Ngày 8-12-1854, tín điều Đức
Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được long trọng định tín bởi Đức Giáo Hoàng Piô
IX: “Rất Thánh Trinh Nữ Maria từ phút đầu thai đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ
nguyên tội, do đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu
Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân loại”. Bốn năm sau, năm 1858, hiện ra với thánh nữ
Bernadette tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Vậy,
phải hiểu và sống tín điều này ra sao?
1. Tín điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội”
được hiểu thế nào?
Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm
Nguyên Tội phải được hiểu trong tương quan với tội tổ tông. Khi dựng nên tổ
tông loài người là Ađam và Eva, Thiên Chúa đã đặt họ vào tình trạng đặc biệt tốt
lành, là được sống trong tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa, trong sự hài hòa với
chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân nghĩa và sự hài hòa này chỉ
thua kém vinh quang của công trình tạo dựng mới (hay là công trình tái tạo)
trong Đức Kitô. Đỉnh cao của tình thân nghĩa là được tham dự vào sự sống của
Thiên Chúa. Tình trạng đặc biệt nầy, trên nguyên tắc tổ tông truyền lại cho con
cháu, nhưng trên hiện thực, vì phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa, họ đã làm mất
tất cả, không nhữmg cho mình, mà còn cho hậu duệ nữa. Đời cha ông phá sản, đời
con cháu lao đao. Vì thế mới được gọi là tội tổ tông, theo nghĩa loại suy, tức
là một thứ tội do bị “nhiễm vương” chứ không phải do “vi phạm”, và đây là “một
tình trạng” chứ không phải “một hành vi”.
Tội tổ tông như thế là tình trạng
chung cho cả loài người: ai cũng là nạn nhân của tội tổ tông. Đáng lý Đức Trinh
Nữ Maria, vì thuộc gia đình nhân loại, nên cũng bị tác động của tội tổ tông như
mọi người, nghĩa là được sinh ra trong tình trạng không có ơn thánh sủng, không
được hỗ trợ bởi những ơn siêu nhiên và tự nhiên khác, phải chịu đau khổ và cuối
cùng phải chết. Nhưng, vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, bao bọc trong
vải điều ơn thánh và được gìn giữ toàn vẹn, không nhiễm vương và chịu hậu quả của
nguyên tội. Khác với trường hợp thánh Gioan Tẩy Giả được tha khỏi tội tổ truyền
lúc ở trong thai kỳ, Đức Maria được khỏi tội ngay từ phút tượng thai trong lòng
thân mẫu. Việc được giữ gìn này gọi là vô nhiễm nguyên tội.
Đây là trường hợp ngoại lệ, lạ
lùng, dù được phát biểu dưới hình thức tiêu cực trong tương quan với tội nguyên
tổ, nhưng phải hiểu một cách tích cực trong tương quan với sự thánh thiện. Vì
thế, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội chính là Đức Maria hoàn toàn thánh thiện.
2. Mẹ “Vô Nhiễm Nguyên Tội” do
đâu?
Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt
vời ngay từ lúc tượng thai trước hết là do ân sủng và tình thương đặc biệt của
Thiên Chúa Ba Ngôi. Hơn bất cứ thụ tạo nào khác, Chúa Cha đã ban cho Mẹ hưởng
muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô, và đã chọn Mẹ trước
cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, Mẹ trở nên tinh tuyền thánh
thiện.
Dựa trên Kinh Kính Mừng, có ba
điều giúp hiểu cách đơn giản đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria.
Một là, “Kính Mừng Maria đầy ơn phước”: nếu mắc tội tổ tông, thì Đức Mẹ không
thể nào đầy ơn phước Chúa ban được. Hai là, “Đức Chúa Trời ở cùng Bà”: có Thiên
Chúa vô cùng thánh thiện hằng ở với, làm sao Đức Mẹ cùng lúc lại nhiễm vương tội
tổ tông được. Ba là, “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”: phước lạ ở đây, chính
là đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, là trường hợp lạ lùng, có một không hai trong
gia đình nhân loại. Như vậy, khi thiên sứ Gabriel được Thiên Chúa sai đến với
thiếu nữ Do Thái thành Nadarét và cung kính chào: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Đức
Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”, thì cũng giống như thiên
sứ chào Đức Mẹ rằng: “Kính chào Bà là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” vậy.
Ngoài ra, nhờ công ơn của Đức
Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ loài người, nghĩa là Mẹ đã “được cứu chuộc cách kỳ diệu
nhờ công nghiệp của Con Mẹ”. Giữa Đức Giêsu và Mẹ Maria có một mối liên hệ máu
thịt, cùng chia sẻ một vinh quang, nên Mẹ phải sạch mọi tì vết, nhất là tì vết
nguyên tội. Đây là vẻ đẹp của Mẹ từ lúc đầu thai và luôn mãi đẹp. Trước khi
sinh ra, sau khi sinh ra, không một tuổi nào, không một lúc nào trong đời mà Mẹ
không hoàn toàn đẹp đẽ. Mẹ được hưởng công ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, ngay cả
trước khi Người thực hiện trên Thánh Giá, vì thế Vô Nhiễm Nguyên Tội là một điều
lạ lùng, một đặc ân Chúa ban cho Mẹ, cùng với ba đặc ân khác nữa là: Mẹ Thiên
Chúa, Mẹ đồng trinh và Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
3. Lễ “Vô Nhiễm Nguyên Tội” gợi
lên tâm tình nào?
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
người duy nhất khi bước vào cuộc đời trần thế nầy, không là nạn nhân của tội tổ
tông, nhưng ngay trong phút đầu tiên thụ thai, đã được trang hoàng bằng tràn đầy
ân sủng, để xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa vinh hiển, đến nỗi ngay cả quỹ dữ mang
hình con rắn địa đàng cũng bị đạp đầu khuất phục dưới gót chân Mẹ.
Giáo Hội long trọng mừng lễ Mẹ
Vô Nhiễm Nguyên Tội để cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi đã tuyển chọn Mẹ trong một đặc
ân lạ lùng, chuẩn bị cho phẩm chức là Mẹ Thiên Chúa, đồng thời để ngợi khen
chúc tụng Mẹ cao sang hơn mọi thần thánh và toàn thể loài người. Mẹ thuộc về
gia đình nhân loại, nên gần gũi hiểu biết con người hơn bất cứ ai; Nhưng “đầy
ơn phúc”, Mẹ lại thuộc về Chúa, nên Chúa không quen từ chối Mẹ điều gì. Đến với
Mẹ, chúng ta sẽ được Mẹ dẫn tới Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho Kitô hữu,
nên đã được Thiên Chúa đặt làm Đấng bầu cử cho chúng ta. Từ đó, Mẹ thành sao
mai dẫn lối nhân loại vượt qua hành trình trần gian đầy cam go thử thách này, đồng
thời tiếp nối dòng chảy của ơn thánh Chúa ban cho Mẹ, Mẹ cũng không ngừng làm
những việc lạ lùng cho con cái loài người biết ngửa mặt kêu xin.
Ở Roma, theo truyền thống lâu đời,
hằng năm vào ngày 8.12, Đức Giáo Hoàng đến đặt chậu hoa hồng trắng nơi tượng
đài Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội giữa lòng thành phố, trong tiếng hát Kinh cầu
Đức Bà sốt sắng của cộng đoàn. Hôm nay, dù không có chậu hoa hồng trắng dâng Mẹ,
nhưng với tâm hồn ngay thẳng, ta đến đặt mình trước nhan Mẹ, xin Mẹ thương giúp
ta biết sống lánh xa tội lỗi và biết chuẩn bị sẵn sàng đón mừng lễ Giáng Sinh sắp
tới. “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con đang chạy đến
cùng Mẹ. Amen.”
ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét