Trước sự
hiện diện của 262 nghị phụ, là con số đông đảo chưa từng có trong lịch sử các
Thượng Hội Đồng Giám Mục, gồm các vị Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục, Giám Mục
Trưởng, các Giám Mục, linh mục và anh chị em tín hữu, Đức Thánh Cha đã cử hành
Thánh Lễ Bế Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.
Trong bài
giảng, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng:
Việc giảng
dạy giáo lý thích hợp phải đi kèm việc chuẩn bị cho bí tích Rửa Tội, Rước Lễ và
Thêm Sức. Tầm quan trọng của bí tích Hòa Giải, bí tích của lòng thương xót
Thiên Chúa, cũng đã được nhấn mạnh. Hành trình bí tích này là nơi chúng ta gặp
gỡ lời mời gọi nên thánh của Chúa, được gởi đến tất cả mọi Kitô hữu. "
Mục tiêu của
Tân Phúc Âm Hóa là tăng cường đức tin nơi những quốc gia mà Kitô giáo nơi đang
có những biểu hiện nhạt đạo như không tham dự thánh lễ, không cử hành các Bí
tích, không di truyền đức tin cho các thế hệ trẻ. Trên tất cả, đó là một sáng
kiến để chống nạn mù chữ và sự thờ ơ tôn giáo.
Tuy nhiên,
trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng, nhiều nghị phụ đã nhấn mạnh là vẫn còn
nhiều khu vực tại Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương nơi nhiều cư dân đang chờ
đợi được rao giảng lần đầu về Tin Mừng với một niềm hy vọng sống động dù đôi
khi họ không nhận thức đầy đủ về điều đó. Vì vậy, chúng ta phải cầu Chúa Thánh
Thần khơi dậy trong Giáo Hội một năng động truyền giáo mới, mà tác nhân chính
là các mục tử và các giáo dân truyền giáo.
Công cuộc
Tân Phúc Âm Hóa sẽ diễn ra dưới các hình thức khác nhau ở mỗi nước. Tuy nhiên,
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thông điệp của Chúa Giêsu vẫn là một. Vấn đề chỉ
là sử dụng các công cụ khác nhau hay từ vựng khác nhau để thúc đẩy Tin Mừng và
để giải thích lý do tại sao Tin Mừng có liên quan trong xã hội và trong cuộc sống
hàng ngày của người dân là những người đã mất đi một kho tàng quí báu, họ đã bị
“trượt” từ một phẩm giá cao cả - không phải về tài chính hoặc về quyền lực trần
thế, nhưng theo ý nghĩa Kitô giáo - cuộc sống của họ đã mất đi một hướng an
toàn và tốt đẹp và , một cách vô thức, họ đã trở thành những người ăn xin khao
khát được biết ý nghĩa sự tồn tại của mình.
Trong cuộc
họp báo hôm thứ Bẩy 27 tháng 10, Tòa Thánh đã giới thiệu Sứ điệp Thượng Hội Đồng
Giám Mục Thế Giới gửi Cộng đoàn Dân Chúa.
Ý tưởng
nòng cốt của sứ điệp là: Các tín hữu Kitô hãy can đảm mang Tin Mừng vào thế giới,
trong thái độ thanh thản, tin tưởng, vượt thắng sợ hãi, và ý thức về sự nhớ nhung
Thiên Chúa tiềm ẩn trong tâm hồn con người.
Sứ điệp được
bắt đầu với hình ảnh cái vò đang chờ đợi được đổ đầy nước trong lành: đó là
hình ảnh ám chỉ sự khao khát và nhớ nhung Thiên Chúa nơi tâm hồn con người thời
nay, và đồng thời cũng nói lên sứ vụ của Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, nghĩa vụ
phải đi gặp nhân loại như Chúa Giêsu đã làm với người phụ nữ xứ Samaria tại giếng
nước.
Sứ điệp có
giọng trực tiếp, minh bạch, ý thức về những khó khăn cũng như những thách đố
đang chờ đợi công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, nhưng không có sắc thái bi
quan. Các GM khẳng định rằng vấn đề ở đây không phải là phát minh ra những chiến
lược mới để truyền giáo, vì Tin Mừng không phải là một sản phẩm của thị trường.
Trái lại cần tái khám phá những phương pháp giúp đưa con người ngày nay đến gần
Chúa Giêsu.
Sứ điệp mời
gọi và khích lệ mọi thành phần Dân Chúa trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng: các
Giám Mục, linh mục, những người thánh hiến, các gia đình, người trẻ, các chính
trị gia và nhiều người khác.
Sứ điệp
cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn, các hoạt động
bác ái, giáo dục và rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ chính các phần tử của Giáo hội.
Ngoài ra sứ
điệp cũng nhắc đến từng đại lục và đưa ra những đề nghị cũng như những lời nhắn
nhủ hữu ích đối với công trình tái truyền giảng Tin Mừng, tùy theo thực tại của
mỗi vùng địa lý. Sứ điệp kết luận rằng điều hệ trọng là các tín hữu Kitô vượt
thắng sợ hãi bằng đức tin và hãy can đảm dấn thân mang Tin Mừng vào lòng thế giới,
một thế giới đầy những khó khăn, chướng ngại và thách đố nhưng vẫn là một công
trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Thượng Hội
Đồng Giám Mục đã diễn ra từ ngày 7 tháng 11 bao gồm 400 tham dự viên trong đó
có 262 nghị phụ, là con số đông đảo chưa từng có trong lịch sử các Thượng Hội Đồng
Giám Mục. Trong số này có 103 vị từ Âu Châu, 63 từ Mỹ châu, 50 từ Phi châu, 39
từ Á châu và 7 vị từ Úc châu.
Ngoài 80
nghị phụ do Tòa Thánh mời, trong đó có 36 vị do chính Đức Thánh Cha mời, có 182
nghị phụ do các Hội Đồng Giám Mục và Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu
lên và được Đức Thánh Cha phê chuẩn. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có hai Giám Mục
đại biểu là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục Phát Diệm, và Đức Cha Giuse Vũ
Duy Thống, Giám Mục Phan Thiết.
Tham dự
công nghị còn có 45 chuyên gia và 49 dự thính viên nam nữ. Ngoài ra còn có các
Đại biểu Anh em, đại diện cho 15 Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội chưa hiệp thông
trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, trong số này đặc biệt có Đức Thượng Phụ
Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople kiêm Giáo chủ danh dự chung
của toàn Chính Thống giáo, và Đức TGM Rowan Williams, của Giáo phận Canterbury,
Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo.
Sau cùng
có 3 vị được mời đặc biệt, đó là thầy Alois, Tu viện trưởng tu viện đại kết
Taizé bên Pháp, Mục sư Lamar Vest, Chủ tịch Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ, và Ông
Werner Arber, Giáo sư môn vi sinh học tại Trung tâm Sinh học thuộc đại học
Bâle, Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh.
Nguồn: vietcatholic.net
Kính mời quý vị xem video Thánh Lễ
http://www.youtube.com/watch?v=ckPGoHbUh2w
Kính mời quý vị xem video Thánh Lễ
http://www.youtube.com/watch?v=ckPGoHbUh2w
0 nhận xét:
Đăng nhận xét