Bài giảng giáo lý của Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày thứ tư 31 tháng 10, 2012
ROME, thứ tư 31 tháng 10, 2 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích: Thánh truyền "cho chúng ta sự đảm bảo là những gì chúng ta tin là sứ điệp nguyên thủy của Chúa Kitô, được các Tông Đồ giảng dậy," khi ngài giảng bài giáo lý về chiều kích cộng đồng của đức tin: ngài nhận định đây là liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa cá nhân.
Thực vậy, Đức Thánh Cha đã giảng bài giáo lý ngày thứ tư 31 tháng 10, tại quảng trường Thánh Phêrô, trước khoảng 20.000 người, về "chiều kích cộng đồng" của đức tin của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh là đức tin không "cô lập": "Đức tin của tôi không phải là kết quả của sự suy niệm một mình, không phải là một dự án của tư tưởng của tôi, nhưng là kết quả của một sự liên hệ, một đối thoại, trong đó có sự lắng nghe, tiếp nhận và đáp trả; đây là việc truyền thông với Chúa Giêsu giúp cho tôi ra khỏi "cái tôi" khép kín để cởi mở cho tình yêu của Chúa Cha."
Về Thánh Truyền, ngài tiếp: "Có một sợi giây xích không bị gián đoạn của đời sống Giáo Hội, về việc công bố Lời Chúa, về việc cử hành các bí tích, được chuyển tiếp tới chúng ta và chúng ta gọi là Thánh Truyền. Thánh Truyền đảm bảo cho chúng ta là những gì chúng ta tin là sứ điệp nguyên thủy của Chúa Kitô, do các Tông Đồ giảng dậy."
Ngài khẳng định: "Cốt lõi của việc loan truyền chính yếu là biến cố của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, từ đó phát xuất tất cả sản nghiệp của đức tin. Công đồng nói: "Thuyết giáo tông đồ, đã được đặc biệt trình bầy trong các sách được linh ứng, phải được gìn giữ bằng một sự kế tiếp không gián đoạn cho tới ngày tận thế" (Tông Huấn Dei Verbum, 8)."
Đức Thánh Cha nhấn mạnh bằng cách trích dẫn Công Đồng: "Bằng cách này, nếu Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa, thì Thánh Truyền gìn giữ và chuyển tiếp một cách trung thực, để cho nhân loại thuộc mọi thời đại có thể tiếp nhận nguồn lợi bao la và được phồn thịnh nhờ những kho tàng ân sủng của Thánh Truyền. Như thế, Giáo Hội "vĩnh hằng trong học thuyết, trong đời sống và trong phụng tự, và chuyển tiếp cho mỗi thế hệ, tất cả những gì là chính Giáo Hội, tất cả những gì Giáo Hội tin.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha giải thích là đức tin tăng sức trong Giáo Hội: "Khuynh hướng đang bành trướng ngày nay là đưa đức tin vào lãnh vực riêng tư và đối nghịch lại với chính bản chất của đức tin. Chúng ta cần có Giáo Hội để tăng sức cho đức tin của chúng ta và để cảm nhận được kinh nghiệm về những ân sủng của Thiên Chúa: Lời Chúa, các bí tích, sự hỗ trợ của ân sủng, và chứng tá của tình yêu. Do đó, trong "cái chúng ta" của Giáo Hội, cái "tôi" có thể vừa cảm nhận là nơi tiếp nhận vừa là nhân vật chính của một biến cố vượt quá chính mình: đó là kinh nghiệm về sự hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng sự hiệp thông giữa các con người."
Đức Thánh Cha Benedict XVI kết luận bằng việc nhận định về thuốc giải độc cho chủ nghĩa cá nhân: "Trong một thế giới nơi chủ nghĩa cá nhân dường như điều hòa các mối tương quan giữa con người, khiến cho ngày càng trở nên mỏng manh, đức tin kêu gọi chúng ta trở thành Dân Chúa, trở thành Giáo Hội, và là những người mang tình yêu và sự hiệp thông của Thiên Chúa đến cho toàn thể nhân loại (Gaudium et spes, 1)."
Bùi Hữu Thư11/1/2012 vietcatholic.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét