế nào trong tương lai chúng ta có thể
giúp con người cảm nghiệm được Đức Kitô.
Các nghị phụ nhấn mạnh cần phải
tìm kiếm những phương cách thiết thực và cụ thể nhằm đem đến cho người trẻ một
nền giáo dục tốt đẹp trong đức Tin. Tiến trình tân Phúc âm hóa rõ ràng phải
tính đến vấn đề giáo dục thanh thiếu nhi.
Vấn đề 10. Từ khi xuất bản sách
Giáo lý Hội Thánh Công giáo, đã có những tiến bộ lớn trong việc đổi mới việc dạy
giáo lý. làm thế nào Giáo Hội có thể xây dựng một chương trình giáo lý căn bản,
đầy đủ và kích thích tìm kiếm chân, thiện, mỹ.
Người trẻ là tương lai của Hội
Thánh. Làm thế nào Giáo Hội có thể giáo dục, dạy giáo lý cho người trẻ một cách
tốt hơn nữa, hướng họ vào mối tương giao cao quý với Chúa Giêsu qua Hội Thánh,
buộc họ phải suy nghĩ về việc dành cuộc đời mình cho Chúa hơn nữa?
Theo đó, một số nghị phụ đã nhấn
mạnh thêm về tác vụ dạy giáo lý. Các giáo lý viên có thể là nguồn trợ lực lớn của
công cuộc tân Phúc âm hóa, nhất là trong bối cảnh các gia đình thông truyền đức
Tin cho con cái.
Vấn đề 11. Giáo lý viên giữ vai
trò quan trọng trong việc thông truyền đức Tin. Phải chăng đã đến lúc trao cho
các giáo lý viên một tác vụ được Giáo Hội thiết lập một cách vững chắc? Làm thế
nào Giáo Hội giúp các giáo lý viên thi hành tác vụ rất quan trọng này?
Các nghị phụ đã nói đến sự cần
thiết phải khôi phục truyền thống Công giáo kêrygma –loan báo Tin Mừng– để vững
tin nói Lời của Chúa khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, phục hồi tiếng
nói ngôn sứ của Hội Thánh, nhận ra những dấu chỉ của thời đại đang kêu mời phải
tân Phúc âm hóa và dấn thân loan báo và đưa ra câu trả lời của người Công giáo
trước những dấu chỉ của thời đại.
Cũng vậy, một số nghị phụ đã nhấn
mạnh tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân diễn tả đức Tin của dân Chúa.
Các nghị phụ cũng rất tán đồng về
giá trị của việc hành hương, nhất là hành hương viếng các đền thánh Đức Mẹ, đã
mang lại những cơ hội rất thuận lợi cho việc truyền giáo.
Cuối cùng, công cuộc tân Phúc âm
hóa không chỉ là chương trình đang diễn ra hiện nay mà còn là cách nhìn tới
tương lai của Giáo Hội, cũng như thấy được từng người chúng ta cần quyết tâm
canh tân niềm Tin, cũng như mọi người chung quanh vui mừng đón nhận cuộc sống
trong Đức Kitô phục sinh.
D. Ai là người đảm nhận/tham gia
công cuộc Tân Phúc âm hóa?
Vấn đề 12. Với tư cách là Giáo Hội
tại gia, gia đình không những cần thiết đối với việc thông truyền đức Tin, mà
còn đối với việc đào luyện nhân cách. Làm thế nào Giáo Hội nâng đỡ và hướng dẫn
các gia đình nhiều hơn nữa trong sứ vụ quan trọng đối với việc loan báo Tin Mừng
và đảm nhận vai trò tích cực hơn trong việc thông truyền đức Tin và các giá trị
nhân bản?
THĐ cũng đã bàn về vai trò căn bản
của người phụ nữ trong đời sống Giáo Hội và vị trí của người mẹ trong gia đình
trong việc thông truyền đức Tin. Cần phải đưa vào chương trình đào tạo các linh
mục việc thăm viếng mục vụ thường xuyên và có hệ thống nhằm nhận thức được niềm
vui loan báo Tin Mừng cho một thời đại không được huấn luyện đi vào mầu nhiệm của
Đức Kitô.
Những người đang chuẩn bị tiến đến
chức linh mục cần được huấn luyện để nhận ra được tính chất độc đáo của tác vụ
và mối liên hệ giữa chức linh mục với việc truyền giáo. Họ cũng cần phải được
huấn luyện để ý thức rằng mình tận hiến cuộc đời để phục vụ Hội Thánh với tư
cách của người linh mục sống độc thân.
Vấn đề 13. Linh mục có một vị trí
riêng biệt trong việc truyền giáo và thông truyền đức Tin. Làm thế nào Giáo Hội
có thể thúc đẩy việc canh tân mệnh lệnh truyền giáo được đặt ra cho tác vụ linh
mục? Nhiều ý kiến của các nghị phụ nhấn mạnh đến vai trò của giáo dân trong
công cuộc tân Phúc âm hóa. Trên mọi bình diện, dù trong các môi trường chuyên
nghiệp như giáo dục, luật pháp, chính trị, thương mại hoặc trong mọi môi trường
dấn thân của người giáo dân, chính bổn phận của từng người Công giáo cũng đã mời
gọi phải sống đức Tin. Thể hiện đức Tin bằng lời nói, và nhất là bằng hành động
cũng như trong cách sống.
Vấn đề 14. Giáo dân có một vị trí
quan trọng trong công cuộc tân Phúc âm hóa. Làm thế nào Giáo Hội đón nhận người
giáo dân vào cơ cấu tổ chức của Giáo Hội địa phương hơn nữa, sao cho nam nữ
giáo dân đều tham gia vào công cuộc Phúc âm hóa cộng đồng cùng với các linh mục?
Một số phát biểu của các nghị phụ
cũng đã nhấn mạnh đến hiện tương di dân đang lan rộng. Không ít trường hợp người
di dân Công giáo đến môi trường mới đã không còn tích cực sống đức Tin của
mình. Đón chào và tiếp nhận họ vào cộng đoàn của mình có lẽ cũng là một hình thức
tân Phúc âm hóa.
Hồng y Donald W. Wuerl,
Tổng giám mục Washington,
Tổng Phúc trình viện Thượng Hội đồng
Giám mục XIII
Thành Thi lược trích và chuyển ngữ
(http://www.hdgmvietnam.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét