HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 03-10/08/2012 - TIMELINE CỦA VỤ VATILEAKS



1.      Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 9/8/2012

Trong buổi tiếp kiến chung tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha nói Thánh Dominic, mà người Việt chúng ta thường gọi là thánh Đa Minh, luôn tìm thấy sức mạnh nơi lời cầu nguyện cho những công việc khó khăn của mình.

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 8 tháng 8, trùng với ngày lễ kính thánh Đa Minh. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, do đó, đã đề cập đến đời sống cầu nguyện của vị linh mục đã thành lập dòng Đa Minh vào thế kỷ thứ mười ba.

"Tôi chào mừng tất cả các khách hành hương nói tiếng Anh có mặt tại buổi triều yết chung hôm nay, đặc biệt là những người đến từ Anh, Macau, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Hôm nay chúng ta mừng kính lễ Thánh Dominic, người sáng lập Dòng Truyền Giáo Đa Minh. Trong cuộc sống của mình, Thánh Dominic đã có thể kết hợp lời cầu nguyện liên tục với những hoạt động hăng say phục vụ Chúa và Giáo Hội của Người. Xin cho gương sáng và lời cầu bầu của Ngài giúp tất cả chúng ta có thể tái khám phá tầm quan trọng và vẻ đẹp của lời cầu nguyện hàng ngày, và vui tươi làm chứng cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô Đấng Cứu Độ ".

“Nơi Thánh Đa Minh, chúng ta có thể thấy một ví dụ kết hợp hài hoà giữa việc chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa và các hoạt động tông đồ. Chứng tá của những người gần gũi nhất với thánh nhân cho thấy ngài “luôn nói với Thiên Chúa và về Thiên Chúa””

Mặc dù, Thánh Đa Minh không để lại bài viết về cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng các tu sĩ Đa Minh đã thu thập được chín cách cầu nguyện mà họ sử dụng ngày hôm nay trong dòng của họ, chẳng hạn như nằm trên mặt đất hoặc dang cánh tay ra theo hình thánh giá.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Thánh Đa Minh nhắc nhớ nguồn gốc của chứng tá đức tin mà mỗi Kitô hữu nên thể hiện ra cho gia đình, chỗ làm việc, và đời sống xã hội của họ, và vào những thời điểm thanh thản nhất theo đó Kitô hữu là những người cầu nguyện. Chỉ có mối quan hệ thường xuyên với Thiên Chúa mới đem đến cho chúng ta sức mạnh để sống nhiệt thành mỗi ngày."

Đức Thánh Cha Benedict XVI ghi nhận rằng Thánh Đa Minh đã học được rằng thái độ và sự im lặng bên ngoài là quan trọng cho cầu nguyện và chiêm niệm.

Đức Giáo Hoàng chúc mọi người những ngày nghỉ hè vui vẻ và khích lệ anh chị em tín hữu tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của họ.

2.      Timeline của vụ Vatileaks

Thẩm phán Piero Antonio Bonnet và công tố viên Nicola Picardi đã có kết luận chính thức về hành vi trộm cắp với những tình tiết nghiêm trọng của ông Paolo Gabrielle, cựu quản gia Phủ Giáo Hoàng. Theo dự trù, sáng thứ Hai 13 tháng 8, Tòa Thánh sẽ có cuộc họp báo để chính thức trình bày quyết định của quốc gia thành Vatican liên quan đến việc xử lý ông Paolo Gabrielle về việc lấy cắp, và tàng trữ các tài liệu của Đức Thánh Cha.

Nhân đây, chúng tôi xin điểm hầu quý vị những mốc thời gian chính liên quan đến vụ này.

Vụ Vatileaks đã diễn ra từ ngày 25 tháng Giêng năm nay khi chương trình truyền hình Ý có tên "Gli Intoccabili" (Những Điều Không Thể Động Đến) tiết lộ một bức thư của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, trong đó ngài than phiền với Đức Giáo Hoàng rằng nhiều dự án xây dựng tại Tòa Thánh đã bị tính chi phí cao hơn so với giá thông thường.

Đức Cha Carlo Maria Viganò đã gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1973 và đã từng là sứ thần Tòa Thánh tại Iraq và Anh quốc trước khi phục vụ tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh từ năm 1978 cho đến năm 1989. Sau đó, ngài được đề cử là Quan Sát Viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Âu Châu và sứ thần Tòa Thánh tại Nigeria. Năm 2009, ngài được đề cử làm tổng thư ký của Ủy Ban Quản Trị Thành Vatican. Chỉ trong vòng một năm, ngài đã thay đổi ngân sách chi tiêu từ mức thâm thủng 10.5 triệu Mỹ Kim hàng năm lên đến mức thặng dư 44 triệu hàng năm. Ngày 27 tháng Ba năm 2011, ngài viết một lá thư riêng cho Đức Thánh Cha than phiền về việc các công trình xây dựng bị tính chi phí quá cao. Đức Hồng Y Vealsio De Paolis lúc ấy là Trưởng Phòng Kinh Tế Tòa Thánh đã có cuộc điều tra nhưng không tìm thấy vấn đề gì. Sáu tháng sau đó, Đức Cha Carlo Maria Viganò được cử làm sứ thần Tòa Thánh tại Washington, Hoa Kỳ.

Chương trình truyền hình Ý đưa ra cáo buộc về những điều mà chương trình này gọi là “không minh bạch” trong việc Tòa Thánh điều Đức Cha Viganò sang Hoa Kỳ.

Sáng ngày 26 tháng Giêng, cha Federico Lombardi, trưởng phòng báo chí Tòa Thánh bày tỏ sự cay đắng của ngài trước việc chương trình truyền hình Ý "Gli Intoccabili" đã công bố một lá thư riêng viết cho Đức Thánh Cha và để ngỏ khả năng Tòa Thánh truy tố pháp lý về việc này.

21 ngày sau đó, hôm 14 tháng Hai, cha Federico Lombardi dùng từ “Vatileaks” để liên hệ đến vụ này và bày tỏ sự thất vọng đối với những đồn đoán vô căn cứ của giới truyền thông Italia.

Những ngày tiếp theo Tòa Thánh bối rối vì một số tài liệu khác tiếp tục bị rò rỉ ra bên ngoài . Ngày 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cho thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt gồm ba vị Hồng Y là Đức Hồng Y Julian Herranz người Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Josef Tomko người Slovakia, và Đức Hồng Y Salvatore De Giorgi người Ý. Đức Hồng Y Julian Herranz đã từng là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giải Thích các Văn Bản Luật từ năm 1994 đến năm 2007. Ủy ban của ba vị Hồng Y được sự phối hợp của ông Domenico Giani, cận vệ của Đức Thánh Cha và 100 hiến binh Vatican.

Ngày 19 tháng Năm, trong cuốn sách “Le Carte Segrete Di Benedetto XVI”, tức là những tài liệu mật của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ký giả Gialuigi Nuzzi tung ra khoảng 100 tài liệu được lấy cắp ngay trên bàn làm việc của Đức Giáo Hoàng.

Sau một tháng điều tra, chiều thứ Tư 23 tháng Năm, hiến binh Tòa Thánh đã bắt Paolo Gabrielle quản gia phủ Giáo Hoàng sau khi thu được tại nhà ông những tài liệu lấy cắp của Đức Thánh Cha. Sáng ngày thứ Năm, Tòa Thánh đã tổ chức ngay cuộc họp báo mặc dù cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.

Ngày 30 tháng Năm, đích thân Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đề cập trực tiếp về vấn đề này.

Đức Thánh Cha nói:

"Các sự kiện trong những ngày gần đây liên quan đến Giáo triều và các cộng tác viên của tôi đã mang lại nỗi buồn trong trái tim tôi. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng bất chấp sự yếu đuối của con người, bất chấp những khó khăn và thử thách, Giáo Hội luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, và Chúa sẽ không bao giờ ngưng ban phát những trợ giúp của Ngài trong việc duy trì Giáo Hội trên cuộc lữ hành trần thế.

Tuy nhiên, một số tin đồn hoàn toàn vô căn cứ, được khuếch đại bởi một số phương tiện truyền thông, đã đi quá xa các sự kiện, đưa ra một bức tranh về Tòa Thánh không tương ứng với thực tế. Vì thế, tôi muốn nhắc lại ở đây sự tin tưởng và sự khích lệ của tôi đối với những cộng tác viên của mình, là những người ngày qua ngày, với lòng trung thành và một tinh thần hy sinh, đang lặng lẽ giúp đỡ tôi trong việc thực hiện sứ vụ của mình. "

Nhiều nhà quan sát tin rằng vụ Vatileaks nhằm làm mất uy tín của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Thật vậy, đã có một trào lưu của báo chí Italia kêu gọi Đức Hồng Y từ chức. Tuy nhiên, hôm 04 Tháng Bảy, Đức Thánh Cha đã viết một lá thư bày tỏ tin tưởng hoàn toàn của mình đối với Đức Hồng Y.

Ngày 24 tháng 7, luật sư của Gabriele cho biết ông đã gửi một lá thư cho Đức Giáo Hoàng xin tha thứ và nói rằng ông đã hành động một mình không có đồng phạm bên ngoài.

3.      Một số sai lầm và ngộ nhận xung quanh vụ Vatileaks.

Tin tức về các tài liệu của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma bị rò rỉ là vấn đề thời sự được đăng tải mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, dòng chảy liên tục của thông tin xem ra không làm sáng tỏ vấn đề mà trái lại đang có xu hướng mang lại rất nhiều ngộ nhận và thậm chí cả những bóp méo sai thực tế rất xa. Dưới đây là một số vấn đề phổ biến nhất.

Sai lầm đầu tiên là quan điểm cho rằng khoảng 100 tài liệu bị rò rỉ là "các tài liệu đầy tai tiếng". Nội dung của các tài liệu này không có gì là tai tiếng hết cả. Trong các tài liệu này, đa số các tác giả viết thư cho Đức Giáo Hoàng để đề nghị các phương hướng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Giáo Hội.

Một số tài liệu và thư từ bao gồm các yêu cầu để được Đức Thánh Cha tiếp kiến, và các báo cáo liên quan đến các nhận định hay những quan điểm cá nhân của những vị có trách nhiệm trong Giáo Hội về những vấn đề thời sự trên thế giới, là những vấn đề đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Các tài liệu này khá trực tiếp và không luôn luôn theo các quy định lễ tiết nhất định nào, vì các tác giả của các tài liệu giả định rằng chỉ có Đức Giáo Hoàng sẽ đọc các văn bản ấy.

Sai lầm thứ hai cho rằng các tài liệu bị rò rỉ đưa ra một hình ảnh tiêu cực về Đức Giáo Hoàng và đó là một cuộc tấn công chống lại Đức Thánh Cha. Thực tế, các tài liệu này đưa ra một hình ảnh tích cực về Đức Thánh Cha. Chúng cho thấy rằng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, ngài luôn tham khảo các ý kiến sâu sắc của các cộng tác viên của mình.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng hành vi đánh cắp và xuất bản các văn bản đánh cắp như thế là một hành vi vô luân trầm trọng. Đây không phải chỉ là một sự xúc phạm đến sự kín đáo riêng tư mà bất kỳ ai cũng có quyền được hưởng nhưng còn là một sự chà đạp lương tâm của những người ngỏ lời với Đức Thánh Cha trong tư cách ngài là vị Đại diện Chúa Kitô và là một sự xúc phạm đối với sứ vụ của người Kế Vị Thánh Phêrô.

Sai lầm thứ ba cho rằng "Vatican được chia thành hai nhóm tranh giành quyền lực với nhau." Các tài liệu bị rò rỉ thực sự liên quan đến các chủ đề rất đa dạng với các mức độ quan trọng rất khác biệt. Như trong các guồng máy hành chính khác, luôn có những ý kiến khác nhau. Nhưng điều này không nên nhầm lẫn với thái độ thù địch nội bộ.

Sai lầm thứ tư cho rằng ông Paolo Gabriele, là quản gia của Đức Giáo Hoàng, sẽ được xét xử bởi một tòa án của Giáo Hội. Điều này là không đúng, vì người quản gia này được xét xử bởi tòa án dân sự của Quốc Gia thành của Vatican. Các vị quan toà không phải là các linh mục hay là những vị trong hàng giáo sĩ, nhưng là các giáo dân là các chuyên gia pháp luật hay giáo sư của các trường Đại học Ý.

Sai lầm thứ năm cho rằng người quản gia sẽ được xử bí mật. Tại thời điểm này, một thẩm phán đã ra một “gag order”, tức là một án lệnh không công bố các chi tiết trong tiến trình điều tra. Nhưng nếu ông quyết định khởi tố người quản gia này trong một phiên tòa, thì phiên tòa đó chắc chắn phải diễn ra công khai trong đó người quản gia này sẽ được chọn hai luật sư bào chữa.

Nhiều phương tiện truyền thông cho rằng Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ ban hành một ân xá cho người quản gia. Tại thời điểm này, đây vẫn chỉ là một giả thuyết. Trước đây, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tha thứ cho Ali Agca là người đã bắn vào ngài. Mặc dù hai trường hợp hoàn toàn khác biệt. Không loại trừ khả năng Đức Giáo Hoàng có thể ân xá cho ông Paolo Gabriele. Nhưng cũng không thể khả định khả năng đó chắc chắn sẽ xảy đến.

4.      Đồng hồ đếm ngược cho biến cố khai mạc Năm Đức Tin

Để chào mừng kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng 10. Đây là một thời gian thuận tiện cho người Công giáo nghiên cứu và đào sâu hơn về đức tin.

Đồng hồ đếm ngược cho biến cố này đã bắt đầu xuất hiện trên trang web đã được tạo ra bởi Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa.

Trên trang Web này ta có thể tìm thấy các thông điệp chính của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả tông thư Porta Fidei, tức là Cánh Cửa Đức Tin trong đó ngài mời gọi các tín hữu trên toàn thế giới tham gia tích cực vào Năm Đức Tin. Trang web cũng cung cấp các văn bản ban đầu của Vatican II trong 12 ngôn ngữ, cũng như những bài giáo lý trực tuyến, và các văn bản và video các bài giáo lý chính của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Ngoài ra còn có một lịch với các sự kiện lớn được tổ chức trên toàn thế giới trong năm nay. Trang Web cũng giải thích nhiệm vụ của Hội đồng Giáo hoàng trẻ tuổi này cho Tân Phúc Âm Hóa, được thành lập vào năm 2010 bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Các trang web có thể được xem bằng tiếng Anh và tiếng Ý. Nhiều ngôn ngữ khác sẽ được thêm vào theo thời gian. Năm Đức Tin cũng có thể theo dõi trên hầu hết các mạng xã hội như facebook và twitter.

Địa chỉ của trang Web: http://www.annusfidei.va

5.      Đức Giáo Hoàng khuyến khích các tín hữu đào sâu đức tin trong kỳ nghỉ mùa hè

Trong kinh Truyền Tin tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói rằng kỳ nghỉ là thời điểm tốt để tận dụng lợi thế nhằm đào sâu đức tin của chúng ta.

"Trong những ngày đầy lo lắng và các vấn đề, và cả trong những ngày nghỉ ngơi và thư giãn, Chúa mời gọi chúng ta không quên rằng điều cần thiết phải lo lắng là sao cho có đủ nguyên liệu và các lực phục hồi, thậm chí phải gia cố lại nền tảng hầu tăng trưởng mối quan hệ với Thiên Chúa, tăng cường đức tin của chúng ta nơi Ngài là "bánh mì của cuộc sống chúng ta".

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích rằng đức tin phải là cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu.

"Đức tin là nền tảng. Đây không phải là việc theo đuổi một ý tưởng, hoặc một dự án, nhưng để tìm thấy Chúa Giêsu như là một con người sống động và trở nên sẵn sàng dấn thân hoàn toàn cho Chúa và Tin Mừng của Ngài. "

Trước khi kết thúc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng hôm Chúa Nhật là lễ cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả. Ngài kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria hỗ trợ tất cả người Công giáo trong cuộc hành trình đức tin của họ.

6.      Một linh mục đã cứu hàng trăm người Do Thái trong Thế chiến thứ II bằng cách cải trang họ thành chủng sinh

Năm 1943, giữa cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã kêu gọi các tổ chức Công giáo giúp đỡ người Do Thái đang bị chế độ Quốc xã của Hitler truy bắt.

Tại Rôma, một trong những người đã liều mạng sống của họ là cha Francesco Bertoglio, vào thời gian đó là hiệu trưởng Đại Chủng viện Giáo Hoàng Lombard. Vị hiệu trưởng Đại Chủng viện Giáo Hoàng Lombard hiện nay nói rằng lúc đó hàng trăm người Do Thái đã được đưa lén vào trong trường. Họ được cho ăn mặc giả như các chủng sinh để cho họ hòa mình vào môi trường. Dù vậy nhưng vẫn có người đã làm gián điệp từ bên ngoài chủng viện.

Cha Tullio CITRINI, Hiệu trưởng Đại Chủng viện Giáo Hoàng Lombard, nói:

"Một đêm trước Giáng sinh năm 1943, một số người của Hitler đã đến và bắt đi một số người Do Thái. Không nhiều lắm, bởi vì họ đã được dấu kỹ."

Cha cựu Hiệu trưởng đã cố gắng ngăn chặn hành động này. Cha tuyên bố chủng viện là một vùng trung lập và quân đội Đức không được vào. Tuy nhiên, sự chống cự của cha đã dẫn đến việc chính cha cũng bị bắt.

Cha Tullio CITRINI nói thêm:

"Đêm đó, họ cũng đã bắt cha Hiệu Trưởng. Tuy nhiên sau đó ngài được trả tự do bởi vì Đức Ông Montini, từ Phủ Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, đã gửi một người nào đó thay mặt ngài đến trình bày để quân Đức phải thả cha."

Một số người khác tìm cách thoát khỏi bằng cách đáp xe điện từ quảng trường và sau đó đến ẩn trú trong Đền Thờ Đức Bà Cả tại Roma.

Hơn 70 năm sau đó, sự can đảm khi liều mạng sống của mình để cứu người Do Thái bị ngược đãi của vị linh mục này đã được công nhận. Khi ngài được thụ phong giám mục, ngài đeo một cây thánh giá là món quà do những người Do Thái đã được ngài cứu giúp đã trao tặng.

Cha Francesco Bertoglio đã qua đời vào năm 1970. Ba mươi năm sau đó, Nhà nước Israel đã truy tặng cho ngài danh hiệu "Người Công Chính Giữa Các Dân Nước'' vì đã liều mạng sống của mình cho những người Do Thái.

7.      Nước Ý lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo ở Nigeria

Sau nhiều cuộc tấn công nhằm vào các Kitô hữu tại Nigeria, dân chúng nơi đó đang sống trong sự sợ hãi vô cùng.

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng báo động sau khi các cuộc tấn công khủng bố ồ ạt nổ ra. Nổ bom trong nhà thờ và tấn công người Kitô hữu khắp mọi nơi khiến người Kitô hữu phải có những hành động tự vệ. Đức Thánh Cha đã lên tiếng xin các tín hữu Kitô nên giữ bình tỉnh.

Bộ Ngoại giao Ý và thành phố Rôma đã thành lập một Cơ quan Theo Dõi Tình Hình Tự do Tôn giáo để bảo vệ các thiểu số tôn giáo trên toàn thế giới. Tại cuộc họp này, trong đó có tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Ý, họ kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công.

Giulio Terzi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý tuyên bố:

"Chúng ta phải nhớ nguyên tắc cơ bản mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích: Tự do tôn giáo không phải là độc quyền cho các tín hữu, nhưng thuộc toàn bộ gia đình nhân loại trên thế giới. Đó là một yếu tố thiết yếu trong một thể chế pháp luật. Hạn chế tự do ấy ảnh hưởng mạnh đến tất cả các quyền tự do khác. "

Cơ quan Theo Dõi Tình Hình Tự do Tôn giáo Ý cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một nỗ lực quốc tế để xây dựng sự hiệp nhất, đặc biệt là trong số những người trẻ.

Những người tham dự hội nghị mong muốn nước Ý đóng một vai trò quan trọng trong việc khẳng định tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Họ hy vọng việc này sẽ là một ví dụ cho các quốc gia khác.

Gianni ALEMANNO, Thị trưởng Thành Phố Rôma nhận xét:

"Mỗi khi tự do tôn giáo bị đặt thành vấn đề, thì đó là một dấu hiệu cho thấy tất cả các giá trị và nguyên tắc của con người đang bị đe dọa."

Bạo lực chống Kitô hữu người Nigeria chủ yếu là do bàn tay của nhóm khủng bố Boko Haram, khi họ muốn đặt đất nước theo luật Sharia. Ý và các quốc gia khác của cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực với hy vọng ngăn chặn điều này.

8.      50 nghệ sĩ của nhóm Progetto Arte Poli tạo khuôn mặt mới cho nhà thờ

Trong suốt 60 năm, nghệ sĩ Ý Albano Poli đã làm việc để tân trang thẩm mỹ của các nhà thờ Công giáo cũng như cổ võ việc suy niệm thông qua nghệ thuật.

Từ phòng trưng bày nghệ thuật của mình tại Rôma, ông tạo ra các cửa sổ kính màu, khảm và tượng cùng với một nhóm nghệ sĩ được biết tên là Progetto Arte Poli. Đó là một đội ngũ khoảng 50 người ở Verona, Ý.

ANDREA MEZZETTI Trợ lý nhóm Progetto Arte Poli, nói:

"Khoảng 80 đến 90% công việc của chúng tôi liên quan đến Giáo Hội. Từ mặt trời mọc đến hoàng hôn, chúng tôi suy nghĩ là làm thế nào để đem đến một ý nghĩa lớn hơn trong phụng vụ. Chúng tôi cũng giúp đỡ các linh mục để làm thế nào cho việc cử hành Thánh Thể trong ngày Lễ Chúa Nhật được sâu sắc thêm , trong mọi nghi thức tôn giáo. "

Trong số các tác phẩm nghệ thuật tại phòng trưng bày, có một bức tranh khảm khổng lồ của Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đặc điểm khuôn mặt của Ngài. Ngoài ra còn có khảm hình Chúa Kitô phục sinh làm bằng đá cẩm thạch kết nối bằng nhiều mặt khác nhau.

Đội ngũ nghệ sĩ này đã gây tiếng vang quốc tế do các tác phẩm của họ và đã được gửi đến những nơi như Nhật Bản, Ba Tây, Mể Tây Cơ, Đức, Pháp và gần đây nhất ở Chí Lợi.

ANDREA MEZZETTI, Trợ lý nhóm Progetto Arte Poli, phát biểu:

"Chúng tôi đang làm một số công việc quan trọng tại Coquimbo, Chí Lợi, là nơi dựng lên một Thập tự lớn nhất ở châu Mỹ Latinh. Đó là Thánh Giá của thiên niên kỷ thứ ba, gần 300 feet chiều cao (91m44cm) và do Ramón Bravo sáng tạo. Chúng tôi đã được yêu cầu làm cánh cửa bằng đồng cho đền thờ này và một bức tượng bằng đồng của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ".

Nhóm Progetto Arte Poli cũng chịu trách nhiệm cho việc thiết kế lễ phục cho các linh mục mặc trong Thánh Lễ.

Các tác phẩm nghệ thuật chính xác của họ cho thấy rằng sau hình thức mỹ thuật còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nửa.

9.      Đức Giáo Hoàng dự một buổi hòa nhạc do các vũ công truyền thống của Đức trình diễn tại Castel Gandolfo

Đức Hồng Y Reinald Marx và giáo phận Munich đã chuẩn bị buổi hòa nhạc này làm một món quà cho Đức Giáo Hoàng Buổi hòa nhạc diễn ra tại Castel Gandolfo, nơi Đức Giáo Hoàng đang nghỉ hè, đã bao gồm khiêu vũ và âm nhạc truyền thống từ quê hương của Đức Giáo Hoàng.

10.    Một Quan tòa tại Colorado ra lệnh tạm đình chỉ việc tuân hành Sắc Lệnh Ngừa Thai

Trong một phán quyết pháp lý đầu tiên liên quan đến Sắc Lệnh Ngừa Thai của chính quyền Obama, một thẩm phán tại Colorado đã ra lệnh tạm thời ngưng việc thi hành quy định mới sau khi một Công ty làm lò sưởi tại Colorado đâm đơn kiện là việc thi hành quy định này vi phạm tự do tôn giáo của họ.

Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng Tám yêu cầu chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người lao động phải bao gồm các chi phí ngừa thai, và thuốc men chăm sóc tránh thai cho phụ nữ.

Lệnh của Tòa chỉ giới hạn cho Công ty Hercules vì công ty này nộp đơn kiện. Lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác hoặc các nhóm tôn giáo phi lợi nhuận vì phải thực hiện quy định mới này. Các công ty không hợp tác sẽ bị buộc phải trả tiền phạt $ 100 mỗi ngày cho mỗi nhân viên.

Hiện tại có hơn 20 vụ kiện trên khắp đất nước về Sắc Lệnh Ngừa Thai của Bộ Y tế.

11.    Đức Giáo Hoàng gửi thông điệp đến người Hồi giáo nhân kết thúc tháng Ramadan

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một thông điệp tới người Hồi giáo nhân kết thúc tháng Ramadan. Thông điệp được ký bởi Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên Tôn.

Trong thông điệp, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục thanh niên Hồi giáo và Kitô Giáo về công lý và hòa bình. Ngài cũng yêu cầu những người trẻ tuổi của cả hai tôn giáo hãy hun đúc "tự do và chân lý" để xây dựng một nền văn hóa tôn trọng các quyền và phẩm giá của mỗi người dân.

12.    Gặp gỡ Đức Hồng Y đã phục vụ tại Việt Nam

Từ khi còn trẻ, Đức Hồng Y Edwin O'Brien đã trực tiếp nhìn thấy những khó khăn trong cuộc sống. Trước khi làm Tổng Giám Mục Baltimore, ngài đã từng là Tổng Giám Mục Quân Đội, đúng vào thời điểm chiến tranh Iraq và Afghanistan bùng nổ. Sau khi thụ phong linh mục, Ngài đã phục vụ với tư cách là cha tuyên úy trong chiến tranh Việt Nam.

Đức Hồng Y Edwin O 'Brien Tổng Quyền Hiệp Sĩ Thánh Mộ, nói:

''Tôi làm lễ kết hôn cho Sinh Viên Sĩ Quan sau khi họ tốt nghiệp và trong vòng một năm, tôi lại làm lễ an táng cho họ vì họ đã được thuyên chuyển đến Việt Nam. Tôi hỏi Đức Hồng Y của tôi nếu tôi có thể tham gia trực tiếp vào quân đội với tính cách là một tuyên úy không. "

Khi Đức Tổng Giám Mục O'Brien được phong chức Hồng Y vào tháng Hai, ngài đã nhận được một mũ mới bằng lụa đỏ và một danh hiệu mới. Tuy nhiên Ngài nói rằng, đối với Ngài, nhiều sự việc vẫn tiến hành như trước.

Đức Hồng Y Edwin O 'Brien nói:

"Có thể đó là một danh hiệu cao hơn những gì tôi đã có, nhưng tựu trung tôi không cảm thấy khác nhau gì cả".

Ngoài nhiệm vụ là một Hồng Y, Ngài còn kiêm luôn chức Tổng Quyền Hiệp Sĩ Thánh Mộ. Hiêp hội giáo dân này có khoảng 30.000 thành viên rải rác khắp mọi nơi trên thế giới. Thông qua Giáo Hội, các thành viên này hỗ trợ các Kitô hữu bị thiệt thòi đang sống ở Thánh Địa. Trong các cuộc hành hương, họ có cơ hội nhìn thấy tận mắt những người mà họ đang giúp đỡ.

Đức Hồng Y Edwin O 'Brien nói:

"Chính phủ đã đặt ra các hạn chế nghiêm trọng về đi lại, về lao động, về sở hữu tài sản và các Kitô hữu sống tại Thánh Địa cảm thấy mình giới hạn trong nhiều cách."

Trớ trêu thay, khi các Kitô hữu bản địa tìm cách trốn khỏi Đất Thánh do những hạn chế này thì các Kitô hữu từ các quốc gia khác đang tìm cách nhập cư vào Israel, hy vọng tìm được cơ hội có việc làm tốt hơn.

Hiện tại, với trách nhiệm mới nhất của mình, Đức Hồng Y O'Brien hy vọng có sự gia nhập đông đảo hơn của các thành viên vào Hiệp Hội, nhằm giảm thiểu khó khăn cho các điều kiện sống của các Kitô hữu tại Đất Thánh. Ngài đang có kế hoạch đi đến Israel, một lần nữa, có thể là vào mùa thu.

13.    Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16: Có thể công bố thông điệp mới cho Năm Đức Tin

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã viết xong quyển cuối của bộ sách về Chúa Giêsu thành Nazareth thiên về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Sách đang được dịch từ tiếng Đức ra tất cả các ngôn ngữ chính và sẽ được phát hành cùng một lúc.

Có thêm nguồn tin là Ngài có thể viết một thông điệp cho Năm Đức Tin.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã viết ba thông điệp. Thông điệp đầu tiên vào năm 2005, ''Thiên Chúa là tình yêu" (''Deus Caritas Est"). Sau đó, ''Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng" (''Spe Salvi") đã được ban hành năm 2007 và cuối cùng ''Bác ái trong sự thật" (''Caritas in Veritate'') năm 2009.

Sau các thông điệp về Bác ái và Hy vọng, kế tiếp có thể là Đức tin, đặc biệt năm nay Giáo Hội đi vào năm Đức tin nằm trong chương trình Tân Phúc Âm hóa, nhằm mục đích phát huy sâu sắc trong đức tin.

14.    Tổng thống Obama nhận lời mời đến nói chuyện tại một buổi dạ tiệc từ thiện Công Giáo do Đức Hồng Y Dolan tổ chức

Tổng thống Obama dự kiến tham dự buổi dạ tiệc từ thiện Al Smith tổ chức hàng năm tại Nữu Ước vào tháng mười. Ông nhận lời tham dự buổi tiếp tân này theo lời mời của Tổng Giám Mục Nữu Ước, Đức Hồng y Timothy Dolan .

Buổi dạ tiệc được tổ chức hàng năm và thường mời đương kim Tổng Thống và ứng viên tổng thống thuộc đảng đối lập. Năm 2008, Barack Obama và John McCain đều tham dự, với Đức Hồng Y Edward Egan ngồi giữa hai người. Tuy nhiên, năm nay người ta không rõ Ông Mitt Romney có tham dự hay không.

Việc mời Tổng thống Obama là một sự kiện đáng ngạc nhiên vì Đức Hồng Y Dolan đã là một trong những tiếng nói mạnh mẻ hàng đầu chống đối bộ luật về Bảo hiểm sức khỏe do Nhà Trắng chủ trương, trong đó bắt buộc các trường Cao đẳng Công giáo và Nhà Thương tài trợ việc ngừa thai.

15.    Trung Quốc phản ứng sau Báo cáo về Tự Do Tôn Giáo của Mỹ

Năm nay báo cáo về tự do tôn giáo do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành đã đặc biệt chú trọng đến các nước như Iran, Bắc Triều Tiên, và Trung Quốc.

Trung Quốc trả lời sau đó, nói rằng bảng báo cáo này là một sản phẩm của "kiêu ngạo và sự thiếu hiểu biết" của Hoa Thịnh Đốn.

Báo cáo cho biết có một "sự thoái hóa trầm trọng trong năm 2011", nêu lên các cuộc đàn áp tại khu vực Tây Tạng và khu vực miền Tây của Trung Quốc là nơi cư trú của nhiều người Hồi giáo.

Báo cáo nêu lên việc 12 tu sĩ phật tử đã tự thiêu để phản đối sự hạn chế của chính phủ trong việc thờ phượng và quyền tự do.

Các quan chức Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời của họ thông qua các cơ quan thông tấn Nhà nước và nói rằng báo cáo là "một công cụ chính trị được sử dụng để gây áp lực lên các nước khác".
nguồnvietcatholic.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons