HÃY SÁM HỐI VÀ TIN MỪNG

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

HÃY HỒI SINH NIỀM HY VỌNG VÀO ĐỨC KITÔ NƠI TÂM HỒN MỌI NGƯỜI

PopeFrancis-26Mar2016-06.jpg

Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa Phục Sinh là niềm hoan lạc lớn nhất của chúng ta — Người luôn song hành cùng chúng ta và không bao giờ để chúng ta phải gục ngã.
 Hãy làm hồi sinh niềm hy vọng vào Đức Kitô nơi tâm hồn những người trong thế giới ngày nay đang mang gánh nặng u sầu và đang phải chiến đấu đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô huấn dụ trong bài giảng Canh Thức Vượt Qua tối nay tại Vương cung Thánh đường thánh Phê-rô.


Đức Thánh Cha đánh dấu nghi thức phụng vụ thánh thiêng nhất trong lịch Giáo hội bằng lời kêu gọi những người hiện diện hãy trở thành “những người tôi tớ hân hoan trông đợi”, hãy thể hiện “Thiên Chúa Phục Sinh bằng cuộc sống và tình yêu của chúng ta.” Ngài nói; nếu chúng ta không thể hiện cuộc sống được như vậy hay chỉ đơn thuần tuyên tín bằng miệng sẽ biến Giáo Hội thành “một tổ chức quốc tế thuần túy có đông đảo thành viên với những luật lệ tốt đẹp, nhưng lại không thể khơi dậy được niềm hy vọng mà thế giới đang trông chờ."

Đức Thánh Cha nói, “Thiên Chúa Phục Sinh là niềm hoan lạc lớn nhất của chúng ta. Người luôn song hành cùng chúng ta và không bao giờ để chúng ta phải gục ngã. Và Ngài nhấn mạnh rằng niềm cậy trông của chúng ta có thể được tăng thêm sức mạnh qua việc nhớ lại những công trình của Thiên Chúa, sự trung tín của Người và Lịch sử Tình yêu Cứu độ của Người cho chúng ta.” Đức Thánh Cha nói tiếp, “Lời hằng sống của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vào lịch sử tình yêu này, nuôi dưỡng sự cậy trông của chúng ta và lấy lại niềm vui mừng hân hoan cho chúng ta.”
Trong Canh thức Vượt qua, Đức Thánh Cha đã cử hành bí tích gia nhập Hội thánh cho 12 tân tòng đến từ Ý, Albania, Cameroon, Hàn Quốc, Ấn độ và Trung hoa.

Yong Joon Lee, Đại sứ Hàn quốc tại Ý và phu nhân là Hee Kim là hai trong số những người được Đức Thánh Cha Phanxico ban bí tích gia nhập Hội Thánh tối nay. Bốn người từ Albania, đây là nhóm đông nhất đến từ đất nước có dân số đa phần theo đạo Hồi.

Một trong những người đọc sách thánh trong Canh thức Vượt qua là Tiffany Nemanich thuộc giáo phận Joliet, tiểu bang Illinoise. Nemanich bị hội chứng Prader-Willi Syndrome (ND: hội chứng cuồng ăn), một rối loạn gien.

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Phê-rô vội chạy ra mồ” (Lc 24:12). Những ý tưởng nào đã lóe lên trong đầu Phê-rô, và thôi thúc con tim của ông khi ông chạy ra mồ? Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng 11 tông đồ, gồm cả Phê-rô, đã chẳng tin lời chứng của các người phụ nữ, lời loan báo sự Phục sinh của Chúa. “Đối với họ những lời này nghe như chuyện cổ tích kể lúc nhàn rỗi” (đ. 11). Tuy nhiên trong lòng Thánh Phê-rô vẫn hồ nghi, cùng với những lo lắng khác: nỗi buồn trước cái chế của người Thầy kính yêu và sự chán chường vì đã chối thầy ba lần trong Cuộc Thương Khó của Người.

Tuy nhiên có những dấu chỉ một sự thay đổi trong ông: sau khi nghe những người phụ nữ kể lại và không tin lời họ, “Phê-rô đã đứng dậy” (đ. 12). Ông không chịu bảo thủ trong cách nghĩ; ông không ngồi nguyên trong nhà như những tông đồ khác. Ông không chịu cúi đầu khuất phục trước cái không khí ảm đạm của những ngày đó, cũng như không để cho đầu óc mình bị những hoài nghi lấn át. Ông không để cho nỗi sợ hãi, lòng bi thương hay những lời đồn thổi chế ngự mình. Ông đi tìm Thầy của mình, ông không tìm bản thân ông. Ông thích chọn con đường gặp gỡ và tín thác. Và vì thế ông đã trỗi dậy, như chính con người của ông, và chạy về phía ngôi mồ mà từ nơi đó khi trở về ông đã “kinh ngạc” (đ. 12). Điều này đánh dấu bước khởi đầu của sự phục sinh của Phê-rô, sự phục sinh của con tim. Không để cho con tim mình ngụp lặn trong u sầu và bóng đêm, ông giành chỗ cho niềm hy vọng: ông để cho ánh sáng của Thiên Chúa đi vào tâm hồn mình, ông không để ngọn lửa đó bị lụi tàn.

Cả hai người phụ nữ cũng vậy, hai bà đã thức dậy sớm để làm những công việc vì lòng kính yêu, mang dầu thơm ra mồ, cũng đã có những tâm trạng tương tự. Họ đã “sợ hãi và cúi mặt xuống”, nhưng rồi họ đã bừng tỉnh khi nghe lời của Thiên sứ: “Tại sao các ngươi lại tìm người sống giữa những kẻ chết?” (đ. 5).
Chúng ta cũng vậy, cũng như Thánh Phê-rô và những người phụ nữ, không thể tìm ý nghĩa cuộc sống trong tâm trạng u sầu, đánh mất sự hy vọng. Chúng ta đừng giam mình vào trong cái tôi của mình, nhưng hãy mở toang những ngôi mộ bị niêm phong trong tâm hồn chúng ta để Thiên Chúa có thể đi vào và chúc phúc cho đời sống chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Người những tảng đá oán hận của mình cùng những sỏi đá quá khứ của chúng ta là những khối đá nặng nề do những yếu đuối và vấp ngã của chúng ta. Đức Ki-tô muốn đến và dẫn dắt chúng ta trong tay Người để chúng ta thoát khỏi ách thống khổ. Và đây là tảng đá đầu tiên chúng ta phải đẩy sang một bên trong đêm nay: thiếu vắng lòng cậy trông làm chúng ta tự giam mình vào cái tôi của mình. Nguyện xin Thiên Chúa đoái thương giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy này, thoát khỏi tình trạng là người Ki-tô hữu không có lòng cậy trông, là người sống như thể Thiên Chúa chưa hề Phục sinh, và dường như mọi vấn đề trở ngại luôn là tâm điểm của cuộc sống.

Chúng ta đã chứng kiến vấp phải và sẽ còn tiếp tục chứng kiến những khó khăn trong cuộc sống của riêng chúng ta và xung quanh chúng ta. Những khó khăn đó vẫn sẽ luôn hiện hữu. Nhưng đêm nay điều quan trọng trên tất cả cho mỗi chúng ta là hãy thắp lên ánh sáng của Đức Ki-tô Phục Sinh trên những khó khăn cuộc đời của chúng ta, và trong phạm vi nhất định, hãy “thánh hóa” chúng. Chúng ta đừng để cho bóng tối và những sợ hãi làm chao đảo và kiểm soát chúng ta; chúng ta hãy kêu to lên trước những thách thức cuộc sống: Đức Ki-tô “Người không còn ở đây, nhưng Người đã sống lại!” (đ. 6). Người là nguồn hoan lạc lớn nhất đời ta; Người luôn ở bên ta và sẽ không bao giờ để chúng ta phải vấp ngã.

Và đây là nền tảng cho sự cậy trông của chúng ta, nó không đơn thuần là tính lạc quan, cũng không phải là một trạng thái tâm lý hay ý chí của cuộc sống dũng. Sự cậy trông của người Ki-tô hữu là một món quà của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nếu chúng ta biết thoát ra khỏi con người xác thịt của mình và mở cửa tâm hồn cho Người. Lòng cậy trông này không làm chúng ta thất vọng vì Thánh Thần đã tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta (Rom 5:5). Chúa Thánh Thần không làm cho mọi sự trở nên hấp dẫn. Người cũng chẳng tống khứ tội lỗi bằng một cây đũa thần. Nhưng Người tuôn đổ vào trong tâm hồn chúng ta thần khí cuộc sống, thần khí cuộc sống này cũng không có nghĩa là thoát khỏi những gian khổ, nhưng là được yêu thương và được tha thức bởi Đức Ki-tô, Người đã vì chúng ta mà chiến thắng tội lỗi, cái chết và sự khiếp sợ. Hôm nay chúng ta vui mừng kỷ niệm niềm cậy trông của chúng ta, kỷ niệm chân lý: không điều gì và không ai sẽ có thể chia cách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người (Rom 8:39).

Đức Ki-tô vẫn đang ở giữa chúng ta và Người muốn chúng ta cất bước đi tìm Người giữa cuộc đời này. Khi đã tìm thấy Người, Người sai mỗi chúng ta ra đi để loan báo Tin mừng Phục sinh, để đánh thức và làm hồi sinh sự hy vọng trong tâm hồn những người đang mang gánh nặng u sầu, cho những người đang phải chiến đấu để tìm ý nghĩa cuộc sống. Đây là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết trong thế giới hôm nay. Nhưng chúng ta đừng tuyên xưng cái tôi của chúng ta. Vượt lên trên tất cả chúng ta hãy là những người tôi tớ hân hoan trông đợi đi loan báo Đức Ki-tô Phục sinh bằng chính đời sống và tình yêu của chúng ta; nếu không chúng ta sẽ chỉ đơn thuần là một tổ chức quốc tế thuần túy có đông đảo thành viên với những luật lệ tốt đẹp, nhưng lại không thể khơi dậy được niềm hy vọng mà thế giới đang trông chờ.”

Làm cách nào để chúng ta có thể tăng thêm sức mạnh cho niềm hy vọng của chúng ta? Nghi thức đêm nay gợi mở cho chúng ta một số hướng dẫn. Nghi thức đêm nay nhắc nhở chúng ta nhớ lại những công trình của Thiên Chúa. Các bài đọc mô tả sự trung tín của Thiên Chúa, lịch sử tình yêu cứu độ của Người cho chúng ta. Lời hằng sống của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vào lịch sử tình yêu này, nuôi dưỡng sự cậy trông của chúng ta và làm hồi sinh sự vui mừng hân hoan cho chúng ta. Kinh Thánh hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta điều này: để khơi dậy niềm hy vọng trong tâm hồn những người phụ nữ, Thiên thần đã bảo họ: “Các ngươi hãy nhớ lại điều Đức Giê-su đã nói với các ngươi” (đ. 6). Xin cho chúng ta đừng quên Lời của Người và công trình của Người. Xin cho chúng ta luôn nhớ đến một Thiên Chúa, sự nhân hậu của Người và Lời ban sự sống của Người. Xin cho chúng ta luôn ghi nhớ những điều này và biến đổi cuộc sống của chúng ta, để chúng ta trở nên những người lính canh buổi sáng biết cách giúp anh em nhìn thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa Phục Sinh.

Thưa anh chị em, Đức Ki-tô đã sống lại! Xin cho chúng ta biết mở cửa tâm hồn để đón nhận niềm hy vọng và lên đường. Xin cho việc cử hành việc tưởng nhớ những công trình của Người và Lời Người là ánh sao sáng dẫn bước chúng ta trên con đường Đức tin tiến về sự Phục sinh muôn đời.

PopeFrancis-26Mar2016-05.jpg

PopeFrancis-26Mar2016-04.jpg


PopeFrancis-26Mar2016-01.jpg

PopeFrancis-26Mar2016-03.jpg

PopeFrancis-26Mar2016-02.jpg

PopeFrancis-26Mar2016-07.jpg

TƯỜNG THUẬT CỦA EDWARD PENTIN 26/03/2016
[Văn bản gốc: tiếng Ý]
[Dịch từ bản tiếng Anh; nguồn: ncregister.com

[Người dịch: TRI KHOAN 27/03/2016]

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | JCPenney Coupons