HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

CHUẨN BỊ SỰ CHẾT

 

Trong huyền thoại của Ấn Độ có câu chuyện của một bà bị chết đứa con trai duy nhất. Bà đến xin vị đạo sĩ làm cho con bà sống lại. Vị đạo sĩ nói với bà là hãy đi tìm cho được một nắm gạo từ một gia đình mà chưa bao giờ thần chết đến thăm. Nếu bà có thể xin được nắm gạo này, vị đạo sĩ hứa là sẽ làm cho con bà sống lại. Bà đi gõ cửa từng nhà và hỏi, “Mọi người trong nhà đều có mặt ở bàn ăn chứ - cha, mẹ, con cái - có thiếu ai không?” Nhưng câu trả lời bà thường được nghe là nhà nào cũng đều có sự thiếu vắng của ai đó. Khi bà tiếp tục đi xin gạo, nỗi buồn của bà vơi dần vì bà nhận thấy rằng gia đình nào cũng đều có người chết.
Không ai thoát chết, đó là thân phận của con người. Có sinh thì có tử. Tuy biết như thế, nhưng hầu như ai ai cũng sợ đề cập đến cái chết.
Có người ví sự chết giống như sự sinh hạ của một em bé. Một thai nhi nằm trong lòng mẹ ấm cúng, êm đềm thì nó không muốn chui ra khỏi lòng mẹ để đi vào một thế giới mà nó hoàn toàn không biết gì. Cũng vậy, người ta sợ chết vì không ai muốn từ giã một thế giới mà họ biết rõ có những gì ở trong đó, để đi vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Nhưng nếu không sinh ra thì không biết được biết bao điều tốt đẹp khác. Và có chết đi, chúng ta mới đi vào một thế giới mớimà Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta.
Sự sinh hạ giống sự chết ở điểm, cả hai đều là một biến cố làm thay đổi đời người một cách vĩnh viễn. Và cả hai đều ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Có muốn sinh ra hay không, sinh ra như thế nào, hoặc chết đi lúc nào hay cách nào, chúng ta không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, tương tự như trước khi một em bé được sinh ra, cha mẹ của em đã lo lắng, đã chuẩn bị một cách chu đáo để đưa em vào đời thì tại sao chúng ta không chuẩn bị cho sự ra đi vĩnh viễn của chính chúng ta?
Nhân các bài đọc hôm nay đề cập đến sự chết, chúng ta thử tìm hiểu xem phải chuẩn bị cái chết như thế nào.
Về phương diện y tế và luật pháp, trước hết chúng ta cần có di chúc để cho biết ý định của chúng ta khi bị chết bất thình lình, hoặc khi bị hôn mê. Y học ngày nay rất tiến bộ và có nhiều cách chữa trị để giúp kéo dài sự sống, dù chúng ta trong tình trạng coma, nhưng đó có phải là điều chúng ta mong muốn hay không?
Người Công Giáo thì không được giết người, kể cả chính mạng sống của mình, nhưng có thể nào chúng ta từ chối những phương tiện ngoại thường chỉ để giữ cho một người còn sống, dù trong tình trạng hôn mê hay chỉ là một thân xác bất động trên giường bệnh? Nói cách khác, có phù hợp với đạo lý hay không khi chúng ta không muốn các bác sĩ phục hồi sự sống của chúng ta, hay của người thân yêu trong tình trạng coma?
Giáo Hội Công Giáo không đề cập rõ đến tính cách luân lý của việc “phục hồi sự sống”, nhưng Giáo Hội phân biệt giữa “bình thường” hay “cân xứng” và “ngoại thường” hay “không cân xứng”. Các phương tiện y khoa “bình thường” và “cân xứng” với kết quả thì có tính cách bó buộc về luân lý. Ngược lại, chúng ta không phải “phục hồi sự sống” nếu phải dùng đến các phương tiện ngoại thường quá tốn kém và không cân xứng với kết quả.
Giáo Hội nói rõ rằng “thật sai lầm về luân lý khi áp đặt nhiệm vụ chữa trị trên bất cứ ai mà nó gây nên gánh nặng quá mức cho họ, cho gia đình họ, và cho cộng đồng lớn hơn, hoặc chấp nhận những chữa trị mà nó không đem lại những ích lợi hợp lý hay vô ích hay không đáng kể.” Đây là sự dậy bảo được thấy trong bản Tuyên Ngôn Vatican về Euthanasia (chết êm dịu) của Thánh Bộ Tín Lý vào tháng Năm 1980, và Các Huấn Thị Tôn Giáo và Đạo Đức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho các Tổ Chức Công Giáo Chăm Sóc Sức Khỏe (Vatican Declaration on Euthanasia ["Iura et Bona"], Part IV on "Due Proportion in the Use of Remedies"; The United States Conference of Catholic Bishops' Ethical and Religious Directives for Catholic Health Care Facilities).
Ngoài vấn đề y tế, tờ di chúc sẽ rất hữu ích khi phải quyết định về vấn đề tài sản. Chúng ta không muốn cái chết của chúng ta lại trở nên nguyên nhân của sự chia rẽ, oán thù của những người thân yêu trong gia đình vì tranh giành của cải. Thêm vào đó, nếu không có di chúc, rất có thể tài sản của chúng ta thuộc về công quỹ chứ không thuộc về vợ/chồng hay con cái của chúng ta.
Về phương diện xã hội, chúng ta cũng cần chuẩn bị cho cái chết của chính mình. Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Cọp chết để da, người chết để tiếng.” Người nào chết đi cũng muốn để lại tiếng tốt, hay ít nhất là một hình ảnh đẹp nơi người thân quen. Nhưng đây là một điểm rất chủ quan nên chúng ta phải thận trọng. Có khi chúng ta lầm tưởng đó là một lối sống tốt, có thể chấp nhận được, nhưng đối với người khác, chưa chắc họ nghĩ như vậy. Điển hình là câu chuyện của ông Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ. Một sáng kia ông đọc báo và thấy người ta cáo phó về cái chết của chính ông. Điều làm ông bối rối không phải là sự lầm lẫn giữa cái chết của người anh và của ông, nhưng ông bàng hoảng rúng động khi biết được người khác nghĩ gì về ông. Người ta gọi ông là “Vua Chất Nổ”, một kỹ nghệ gia làm giầu nhờ buôn bán chất nổ. Đối với người đời, ông chỉ là một người buôn bán cái chết. Thế là ông quyết định phải làm sao cho người đời thấy được ý nghĩa và mục đích thực sự của đời ông. Và ông đã để lại tất cả tài sản to lớn của ông để trao tặng cho những ai đã, đang và sẽ góp phần cho sự thịnh vượng của thế giới. Ngày nay chúng ta gọi là Giải Hòa Bình Nobel.
Nói về tang lễ, trong Bài Không Tên Số 4 của Nhạc Sĩ Phó Tế Vũ Thành An có một câu rất hay, “Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần, có mấy người đưa.” Thoạt nghe qua câu này, chúng ta cảm thấy sự cay đắng, bạc bẽo của tình đời, nhưng suy nghĩ kỹ lại, nếu chúng ta không tha thiết đến người khác, không bao giờ dành chút thời giờ đến nhà quàn để đọc kinh hay tham dự tang lễ của người khác, không sống tình cảm của một người trong cộng đoàn, trong xã hội thì chúng ta cũng đừng ngạc nhiên “khi chúng ta lìa trần, chẳng có mấy người đưa”!
Điểm quan trọng hơn cả khi chuẩn bị cho sự chết là về tôn giáo, bởi vì chỉ có tôn giáo mới trực tiếp đối phó với sự chết, hay nói đúng hơn, tôn giáo có câu trả lời cho sự chết. Chết có phải là hết? Sau khi chết, chúng ta sẽ đi đâu?
Hầu hết các tôn giáo đều cho rằng sự sống vẫn tiếp tục sau cái chết. Chết không phải là hết. Hồi Giáo thì tin có thiên đường, nhưng làm thế nào để lên thiên đường thì Hồi Giáo cho rằng họ phải có hành vi tôn giáo, tỉ như cầu nguyện, ăn chay, nhưng ôm bom tự sát để giết người khác cũng được coi là một hành vi tôn giáo!
Phật Giáo đưa ra thuyết luân hồi để cho rằng sự sống vẫn tiếp tục nhưng dưới hình thái khác nhau. Người tốt sẽ đầu thai thành kiếp người. Người xấu sẽ đầu thai thành thú vật. Ở đây chúng ta thấy có sự khác biệt giữa Phật Giáo và Kitô Giáo, đó là sự tự do ý muốn. Tự do ý muốn dẫn đến trách nhiệm. Một con người, nhờ có lương tri họ biết điều thiện ác, và có sự tự do ý muốn để thi hành, và như vậy họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Nhưng một con vật, thí dụ, con sư tử chẳng hạn, tự bản chất nó là một con vật ăn thịt, nó phải giết những con thú khác để sinh tồn chứ sư tử không thể ăn cỏ, và đối với Phật Giáo sát sinh là một tội ác.
Nói chung, Hồi Giáo và Phật Giáo vẫn còn những điểm về thế giới đời sau chưa được thỏa đáp. Không những thế, một điểm khác biệt rất lớn giữa hai tôn giáo này và Kitô Giáo, đó là vị sáng lập. Các tín đồ Hồi Giáo và Phật Giáo không có ai để kêu cầu khi họ có những nhu cầu cần được giúp đỡ, bởi vì các giáo chủ của họ đều phải chết giống như chúng ta. Nhưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, Người cũng đã chết nhưng đã sống lại, để bây giờ Người có thể giúp đỡ chúng ta.
Trong bài phúc âm hôm nay, Đức Giêsu đã phục hồi sự sống cho người con trai của một bà góa thành Nain. Phép lạ này chỉ là một trong biết bao phép lạ được ghi nhận trong các phúc âm để chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa – Người có quyền trên sự sống cũng như sự chết.
Để chuẩn bị cho sự chết của chính chúng ta, không gì tốt hơn là chúng ta hãy làm quen với Đức Giêsu ngay tự bây giờ. Chúng ta có thể gặp gỡ với Đức Giêsu trong sự cầu nguyện, trong việc đọc phúc âm và nhất là trong các bí tích.
Theo đạo là theo một con đường. Là một tín hữu Kitô, chúng ta sống theo con đường của Đức Giêsu, đó là một con đường giúp chúng ta không còn sợ hãi cái chết và chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến hạnh phúc đời sau.
Pt Giuse Trần Văn Nhật
nguoitinhuu.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons