HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

ĐỨC THÁNH CHA DIỄN GIẢI VỀ BÍ TÍCH HÔN PHỐI


VATICAN. Trong tuổi tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 2-4-2014, tại Quảng trường Thánh Phêô, ĐTC Phanxicô đã diễn giải về bí tích Hôn Phối và kêu gọi tái lập việc đọc kinh trong gia đình.
Trong số hàng trăm nhóm hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm đến từ Italia, gồm các học sinh, các giáo xứ, và hiệp hội, đặc biệt có 90 quân nhân thuộc Lữ Đoàn 5 Hiến Binh ở Bologna, trung Italia, 300 sĩ quan và thủy quân thuộc Hàng không Mẫu Hạm Cavour, và 200 cảnh sát quốc gia từ thành Ravenna và Rimini. Từ nước ngoài, đông nhất 35 nhóm từ Cộng hòa Liên bang Đức, 13 nhóm từ Áo và 6 nhóm từ Thụy Sĩ. Đến từ nhiều nước khác nhau có 30 tham dự viên cuộc hội thảo do Hội đồng Tòa Thánh về gia đình tổ chức, 50 nữ tu thuộc tổng tu nghi Dòng Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm, và 45 nữ tu thuộc dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Tuy giờ chính thức được ấn định cho buổi tiếp kiến là 10 giờ rưỡi, nhưng lúc 9 giờ 45, ĐTC đã xuất hiện tại quảng trường, trên chiếc xe díp mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài.

Khi ĐTC lên tới lễ đài, mọi người đã nghe các LM đọc bằng 5 thứ tiếng đoạn thứ 5 thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêso dạy các đôi vợ chồng hãy yêu thương nhau như chính Chúa Giêsu đã yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh.

Bài huấn giáo của ĐTC

Trong bài huấn giáo sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC đã trình bày về Bí tích Hôn phối là bài chót trong loại giáo lý về các bí tích. Ngài nói:

”Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em,

Hôm nay chúng ta nói về bí tích hôn phối và kết thúc loạt bài giáo lý về các bí tích. Bí tích hôn phối dẫn chúng ta đến trọng tâm ý định của Thiên Chúa, là một ý định giao ước với dân Ngài, với tất cả chúng ta, một ý định hiệp thông. Ở đầu sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh, khi kết thúc trình thuật về sự sáng tạo, có nói rằng: ”Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình giảng của Ngài; theo hình ảnh Thiên Chúa Ngài tạo dựng họ: Ngài sáng tạo họ có nam có nữ.. vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ và kết hiệp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 1,27; 2,24). Hình ảnh Thiên Chúa là một đôi hôn nhân, là người nam và người nữ, tất cả hai, chứ không phải chỉ có người nam, và người nữ. Đó là hình ảnh Thiên Chúa, và tình yêu, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta, được tượng trưng trong giao ước giữa người nam và người nữ. Đây là một điều thật là đẹp! Chúng ta được tạo thành để yêu thương, như phản ánh Thiên Chúa và tình thương của Chúa. Và trong sự kết hiệp vợ chồng người nam và người nữ thực hiện ơn gọi này qua dấu chỉ hỗ tương và cuộc sống hiệp thông trọn vẹn và chung kết. Khi một người nam và một người nữ cử hành bí tích hôn phối, thì có thể nói Thiên Chúa phản ánh trên họ: Ngài in trên họ những đường nét của Ngài và đặc tính không thể xóa bỏ của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật là đẹp! Cả Thiên Chúa cũng là hiệp thông. Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Linh từ đời đời và mãi mãi trong trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và điều này chính là mầu nhiệm Hôn Phối: đó là Thiên Chúa làm cho đôi vợ chồng trở nên một cuộc sống duy nhất - Kinh Thánh nói là ”một thân thể duy nhất” - theo hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa, trong dấu chỉ hiệp thông bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa và kín múc sức mạnh từ đó.”

Tiếp tục bài giáo lý, ĐTC nói:

”Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu thành Ephêsô, làm nổi bật điều này là: nơi các đôi vợ chồng Kitô có phản ánh mầu nhiệm mà Thánh Tông Đồ định nghĩa là ”cao cả”, có nghĩa là tương quan được Chúa Kitô thiết lập với Giáo Hội, một tương quan có đặc tính hôn nhân tuyệt vời (Xc Ep 5,21-33). Điều này có nghĩa là Hôn nhân đáp ứng một ơn gọi đặc thù và phải được coi là một sự thánh hiến (Xc Vui Mừng và Hy Vọng, 48); Familiaris consortio, 56). Thực vậy, do bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng được ủy thác một sứ mạng riêng và đích thực, để từ những điều đơn sơ, bình thường, họ có thể hữu hình hóa tình thương mà Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội của Ngài, tiếp tục hiến thân cho Giáo Hội, trong sự trung tín và phục vụ”.

”Thực là một ý định tuyệt vời những gì ở trong bí tích Hôn Phối! Và nó được thể hiện trong sự đơn sơ và cả trong sự dòn mỏng của thân phận con người. Chúng ta biết rõ đời sống vợ chồng có bao nhiêu khó khăn và thử thách.. Điều quan trọng là giữ cho mối liên hệ với Thiên Chúa được luôn sinh động, mối liên hệ này là nền tảng mối liên hệ vợ chồng. Mối liên hệ thực sự luôn luôn là liên hệ với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện thì mối liên hệ ấy được duy trì. Khi người chồng cầu nguyện cho vợ, và người vợ cầu cho chồng, mối liên hệ ấy trở nên bền chặt hơn. Hai người cầu cho nhau. Và quả thực là trong đời sống gia đình có bao nhiêu là khó khăn: công ăn việc làm, thiếu tiền, con cái có vấn đề.. bao nhiêu là khó khăn. Và bao nhiêu lần vợ chồng căng thẳng, cãi nhau. Trong hôn nhân vẫn có những vụ cãi nhau, và nhiều khi bát đĩa bay. Anh chị em cười, nhưng đó là sự thật. Nhưng chúng ta không nên buồn vì điều này. Thân phận con người là như thế. Nhưng bí quyết là tình yêu mạnh hơn những lúc cãi nhau. Và vì thế tôi khuyên các đôi vợ chồng, đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau, nếu đã cãi nhau. Để làm hòa với nhau không cần phải gọi LHQ, chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái vuốt âu yến. Và ngày mai lại bắt đầu. Đó là cuộc sống: tiến bước như thế trong can đảm, can đảm muốn sống chung với nhau. Đời sống hôn nhân là điều rất đẹp và chúng ta phải luôn giữ gìn, bảo vệ con cái.”

”Một vài lần tôi đã nói ở đây, có 3 lời giúp cho đời sống vợ chồng. Tôi không biết anh chị em có nhớ 3 lời ấy không: ba lời phải luôn nói trong gia đình: xin vui lòng, cám ơn, và xin lỗi. Xin vui lòng: để không xen mình trong đời sống vợ chồng; cám ơn người phối ngẫu của mình, cám ơn điều mà anh, em đã làm. Và vì tất cả chúng ta đều có sai lỗi, nên cần nói lời này: xin lỗi. Với 3 lời này, với kinh nguyện của vợ chồng cho nhau, và vợ chồng luôn làm hòa với nhau trước khi kết thúc một ngày, hôn nhân sẽ tiếp tục tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý trong các ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan. Các vị cũng dịch những lời chào của ĐTC gửi đến các nhóm tín hữu hiện diện. Chẳng hạn bằng tiếng Pháp ngài đặc biệt chào thăm các tu huynh tu viện đại kết Taizé với thầy Alois, các thành viên hiệp hội các ký giả tôn giáo.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến nhiều người hành hương đến từ Anh quốc, xứ Galles, Đan Mạch, Na Uy, Malta Nhật bản, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cũng nói: ”Tôi vui mừng đón tiếp Liên hiệp Công Giáo trợ giúp y tế tại Hoa Kỳ và các linh mục tham dự khóa thường huấn về thần học tại Trường Bắc Mỹ ở Roma này”.

Với các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ngài nhắc đến ngày giỗ lần thứ 9 của Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ngày 2-4 năm 2005 và nói: ”Chúng ta nghĩ đến lễ phong hiển thánh cho Người mà chúng ta sẽ cử hành vào cuối tháng 4 này. Ước gì sự chờ đợi biến cố này là cơ hội cho chúng ta chuẩn bị tinh thần và làm sinh động lại gia sản đức tin mà Người để lại. Noi gương Chúa Kitô, Đức Gioan Phaolô 2 là người rao giảng Lời Chúa không biết mệt mỏi cho thế giới, rao giảng chân lý và sự thiện. Người đã làm điều thiện kể cả với những đau khổ của Người. Đó chính là giáo huấn bằng cuộc sống của Người và Dân Chúa đã đáp lại với tất cả lòng yêu mến và quí chuộc. Ước gì sự chuyển cầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 củng cố nơi chúng ta đức tin, niềm hy vọng, và lòng mến. Ước gì phép lành Tòa Thánh của tôi tháp tùng anh chị em trong trời gian chuẩn bị này.”

Sau cùng, ĐTC chào đông đảo các nhóm tiếng Ý, các nữ tu tham dự tổng tu nghị của dòng, các tín hữu thuộc các giáo xứ và hội đoàn khác nhau, cả hiệp hội những bệnh nhân bị xơ cứng. Ngài nhăc đến nhóm Jemo Nnanzi ở thành phố L'Aquila trung Italia, bị động đất cách đây 5 năm. Ngài cũng ngỏ lời với các bạn trẻ, cac bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới, và nhắc đến lễ kính thánh Phanxicô di Paola. Ngài nói: Hỡi những người trẻ thân mến, đặc biệt là những người thuộc làng thiếu niên Maddaloni, các con hãy học nơi thánh Phaolô di Paola lòng khiêm nhường là sức mạnh chứ không phải là một sự yếu đuối. Hỡi anh chị em bệnh nhân, đừng mệt mỏi trong việc xin Chúa giúp đỡ. Và anh chị em tân hôn, hãy thi đua nhau trong việc quý chuộng và giúp đỡ nhau”.
ĐTC đã cùng mọi người hát kinh Lạy Cha và ban phép lành cho tất cả.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 02.04.2014




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons