HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

THÁNG NĂM VÀ LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ BẤT HẠNH


Chị có cái tên rất đẹp: Kiều Thị Ánh Liên. Một thời gian dài, đời chị phủ một màu xám ảm đạm, u buồn. Vực dậy từ sâu thẳm khổ đau và tuyệt vọng, chị đứng lên, cùng ba con tiếp tục sống và bước đi. Bởi chị tin vào câu nói của một ân nhân: “Hãy hướng về phía mặt trời và bóng tối sẽ ngả đằng sau chị. Cố lên!”.


Mùi nhang khói thoang thoảng hai bên đường. Những ngôi mộ lúp xúp, ken dày, phảng phất sự hắt hiu, lạnh lẽo. Nhà của bốn mẹ con nằm trơ trọi, chỏng chơ ở đó, giữa khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) trải rộng, buồn tênh. Gọi là nhà chứ kỳ thực chẳng khác chi căn chòi rách nát, cũ kỹ. Vậy mà ngót nghét 8 năm, chị và các con đã tựa lưng, sinh nhai tại nơi ấy. Mấy ai ngờ có những con người chịu được cảnh sống trên mảnh đất dành cho kẻ chết! Nhưng không ở đó thì biết đi về đâu giữa thành phố nổi tiếng đắt đỏ này?
 
43 tuổi, nét khắc khổ, lam lũ khó lòng che giấu trên gương mặt người phụ nữ quê mùa, ít học. Cuộc đời nhiều nước mắt buồn tủi, lao động quần quật đã vắt kiệt sức lực của chị. Gầy rạc, héo hon, trông chị như ngọn đèn leo lét trước gió. Biết vậy, chị càng cố bám víu vào cuộc sống mong manh vì ba đứa con trai còn nhỏ dại. Không sợ cực, sợ khổ nữa, bởi bao nhiêu mùi vị chua chát, đắng cay, bốn mẹ con đã nếm đủ. Ký ức về chuỗi ngày tăm tối chưa từng nhạt phai, vẫn hoài chôn sâu, đè nén trong lòng người đàn bà bất hạnh. Chị muốn quên đi nhưng nào dễ dàng quên được.
Mấy đứa nhỏ con chị Liên dùng những ngôi mộ làm bàn học
Chồng bỏ đi biền biệt mà không nói lời nào khi đứa con út tròn 6 tháng tuổi, chị bơ vơ, hốt hoảng như người mất hồn. Kể từ đó, đôi vai gầy trở thành điểm tựa, gánh vác mọi việc nuôi nấng, chăm lo cho các con. Chị vừa làm mẹ vừa làm cha. Gạt đi nước mắt và tổn thương tinh thần, bốn mẹ con dắt díu nhau vào Sài Gòn mưu sinh vì hái tiêu thuê ở Bình Phước không đủ sống. Chị cũng định gởi ba đứa cho ông bà ngoại coi sóc rồi một mình ra đi. Nhưng sự ray rứt khi chưa báo hiếu mẹ cha lại còn làm phiền tới hai đấng sinh thành cứ âm ỉ, chị đành dứt bỏ suy nghĩ ấy. Hơn nữa, xa con, chị biết mình sẽ không chịu nổi…
 
Chân ướt chân ráo đặt chân lên chốn thị thành, chị quảy trên vai bọc áo quần, tay bế con bước đi liêu xiêu. Hai anh em Được (khi đó 10 tuổi) và Vũ (6 tuổi) lon ton theo sau. Rồi số phận run rủi đẩy đưa họ tới khu lò thiêu Bình Hưng Hòa. Được cho cái mùng, cái mền từ một nhà gần đó, bốn mẹ con giăng lên nằm nghỉ giữa hai ngôi mộ có xây mái che. Ban ngày, hai đứa lớn chơi với nhau quanh khu nghĩa địa, chị bồng đứa nhỏ lang thang ngoài đường tìm việc. Sài Gòn rộng lớn như muốn nuốt chửng hai mẹ con đói rách. Đêm về, bốn thành viên lại kề vai nhau ngủ đói trên nền gạch lạnh, giữa trời gió rít từng cơn.
Không ai nhận một phụ nữ có con thơ làm thuê. Trước bước đường cùng, chị quyết định kiếm cái bao rồi đi lượm ve chai ở các bãi rác, vỉa hè. Có lẽ thương cảnh ngộ éo le, một người chủ khu mộ tư nhân đã thuê chị hằng ngày lau chùi, tưới tắm các dãy mồ mả rồi cho cơm, cho ở trong một căn chòi cũng trong nghĩa địa. Cũng tốt rồi vì đã có việc làm, dù thời gian sống tại đó, những mùa mưa dầm dề càng nhấn thêm sự buồn bã, chua xót. Nước dâng lên tới đầu gối, đen ngòm và bốc mùi tanh đặc trưng của “thành phố ma”, bốn mẹ con cứ lội bì bõm 200m từ lộ vào cái chòi xiêu vẹo. Chị không dám ngủ, ngồi canh chừng vì sợ sập. Mái thủng nên bao nhiêu xoong chảo, thau chậu đều đem ra hứng nước. Hôm nào mưa lớn, mỗi người mỗi nón lá trùm áo mưa chạy qua trú bên mấy cái mả có mái. Ở đó không lo dột nhưng bị tạt khắp bốn phía. Cầm theo cái giẻ, chốc lát chị lại vừa lau nền gạch vừa dỗ dành từng đứa đang lạnh run, sợ hãi vì sấm chớp… chợp mắt. Tiếng mưa nhịp cùng tiếng lòng, chị tủi thân khi nghĩ về đời mình cũng tối tăm, mờ mịt như màn đêm lặng câm: “Người ta chăn ấm nệm êm, còn con mình phải chui rúc nơi đây. Cuộc sống cứ mãi giống lũ chuột hoang như vầy ư?”.
 
Từng có lúc, khi không tìm thấy lối ra trước mắt, chị tuyệt vọng và muốn kết liễu cuộc đời, nhưng nhìn đàn con thơ ngây, nghĩ tới mẹ già và em trai bệnh tật ở quê, chị lại gắng gượng đứng lên. Nước mắt lưng tròng, người đàn bà thổn thức: “Trông cảnh con mình không có cha khuyên dạy, tựa đỡ, đưa đi chơi đó đây, rồi mỗi lần Vũ hỏi ‘Ba có liên lạc với mẹ không? Bộ ba không nhớ con sao?’, lòng tôi nhói đau, tê tái. Chúng đã thiếu vắng tình thương của cha nên sẽ ra sao nếu mồ côi cả mẹ? Nghĩ tới đó, tôi không cho phép mình ích kỷ, phải tiếp tục sống để bù đắp những khoảng trống trong tâm hồn các con vô tội”.
Dần dà, nhiều người biết đến hoàn cảnh của chị đã ra tay cưu mang, bao bọc. Ba đứa con được đi học tại trường tình thương Thiên Ân. Chị được nhận làm lao công trong một trường mầm non gần đó của các nữ tu và khi rảnh còn đi giúp việc nhà kiếm thêm dăm đồng. Ngày Tết, mấy mẹ con lại tranh thủ quét dọn, lau chùi mồ mả thuê kiếm vài chục ngàn... Khó khăn, vất vả chưa hoàn toàn qua đi nhưng bóng tối đang từ từ lui khuất.
 
Giữa những ngày không hy vọng, chìm sâu trong nghèo hèn, có lúc chị chạy đến tượng Đức Mẹ trên một số nấm mộ mà khóc. Bao uất ức, khổ tâm chị lại nói cùng “bà”, điều mà chị thấy nhiều người tới viếng mộ từng làm và tin là sẽ được lắng nghe, dù khi đó chị chưa biết Chúa. Thuở mới về căn chòi nơi nghĩa địa, không có gì ngoài hai bàn tay trắng nên người cho tấm tôn, cái tủ, người giúp bịch đường, lon gạo... Khi nhìn lại, chị chợt nhận ra thoáng trong đó có nhiều người Công giáo. Cảm mến tinh thần yêu thương, vị tha nhân và nhận ra mình đã tìm thấy điểm tựa tinh thần và lẽ sống…, chị xin theo đạo. Buổi học nào cũng vậy, hai đứa lớn chơi với em bên ngoài để mẹ vào lớp vì chị không an tâm khi để chúng ở nhà. Ngày lại ngày, bốn con người côi cút lầm lũi băng qua nghĩa địa hoang vu, dò dẫm bước đi tìm Chúa, đi học đạo từng đêm đen, với niềm tin mãnh liệt và những tia hy vọng được thắp dần.
Và rồi, sau chị thì lần lượt ba anh em Được, Vũ và Tuấn được học giáo lý và rửa tội tại xứ Bình Thuận và Thiên Ân. Căn chòi rách nay có thêm tượng Thánh Gia Thất, cây thánh giá hiện diện. Sóng gió dần lặng yên, chị không quên thầm thì cùng con sống sao cho tốt, không phụ lòng những người giúp mình, và quan trọng là cũng biết “cho đi” chứ không chỉ “đón nhận”. Tựa như người đàn bà góa đã cho đi đồng bạc trong Thánh Kinh, đôi lúc chị san sẻ gói mì, ký gạo mà mình có được cho bà lão bán vé số neo đơn, chia bớt cái áo cũng không còn lành lặn cho đứa trẻ lang thang... Chỉ có vậy mà thấy vui và thanh thản lắm! Chị nghĩ giản đơn: “Cũng cảnh nghèo nên hiểu được cảm giác, tâm trạng ấy, mình khổ nhưng có người còn khổ hơn”. Người phụ nữ tân tòng tin rằng, Chúa đã đồng hành cùng chị trên bước đường chông gai, lắm nỗi đoạn trường.
 
Hỏi chị, niềm vui le lói trong năm tháng nhọc nhằn là gì, chị khẽ cười nói có lẽ là lúc nhìn tấm giấy khen của con mang về, là khi biết chúng ý thức hoàn cảnh của mình nên không vòi vĩnh này nọ hay trách móc mẹ sao để con học trễ lại còn học lớp tình thương, là những hôm chúng ôm chị và hỏi “Mẹ đau vai không, con xoa bóp cho?”. Rồi nói về mơ ước hiện tại, chị bối rối ngập ngừng vì mình muốn nhiều thứ quá, song trước tiên vẫn là có sức khỏe để làm việc, sống với con. Bởi thi thoảng chị cũng lo Chúa gọi về sớm, mỗi đứa con sẽ mỗi ngả…

Ngồi với tôi buổi trưa nắng trong nghĩa địa, chị tâm sự nhiều lắm, buồn có nhưng vui cũng không ít. Chị nói giờ mới thuê được một căn phòng trọ mẹ con trú cho khỏi mưa gió. Rồi chỉ tay về phía tượng Đức Mẹ trên một mộ phần, nói mình đã dâng hết đời mình, cuộc sống của mình và các con cho Mẹ, và Mẹ đã nhận lời. 
GIÁNG HƯƠNG
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons