HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

ĐỨC TIN VÀ NHỮNG THỬ THÁCH THỜI SƠ KHAI




Nếu mục đích của Năm Đức Tin là giúp Kitô hữu hiểu, yêu mến, và học hỏi thêm đức tin đã lãnh nhận, thì cách tốt nhất là nhìn lại chính lịch sử hình thành đức tin trong đời sống cha ông chúng ta.

Bốn trăm năm đầu tiên của Giáo hội, các Kitô hữu phải chống trả với rất nhiều “thù trong, giặc ngoài”, những âm mưu nhằm phá hoại đức tin non nớt của họ. Ba trăm năm đầu với “giặc ngoài”, là những áp lực của chính quyền, các triết lý đương thời, các tôn giáo khác v.v… khi những áp lực này vu cáo Kitô giáo phản quốc (không phục tùng hoàng đế), tà đạo (vì dám thờ Ba Chúa thay vì Một Thiên Chúa như Do Thái giáo), và man rợ (vì ăn thịt và uống máu trong các dịp Lễ) v.v…

Từ thế kỷ thứ tư, Giáo hội đối đầu với “nội thù” là những lạc thuyết và lạc giáo xuất phát từ những thần học gia hay tu sĩ Kitô giáo diễn dịch sai lạc về Kinh Thánh và truyền thống Giáo hội, gây hoang mang và chia rẽ trong Giáo hội.
Hiện nay một số cho là lịch sử đang phần nào tái diễn, và đây là nguyên nhân dẫn đển khủng hoảng đức tin. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu và học hỏi cách thức cha ông bảo vệ và tăng cường đức tin ngày xưa để làm bài học cho ta ngày nay.

Hộ Giáo Học và Ngoại Thù Khi Kitô hữu thời sơ khai đối đầu với những vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc, chế nhạo và ngay cả cấm đoán họ sống đức tin, họ thấm hiểu lời thánh Phêrô dạy: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pet 3:15).

Môn Hộ Giáo Học (được dịch từ tìếng Hi Lạp apologia, nguyên nghĩa là bài nói chuyện để bào chữa hay để trả lời những tố cáo của người khác)[1] ra đời trong những thế kỷ đầu tiên nhằm giải thích những thắc mắc hay minh oan những vu cáo của chính quyền hay các triết gia về tính phi lý của đức tin Kitô giáo.[2] Hộ Giáo Học thường có ba chức năng chính: Chứng Minh, Tự Vệ và Phản Công. Chứng Minh là đưa ra những bằng chứng vững chắc, hợp lý tại sao ta tin.
 Tự Vệ là là trả lời những thắc mắc mà người khác cho rằng Kitô hữu tin không hợp lý. Và Phản Công là “tấn công sự ngu xuẩn” (TV 14:1; 1 Cor 1:18-2:16) của những tư tưởng không đáng tin (như cổ động cho tà thần, đa thần, hay vô thần…).

Trong Tân Ước, Phaolô được xem là người tiêu biểu nhất sống vai trò Hộ Giáo Học khi rao giảng Tin Mừng. Viết thư cho tín hữu Galata, ông biện hộ khi người ta tố cáo ông không phải là tông đồ thật vì quá khứ của ông (Gal 1:1-10).
Bực tức với lời tố cáo này, ông khẳng định việc ông được kêu gọi làm tông đồ “không phải do loài người mà do Đức Giêsu Kitô” (Gal 1:1) (ý ông muốn giải thích việc ông không là Một trong nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu kêu gọi), và ông còn khẳng định thêm rằng Tin Mừng ông rao giảng là Thật, và vì thế, “nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gal 1:8).[3]
Trong Công Vụ Tông Đồ, hai bài thuyết giảng của Phaolô được ghi lại với tính cách biện chứng nhằm khích lệ những người không tin có Thiên Chúa suy nghĩ lại. Ở Lystra, Phaolô nói rằng vạn vật mang dấu tích của Đấng Tạo Hoá (Cvtd 14:14-16), và ở Athens Phaolô lý luận rằng vì con người là con cái Thiên Chúa, và có Thần Khí, nên Thiên Chúa thuộc về Thần Khí. Nếu Đấng Tạo Hoá ban hơi thở (là sự sống) cho muôn loài muôn vật, vậy chắc chắn Ngài (thượng đế) phải là một Đấng Đang Sống, và vì thế Ngài không thể là những vật vô tri vô giác của tà thần, của vàng bạc, đất, đá… (Cvtd 17:23-29; xem thêm 1 Cor 1:21; Gal 4:8; 1 Thes 4:5; 2 Thes 1:8; Titus 1:16).

Khi giảng cho người Do thái, những người đã tin vâo Thiên Chúa Yahweh, Phaolô muốn thuyết phục họ rằng Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Mesiah mà dân hằng mong đợi. Ông tìm cách chứng minh cho người Do Thái thấy những trùng hợp của Cựu Ước khi nói về Đấng Mesiah và những gì xảy ra cho Ngài. Khi có người cho rằng Thiên Chúa không thể xuống làm con người được, Phaolô cảnh cáo những Kitô hữu gốc Do Thái và những triết gia tìm cách giải thích Tin Mừng Chúa Kitô theo khôn ngoan của loài người, và nhắc nhở họ về mầu nhiệm mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử “vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” (1 Cor 1:18-25; 2:6-16).

 Chính Chúa Giêsu đã đặt một nền móng cho lý luận này khi Ngài nói với các môn đệ trên đường Emmaus: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” (Lk 24:27).[4] Sau Thời Các Tông Đồ Từ đầu thế kỷ 2, Kitô giáo bị đe doạ từ nhiều phía.

Do Thái giáo muốn tống xuất những Kitô hữu gốc Do Thái ra khỏi Hội Đường vì họ cho là những người này theo lạc giáo. Chính quyền bắt bớ và hành hạ Kitô hữu vì thế lực Giáo hội dần dần trở thành một tổ chức (chính trị) với thực lực lớn mạnh trong đế quốc Roma. Hầu hết những bách hại bắt nguồn từ những vu cáo hoặc hiểu lầm. Những vu cáo thông thường gồm việc Kitô hữu bí mật họp nhau hằng tuần cử hành nghi thức gọi là “bữa ăn tình thương” (agape meal) tại nhà riêng, họ gọi nhau là “anh, chị em” vì họ coi đó như một gia đình mới; họ cũng ăn uống say sưa, và nhiều khi sống thác loạn.
 Việc rước lễ cũng bị cắt nghĩa sai lầm. Kitô hữu bị tố cáo là những người “ăn thịt và uống máu” trong những buổi lễ. Một số còn tố cáo là họ sát tế trẻ con để ăn thịt. Còn những người tham dự buổi lễ thì bị cấm không được tiết lộ với ai. Về mặt chính trị, Kitô hữu bị ghép tội không tuân phục hoàng đế khi họ không bái lạy theo nghi thức dân sự. Việc này bị kết án là gây chia rẽ và xáo trộn sự hài hoà của xã hội. Về mặt đức tin, Kitô hữu bị tố cáo tin dị đoan cách mù quáng.

 Celsus, một triết gia lúc đó, lý luận rằng Chúa Giêsu Kitô không thể là Thiên Chúa được, vì nếu là Thiên Chúa, tại sao khi bị đóng đinh Ngài không trừng phạt quân lính? Hay vì Ngài không có khả năng?
Và tại sao Thiên Chúa lại cần xuống thế gian, có phải vì Ngài không biết hết mọi sự ? Với niềm tin vào xác loài người ngày sau sống lại, Celsus châm biếm rằng những người chết cháy, bị thú vật ăn trên rừng, hay cá ăn ngoài biển… rồi con thú đó hay con cá đó bị con khác ăn, vậy sau khi sống lại, người đó thuộc về đâu?[5]

Những chế giễu, vu cáo và hiểu lầm này cần phải được giải thích. Các giáo phụ đã phát triển Hộ Giáo Học như một vũ khí mới đương đầu với những thách thức này. Phản Công để Bênh Vực Đức Tin Trách nhiệm phản công này được giao cho Hộ Giáo Học.[6]

Từ đầu thế kỷ thứ hai, Kitô giáo bắt đầu tham gia tranh luận với triết lý Hi Lạp và hấp dẫn sự chú ý của xã hội Roma. Một số giáo phụ viết những bài biện hộ cho đức tin Kitô giáo. Đáng kể là Justin Martyr (100-165 AD), một người ngoại từ Samaria, sau khi tìm hiểu nhiều trường phái triết lý khác nhau đã quyết định chọn Kitô giáo làm chân lý, và chịu chết tử đạo ở Roma. Những tác phẩm của ông,

 Biện Chứng Thứ Nhất, Đối thoại với Trypho, và Biện Chứng Thứ Hai đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống Giáo hội thời đó (và cả sau này). Trong Biện Chứng Thứ Nhất, ông viết cho hoàng đế Antonious Pius và thượng viện Roma để thanh minh những vu cáo sai lạc. Trước hết, Kitô hữu không là vô thần khi họ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, nghĩa là, họ không tin vào một con người, mà tin Con Một Thiên Chúa.

Thứ hai, khi “ăn thịt uống máu”, họ không hiểu theo nghĩa đen của những người tố cáo là ăn thịt trẻ con, mà họ “ăn thịt uống máu” hy tế của con chiên Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của họ.
Thứ ba, khi bị vu tội không thờ lạy hoàng đế, Justin lên tiếng rằng Kitô hữu không thờ lạy bất cứ tạo vật nào, nhưng chính Kitô hữu trung thành phục vụ hoàng đế khi họ cầu nguyện cho hoàng đế với Thiên Chúa thật của họ, vì hoàng đế cần sự trung thành hơn là nghi thức bên ngoài. Sau đó, ông kết luận rằng Kitô hữu không đáng bị trừng phạt, nhất là bị giết chết, vì đức tin của họ.

Trong Biện Chứng Thứ Hai, ông viết cho thượng viện Roma và đòi hỏi công bằng cho Kitô hữu. Ồng cũng chứng minh rằng Đức Kitô là kết quả hoàn hảo của mọi sự khôn ngoan và chân lý đã tìm thấy trước đây, như trong lời dạy của các triết gia Socrates, Plato v.v… Và trong tác phẩm Đối Thoại với Trypho, Một Nguời Do Thái, ông chứng minh rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia được báo trước trong Cựu ước, rằng Kitô giáo là triết lý đúng đắn nhất trong những triết thuyết ông đã nghiên cứu. Ông còn chứng minh tính ưu việt của triết lý Kitô giáo hơn hẳn triết Plato, và ông kết luận rằng chân lý hay sự khôn ngoan trong triết lý Plato chẳng qua chỉ là một hình thức sao chép (copy) lại những gì đã được ghi trong sách của Moses. Cùng thời đó, thánh Ireaneus (chết 202) viết tác phẩm Chống Lạc giáo - Adversus Haereses khoảng năm 180.[7] Tertullian (160-225), một luật sư Roma trở lại Kitô giáo (khoảng năm 193) xuất bản Biện Luận Chứng-Apologia năm 197, trong đó ông lý luận rằng hoàng đế Trajan đã không đúng khi truy bắt Kitô hữu như những tội phạm. Điều sai trái là hoàng đế đã không dùng luật tố tụng dân sự để áp dụng, nghĩa là không cho Kitô hữu được tự do biện minh.

Rồi sau khi phi bác những tố cáo về vô thần, trạng thái sống hỗn loạn, bừa bãi của những cộng đoàn Kitô hữu, và vu cáo sát tế trẻ con trong các buổi lễ, Tertullian chứng minh rằng Kitô giáo là nguồn của mọi phúc lộc cho xã hội và cho con người.[8]
Đến thế kỷ 3, Clement of Alexandria (chết 214) viết một số những Luận Giải về Bênh Vực Kitô giáo. Tác phẩm Protrepticus bàn đến triết lý và văn hoá Hi lạp với chủ tâm để chứng minh rằng Kitô giáo là kết tụ của những gì được nói đến trong triết lý và văn hoá cũng như thần thoại Hi Lạp.[9] Đầu thế kỷ thứ 4, Lactantius (240-320) xuất bản Những Tổ Chức của Chúa - Divinae Institutiones, lên án tính kỳ quặc của đa thần, và khẳng định chỉ có một Thiên Chúa thật. Ông tranh luận đến thiên tính của Chúa Kitô, nói đến những phép lạ Ngài làm, lời ứng nghiệm trong Tân Ước, và chứng minh nền tảng luân lý Kitô giáo là tuyệt hảo.
Tác phẩm cúa ông lôi kéo được nhiều nhà trí thức Roma theo đạo. Giám mục Eusebius của Caesarea (263-339) viết bộ biện luận gồm hai phần: Chuẩn Bị cho Tin Mừng – Praeparatio evangelica, và Bằng Chứng của Tin Mừng -Demonstratio evangelica. Tác phẩm nhằm trả lời cho Porphyry, một học trò cúa triết gia Plotinus, lên án Kitô giáo trong cuốn Chống Lại Kitô giáo – Contra Christianos.
Trong phần đầu, Eusebius bài bác lý luận triết học của Porphyry và trong phần hai, chống lại những phi bác về phép lạ và sự sống lại Chúa Kitô. Hộ Giáo Học và Nội Thù Sau năm 313, với Hiệp Ước Milan, hoàng đế Constantine hợp thức hoá Kitô giáo, và từ đây không còn bắt bớ, truy lùng nữa. Khi Kitô giáo được tự do rao giảng, mối nguy hiểm lớn nhất cho Giáo hội đến từ những thần học gia, triết gia, và thầy dạy trong Giáo hội. (Trong những bài viết sau, chúng ta sẽ có dịp học hỏi thêm về những lạc thuyết đã gây sóng gió cho Giáo hội thời ban đầu, và đã góp phần quyết định trong việc hình thành Kinh Tin Kính, nền tảng đức tin Kitô giáo ngày nay). Thánh giám mục Augustine (354-430) là người đóng góp rất nhiều trong tranh luận với những người chống Giáo hội, nhất là tranh luận về lạc giáo và dị giáo.

Tác phẩm Thành Của Thiên Chúa- De Civitate Dei, được viết trong nhiều năm và hoàn tất năm 426, chống lại lạc thuyết Manicheism (mà trước đó Augustine là một tín đồ). Lạc thuyết này chủ trương nhị nguyên luận (dualism) cho rằng Tốt-Xấu (Thần Lành - Thần Dữ) là cùng đích của mọi sự, nghĩa là cả hai cùng song song tồn tại muôn đời. Augustine dùng triết Plato để chứng minh đức tin Kitô giáo, và khẳng định Thiên Chúa là Đấng Chiến Thắng mọi sự trong ngày sau hết. Lý luận sắc bén và vững chắc của thánh Augustine đã cảm hứng cho nhiều Kitô hữu ở mọi thời can đảm đứng lên bảo vệ đức tin Kitô giáo.

Augustine nhắc nhở rằng Đức Tin và Lý Trí không thể thiếu nhau, vì cả hai cùng giúp con người tìm đến Thiên Chuá và Chân Lý, và tìm được Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Augustine là người đầu tiên đề đạt: “Đức Tin tìm kiếm Hiểu Biết - Fides quaerens Intellectum”, vì “Đức Tin là bước đầu Sự Hiểu Biết, và Hiểu Biết là thành quả của Đức Tin”.[10] Thánh Augustine nhấn mạnh rằng Đức Tin và Lý Trí đều là ân sủng của Thiên Chúa, vì “không ai có thể tự mình có Đức Tin hay tự mình hoàn hoả hoá Đức Tin. Chính Thiên Chúa là Đấng làm mọi sự trong những kẻ Tin.”[11] Mặc dù mọi người có thể nhận biết có Thiên Chúa,[12] nhưng Thiên Chúa thật chỉ có thể tìm thấy trong Đức Giêsu Kitô.[13]

Vì thế, kiến thức và lý luận của các triết gia không ngăn cản họ thờ tà thần hay đa thần.[14] Kết Luận Trong 400 năm đầu tiên của Giáo Hội, cha ông chúng ta đã phải đối diện với “thù trong, giặc ngoài” để bảo vệ đức tin Kitô giáo. Với những người vu khống và đe doạ bắt bớ, Kitô hữu hiểu lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10:17-18).

 Với những chế giễu đức tin đến từ những lạc thuyết do chính Kitô hữu diễn dịch sai lạc lời dạy của Chúa Kitô và Giáo Hội, cha ông ta thấu hiểu lời thánh Phêrô: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pet 3:15).
 Ước mong trong Năm Đức Tin, chúng ta học hỏi để hiểu thêm, yêu mến thêm, và “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn” đức tin chúng ta.

--------------------------------------------------------------------------------
[1] Ở Athens (Hy Lạp) xưa, từ apologia được hiểu là lời bào chữa trong toà án. Bị cáo tìm cách nói ra (apo – tránh ra ; logia- bài nói)… nói tránh đi những tố cáo. Trường hợp triết gia Socrates bào chữa mình chống lại những người tố cáo ông giảng dạy một thần xa lạ và đầu độc giới trẻ, và được học trò ông là Plato ghi lại trong tác phẩm gọi là Lời Biện Hộ (tiếng Hi Lạp là apologia). Tiếng Việt dịch môn học này là Tín Chứng Học, Hộ Giáo Học hay Biện Hộ Học.
 [2] Tiếng Anh gọi trường phái bênh vực hay Hộ Giáo học này là apologetics, và người viết những bài biện hộ là apologist.
[3] Xem thêm trong I Cor 9: 3; II Cor 12:19. Không kể những lần ông tự biện hộ cho mình trước toà án, quan tâm lớn nhất của Paul là bênh vực cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Paul cám ơn người dân Philiphê đã nâng đỡ ông “Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được” (Phil 1:7). Và ông càng khẳng định hơn vai trò bảo vệ tin mừng: “Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng” (Phil 1:16).
[4] Sách Công Vụ Tông Đô kể một người Do Thái tên Alexandre tự biện hộ trước đám đông ở Ephêsô khi những người làm ảnh tượng tố cáo ông rao giảng Tin Mừng, khuyên không nên tin thờ hình tượng khiến việc buôn bán của họ bị thiệt hại (Acts 19:33). Nhiều nơi khác, Luke kể Phaolô hay những Kitô hữu tự biện hộ trước toà án, hay tuyên xưng đức tin chống lại những vu cáo bất hợp pháp (Lk 12:11; 21:14; Acts 22;1; 24:10; 25:8, 16; 26:2, 24).
 [5] Xem trong Origen, Against Celsus, 4.3.
[6] Tác phẩm biện chứng sớm nhất là Gởi Cho Diognetus, không biết ai là tác giả, nhưng sống vào thế kỷ thứ hai. Khoảng trước 138, Aristides viết một Biện hộ thư (giờ đã thất lạc). Thời đó có Celsus chối bỏ Đức Kitô giáo và vu cáo cho họ nhiều điều. Những tác phẩm của Celsus đã thất lạc, nhưng khi Origen viết cuốn Chống Lại Celsus – Contra Celsum (chừng năm 205) thì ta mới biết Celsus đã viết gì.
[7] Tác phẩm gồm 5 phần: 2 phần đầu chống Ngộ Đạo Thuyết (gnosticim), và 3 phần sau bênh vực cho đức tin Kitô giáo. Bên cạnh Iraeneus, thánh Athenagoras thành Athens viết Lời Cầu Cho Các Kitô Hữu (hay thuờng gọi là Apologia), và một Luận Về Xác Sống Lại; Theophilus, giám mục Antioch, viết Apologia ad Autolycum, nhắm đến giáo huấn về Thiên Chúa, diễn dịch kinh thánh và đời sống Kitô hữu.
[8] Tertullian được xem là một trong những trụ cột của môn Hộ Giáo Học. Ông biết trên 30 tác phẩm để bênh vực đức tin. Ông không được Giáo Hội phong thánh chỉ vì một vài những lời dạy của ông đi ngược lại với những giảng dạy của Kinh thánh hay các tông đồ. Ví dụ, ông dạy là Kitô không được trốn chạy khi bị bắt bớ, hay những goá phụ lập gia đình lần nữa thì phạm tội ngoại tình. Những lòi này trái nghịch với giáo huấn của thánh Phaolô. Dù vậy, công trạng to lớn của ông trong việc chống lại các tà thuyết và giảng dạy tín lý Chúa Ba Ngôi là nền tảng vững chắc cho sự lớn mạnh của Giáo Hội.
[9] Một tác phẩm tương tự, nhưng không được biết nhiều là Octavius của Minucius Felix, một luật sư Roma trở lại Kitô giáo. Trong sách, tác giả đặt cuộc đối thoại giữa Caecilius, một tín đồ đa thần giáo với Octavius, một Kitô hữu. Cuộc đối thoại xoay quanh các tiêu đề thuyết tiền định, Thiên Chúa quan phòng, tính duy nhất của Thiên Chúa, mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc.
[10] Bài giảng 76: 1-2. Sau này thánh Anselm (1033-1109) dùng tiêu đề này cho sách biện luận của Ngài, còn có tên Proslogion.
 [11] Trong Bàn Về Tiền Định của Các Thánh - De praedestinatione sanctorum,2.5.
[12] Trong thư gởi Roma, thánh Phaolô viết: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội.” (1:20-22).
[13] Trong Bàn Đến Đức Tin của Những Gì Không Thấy - De fide rerum invisibilium, 5.
[14] Xem trong Thành Của Thiên Chúa, 8.5-6, 12; Những Luận Thuyết của Tin Mừng Gioan - In Iohannis evangelium tractatus, 2.4.

Tác giả:  Lm. Nguyễn Khắc Hy, pss
giaoducconggiao.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons