HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 11-17/08/2012



1.Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lúc 8 giờ sáng ngày 15 tháng 8, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại nhà thờ giáo xứ Thánh Thomas Villanova của Castel Gandolfo.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói “Chúng ta hãy tín thác nơi sự cầu bầu từ mẫu của Đức Mẹ, khẩn xin Mẹ xin cùng Chúa cho chúng ta biết củng cố niềm tin của mình nơi sự sống đời đời, giúp chúng ta sống tốt đẹp và với một niềm hy vọng Kitô giáo trong suốt thời gian mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trên dương thế này. Chúng ta không chỉ nhớ về thiên đường, nhưng còn tích cực hoạt động cho Thiên Chúa trong thế giới. Xin Ngài khiến chúng ta trở nên những khách hành hương không biết mệt mỏi, ban chúng ta sự can đảm và sức mạnh của đức tin, và tình yêu.”
Giảng trong thánh lễ ngài đã quảng diễn ý nghĩa trình thuật Đức Mẹ đi thăm bà Êlidabét, đem niềm vui cứu độ đến cho Gioan Tẩy Giả đang nằm trong bụng mẹ, và cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa đã làm cho Mẹ bao việc lạ lùng. Đức Thánh Cha nêu bật rằng ngay từ các thế kỷ đầu tín hữu đã tin rằng thân xác Đức Mẹ không phải hư nát, nhưng được đưa lên trời vinh hiển. Mẹ là Hòm Bia Thánh sống động nơi Con Thiên Chúa ngự trị.
Tuy đã về trời nhưng Mẹ Maria luôn gần gũi và trợ giúp chúng ta. Trong Thiên Chúa có chỗ cho con người, và Mẹ Maria kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa nên cũng có con tim bao la như con tim của Thiên Chúa. Mẹ cho chúng ta thấy nơi con người phải có chỗ cho Thiên Chúa. Càng biết dành chỗ cho cho Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng thực hiện được cuộc sống của mình và hạnh phúc bấy nhiêu. Càng xa rời Thiên Chúa bao nhiêu, thế giới này càng trở thành tồi tệ bấy nhiêu.
2.Kinh Truyền Tin Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ tập trong sân của cung điện Castel Gandolfo trưa ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, hôm nay đúng giữa tháng 8 Giáo Hội bên Đông Phương và bên Tây Phương cử hành lễ Trọng hồn xác lên trời của Đức Maria Rất Thánh. Trong Giáo Hội Công Giáo, như chúng ta đã biết, tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời đã được Đức đáng kính Pio thứ 12 công bố trong Năm Thánh 1950. Tuy nhiên, việc cử hành mầu nhiệm này đã đâm rễ sâu trong đức tin và trong phụng tự từ ngay các thế kỷ đầu của Giáo Hội, vì lòng sùng kính sâu xa đối với Mẹ Thiên Chúa đã phát triển ngay trong các Cộng đoàn kitô tiên khởi.
Ngay từ cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V chúng ta đã có các chứng tá của nhiều tác gỉa khẳng định rằng Đức Maria được hưởng vinh quang của Thiên Chúa Cha với tất cả hồn xác như thế nào, nhưng chính trong thế kỷ thứ 5 tại Giêrusalem lễ Mẹ Thiên Chúa, Theotòkos đã được củng cố qua Công Đồng Chung Êphêxô năm 431, mới thay đổi diện mạo ngày lễ này và trở thành lễ Đức Maria an giấc, vượt qua, qua đời, hồn xác lên trời, nghĩa là trở thành việc cử hành lúc trong đó Đức Maria lìa trần gian này, được vinh hiển trong linh hồn và trong thân xác trên Trời, trong vinh quang Thiên Chúa.

Bằng tiếng Anh ngài nói: ước chi gương sống và lời cầu nguyện của Mẹ Maria Nữ Vương Nước Trời, gợi hứng và nâng đỡ chúng ta trên con đường hành hương đức tin, để chúng ta được vui mừng với Mẹ trong vinh quang phục sinh và trong việc hiện thực tràn đầy các lời hứa của Con Mẹ.

3.Họp báo về vụ Vatileaks

Biến cố nổi bật trong tuần qua là cuộc họp báo liên quan đến việc Tòa Thánh quyết định khởi tố ông Paolo Gabriele, cựu quản gia Phủ Giáo Hoàng về tội lấy cắp các tài liệu trên bàn làm việc của Đức Thánh Cha. Ông Paolo Gabriele sẽ bị truy tố ra tòa án của quốc gia thành Vatican về tội “trộm cắp với những tình tiết gia trọng”. Thẩm phán Piero Bonnet, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo diễn ra lúc 12 giờ trưa giờ Rôma ngày thứ Hai 13 tháng 8 năm 2012.

Trong báo cáo dài 38 trang, thẩm phán Piero Bonnet ghi nhận rằng sau khi bị bắt vào chiều ngày thứ Tư 23 tháng Năm, thoạt đầu ông Paolo Gabriele đã phủ nhận tất cả mọi sự. Nhưng sau đó ông thú nhận là đã đánh cắp tài liệu mật của Đức Thánh Cha, và cung cấp tư liệu cho nhà báo Gianluigi Nuzzi để ông này in ra cuốn sách“Le Carte Segrete Di Benedetto XVI”, mà không nhận tiền hay bất cứ ơn huệ nào. Ông Gabriele viện cớ là Đức Thánh Cha không được thông tin trung thực liên quan tới các sự dữ và băng hoại mà ông nhận thấy trong Giáo Hội, nên ông tin tưởng rằng một cú sốc truyền thông sẽ là điều lành mạnh đem Giáo Hội trở về đường ngay. Ông còn cho mình là được Chúa Thánh Thần “linh hứng”.

Bị cáo cho biết, "tôi đã chọn Nuzzi là đối tác vì ấn tượng ông đã đem lại cho tôi trong cuốn sách Vatican Inc. Tôi tin tưởng anh ta vì anh ta có vẻ quan tâm đến các tài liệu này mà không nói dối, hay kéo người ta xuống bùn”.

Tuy nhiên, cũng đã có những chứng cớ chống lại những lời khai của Gabriele. Cuộc tìm kiếm tại nhà của Gabriele ngày 26 tháng 3 năm 2012 cho thấy Gabriele đã lấy cắp không chỉ các tài liệu của Đức Thánh Cha nhưng còn nhiều thứ khác. Tiêu biểu là một chi phiếu 100.000 euro (123.000 Mỹ Kim) từ Đại học Catolica, San Antonio de Guadalupe dâng tặng cho Đức Giáo Hoàng, một thỏi vàng được ông Giám đốc Guido del Castillo của công ty ARUNTANI ở Lima Peru tặng cho Đức Thánh Cha, và một phiên bản thế kỷ 16 của tượng nữ thần Aeneid do Annibal Caro thực hiện tại Venice năm 1581. Đó là một món quà từ các gia đình ở Pomezia.

Cùng bị đưa ra tòa cùng với Paolo Gabriele, còn có Claudio Sciarpelletti, một thảo chương viên điện toán làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ông Claudio Sciarpelletti, 48 tuổi, bị cáo buộc đồng phạm trong việc chuyển các tài liệu lấy cắp cho các ký giả Italia và xúi giục Paolo Gabriele lấy cắp các tài liệu trên bàn làm việc của Đức Thánh Cha. Claudio Sciarpelletti đã bị bắt hôm 25 tháng Năm vì hiến binh tìm thấy trong hộc bàn của ông một bao thư lớn bên ngoài có tên của Paolo Gabriele và trong đó có toàn bộ các tài liệu bị lấy cắp đã được trình bày trong cuốn sách “Le Carte Segrete Di Benedetto XVI”, tức là những tài liệu mật của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, của Gianluigi Nuzzi, được tung ra hôm 19 tháng Năm.

Claudio Sciarpelletti bị bắt và bị giam một ngày nhưng sau đó được tạm tha vì hiến binh Vatican tin rằng ông không phải là kẻ chủ chốt.

Ông Paolo Gabriele, 46 tuổi, đã bị bắt từ hôm 23 tháng 5 và đã bị câu lưu 53 ngày trước khi được chuyển sang tình trạng quản thúc tại gia để chờ quyết định của cơ quan tư pháp quốc gia thành Vatican.

Ông Garbiele đã được hai chuyên viên phân tâm thử nghiệm. Cả hai đều khẳng định rằng ông Garbiele có đầu óc rất tỉnh táo và biết rõ việc mình làm.

Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh ghi nhận đã có những khác biệt giữa những gì mọi người thường biết về Gabriele như "một người thông minh, cư xử đúng đắn, và ngoan đạo" và "lời thú nhận của ông, được hỗ trợ bằng các chứng cứ tài liệu cho thấy ông đã phạm tội nghiêm trọng. "

Trong cuộc họp báo, thẩm phán Piero Bonnet cho biết ông Paolo Gabriele và Claudio Sciarpelletti sẽ được xét xử trong một phiên tòa công khai. Hiện nay, chưa biết đích xác ngày mở phiên tòa. Tuy nhiên, phiên toà này sẽ diễn ra sớm nhất là vào tháng 10 vì tòa án tối cao của quốc gia thành Vatican sẽ tái nhóm vào ngày 20 tháng Chín sau kỳ nghỉ hè.

Cha Federico Lombardi cho biết thêm:

"Việc chính thức truy tố liên quan đến việc xuất bản các tài liệu bí mật của Vatican không phải là bước cuối cùng trong cuộc điều tra đang diễn ra, và cũng không phải là một tuyên bố cuối cùng về câu chuyện này, ý nghĩa của nó và cách thế nó phát triển",

Cha Lombardi cũng nói rằng cuộc điều tra đang giúp xây dựng một nền văn hóa minh bạch tại Vatican. Ngài khẳng định rằng Tòa Thánh muốn tất cả mọi chuyện được trong sáng, rõ ràng và tôn trọng vai trò, tính cách chuyên nghiệp và độc lập của Thẩm phán đoàn quốc gia thành Vatican. Đó cũng là ý muốn của Đức Thánh Cha. Việc công bố một tài liêu dài, chi tiết và rộng rãilà một hành động can đảm và cho tới nay là ngoại thường trong các thói quen của Tòa Thánh. Đây mới chỉ là kết thúc phần thứ nhất của cuộc điều tra. Còn có các sự kiện và yếu tố cần phải được phân tích và đào sâu thêm nữa. Vì thế tiến trình có thể trở thành rộng rãi hơn liên quan tới cả các nhân vật khác.

Mặc dù các luật sư của Paolo Gabriele khăng khăng rằng ông ta hành động một mình và không có đồng phạm, cha Lombardi nói rằng Tòa Thánh “không khẳng định cũng không bác bỏ khả năng ông này có đồng phạm”.

4. Đức Giáo Hoàng bày tỏ tình liên đới với những nạn nhân các trận động đất và mưa bão ở châu Á

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 12 tháng Tám, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ sự gần gũi của mình với hàng ngàn người đã bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên gần đây ở châu Á.

Đức Thánh Cha nói:

"Suy nghĩ của tôi vào thời điểm này hướng đến những người dân châu Á, đặc biệt là đến dân chúng tại Phi Luật Tân, Trung Hoa đang gánh chịu những khó khăn do ảnh hưởng bởi mưa lớn, cũng như người dân tại Tây Bắc Iran, đã bị một trận động đất dữ dội."

Cho đến nay, hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi những thiên tai vào cuối tuần qua. Tại Iran, 300 người đã thiệt mạng bởi một trận động đất. Trong khi 100 người chết ở Trung Quốc và 20 ở Phi Luật Tân vì mưa bão. Đức Giáo Hoàng sau đó đã xin các tín hữu hiện diện cầu nguyện cho các nạn nhân.

Ngài nói:

"Tôi mời anh chị em tham gia với tôi trong lời cầu nguyện cho những người đã mất đi cuộc sống của họ và tất cả những ai đang vất vả vì thiên tai tàn phá. Xin cho chúng ta không thiếu tình đoàn kết và hỗ trợ dành cho họ."

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng trình bày suy tư của ngài về bài Tin Mừng trình bày Chúa Giêsu như là nguồn gốc của sự sống đời đời.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúa Giêsu nói Ngài là bánh thật từ trời xuống cho ta được sống muôn đời, chứ không chỉ cho một thời điểm hoặc một phần của cuộc lữ hành. Ngài là lương thực mang đến cho chúng ta sự sống đời đời."

Trước khi nói lời tạm biệt với các du khách, Đức Giáo Hoàng đã dâng lời nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria hướng dẫn nhân loại.

5. Ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Mỗi năm, Giáo Hội Công Giáo mừng kính Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày 15 tháng 8. Các truyền thống khác nhau cho rằng Đức Trinh Nữ Maria đã giã biệt cuộc sống trần gian này từ ba năm đến mười lăm năm sau khi cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đức Mẹ được cất lên trời đang khi an giấc trong giấc ngủ vĩnh hằng – tại Giêrusalem hay tại Ephêsô, Thổ Nhĩ Kỳ.

Những trình thuật ban đầu từ đất thánh của các Kitô hữu tiên khởi, những người có một lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt nói rằng Đức Mẹ đã an giấc trên núi Siôn tại Giêrusalem, ngay phía nam của Cổ Thành. Điạ điểm này được biết đến với tên gọi là Hagia Maria, đến nay vẫn tiếp tục là nơi tôn kính và cầu nguyện với Đức Mẹ.

Tại Giêrusalem các tu sĩ người Đức thuộc dòng Biển Đức đang cố gắng xây dựng một nhà thờ Công Giáo gọi là Nhà Thờ Đức Mẹ An Giấc trên đống đổ nát của một loạt các đền thờ Kitô Giáo có từ thời xa xưa.

Một số văn bản khác ghi nhận Đức Mẹ đã an giấc tại thành Ephêsô ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Chẳng bao lâu sau khi công đồng Êphêsô diễn ra vào năm 431 tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, một thánh lễ gọi là lễ Đức Bà “an giấc” bắt đầu phổ biến. Ít thế kỷ sau, Giáo Hội Rôma cũng mừng lễ này và đổi tên là Assumptio (đưa về trời).

Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong tông hiến Munificentissimus Deus ngài bày tỏ hy vọng rằng tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và những cử hành Phụng Vụ kính Đức Mẹ sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho các tín hữu: Lòng sùng kính Đức Mẹ được tăng cường, niềm xác tín vào đời sống thánh hiến theo thánh ý Thiên Chúa được thăng tiến, bác bỏ chủ thuyết duy vật tách con người ra khỏi mục tiêu cao quý của nó, và cuối cùng, lòng tin Đức Mẹ hồn xác lên trời làm sống động hy vọng được hưởng phúc trên thiên quốc nơi các tín hữu.

Các cử hành phụng vụ trong ngày lễ này phản ánh lịch sử của nó. Thời sơ khai ngày lễ tập trung vào mầu nhiệm Vượt Qua, nó được diễn tả qua sự an giấc của Đức Mẹ. Việc tuyên xưng ngài về thiên đàng là giai đoạn thứ hai. Giai đoạn thứ ba là các cuộc rước kiệu khải hoàn mừng Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác. Phụng vụ của ngày lễ hôm nay nhấn mạnh đến giai đoạn thứ ba. Tuy nhiên các bài đọc của lễ vọng và lễ chính ngày lại hướng về mầu nhiệm Vượt Qua và nhắc nhớ các tín hữu rằng họ cũng được dự phần vào mầu nhiệm ấy.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói về ngày lễ này như sau:

"Linh hồn tôi chúc tụng Chúa", cộng đoàn Giáo Hội trong ngày lễ trọng thể Kính Mẹ Maria hôm nay lập lại bài ca tạ ơn của Mẹ, và Giáo Hội làm công việc này với tư cách là dân Chúa và xin mọi tín hữu hãy hiệp chung với nhau hát bài ca Magnificat dâng lên Chúa. Ngay từ thế kỷ đầu, thánh Ambrôsiô đã khuyến khích: "Ước chi tâm hồn Mẹ Maria hiện diện nơi từng người để chúc tụng Thiên Chúa, và ước chi thần khí của Mẹ Maria hiện diện nơi mỗi người để hoan hỷ trong Chúa". Những lời của bài ca Magnificat là như chúc thư thiêng liêng của Mẹ Maria Ðồng Trinh. Tuy nhiên, những lời này cũng là phần gia tài cho tất cả những ai nhìn nhận mình là con của Mẹ Maria, quyết định tiếp rước Mẹ Maria về nhà mình, như thánh Tông Ðồ Gioan đã làm khi xưa, tiếp nhận Mẹ là Mẹ của mình trực tiếp từ Chúa Giêsu dưới chân thập giá."

6. Buổi hòa nhạc do Caritas tổ chức tại Castel Gandolfo

Chín mươi năm trước, 'Caritas thành lập một phân bộ địa phương tại thành phố Regensburg của Đức. Để đánh dấu dịp này, một buổi hòa nhạc đã được trình diễn cho Đức Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo.

Buổi hòa nhạc được sự hướng dẫn của nhạc sư Thomas Beckmann. Chương trình bao gồm các giai điệu của Beethoven, Giovanni Battista và Claudio Monteverdi.

Phát biểu trong buổi hòa nhạc Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Buổi hòa nhạc buổi tối hôm nay đã cho chúng ta một ý tưởng về sự đa dạng trong sự sáng tạo âm nhạc và sự hòa hợp rộng lớn của nó. Âm nhạc không chỉ là một chuỗi âm thanh, nhưng cùng một lúc nó phải có một nhịp điệu, một bố cục mạch lạc và hài hòa. Nó có cấu trúc riêng và chiều sâu của nó."

Đức Giáo Hoàng nói rằng âm nhạc, như nghệ thuật, là một biểu hiện của vẻ đẹp và sự tốt lành đối vào nhân loại. Đó là một cái gì đó cần được tiếp cận với những người khác thường xuyên hơn.

Ngài nói:

"Âm nhạc là một biểu hiện của tinh thần, một nơi thâm sâu bên trong người, được tạo ra cho những gì là đúng, là tốt đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà âm nhạc thường đi kèm với lời cầu nguyện của chúng ta. Nó đánh thức giác quan của chúng ta và linh hồn của chúng ta khi cầu nguyện để giúp chúng ta tìm thấy Thiên Chúa. "

Một trong những nhà tổ chức buổi hòa nhạc là nhạc sư Thomas Beckmann. Ông cũng là người sáng lập của một tổ chức giúp đỡ người vô gia cư. Tên tổ chức bác ái này dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Cùng nhau chống lạnh." Với tài năng âm nhạc của mình, ông cộng tác với Caritas Đức.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ lòng biết ơn của mình về buổi hòa nhạc. Ngài cũng kêu gọi mọi người tiếp tục hợp tác trong thế giới nghệ thuật và trong các công việc bác ái.

7. Văn Hóa Truyền thống của Đế Quốc La Mã đang được hồi sinh bởi các cửa hàng tại Rôma

Dọc theo con đường bên cạnh lối đi từ Vatican đến Castel Sant'Angelo có một cửa hàng tên gọi là Carpe Diem. Đây là một cửa hàng thu hút du khách bởi các sản phẩm độc đáo của nó.

MARCO PROIETTI, chủ cửa hàng Carpe Diem cho biết:

"Chúng tôi nêu lên vấn đề làm thế nào để cung cấp một sản phẩm độc đáo vì chúng tôi nghĩ rằng có thể khi bạn đi đến một nơi, một thành phố nào đó thì bạn muốn tìm cái gì đó là điển hình của nơi đó, được thực hiện với kỹ thuật và vật liệu đặc trưng của nơi đó."

Marco bày bán bản sao các đồ trang sức, áo giáp, tranh vẽ, đá quý và quần áo của La Mã cổ đại. Du khách cũng có thể tìm thấy bình Etruscan gốc và bản sao các loại nước hoa được sử dụng gần 2000 năm trước. Ngoài ra còn có gương, và giấy từ thời La Mã, và những bản sao của các báu vật đang được trưng bày trong các viện bảo tàng của Ý.

MARCO PROIETTI nói thêm:

"Chúng đã được làm không chỉ bằng các vật liệu tương tự, nhưng còn với các kỹ thuật cùng thời gian đó. Trong nhiều trường hợp, những kỹ thuật này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày hôm nay, nhưng trong một số trường hợp khác, chúng tôi đã phải làm tất cả từ đầu và có một chút khó khăn hơn. "

Sản phẩm của họ không chỉ làm sống lại văn hóa La Mã cổ đại, các cửa hàng này là một phần của một dự án đầy tham vọng hơn được gọi là "Văn hóa La Mã".

Đây là một tổ chức xã hội và văn hóa được thành lập vào năm 2010 để nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa nghệ thuật và công nghệ thời Đế Quốc La Mã.

MARCO PROIETTI nhận định:

"Theo ý kiến cá nhân của tôi thì văn hóa La Mã cổ đại là nền tảng của tất cả các nền văn hóa phương Tây."

Lòng mong muốn truyền bá văn hóa La Mã này của Marco dựa trên một cụm từ nổi tiếng của Seneca, là người đã nói rằng "đừng hân hoan trong sự sở hữu bất kỳ thứ gì, ngoại trừ sự chia sẻ với nhau". Marco hy vọng cửa hàng của mình "Carpe Diem" sẽ đưa người dân ngược trở lại quá khứ để giúp phục hồi nền văn hóa La Mã cổ đại.

8. Thánh Maximilian Kolbe, một vị thánh đã hy sinh mạng sống mình để cứu một người cha

Ngày 14 tháng 8 hàng năm, Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Thánh Maximilian Maria Kolbe. Tên thật là Raymond nhưng khi vào chủng viện dòng Phanxicô đã đổi sang Maximilian. Ngài sinh ra ở ngôi làng Ba Lan nhỏ của Zdunska Wola vào ngày 08 Tháng 1 năm 1894.

Ngài được ngưỡng mộ vì những cử chỉ anh hùng trong việc hy sinh chính mạng sống của mình để cứu một người cha. Chuyện xảy ra vào ngày 03 tháng 8 1941 tại trại tập trung Auschwitz khi một tù nhân trốn thoát, 10 người khác bị kết án tử hình. Nhìn thấy rằng một trong những người sắp bị bắn chết là một người cha, Maximilian tình nguyện chết thay cho ông. Yêu cầu của ngài đã được chấp thuận và ngài đã bị giam cho đến khi chết vì đói. Ngài mất vào ngày 14 tháng 8 1941.

Người cha đã được cứu bởi Maximilian lưu ý rằng ngài "không chỉ chết như một vị thánh, nhưng cũng sống như một vị thánh". Trong những ngày cuối cùng của ngài trong tù, cha Maximilian vẫn còn cố tìm cách để cử hành Thánh Lễ.

Năm 1917, ngài đã thành lập "Đạo Binh Vô Nhiễm Nguyên Tội", một hiệp hội của các tín hữu Ba Lan chống lại bè Tam Điểm và khích lệ việc kêu cầu Đức Mẹ cho những kẻ có tội. Ngài cũng đã giúp tạo ra các tạp chí khác nhau cũng như hai cộng đồng tôn giáo được gọi là "thành phố của Đức Mẹ Vô Nhiễm, một ở Ba Lan và một ở Nhật Bản.

9. Nga Hoàng đã cứu các hiệp sĩ Malta như thế nào?

Các vật dụng mà quý vị đang thấy đây là một phần trong một cuộc triển lãm độc đáo ở Nga. Cuộc triển lãm này bao gồm hơn 200 tác phẩm nghệ thuật, như hình ảnh, đồng phục và các tài liệu lịch sử nó lên liên hệ mạnh mẽ giữa Nga Hoàng và các hiệp sĩ Malta.

Mối liên kết này đã bắt đầu từ năm 1798. Đó là khi Napoleon chinh phục Malta, và trong quá trình đó đã trục xuất tất cả các thành viên của Dòng các hiệp sĩ Malta. Tuy nhiên, Nga hoàng Paul Đệ Nhất, đã giải cứu, bằng cách cung cấp nơi trú ẩn cho các hiệp sĩ ở Nga. Để tỏ lòng biết ơn của họ, họ đã tôn Nga Hoàng là vị Đại Tổng Quyền của họ.

Bây giờ, sau nhiều thế kỷ đã trôi qua cuộc triển lãm này cho thấy vương miện, dao găm và con dấu ủy quyền bởi Nga Hoàng Paul Đệ Nhất trong lễ đăng quang của mình.

Về phương diện lịch sử, cuộc triển lãm này đánh dấu kỷ niệm 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa nước Nga và Dòng Malta. Để làm cho cuộc triển lãm tăng thêm phần lôi cuốn, một số viện bảo tàng từ Nga, Malta, Ý, Pháp đã cho viện bảo tàng Điện Cẩm Linh tại Mạc Tư Khoa mượn một số đồ vật mà họ sở hữu.

Cuộc triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 09 tháng 9.

10.Cha Manuel Cortes tái đắc cử bề trên tổng quyền Hội Đạo Binh Đức Mẹ

Hội Đạo Binh Đức Mẹ đang họp tổng tu nghị tại Rôma đã đồng thanh bầu lại cha Manuel Cortes trong một nhiệm kỳ sáu năm nữa để tiếp tục công việc Chân Phước William Joseph Chaminade đã khởi sự từ năm 1817. Vị linh mục người Pháp này đã thành lập Hội Đạo Binh Đức Mẹ để thúc đẩy việc giáo dục đức tin, một nhiệm vụ mà ngày nay được coi là trung tâm của Tân Phúc Âm Hóa.

Cha Manuel J. Cortes tổng quyền Hội Đạo Binh Đức Mẹ nhận định:

"Bạn phải thực hiện một nỗ lực giáo dục rất mạnh mẽ từ quan điểm nhân bản, sao cho người được giáo dục phải có một thái độ cởi mở với sự siêu việt và đức tin."

Hiện nay, Hội Đạo Binh Đức Mẹ có mặt tại 38 quốc gia. Họ làm việc trong các trường trung và tiểu học, cả các trường đại học, cũng như trong công nghệ in ấn.

Đấng sáng lập Hội Đạo Binh Đức Mẹ muốn tạo cho xã hội một cảm giác huynh đệ để khắc phục những khác biệt đã chia cách con người và trong suốt dòng lịch sử đã dẫn đến sự phân biệt đối xử và thậm chí hận thù. Một cái gì đó ngài đã trực tiếp cảm nhận trong cuộc Cách mạng Pháp.

Cha Manuel J. Cortes cho biết thêm

"Chân Phước William Joseph Chaminade đã sống sót qua cuộc Cách mạng Pháp, ngài đã buộc phải trốn tránh và lưu vong sang Tây Ban Nha. Cuối cùng, khi có thể trở về cố hương, ngài đã trở lại với một nhiệm vụ là tạo ra các cộng đồng đức tin nhằm phục hồi niềm tin đã bị đánh mất, để đem Giáo Hội hiện diện trở lại trong lòng xã hội sau cuộc Cách mạng Pháp. "

Cha Manuel J. Cortes đã từng là cha sở và tuyên uý trong trường học. Năm 2012 đánh dấu 50 năm ngài bước vào đời sống thánh hiến.

11.Phong trào mời gọi giáo dân sống theo lời dạy của Mẹ Têrêsa Calcutta

Mẹ Têrêsa qua đời vào ngày 05 tháng 9 năm 1997, nhưng di sản của Mẹ vẫn còn có thể cảm nhận được cho tới ngày hôm nay. Thật vậy, Dòng Thừa sai Bác ái được Mẹ thành lập vào năm 1950 vẫn tiếp tục được phát triển mạnh.

Trong công việc phục vụ “những người nghèo nhất trong số những người nghèo”, Mẹ đã được sự cộng tác của các linh mục, các thành viên của các dòng tu, và trong sáu năm qua, đã có sự đóng góp mạnh mẽ của anh chị em giáo dân. Phong trào giáo dân gọi là “Tôi Khát” đã phát triển mạnh và đã có cuộc họp quốc tế đầu tiên tại Rôma.

PETER KUCAK, Lãnh đạo phong trào “Tôi Khát” tại Châu Âu cho biết:

“Khi gia nhập phong trào này, chúng ta không chỉ là đồng nghiệp, hay là cộng tác viên với nhau nhưng chúng ta muốn được chia sẻ trong ân sủng. Bởi vì, trở thành một phần tử của phong trào Tôi Khát không chỉ để làm một cái gì đó hoặc để nói điều gì đó, nhưng để thuộc về Chúa Kitô.”

Luật sư Juan Emilio Suñé là một thành viên trong phong trào. Năm 16 tuổi, ông từ bỏ đức tin của mình, nhưng sau đó ở tuổi 21 trong một chuyến đi thiện nguyện với các Thừa Sai Bác Ái tại Rumani, ông tìm lại được đức tin. Ông nói rằng chuyến đi đã thay đổi cuộc sống của mình.

Ông đã tham dự cuộc tĩnh tâm để xem xét việc trở thành một linh mục, nhưng tìm thấy ơn gọi của mình nằm ở nơi khác. Hai tháng trước, ông kết hôn với Nuria Medina, cũng từ phong trào Tôi Khát. Nuria là một y tá và đã có những mối quan tâm giống như Juan Emilio.

Trong thời gian hưởng tuần trăng mật ở Ấn Độ, họ đã đến thăm ngôi mộ của Mẹ Teresa nói lời cảm ơn Mẹ đã mang họ lại với nhau.

12.Kinh Truyền Tin là gì?

Mỗi Chúa Nhật lúc 12 giờ trưa, Đức Giáo Hoàng đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô. Khi Đức Giáo Hoàng đi nghỉ hè, ngài vẫn giữ việc cầu nguyện này tại Castel Gandolfo. Kinh Truyền Tin khác với những kinh khác ở điểm nào?

Kinh Truyền Tin nhắc lại thời điểm mầu nhiệm Nhập Thể, khi thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria rằng bà sẽ là mẹ của Chúa Giêsu. Từ những ngày tiên khởi của Kitô Giáo đã hình thành tập quán coi trọng thời điểm này trong cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria. Qua nhiều thế kỷ, truyền thống này đã được phát triển với ba kinh Kính Mừng. Và kể từ thế kỷ mười sáu, ba lời cầu nguyện đã được thêm vào.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã bắt đầu truyền thống đọc kinh Truyền Tin vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng tại quảng trường Thánh Phêrô trước khi ban phép lành cho các tín hữu và khách hành hương. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của truyền thống đọc kinh Truyền Tin cho đến ngày nay.

Trong Mùa Phục Sinh, kinh Truyền Tin được thay thế bởi Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, là một lời cầu nguyện nhắc lại sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, kinh Truyền Tin lại được đọc trong các Chúa Nhật và lễ trọng.

13.Cuộc gặp gỡ tại Rimini

Từ ngày 19 đến 25 tháng 8, tại Ý sẽ diễn ra hội nghị Rimini, một cuộc gặp gỡ văn hóa và tôn giáo với sự tham gia của các tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới.

Trong ba thập kỷ qua, hội nghị Rimini đã mang các nhà kinh tế, các nghệ sĩ, các nhà lãnh đạo tôn giáo, thậm chí các vận động viên lại với nhau để giúp tạo nên một diễn đàn trao đổi văn hóa ngõ hầu góp phần xây dựng một xã hội nhân bản hơn. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Đức Hồng Y Antonios Naguib là Thượng Phụ thành Alexandria của Ai Cập đã từng là những tham dự viên tại diễn đàn này.

Năm nay, hội nghị được tổ chức với chủ đề "Tự bản chất, con người có mối quan hệ với vô hạn". Các tham dự viên sẽ trao đổi về những thách đố của nền văn hóa trong thời đại khủng hoảng kinh tế và giá trị. Năm ngoái hội nghị đã quy tụ 800.000 người từ 20 quốc gia. Trong đó có khoảng 4.000 thiện nguyện viên.

Hội nghị Rimini được tổ chức bởi phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng.

14.Nghĩa trang Teutonic, một nghĩa trang trong nội thành Vatican

Khách hành hương có thể đi từ Đền Thờ Thánh Phêrô đến đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục giữa khu vực có các bức tường cao mà không biết mình vừa vượt qua nghĩa trang Teutonic /tơ tô níc/ của Vatican. Trong thời cổ đại, đây là khu vực trình diễn các màn xiếc cho Nero xem và đó là nơi mà nhiều Kitô hữu đã tử đạo.

HANS-PETER FISCHER thuộc Hiệp Hội Đức Mẹ Nghĩa trang Teutonic cho biết:

"Nghĩa trang này có một nguồn gốc lịch sử rất xa xưa, từ thời Charlemagne /Sác Lơ Man/. Đó là khoảng năm 799, đến nay đã hơn một ngàn năm. "

Nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của nhiều danh nhân thế giới như họa sĩ Josef Anton Koch và văn hào Stefan Andrei. Đặc quyền được chôn ở đây được dành riêng cho những người Đức là thành viên của Hiệp Hội Đức Mẹ Nghĩa trang Teutonic. Hiệp hội này bao gồm các thành viên của các dòng tu có nguồn gốc từ Đức và các cư dân của các khu dân cư Đức ở Rôma như khu Santa Maria del Anima.

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng là thành viên của hiệp hội này.

HANS-PETER FISCHER cho biết

“Vâng, Đức Giáo Hoàng là một thành viên, và trước khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, ngài cử hành Thánh Lễ mỗi buổi sáng lúc 7 giờ sáng với cộng đồng của chúng tôi. Sau Thánh Lễ, ngài tiếp chuyện với nhiều người, đặc biệt là những người đến từ vùng Bavaria, muốn được gặp Đức Hồng Y Ratzinger”

Xung quanh nghĩa trang là nơi cư trú của hiệp hội với một thư viện riêng chứa khoảng 50.000 sách.

Nhưng nghĩa trang không phải là nơi duy nhất chôn cất cho cộng đồng này. Bên trong nghĩa trang có một nhà nguyện Thụy Sĩ bên cạnh những ngôi mộ của các vệ binh Thụy Sĩ, là những người đã chết trong cuộc cướp phá thành Rôma năm 1527.

Nghĩa trang Teutonic là một nơi khác hành hương nói tiếng Đức thường ghé thăm khi đến Rôma. Khu vực này là một lời nhắc nhở cho nhiều người Đức về lịch sử lâu dài của họ với Tòa Thánh.
VietCatholic.net


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons