VATICAN. “Kitô hữu là người của hy vọng, nhận biết và làm chứng rằng Đức Giêsu đang sống và ở giữa chúng ta, rằng Ngài luôn chuyển cầu với Chúa Cha cho mỗi người chúng ta và Ngài sẽ lại đến trong vinh quang.”
Đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ 6, 22.04, tại nguyện đường Thánh Marta. Những chia sẻ của Đức Thánh Cha chủ yếu xoay quanh mối tương quan giữa Kitô hữu với Đức Giêsu Phục Sinh.
Khởi đi từ những bài đọc trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đúc kết ba từ ngữ nền tảng cho đời sống Kitô hữu: thông điệp, chuyển cầu và hy vọng.
Trước hết, Đức Thánh Cha đề cập đến thông điệp: “Trong bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ (13, 26-33), thông điệp nền tảng đó là lời chứng của các Tông Đồ về sự phục sinh của Đức Giêsu. Thánh Phao-lô đã khẳng khái tuyên bố trong hội đường: ‘Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho người trỗi dậy từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân.’ Thông điệp đó chính là: Đức Giêsu đã chết và đã trỗi dậy vì chúng ta và để cứu chuộc chúng ta. Giờ đây, Ngài vẫn sống. Đây chính là thông điệp mà những môn đệ đầu tiên đã loan báo cho người Do-thái cũng như các dân ngoại trong thời đại ấy. Các môn đệ cũng sẵn sàng làm chứng bằng chính đời sống và máu của mình.
Khi bị cấm không được rao giảng danh Đức Giêsu hay nói về sự phục sinh của Người, Gioan và Phê-rô đã khẳng khái trả lời với lòng can đảm và hết sức mạch lạc rằng: ‘Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe’. Phần chúng ta, là những Kitô hữu, với đức tin, chúng ta mang nơi mình Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta thấy và nghe sự thật về Đức Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta mà nay đã sống lại. Như vậy, thông điệp trong đời sống của Kitô hữu chính là: Đức Kitô đang sống! Đức Kitô đã phục sinh! Đức Kitô đang ở giữa chúng ta và Ngài vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên khắp mọi nẻo đường. Như vậy, một trong những khía cạnh của đời sống Kitô hữu chính là thông điệp phục sinh. Thánh Gioan cũng khẳng định rằng: ‘Điều mà chúng tôi đã được mắt thấy, tai nghe và đã được đụng chạm chính là Đức Giêsu Phục Sinh. Tôi xin làm chứng về điều này.’
Từ ngữ quan trọng thứ hai là sự chuyển cầu. Điều này được gợi hứng từ bài Tin Mừng theo Thánh Gioan (14, 1-6). Trong Bữa Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh, khi các Tông Đồ ngã lòng, nản chí; Đức Giêsu đã khích lệ các ông: ‘Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở. Thầy đi dọn chỗ cho anh em.’ Đức Giêsu nói như thế nghĩa là gì? Đức Giêsu đi dọn chỗ cho các ông như thế nào? Xin thưa là: Ngài dọn chỗ bằng cách chuyển cầu cho mỗi người chúng ta trước mặt Chúa Cha. Đức Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta cần phải biết điều này: Ngay bây giờ đây, Đức Giêsu vẫn không ngừng làm việc bằng cách luôn chuyển cầu cho chúng ta. Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu cũng nói: ‘Phê-rô, Thầy cầu nguyện cho con.’ Cũng vậy, giờ đây Đức Giêsu là Đấng Trung Gian chuyển cầu cho chúng ta trước tôn nhan Chúa Cha.
Nhưng Đức Giêsu chuyển cầu như thế nào? Tôi xin chia sẻ với anh chị em suy nghĩ cá nhân tôi, chứ không phải là một tín lý của Giáo hội buộc phải tin. Tôi nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ cho Chúa Cha xem những thương tích mà Ngài đã chịu, vì những thương tích ấy vẫn in hằn trên thân thể sau khi phục sinh. Đức Giêsu vừa cho Chúa Cha xem vừa thủ thỉ với Cha từng tên của mỗi người chúng ta. Tôi tin rằng Đức Giêsu chuyển cầu cho chúng ta như thế đó.
Khía cạnh thứ ba là trông cậy. Đây cũng là điều mà Tin Mừng ngày hôm nay nhắc đến. Đức Giêsu nói: ‘Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi và dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.’ Đây chính niềm hy vọng Kitô giáo. Đức Giêsu đã hứa: ‘Thầy sẽ đến!’ Như vậy, Kitô hữu là những người hy vọng. Họ hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ngự đến. Từ điểm này, chúng ta nhận thấy Kinh Thánh có khởi đầu và kết thúc rất đẹp. Với Sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy rằng lúc khởi đầu hay sự khởi đầu của mọi. Và sách Khải Huyền lại kết thúc với lời nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.’ Như thế, tất cả Giáo hội đang chờ đợi sự ngự đến trong vinh quang của Đức Giêsu. Đó chính là niềm hy vọng Kitô giáo.”
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người hãy tự tra vấn chính mình: “Thông điệp trong cuộc sống của tôi như thế nào? Tương quan của tôi với Giêsu, Đấng không ngừng chuyển cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, ra sao? Niềm hy vọng của tôi như thế nào? Tôi có thật sự tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh không? Tôi có tin là Ngài luôn chuyển cầu cho tôi trước ngai tòa Chúa Cha không?”
(Vũ Đức Anh Phương, SJ, RadioVaticana 23.04.2016)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét