Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới Di Dân
Và Tị Nạn
“Cuộc Lữ Hành của Đức Tin và Hy Vọng” là chủ đề được
Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 chọn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 99 ngày Thế giới Di
Dân và Tị Nạn (2013). Thánh lễ này sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật, ngày 13 tháng
1 năm 2013. Sau đây là toàn bộ sứ điệp của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến!
Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo
Hội trong Thế Giới Ngày Nay đã nhắc nhở rằng “Giáo Hội đồng tiến với toàn thể
nhân loại” ( số 40). Do đó, “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người
ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng,
ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con
người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Ibid, số 1). Tôi tớ Chúa, Đức
Phaolo VI đã nhắc lại những lời này khi ngài gọi Giáo hội là một “chuyên gia về
nhân loại” (expert in humanity) (Populorum Progressio, 13); và Chân Phước Gioan
Phaolô II cũng làm điều tương tự khi ngài trình bày rằng, con người “là con đường
mà Giáo hội phải đi để hoàn thành sứ mệnh của mình...con đường do chính Chúa
Ki-tô vạch ra” (Enc. Centesimus annus, 53). Tiếp bước các vị tiền nhiệm, trong
Thông Điệp Caritas In Veritate - Bác Ái Trong Chân Lý, tôi đã nhấn mạnh rằng:
“Chân lý đầu tiên là toàn thể Giáo hội, khi rao giảng, cử hành Bí tích Thánh Thể
và hoạt động trong bác ái, trong toàn thể bản chất và hoạt động của mình, phải
nhằm vào việc thúc đẩy sự phát triển toàn vẹn con người” (số 11). Giờ đây, tôi
đang nghĩ về hàng triệu người nam và người nữ, vì những lý do khác nhau, đã trải
qua những kinh nghiệm di dân. “Di dân quả là một hiện tượng đáng báo động vì số
đông những người di dân, vì những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và
tôn giáo mà hiện tượng di dân đặt ra, và vì những thách đố bi thảm mà hiện tượng
này đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và quốc tế” (ibid, số 62), vì “mỗi người
di tản là một nhân vị, có những quyền lợi bất khả xâm phạm mà mọi người phải
tôn trọng trong mọi hoàn cảnh” (ibid).
Vì lý do này, tôi đã chọn để dâng hiến ngày Di Dân
Thế Giới năm nay với chủ đề: “Di dân: cuộc lữ hành của đức tin và hy vọng.”
Cùng với những cử hành đánh dấu 50 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II và 60 năm
công bố về Tông huấn 'Gia đình xa cách' (Exsul Familia, 1952), thì đây cũng là
thời điểm mà toàn thể Giáo hội đang long trọng cử hành Năm Đức Tin cũng như can
đảm đón nhận những thách đố trong sứ mạng Tân Phúc Âm hóa.
Đức tin và hy vọng là những yếu tố không thể tách rời
trong trái tim của những người di dân, những người có một khao khát thẳm sâu về
đời sống tốt hơn nên và cố gắng để bỏ lại sau lưng mình sự vô vọng của một
tương lai không hứa hẹn. Trong suốt hành trình của mình, nhiều người trong số họ
được nuôi dưỡng bởi một sự tín thác sâu xa vào Thiên Chúa, Đấng chưa bao giờ từ
bỏ con mình. Sự xác tín này sẽ phần nào làm vơi đi nỗi đau của sự chia ly và rời
bỏ, và thậm chí còn trao cho họ niềm hy vọng vào một ngày nào đó họ sẽ trở về
chính quê hương của mình. Đức tin và hy vọng là những tài sản quý giá mà những
người di dân mang theo mình, họ biết rằng với chúng, họ có thể “đối diện với hiện
tại, một hiện tại cho dẫu là đầy bi kịch, nhưng vẫn có thể được sống và được
đón nhận nếu nó dẫn chúng ta đến một mục tiêu, nếu chúng ta chắc chắn về mục
tiêu này, và nếu mục tiêu này đủ lớn để minh chứng cho hành trình của chúng ta”
(Spe Salvi, 1).
Trong địa hạt rộng lớn của việc di dân, Giáo hội đã
diễn tả sự quan tâm mẫu tử của mình trong những cách thế khác nhau. Một mặt,
nơi những người di dân, Giáo hội thường phải chứng kiến tình trạng nghèo khó và
những đau khổ lớn lao gắn liến với việc di dân, và kèm theo đó là những trạng
huống đầy đau khổ và bi kịch. Điều này đã thúc đẩy Giáo hội thiết lập các
chương trình nhắm đến việc đáp những nhu cầu cấp bách ngang qua sự trợ giúp đầy
quảng đại của các nhân cũng như các tổ chức: các tổ chức và phong trào thiện
nguyện, các tổ chức của các giáo phận cũng như các giáo xứ trong sự hợp tác với
tất cả những người thiện chí. Giáo hội cũng làm việc để nhấn mạnh đến những
khía cạnh tích cực của nó, về những tiềm năng cũng như những nguồn lực mà việc
di dân mang lại. Cùng với những đường hướng này, các chương trình và các trung
tâm đón tiếp người di dân được thiết lập để giúp đỡ và nâng đỡ những người di
dân, những người tìm kiếm nơi ở mới và những người tị nạn, giúp họ hội nhập trọn
vẹn vào trong một bối cảnh xã hội và văn hoá mới mà không xao nhãng chiều kích
tôn giáo, vốn là một yếu tố nền tảng trong đời sống của mọi người. Thật vậy,
chính vì chiều kích tôn giáo này mà Giáo hội, được uỷ thác bởi Đức ki-tô, phải
dấn thân và quan tâm một cách đặc biệt đến sứ mạng này: đây được xem là nhiệm vụ
quan trọng và đặc biệt nhất của Giáo hội. Đối với các Kitô hữu đến từ nhiều nơi
khác nhau trên thế giới, việc lưu tâm đến chiều kích tôn giáo cũng bao hàm việc
đối thoại đại kết và việc quan tâm đến các cộng đoàn mới. Trong khi đó, đối với
Tín hữu Công Giáo, bên cạnh các điều khác, bên cạnh thiết lập một cơ cấu mục vụ
mới thì cũng cần diễn tả lòng kính trọng đối với các nghi lễ khác nhau để khích
lệ việc tham gia trọn vẹn vào đời sống cộng đoàn Giáo hội địa phương. Việc
thăng tiến đời sống con người thường gắn liền với sự hiệp thông về đời sống
thiêng liêng, một chiều kích mở ra một sự hoán cải đích thực và mới mẻ hướng đến
Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của thế giới (Porta Fidei, 6). Giáo hội thường
trao ban những món quà quý giá khi Giáo hội hướng dẫn con người gặp gỡ Đức
ki-tô, một cuộc gặp gỡ mở ra con đường tới một niềm hy vọng chắc chắn và giá trị.
Trong khi quan tâm đến nhu cầu những người di dân và
tị nạn, Giáo hội và các tổ chức thuộc Giáo hội tránh việc chỉ đơn thuần cung cấp
các dịch vụ đức ái. Những người di dân và tị nạn được mời gọi để đẩy mạnh tiến
trình hội nhất đích thực vào trong một xã hội nơi mà họ sẽ là các thành viên hoạt
động tích cực và có trách nhiệm đối với ích chung, đồng thời đóng góp một cách
đầy sáng tạo và chia sẻ một cách đúng đắn các quyền cũng như nghĩa vụ trong xã
hội đó. Những người di dân mang theo mình một cảm thức về sự tin tưởng và hy vọng.
Cảm thức này đã truyền cảm hứng và nâng đỡ họ trên hành trình tìm kiếm một đời
sống tốt đẹp hơn, chứ họ không chỉ đơn thuần tìm cách thăng tiến về điều kiện
tài chính, xã hội cũng như chính trị. Thật đúng khi nói rằng, kinh nghiệm của
người di dân khởi đi từ nỗi sợ, một cách đặc biệt khi họ phải gánh chịu cảnh bắt
bớ hay bạo lực, và trong nỗi đau thương này họ đã phải lìa bỏ gia đình và tài sản
mà mình đã sở hữu để đảm bảo sự sinh tồn của mình. Tuy vậy, những đau thương và
những mất mát lớn lao và đôi lúc thậm chí còn là một sự mất định hướng trước một
tương lai bất định, tất cả điều này cũng không thể hủy diệt được ước mơ xây dựng
một cuộc sống mới nơi một quốc gia mới với niềm hy vọng và can đảm. Thực vậy,
những người di dân tin tưởng rằng họ sẽ gặp được sự đón nhận, sự liên đới và trợ
giúp. Họ tin tưởng rằng họ sẽ gặp được những người biết cảm thông với nỗi thống
khổ và thảm kịch của người khác. Thông qua những con người mà họ gặp gỡ, họ
cũng sẽ nhận ra được những giá trị và nguồn sống mới. Họ sẽ mở ra để chia sẻ vật
chất cũng như tình người với những người nghèo túng và những người thiếu may mắn.
Thật quan trọng để nhận ra rằng, “Tình liên đới nhân loại đem lại lợi ích cho
chúng ta, đồng thời cũng là một bổn phận” (Caritas in Veritate, số 43).
Cho dẫu vẫn còn đó những khó khăn, nhưng những người
di dân và tị nạn sẽ kinh nghiệm được những mối tương quan mới mẻ và sự chào đón
khi họ có thể làm phong phú quốc gia mà họ đến với những kỹ năng nghề nghiệp,
những di sản xã hội và văn hóa của mình. Họ cũng sẽ là những chứng nhân cho đức
tin, một sự làm chứng mang lại một nguồn năng lượng và một sức sống mới cho các
cộng đoàn Ki-tô hữu truyền thống, đồng thời mời gọi người khác gặp gỡ Đức Kitô
và tiến tới việc biết đến Giáo hội.
Chắc chắn mỗi quốc gia có quyền đặt quy định đối với
những người di dân, và ban hành những chính sách đã được những đòi hỏi chung về
công ích chi phối, nhưng phải đảm bảo là luôn tôn trọng nhân phẩm con người.
Quyền của con người đối với việc di dân, (như được mời gọi trong Hiến Chế Mục Vụ
của CĐ Vaticano II, số 65) là những quyền đã được đặt ra giữa những quyền cơ bản
của con người. Quyền ấy cho phép con người được định cư bất cứ nơi nào mà họ
xét thấy là có cơ hội tốt nhất để hiện thực hóa hết những khả năng, khát vọng
và hoạch định của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay, thậm
chí trước cả quyền di cư, thì cũng cần tái khẳng định lại quyền không phải di
cư, nghĩa là được ở lại nơi quê nhà, như Chân Phước Gioan Phao-lô II đã nói:
“Quyền cơ bản của con người là được sinh sống nơi chính quê hương mình. Song những
quyền này chỉ trở nên hữu hiệu khi những yếu tố bắt người ta phải di cư luôn được
kiểm soát” (Huấn từ tại Công Nghị Thế Giới lần 4 về Chăm Sóc Mục Vụ cho Người
Di Dân và Người Tị Nạn, 9-10-1998).
Kỳ thực ngày nay chúng ta có thể thấy rằng nhiều cuộc
di dân là hậu quả từ sự bất ổn kinh tế, từ sự thiếu các nhu yếu phẩm đến các
thiên tai, chiến tranh và bất ổn xã hội. Thay vì di cư là một cuộc lữ hành đầy
tín thác, tin tưởng và hy vọng, thì những cuộc di cư có nguyên nhân như vừa nêu
lại trở nên việc bất khả kháng vì sinh tồn, trong đó những con người nam cũng
như nữ xuất hiện giống như những nạn nhân hơn là những người có trách nhiệm đối
với quyết định di cư của mình.
Hậu quả là, trong khi một vài người di cư đạt được địa
vị xã hội và có mức sống khấm khá hơn, cộng với sự hòa nhập tốt vào môi trường
xã hội mới mà họ nhập vào, thì vẫn còn đó biết bao người khác bị sống bên lề xã
hội, thường bị tước đoạt các quyền cơ bản con người, hoặc bị đẩy vào những hình
thức đối xử tệ hại đối với quốc gia mà họ nhập cư.
Tiến trình hội nhập phải kéo theo các quyền và nghĩa
vụ, để ý và quan tâm đến đời sống hợp nhân phẩm của những người di cư, để họ có
được một cuộc sống xứng đáng, và đến lượt họ, họ cũng được mời gọi để quan tâm
đến những giá trị mà xã hội sở tại đã đang cung ứng cho họ. Về phương diện này
chúng ta không thể bỏ qua vấn nạn những người nhập cư trái phép, một vấn nạn
gây nhức nhối hơn khi nhập cư trái phép dưới hình thức bóc lột và buôn bán con
người, cách riêng là phụ nữ và trẻ em.
Những tội ác này rõ ràng phải bị tố cáo và lên án.
Trong khi những chính sách di dân có trật tự chưa thể gàn gắn được những vết
thương trong những rạn nứt về biên giới, thì những pháp chế nghiêm khắc hơn chống
lại việc di cư bất hợp pháp và việc chấp nhận các phương thức đón nhận những
người nhập cư, sẽ phần nào giảm thiểu số người di dân trở thành mồi ngon của những
hình thức bóc lột người như thế. Có một nhu cầu cấp thiết cần đến sự can thiệp
có cấu trúc đa phương vì sự phát triển của các nước xuất cư, cần đến các biện
pháp đối phó hữu hiệu nhắm đến việc giải trừ nạn buôn bán người, cần đến những
chương trình toàn diện hoạch định những lối nhập cư hợp pháp, và cần sự cởi mở
nhiều hơn đối với việc cứu xét những trường hợp đang cầu cứu đến sự bảo vệ nhân
đạo hơn là tị nạn chính trị. Ngoài việc pháp chế phù hợp, cũng cần đến một nỗ lực
bền bỉ và kiên trì để đào tạo não trạng và lương tâm. Trong tất cả điều này, điều
quan trọng là phải tăng cường và phát triển sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa
Giáo Hội và các tổ chức khác, những tổ chức cống hiến cho sự thăng tiến vì sự
phát triển hội nhất con người. Trong viễn tượng Ki-tô giáo, công tác nhân đạo
và xã hội phải kín múc sức mạnh từ sự trung thành với Phúc Âm, trong sự nhận biết,
“Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn”
(Gaudium et Spes, 41).
Anh chị em di dân và tị nạn quý mến! Tôi mong cho
Ngày Thế Giới Người Di Dân và Tị Nạn sẽ giúp anh chị em làm mới lại niềm tín
thác và hy-vọng của mình vào Thiên Chúa, Đấng luôn ở bên cạnh anh chị em! Hãy tận
dụng tối đa mọi cơ hội để đến gặp gỡ Ngài và để nhìn ngắm dung nhan của Ngài
trong những hành vi thiện hảo mà anh chị em đã đón nhận trong suốt cuộc lữ hành
di trú của mình. Hãy vui lên, vì Thiên Chúa luôn ở cạnh bên, và cùng với Ngài
anh chị em có thể vượt qua được mọi chướng ngại và khó khăn trong cuộc hành
trình. Hãy làm giàu (hãy giữ lấy!) những chứng tá về sự mở ra lẫn sự chấp nhận
mà nhiều người đã hiến tặng cho anh chị em. Bởi lẽ “cuộc đời thì giống như cuộc
hải hành trên biển khơi lịch sử, thường khi tối mịt và lắm bão tố. Sống là một
cuộc hải hành mà trong đó ta luôn mong ngóng những vì sao sáng chỉ hướng. Những
vì sao sáng đích thực cho cuộc đời chúng ta chính là những người đã sống đàng
lành. Họ chính là ánh sáng của niềm hy-vọng. Hẳn nhiên Chúa Giê-su là ánh sáng
đích thực, Ngài là mặt trời soi tỏ hết thẩy bóng đêm lịch sử. Tuy vậy để vươn đến
được thứ ánh sáng đích thực là chính Chúa Giê-su, chúng ta cũng cần đến những
tia sáng gần hơn từ những người đã nhận và chiếu tỏa ánh sáng của Ngài, và do
đó mà họ có thể hướng dẫn chúng ta dọc suốt cuộc hành trình của mình (Spe
Salvi, 49).
Tôi xin phó dâng từng người trong anh chị em cho Đức
Nữ Trinh Ma-ri-a Rất Thánh. Mẹ là dấu chỉ về niềm hy-vọng chắc chắn và niềm an ủi.
Mẹ là “ánh sao dẫn đường”, là Đấng mà với sự hiện diện tình mẫu tử của mình, Mẹ
rất gần gũi với từng người chúng ta trong mọi khoảnh khắc cuộc đời. Với hết tấm
chân tình, tôi xin ban Phép Lành Tòa Thánh cho hết thảy anh chị em.
Tại Vatican, ngày 12 tháng 10 năm 2012.
Vietvatican.net
Nguyễn Minh Triệu sj, chuyển ngữ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét