HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

ĐÃ CÓ MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ NHƯ THẾ


Người đàn bà ngót nghét ba mươi, đứng thẳng băng trên bờ ruộng. Hai tay chống nạnh. Cặp mắt đăm chiêu. Miệng thầm thì trao đổi với người chồng.

- Bố mẹ chia cho vợ chồng mình có một sáo ta, ba trăm năm mươi bảy thước vuông. Một năm hai mùa, mỗi mùa chỉ thu hoạch được hơn một trăm cân thóc. Biết lấy gì mà nuôi con. Hay là chúng mình lên Sơn La, phá rừng làm nương, may ra có tương lai…
- Anh chưa biết phải nghĩ thế nào. Ở đây thì ruộng ít, người đông. Nhưng ở trên ấy lại không có nhà thờ.
-Thì dần dần rồi cũng sẽ có nhà thờ. Chỗ nào mà chả có Chúa.

Một tháng sau, hai vợ chồng bồng hai đứa con, cuốn gói ra đi, bỏ lại xóm làng và ngôi nhà thờ thân thương. Bặt vô âm tín. Không thư từ, không tin tức.

Ba mươi năm sau, người đàn bà ấy đã suýt soát sáu mươi. Bà khúm núm đứng trước mặt một linh mục từ phương xa mới tới, tới bất ngờ như người từ trên trời rơi xuống. Bà kể chuyện về đời mình. Đời của bà vừa thăng trầm, vừa ngoằn ngoèo như đường đèo không có điểm dừng và không có điểm tới. Bà kể chuyện bằng cả miệng lẫn mắt. Miệng thì run run, mắt thì đẫm lệ…

Ông linh mục khoanh tay đứng nghe. Vừa nghe, vừa cắn môi để giữ cho dòng lệ khỏi rơi. Ông lặng lẽ nghe. Ông âm thầm nhớ, để có một băng hình ký ức tuyệt vời.

Ông giã từ sông Mã và người đàn bà kỳ lạ. Ông trở về nhà, ngồi một mình trong phòng kín. Ông ôn lại kỷ niệm, ông suy nghĩ và ông thấy có một bàn tay vô hìnhđang nối kết sự kiện, để hoàn thành một tác phẩm kỳ diệu. Băng hình ký ức ấy bắt đầu quay. Hình ảnh bắt đầu xuất hiện. Bàn tay vô hình đang nối kết.

Băng hình một: Một căn chòi nhỏ bé đang cố bám lấy sườn đồi để khỏi rơi xuống vực thẳm. Bên trong có một thằng cu tí đang đưa cho em gái một bắp ngô nướng. Hai anh em vừa gặm ngô vừa cười với nhau, nhe hai hàm răng sún mà không biết hổ thẹn, vì chưa bao giờ thấy hàm răng không sún. Nên ngoài căn chòi cô đơn là một vạt ngô bạt ngàn đang tới mùa thu hoạch. Hai vợ chồng trẻ nhìn nhau, cười phở lở. Hai cặp mắt sáng như sao. Tương lai cũng phải sáng như sao… Mừng quá.

Băng hình hai: Căn chòi cheo leo bên sườn đồi không còn nữa. Bây giờ là một dãy nhà ba gian. Trước nhà là một mảnh sân rộng thênh thang. Sau nhà là một vựa ngô có sức chứa hằng trăm tấn. Hai anh em sún răng đây giờ đã có đứa em trai đang chập chững tập đi.

Người vợ trẻ năm xưa có cặp mắt sáng như sao, đứng bên cạnh anh chồng lực lưỡng, thì bây giờ đã sồn sồn và chỉ đứng một mình. Bà chăm sóc ba đứa con. Trước mặt là bàn thờ có tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bà dạy đứa con hai tuổi khoanh tay tròn vo, ngước mắt nhìn Chúa và cùng anh chị đọc thật to: “Trái tim Chúa Giêsu, xin cho chúng con ước ao những sự trên trời”.

Sáng nào cũng thế. Tối nào cũng vậy. Từ năm này qua năm khác…

Băng hình ba: Người đàn bà sốn sốn bưng mâm cơm ra nhà ngoài cho ba đứa con. Bà dạy các bé làm dấu thánh, đọc Kinh Lạy Cha rồi xới cơm, chan canh và gắp thức ăn cho các bé. Mỗi ngày ba lần. Ngày này qua ngày khác, cho tới khi các bé thành người lớn.

Người đàn bà sốn sốn ấy lại bưng mâm cơm  vào nhà trong cho anh chồng mất trí. Anh chồng vạm vỡ năm nào bây giờ chỉ còn là ông già ngồi lầm lì trong căn buồng, giống như phòng biệt giam. Vợ bảo làm dấu, ông làm dấu. Vự bảo đọc Kinh Lạy Cha, ông nhóp nhép đọc. Vợ bảo há miệng để bà bón cơm, ông há miệng… Mỗi ngày ba lần như thế. Ngày này qua ngày khác. Năm này qua năm khác. Đã ròng rã gần ba mươi năm như thế.

Băng hình bốn: Một người đàn bà xấp xỉ năm mươi, mặc áo dài quý phái như bà mệnh phụ. Bà đi tới đi lui, niềm nở đónkhách. Khi thì bà đứng chụp hình trước cổng hoa có hai chữ “Tân Hôn”. Khi thì bà đứng giơ tay chào trước cổng hoa có hai chữ “Vu Quy”. Trong vòng bốn năm, bà liên tục cưới dâu cho con trai, gả chồng cho con gái. Đám cưới nào cũng đông khách. Đám cưới nào cũng hoành tráng. Đám cưới nào bà cũng rạng rỡ như hoàng hậu. Nhưng sau mỗi đám cưới, bà lại rầu rầu, y như có điều gì bất hạnh mới xảy ra trong nội bộ gia đình… Chẳng ai hiểu được tâm sự ấy của bà.

Băng hình năm: Người đàn bà tuổi 54, quỳ gối trước bàn thờ Thánh Tâm, miệng lâm râm cầu nguyện.

Bà cầu nguyện cho một người chồng không còn trí khôn. Ông ngồi một mình trong buồng như trong phòng biệt giam. Bà hầu hạ chồng như một cô giáo chăm sóc bé mầm non. Bà không ngại vất vả, mà chỉ buồn vì ông chồng quên xưng tội rước lễ từ hơn ba mươi năm rồi.

Bà mừng cho ba đứa con đều có sự nghiệp. Đứa nào cũng có gia thất. Đứa nào cũng có cơm ngon áo đẹp. Nhưng chẳng đứa nào được đi lễ, chẳng đứa nào được chịu các bí tích. Phần xác thì béo tốt, mà phần hồn thì nheo nhóc.

Bà thầm xin Chúa cho một nhà thờ, một họ đạo và một ông cha xứ để sớm hôm có Thánh lễ và kinh kệ.

Băng hình sáu: Một phụ nữ tuổi đã ngoài 50, nhưng nhìn như mới tứ tuần. Bà nói chuyện với một linh mục già. Nói một cách dạn dĩ. Lúc thì dang tay thẳng băng. Lúc thì giơ tay chỉ chỏ. Y như một MC có tài đang dẫn chương trình của một buổi đại lễ.

Bà chỉ ngôi nhà khang trang do chính mồ hôi nước mắt của bà làm nên, bên cạnh một ông chồng mất trí và ba đứa con nheo nhóc.

Bà chỉ một sườn đồi bát ngát do chính tay bà khai phá. Mỗi năm sườn đồi ấy triều cống cho bà không dưới nửa tỉ đồng.

Bà chỉ một cái nhà kho cũ kỹ rộng hơn một trăm mét vuông do chính con trai của bà tự tay xây lấy. Vợ làm phu hồ, chồng làm thợ xây, mẹ làm đốc công.

Bà cứ kể chuyện, bà cứ chỉ chỏ. Ông linh mục già cứ le lưỡi tỏ vẻ thán phục. Bà kể mãi mà không thấy mệt. Ông linh mục nghe mãi thì lại thấy mệt. Ông cắt ngang câu chuyện của bà già để chuyển đề. Ông bát đầu phỏng vấn:

-Ở đây có bao nhiêu giáo dân?
-Kể cả lớn bé, già trẻ thì được phỏng chừng ba trăm.
-Có giáo dân người dân tộc Thái không?
-Có nhưng mà… ít lắm cha à.
- Nếu tôi muốn dâng một Thánh lễ thì dâng ở đâu?
- Mình tạm lấy nhà kho của con. Sơn phết lại một tí là khang trang ngay cha ạ.
-Mình phải tính về lâu về dài. Phải có đất làm nhà thờ. Vậy mua đất ở đau? Và lấy tiền ở đâu?
-Miếng đất làm nhà kho đứng tên chồng con, nhưng chồng con không còn trí khôn thì con có quyền. Để con gọi con cái về hết. Con hỏi ý kiến chúng nó.

Ba cú điện thoại và 12 phút chờ đợi.

Con rể, con gái, con trai, con dâu và các cháu đứng lố nhố. Nói chuyện chí chóe, y như ngày giỗ tổ. Bà già lên tiếng, dõng dạc như nữ tướng:

-Tao dâng đất này cho cha để làm nhà thờ. Cái nhà kho này là của thằng Cả. Tao đề nghị mày dâng cho cha luôn, để tạm làm nhà thờ. Chúng mày nghĩ thế nào?
- Hoan hô mẹ. Chúng con đồng ý trăm phần trăm.
- Giáo họ Sông Mã ra đời như thế đó.

Linh mục già lên xe ra về. Ngồi trên xe,ông cứ cười tủm tỉm một mình. Mừng quá, mừng hơn là trúng số độc đắc. Ông không ngờ có một bàn tay vô hình dìu dắt một người đàn bà. Suốt ba mươi năm trường có lẻ, để làm nên một tương lai sáng lạn như thế. Ông dang tay, ngước mắt nhìn về dãy núi trập trùng, bất giác thốt lên: “Ôi đàn bà! Ôi sao sa!”.
ĐÃ CÓ MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ NHƯ THẾ-  LM Piô Ngô Phúc Hậu- Trích BGCN TGPSG 12/2012

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons