Gia đình là nơi thuận tiện đầu
tiên để nói về Thiên Chúa, để thông truyền đức tin cho các thế hệ mới. Vì thế
các phụ huynh phải biết tỉnh thức và nhậy cảm chú ý tới các dịp thuận tiện giúp
trình bầy đức tin cho con cái với niềm vui, khả năng lắng nghe và đối thoại.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói
như trên với 7.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung
trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 2́́́́8-11-2012.
Trong bài huấn dự ngài đã khai
triển đề tài ”Làm thế nào để thông truyền đức tin cho con người ngày nay?” Tình
yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta và bao trùm cuộc sống để nó trở
nên tốt lành. Như thế chính Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thiện tối cao tự thông
truyền cho chúng ta. Và nếu chúng ta nói về Thiên Chúa là bởi vì chúng ta biết
rằng Người yêu thương chúng ta, chú ý tới chúng ta và tình yêu của Người vô tận
và vĩnh cửu, lớn lao hơn tình yêu của cha mẹ và tình yêu vợ chồng. Việc loan
báo được dành cho tất cả mọi người ấy dẫn đưa tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa
Tình Yêu, được mạc khải một cách duy nhất nơi Đức Giêsu chịu đóng đanh. Vì
không có ơn cứu rỗi cho nhân loại, nếu không phải là nơi Thiên Chúa của Đức
Giêsu Kitô. Nơi Người mọi người tìm được sự thành toàn tràn đầy của mình. Thông
truyền sứ điệp này là một nhiệm vụ nòng cốt của đức tin: đức tin đến từ việc lắng
nghe Lời Chúa (Rm 10,14.17).
Nhưng làm thế nào để thông truyền
Tin Mừng, để mở đường cho sự thật cứu độ trong con tim thường đóng kín của con
người ngày nay và trong trí khôn đôi khi bị biết bao chói lòa của xã hội làm lo
ra? Trước hết phải nhìn kiểu hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì
chính Thiên Chúa đã bước vào việc thông truyền với con người, còn hơn thế nữa
Ngài tự thông truyền cho con người cho đến chỗ nhập thể làm người. Nơi Đức Giêsu
thành Nagiarét chúng ta gặp gỡ gương mặt của Thiên Chúa, từ Trời xuống để chìm
ngập trong thế giới loài người và dậy họ ”nghệ thuật sống”, chỉ cho họ con đường
hạnh phúc, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khiến cho chúng ta trở thành
con cái Thiên Chúa một cách tràn đầy (Ep 1,5; Rm 8,14). Đức Thánh Cha định
nghĩa việc nói về Thiên Chúa như sau:
Nói về Thiên Chúa trước hết có
nghĩa là biết rõ điều chúng ta phải đem đến cho con người ngày nay: là Thiên
Chúa của Đức Giêsu Kitô như câu trả lời cho vấn nạn nền tảng tại sao lại sống
và sống ra sao.
Vì thế nói về Thiên Chúa đòi hỏi
một sự liên tục lớn lên trong đức tin, một sự thân tình với Đức Giêsu và Tin Mừng
của Người, một sự hiểu biết Thiên Chúa sâu xa và một đam mê mạnh mẽ đối với
chương trình cứu độ của Người, không nhượng bộ cám dỗ thành công, nhưng theo
phương pháp của Thiên Chúa, phương pháp của sự Nhập Thể trong gia đình Nagiarét
đơn sơ và trong hang đá Bếtlehem, phương pháp của dụ ngôn hạt cải. Cần phải
không sợ hãi sự khiêm tốn của các bước đi bé nhỏ và tin cậy nơi men vào trong bột
và làm cho nó dậy lên một cách nhiệm mầu (x. Mt 13,33). Trong việc nói về Thiên
Chúa, trong công tác rao giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,
cần tái chiếm trở lại sự đơn sơ, trở lại với điều nòng cốt của việc loan báo:
đó là Tin Mừng của Thiên Chúa Tình Yêu, đến gần chúng ta trong Đức Giêsu Kitô
cho tới Thập gía và trong sự Sống lại, trao ban hy vọng và mở ra cho chúng ta
cuộc sống vĩnh cửu. Thánh Phaolô là người đã nêu gương cho chúng ta, khi nói với
tín hữu Côrintô rằng người ”không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu
mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa... và người không muốn biết đến chuyện gì
khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1
Cr 2,1-2). Thánh Phaolô cho biết người không có ý cho cái gì của người, nhưng
rong ruổi trên các nẻo đường xa xôi chỉ với ước muốn loan báo Chúa Kitô chịu
đóng đinh, suối nguồn ơn cứu rỗi, Đấng đã chinh phục thánh nhân trên đường đến
thành Damasco.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh
Cha giải thích việc loan báo Tin Mừng như sau:
Nói về Thiên Chúa có nghĩa là
dành khoảng trống cho Đấng làm cho chúng ta hiểu biết Thiên Chúa, mạc khải
gương mặt tình yêu của Người; có nghĩa là lấy đi chính cái tôi bằng cách hiến
dâng nó cho Chúa Kitô, trong ý thức rằng không phải chúng ta chiếm được người
khác cho Thiên Chúa, mà phải chờ đợi họ từ chính Thiên Chúa, phải khẩn nài họ từ
Người. Việc nói về Thiên Chúa luôn luôn nảy sinh từ việc lắng nghe Người, từ việc
đắm chìm trong một đời cầu nguyện sâu xa.
Thật thế, đối với thánh Phaolô
thông truyền đức tin là nói lên một cách công khai điều mình đã nghe đã thấy
trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, điều đã mình kinh nghiệm trong cuộc sống được
biến đổi bởi cuộc gặp gỡ ấy: nghĩa là đem Đức Giêsu đến, mà thánh nhân cảm thấy
hiện diện trong mình và đã trở thành định hướng đích thực cuộc sống của người,
để làm cho mọi người hiểu rằng Chúa Giêsu cần thiết cho thế giới và định đoạt đối
với sự tự do của mỗi người.
Và thánh Phaolô để cho toàn cuộc
sống của mình bị lôi cuốn vào công tác loan báo Chúa Kitô. Để nói về Thiên Chúa
cần phải nhường chỗ cho Người trong sự tín thác rằng Người hành động trong sự yếu
đuối của chúng ta, dành chỗ cho Người không sợ hãi, với sự đơn sơ và niềm vui
trong xác tín sâu thẳm rằng càng để Người vào trung tâm bao nhiêu, thì việc
loan báo của chúng ta càng sinh hoa trái bấy nhiêu. Điều này cũng có giá trị đối
với các cộng đoàn Kitô: được mời gọi cho thấy hoạt động biến đổi của ơn thánh
Chúa, bằng cách thắng vượt các khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, các khép kín,
các ích kỷ, thờ ơ và bằng cách sống tình yêu Thiên Chúa trong các tương quan
thường ngày.
Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa
mà Người gọi là Abba Cha và về Nước Thiên Chúa với cái nhìn tràn đầy thương xót
đối với các khó khăn của cuộc sống con người. Việc thông truyền của Người đã là
một việc giáo dục liên lỉ cúi xuống trên con người để dẫn đưa nó tới với Thiên
Chúa.
Các Phúc Âm cho chúng ta thấy
Chúa Giêsu đã chú ý tới mọi hoàn cảnh Người gặp gỡ, Người đắm mình trong thực tại
của con người thời đó với sự tin tưởng tràn đầy nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa
Cha. Các môn đệ sống với Chúa và các đám đông gặp gỡ Người trông thấy cung cách
nói năng hành xử của Người, và nhận ra nơi đó hoạt động của Chúa Thánh Thần, hoạt
động của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu lời loan báo và cuộc sống giao thoa nhau:
Người hành động và giảng dậy luôn luôn khởi hành từ một tương quan thân tình với
Thiên Chúa Cha. Kiểu hành xử này trở thành chỉ dẫn nòng cốt đối với các Kitô hữu.
Kiểu sống trong đức tin và tình bác ái trở thành việc nói về Thiên Chúa ngày
nay; vì với một cuộc đời được sống trong Chúa Kitô, nó cho thấy sự đáng tin cậy
của những điều chúng ta nói bằng lời. Và ở đây chúng ta phải chú ý nhận ra các
dấu chỉ thời đại, nghĩa là nhận ra các tiềm năng, các ước muốn, các chướng ngại
gặp phải trong nền văn hóa hiện nay, đặc biệt phải biết nhận ra ước muốn sự
trung thực, khát vọng sự siêu việt, sự nhậy cảm bảo vệ thiên nhiên và không sợ
hãi thông truyền câu trả lời mà niềm tin nơi Thiên Chúa cống hiến. Năm Đức Tin
là dịp giúp tái khám phá ra các lộ trình mới trên bình diện cá nhân và cộng
đoàn với trí tưởng tượng được Chúa Thánh Thần linh hoạt, để tại mọi nơi sức mạnh
của Tin Mừng trở thành sự khôn ngoan và định hướng cho cuộc sống.
Cả trong thời đại chúng ta nơi đặc
ân để nói về Thiên Chúa là gia đình, là trường học đầu tiên để thông truyền đức
tin cho các thế hệ mới. Trong Hiến Chế về Giáo Hội và Sắc lệnh về Hoạt động
tông đồ Công Đồng Chung Vaticăng II coi cha mẹ là các sứ giả đầu tiên của Thiên
Chúa. Họ được mời gọi tái khám phá ra sứ mệnh của mình, bằng cách lãnh trách
nhiệm giáo dục và mở các lương tâm của các trẻ nhỏ cho tình yêu của Thiên Chúa,
như một việc phục vụ nền tảng đối với cuộc sống của chúng, trong việc là các
giáo lý viên và là các thầy dậy đức tin đầu tiên cho con cái họ. Và trong nhiệm
vụ này điều quan trọng trước hết là sự tỉnh thức, có nghĩa là biết tiếp nhận
các dịp thuận tiện để nói về đức tin trong gia đình, và giúp chín mùi suy tư có
óc phán đoán đối với nhiều tình trạng điều kiện hóa mà con cái phải chịu. Sự
chú ý ấy của cha mẹ cũng là sự nhậy cảm nhận ra các vấn nạn tôn giáo, đôi khi
hiển nhiên đôi khi dấu ấn trong tâm hồn con cái. Đức Thánh Cha nói tới niềm vui
trong kiểu thông truyền đức tin trong gia đình như sau:
Việc thông truyền đức tin phải có
giọng điệu tươi vui. Đó là niềm vui phục sinh không im lặng hay dấu diếm các thực
tại của sự đau đớn, khổ sở, mệt nhọc, khó khăn, hiểu lầm và của cả chính cái chết,
nhưng biết cống hiến các tiêu chuẩn giúp giải thích tất cả trong viễn tượng của
niềm hy vọng Kitô. Cuộc sống tốt lành của Phúc Âm chính là cái nhìn mới mẻ này,
là khả năng nhìn mọi hoàn cảnh với chính đôi mắt của Thiên Chúa.
Thật là quan trọng giúp mọi thành
phần trong gia đình hiểu rằng đức tin không phải là một gánh nặng, mà là suối
nguồn của niềm vui sâu xa, là nhận ra hành động của Thiên Chúa, nhận biết sự hiện
diện của sự thiện không gây ồn ào, và cống hiến các định hướng qúy báu giúp sống
tốt cuộc đời mình. Và sau cùng là khả năng lắng nghe và đối thoại: gia đình phải
là một môi trường, trong đó con người tập sống với nhau, giải quyết các xung khắc
trong việc đối thoại với nhau bằng cách lắng nghe, nói, hiểu và yêu nhau, để là
dấu chỉ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Như thế, nói về Thiên Chúa có
nghĩa là làm cho người ta hiểu bằng lời nói và cuộc sống rằng Thiên Chúa không
phải là Đấng tranh đua với cuộc sống chúng ta, nhưng là Đấng bảo đảm đích thực
cho sự cao cả của con người.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng
nhiều thứ tiếng khác nhau. Với các bạn trẻ ngài ước mong Mùa Vọng sắp bắt đầu
là dịp các bạn trẻ tái khám phá ra tầm quan trọng của niềm tin nơi Chúa Kitô;
người đau yếu biết đương đầu với các khổ đau bằng cách ướng cái nhìn lên Chúa
Hài Đồng; và các cặp vợ chồng mới cưới gia tăng ý thức về sự hiện diện của
Thiên Chúa trong gia đình mới của họ.
Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất
kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải- vietvatican.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét