Cách đây ít tháng, tôi ghé thăm một linh mục bạn.
Anh ta đang gặp chuyện buồn. Một học sinh giáo lý lớp Thêm Sức, mới mười bốn tuổi,
vừa đâm chết một học sinh cùng trường. Sau khi kể cho tôi nghe chuyện buồn ấy,
anh lắc đầu nói: “Người ta có giáo lý mà không có đức tin; có bí tích mà không
gặp gỡ Thiên Chúa; dâng lễ mà không dâng mình; có đạo mà không có Chúa”. Lời ấy
của anh cứ ám ảnh tôi mãi. Đức tin là gì? Các bí tích là gì? Đức tin và các bí
tích có liên hệ gì với nhau chăng?
I. ĐỨC TIN LÀ GÌ?
1. Tin là gì?
Mọi người đều tin và mọi người đều không tin.
Những gì ta đã thấy thì không cần phải tin nữa,
nhưng ngoài những điều ta thấy, còn biết bao những điều ta không thể thấy được,
nhưng lại vẫn cứ tin: tin vào khoa học, vào báo chí, vào tiền bạc, vào vợ chồng,
con cái, bạn bè… không tin thì không thể sống được[1].
Lòng tin nơi con người thường bắt nguồn từ một
kinh nghiệm nào đó của quá khứ hoặc hiện tại: tôi dám ăn ổ bánh mì này vì tôi
biết rằng người bán bánh không đầu độc tôi.… Lòng tin vào Thiên Chúa cũng thế,
dựa vào kinh nghiệm bản thân, người tin quả quyết rằng có Thiên Chúa, người vô
thần cũng dựa vào kinh nghiệm bản thân lại tuyên bố là không có Thiên Chúa. Những
kẻ càng hô hoán rằng họ không tin gì cả, lại là những kẻ tin tưởng nhiều hơn cả.
Mà không tin thì không thể sống được, nên đời họ luôn bất an, khổ sở. Còn những
kẻ tin thì lại thiếu đức tin đến độ không dám nhận mình là người tin. Thiên
Chúa vẫn để kẻ không tin vùi đầu trong giấc ngủ và vẫn khẽ gọi để không ép kẻ tin
phải tin[2].
2. Kinh nghiệm và lòng tin
Người tin và người không tin đều có chung những
kinh nghiệm sau.
2.1. Kinh nghiệm về chính mình: “Tôi có, tôi sống, tôi thấy khỏe…” Đó là một trực giác, một lãnh vực nội tâm rất
khó chuyển thông cho người khác, khoa học không thể kiểm soát được nhưng lại là
một kinh nghiệm, một lĩnh vực xác thực và chắc chắn nhất.
2.2. Kinh nghiệm về các vật khác: ngay từ thời còn nhỏ con người đã có kinh nghiệm về các vật
khác, khám phá ra chúng nhờ miệng, tay, các giác quan rồi được hoàn thiện bằng
các thử nghiệm khoa học. Đây là một lĩnh vực duy nhất khoa học có thể kiểm soát
được.
2.3. Kinh nghiệm về những người khác: đây là một kinh nghiệm phức tạp nhất trong đời sống con
người. Kinh nghiệm này tạo nên trong lòng người một sự tin cậy, yêu thương
nhưng cũng gợi lên những đắng cay, chua chát. Càng yêu và được yêu nhiều, con
người càng thấy cuộc đời đáng sống. Nhưng tình yêu nhân loại dường như vẫn luôn
gặp phải những giới hạn, thử thách, những mỏng dòn, đổ vỡ từ mọi phía. Chính vì
thế, nơi thâm sâu lòng mình dù tín ngưỡng hay vô tín, con người vẫn luôn khao
khát, luôn hướng về một sự bền vững, chắc thực cho lòng tin của mình[3].
3. Đức tin là gì?
Con người đói khát Thiên Chúa, vì Thiên Chúa vẫn
hiện diện nơi họ nhưng nếu Thiên Chúa đã không tỏ mình ra, thì chẳng có ai đến
được với Người.
3.1. Mặc khải và đức tin
Mặc khải là Lời Thiên Chúa nói với loài người,
để tự giới thiệu cho họ. Thiên Chúa là bản vị mà mọi bản vị đều là mầu nhiệm,
không có mặc khải thì sẽ không hiểu được mầu nhiệm. Rất may! Thiên Chúa là bản
vị nhưng Người cũng còn là tình yêu, không một tình yêu nào mà không có mặc khải.
Người đã mặc khải mình qua tạo thành, qua sự hiện diện lâu dài đầy âu yếm của
Người nơi lịch sử Do Thái giáo và Kitô giáo, và nhất là Người đã mặc khải cách
tròn đầy nhất nơi Đức Giêsu. Nơi Người, ta thấy được Thiên Chúa bằng xương bằng
thịt, đang ở giữa ta, đang yêu thương đến chết vì ta. Chính vì thế, tin vào
Thiên Chúa cũng có nghĩa là tin rằng Thiên Chúa là Đấng đã nói, đã tự mặc khải
mình ra, là tin vào những gì Người nói về gia đình Ba Ngôi, về dự định tình
thương của Người đối với ta, về ơn cứu độ Người đang kéo ta vào, về cuộc Hôn
nhân Người đang mời ta cùng Người thực hiện[4].
Để có thể tin vào ai, ta phải biết chắc rằng người
ấy thương mến ta và ta cũng ít nhiều thương mến người ấy. Muốn biết Thiên Chúa
yêu ta đến mức nào thì hãy mở Kinh Thánh ra, trong đó Thiên Chúa và con người,
con người và Thiên Chúa đang kể lại những hành vi yêu thương và cứu độ của Người[5].
3. 2. Đức tin trong Kinh Thánh
Kinh Thánh cho thấy đức tin như một đáp trả đầy
đủ việc Thiên Chúa mặc khải chính mình và thông chia sự sống Người cho ta. Đức
tin chính là việc vui mừng đón nhận Đấng là sự thật và là tình yêu trong lòng
biết ơn. Đây chính là đức tin sinh hoa kết quả trong tình yêu[6].
3. 2.1. Việc tạo dựng con người của Thiên Chúa
Khi tạo dựng con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, Thiên Chúa
đã tự do quyết định gọi mỗi người bằng một tên gọi độc nhất vô nhị và
gọi tất cả mọi người trong Ngôi Lời của Người. Đó chính là việc Thiên Chúa tự
do chia sẻ hữu thể, sự sống, sự thật, khả năng đón nhận và đáp trả tình yêu.
Nhưng ta chỉ có thể đến được với sự sung mãn của hữu thể ta khi chấp nhận lời
Người, đón nhận lời ấy hơn hết tất cả mọi sự với lòng biết ơn, và đáp trả bằng trọn vẹn con người của ta[7].
3. 2.2. Đức Kitô và công cuộc tạo dựng của Thiên
Chúa
Việc Thiên Chúa tự mặc khải và trao ban chính
mình đạt đến tầm vóc viên mãn nơi Đức Kitô. “Sau hết vào những ngày này Thiên
Chúa đã nói với ta bằng chính Con Một Người” (Dt 1, 2). Trong và nhờ Chúa
Giêsu, Chúa Cha đã đoái nhìn đến ta bằng tất cả vinh quang và tình yêu của Người.
Và đây chính là sự thật đối với chúng ta: trong và nhờ Đức Kitô nhân loại có thể
tôn vinh và làm đẹp lòng Thiên Chúa cách xứng đáng với phẩm giá siêu việt của
mình. Trong Đức Kitô ta được cứu độ, và nhờ đức tin ta tham dự vào sự sống của
Người. “Ai có Chúa Con thì có sự sống. Ai không có Chúa Con thì không có sự sống” (1 Ga 5, 12)[8].
Như thế,
nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời đã thành xác phàm, con người tiến đến cùng Chúa Cha
trong Chúa Thánh Thần và dần dần có thể tham dự vào bản tính Thiên Chúa (Xem Ep
2, 18; 2 Pr 1, 4). Đó chính là hiệu quả của đức tin
3.3. Hiệu quả của đức tin
Đức tin không chỉ cho ta cảm nghiệm được Thiên
Chúa mà còn làm cho ta nên con Thiên Chúa, nên anh em với nhau và tham dự vào sự
sống Thiên Chúa.
Theo thánh Gioan thì nếu bảo rằng đức tin cần
thiết cho ơn cứu độ thì vẫn còn quá ít. Vì đối với ngài, không có đức tin sẽ
không có sự sống thật, và đức tin đã là khởi đầu của cuộc sống vĩnh cửu rồi. Đức
tin cho ta quyền được làm con Thiên Chúa (Ga 1, 12; 3,5; 7, 16; 6, 47; 11, 25;
1 Ga 2, 24)[9].
Nếu ta hợp nhất với Đức Kitô nhờ tin vào danh
Người, thì lời cầu nguyện và các hành động của ta sẽ đạt đến tận cõi lòng của
Chúa Cha: “Mọi việc anh em làm, mọi lời anh em nói, hãy làm vì danh Chúa Giêsu,
nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha” (Col 3, 17). Đó là điều ta có thể làm được nhờ
Thần Khí Tình yêu và cũng là Thần Khí Sự Thật. Thần Khí ấy cho ta một kinh nghiệm
đức tin sâu xa hơn khiến ta có thể bước vào trong một tương quan đầy tin tưởng
với Thiên Chúa. “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính
hoá nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr
6, 11). Thần Khí, Đấng Chúa đã sai đến với ta từ nơi Cha, kêu lên trong lòng
ta: “Abba, Cha ơi!” (Gal 4, 5). Như thế, cuộc sống của ta được hợp nhất trong Đức
Kitô Giêsu, nhờ đức tin và như thế cũng được đưa vào trong mầu nhiệm Chúa Ba
Ngôi[10].
Trong lòng tin Kitô giáo, thì Đức Kitô chính là
trung gian của việc con người gặp gỡ Thiên Chúa, vì chính nhờ tin vào Đức Kitô
mà “mọi cảm thức về Thiên Chúa mà cuộc sống con người không khi nào đánh mất,
trở thành trong suốt, thành mặc khải lòng nhân từ và phán quyết của Thiên
Chúa”[11].
Những ai đã được hoà giải trong Đức Kitô, thậm
chí phải chịu đau khổ, có thể đáp trả bằng một đức tin thờ phượng, đồng thời
cũng là một đức tin sống động trong tình liên đới cứu độ. “Giờ đây tôi vui mừng
chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi
xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh”
(Col 1, 24)[12].
Trong Đức Kitô ta được hoà giải với Thiên Chúa
và với nhau. Tất cả chúng ta chỉ là một thân thể, là những chi thể của nhau (Ep
4, 25). Nhờ đức tin, tình yêu của Chúa Giêsu Kitô có thể lan toả nơi ta cả
trong sự căm ghét của kẻ thù. Và sự giải thoát này chính là kết quả của đức tin
và của việc thể hiện đức tin của ta. “Nếu kẻ thù anh em đói, hãy cho nó ăn, nó
khát hãy cho nó uống, khi anh em làm như thế là anh em đã chất than hồng lên đầu
nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,
20- 21)[13].
Như thế, đức tin trở nên một sự thống nhất đời
sống ta trong tình bằng hữu với Thiên Chúa và trong cộng đoàn của tình yêu
thương huynh đệ và công chính. Vậy đức tin là gì?
3. 4. Định nghĩa đức tin
Đức tin là một ơn nhưng không của Thiên Chúa.
Nên nơi nào không có một lòng biết ơn sống động, nơi đó sẽ không còn ơn đức tin
này[14].
Đức tin, hiểu theo nghĩa Kinh Thánh, là một
hành vi và thái độ của con tim, là một quyết định của tinh thần trong cõi thẳm
sâu nhất, nơi việc tự biết mình và tự do yêu thương hợp nhất với nhau trong một
sự thống nhất độc đáo của mọi quan năng của ta, của lý trí, ý chí, ký ức và
tình cảm của ta[15].
Thánh Gioan cho ta thấy sự hiểu biết đức tin
chính là việc nắm bắt được sự hiện hữu đầy yêu thương: “Sự sống đời đời tức là
chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai đến,
là Đức Giêsu Kitô” (1 Ga 17, 3). Đức tin của thánh Gioan không xuất phát từ việc
nghiên cứu triết học nhưng từ việc gặp gỡ Đức Kitô, Đấng kêu gọi và cho phép
thánh nhân sống trong sự tình thân với Người, cho ngài quyền được làm con Thiên
Chúa (Ga 1, 12; 3,5; 7, 16; 6, 47; 11, 25; 1 Ga 2, 24)[16].
Đối với các tông đồ, đức tin có một nội dung: Đức
Kitô là Con Thiên Chúa, đã chết, đã sống lại cho ta, và đã sai Chúa Thánh Thần
đến với ta.
Thánh Phaolô đã đồng hoá đức tin với việc vâng
phục đức tin, nghĩa là, một sự đón nhận Tin Mừng trọn vẹn và tự do ôm lấy nhiệm
cục cứu độ trong Đức Kitô Giêsu (Rm 1,5; 10, 16; 2 Cr 9, 13). Trong đức tin,
các tín hữu từ bỏ vinh quang của con người và hiến mình cho vinh quang Thiên
Chúa, và ngày càng mong ước được hiểu biết Chúa hơn[17].
Đức tin theo ý nghĩa trọn vẹn nhất chính là một
hành vi quan trọng nhất của lương tâm, là chọn lựa căn bản triệt để nhất, là việc
tự hiến trọn vẹn cho Đức Kitô, Đấng mặc khải chân lý. Đức Kitô, Đấng đã mặc khải
chính mình là tình yêu, đã hiến toàn thân cho ta, không thể chấp nhận một đức
tin không phải là một sự toàn hiến cho Người, và nhờ Người, toàn hiến cho Cha
và cho anh chị em của Người[18].
“Tin vào
Đức Kitô là chấp nhận chính mình trong sự hiểu biết rằng chính Thiên Chúa đã chấp
nhận mình trong hy lễ của Đức Kitô” [19].
Trong đức tin, ta mong chờ và chấp nhận mọi sự
từ nơi Thiên Chúa, sẵn sàng trao hết mọi sự cho Đấng đã mặc khải cho ta chiều
sâu và chiều cao của tình yêu của Người. Như thế, đức tin là việc vui mừng đón
nhận với lòng biết ơn Đấng là sự Thật cứu độ, là Tình yêu tuyệt đối, và cũng là
Đấng đang mời gọi ta, để trở nên sự sống trọn vẹn của ta.
Tóm lại,
đức tin không phải là một mớ “những điều phải tin” nhưng là một tương
quan sống động và đích thân giữa con người với Thiên Chúa và với Đức Kitô.
Chính họ đã cảm nghiệm được tình Người mặn nồng tha thiết như tình của một người
mẹ “đưa tay ẵm lấy con thơ, nâng niu nó trên đầu gối” (Is 66, 12). Đó mới là
Tin Mừng, một Tin Mừng phải được loan báo cho con người hôm nay. Cái mà ta gọi
là “những điều phải tin” trước hết là một kinh nghiệm, kinh nghiệm về cuộc gặp
gỡ đích thân của ta với Thiên Chúa[20], kinh nghiệm về một mối tình Người đã
trao tặng cho ta. Mối tình ấy đã khởi sự từ thời Abraham, mỗi ngày lại được
phong phú, mặn nồng hơn và đã trở nên thành toàn trong Đức Kitô Nhập Thể và Vượt
Qua. Nhờ Người, với Người và trong Người, toàn nhân loại đã được kết duyên với
Đấng là tình yêu không hề vơi cạn. Bởi
thế, bao lâu còn nhân loại, bấy lâu mối tình ấy vẫn còn trào tràn, vô tận[21].
Thiên Chúa luôn muốn ta biết Người như một người đang sống, biết để thiết lập một
tương quan, để yêu và cùng Người thiết lập một khế ước hôn nhân. Vì thế, mọi học
hỏi về đức tin sẽ vô ích nếu việc học hỏi đó không làm cho ta nhận ra một Ai đó
đang có mặt trong đời ta, đang đồng hành với ta, đang chung chia với ta tất cả
những vui buồn trong cuộc hiện sinh của ta. Không chỉ có thế mà còn hơn thế nữa,
Người vẫn đang hướng dẫn ta về nơi hạnh phúc đích thực là chính sự sống, sự tự
do và tình yêu của Người[22]. Vì thế, tin vào Đức Kitô đòi ta cũng phải sống
như Người đã sống.
3. 5. Đòi hỏi của đức tin
Các Kitô hữu ý thức rằng, đức tin vào Thiên
Chúa của mình không chỉ là việc gật đầu với kinh tin kính[23], mà còn là một lời
tuyên chiến chống lại tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, không có trong
Thiên Chúa, không thuộc về Thiên Chúa. Hơn nữa, đức tin ấy còn đòi họ phải trở
nên đồng hình, đồng dạng với Đấng vì họ, đã chấp nhận chết trên thập giá.
Hơn bao giờ hết, con người hôm nay đang để mình
trở nên bị lệ thuộc hoàn toàn đến độ trở thành tín đồ của giới tính, quyền lực
và tiền bạc. Tin vào Thiên Chúa đòi ta phải từ khước liên minh với cả ba thứ ấy.
Đó là chọn lựa sống còn của ta: “Hoặc tôn thờ Thiên Chúa hoặc tôn thờ tiền bạc”
(x. Mt 6, 24). Lời tuyên tín trên môi của
các tín hữu là lời tuyên chiến chống lại quyền lực hiện hành, sự tiêu thụ, tiện
nghi, tiền bạc và khoái lạc bất chính[24].
3.5.1. Từ khước liên minh với thế gian: Vào thời đế quốc Rôma, người công dân phải tôn thờ Hoàng Đế
như một vị thần. Các tín hữu của Đức Kitô đã không chấp nhận sự tôn thờ ấy. Họ
đã bị coi là những người “vô thần” và đã phải trả giá bằng chính sinh mạng mình
để trung thành với lòng tin vào vị Thiên Chúa độc nhất. Vì thế, lòng tin vào
Thiên Chúa không phải là một trò chơi của trí óc và môi miệng mà là sự dấn thân
thực sự vào cuộc đấu tranh cho tự do của cá nhân và tập thể, thứ tự do mà Thiên
Chúa đã dùng quyền năng Người mà giựt thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai cập (Xh 20)
và hôm nay khỏi mọi thứ ràng buộc và nô lệ cho quyền lực, tình dục và tiền bạc.
Cuộc đấu tranh sống còn này không cho phép ta thoả hiệp vì thoả hiệp nghĩa là tự
cho phép mình đưa vào trong quĩ đạo của Thiên Chúa những thần linh giả tạo, là
tự biến con người mình thành một thứ đền thờ đa thần của Đế quốc Rôma xưa[25].
3.5.2. Mọi quyền lực phải phục vụ con người: Tin vào Thiên Chúa là quyết liệt từ chối mọi thứ quyền lực
kể cả quyền lực tôn giáo. Lòng tin vào Thiên Chúa sẽ bẻ gãy mọi tham vọng chính
trị độc đoán. Vì chỉ có con người mới thực sự tuyệt đối nhờ tương quan đích
thân của mình với Thiên Chúa, còn mọi thứ khác: các tổ chức chính trị, xã hội,
tôn giáo, sẽ chỉ là những phương tiện, những công cụ để phục vụ con người.
Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối mà mọi quyền lực đều phải qui về. Nhờ tương quan với
Người, con người cũng trở nên tuyệt đối. Nên mọi quyền lực đều ở dưới quyền con
người. Nếu các tín hữu đã không tôn thờ Hitler cách mù quáng thì đã không xảy
ra thế chiến thứ hai. Ru ngủ kinh tin kính của mình sẽ mang lại những hậu quả
vô cùng tai hại[26].
3.5.3. Khước từ mọi khoái lạc bất chính: Tình dục cũng là một thứ thần linh giả tạo. Để tình yêu giữa
hai người nam nữ có tính duy nhất, vĩnh viễn và không bị chia sẻ họ phải qui
chiếu tình yêu ấy về nguồn mạch của nó là chính Thiên Chúa. Ngoài Người ra,
tình yêu sẽ chỉ còn là một thị hiếu nhất thời của dục vọng, sẽ đẩy con người
vào những xu hướng nhục dục thuần tuý, và những hậu quả bi thảm của xu hướng ấy[27],
sẽ làm cho họ trở thành những tín đồ luôn bị dằn vặt của thần khoái lạc. Nên ở
đây, tin vào Thiên Chúa, đòi ta phải hoặc làm tôi Thiên Chúa hoặc làm tôi dục
tình[28].
3.5.4. Khước từ tiền bạc, tiện nghi: Khi đã xa lánh Thiên Chúa của kinh tin kính, con người sẽ
dìm mình vào tiện nghi và hưởng thụ, sẽ tế lễ cho cơm bánh và những đòi hỏi của
bản năng. Khuôn cửa hẹp dẫn đến Thiên Chúa không thể nới rộng ra cho những người
có quá nhiều hành trang, nên đòi ta hoặc tin vào Thiên Chúa hoặc tin vào những
hành trang ấy. Không có sự chọn lựa này, lời tuyên tín của các tông đồ chỉ là một
mẩu văn chương xưa cũ[29].
Kẻ phản
bội Thiên Chúa hơn cả đương nhiên vẫn là tiền bạc. Đó là “con bò vàng” khi xưa
trong dân Israel, là kẻ “toàn năng” có thể mua được tất cả trừ vị Thiên Chúa độc
nhất. Thiên Chúa và tiền bạc là hai người chủ, mến người này tất sẽ ghét người
kia (Mt 6,24)[30].
3.5.5. Hiến mình cho Thiên Chúa và đồng loại: Hơn thế nữa, quan tâm hàng đầu của các Kitô hữu bao giờ
cũng là mầu nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm nhờ đó Đức Kitô đã đóng ấn giao ước
vĩnh cửu bằng chính máu Người, và Chúa Cha cũng đã niêm ấn bằng quyền năng phục
sinh của Người. Ai tin rằng Thiên Chúa đã hiến mình cho dân Người như thế mà lại
không đáp trả bằng việc dâng hiến chính mình, thì vẫn chưa có được một đức tin
đích thật, đem lại ơn cứu độ.
Tóm lại, đức tin là một ơn nhưng không, Thiên
Chúa ban cho con người, để họ gặp gỡ Người, đi vào trong cuộc hôn nhân Người
đang mời họ thực hiện. Đức tin là một kinh nghiệm sống, một kinh nghiệm làm
thay đổi chất lượng sống của con người[31]. Nhờ đức tin này và dựa trên đức tin
này, mà Hội Thánh gặp gỡ, đi vào trong tương quan thân tình với Thiên Chúa nhờ
các bí tích.
II. CÁC BÍ TÍCH
1. Kinh nghiệm:
Mọi sự đều bắt đầu bằng một kinh nghiệm.
Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu lúc đầu
không quan tâm gì tới nghi lễ mà chỉ muốn truyền lại kinh nghiệm của họ về Người.
Và kinh nghiệm ấy bao giờ cũng là câu chuyện về việc Chúa Giêsu đã tỏa sáng
trên họ ra sao, Người đã nên bình minh xua tan bóng tối đêm đen của họ thế
nào[32].
Để mừng kinh nghiệm ấy, các ngài đã tận dụng những nghi lễ tương
tự. Các nghi lễ cũ khi được dùng để cử hành một kinh nghiệm sống sâu sắc, sẽ mặc
lấy một ý nghĩa mới[33].
Ví dụ: Lễ Vượt Qua, biến chuyển từ một nghi lễ
của dân du mục được cử hành vào mùa xuân, thành một nghi lễ cử hành việc Thiên
Chúa giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ và ký kết giao ước với họ. Chúa Giêsu đã biến
đổi ý nghĩa của lễ Vượt Qua Do Thái thành một cuộc vượt qua thế gian đi vào
trong Thiên Chúa[34].
Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng làm như
thế. Phép rửa bằng nước là một nghi lễ đã có từ lâu, mọi người đều biết, có sẵn
trong tầm tay. Các môn đệ Chúa Giêsu nắm ngay lấy nghi lễ ấy để diễn tả việc họ
được đi vào trong mầu nhiệm Chúa Giêsu, diễn tả ý nghĩa của một khởi đầu mới, một
sự mở ngỏ mới cho Thánh Thần, Đấng đang hoạt động giữa họ.
Ở đâu không có một kinh nghiệm chung nào để mừng
thì thật khó, nếu không muốn nói rằng không thể mừng được. Các bí tích xuất
phát từ kinh nghiệm chung của cuộc sống. Đó là những biểu tượng, làm cho “thành
hiện tại” những gì chúng biểu thị. Nhờ các bí tích ấy, ta “gặp được Thiên
Chúa”. Như thế, bí tích không phải là những sáng tác tùy tiện của Hội
Thánh[35].
Chẳng ai rời khỏi các buổi mừng lễ ấy mà lại
không ý thức hơn mình là ai. Những cuộc mừng lễ bao giờ cũng nhấc ta lên cao, rồi
trả ta về lại với cuộc sống hằng ngày với một cái nhìn mới[36].
Kinh nghiệm sống, kể chuyện và mừng lễ là ba yếu
tố quan trọng của mọi nghi lễ.
2. Kinh nghiệm sống:
Một kinh nghiệm hay một hoạt động nào đó bắt đầu
trở thành một kinh nghiệm sống, khi kinh nghiệm hoặc hoạt động ấy bắt đầu mang
một ý nghĩa, hay khi người ta ý thức rằng kinh nghiệm ấy đụng đến chất lượng của
đời mình[37]. Nói cách khác, kinh nghiệm sống chính là kinh nghiệm bình thường nhưng lại mang một ý nghĩa, mà
còn hơn thế nữa, ý nghĩa ấy có liên quan tới bản thân tôi[38]. Một tai nạn xe
khủng khiếp tôi vừa chứng kiến, một lễ phong chức trọng thể tôi vừa tham dự. Đó
là những chuyện khách quan có ý nghĩa, nhưng lại không dính dự gì tới đời tôi.
Nhưng nếu khi nghĩ đến những chuyện ấy, tôi thấy được sự mong manh của thân phận
con người, và sự cao đẹp của một đời theo Chúa, thì kinh nghiệm ấy bắt đầu trở thành một kinh nghiệm sống.
Nên suy gẫm là điều cốt yếu nhất để biến một kinh nghiệm bình thường thành kinh
nghiệm sống[39].
Không kinh nghiệm sống sâu sắc nào, bất chấp đó
là kinh nghiệm về hạnh phúc hay đau khổ, giận ghét hay yêu thương, mà lại không
bắt đầu bằng lúng túng hoang mang. Tất cả các câu chuyện về việc Chúa phục sinh
đều bắt đầu bằng sự kinh ngạc và sợ hãi của các phụ nữ, rồi sự bối rối và nghi
ngờ của các môn đệ[40]. Nhưng những câu chuyện ấy trong Tân Ước chỉ là những
kinh nghiệm bình thường, và từ những câu chuyện ấy, kinh nghiệm sống của các môn đệ về Chúa phục sinh bắt đầu được
hình thành.
3. Kể chuyện:
Khi có được kinh nghiệm sống, thì bao giờ người
ta kể lại cho người khác. Khi có được một kinh nghiệm sống nào đó, người ta
không tìm cách trừu tượng hóa kinh nghiệm ấy, biến nó thành những công thức mà
thường đặt nó vào trong hình thức của các câu chuyện. Kể chuyện là cách căn bản
và tự nhiên nhất để đặt tên cho một kinh nghiệm sống[41]. Chuyện của Chúa Giêsu
đang nặn đúc nên ý nghĩa của đời ta và mọi truyền thống của cộng đoàn và gia
đình ta.
Kinh nghiệm sống và kể chuyện gắn kết chặt chẽ
với nhau đến độ khó có thể tách rời. Kể chuyện và mừng lễ cũng vậy, không dễ gì
có thể tách biệt được[42].
4. Mừng lễ
Ta cần một bối cảnh để kể chuyện, và mừng lễ là
bối cảnh sáng giá nhất cho việc kể chuyện của ta. Kể chuyện là phần cốt yếu
không thể thiếu trong các cuộc lễ của gia đình. Các câu chuyện trong Cựu và Tân
Ước đều được hình thành trong bối cảnh của việc phượng tự. Nếu người ta không nhắc lại các câu chuyện ấy
trong các cuộc mừng lễ, thì chắc chắn nhiều chuyện đã bị quên lãng, và ta sẽ chẳng
bao giờ có được bộ Kinh Thánh. Cuộc mừng lễ nào cũng đòi phải có phần kể chuyện[43].
Cả những khi cử hành bí tích cũng là những lúc
ta kể chuyện. Trọng tâm của Kinh Tạ Ơn là một câu chuyện kể lại lý do tại sao
ta lại dâng lời tạ ơn và bẻ bánh như thế. Không có các câu chuyện để nói lên ý
nghĩa của nó, các nghi thức sẽ không có nền tảng[44]. Không còn chuyện để kể, nghi lễ sẽ không còn
nền tảng.
Việc mừng lễ không bao giờ kết thúc nơi chính
nó. Nó trôi ra khỏi cuộc sống rồi lại quay trở về với cuộc sống. Bao giờ ta
cũng mừng một cái gì đó, và cái đó bao giờ cũng bắt rễ trong hai yếu tố đầu
tiên của chu kỳ ta đã nói đến[45]. Bí
tích bao giờ cũng cử hành một cái gì đó
và cái ấy luôn luôn liên quan tới tình yêu Thiên Chúa, liên quan tới câu chuyện
mà ta đã kinh nghiệm. Không có yếu tố này, chắc chắn nghi lễ sẽ chỉ còn là ma
thuật và vụ luật.
Như thế, các bí tích bắt nguồn từ kinh nghiệm gặp
gỡ Chúa Giêsu phục sinh, không có biến cố nền tảng này, sẽ không có Hội Thánh,
không có những con người được cứu độ, không có các bí tích… (x. 1 Cr 15). Có lẽ
chính vì thế mà Joseph Martos đã nhận xét rằng các tác giả Tân Ước khi viết về
bí tích đã dựa trên những gì họ và những người khác đã kinh nghiệm được về sự
hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trên trần gian này[46]. Các tác phẩm đầu
tiên về bí tích đều có liên hệ mật thiết với kinh nghiệm ấy của cá nhân và cộng
đoàn nên sử dụng nền thần học bí tích mà không biết gì đến kinh nghiệm sẽ đưa đến
chỗ hiểu biết các bí tích cách siêu hình và ma thuật[47].
Chính vì thế mà, các thần học gia thế kỷ 20 đã
nhìn bí tích chủ yếu như một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, và họ quả quyết rằng Đức
Kitô chính là bí tích của Thiên Chúa, và Hội Thánh là bí tích của Đức Kitô, còn
bảy bí tích chỉ là những phương thế cho ta gặp gỡ Thiên Chúa.
5. Bí tích là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa
Theodule Rey-Mermet nhận xét chính Thiên Chúa
đã làm người để loài người gặp gỡ và yêu mến Người. Nên các bí tích mãi vẫn là
cử chỉ của Thiên Chúa chứ không phải là của ta. Cử chỉ lớn nhất chính là cuộc
nhập thể của Chúa Giêsu (Gl 4, 4). Nhưng Người đã nhập thể chỉ để gặp gỡ, thánh
hoá và thần hóa ta, chỉ để nâng nhân tính của ta lên hàng thần thánh, để thâu họp
con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi, mà chia cho họ tất cả những gì là thực
hữu của Người, như Người đã bảo: “Khi nào bị kéo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi
người lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Như thế, Người đã nhập thể chỉ để thâu họp mọi
người rồi cùng với họ, vượt qua thế gian này mà về cùng Cha. Đó là cùng đích của
cuộc nhập thể của Người và cũng là chóp
đỉnh của tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là tình thương cứu
độ hữu hình của Thiên Chúa, là bí tích của mọi bí tích, nên mọi bí tích đều là
mầu nhiệm Vượt Qua được thực hiện trong cuộc sống con người[48].
Đối với Schillebeeckx[49], các bí tích là những
dấu chỉ bề ngoài mặc khải ra một thực tại siêu việt, thiên linh, mở ra khả năng
yêu mến Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu khi sống tại Palestine cũng là một loại bí
tích như thế. Khi họ gặp Người, họ thấy
mình đang ở trong sự hiện diện của một mầu nhiệm, nhưng mầu nhiệm đó khi được mặc
khải cho họ, hơn hẳn một tình yêu, một sự hiểu biết và một quyền năng nhân loại. Đối với họ, Chúa Giêsu chính là một bí tích,
nhờ Người họ gặp được mầu nhiệm Thiên Chúa[50].
Cả sau khi chết, Đức Kitô vẫn là một bí tích đối
với những ai đón nhận sứ điệp của Người và tin vào Người. Sau khi Người không
còn hiện diện hữu hình giữa họ, họ vẫn tiếp tục cảm nhận sự hiện diện của mầu
nhiệm ấy, và bắt đầu nhận ra rằng Chúa Giêsu bây giờ đã được tôn vinh, được hiệp
nhất với Thiên Chúa, nhưng Người vẫn hoạt động trong thế giới này (Mc 16,
20)[51].
6. Hội Thánh là bí tích của Đức Kitô
Các nhà thần học thuộc thế kỷ 20 và Công Đồng
Vatican II đã trả lại cho “bí tích” một ý nghĩa rộng rãi và truyền thống hơn,
bao hàm hết mọi thực tại của lịch sử và thế giới trong mầu nhiệm cứu chuộc khi
định nghĩa bí tích là dấu chỉ làm phát sinh ân sủng. Với định nghĩa ấy, Hội
Thánh có thể tránh được nguy cơ không nhận ra bao nhiêu người, bao nhiêu biến cố,
cử chỉ qua đó Đức Kitô gặp gỡ, cứu độ và hô to với họ rằng: Thiên Chúa yêu
thương con (x. Ga 3, 16). Đồng thời, định nghĩa ấy cũng đưa Hội Thánh ra khỏi
mình để đến với tất cả mọi người, để nên bí tích của sự gặp gỡ Chúa Giêsu cứu
thế cho họ. Như Công Đồng Vatican II nói: “Đức Kitô là ánh sáng muôn dân. Ánh
sáng ấy đang chiếu toả trên Hội Thánh. Vì Hội Thánh ở trong Đức Kitô như bí tích, như dấu chỉ và
khí cụ của sự hợp nhất toàn nhân loại, nên Hội Thánh muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát
này cho tín hữu và cho toàn thế giới”[52].
Vì là bí tích cứu độ, Hội Thánh vẫn là một dấu chỉ chói ngời cho những ai
không muốn nhắm mắt lại: là dấu chỉ rõ ràng trong việc rao truyền ơn cứu độ,
trong những cuộc sống nhân chứng sáng ngời của các Kitô hữu, trong việc phục vụ
những người đau yếu và những trẻ em thất học của các nữ tu, trong các linh mục
thợ, trong những
phong trào đấu tranh cho phẩm
giá, tự do của những người bị áp bức, bóc lột, bị kỳ thị chủng tộc... Không ai
có thể chối cãi rằng Hội Thánh vẫn đang cố gắng là bí tích minh chứng tình
huynh đệ phổ quát[53].
7. Bảy bí tích là các bí tích của Hội Thánh
Hội Thánh luôn cố gắng làm cho mầu nhiệm Thiên
Chúa hiện diện trên trần gian này, nhất là trong bảy bí tích: khi đưa họ vào
trong đời sống mới, khi chia sẻ quyền năng Thánh Thần cho họ, khi chữa lành bệnh
tật và tha thứ tội lỗi, khi trao ban các nhu cầu tôn giáo, khi trung thành với
Cha và với Hội Thánh, cuối cùng khi trao hiến chính mình vì yêu. Cộng đoàn Kitô
hữu công nhận rằng mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô hiện diện trong bảy bí tích ấy,
và những ai tham dự các bí tích ấy cũng có thể gặp được nguồn ơn cứu độ[54].
Theo Schillebeeckx, bảy bí tích truyền thống
trong Hội Thánh là các bí tích của Đức Kitô. Vì là dấu chỉ và hành động chính
thức của Hội Thánh, các bí tích cũng là dấu chỉ và hành động của chính Đức
Kitô. Các bí tích ấy cho thấy hành động cứu chuộc của Đức Kitô trên trần gian,
và nhờ chúng, chính quyền năng của ân sủng Thiên Chúa đã được thông ban cách hiệu
quả[55].
Vì là những cuộc gặp gỡ Đức Kitô, các bí tích ấy
tất nhiên cũng sinh hoa kết quả: thông ban ân sủng của Thiên Chúa, và thay đổi
cuộc sống con người. Nhưng kể cả khi chúng không sinh hoa kết quả, chúng vẫn là
những dấu chỉ thành sự của Đức Kitô. Các dấu chỉ có thể mặc khải mầu nhiệm của
một người nào đó, nhưng trên thực tế, nếu những người ấy không mở lòng ra để gặp
gỡ và đáp lại mầu nhiệm ấy, thì dấu chỉ cũng đành bó tay thôi[56].
Như thế, bản chất của mọi bí tích chính là việc
gặp gỡ Đức Kitô, một cuộc gặp gỡ người Công Giáo có được nhờ các nghi lễ của Hội
Thánh[57].
III. ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH
1. Hội Thánh là bí tích đức tin
Người Công giáo chỉ đạt được sự hiểu biết đức
tin của mình khi tham dự vào việc phụng tự và đời sống của Hội Thánh, nghĩa là
tham dự vào một sự hiệp thông đức tin trong Đức Kitô Giêsu.
Nhờ kết hợp với Đức Kitô và trung thành chấp nhận
sứ vụ của mình, Hội Thánh là và có thể ngày một trở nên bí tích đức tin. Hội
Thánh chỉ là bí tích đức tin, nếu trong toàn bộ cuộc sống mình, Hội Thánh trở
nên một dấu chỉ hữu hiệu của sự hợp nhất với Thiên Chúa và đồng thời cũng là một
dấu chỉ của sự hợp nhất của toàn nhân loại[58].
Sứ vụ của Hội Thánh là giúp cho mọi tín hữu và
mọi cộng đoàn ngày một trở nên hình ảnh và giống Thiên Chúa, trở nên một Tin Mừng
sống động, một dấu chỉ đức tin hữu hiệu vào một người Cha duy nhất của mọi người,
vào một Đức Kitô Giêsu, vào một Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nên sự hợp nhất nhờ
những ân sủng khác nhau của Ngài[59].
2. Những dấu chỉ đặc biệt của đức tin
Bảy bí tích được thiết lập để mở mắt cho các
tín hữu thấy được tất cả các dấu chỉ của sự hiện diện chủ động của Thiên Chúa,
là những dấu chỉ vẫn kêu mời con người đến với đức tin cứu độ. Tuy nhiên, các
bí tích là những dấu chỉ đặc biệt được chính Thiên Chúa thiết lập như những dấu
chỉ hữu hiệu của ân sủng và đức tin[60].
Đó là những
dấu chỉ của giao ước được niêm ấn bởi máu Đấng cứu độ. Vì là các dấu chỉ đức
tin, các bí tích mời gọi và đưa ta ngày một đi sâu hơn vào trong giao ước này của
cộng đoàn đức tin. Trong các bí tích ấy, Thiên Chúa nói với ta bằng những lời,
những dấu chỉ và những ân sủng nhân lành của giao ước Ngài đã ban cho ta. Trong
khi đón nhận các dấu chỉ của giao ước của Đức Kitô với Hội Thánh, ta tham dự
vào đức tin của dân giao ước trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô[61]. Vì chính trong ý định của Đức Kitô, Thánh Thể và các
bí tích khác là những nguồn thuận lợi giúp ta lớn lên trong đức tin và trong
lòng mến không bị chia sẻ, trong công lý và hoà bình, là những hoa trái của đức
tin đích thật.
3. Ơn cứu độ nhờ đức tin và nhờ các bí tích
Ta được cứu độ nhờ đức tin và nhờ các bí tích
nhưng đức tin đóng vai trò quan trọng hơn[62]. Thánh Tôma Aquinô viết: “Ta được
cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Kitô, Đấng đã được sinh ra và đã chịu khổ hình. Các
bí tích khi ấy chỉ là các dấu chỉ làm chứng cho đức tin, nhờ chính đức tin ấy,
con người được công chính hoá”[63].
Các bí tích phải được nhìn cách tường tận trong
nhãn giới đức tin. “Các bí tích ấy không chỉ giả thiết phải có đức tin mà còn bằng
lời nói và các dấu chỉ, các bí tích ấy còn phải nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả
đức tin nữa. Đó là lý do vì sao chúng được gọi là bí tích”[64]. Tại trung tâm của
các cuộc cử hành các bí tích chính là Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa. Thực vậy,
các bí tích nói chung chính là các dấu chỉ/ lời nói của Đức Kitô, chính Người
nói khi ta đọc Kinh Thánh trong nhà thờ[65].
Hiệu quả có tính cứu độ của các bí tích xuất
phát từ một mình Đức Kitô Đấng là bí tích duy nhất. Nhưng Các bí tích chỉ là những
biến cố cứu độ cho những ai tin và khao khát muốn được lớn mạnh trong đức tin.
Còn đối với những ai không tin và không khao khát ơn đức tin, thì bí tích chỉ
là những nghi lễ rỗng tuếch. Nếu những người vô tín này có lãnh nhận bí tích đi
nữa, thì đó chỉ là việc họ sử dụng các bí tích cách dối trá[66].
Ai lãnh nhận bí tích trong tinh thần đức tin và
với ước vọng muốn được vững mạnh trong đức tin, một đức tin ao ước sinh hoa
trái trong tình yêu, và sự công chính, thì đều được công chính hoá bởi đức tin,
một đức tin do chính Thiên Chúa khơi dậy và đang làm cho sung mãn nhờ những dấu
chỉ và các biểu tượng thánh thiêng này. Họ sẽ hiệp thông sâu sắc hơn với Hội
Thánh, là cộng đoàn đức tin. Ta có thể hy vọng rằng cộng đoàn Hội Thánh càng cử
hành các bí tích cách sốt sắng bao nhiêu, thì mỗi cá nhân tham gia vào việc
tuyên xưng đức tin cũng sẽ càng được sốt sắng bấy nhiêu. Mặt khác, việc tuyên
xưng đức tin của mỗi tín hữu, trong phụng vụ cũng như trong đời sống hằng ngày,
nếu không muốn sống trong tình liên đới với đức tin của toàn Hội Thánh, thì
cũng sẽ không có kết quả, không làm đẹp lòng Thiên Chúa[67].
Tóm lại, đức tin và các bí tích có một điểm
chung, đó là việc gặp gỡ Thiên Chúa, là kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa tình
yêu, Đấng vẫn đang cùng ta xây dựng một mối tình nhờ những dấu chỉ khả giác. Bí
tích không có đức tin chỉ còn là những nghi lễ rỗng tuếch. Bí tích được cử hành
trong đức tin sẽ đưa con người đi sâu vào trong tương quan với Thiên Chúa và với
nhau hơn và như thế lại giúp đào sâu đức tin hơn. Vì thế, Hội Thánh cần cả đức
tin lẫn các bí tích.
Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông
[1] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 19
[2] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 19.
[3] Ibid., tr. 20
[4] Ibid., tr. 20
[5] Ibid., tr. 21
[6] Bernard Haring, Tự do và Trung Thành, tập
3, tr. 305
[7] Ibid., 307.
[8] Ibid., 310
[9] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành, tập
3, tr. 319.
[10] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành, tập
3, tr. 312.
[11] R. Niebuhr, The Nature and Destiny of Man,
New York, 1941, 11, 109.
[12] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành, tập
3, tr. 314.
[13] Ibid., 314.
[14] Ibid., 317.
[15] Xem P. Evdokimov, La conoscenza di Dio
secodo la tradizione Orientale, Roma, 1969, 16; H. Bahrs, Diegottlichen
Tugenden. Glaube, Hoffnung, Liebe, Aschafienburg, 1963, 29.
[16] Ibid., 316.
[17] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành, tập
3, tr. 319.
[18] Ibid.,
[19]Ch R. Stinette Jr. Anxiety and Faith,
Greenwich/Conn., 1955, 12.
[20] Thomas P. Rausch, Đạo Công Giáo Thiên Niên
Kỷ Thứ Ba, bản dịch của Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, tr. 53.
[21] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 13.
[22] Ibid., tr. 14.
[23] Xem Bechluss der gemeinsamen Synode der
Bistumer der DRD, số 6, về Hợp tác mục vụ của các Hội Thánh nhằm phục vụ cho sự
hợp nhất của Hội Thánh.
[24] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 28
[25] Ibid., tr. 29
[26] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 29
[27] GS 49a
[28] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 30
[29] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 30
[30] Nguyễn Đức Thông, Kinh Tin Kính, tr. 30.
[31] Tad Guzie, Căn Bản Bí Tích, tr. 14
[32] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 10
[33] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 10 – 11.
[34] Wllliam Bausch, Một lối nhìn mới về Bí
tích, tr. 192.
[35] Knox, Theology for Teachers, tr. 269.
[36] Tad Guzie. Căn Bản Bí Tích, tr. 19.
[37] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 14
[38] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 15
[39] Ibid., tr. 16
[40] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 16-17
[41] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 18
[42] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, 21
[43] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích ,tr. 22
[44] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 24
[45] Tad Guzie, Căn Bản Bí tích, tr. 26
[46] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, tập
I, tr. 59.
[47] Joseph Martos,Cửa Vào Thánh Thiêng, tập I,
tr, 60.
[48] Théodule Rey-Mermet, Sống Đức Tin trong
Các Bí Tích, tr. 35.
[49] Schillebeeckx là một nhà thần học Hoà Lan
chuyên viết về các bí tích suốt các thập niên 1950 và 1960. Ong đã cố gắng nắm
bắt lại kinh nghiệm tôn giáo trong các bí tích hầu có thể nói về kinh nghiệm ấy
bằng các thuật ngữ triết học, nhưng không phải là thuật ngữ triết học Aristôte,
mà là triết học hiện sinh
[50] Schillebeeckx, Christus Sakrament der
Gottbegegnung, Mainz, 1960, 73; 84; 89.
[51] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, t.1,
tr. 204.
[52] Lumen Gentium, số 1
[53] Théodule Rey-Mermet, Sống Đức Tin trong
Các Bí Tích, tr. 42.
[54]Edward Schillebeeckx, Đức Kitô, Bí tích của
cuộc gặp gỡ Thiên Chúa (Nxb Sheed và Ward, 1963), là một trình bày rõ ràng của
nền thần học tại Anh.
[55] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, t.1,
tr. 206.
[56] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, t.1,
tr. 206.
[57] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, t.1,
tr. 207.
[58]Xem A. Dulles, Models of the Church, Garden
City, N.J., 1974.
[59] Bernard Haring, Tự do và trung thành trong
Đức Kitô, tập 3, tr. 336.
[60]Xem B. Haring, The Sacraments in a Secular
Age, Slough, 1976, 93-179.
[61] Bernard Haring, Tự do và trung thành trong
Đức Kitô, tập 3, tr. 337.
[62] Bernard Haring, Tự do và trung thành trong
Đức Kitô, tập 3, tr. 339.
[63]S. Th., III, q 61, a 4.
[64] Hiến Chế về Phụng Vụ, 59
[65] Bernard Haring, Tự do và trung thành trong
Đức Kitô, tập 3, tr. 339.
[66] Bernard Haring, Tự do và trung thành trong
Đức Kitô, tập 3, tr. 340.
[67] Bernard Haring, Tự do và trung thành trong
Đức Kitô, tập 3, tr. 341.
Nguồn:giaolyductin.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét