.....2 giờ sáng
Đàn ông và chuồng lợn, bắt lợn, trói lợn và khiêng lợn ra cầu ao. Lợn kêu eng éc một cách tuyệt vọng. Sau đó là cắt tiết lợn, cạo lông lợn và mổ lợn. Lợn chỉ kêu được một tiếng oọc, rồi nhắm mắt lìa đời.
4 giờ sáng
Một nong thịt lợn nằm phơi trên sân: thủ lợn, đùi lợn, mỡ lợn, sườn lợn và lòng lợn. Đàn ông rủ nhau đi tắm. Đàn bà từ trong nhà kéo nhau ra: dao và thớt; chặt và chém; nấu và nướng. Khói bay mù mịt, vương theo mùi mỡ thơm phưng phức.
10 giờ trưa
Mâm cao cỗ đầy tràn ngập từ trong nhà ra tới ngoài sân. Một trăm bàn. Sáu trăm khách. Đông vui hơn hội chợ. Cô dâu chú rể lướt thướt đi chào khách. Cúi đầu chào. Đưa hai tay nhận phong bì. Môi tủm tỉm. Mắt chớp chớp…
Bỗng dưng cô dâu hét lên một tiếng rồi gục đầu vào vai chú rể. Mọi người im phăng phắc, ngơ ngác. Thì ra… có tiếng thầm thì ở dưới gầm bàn.
1/ Chân phải nói chuyện với chân trái
- Chân trái ơi! Sáng hôm nay khi gà chưa gáy, tao với mày đã phải chui vào chuồng heo để bắt lợn. Tao đạp phải cứt lợn, nhoe nhoét ra, bẩn ơi là bẩn!
- Còn tao thì đạp phải nước đái lợn, trượt một cái, tưởng là gãy ống chân. Hú hồn!
- Thế mà bây giờ tao với mày phải nằm bẹp dưới gầm bàn. Còn trên kia thì toàn là cao lương mỹ vị. Tao với mày chắng được ăn miếng nào.
- Không những không được ăn, mà ngay cái mùi thơm của thịt cũng không được ngửi. Mùi thơm thì bay lên. Còn “mùi ấy” thì chìm xuống. Tao với mày phải lãnh đủ.
- Nhịn ăn, nhịn ngửi thì tao chịu được. Điều mà tao tức đến chết được, ấy là hai thằng tay nó hưởng hết công khó của mình. Mày thấy không: tay trái thì bưng bát; tay phải thì gắp, gắp rồi thì và. Gắp-và lia lịa. Bất công vô cùng! Tao đề nghị với mày là hai đứa mình đình công, không nhấc chân, không đi đâu hết. Đồng ý không?
- Đồng ý.
2/ Tay nói chuyện với chân
Hai bàn tay thấy hai bàn chân nói xấu mình thì tức lắm, bèn lần mò từ đầu gối xuống cổ chân, rồi cào cào lên hai bàn chân mà mắng
-Sáng nay chúng mày lội vào chuồng heo để bắt lợn, thì chúng tao thấy. Chúng mày đạp phải cứt lợn thì chúng tao cũng thấy. Nhưng chúng mày mù không thấy chúng tao cực khổ: cắt tiết lợn, cạo lông lợn, mổ lợn và rửa lòng lợn. Thổi ơi là thối! Bây giờ chúng mày lại hiểu lầm là chúng tao ngồi chơi xơi nước, hưởng hết công khó của chúng mày. Oan khiên vô cùng! Chúng tao có bưng, có gắp, có và thật, nhưng… chẳng qua cũng chỉ làm đầy tớ cho cái miệng mà thôi. Bưng mỏi tay, gắp mỏi tay mà có được hưởng gì đâu. Công cốc! Để nói lên nỗi oan khiên của chúng tao, chúng tao cũng đình công: thôi bưng, thôi gắp, thôi và, buông thõng hai tay. Sướng!
3/ Miệng nói chuyện với tay
Nghe tay nói xấu mình. Miệng ngoác ra. Răng nhe ra. Lưỡi thè ra đỏ lòm. Cả ba đứa cùng la lên.
- Tay và Chân, chúng mày đều ngu như trâu. Đầu chúng mày không có não mà chỉ có đậu phụ. Chúng mày chỉ nhìn gần mà không thấy xa. Chúng mày cực khổ thì chúng tao biết. Còn chúng tao cực khổ thì chúng mày đui mù không thấy. Này nhá, vểnh tai lên mà nghe. Chân phải đạp cứt lợn thì ra cầu mà rửa. Tay gắp mỏi thì buông đũa mà nghỉ. Hà cớ gì mà than thân trách phận.
- Tao là Răng đây. Nhai thịt nạc, thì không nói làm chi. Có khi chúng mày gắp cục xương to tổ bố nhét vào miệng, bắt tao phải gặm, bắt tao phải nhai. Nhai không được thì phải nhả ra. Xương thì rơi ra, gân thì mắc kẹt vào kẽ răng. Chúng mày có biết giắt răng thì khổ như thế nào không? Ông cha chúng ta, với kinh nghiệm “cổ lai hy” đã tuyên bố rằng: “thứ nhất đau mắt, thứ nhì giắt răng”. Đấy, chúng mày thấy tao khổ chưa?
-Tao là Lưỡi đây. Tao phải khổ trăm chiều. Khổ vì phải thè ra thật dài để đưa vào miệng một nùi rau muống luộc chưa chín. Còn phải thè ra dài hơn nữa để táp một nùi bún dài lòng thòng mãi không chịu tuồn vào. Xấu hổ vô cùng! Ấy là chưa kể đến tai nạn giao thông thường xảy ra: đó là tao chưa kịp sang số để thụt vào, thì thằng Răng đã sang số để bập xuống. Đau ê ẩm! Cuối cùng thì bao nhiêu cao lương mỹ vị tao phải gói ghém để gửi xuống tặng ông Dạ Dày. Công cốc!
- Nếu chúng mày, tức là Thằng Tay và thằng Chân hiểu lầm tao, thì tao tuyên bố “đình công” ngay từ giờ phút này. Tao, thằng Răng, thằng Môi và thằng Lưỡi.
Cú điện thoại dài ba mươi phút của ông Dạ Dày
- Allô! Tay, Chân, Miệng, chúng mày nghe tao nói đây!
- Dạ, chúng tôi nghe.
- Tao ở xa. Nhưng tao hiểu hết cuộc đời của chúng mày.
+ Thằng Chân là khổ nhất: Khổ vì chuồng lợn vùng nông thôn hẻo lánh thì chỉ có bùn và phân; khổ vì chẳng được thấy sự cao sang ở trên bàn. Dưới gầm bàn chỉ có muỗi và muỗi. Ngứa muốn chết. Đúng!
+ Thằng Tay thì may mắn hơn: thấy miếng ngon thì gắp; gắp xong thì và; gắp-và mà mệt thì buông đũa bát xuống để nghỉ. Khổ, nhưng chỉ khổ một tí thôi. Đâu đến nỗi gì mà phải kêu ca, phải rên la, y như là tận cùng bằng số.
+ Thằng Răng khi phải gặm xương thì có nguy hiểm thật. Nhưng chỉ là chuyện ngàn năm một thuở. Còn chuyện giắt răng chẳng qua chỉ là để dành của thơm, lâu lâu chép miệng một cái để nhớ để thương. Nếu bực bội và khó chịu, thì đã có bàn chải Colgate. P/S… Vô số, vô số.
+Thằng Miệng và thằng Lưỡi thì chẳng bao giờ được tự do hoạt động: miệng mở to hay nhỏ, lưỡi thè gần hay xa, tất cả đều do thằng Tay quyết định. Nó thuồn vào một nùi rau muống, thì phải mở miệng toác hoác, thè lưỡi dài thoòng mà táp, mà ngốn. Xấu hổ thì ráng mà chịu. Thức ăn đầy miệng rồi, thằng Lưỡi ra công mà trộn. Trộn rồi lại chuyển qua cho thằng Răng. Thằng Răng mà chơi đểu, thì lưỡi phải tứa máu. Nhưng âu cũng là số kiếp: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Mày lắt léo thì mày phải đền tội.
+ Bây giờ đến số phận của tao, chúng mày vểnh tai mà nghe. Chúng mày khổ một thì tao khổ mười. Chúng mày khổ mười thì tao khổ gấp trăm. Bao nhiêu món cao lương mỹ vị đều tập trung vào tao thật. N hưng tao có được hưởng gì đâu. Khổ ơi là khổ!
Khổ một: Chúng mày làm một thì nghỉ. Còn tao thì phải lao động 24 trên 24. Hì hục, hì hục.
Khổ hai: Chúng mày ở ngoài ấy ban ngày thì có ánh sáng mặt trời, ban đêm thì có đèn điện. Còn tao ở đây thì tối mù mù. Trăng tròn hay trăng khuyết, tao không biết. Đèn sáng rực hay tối mờ như đom đóm đực, tao bất lực. Đành cắn răng chịu thua.
Khổ ba: Ở ngoài ấy có nước sạch, có xà bông, xà bông giặt, xà bông tắm. Chân đạp phải cứt lợn thì đi rửa. Rửa xong thì sạch boong. Xịt thêm một tí dầu thơm, thì… xướng ơi là xướng! Còn toàn thân tao thì chỉ là một cái hầm cầu: đen đúa, nhầy nhụa. Nhục ơi là nhục!
Khổ bốn: Ở ngoài ấy có gió mát. Không có gió thì có quạt: quạt giấy, quạt mo, quạt điện. Thậm chí còn có máy điều hòa, mát rười rượi. Còn tao ở đây thì nóng 37o C. Nóng triền miên. Không thể quạt. Không thể gắn mày điều hòa. Còn hơn hỏa ngục!
Tao khổ như thế đấy. Vậy mà chúng mày không thương lại còn gièm pha. Lại còn ghen tuông. Để chúng mày cảm thông với tao, tao cũng đình công. Đình công ngay từ giờ phút này. Vừa không phải khổ, vừa không bị ghét. * *
Thời gian cứ thế mà trôi qua. Im phăng phắc. Bỗng dưng lại có chuông điện thoại reo.
- Allô! Ông Dạ Dày đây. Cho tôi nói chuyện với thằng Miệng.
- Dạ, em đây.
- Tất cả chúng ta đều đình công, để thông cảm với nhau, để cùng nhau xây tình huynh đệ và để khỏe cái thân. Thế nhưng tao thấy không ổn. Tưởng nghỉ thì khỏe, ai ngờ thấy xót xa từ ruột già đến ruột non. Xót xa quá thể!
- Em cũng thấy vậy. Từ lúc nghỉ nhai, nghỉ nuốt. Sao em thấy buồn ngáp quá. Ngáp hoài không hết.
- Mày hỏi thằng Tay và Chân xem chúng nó thấy thế nào?
-Em hỏi rồi. Cả hai thằng Tay và Chân đều bị run như người mắc bệnh Parkinson. Đứng không nổi, ngồi không yên. Chắc là phải đi bệnh viện xin cấp cứu.
-Như vậy đình công là sai; ganh ghét nhau là sai. Vậy tao yêu cầu: Thằng Chân vào bếp lục lọi xem còn cơm nguội, còn thịt lợn không? Nếu còn thì thằng Tay bưng ra, vừa gắp vừa và cho đầy mồm. Thằng Răng phải nhai cho nhanh, nghiền cho nhuyễn. Thằng Lưỡi phải đẩy xuống ngay cho tao. Còn tao thì sẽ cần cù bóp suốt ngày, bóp trong đêm tối mịt mù, bóp trong phòng nóng 37o C, bóp trong hầm cầu thối như kít.
* *
Sau ba tiếng đồng hồ lao động hì hục. Chuông điện thoại lại reo
- Allô! Dạ Dầy đây. Miệng hết ngáp chưa?
- Êm ru bà rù.
- Allô! Thằng Tay hết run chưa?
- Mới cù nách bà xã xong.
- Tại sao cù nách người ta?
- Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
- Allô! Còn thằng Chân. Mày hết run chưa?
- Mới đá chết con heo.
- Tại sao đá nó?
- Ngày mai có đám cưới.
- Thế là rõ rồi nhá. Tất cả chúng ta đều là những bộ phận khác nhau của một thân thể. Khác nhau nhưng hỗ trợ nhau và cùng lớn lên trong một thân thể. Đồng ý chưa?
- Đồng ý!
- Đả đảo ghen tuông. Đả đảo phân bì.
- Đoàn kêt muôn năm! Tương trợ muôn năm!
Lm. PIÔ Ngô Phúc Hậu
BGCN/TGPSG 10.2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét